Lịch Sử Dân Tộc Mỹ
15. TỰ LỰC TRONG NHỮNG THỜI KHẮC GIAN LAO
Cuộc chiến chỉ mới vừa kết thúc, đó là vào tháng 2 năm 1919, ban lãnh đạo của Hiệp hội Công nhân Công nghiệp Quốc tế (Industrial Workers of the World − IWW) bị giam trong nhà lao, song tư tưởng của IWW về một cuộc tổng đình công đã trở thành hiện thực trong năm ngày tại Seattle, bang Washington, khi cuộc bãi công với sự tham gia của 100 nghìn người lao động đã khiến mọi hoạt động trong thành phố ngưng trệ.
Nó khởi đầu bằng cuộc đấu tranh đòi tăng lương của 35 nghìn công nhân xưởng đóng tàu. Những người này hưởng ứng theo lời kêu gọi của Tổng Công đoàn Lao động Seattle (Seattle Central Labor Council) về một cuộc bãi công rộng khắp trong thành phố, và trong vòng hai tuần đã có 110 thành viên địa phương – chủ yếu thuộc Liên đoàn Lao động Hoa Kỳ (American Federation of Labor − AFL) và một số ít là thành viên của IWW − biểu quyết ủng hộ. Các thành viên trong mỗi khu vực tiêu biểu bầu ra ba người tham gia Ủy ban Tổng bãi công (General Strike Committee) và vào lúc 10 giờ sáng, ngày 6 tháng 12 năm 1919, cuộc đình công bắt đầu.
Đoàn kết không phải là thứ dễ dàng đạt được. Nhóm công nhân của IWW mâu thuẫn khá sâu sắc với những công nhân thuộc AFL. Những công nhân người Nhật Bản cũng được phép tham gia vào Ủy ban Tổng bãi công nhưng không có quyền biểu quyết. Tuy nhiên, chỉ có 40 nghìn công nhân hưởng ứng tham gia cuộc đình công, 60 nghìn người còn lại trong liên đoàn vẫn đứng ngoài cuộc.
Nhóm công nhân Seattle vốn nổi tiếng là cực đoan. Trong suốt cuộc đấu tranh, chủ tịch của AFL tại Seattle, một nhà xã hội học, đã bị bắt giam và tra tấn vì phản đối bản dự thảo, và ngay lập tức rất nhiều công nhân đổ ra đường diễu hành để tỏ rõ sự phản đối.
Giờ đây mọi hoạt động của toàn thành phố đều bị ngưng trệ, ngoại trừ một vài công việc phục vụ cho những nhu cầu thiết yếu được đoàn người tham gia đình công sắp xếp. Lính cứu hỏa chấp thuận tiếp tục làm việc. Công nhân xưởng giặt là chỉ nhận
phục vụ cho các bệnh viện. Các phương tiện giao thông có dấu “Chấp thuận của Ủy ban Tổng bãi công” mới được phép lưu thông. Có 35 trạm phân phát sữa được thành lập quanh các khu vực lân cận. Hàng ngày, 30 nghìn bữa ăn được chuẩn bị trong những nhà bếp lớn, sau đó được vận chuyển tới tất cả các sảnh ăn tự phục vụ trong thành phố, mỗi người tham gia đình công chỉ phải trả 25 xu cho một bữa ăn, còn những người dân bình thường là 35 xu.
Một binh đoàn tự vệ bao gồm những cựu binh lao động được thiết lập để duy trì an ninh. Trên mỗi chiếc bảng đen đặt tại các trụ sở chính của binh đoàn có ghi dòng chữ: “Mục đích của tổ chức này là duy trì luật pháp và trật tự mà không phải dùng đến vũ lực. Không tình nguyện viên nào được phép sử dụng quyền hạn của cảnh sát cũng như mang theo vũ khí dưới bất kỳ hình thức nào, mà chỉ được dùng lời nói để thuyết phục.” Trong suốt cuộc bãi công, tỷ lệ tội phạm trong thành phố giảm đi rõ rệt. Tổng tư lệnh quân đội Hoa Kỳ đã gửi lời tán dương tới Ủy ban Tổng bãi công rằng đây là lần đầu tiên trong suốt 40 năm, ông ta được tận mắt chứng kiến một thành phố yên tĩnh và trật tự đến như vậy. Một bài thơ của tác giả với bút danh Anise được đăng tải trên tờ Seattle Union Record (tờ nhật báo do người lao động xuất bản):
Điều làm họ sợ nhất
Đó là CHẲNG Có Gì XẢY RA!
Họ sẵn sàng
Để TRỖI DẬY.
Họ có những khẩu súng máy
Và những chiến binh,
Nhưng những NỤ CƯỜI LẶNG LẼ đó
thật vĩ đại.
Những kẻ con buôn kia
Sẽ không hiểu được
Vũ khí đó là gì…
Đó là NỤ CƯỜI của bạn
Đó là sự QUẬT KHỞI
Chỗ dựa của họ
Là trên nòng pháo, hỡi người anh em!
Đó là những chuyến xe rác
Vẫn đi dọc trên phố
Được đóng dấu: “Chấp thuận
Của Ủy ban Tổng bãi công”
Đó là những trạm phân phát sữa
Đang tốt hơn từng ngày
Và ba trăm
Cựu binh lao động chiến tranh
Đang kiểm soát những đám đông
Mà KHôNG CẦN VŨ KHí
Những điều đó là tiếng nói
Của một SỨC MẠNH MỚI
Và một THẾ GIỚI MỚI
Điều mà họ không cảm nhận được
Khi ở trong nhà.
Thị trưởng thành phố đã cam kết trước 2.400 đặc phái viên mà rất nhiều người trong số họ là sinh viên Đại học Washington. Gần một nghìn thủy thủ và lính thủy quân lục chiến được đưa đến thành phố dưới sự điều động của chính phủ Hoa Kỳ. Theo như Ủy ban Tổng bãi công, cuộc tổng bãi công kết thúc sau năm ngày bởi sức ép đến từ các nhà lãnh đạo quốc tế thuộc các liên đoàn khác nhau, cũng như những khó khăn khi phải sống trong một thành phố bị bế quan tỏa cảng hoàn toàn.
Cuộc đấu tranh ban đầu diễn ra trong hòa bình. Nhưng khi nó kết thúc, đó là sự lùng sục và bắt bớ: trong các cơ quan đầu não của Đảng Xã hội và trong một xí nghiệp in ấn. Tổng cộng 39 thành viên của IWW bị giam giữ với tội danh “lãnh đạo chóp bu của nhóm gây bạo loạn”.
Tại Centralia, Washington, nơi IWW thành lập công đoàn công nhân gỗ, giới chủ các nhà máy xẻ gỗ đã lên kế hoạch thanh trừ IWW. Ngày 11 tháng 11 năm 1919, thời điểm ký hiệp định chấm dứt Chiến tranh thế giới thứ nhất, một binh đoàn được trang bị ống cao su và vòi khí gas diễu hành qua thị trấn, IWW đã sẵn sàng đón nhận cuộc tấn công. Khi binh đoàn này tiến tới đại sảnh của IWW, tiếng súng vang lên và không ai biết bên nào nổ súng trước. Đại sảnh bị bao vây, trận đấu súng diễn ra dữ dội hơn, ba binh sỹ thiệt mạng.
Bên trong trụ sở là Frank Everret, thành viên của IWW, vốn là thợ đốn gỗ, từng chiến đấu trên chiến trường nước Pháp. Everret mặc quân phục và mang theo một khẩu súng rifle (loại súng trường có nòng xẻ rãnh). Anh ném nó về phía đám đông rồi chạy về phía cánh rừng, theo sau là đám đông binh sỹ. Khi sắp sửa lội qua sông, thấy dòng nước chảy xiết, anh quay lại, bắn chết viên sỹ quan dẫn đầu rồi quăng khẩu súng
xuống nước và chiến đấu với đám binh sỹ đó bằng nắm đấm. Chúng kéo lê anh sau xe ôtô, chạy vào thành phố và treo anh lên cột điện báo, rồi lại thả xuống, nhốt vào nhà lao. Đêm hôm đó, cánh cửa nhà lao mở ra, anh bị kéo lê và vứt lên xe. Chúng cắt bỏ bộ phận sinh dục rồi treo cái xác chi chít lỗ đạn của anh lên thành cầu.
Không có ai bị bắt vì cái chết của Everret, nhưng 11 thành viên của IWW bị buộc tội âm mưu ám sát sỹ quan chỉ huy binh đoàn trong cuộc diễu hành, sáu người trong số họ bị kết án 15 năm tù.
Tại sao điều tồi tệ đó lại xảy ra với cuộc tổng bãi công và với những thành viên của IWW? Lời nhận định của thị trưởng thành phố Seattle đã ám chỉ rằng giới cầm quyền không chỉ sợ cuộc bãi công mà còn sợ biểu tượng bên trong cuộc đình công đó. ông ta nói:
Cái gọi là cuộc bãi công ủng hộ ở thành phố Seattle thực chất là một cuộc cách mạng bất thành. Cho dù không xảy ra bạo động thì cũng không thể chối cãi được sự thật đó… Mục đích của nó, dù được tuyên bố công khai hay lén lút, là để lật đổ hệ thống công nghiệp; ở đây trước, rồi sau đó là những nơi khác… Sự thật là, không có nổ súng, không có đánh bom, không có giết chóc. Cách mạng, tôi nhắc lại, không nhất thiết phải dùng tới vũ lực. Cuộc tổng bãi công, như những gì đã diễn ra ở Seattle, tự bản thân nó là vũ khí của cách mạng, thậm chí nó còn nguy hiểm hơn bởi lẽ tất cả đều diễn ra âm thầm. Để thành công, nó phải ngăn chặn mọi thứ; dừng toàn bộ dòng chảy sinh mệnh của một cộng đồng… Điều đó để nói rằng, nó sẽ làm Chính phủ bị tê liệt. Và có nghĩa là tất cả chúng là một cuộc khởi nghĩa – cho dù có đạt được điều gì chăng nữa.
Bên cạnh đó, cuộc tổng bãi công tại Seattle được phát động giữa lúc làn sóng cách mạng thời hậu chiến đang dâng cao trên toàn thế giới. Tác giả cuốn The Nation (Đất nước) bình luận về những năm tháng này như sau:
Hiện tượng phi thường nhất vào thời điểm đó… là sự nổi dậy chưa từng có của những con người bình thường…
Tại nước Nga, nó đã lật đổ sự thống trị của Sa hoàng… Ở Triều Tiên, Ấn Độ, Ai Cập và Ailen, nó tiếp tục duy trì tinh thần chiến đấu quật cường với nền chính trị độc tài. Nó thúc giục cuộc bãi công phản đối quyết định của giới quản lý Anh quốc trong ngành đường sắt. Tại hai thành phố Seattle và San Francisco, nó kêu gọi công nhân bốc vác từ chối vận chuyển vũ khí và quân nhu được dùng vào mục đích lật đổ chính quyền Xôviết. Tại một quận thuộc bang Illinois, những người thợ mỏ thể hiện tinh thần đấu tranh khi quyết tâm cùng nhau đưa những kẻ điều hành chính phủ “xuống địa ngục”. Tại Pittsburg, theo như Gompers lãnh đạo của AFL buộc phải chấp thuận cuộc đình công trong ngành công nghiệp thép vì không muốn quyền kiểm soát rơi vào tay IWW cùng “những kẻ cực đoan” khác. Ở New York, tinh thần đấu tranh đó được thể hiện bằng cuộc đình công của nhóm công nhân khuân vác tại bến tàu. Họ đã xuống đường biểu tình phản đối giới quan chức liên đoàn, tạo nên sự biến động trong ngành công nghiệp in ấn − điều mà giới quan chức quốc tế, dù những chủ doanh nghiệp có quan hệ mật thiết với họ, cũng không thể nào kiểm soát được.
Những con người bình thường đó… những người đang đánh mất niềm tin vào giới lãnh đạo cũ, được trải nghiệm sự tự tin hay chí ít là không ngại hiểm nguy, sẵn sàng nắm lấy cơ hội của cuộc đời mình… quyền quyết định giờ đây không còn bị áp đặt bởi những kẻ có địa vị cao nữa, mà nó đến từ chính những con người mang trên mình địa vị thấp kém.
Cuối năm 1919, trong các nhà máy thép ở Tây Pennsylvania, công nhân phải làm những công việc nặng nhọc suốt 12 tiếng một ngày, sáu ngày một tuần trong cái nóng khủng khiếp. Trong đó, có tới 100 nghìn công nhân thép thuộc 20 công đoàn lao động khác nhau. Ủy ban Quốc gia đã cố gắng liên kết các công nhân vào một tổ chức được thành lập mùa hè năm 1919 − “những con người đang buông xuôi đó hiểu rằng nếu chúng tôi không làm gì để giúp đỡ họ, họ sẽ tự mình giải quyết vấn đề”.
Ủy ban Quốc gia nhận được thư tín của một người thuộc Ủy ban Công nhân thép Johnstown, trong đó viết: “Nếu Ủy ban không chấp nhận thông qua một cuộc đình công trên toàn quốc ngay trong tuần này, chúng tôi đành phải tự mình tiến hành bãi
công ngay tại đây.” William Z. Foster (vào thời điểm đó đang giữ chức vụ thư ký kiêm thủ quỹ cho Ủy ban Quốc gia phụ trách vấn đề tổ chức, sau trở thành một nhà lãnh đạo Cộng sản) nhận được một bức điện từ những người tổ chức nghiệp đoàn tại Youngstown: “Chúng tôi không hy vọng có thể tiếp cận được nhóm công nhân đang phẫn nộ, họ sẵn sàng gọi chúng tôi là kẻ phản bội nếu như cuộc đình công bị trì hoãn.”
Mặc dù Tổng thống Woodrow Wilson và chủ tịch AFL, Samuel Gompers, đã gây sức ép nhằm ngăn chặn cuộc biểu tình, nhưng công nhân quá quyết liệt. Kết quả là vào tháng 9 năm 1919, không chỉ 100 nghìn công nhân thuộc các liên đoàn mà còn có tới 250 nghìn người khác tham gia đấu tranh.
Cảnh sát trưởng hạt Allegheny đã tuyên thệ trước 5 nghìn người lao động đại diện cho ngành công nghiệp thép của nước Mỹ, những người không tham gia biểu tình, và tuyên bố rằng các cuộc mít-tinh ngoài trời sẽ bị cấm. Một báo cáo của Phong trào Tôn giáo Thế giới được thực hiện vào thời điểm đó cho biết:
Tại Monessen, chủ trương của cảnh sát bang chỉ đơn thuần là ngăn chặn đám đông xuống đường biểu tình và buộc họ phải quay về nhà… Tại Braddock… bất cứ người nào tham gia biểu tình tụ tập ở đường sẽ bị bắt ngay vào nhà lao và giam giữ qua đêm… Nhiều người đã bị bắt giữ tại New Castle… họ sẽ không được thả cho tới khi cuộc đình công chấm dứt.
Sở Tư pháp bắt đầu vào cuộc, tiến hành các cuộc vây bắt nhằm vào nhóm công nhân ngoại quốc, bắt giữ và trục xuất họ về nước. Quân đội liên bang được cử tới Gary và Indiana.
Những người tham gia biểu tình phải đối mặt với rất nhiều sự chống đối. Hầu hết trong số họ là dân nhập cư, thuộc nhiều quốc tịch và ngôn ngữ khác nhau. Tổ chức Sherman Service, được các tập đoàn thép thuê để ngăn chặn đình công, đã ra chỉ thị cho người của mình ở Nam Chicago như sau: “Chúng tôi muốn các anh gây mâu thuẫn càng nhiều càng tốt giữa nhóm biểu tình người Serbia và người ý. Hãy tung tin
đồn trong nhóm Serbia rằng những người ý sẽ quay lại làm việc… Đôn đốc bọn họ quay trở lại nếu không công nhân ý sẽ giành hết công việc của họ.” Hơn 30 nghìn công nhân gốc Phi được đưa tới khu vực diễn ra biểu tình với tư cách là những người ngăn chặn cuộc đình công – trước đó họ đã bị khai trừ khỏi AFL nên dĩ nhiên họ sẽ không trung thành với chủ trương của liên đoàn này.
Khi cuộc biểu tình kéo dài, tâm trạng thất vọng dần lan truyền, công nhân bắt đầu từ bỏ hy vọng và trở lại làm việc. Mười tuần sau, số lượng người biểu tình rút xuống còn 110 nghìn người, lúc này Ủy ban Quốc gia mới kêu gọi chấm dứt cuộc đình công.
Một năm sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, 120 nghìn công nhân ngành dệt tổ chức đình công tại New England và New Jersey, 30 nghìn lao động tơ lụa biểu tình tại Paterson, New Jersey. Ở Boston, cảnh sát xuống đường biểu tình. Tại New York, thợ cuốn xì-gà, thợ may, thợ mộc, thợ làm bánh mỳ, tài xế, thợ cạo cùng đấu tranh đòi quyền lợi. Giới báo chí thành phố Chicago đã mô tả: “Các cuộc đình công, các vụ đóng cửa ngày càng tăng song hành cùng cái nóng mùa hè dữ dội như chưa bao giờ có.” Năm nghìn công nhân thuộc công ty International Harvester và năm nghìn công nhân trong thành phố cùng có mặt trên các con phố.
Tuy nhiên, vào đầu những năm 1920, tình trạng đó dần dần được kiểm soát. IWW bị giải tán, Đảng Xã hội sụp đổ. Các cuộc bãi công bị đàn áp bằng vũ lực và nền kinh tế chỉ đáp ứng ở mức vừa đủ cho một nhóm công nhân nhất định nhằm ngăn ngừa các cuộc nổi loạn lớn.
Vào những năm 1920, Quốc hội đã ngăn chặn và chấm dứt làn sóng nhập cư nguy hiểm và ồ ạt (ước tính lên tới 14 triệu người trong những năm 1900-1920) bằng cách thông qua đạo luật quy định các hạn ngạch giới hạn số lượng. Hạn ngạch này ưu tiên cho người Anglo-Saxon, ngăn cản người da đen và da vàng, hạn chế tối đa nhóm người gốc Latinh, Slav và Do Thái. Các nước châu Phi được phép nhập cư không quá 100 người. Hạn ngạch nhập cư dành cho các quốc gia như Trung Quốc, Bungary, Palestin cũng dừng lại ở con số 100. Số lượng người nhập cư từ Anh và Bắc Ailen là 34.007; ý là 3.845 người; Đức là 51.277; Lithunia chỉ có 124; Cộng hòa Ailen là 28.567;
và Nga là 2.248.
Đảng 3K cũng được hồi sinh trong những năm 1920 và nhanh chóng mở rộng về phía Bắc. Năm 1924, số lượng thành viên trong đảng lên tới 4 triệu người. Hội NAACP (Hội Thăng tiến Người da màu) dường như bất lực với các đám đông bạo lực và tình trạng phân biệt chủng tộc đang dấy lên khắp nơi. Người da đen không bao giờ được coi là bình đẳng với người da trắng – đó là chủ đề chính của phong trào dân tộc dưới sự lãnh đạo của Marcus Garvey trong những năm 1920. ông thuyết giảng về niềm tự hào của người da đen, tình trạng chia cắt sắc tộc và sự quay trở lại quê hương Châu Phi, một điều mà theo ông là niềm hy vọng cũng như con đường sống sót duy nhất của cộng đồng cư dân gốc Phi. Nhưng phong trào của Garvey, cho dù đã truyền cảm hứng đấu tranh cho những người da đen, vẫn không thể chiến thắng được dòng xoáy quyền lực tối thượng mạnh mẽ của những người da trắng trong một thập kỷ sau chiến tranh.
Có một vài thực tế ẩn đằng sau bức tranh tráng lệ được vẽ nên bởi sự giàu sang, bởi thời đại của dòng nhạc Jazz vui nhộn − được mệnh danh là Roaring Twenties . Tỷ lệ thất nghiệp giảm, từ 4.270 nghìn năm 1921 xuống còn chưa đầy 2 triệu vào năm 1927. Mức lương cơ bản của công nhân được tăng lên. Một số nông dân kiếm được rất nhiều tiền. 40% gia đình với mức thu nhập trên 2. nghìn đô-la mỗi năm có thể mua được các đồ dùng tiện nghi mới như ôtô, máy cát-sét, tủ lạnh. Hàng triệu người thoát khỏi cảnh sống nghèo đói – và họ có thể xóa tan đi hình ảnh những con người khốn khổ khác – những nông dân làm thuê da đen hay da trắng, những gia đình di dân trong các thành phố lớn bị thất nghiệp và không kiếm đủ tiền để chi trả cho các nhu cầu thiết yếu.
Tuy nhiên, sự giàu sang chỉ tập trung trong tay một số ít những người có địa vị cao nhất. Trong giai đoạn 1922-1929, thu nhập bình quân tính theo đầu người trên thực tế chỉ tăng 1,4%/năm, trong khi lợi nhuận của giới chủ sở hữu phần lớn cổ phần tăng tới 16,4%. Sáu triệu gia đình (chiếm 42% dân số nước Mỹ) có thu nhập bình quân hàng năm ít hơn 1 nghìn đô-la. Theo báo cáo của Viện Khảo cứu Brookings Institution, tổng thu nhập của 42% gia đình nằm trong nhóm có địa vị thấp nhất chỉ bằng thu nhập của một phần mười trong số 1% gia đình có địa vị cao nhất. Trong những năm
1920, mỗi năm có khoảng 15 nghìn công nhân bị chết bởi tai nạn lao động và 100 nghìn người khác mang thương tật suốt đời. Hai triệu người phải sống trong các khu chung cư cũ nát không khác gì những khu ổ chuột của thành phố New York.
Trên khắp nước Mỹ, đâu đâu cũng có các thị trấn công nghiệp nhỏ như Muncie, Indiana, những nơi mà theo như Robert và Helen Lynd (trong công trình nghiên cứu Middletown), hệ thống giai cấp được thể hiện ở chính thời điểm mọi người thức dậy: khoảng hai phần ba gia đình trong thành phố có cảnh “người cha tỉnh giấc trong đêm đông tối mịt, ăn sáng vội vàng lúc rạng đông ảm đạm và đi làm trước khi những đứa trẻ đến trường từ một hoặc hai tiếng mười lăm phút”.
Số lượng những kẻ giàu có đủ để đẩy những người khác xuống cảnh nghèo túng. Và khi người giàu kiểm soát mọi phương tiện phân phối thông tin, ai sẽ là người phát ngôn đây? Nhà sử học Merle Curti đã nhận xét về giai đoạn những năm 1920 như sau:
Sự thật là, chỉ có trên 10% dân số thật sự được hưởng sự gia tăng rõ rệt trong thu nhập. Song những phản kháng thường không được lan truyền rộng rãi cũng như không được hưởng ứng mạnh mẽ. Đó là một phần kết quả của chiến lược quan trọng mà các đảng phái chính trị lớn đưa ra. Đồng thời cũng là một phần kết quả tất yếu của thực tế rằng tất cả các phương tiện chính chuyển tải ý kiến người dân giờ đây đều bị kiểm soát bởi các ngành công nghiệp xuất bản quy mô lớn.
Một số cây bút đã cố gắng vượt qua khó khăn đó, như Theodore Dreiser, Sinclair Lewis, Lewis Mumford. Trong bài báo “Echoes of the Jazz Age” (Tiếng vang của thời đại nhạc Jazz), F. Scott Fitzgerald đã viết như sau: “Toàn bộ một phần mười đất nước này đang được hưởng cái quyền được sống vô tư, thoải mái và sự buông thả của những cô gái trong dàn hợp xướng.” Dường như ông nhìn thấy những dấu hiệu tồi tệ mà sự thịnh vượng mang lại: rượu chè, sự đau khổ và bạo lực:
Một người giết hại vợ mình rồi tự sát ở Long Island, một người khác “vô tình” ngã xuống từ một tòa nhà chọc trời ở Philadelphia, người khác nữa thì “cố tình” nhảy ra khỏi tòa nhà chọc trời khác ở thành phố New York. Một người bị sát hại ngay tại cửa
hàng bán rượu lậu ở Chicago; người khác sau khi bị đánh đập dã man tại cửa hàng rượu lậu New York đã cố gắng lê lết tới Princeton Club rồi chết tại đó. Một người vẫn mang trên đầu vết sẹo do một gã khùng trong trại thương điên dùng rìu bổ vào.
Sinclair Lewis đã thấu hiểu cái vỏ bọc giàu sang giả tạo ấy cũng như sự ham thích nông cạn những thứ hàng hóa mới, xa xỉ dành cho tầng lớp trung lưu. Những điều đó được Lewis mô tả trong cuốn tiểu thuyết Babbitt như sau:
Đó là loại đồng hồ tốt nhất được quảng cáo trên khắp cả nước, được sản xuất với số lượng lớn, với rất nhiều chức năng và tiện ích hiện đại, như tiếng chuông nhà thờ, đổ chuông liên tục, mặt đồng hồ phát quang. Babbitt cảm thấy tự hào khi được đánh thức bởi loại thiết bị đắt tiền ấy. Nói rộng ra, nó cũng đáng giá như việc mua một chiếc lốp xe đắt tiền vậy.
Giờ đây, Babbitt bi quan thừa nhận rằng chẳng còn lối thoát nào nữa, nhưng gã vẫn chối bỏ và ghê tởm sự nhàm chán của công việc kinh doanh bất động sản, căm ghét gia đình và căm ghét chính bản thân mình vì đã căm ghét tất cả những thứ đó.
Năm 1920, sau các cuộc vận động lâu dài và bền bỉ, phụ nữ cuối cùng đã giành được quyền bầu cử với việc chính phủ thông qua Tu chính án số 19, song bầu cử lúc đó vẫn được xem là hoạt động của giới trung lưu và thượng lưu. Eleanor Flexner, khi kể lại chi tiết lịch sử của phong trào, đã nhắc đến kết quả mà quyền bầu cử dành cho phụ nữ mang lại như sau: “Những người phụ nữ đã cho thấy họ cũng có quyền được đứng ngang hàng với các cử tri nam giới trong việc phân chia các đảng phái chính thống.”
Một vài nhân vật chính trị đã lên tiếng bảo vệ quyền lợi cho người nghèo. Một trong số đó là Fiorello La Guardia, nghị sỹ Quốc hội đến từ thị trấn của những người nhập cư đói khổ ở East Harlem (người mà, một cách kỳ lạ, có tên trên các lá phiếu của cả Đảng Xã hội và Đảng Cộng hòa). Vào giữa những năm 1920, ông được người dân trong thị trấn cho biết về giá cả đắt đỏ của thịt. Khi La Guardia yêu cầu Bộ trưởng Nông nghiệp là William Jardine điều tra nguyên nhân, vị bộ trưởng này liền gửi cho ông một cuốn sách nhỏ hướng dẫn cách để tiết kiệm thịt. La Guardia viết lại:
Tôi nhờ ngài giúp đỡ, còn ngài thì gửi cho tôi một cuốn sách bé tẹo. Người dân ở New York không thể nuôi sống con cái họ với mấy thứ sách đó của Bộ… Những cuốn sách bé tẹo của ngài… chẳng có chút ích lợi gì đối với người dân trong cái thành phố to đùng này. Các bà nội trợ ở New York đã được đào tạo quá đủ với những kinh nghiệm khốn khổ về cách tiết kiệm thịt này rồi. Cái chúng tôi muốn ở Bộ các ngài là làm việc với mấy tên đầu cơ thịt, những kẻ đang ngăn cản những cư dân của thành phố này có được nguồn dinh dưỡng thiết yếu.
Trong suốt hai nhiệm kỳ tổng thống của Handing và Coolidge vào những năm 1920, Andrew Mellon giữ chức vụ Bộ trưởng Tài chính, đồng thời là một trong những người giàu có nhất nước Mỹ. Năm 1923, bản “Kế hoạch Mellon” (Mellon Plan) kêu gọi giảm thuế thu nhập được trình lên Quốc hội. Dự thảo luật đó cho phép một số cá nhân có thu nhập cao nhất được hưởng mức giảm thuế suất từ 25-50%, trong khi mức thuế suất mà những người có thu nhập thấp đang phải gánh chịu chỉ giảm từ 3-4%. Một số nghị sỹ Quốc hội đến từ các thị trấn của tầng lớp lao động đã lên tiếng phản đối dự luật này. Đại biểu William P. Connery, bang Massachusetts, phát biểu:
Tôi sẽ không để cho công dân của tôi, những người đang làm việc tại các nhà máy đóng giày ở Lynn, trong các nhà xưởng ở Lawrence và trong ngành công nghiệp da ở Peabody, đang sống trong những năm tháng được gọi là sự phồn vinh của nền Cộng hòa phải suy nghĩ về việc tôi nhất trí với những điều khoản trong dự luật này… Khi trông thấy một điều khoản trong bản dự thảo thuế Mellon, thứ sẽ giúp Mellon thoát khỏi khoản thuế thu nhập 800 nghìn đô-la của bản thân ông ta và 600 nghìn đô-la của em trai ông ta, tôi không thể cho phép mình ủng hộ nó.
Kế hoạch Mellon cuối cùng vẫn được thông qua. Năm 1928, sau khi đi thị sát các khu vực nghèo khổ của thành phố New York, La Guardia nói: “Thú thật là, tôi không được chuẩn bị sẵn sàng cho những gì mà mình đã trông thấy. Thật không thể nào tin được rằng những cảnh đói nghèo ấy đang thật sự tồn tại.”
Những câu chuyện về các cuộc đấu tranh quyết liệt của người lao động đôi lúc lại bị chôn vùi bởi những bản tin thời sự ca ngợi sự thịnh vượng của những năm 1920. Năm
1922, các thợ mỏ và công nhân ngành đường sắt tổ chức đình công. Thượng nghị sỹ Burton Wheeler của bang Montana, một thành viên được bầu bởi đa số phiếu của người lao động, đã đến thăm khu vực bãi công và báo cáo:
Tôi đã dành cả ngày dài để lắng nghe không biết bao nhiêu câu chuyện thương tâm của những người phụ nữ bị các công ty than đuổi ra khỏi căn nhà của chính họ. Tôi lắng nghe những lời van nài của những em bé tội nghiệp khóc đòi mẩu bánh mỳ. Rồi đứng lặng mình kinh hãi khi được kể về những người đàn ông bị đánh đập dã man bởi đám cảnh sát tư nhân. Điều đó thật đáng căm phẫn…
Năm 1922, cuộc bãi công của những người công nhân ý và Bồ Đào Nha bị thất bại, song ý thức giai cấp đã được nhen nhóm và một số người quyết định tham gia các phong trào cấp tiến. Luigi Nardella nhớ lại:
… anh trai cả của tôi, Guido, đã khơi ngòi cuộc bãi công. Anh ấy bẻ tay quay của chiếc máy dệt vải trong nhà máy Royal Mills, đi hết khu vực này tới khu vực khác, vừa đi vừa hô vang “Đấu tranh! Đấu tranh”… Khi cuộc đình công bắt đầu, chúng tôi không có bất kỳ tổ chức công đoàn nào. Cánh con gái chúng tôi tập hợp lại thành một nhóm, cùng nhau đi hết nhà máy này tới nhà máy khác, và buổi sáng hôm đó, năm nhà máy phải đóng cửa. Chúng tôi tìm đến những công nhân nữ trong các nhà máy, rồi hô vang: “Đình công! Đình công!”, sau đó chúng tôi tiếp tục đi tới những nơi khác…
Một người từ Liên đoàn Lao động trẻ (Young Workers’ League) đến khảo sát và mời tôi tham dự một buổi mít-tinh, tôi đồng ý. Sau đó, tôi gia nhập liên đoàn và một vài năm sau tôi trở thành thành viên của câu lạc bộ Risorgimento Club tại Providence. Chúng tôi chống lại chủ nghĩa phát-xít. Tôi đã diễn thuyết trên các góc phố, mang theo một chiếc ghế, đứng lên đó và trò chuyện cùng đám đông sôi nổi. Chúng tôi cũng là những người tiên phong trong phong trào ủng hộ Sacco và Vanzetti …
Sau chiến tranh, với sự suy yếu của Đảng Xã hội, Đảng Cộng sản đã được thành lập và những người Cộng sản được phép tham gia tổ chức của Liên hiệp Công đoàn Giáo
giục (Trade Union Education League − TUEL). Mục tiêu của liên hiệp này là tạo dựng và nuôi dưỡng tinh thần đấu tranh bên trong nội bộ AFL. Một đảng viên Cộng sản tên là Ben Gold, thuộc nhóm công nhân ngành da thú của TUEL, đã lên tiếng thách thức nhóm lãnh đạo AFL trong một cuộc họp, ngay lập tức anh bị bắt giữ và đánh đập. Năm 1926, anh cùng một số đảng viên Cộng sản khác tổ chức một cuộc đấu tranh dành cho công nhân ngành da thú. Dòng người biểu tình vấp phải sự ngăn cản của cảnh sát, song bất chấp bị đánh đập và bắt giữ, họ vẫn tiếp tục đấu tranh, cho đến khi các nhà máy chấp nhận tăng lương và giảm giờ làm xuống còn 40 tiếng một tuần.
Mùa xuân năm 1929, các cuộc đấu tranh lớn trong ngành dệt dưới sự lãnh đạo của những người Cộng sản đã nhanh chóng lan rộng sang Carolinas và Tennessee. Giới chủ sở hữu các nhà máy buộc phải di chuyển về miền Nam nhằm trốn tránh các công đoàn cũng như tìm kiếm nguồn nhân công mới, lệ thuộc hơn trong số những người da trắng nghèo khổ. Tuy nhiên, các công nhân vẫn kiên trì đấu tranh đòi tăng lương và giảm giờ làm. Họ đặc biệt phẫn nộ với chính sách “làm thêm nhưng không được hưởng lương” của các nhà máy – và xem đó là một hình thức bóc lột. Chẳng hạn, trước đây một người thợ phải làm việc trên 24 chiếc máy dệt với mức lương 18,91 đô-la một tuần, nhưng khi mức lương được tăng lên 23 đô-la, giới chủ ép buộc người thợ đó vận hành tới cả trăm chiếc máy, rồi vắt kiệt sức lực của anh ta bằng tốc độ làm việc chóng mặt.
Những cuộc đình công đầu tiên của công nhân ngành dệt diễn ra tại Tennessee, 500 người phụ nữ tại một nhà máy đã đổ ra đường biểu tình phản đối chế độ lương 9-10 đô-la một tuần. Sau đó, tại Gastonia và Bắc Carolina, công nhân, bao gồm cả người da trắng và da đen, đã cùng tham gia Công đoàn Công nhân Dệt Quốc gia (National Textile Workers Union) dưới sự lãnh đạo của các đảng viên Đảng Cộng sản. Khi một vài người bị sa thải, khoảng một nửa trong số hai nghìn công nhân đã đổ ra đường biểu tình phản đối. Bầu không khí bài trừ Cộng sản cùng nạn phân biệt chủng tộc ngày càng lan rộng và bạo lực hoành hành ở khắp nơi. Các cuộc biểu tình của công nhân ngành dệt nhanh chóng lan tới Nam Carolina.
Các cuộc biểu tình khác nhau lần lượt được tổ chức và đã giành một số thắng lợi, nhưng không phải tại Gastonia. Ở đó, những người công nhân sống trong các khu lều trại đã từ chối sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, nhưng cuộc đình công vẫn được tiến hành. Song, cuộc đấu tranh đó bị một số kẻ ngầm phá hoại và rốt cuộc các nhà máy vẫn tiếp tục hoạt động. Sự tuyệt vọng ngày càng hiện rõ cùng với số lượng các vụ xung đột đẫm máu với cảnh sát ngày càng tăng. Vào một đêm, viên cảnh sát trưởng bị thiệt mạng trong một cuộc đấu súng và 16 người tham gia biểu tình bị buộc tội giết người, trong đó có Fred Real, một trong những người thành lập Đảng Cộng sản. Cuối cùng, bảy người trong số đó bị đưa ra xét xử và lần lượt lĩnh án từ 5-20 năm. Sau khi được tại ngoại nhờ đóng tiền bảo lãnh, họ nhanh chóng rời khỏi bang và những người Cộng sản đã bỏ trốn sang Liên bang Xôviết.
Năm 1929, thị trường chứng khoán sụp đổ, mở đầu cho thời kỳ Đại suy thoái trên toàn nước Mỹ. Khởi đầu từ nạn đầu cơ bừa bãi và thiếu thận trọng, cuộc khủng hoảng đã kéo theo sự sụp đổ của toàn bộ nền kinh tế. Tuy nhiên, trong nghiên cứu The Great Crash (Đại suy thoái), John Galbraith nhận định rằng có một sự thật ẩn chứa đằng sau nạn đầu cơ ấy, đó là “nền kinh tế về căn bản không hoàn thiện”. ông chỉ ra sự yếu kém trong tổ chức và cơ cấu ngân hàng, sự thiếu vững chắc trong ngoại thương, các thông tin kinh tế sai lệch cùng việc “phân phối thu nhập không công bằng” (khoảng 5% số người có địa vị cao nhất nắm giữ một phần ba tổng thu nhập của toàn dân số).
Một nhà phê bình xã hội đã tiến xa hơn khi nói rằng hệ thống tư bản chủ nghĩa xét về bản chất còn nhiều khiếm khuyết: một hệ thống được điều khiển bởi động cơ xem trọng lợi nhuận hơn tất thảy và do đó nó hoàn toàn không mang tính ổn định, khó đoán trước cũng như không chú ý đến nhu cầu của con người. Và kết quả mà tất cả những thứ đó mang lại là sự suy sụp vĩnh viễn của nhiều người, cùng các cuộc khủng hoảng mang tính định kỳ cho hầu hết tất cả mọi người. Chủ nghĩa tư bản, cho dù có cố gắng cải cách và cơ cấu nhằm kiểm soát tốt hơn thì vẫn luẩn quẩn trong một hệ thống ốm yếu và không đáng tin cậy của năm 1929.
Sau giai đoạn khủng hoảng, nền kinh tế bị chao đảo, gần như giẫm chân tại chỗ. Hơn
năm nghìn nhà máy dệt bị đóng cửa và vô số các ngành kinh doanh khác, do không thể tạo ra lợi nhuận, cũng buộc phải ngừng hoạt động. Các doanh nghiệp tiếp tục sa thải công nhân và cắt giảm tiền công của những người ở lại, hết lần này tới lần khác. Sản xuất nông nghiệp giảm 50%, và vào năm 1933, có khoảng 1,5 triệu người (không ai nắm được con số chính xác) – chiếm khoảng một phần ba hoặc một phần tư lực lượng lao động – rơi vào tình trạng thất nghiệp. Công ty Ford Motor, vào mùa xuân năm 1929 có tới 128 nghìn công nhân, đến tháng 8 năm 1931 chỉ giữ lại khoảng 37 nghìn người. Cuối năm 1930, gần một nửa trong số 280 nghìn công nhân dệt ở New England không có việc làm. Cựu Tổng thống Calvin Coolidge đã bình luận về tình trạng đó với sự từng trải vốn có của mình: “Khi càng lúc càng có nhiều người bị ném ra khỏi công việc, thất nghiệp tất yếu sẽ xảy ra.” ông nhắc lại điều này vào đầu năm 1931 và nhấn mạnh: “Đất nước này đang ở trong tình trạng không tốt chút nào.”
Rõ ràng là, những người chịu trách nhiệm tổ chức nền kinh tế không biết điều gì đã xảy ra, họ cảm thấy bối rối và không muốn thẳng thắn nhìn nhận vấn đề mà chỉ viện những lý do khác nhau thay vì tìm ra khuyết điểm trong hệ thống kinh tế đó. Không lâu trước khi khủng hoảng diễn ra, Herbert Hoover đã phát biểu: “Nước Mỹ của chúng ta giờ đây đang tiến gần tới thắng lợi cuối cùng trước sự nghèo đói hơn bất cứ lúc nào và bất cứ nơi đâu trong lịch sử.” Vào tháng 3 năm 1931, Henry Ford nhận định rằng nguyên nhân của cuộc khủng hoảng là do “một người bình thường sẽ không bao giờ thực hiện tốt công việc hằng ngày trừ khi anh ta bị ép buộc và không thể nào thoát ra khỏi nó. Có rất nhiều việc để làm nếu mọi người thật sự muốn”. Vài tuần sau, ông ta quyết định sa thải 75 nghìn nhân viên.
Có tới cả triệu tấn thức ăn, nhưng việc vận chuyển và buôn bán không mang lại lợi nhuận. Các cửa hàng chất đầy quần áo, tuy nhiên chẳng có ai đủ tiền để mua chúng. Nhà ở lúc nào cũng sẵn có, nhưng luôn trong tình trạng bị bỏ trống do người dân không có khả năng trả tiền thuê và bị đuổi khỏi đó. Giờ đây họ phải sống trong những căn lều tạm bợ, quần tụ bên những bãi rác lớn tạo thành các “thành phố Hoover” .
Hàng triệu những bài phóng sự ngắn mô tả hiện thực đang diễn ra được đăng tải trên
báo chí. Đầu năm 1932, tờ New York Times đã kể lại một câu chuyện thương tâm:
Sau những cố gắng tuyệt vọng nhằm trì hoãn việc bị thu hồi căn hộ tại số 46 phố Hancock, quận Brooklyn, ngày hôm qua, Peter J. Cornell, 48 tuổi, một chủ thầu thất nghiệp và không còn đồng xu dính túi, đã ra đi vĩnh viễn trong vòng tay người vợ.
Bác sỹ cho biết cái chết của ông liên quan đến bệnh tim mạch, còn cảnh sát nói rằng một phần nguyên nhân là do nỗi đắng cay thất vọng sau những ngày dài cố gắng trong vô vọng nhằm cứu vãn bản thân mình cùng gia đình khỏi bị đẩy ra ngoài đường…
Cornell còn nợ 5 đô-la tiền thuê nhà cùng 39 đô-la trong tháng 1 mà chủ nhà đã yêu cầu trước đó. Do không kiếm đủ tiền để chi trả, một lệnh thu hồi nhà đã được đưa ra ngày hôm qua và sẽ có hiệu lực vào cuối tuần.
Sau những nỗ lực tuyệt vọng nhằm tìm kiếm sự trợ giúp từ nơi khác, Văn phòng Hỗ trợ Nhà ở (Home Relief Bureau) cho biết, sẽ không có quỹ tài trợ nào đứng ra giúp đỡ ông ta cho tới ngày 15 tháng 1.
Cuối năm 1932, một thông báo từ Winconsin được gửi tới tạp chí
The Nation:
Khắp vùng Trung Tây, sự căng thẳng giữa những người nông dân và chính quyền ngày càng dâng cao… nguyên nhân là do việc đánh thuế và buôn bán các tài sản thế chấp. Trong nhiều trường hợp, việc tịch thu tài sản đã bị một lực lượng nông dân đông đảo ngăn cản. Tuy nhiên, cho đến trước thời điểm trang trại của gia đình Cichon gần Elkhorn, bang Wisconsin, bị vây hãm bởi một nhóm cảnh sát được trang bị súng và lựu đạn cay, không có xung đột bạo lực thật sự nào xảy ra. Tài sản của Max Cichon sẽ được đem bán đấu giá, nhưng ông ta từ chối để người mua các tài sản thế chấp đó cũng như chính quyền tiếp cận nhà của mình và ngăn cản những vị khách không mời này bằng một khẩu súng ngắn. Quận trưởng cảnh sát kêu gọi Cichon chấm dứt các hành động thiếu thiện chí. Khi ông ta từ chối hợp tác, viên quận trưởng đã ra lệnh cho các sỹ quan dưới quyền nổ súng… Hiện tại, Cichon đang bị giam giữ tại một nhà tù ở
Elkhorn, còn vợ và hai đứa con của ông ta, những người đã cùng chung sống với ông ta trong căn nhà đó, được chăm sóc tại một bệnh viện khu vực. Cichon không phải là một kẻ thích gây rắc rối. ông ta tôn trọng sự riêng tư của những người hàng xóm, họ đã bầu ông ta làm thẩm phán hòa giải của thị trấn Sugar Creek. Một con người chính trực và ngay thẳng như vậy dám đứng lên chống lại chính quyền chính là lời cảnh báo rõ ràng nhất cho những rắc rối sắp xảy ra tại các vùng nông nghiệp nếu người nông dân không được trợ giúp kịp thời.
Một người sống tại chung cư trên đường số 113, khu vực East Harlem, đã gửi tới nghị sỹ Fiorello La Guardia ở Washington những dòng sau:
Ngài biết đấy, tình cảnh của tôi hiện giờ rất tệ. Tôi sống nhờ tiền trợ cấp của Chính phủ nhưng giờ thì họ ngừng rồi. Tôi thất nghiệp đã gần bảy tháng nay. Tôi hy vọng là ngài có thể làm gì đó giúp đỡ tôi… Tôi còn bốn đứa con thơ đang khao khát miếng cơm, manh áo… Đứa con gái tám tuổi của tôi ốm rất nặng và có lẽ là không qua khỏi. Tôi còn thiếu hai tháng tiền nhà và tôi sợ người ta sẽ đuổi tôi ra ngoài đường.
Tại Oklahoma, người nông dân phải tận mắt chứng kiến nông phẩm của mình đang bị bán đi sau mỗi nhát búa của người phụ trách phiên đấu giá, trang trại của họ trở nên cằn cỗi, những chiếc xe tải đến và lấy đi tất cả. John Steinback, tác giả cuốn tiểu thuyết về thời kỳ suy thoái, The Grapes of Wrath (Chùm nho uất hận), đã mô tả như sau:
Những người bị tước đoạt tài sản cùng những người nhập cư, lũ lượt kéo nhau về California, lên tới 250.300 người. Theo sau họ là đoàn xe kéo đang lừ lừ tiến về vùng đất ấy cùng dòng người vô gia cư bị đuổi khỏi căn nhà mà họ đã thuê. Và làn sóng mới ấy đang đến gần, làn sóng của những con người bị tước đoạt, không nơi nương thân, oán hận, mạnh mẽ và nguy hiểm…
Một người đàn ông vô gia cư đói lả, đang lái xe trên đường, bên cạnh là người vợ, ngồi phía sau là những đứa con gầy yếu. ông thấy những cánh đồng hoang có thể trồng cấy được nhưng lại không đem lại lợi nhuận. Cánh đồng ấy và cả vùng đất bỏ
hoang ấy chính là tội lỗi, là tội ác đang đe dọa những đứa con của ông…
Và về phía Nam, ông nhìn thấy cánh đồng cam đang mùa trĩu quả, những trái cam nhỏ, vàng óng nổi bật trên nền lá xanh thẫm. ông muốn hái một quả cho lũ trẻ, nhưng bảo vệ với súng ngắn đang đi tuần tra trên đường đã khiến ông không thể làm được việc đó. Người ta sẵn sàng đổ cam đi nếu bán không được giá…
Những con người đó đang trở nên “nguy hiểm”, như Steinback nói. Tinh thần đấu tranh đang ngày càng dâng cao. Mauritz Hallgren, trong một cuốn sách xuất bản năm 1933, Seeds of Revolt (Hạt giống cách mạng), đã cất công thu thập những bài báo viết về các sự kiện diễn ra trong khắp nước Mỹ.
England, Arkansas, ngày 3 tháng 1 năm 1931. Một cơn hạn hán kéo dài phá hủy hàng trăm trang trại ở Arkansas từ mùa hè năm trước đã kéo theo hậu quả nặng nề vào ngày hôm nay khi 500 nông dân, hầu hết là người da trắng và rất nhiều người trong số họ có vũ khí, đang tiến đến khu vực kinh doanh của thị trấn… Họ hét lớn rằng họ phải có lương thực cho gia đình và cho bản thân, đồng thời tuyên bố sẽ lấy từ các cửa hàng nếu không được cấp phát miễn phí.
Detroit, ngày 9 tháng 7 năm 1931. Mầm mống cuộc nổi loạn của 500 người thất nghiệp và bị đuổi khỏi nơi trú ngụ do không đủ tiền trang trải đã bị cảnh sát dập tắt tại quảng trường Cadillac…
Cảng Indiana, Indiana, ngày 5 tháng 8 năm 1931. 1.500 thợ thất nghiệp đã tràn vào nhà máy của công ty Fruit Growers Express, yêu cầu được làm việc để không bị chết đói. Câu trả lời của nhà máy là gọi điện cho cảnh sát và những người công nhân đã bị xua đuổi ra khỏi đó bằng dùi cui.
Boston, ngày 10 tháng 11 năm 1931. Có 20 người bị thương, trong đó ba người thương nặng khó qua khỏi và rất nhiều người bị xây xát do bị chai lọ, ống nước và đá văng vào người sau cuộc đụng độ giữa những người thợ khuân vác và nhóm chống bạo động người da đen dọc bến tàu Charlestown, -phía đông Boston.
Detroit, ngày 28 tháng 11 năm 1931. Một cảnh sát tuần tra ngã ngựa do bị một viên đá ném vào đầu, một người biểu tình đã bị bắt giữ trong vụ lộn xộn tại công viên Grand Circus sáng nay khi 2 nghìn người, cả phụ nữ và đàn ông, tụ tập thách thức lệnh của cảnh sát.
Chicago, ngày 1 tháng 4 năm 1932. 500 học sinh, hầu hết đều ốm yếu, xanh xao, ăn mặc rách rưới, diễu hành qua trung tâm thành phố Chicago tới văn phòng của Hội đồng Giáo dục để yêu cầu trường học cung cấp thực phẩm cho các em.
Boston, ngày 3 tháng 6 năm 1932. 25 đứa trẻ đói khổ đã bất ngờ tấn công và cướp đi đồ ăn trong bữa tiệc búp-phê dành cho các cựu binh trong cuộc Chiến tranh Tây Ban Nha tại buổi diễu binh thành phố Boston. Hai xe cảnh sát đã được phái đến để ngăn chặn.
New York, ngày 21 tháng 1 năm 1933. Hàng trăm người thất nghiệp vây quanh một nhà hàng bên ngoài Quảng trường Union đòi được cung cấp thực phẩm miễn phí…
Seattle, ngày 16 tháng 2 năm 1933. Cuộc vây hãm Tòa nhà Hội đồng thành phố của hơn 5 nghìn người thất nghiệp đã chính thức chấm dứt vào chiều tối, sau hai giờ quận trưởng cảnh sát cùng nhiều sỹ quan khác nỗ lực không mệt mỏi nhằm đẩy lùi những người biểu tình.
Nhạc sỹ Yip Harburg đã mô tả tình cảnh năm 1932 cho sử gia Studs Tekels như sau: “Lúc ấy, dọc theo con đường, anh sẽ nhìn thấy những dòng người đông đúc đứng xếp hàng tại các cửa hàng bán bánh mỳ. Cửa hàng lớn nhất New York thuộc quyền sở hữu của trùm tư bản William Randolph Hearst. ông ta có một chiếc xe tải rất to, một vài người ngồi trên đó cùng những nồi súp lớn và bánh mỳ. Rất đông những kẻ khốn khổ với túi vải thô đứng xếp hàng ở Columbus Circle đã lao tới các tòa nhà xung quanh công viên và chờ đợi.” Harburg đã viết một bài hát cho buổi biểu diễn Americana. Bài hát mang tên “Brother, Can You Spare a Dime?” (Người anh em, hãy cho tôi một xu):
Khi khoác lên mình bộ đồ kaki,
Lạ thay, trông chúng ta thật bảnh bao.
Chúng ta cùng nhau ca vang bài Doodle-de-dum
Nửa triệu đôi giày hiên ngang bước qua Địa ngục,
Tôi là đứa trẻ với chiếc trống trên tay.
Nói đi, bạn có nhớ không, mọi người gọi tôi là Al-
Mãi mãi là Al.
Nói đi, bạn có nhớ không, tôi là người anh em của bạn
Hỡi người anh em, hãy cho tôi một xu?
Đó không chỉ là bài hát cất lên từ sự tuyệt vọng. Như Yip đã nói với Terkel:
Trong bài hát đó, người đàn ông đã thốt lên rằng: Tôi cũng đóng góp cho đất nước này, vậy phần của tôi nằm ở chỗ quái nào?… Nó còn hơn cả sự thống khổ. Nó không hạ thấp anh ta xuống trở thành một kẻ ăn xin. Nó biến anh ta trở thành một con người có nhân phẩm cao quý, anh ta có quyền được đòi hỏi và quyền được giận dữ.
Sự phẫn nộ của các cựu binh trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, giờ đây không việc làm, gia đình nghèo đói, đã dẫn tới cuộc diễu hành của
“Đoàn quân đòi bổng lộc” (Bonus Army) tới thủ đô Washington vào mùa xuân và mùa hè năm 1932. Với tấm bằng chứng nhận tặng thưởng của Chính phủ trên tay, các cựu binh yêu cầu Quốc hội trao tiền cho họ ngay lập tức vì số tiền đó là vô cùng cần thiết. Vì lẽ đó, từ tất cả các vùng miền, họ cùng nhau tiến về thủ đô Washington, với vợ, với con hay một mình. Họ đi trên những chiếc ôtô cũ kỹ, hoặc lén bám theo các chuyến tàu chở hàng, thậm chí là xin đi nhờ xe. Đa phần trong số đó là thợ mỏ ở Virginia, công nhân cán thép từ Columbus cùng rất nhiều cựu binh thất nghiệp gốc Phần Lan tại Chicago. Một gia đình – gồm chồng, vợ và đứa con ba tuổi – từ Chicago
phải mất tới ba tháng rong ruổi trên những chuyến tàu hàng. Một tù trưởng tên là Running Wolf, thuộc bộ lạc Mescalero Apache, bang New Mexico, không có công ăn việc làm, đã khoác lên mình sắc phục cổ truyền của người Anh-điêng, với cung và tên.
Hơn 20 nghìn người đã đến. Hầu hết họ đóng trại dọc sông Potoma, Điện Capitol và Anacostia Flats. John Dos Passos đã mô tả: “Mọi người ngủ trong những căn lều tạm làm từ báo cũ, hộp các-tông, thùng đóng hàng, mảnh kim loại nhỏ hoặc từ giấy dầu. Xiêu vẹo và đủ mọi hình thù, chúng đứng chen chúc nhau bên ngoài bãi rác của thành phố.” Dự luật cho phép chi trả tiền thưởng được Hạ viện thông qua, song đã bị Thượng viện bác bỏ. Một số cựu binh đã bỏ đi vì cảm thấy quá thất vọng. Hầu hết những người ở lại cắm trại xung quanh các tòa nhà của chính phủ ở Capitol, số còn lại đóng tại Anacostia Flats. Tổng thống Hoover đã ra lệnh cho quân đội giải tán đám đông.
Bốn phân đội kỵ binh, bốn trung đội bộ binh, một đội súng máy cùng sáu chiếc xe tăng được điều đến Nhà Trắng. Tướng Douglas MacArthur nhận lệnh phụ trách chỉ huy, đại tá Dwight Eisenhower làm phụ tá. Ngoài ra, trong số các sỹ quan còn có George S. Patton. McArthur tiến quân tới đại lộ Pennsylvania, ra lệnh cho các binh sỹ dùng hơi cay để xua đuổi các cựu binh ra khỏi các tòa nhà cũ rồi châm lửa thiêu hủy chúng. Sau đó, quân đội di chuyển qua cầu hướng tới Anacostia. Hàng nghìn cựu binh, phụ nữ và trẻ em hốt hoảng bỏ chạy khi thấy khí gas bắt đầu phun ra. Các binh sỹ châm lửa thiêu trụi một vài căn lều, và chẳng bao lâu sau, toàn bộ khu trại hóa thành tro. Khi mọi thứ tạm lắng xuống, hai cựu binh bị bắn chết, một em bé mười một tuần tuổi thiệt mạng, một bé trai tám tuổi khác bị hỏng mắt do khí ga, hai cảnh sát bị chấn thương sọ não và một nghìn cựu binh bị thương bởi khí ga.
Những thời điểm khó khăn và hỗn loạn, sự trì trệ của chính phủ trong việc giúp đỡ người dân cũng như hành động giải tán đám đông các cựu binh hết sức tàn nhẫn − tất cả đã ảnh hưởng đến kỳ bầu cử Tổng thống tháng 11 năm 1932. Ứng cử viên Đảng Dân chủ, Franklin D. Roosevelt, với số phiếu áp đảo so với Herbert Hoover, đã trở
thành Tổng thống thứ 32 của nước Mỹ vào mùa xuân năm 1932. Sau khi nhậm chức, ông bắt tay vào thực hiện chương trình cải cách luật pháp nổi tiếng mang tên New Deal (Chính sách kinh tế mới). Khi một nhóm cựu binh diễu hành tới Washington, ông đã chào đón họ, cùng họ uống cà phê, giới thiệu họ với một trong những phụ tá của mình và đưa họ trở về nhà. Đó là dấu hiệu đầu tiên cho thấy thành công của Roosevelt.
Những cải cách của Roosevelt đã vượt xa hệ thống luật pháp trước đó. Chúng đáp ứng được hai nhu cầu cấp thiết, đó là cải tổ chủ nghĩa tư bản theo cách có thể vượt qua khủng hoảng và ổn định lại hệ thống; ngoài ra, nhằm ngăn chặn tình trạng gia tăng đáng báo động các cuộc nổi loạn tự phát trong ngày đầu lãnh đạo của chính quyền Roosevelt − tổ chức của những người vô gia cư và thất nghiệp, các phong trào tự cứu tế và các cuộc đình công lớn ở một vài thành phố.
Mục tiêu đầu tiên – ổn định lại hệ thống – chính là mục tiêu rõ ràng nhất trong đạo luật của Roosevelt, Đạo luật Phục hồi kinh tế quốc gia (National Recovery Act – NRA). Đạo luật này được xây dựng nhằm giành lại quyền kiểm soát nền kinh tế, với một loạt điều luật được thông qua bởi ban quản trị, người lao động và chính phủ, qua đó điều chỉnh lại giá cả và tiền lương, hạn chế cạnh tranh. Ngay từ lúc đầu, NRA bị chi phối bởi các doanh nghiệp lớn và phục vụ cho nhu cầu lợi ích của nhóm này. Như Bernard Bellush đã nhận xét trong cuốn The Failure of the N.R.A (Sai lầm của NRA), nội dung thứ nhất của đạo luật là “tái cơ cấu nguồn sức mạnh của quốc gia ở một mức độ cao hơn, hỗ trợ tài chính cho các tổ chức thương mại và các tập đoàn công nghiệp. Những người dân không thuộc các tổ chức nói trên, hay nói cách khác chính là những người tiêu dùng, cùng với các thành viên trong phong trào công đoàn mới hoàn toàn không có ý kiến gì về sự tổ chức ban đầu của cơ quan Phục hồi Kinh tế Quốc gia (National Recovery Administration) hay sự hình thành các chính sách cơ bản.
Ở những nơi có tổ chức công đoàn mạnh, Roosevelt có một số nhượng bộ đối với người lao động. Tuy nhiên, “đối với các tổ chức công đoàn yếu, Roosevelt không được chuẩn bị để đối mặt với những áp lực do những người phát ngôn trong ngành
công nghiệp mang lại để kiểm soát… các điều luật của NRA”. Trong cuốn Towards a New Past (Hướng về quá khứ khác), Barton Bernstein khẳng định: “Cho dù gặp phải một số phiền toái từ một số nhân vật lớn trong ngành kinh doanh với Điều khoản 7a , Đạo luật NRA vẫn duy trì và củng cố được sức mạnh…”
Quản lý cá nhân giờ đây đã chuyển hóa thành quản lý tập thể, chính phủ cá nhân trở thành chính phủ của tập thể, bảo đảm chắc chắn cho sự liên kết giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa nhà nước.
Năm 1935, Tòa án Tối cao tuyên bố rằng Đạo luật NRA không phù hợp với Hiến pháp, bởi lẽ nó trao quá nhiều quyền lực vào tay Tổng thống, tuy nhiên, theo Bellush: “… FDR đã chấp nhận chia sẻ khá nhiều quyền lực của chính phủ, điển hình là thông qua Đạo luật NRA, đối với đại diện phát ngôn của các ngành công nghiệp trong khắp cả nước”.
Sau một vài tháng chính quyền mới lên nắm quyền lãnh đạo, Đạo luật Điều chỉnh nông nghiệp (Agricultural Adjustment Administration − AAA) đã được thông qua nhằm tái tổ chức ngành nông nghiệp. Đạo luật này ưu tiên cho những người nông dân giống như NRA đã làm đối với các doanh nghiệp lớn. Tập đoàn TVA (Tennessee Valley Authority) được Quốc hội thành lập vào tháng 5 năm 1933 với trách nhiệm là cung cấp vận tải, phòng ngừa lụt, điện, phân bón, và phát triển kinh tế trong khu vực Thung lũng Tennessee. Nó đã cung cấp việc làm cho người thất nghiệp, cung cấp điện với giá rẻ cho người tiêu dùng, và chính vì lẽ đó đôi khi nó còn được coi là một hình thức tổ chức của “chủ nghĩa xã hội”. Tuy nhiên, mục đích tái tổ chức nền kinh tế của Chính sách kinh tế mới chủ yếu là nhằm ổn định lại hệ thống kinh tế, bên cạnh đó trợ giúp cho các tầng lớp có địa vị thấp trong xã hội và ngăn không cho làn sóng bạo loạn trở thành một cuộc cách mạng thật sự.
Làn sóng bạo loạn đó đã thật sự trỗi dậy khi Roosevelt nhậm chức: những con người tuyệt vọng không thể chờ đợi sự trợ giúp của chính phủ lâu hơn nữa, họ đã đứng lên tự cứu lấy chính mình bằng cách hành động. Molly Jackson, một phụ nữ đã hăng hái đứng lên đấu tranh cho tầng lớp lao động tại Appalachia, nhớ lại khoảnh khắc bước
vào một cửa hàng địa phương để mua túi bột mỳ, cô đưa nó cho cậu con trai nhỏ để mang ra ngoài, rồi cô lấy thêm một túi đường và quay ra nói với người bán hàng: “Xin lỗi, nhưng tôi sẽ gặp lại ông sau 90 ngày nữa, tôi phải nuôi bọn trẻ, tôi hứa sẽ trả tiền cho ông đầy đủ… ông cứ yên tâm.” Khi người bán hàng từ chối, cô rút một khẩu súng ngắn ra (phụ nữ đi một mình được phép mang theo súng) và nói: “Martin, nếu ông cứ cố giành lấy bữa ăn từ tay tôi, thề có Chúa chứng giám, dù ngày mai có phải lên ghế điện, tôi cũng sẽ tặng ông sáu viên đạn trong một phút thôi đấy.” Rồi cô tiếp tục kể: “Tôi bước ra khỏi cửa hàng và trở về nhà. Bảy đứa con của tôi đói đến nỗi chúng giằng túi đồ ăn khỏi tay mẹ và ăn ngấu nghiến.”
Trên khắp nước Mỹ, người dân cùng nhau tập hợp lại để ngăn chặn việc tịch thu tài sản. Ở New York, rồi Chicago và tại nhiều thành phố khác, cứ mỗi khi nghe thấy ai đó sắp bị tịch biên đồ đạc, mọi người lại tụ họp nhau, bê những thứ bị cảnh sát tịch thu đặt ở ngoài đường trả về chỗ cũ. Đảng Cộng sản tiếp tục triển khai hành động với việc thành lập các nhóm Liên minh Người lao động (Workers Alliance) trong nhiều thành phố. Willye Jeffries, một phụ nữ da đen, đã kể với Studs Terkel về việc tịch thu tài sản:
Rất nhiều đồ đạc bị ném ra ngoài đường. Mọi người gọi nhau lại và khi đám nhân viên xiết nợ đến, họ đẩy chúng ra ngoài. Khi chúng rời đi, họ lại bê tất cả đồ đạc trả về chỗ cũ… Có một gia đình bị đẩy ra ngoài đường. Người hàng xóm, vốn là thành viên của Liên minh Người lao động, đã gọi cho một người. Và khi người đó đến, anh ta dẫn theo 50 người… đến bê tất cả đồ đạc đặt lại y nguyên vị trí cũ, vì vậy anh ta sẽ cảm thấy như chưa hề bị đẩy ra ngoài đường.
Ủy ban Thất nghiệp được thành lập khắp nước Mỹ. Năm 1933, trên tạp chí The Forum, Charles R. Walker đã mô tả như sau:
Tôi thấy chẳng có gì lạ lùng khi những người Cộng sản thành lập Ủy ban Thất nghiệp tại hầu hết các thành phố, được tổ chức dựa trên nền tảng dân chủ và tuân theo những quy tắc chung. Tôi đã tới thăm một ủy ban như thế tại Licoln Park, bang Michigan, ở đó có tới 300 thành viên nhưng chỉ có 11 người thuộc Đảng Cộng sản… Chủ tịch của
Ủy ban đồng thời là người lãnh đạo của Hội Cựu chiến binh Mỹ. Tại Chicago, có 45 phân bộ của Ủy ban Thất nghiệp, với số thành viên tổng cộng lên tới 22 nghìn người.
Vũ khí chủ yếu của Ủy ban là lực lượng dân chủ đông đảo, có chức năng ngăn chặn việc tịch thu tài sản của người nghèo, gây áp lực lên Hội đồng Cứu trợ, buộc tổ chức này phải tìm nơi ở mới cho những trường hợp bị tịch thu nhà cửa, đàm phán với các cơ quan hữu quan về việc cắt gas và điện nước đối với những người thất nghiệp không có đủ tiền chi trả, gặp gỡ những con người nghèo khổ và trao cho họ quần áo và giày dép, loại bỏ và ngăn chặn nạn phân biệt chủng tộc giữa người da đen, da trắng và người ngoại quốc thông qua tuyên truyền. Đối với các vấn đề về trợ cấp… Ủy ban tổ chức diễu hành tới các trụ sở trợ cấp và yêu cầu họ cung cấp thức ăn, quần áo. Cuối cùng, Ủy ban mang đến sự bảo hộ hợp pháp cho tất cả những người thất nghiệp bị bắt khi tham gia các cuộc diễu hành, biểu tình hay mít-tinh của công đoàn.
Người dân tự tổ chức để cứu lấy chính mình, bởi lẽ các doanh nghiệp và chính phủ đã bỏ rơi họ trong những năm 1931-1932. Ở Seattle, tổ chức của các ngư dân đã đổi số cá mà họ đánh bắt được cho những người trồng rau, hoa quả và những người chặt gỗ cũng làm như vậy. Tại 22 địa phương, nơi nào cũng có một quầy hàng, ở đó mọi người có thể trao đổi thực phẩm và gỗ để lấy các nhu yếu phẩm và dịch vụ khác như: cắt tóc, may mặc; các bác sỹ khám chữa bệnh để đổi lấy hàng hóa. Cuối năm 1932, có 330 tổ chức tự cứu trợ trên 37 bang, với hơn 300 nghìn thành viên. Đầu năm 1933, các tổ chức dần bị tan rã, song các hoạt động của chúng đã đóng góp không nhỏ cho nền kinh tế đang ngày càng kiệt quệ.
Thí dụ nổi bật nhất về phong trào này là thị trấn khai thác than ở Pennsynvania, các nhóm thợ mỏ tự động khai thác các mỏ than nhỏ thuộc quyền sở hữu của công ty, vận chuyển về các thành phố và bán với giá thấp hơn ngoài thị trường. Đến năm 1934, 5 triệu tấn than “lậu” do 20 nghìn thợ mỏ khai thác đã được dùng cho hơn bốn nghìn phương tiện. Sau một loạt cố gắng nhằm truy tố những người thợ mỏ này, các bồi thẩm đoàn ở các địa phương đã không buộc tội hay bỏ tù bất cứ ai.
Những hành động đơn giản đó chỉ để bù đắp cho những nhu cầu thiết yếu, nhưng
chúng lại là mầm mống của cách mạng. Paul Mattick, một tác giả theo chủ nghĩa
Marxist, đã bình luận như sau:
Tất cả những việc làm thật sự cần thiết để giúp người lao động có thể chấm dứt sự đau khổ cùng cực là làm những điều đơn giản như nó vốn có mà không phải xây dựng các nguyên tắc về quyền sở hữu hay triết lý xã hội, và sản xuất cho chính bản thân họ. Với quy mô toàn xã hội, tất yếu nó sẽ dẫn đến những kết quả cuối cùng; trong một địa phương, một chiếc máy bay đơn độc sẽ bị… thất bại… Hành động của những người thợ mỏ xét ở khía cạnh nào đó thật sự trong sáng và ấn tượng, điều đó thể hiện qua việc họ vẫn kiên trì hành động để chống lại chủ nghĩa tư bản cho dù không có được một hệ tư tưởng chủ nghĩa xã hội, và điều đó hoàn toàn phù hợp với nhu cầu của riêng họ. Hành động của những người thợ mỏ đã vượt qua giới hạn lợi ích cá nhân để thỏa mãn nhu cầu của mọi người, đồng thời thể hiện một phần quan trọng trong nhận thức giai cấp – đó là, những vấn đề của người lao động, không ai khác sẽ do chính họ quyết định.
Liệu Chính sách kinh tế mới của Roosevelt cùng các cố vấn và những doanh nhân ủng hộ ông có ủng hộ cho ý thức giai cấp đó không? Liệu họ có biết rằng những toan tính cần phải được chấm dứt, ngay trong năm 1933 và 1934, để mang lại việc làm, lương thực, sự cứu trợ, và để đập tan tư tưởng “vấn đề của người lao động phải do người lao động tự giải quyết”? Có lẽ, cũng giống như nhận thức của người lao động, đó là những hành động không phải nảy sinh từ lý thuyết, mà xuất phát từ chính nhu cầu thực tế mang tính bản năng.
Và có thể, nhận thức đó đã dẫn tới sự ra đời của Đạo luật Wagner-Connery, được trình lên Quốc hội vào đầu năm 1934, nhằm điều chỉnh các tranh chấp về lao động. Đạo luật này cho phép các cuộc bỏ phiếu bầu chọn các công đoàn đại diện, một hội đồng giải quyết các vấn đề và khiếu nại. Phải chăng đây không hoàn toàn là một pháp chế nhằm gạt bỏ tư tưởng “vấn đề của người lao động phải do người lao động tự giải quyết”? Các doanh nghiệp lớn cho rằng họ đã giúp đỡ quá nhiều cho tầng lớp lao động và do đó họ không chấp nó. Roosevelt thì khá thờ ơ. Tuy nhiên, đến đầu năm
1934, một loạt cuộc đấu tranh bùng phát đã cho thấy nhu cầu phải thực thi đạo luật này.
Năm 1934, 1,5 triệu công nhân đã đổ xuống đường đình công. Đó là vào giữa mùa xuân và mùa hè, trong một cuộc biểu tình phản đối lãnh đạo liên đoàn cũng như chống lại các chủ thuyền, hàng loạt công nhân bến tàu ở bờ biển phía Tây của nước Mỹ đã tổ chức hội nghị, yêu cầu bãi bỏ chế độ tuyển dụng theo thời vụ (một loại hình sơ khai của thị trường nô lệ, trong đó các nhóm người lao động được thuê theo ngày) và cùng nhau biểu tình.
Hai nghìn dặm bờ biển Thái Bình Dương nhanh chóng bị phong tỏa. Các tài xế xe tải tham gia bằng cách từ chối chở hàng hóa ra bến tàu, nhóm công nhân hàng hải cũng nhanh chóng gia nhập đoàn người đình công. Khi cảnh sát tới để giải tỏa các bến tàu, những người biểu tình đã chống cự lại, kết quả là hai người thiệt mạng do trúng đạn của cảnh sát. Khoảng 10 nghìn người đã có mặt tại đám tang tưởng niệm những người xấu số. Ngay sau đó, một cuộc bãi công khác nổ ra ở San Francisco, với 130 nghìn người tham gia, khiến thành phố gần như tê liệt. Lực lượng gồm 500 cảnh sát đặc nhiệm, 4.500 Cảnh vệ Quốc gia cùng nhiều đơn vị bộ binh, súng máy, xe tăng và pháo binh được huy động. Los Angeles Times viết:
Nếu chỉ dùng cụm từ “tổng đình công” thì không thể diễn tả hết những gì đang diễn ra
ở San Francisco. Đó thật sự là một cuộc nổi dậy mang tinh thần Cộng sản chống lại chính phủ. Giờ chỉ còn một cách duy nhất để ngăn chặn, đó là trấn áp cuộc nổi loạn bằng mọi lực lượng cần thiết.
áp lực ngày càng gia tăng. Quân đội và AFL đã ép buộc công nhân bến tàu phải kết thúc cuộc bãi công, chấp nhận thỏa hiệp. Song những người lao động này đã cho thấy rằng một cuộc tổng đình công là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Cũng trong mùa hè năm 1934, một cuộc bãi công của các tài xế xe tải với sự ủng hộ của rất nhiều công nhân khác đã diễn ra ở Minneapolis. Đoàn biểu tình ngăn không cho bất cứ thứ gì được chuyên chở vào thành phố − ngoại trừ các xe tải chở sữa, nước
đá và than đá. Nông dân vận chuyển nông phẩm tới thị trấn và bán trực tiếp cho người dân trong thành phố. Cảnh sát được huy động để trấn áp đoàn biểu tình, hai người đã bị thiệt mạng. Năm nghìn người đã cùng tổ chức một lễ tang lớn để tưởng niệm họ. Một buổi mít-tinh khổng lồ và một cuộc diễu hành đã được tổ chức tại Tòa thị chính. Một tháng sau, giới chủ buộc phải chấp nhận yêu cầu của các tài xế.
Đến mùa thu năm năm 1934, một cuộc đình công lớn nhất với sự ủng hộ của 325 nghìn công nhân ngành dệt đã nổ ra ở miền Nam. Họ rời khỏi nhà máy, thành lập các tổ đội, sử dụng xe tải hoặc ôtô vượt qua các khu vực bị cảnh vệ phong tỏa và canh giữ, tiến vào các nhà máy và tháo gỡ toàn bộ máy móc. Một lần nữa, các máy móc lại bị di chuyển. Giới cầm quyền và nhóm chống phá bãi công từ Nam Carolina đã nổ súng vào đoàn người biểu tình, giết chết 7 người và làm bị thương 20 người khác. Nhưng cuộc đình công vẫn lan tới New England. Tại Lowell, bang Massachusetts, 2.500 thợ dệt đã đứng lên đấu tranh; tại Saylesville, Rhode Island, một đám đông ước tính tới năm nghìn người, bất chấp sự ngăn cản lực lượng cảnh sát tiểu bang được trang bị súng máy, đã tràn vào chiếm giữ một nhà máy dệt. Ở Woonsocket, một công nhân bị Đội cảnh vệ quốc gia sát hại và ngay lập tức hai nghìn người đã đổ ra đường phản đối, đoàn biểu tình đã chiếm giữ thành phố và đóng cửa nhà máy.
Ngày 18 tháng 9, tổng cộng trên khắp nước Mỹ đã có 421 nghìn công nhân dệt tham gia đình công. Hàng loạt vụ bắt bớ, những người tổ chức bị đánh đập và tra tấn, số người chết đã tăng lên con số 13. Roosevelt buộc phải ra tay can thiệp và thành lập một hội đồng hòa giải, các công đoàn liền kêu gọi chấm dứt cuộc bãi công.
Tại vùng nông thôn miền Nam, những người Cộng sản đã thành lập các tổ chức, được nuôi dưỡng bằng chính sự oán giận của những người da đen và da trắng cùng khổ. Họ là những tá điền hoặc công nhân nông nghiệp, đang ngụp lặn trong khó khăn về kinh tế và thậm chí còn khốn khổ hơn bất cứ tầng lớp nào khác. Công đoàn Nông dân tá điền miền Nam được thành lập ở Arkansas, với sự tham gia của những người lĩnh canh da đen và da trắng (người nông dân thuê đất phải chia một phần mùa màng của mình trả cho người chủ đất), nhanh chóng lan rộng sang các vùng khác. Đạo luật
AAA của Roosevelt không giúp ích cho những người nông dân nghèo khổ nhất; trên thực tế nó còn khuyến khích người dân trồng trọt ít hơn, ép buộc các tá điền và những người lĩnh canh phải rời bỏ vùng đất của họ. Tính đến năm 1935, có tới 2,8 triệu trong tổng số 6,8 triệu nông dân là tá điền. Thu nhập bình quân của một người lĩnh canh là 321 đô-la. Các công nhân nông nghiệp, những người phải di chuyển hết trang trại này tới trang trại khác, vùng này tới vùng khác, không có lấy một mảnh đất cho riêng mình, thu nhập hàng năm chỉ khoảng 300 đô-la.
Những người Nông dân da đen phải chịu khổ cực nhiều nhất, một số người đã tập hợp và liên kết những nông dân li tán tới vùng đất của họ trong suốt thời kỳ Đại suy thoái, họ cùng nhau thành lập các tổ chức. Nate Shaw nhớ lại (trong cuốn sách All God’s Dangers − Tất cả những mối hiểm nguy của Chúa của tác giả Theodore Rosengarten):
Và trong những năm tháng khó khăn ấy, một tổ chức đã được thành lập trên đất nước
này, có tên là Công đoàn Những người tá điền – một cái tên thật đẹp đẽ, tôi nghĩ thế… và tôi biết rằng đó sẽ là một bước ngoặt cho người dân ở miền Nam, da trắng hay da màu; đó là một điều hoàn toàn mới mẻ. Và tôi nghe nói rằng đó sẽ là một tổ chức dành cho người nghèo – Đó cũng là tổ chức mà tôi muốn tham gia. Tôi muốn biết mọi điều bí mật ẩn giấu trong đó đủ để biến mình trở thành một phần hiểu biết của nó…
Mac Sloane, một người da trắng, đã nói với tôi: “Hãy tránh xa nó, mấy tên mọi đen đang quanh quẩn ở đó để tổ chức mít-tinh – Tốt nhất là anh nên tránh xa nó.”
Tôi tự nhủ, “Anh là thằng ngốc nếu anh nghĩ rằng anh có thể ngăn tôi tham gia”. Tôi đi tới đó và tham gia, buổi mít-tinh tiếp theo nhanh chóng được tổ chức.
Các giáo viên trong Công đoàn bắt đầu đi tới mọi nơi trên khắp đất nước – và họ đi một cách bí mật không để cho ai biết việc họ đang làm − Một trong số đó là một người da màu, anh ấy dành phần lớn thời gian để tổ chức họp mặt với chúng tôi – Đó là một phần công việc của anh ấy…
Các buổi mít-tinh được tổ chức trong nhà hay ở bất cứ địa điểm nào mà chúng tôi có
thể chắc chắn rằng sẽ không bị phát hiện. Những buổi họp nhỏ, đôi khi rất nhiều…
những người da đen thấy sợ hãi và họ thật sự sợ hãi, đó là sự thật.
Nate Shaw kể về những điều đã xảy ra với một nông dân gốc Phi khi ông ta không thể trả nổi các khoản nợ và bị đuổi ra khỏi chỗ ở:
Gã chủ nhà nói: “Tao sẽ tịch thu toàn bộ những gì lão già Virgil Jones có vào sáng nay”…
Tôi cầu xin gã đừng làm thế, tôi van nài: “Ngài tịch thu tất cả của ông ta tức là ngài đã ngăn cản ông ta nuôi sống cả gia đình.”
Nate Shaw kể tiếp rằng chủ nhà không chấp nhận lời năn nỉ đó. Gã quay trở lại và đem theo nhiều người, một kẻ trong số đó đã nổ súng và làm Shaw bị thương, anh đã cướp súng của hắn và bắn trả. Anh bị bắt vào cuối năm 1932, bị giam cầm suốt 20 năm tại nhà tù Alabama. Câu chuyện mà Net Shaw kể chỉ là một mảng nhỏ trong vở kịch chưa từng được biết đến về những con người miền Nam nghèo khổ. Nhiều năm sau khi được trả tự do, Nate Shaw đã hướng tư tưởng của mình tới những vấn đề thuộc về chủng tộc và giai cấp:
Nó đơn giản như lòng bàn tay của anh vậy, bây giờ người da đen cũng ngồi trên yên ngựa giống như người da trắng. Quyền quản lý một con người, sức mạnh kiểm soát, đang nằm trong tay kẻ giàu có… Tầng lớp ấy đứng cùng nhau nhưng người da trắng lại được quyền nằm ngoài cái danh sách phân biệt màu da. Tôi nhận ra rằng: phương pháp và hành động về lâu về dài hiệu quả hơn lời nói suông…
Hosea Hudson, một người da đen từ vùng quê Georgia, ngay từ thuở lên mười đã phải đi cày thuê cuốc mướn, sau này trở thành công nhân sắt tại Birmingham, tỏ ra quan tâm tới vụ án Scottsboro Boys năm 1931. Trong năm đó, ông gia nhập Đảng Cộng sản. Từ năm 1932 đến 1933, ông thành lập tổ chức dành cho người da đen thất nghiệp ở Birmingham. ông nhớ lại:
Giữa mùa đông năm 1932, các thành viên trong Đảng của chúng tôi đã cùng nhau tổ
chức một buổi mít-tinh lớn dành cho những người thất nghiệp, buổi lễ được tổ chức trên bậc thềm một trụ sở tòa án cũ, đại lộ số 3, Bắc Birmingham… Có 7 nghìn người hoặc hơn thế tới tham gia… Cả người gốc Phi và người da trắng…
Từ 1932 đến 1933, chúng tôi tổ chức nhiều ủy ban thất nghiệp trong nhiều cộng đồng khác nhau ở Birmingham… Nếu một ai đó thiếu thực phẩm… chúng tôi không thể chỉ đi loanh quanh và nói rằng “Tệ quá đi mất”. Nhiệm vụ của chúng tôi là đi gặp người đó… Và nếu anh ta sẵn sàng… chúng tôi sẽ cùng nhau làm việc…
Các ủy ban này sẽ có những buổi họp mặt hàng tuần hoặc thường xuyên. Chúng tôi đặt ra các câu hỏi về an sinh, nói cho nhau nghe về những gì đang xảy ra, chúng tôi đọc các tờ báo như Daily Worker hay Southern Worker để xem điều gì đã xảy ra với số tiền trợ cấp thất nghiệp, mọi người đang làm gì ở Cleverland… các cuộc đấu tranh ở Chicago… hay cùng nhau thảo luận về những diễn biến mới nhất trong vụ án Scottsboro. Mọi người luôn muốn đến và lắng nghe chúng tôi kể những thông tin mới mẻ.
Từ năm 1934 đến 1935, hàng trăm nghìn công nhân rời khỏi các công đoàn mang tính độc quyền và được kiểm soát quá chặt chẽ thuộc AFL, họ bắt đầu tổ chức trong các ngành công nghiệp sản xuất đại trà như ngành ôtô, cao su, chế biến và đóng gói thực phẩm. AFL không thể cố tình phớt lờ họ, liên đoàn đã đứng ra thành lập Ủy ban Tổ chức Công nghiệp để đưa công nhân từ các dây chuyền sản xuất thủ công vào dây chuyền sản xuất công nghiệp, tất cả công nhân trong một nhà máy đều thuộc một công đoàn. Ủy ban này, dưới sự lãnh đạo của John Lewis, nhanh chóng bị giải thể và chuyển thành Liên đoàn Công nhân Kỹ nghệ (Congress of Industrial Organizations − CIO). Tuy nhiên, các cuộc đình công và đấu tranh của công nhân đã buộc giới lãnh đạo của cả AFL và CIO phải bắt tay hành động. Jeremy Brecher kể lại một câu chuyện trong cuốn sách của mình mang tên Strike (Đình công).
Các công nhân cao su ở Akron bang Ohio đã áp dụng một chiến lược mới vào đầu những năm 1930 – đó là đình công ngồi. Những người công nhân ngồi ngay tại nhà máy thay vì đổ ra ngoài đường. Cách làm này có lợi thế là: Họ hoàn toàn ngăn cản
được việc sử dụng các lực lượng chống đình công của giới chủ; họ hành động mà không cần phải có sự đồng ý của các quan chức công đoàn, họ tự mình trực tiếp kiểm soát tình hình; họ không phải đi biểu tình trong gió tuyết hay mưa lạnh, mà chỉ ở trong nhà; họ cũng không phải đơn độc trong công việc hay trong đấu tranh nữa. Giờ đây có cả nghìn con người giống như họ cùng đứng chung dưới một mái nhà, được tự do trò chuyện với nhau, cùng nhau góp sức tạo thành một cộng đồng đấu tranh mạnh mẽ. Louis Adamic, một tác giả xuất thân từ tầng lớp lao động, đã mộ tả một trong những cuộc đình công ngồi đầu tiên như sau:
Họ ngồi trên các cỗ máy, trên những chiếc nồi lớn, trên những chiếc nồi hơi hay băng ghế làm việc và cùng nhau trò chuyện. Một vài người lần đầu tiên biết được rằng mình quan trọng tới mức nào trong một dây chuyền sản xuất cao su. Hai mươi người đàn ông gần như đã ngừng làm việc!… Các giám thị, đốc công và phó đốc công hung hãn lao tới…! Chưa đầy một tiếng đồng hồ, xung đột đã nổ ra và phần thắng thuộc về những con người dũng cảm đó.
Đầu năm 1936, tại nhà máy cao su Firestone ở Akron, những người thợ làm lốp xe tải phải đối mặt với nguy cơ bị cắt giảm tiền lương cho dù trước đó, số tiền mà họ được trả không đủ để mua thực phẩm và trả tiền thuê nhà. Khi một vài người trong công đoàn bị sa thải, những người khác bắt đầu ngừng làm việc, cùng nhau ngồi xuống để tỏ thái độ phản đối. Trong một ngày, toàn bộ nhà máy số 1 đã đình công. Trong hai ngày, nhà máy số 2 buộc ngừng hoạt động và ban quản lý phải nhượng bộ. Trong mười ngày tiếp theo, một cuộc đình công ngồi đã diễn ra ở Goodyear. Tòa án ra sắc lệnh nhằm chống lại việc đình công trên quy mô lớn. Tuy nhiên, nó hoàn toàn bị phớt lờ và 150 người đại diện tòa án đã phải nhảy vào cuộc. Nhưng họ nhanh chóng phải đối mặt với 10 nghìn công nhân ở Akron. Trong vòng một tháng, cuộc đình công đã kết thúc trong thắng lợi.
ý tưởng đình công ngồi trở nên phổ biến trong năm 1934. Tháng 12 năm đó, một cuộc đình công ngồi kéo dài nhất trong lịch sử đã diễn ra tại tổ máy số 1 của Fisher Body ở Flint, bang Michigan. Nó khởi phát khi hai công nhân bị sa thải và kết thúc vào tháng
2 năm 1937. Trong vòng 40 ngày, một ủy ban của hai nghìn công nhân tham gia đình công được thành lập. “Đó giống như một cuộc chiến vậy”, “tất cả mọi người đã trở thành những người bạn thật sự,” Sidney Fine, một người tham gia đình công, nói. Các ủy ban đã tổ chức các chương trình giải trí, cung cấp thông tin, xây dựng lớp học cùng các dịch vụ về bưu chính và chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Các tòa án được thành lập để xử phạt những người trốn việc lau rửa chén đĩa, vứt rác bừa bãi, hút thuốc ở những nơi bị cấm hay đem rượu vào nhà máy. Các “hình phạt” nhẹ nhất là phạt làm thêm việc, cao nhất là trục xuất ra khỏi nhà máy. Một chủ cửa hàng ở con phố đối diện đã tình nguyện cung cấp bữa ăn hàng ngày cho hai nghìn người tham gia đình công. Các lớp học về thủ tục pháp lý, diễn thuyết trước đám đông, lịch sử của phong trào công nhân lần lượt được tổ chức. Ngoài ra còn có các lớp học về báo chí và sáng tác thơ ca do các sinh viên tốt nghiệp Đại học Michigan thành lập.
Các sắc lệnh được ban hành, nhưng chẳng ai đủ can đảm để thực thi chúng khi một đoàn người biểu tình gồm 5 nghìn người có vũ trang bao vây nhà máy. Cảnh sát tấn công bằng hơi cay và công nhân đáp trả lại bằng vòi rồng chữa cháy. Mười ba người bị thương còn lực lượng cảnh sát bị đẩy lùi. Chính phủ buộc phải huy động lực lượng Cảnh vệ Quốc gia. Cùng lúc ấy, cuộc đình công đã lan rộng đến các nhà máy khác của General Motors. Cuối cùng, loại hợp đồng sáu tháng đã được ký kết, mặc dù vẫn còn nhiều vướng mắc chưa được giải quyết ổn thỏa. Tuy nhiên, có thể thấy rằng, kể từ đây tập đoàn này không phải đối mặt với các cá nhân mà là với cả một tập thể đoàn kết.
Năm 1936 diễn ra 48 cuộc đình công ngồi. Năm 1937, con số này lên tới 477, trong đó nổi bật là các cuộc đình công của nhóm công nhân nhà máy điện ở St. Louis; các công nhân may mặc ở Pulasky, bang Tennessee; thợ làm chổi tại Pueblo, bang Colorado; các nhân viên thu gom rác ở Bridgeport, bang Connecticut; những người đào huyệt thuộc một hiệp hội ở New York; các tù nhân tại nhà tù bang Illinois; biệt là cuộc đình công của 30 thành viên thuộc lực lượng Cảnh vệ Quốc gia, những người từng tham gia ngăn chặn cuộc đình công tại Fisher Body, nay cũng đình công ngồi để phản đối việc không được trả lương.
Các cuộc đình công ngồi đặc biệt nguy hiểm bởi các lãnh đạo thường trực liên đoàn không thể kiểm soát được chúng. Một thành viên AFL kể:
Hãy tưởng tượng bạn đang ngồi trong văn phòng vào một ngày tháng 3 năm 1937, chiếc điện thoại bất ngờ đổ chuông và một giọng nói vang lên ở đầu dây bên kia: “Tên tôi là Mary Jones, tôi là nhân viên bán sôđa tại Liggett, chúng tôi đã tống cổ gã quản lý ra ngoài và hiện đang giữ chìa khóa. Chúng tôi phải làm gì bây giờ?” Bạn phải tức tốc lao ngay tới đó để đàm phán với họ. Họ nói: “Tôi nghĩ thật vô trách nhiệm khi đình công trước lúc anh yêu cầu công ty ký kết hợp đồng.” Bạn chẳng thể nói gì ngoài câu: “Vâng, anh nói đúng!”
Nhằm ổn định hệ thống kinh tế để đối mặt với tình trạng bất ổn trong lao động, Đạo luật Wagner Act cho phép thành lập Hội đồng Quan hệ Lao động Quốc gia (National Labor Relations Board − NLRB), được Quốc hội thông qua năm 1935. Làn sóng đình công trong các năm 1936, 1937, 1938 khiến tình hình càng lúc càng khó khăn. Năm 1937, trong Ngày tưởng niệm (Memorial Day − tưởng niệm những người lính đã thiệt mạng trong cuộc Nội chiến), một cuộc đình công lớn đã diễn ra tại công ty Republic Steel, cảnh sát được lệnh nổ súng vào đoàn biểu tình, làm 10 người chết. Khám nghiệm tử thi cho thấy, những người công nhân này bị bắn khi họ đang bỏ chạy, và ngày hôm đó được gọi là Thảm sát Ngày Tưởng niệm (Memorial Day Massacre). Tuy nhiên, Republic Steel cùng nhiều doanh nghiệp khác như Ford Motor và các nhà máy lớn sản xuất sắt thép, ôtô, cao su, đồ hộp và điện vẫn được duy trì hoạt động ổn định.
Một tập đoàn sản xuất thép đã phản đối Đạo luật Wagner Act, song Tòa án Tối cao phán quyết rằng đạo luật này hoàn toàn hợp hiến – và nhờ nó chính phủ có thể điều tiết được thương mại giữa các tiểu bang cũng như các cuộc đình công có thể gây tổn hại đến hoạt động thương mại. Theo quan điểm của các công đoàn, đạo luật mới này trợ giúp rất nhiều cho việc tổ chức công đoàn. Còn theo quan điểm của chính phủ, đây là biện pháp hỗ trợ cho việc ổn định thương mại.
Giới chủ hoàn toàn không mong muốn sự hiện diện của công đoàn, nhưng dù sao nó vẫn dễ kiểm soát và ổn định hơn so với các cuộc đình công mang tính tự phát hay
việc người lao động chiếm đóng nhà máy. Mùa xuân năm 1937, trên tờ New York Times xuất hiện một bài báo mang tựa đề “Các công đoàn thuộc CIO tổ chức đình công ngồi trái phép”. Bài báo viết: “Những người tổ chức và đại diện đã được cảnh báo nghiêm khắc rằng họ sẽ bị sa thải nếu tiến hành đình công mà không được sự cho phép của giới lãnh đạo quốc tế…”; đồng thời trích dẫn lời John L. Lewis, lãnh đạo tích cực của CIO: “Bản thỏa thuận của CIO chính là một sự bảo hộ hoàn hảo chống lại đình công ngồi, đình công nằm hay bất cứ hình thức đình công nào khác.”
Đảng Cộng sản, với một số thành viên là những nhân vật quan trọng trong tổ chức của các công đoàn ở CIO, có vẻ như có cùng quan điểm. Một lãnh đạo Cộng sản ở Akron phát biểu tại buổi họp chiến lược đảng sau đình công như sau: “Giờ đây chúng ta phải làm việc để bình thường hóa quan hệ giữa công đoàn và giới chủ, bên cạnh đó về phía những người công nhân, phải nghiêm túc tuân thủ nguyên tắc của công đoàn.”
Vì vậy, giữa những năm 1930, hai cách thức tinh vi nhằm kiểm soát trực tiếp hoạt động của người lao động đã được đưa ra. Trước tiên, NLRB cho phép các công đoàn có một địa vị hợp pháp, lắng nghe và giải quyết những khiếu nại của họ. Với cách làm này, nó có thể xoa dịu sự phẫn nộ của công nhân bằng cách trưng cầu ý kiến – cũng giống như việc hệ thống luật pháp giải quyết các vấn đề khó khăn bằng biểu quyết. Bên cạnh đó, NLRB cũng rất hiệu quả trong việc hạn chế những mâu thuẫn kinh tế tương tự việc biểu quyết góp phần hóa giải những mâu thuẫn chính trị. Thứ hai, bản thân các tổ chức và công đoàn, thậm chí là các công đoàn có tinh thần đấu tranh mạnh mẽ như CIO, cũng muốn xoa dịu tinh thần đấu tranh của công nhân thông qua thỏa thuận, thương lượng, tổ chức các buổi họp công đoàn và cố gắng hạn chế tối đa đình công nhằm xây dựng các tổ chức lớn mạnh, có tầm ảnh hưởng và uy tín.
Lịch sử những năm tháng ấy là minh chứng rõ nét cho lý luận của Richard Cloward và Frances Piven, thể hiện trong tác phẩm Poor People’s Movement (Phong trào của những người cùng khổ), rằng các cuộc nổi dậy tự phát của người lao động cuối cùng sẽ giành thắng lợi, trước khi các công đoàn được tái tổ chức hoặc được tổ chức tốt hơn: “Công nhân trong các nhà máy đã có được tầm ảnh hưởng to lớn, buộc chính
phủ phải đáp ứng những đòi hỏi cấp thiết nhất của họ trong thời kỳ Đại suy thoái, trước khi các công đoàn được thành lập. Sức mạnh mà họ có được không phải bằng bạo động mà bằng sự đoàn kết.”
Piven và Cloward cũng chỉ ra rằng tuy số lượng thành viên công đoàn đã tăng mạnh trong những năm 1940, thời điểm nổ ra Chiến tranh thế giới thứ hai (điển hình là CIO và AFL, tính đến năm 1845, mỗi tổ chức có số lượng thành viên lên tới 6 triệu người), song sức mạnh của các công đoàn lại không thể duy trì như trước. Các thành viên được bổ nhiệm vào NLRB không còn cảm thông mạnh mẽ với người lao động, Tòa án Tối cao tuyên bố hình thức đình công ngồi là bất hợp pháp, còn chính quyền các tiểu bang liên tục đưa ra các luật nhằm ngăn chặn đình công, biểu tình và tẩy chay.
Chiến tranh thế giới thứ hai đang tiến đến gần và nó cũng góp phần làm suy yếu tinh thần đấu tranh trong những năm 1930, bởi nền công nghiệp chiến tranh cung cấp tới hàng triệu việc làm với mức lương cao hơn. Chính sách kinh tế mới chỉ có tác dụng làm giảm số lượng thất nghiệp từ 13 triệu xuống 9 triệu người. Cuộc chiến đó khiến hầu hết mọi người phải bắt tay vào làm việc, và cũng chính cuộc chiến đó đã tạo nên một thứ vô cùng đặc biệt: lòng yêu nước, thứ đã thúc đẩy sự đoàn kết trong mọi tầng lớp để chống lại kẻ xâm lược ngoại quốc, đồng thời khiến việc kêu gọi đấu tranh chống lại các tập đoàn công nghiệp trở nên khó khăn hơn. Trong suốt thời gian diễn ra chiến tranh, CIO và AFL đã tuyên bố sẽ không kêu gọi bất cứ cuộc đình công nào.
Tuy nhiên, sự bất mãn vẫn còn đè nặng lên tầng lớp công nhân, dù chế độ tiền lương đã tốt hơn − tới mức họ sẵn sàng tham gia các cuộc đấu tranh tự phát; và thực tế là số lượng các cuộc đình công trong năm 1944 nhiều hơn bất cứ thời điểm nào khác trong lịch sử nước Mỹ, Jeremy Brecher nhận xét. Những năm 1930-1940 đã khắc họa rõ nét hơn tình cảnh tiến thoái lưỡng nan của người lao động Mỹ. Hệ thống tư bản đối phó với các cuộc đấu tranh bằng cách xây dựng các cách thức quản lý mới – quản lý nội bộ bằng chính các tổ chức của họ và quản lý bên ngoài bằng luật pháp và vũ lực. Tuy nhiên, các cách thức quản lý mới cũng đi kèm với các chính sách mang tính nhượng bộ mới. Các chính sách này không giải quyết được những khó khăn cơ bản; thậm chí
đối với nhiều người, chúng chẳng có ích lợi gì. Tuy nhiên, thực tế chúng lại khá hữu ích trong việc tạo ra một môi trường tiến bộ và phát triển, khôi phục niềm tin của người dân vào hệ thống.
Chính sách mức lương tối thiểu đưa ra năm 1938, việc xây dựng chế độ làm việc 40 tiếng một tuần và nghiêm cấm lạm dụng sức lao động trẻ em − tất cả đã bỏ qua rất nhiều đối tượng cũng như quy định các mức lương tối thiểu vô cùng thấp (ngay trong năm đầu tiên thực thi chính sách này, tiền công trả cho một giờ lao động của công nhân chỉ có 25 xu), nó đủ để nuôi dưỡng sự oán hận tột cùng. Nhà cửa xây dựng chỉ để phục vụ số ít người có khả năng chi trả. “Một sự tiết kiệm, thậm chí là bủn xỉn đang bắt đầu,” Paul Conkin đã nhận xét như vậy trong tác phẩm F.D.R. and the Origins of the Welfare State (F.D.R và nguồn gốc phúc lợi), trong khi viễn cảnh về các dự án xây dựng nhà ở, sân chơi, các căn hộ miễn phí thay thế cho các khu chung cư cũ kỹ vẫn thường xuyên được nhắc tới. Tập đoàn TVA đã đề xuất các dự án về quy hoạch các khu vực nhằm tạo công ăn việc làm, phát triển vùng miền, cung cấp điện giá rẻ, do địa phương quản lý − chứ không phải chính phủ. Đạo luật An sinh Xã hội (Social Security Act) cho phép thông qua các chính sách về lương hưu cũng như bảo hiểm thất nghiệp, xây dựng các quỹ dành cho bà mẹ và trẻ em. Tuy nhiên, các đối tượng như nông dân, người giúp việc và người cao tuổi hoàn toàn không được nhắc đến, bên cạnh đó chính sách về bảo hiểm sức khỏe cũng bị bỏ qua. Conkin cho rằng “Những lợi ích khiêm tốn của Chính sách An sinh Xã hội chẳng thấm tháp gì so với khối lượng tài sản khổng lồ của các doanh nghiệp lớn.”
Chính sách kinh tế mới đã sử dụng ngân sách liên bang để thu hút hàng nghìn nghệ sỹ, diễn viên, nhạc sỹ tham gia một loạt dự án như: Dự án Nhà hát Liên bang, Dự dán Các nhà văn Liên bang, Dự án Nghệ thuật Liên bang. Hàng loạt bức tranh được vẽ trên các công trình công cộng, nhiều vở kịch được công diễn phục vụ cho khán giả thuộc tầng lớp lao động, hàng trăm cuốn sách được viết và phát hành. Nhiều người lần đầu tiên được thưởng thức một buổi hòa nhạc. Đó thật sự là một sự nở rộ về nghệ thuật dành cho công chúng, một điều chưa từng có, chưa từng được ghi chép trong lịch sử nước Mỹ. Nhưng trong năm 1939, khi tình hình trong nước đã dần ổn định hơn và
Chính sách kinh tế mới giảm vai trò, chương trình tài trợ cho hoạt động nghệ thuật cũng bị chấm dứt.
Chủ nghĩa tư bản vẫn được duy trì nguyên vẹn. Người giàu vẫn nắm trong tay quyền kiểm soát sự thịnh vượng của quốc gia, cũng như các điều luật, tòa án, cảnh sát, báo chí, nhà thờ và trường học. Những trợ giúp nhỏ nhoi cho dù chỉ dành cho một số ít người nhưng cũng đủ để biến Roosevelt thành anh hùng trong con mắt của hàng triệu người. Tuy nhiên, cái chế độ đã mang lại khủng hoảng và suy thoái – một chế độ của sự lãng phí, bất bình đẳng, coi trọng lợi nhuận cao hơn nhu cầu con người – vẫn tồn tại.
Đối với những người da đen, Chính sách kinh tế mới thật sự là một sự động viên tinh thần (một vài người da đen đã được bổ nhiệm chức vụ trong chính phủ), nhưng hầu hết họ vẫn bị các chương trình của chính sách này bỏ qua. Do đa số là công nhân nông nghiệp, người nhập cư, người giúp việc, họ không được hưởng bảo hiểm thất nghiệp, không có mức lương tối thiểu, không được hưởng các dịch vụ an sinh xã hội và trợ cấp. Tổng thống Roosevelt, do không muốn làm mất lòng các chính trị gia người da trắng bởi ông rất cần sự ủng hộ của họ, đã không thể ban hành sắc lệnh chấm dứt nạn hành hình kiểu lin-sơ. Trong các lực lượng vũ trang cũng tồn tại sự phân biệt đối xử giữa các quân nhân da đen và da trắng. Công nhân gốc Phi cũng phải chịu sự bất công trong công việc, họ là những người cuối cùng được thuê nhưng cũng là những người đầu tiên bị sa thải. Phải tới năm 1941, khi A. Philip Randolph, người đứng đầu một công đoàn, đe dọa sẽ tổ chức biểu tình tại Washington, Roosevelt mới chấp nhận ký sắc lệnh thành lập Ủy ban Thực thi Quyền Làm việc Bình đẳng (Fair Employment Practices Committee − FEPC). Tuy nhiên, trên thực tế FEPC hoàn toàn không có quyền lực và không thay đổi được nhiều.
Khu phố Harlem của người da đen (nằm ở phía bắc Manhattan), trải qua tất cả các cuộc cải cách của Chính sách kinh tế mới, vẫn y nguyên như nó vốn có. Nơi đó có 350 nghìn người sinh sống, với mật độ lên tới 233 người trên một mẫu Anh − so với các khu vực còn lại của Manhattan, con số đó là 133 người. Trong vòng 25 năm, dân
số của khu phố này đã tăng gấp sáu lần. Mười nghìn gia đình phải sống tại khu ổ chuột – trong những căn hầm, căn nhà chứa đầy mầm bệnh. Bệnh lao phổi đã trở nên quá phổ biến. Quá nửa những người phụ nữ đã lập gia đình trong thành phố phải kiếm sống bằng nghề giúp việc. Họ cùng nhau đi tới phố Bronx, tập trung tại các góc phố − thậm chí tại các “chợ nô lệ”, nhiều người còn sẵn sàng trở thành gái mại dâm để kiếm tiền. Năm 1935, trong cuốn sách The Crisis (Cuộc khủng hoảng), Ella Baker và Marvel Cooke, hai người phụ nữ da đen, đã viết về điều này như sau:
Con người không chỉ phải đánh đổi và bán rẻ sức lao động với mớ tiền công rẻ mạt, mà thậm chí cả tình yêu của họ cũng bị biến thành một món hàng. Cho dù đó là tình yêu hay sức lao động, thì hàng ngày những người phụ nữ vẫn phải ra đi lúc 8 giờ sáng, trở về lúc 1 giờ chiều hoặc cho đến khi họ được thuê. Dù nắng hay mưa, nóng bức hay lạnh giá, họ vẫn cứ chờ việc làm để được trả công 10, 15 hay 20 xu mỗi tiếng.
Tính đến năm 1932, tại Bệnh viện Harlem, số lượng người chết cao gấp hai lần so với Bệnh viện Bellevue, nằm ở phía nam Manhattan, thuộc khu vực người da trắng. Không chỉ vậy, Harlem còn là nơi sản sinh ra nhiều loại tội phạm. Trong bài tiểu luận có tên “The Negro in New York” (Những người da đen ở New York), Roi Ottley và William Weatherby đã gọi đó là “trái đắng của sự đói nghèo”.
Ngày 19 tháng 3 năm 1935, Harlem bị phá hủy cho dù vào lúc đó Chính sách kinh tế mới đã được thông qua. Mười nghìn người da đen đã đổ ra đường, đập phá tài sản của các thương nhân da trắng. Khoảng 700 cảnh sát được huy động để thiết lập lại trật tự. Hai người da đen thiệt mạng.
Giữa những năm 1930, một tác giả trẻ người da đen tên là Langston Hughes đã sáng tác bài thơ mang tựa đề “Let America Be America Again” (Hãy để nước Mỹ được trở về là chính nó):
… Tôi là người da trắng cùng khổ, khờ dại và tuyệt vọng.
Tôi là người da đen với vết sẹo nô lệ.
Tôi là người da đỏ bị cướp đoạt quê hương.
Tôi là người nhập cư bị cướp đi ước mơ tôi hằng tìm kiếm
Và những gì tôi nhìn thấy chỉ là một kế hoạch cũ kỹ và ngu ngốc
Ở đó con người sát hại lẫn nhau, kẻ mạnh đàn áp kẻ yếu…
Hãy để nước Mỹ lại là nước Mỹ Miền đất đó chưa bao giờ
Là bến bờ tự do dù cho nó có thể
Miền đất của tôi – của người nghèo, người Anh-điêng, người da đen Những người đã làm nên nước Mỹ
Đã phải đánh đổi bằng mồ hôi, xương máu, niềm tin cùng nỗi thống khổ Bàn tay họ làm việc trong xưởng đúc, cày cấy trong mưa
Đã cho chúng ta niềm tin sắt đá
Bạn có thể đặt cho tôi một cái tên xấu xí
Nhưng lưỡi gươm tự do sẽ không bao giờ hoen gỉ Bởi những kẻ sống trên xác thịt của đồng bào Hãy cùng nhau mang quê hương trở lại,
Nước Mỹ của chúng ta…
Tuy nhiên, trong những năm 1930, người dân Mỹ ở cả miền Bắc và miền Nam, cũng như những người da đen dường như không nhận thức được điều đó. Chỉ có những
nhà cải cách cấp tiến cố gắng phá bỏ rào cản phân biệt chủng tộc, hầu hết trong số đó là các nhà xã hội học, những người theo chủ nghĩa Tờ-rốt-kít, những người Cộng sản. CIO, dưới sức ép của Đảng Cộng sản, đã phải để những người da đen tham gia vào các ngành sản xuất công nghiệp lớn. Trước đó, người da đen thường bị ép buộc tham gia lượng lượng chống đình công, nhưng giờ đây, đã có không ít nỗ lực nhằm tạo lập sự đoàn kết giữa người da đen và người da trắng nhằm chống lại kẻ thù chung. Năm 1938, trong tác phẩm The Crisis (Khủng hoảng), một người phụ nữ tên là Mollie Lewis đã hồi tưởng ký ức về cuộc đình công diễn ra tại Gary, bang Indiana:
Trong khi chính quyền thành phố Gary tiếp tục giữ những đứa trẻ trong hệ thống các trường học riêng biệt, thì cha mẹ của chúng đang cùng nhau làm việc trong công đoàn và các tổ chức liên minh… Chỉ có duy nhất một địa điểm phục vụ đồ ăn công cộng tại Gary, nơi mà những người thuộc cả hai màu da có thể được tự do phục vụ, đó là một nhà hàng được bảo trợ bởi phần lớn các thành viên trong công đoàn…
Nếu người da đen, da trắng cùng gia đình họ được thuyết phục rằng lợi ích kinh tế của mọi người là như nhau, có lẽ họ sẽ cố gắng cùng nhau làm việc cho sự nghiệp chung, cho sự tiến bộ của những lợi ích đó… Không có phong trào phụ nữ nào thật sự nổi bật trong những năm 1930, song rất nhiều phụ nữ đã tham gia các tổ chức lao động…
Meridel LeSeuer, một nhà thơ ở Minnesota, đã tham gia cuộc đình công của các tài xế tại Minneapolis năm 1934 và trở thành thành viên tích cực của phong trào. Sau này bà đã mô tả chi tiết lại trải nghiệm của mình lúc đó:
Tôi chưa bao giờ tham gia đình công… Sự thực là tôi rất sợ… “Anh có cần giúp đỡ gì không?” tôi hỏi một cách hăng hái… Chúng tôi rót hàng nghìn cốc cà phê, phục vụ bữa ăn cho hàng nghìn người… Những chiếc xe quay trở lại, một phát ngôn viên bật khóc, “Đó là thảm sát”… Tôi thấy họ đưa nhiều người ra khỏi xe và đặt nằm lên những chiếc cáng cứu thương hay trên nền nhà. Các đoàn xe biểu tình vẫn tiếp tục đến. Một vài người đi đến từ phía chợ, tay ôm những vết thương đang rỉ máu… Những người đàn ông, phụ nữ và trẻ em, họ đứng ở ngoài kia, kết tay nhau tạo thành một bức tường bảo vệ lớn,… Quần áo chúng tôi vương đầy máu.
Thứ Ba, ngày tang lễ. Tôi tới đám tang và thấy hàng nghìn đàn ông, phụ nữ và trẻ em đang tập trung ở đó, trong cái nắng gay gắt. Một nhóm đã đứng đợi hơn hai tiếng đồng hồ. Tôi tiến đến và đứng bên họ. Nhưng tôi không biết liệu mình có tham gia diễu hành hay không vì tôi không thích đi diễu hành với đám tang… Ba người phụ nữ kéo tôi lại. “Chúng tôi muốn tất cả chúng ta cùng đi”, họ nhẹ nhàng nói, “Đi với chúng tôi”…
Nhiều năm sau, Sylvia Woods đã kể lại cho Alice và Staughton Lynd nghe về trải nghiệm của mình khi làm việc tại một nhà máy giặt là, rồi trở thành người tổ chức công đoàn trong những năm 1930:
Nếu bạn phải nói cho mọi người biết những gì mà họ có thể nhìn thấy, họ sẽ nói: “Ồ, tôi chưa bao giờ để ý đến nó” hoặc “Tôi chưa bao giờ nhìn nó theo cách ấy”… Giống như Tennessee. Ban đầu ông ta căm ghét người da đen. Một người lĩnh canh nghèo khổ… ông ta khiêu vũ với những người phụ nữ da đen… Đó chính là những thay đổi mà tôi nhìn thấy ở mọi người. Đó là niềm tin mà bạn phải có đối với mọi người.
Trong những năm tháng đó, rất nhiều người Mỹ đã thay đổi cách nhìn về khủng hoảng và đình công. Ở châu âu, Hitler thúc đẩy quân tấn công các nước khác. Ở bên kia bờ Thái Bình Dương, Nhật Bản xâm chiếm Trung Quốc. Các đế quốc phương Tây đang bị những kẻ thù mới đe dọa. Còn với nước Mỹ, chiến tranh cũng đang đến rất gần.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.