Lịch Sử Dân Tộc Mỹ

17. “PHẢI CHĂNG NÓ SẼ TIÊU TAN?”



Những năm 1950 và 1960, cuộc nổi dậy của người da đen ở hai miền Nam – Bắc đã nổ ra một cách đầy bất ngờ. Đáng lẽ mọi chuyện sẽ không như vậy. Đối với những con người đó, ký ức về những năm tháng bị áp bức không dễ dàng mất đi, chúng luôn hiện hữu trong máu thịt họ. Đó là cảnh nô lệ lầm than, là nạn nhân của sự phân biệt chủng tộc, là những vụ hành hình linsơ, là mất nhân quyền. Không đơn thuần chỉ là những ký ức mà đó còn là một phần luôn tồn tại trong cuộc sống hàng ngày của những người da đen từ thế hệ này qua thế hệ khác.

Những năm 1930, Langston Hughes đã sáng tác một bài thơ mang tựa đề Lenox Avenue Mural (Bức tranh trên đại lộ Lenox):

Điều gì xảy ra khi giấc mơ đã bị giam cầm?

Nó sẽ héo khô như trái nho dưới ánh mặt trời?

Hay như vết thương bưng mủ

Rồi mãi mãi ra đi?

Phải chăng nó như miếng thịt thối rữa?

Hay được bọc đường

như viên kẹo siro?

Có thể nó chỉ chùng xuống như bị chất quá nặng

Phải chăng nó sẽ tiêu tan?

Trong một xã hội với những chuẩn mực phức tạp, gồm cả sự thô ráp lẫn tinh tế, những

tư tưởng ấy vẫn thường xuyên được tìm thấy trong nghệ thuật cũng như trong xã hội của người da đen. Đó có thể là những giai điệu blue thiết tha u hoài ẩn chứa sự giận dữ hay điệu jazz tươi vui rộn rã báo hiệu một sự bùng nổi. Với các thi sỹ, những dòng suy tư ấy từ lâu đã không còn phải giấu kín nữa. Những năm 1920, Claude McKay, một trong những nhân vật thuộc phong trào Phục hưng Harlem đã sáng tác một bài thơ, mà sau này được Henry Cabot Lodge sử dụng làm ví dụ để minh họa cho xu hướng có tư tưởng nguy hiểm của đại bộ phận những người da đen trẻ tuổi trong một bản báo cáo trình lên Quốc hội:

Nếu phải chết, đừng chết như những con lợn

bị săn đuổi và giam cầm trong chốn nhục nhã…

Là con người, phải đối mặt với lũ sát nhân hèn hạ,

Bị dồn tới đường cùng, chết dần, nhưng vẫn chiến đấu!

Trong một tác phẩm mang tên Incident (Tình cờ), Countee Cullen đã gợi lại những ký ức đau thương trong tuổi thơ của mọi người da đen trên đất Mỹ:

Khi rong ruổi trên vùng Baltimore già cỗi

Trái tim và tâm trí tràn ngập niềm hân hoan

Tôi bắt gặp một cậu bé ở Baltimore

Đang chăm chú nhìn tôi

Khi ấy tôi tám tuổi và rất nhỏ

Và cậu bé đó cũng chạc tuổi tôi

Tôi cười nhưng cậu bé ngoảnh mặt đi

Cậu ta cất tiếng trêu trọc “Thằng mọi,”

Tôi nhìn thấy Baltimore

Từ tháng 5 cho đến tháng 12,

Tất cả những gì xảy ra ở đó

Tôi đều nhớ rõ

Vào thời điểm xảy ra vụ án Scottsboro Boys , Cullen đã sáng tác một bài thơ diễn tả một hiện thực đắng cay là trong khi các nhà thơ da trắng đang ra sức sử dụng vũ khí của mình là ngòi bút để lên án sự bất công đối với các phạm nhân gốc Phi, thì những người da đen chỉ biết im lặng bỏ mặc đồng bào của mình. Khổ thơ cuối cùng như sau:

Tôi nói chắc chắn

Bây giờ các thi sỹ sẽ hát

Nhưng họ đã đứng dậy không rơi lệ.

Tôi tự hỏi vì sao.

Nhà thơ da đen Paul Laurence Dunbar, trong giai đoạn những gánh hát rong của người da đen thịnh hành, vào chính thời khắc chuyển giao của thế kỷ, đã cho ra đời tác phẩm We Wear the Mask (Chúng ta đeo mặt nạ):

Chúng ta đeo chiếc mặt nạ với nụ cười dối trá

Nó giấu đi gò má và che lấp đôi mắt,

…. Chúng ta cất tiếng hát, nhưng đất sét vẫn chỉ là đất

Dưới chân chúng ta và xa hàng dặm;

Hãy để thế giới là một giấc mơ còn nếu không,

Hãy đeo mặt nạ

Hai ca sỹ người da đen đã hát bài hát đó với một giọng châm biếm. Khi Bert Williams và George Walker mô tả mình như “Hai kẻ da đen thực thụ”, Nathan Huggins nói rằng “đang dự định xây dựng phong cách và tạo ra sự hài hước đối với các tác phẩm mà người da trắng đã sáng tác…”

Vào những năm 1930, chiếc mặt nạ dường như đã được nhiều nhà thơ da đen gỡ bỏ.

Trong tác phẩm “I, Too”, Langston Hughes đã viết rằng:

Tôi cũng hát về nước Mỹ

Tôi là người anh em da đen

Họ giấu tôi trong bếp

Khi bạn bè tới,

Nhưng tôi vẫn tươi cười,

Và ăn ngon hơn,

Sống khỏe mạnh hơn.

Ngày mai,

Tôi sẽ ngồi bên bàn

Và khi bạn bè họ đến…

Gwendolyn Bennett nói rằng:

Tôi muốn gặp những cô gái da đen mềm mại

Khắc bóng tối lên bầu trời

Khi hoàng hôn đang nán lại

Tôi muốn nghe bài thánh ca

Quanh một ngọn lửa ngoại đạo

Của chủng tộc da đen xa lạ

Tôi cảm thấy sóng trào

Trong tâm hồn buồn bã của chúng tôi

Khuất sau những nụ cười của đoàn hát rong.

Trong tác phẩm theo thể loại thơ – văn xuôi mang tựa đề For my People (Cho dân tộc tôi), Margaret Walkers đã viết:

… Hãy để một trái đất mới lớn lên. Hãy để một thế giới khác được sinh ra. Hãy để hòa bình đỏ máu được viết lên bầu trời. Hãy để thế hệ sau tràn đầy dũng khí bước về phía trước, hãy để con người yêu tự do được tự do phát triển, hãy để vẻ đẹp tràn đầy sức mạnh hàn gắn và sức mạnh của chiến thắng trở thành nhịp đập của sự sống trong tâm hồn và dòng máu của chúng ta. Hãy viết lên những bài ca về chiến tranh, hãy xóa tan đi những khúc ca buồn. Hãy để một dân tộc đứng lên và làm chủ!

Trong những năm 1940, tiểu thuyết gia gốc Phi tài năng, Richard Wright đã cho xuất bản cuốn tiểu sử được chấp bút từ năm 1937 mang tựa đề Black Boy (Cậu bé da đen), kể lại sự đau khổ và nhục nhã của một cậu bé da đen khi phải đánh nhau với một người da đen khác để làm trò mua vui cho người da trắng:

Người da trắng ở miền Nam dùng cụm từ “bọn mọi rợ” để gọi tôi và những người da đen khác. Họ không bao giờ thèm đếm xỉa đến tôi, không cần biết tôi nghĩ gì và tôi cảm thấy như thế nào. Họ nói với tôi rằng cuộc đời đã ban tặng cho chúng tôi một “địa vị” thấp kém. Thế mà bản thân tôi chưa bao giờ cảm nhận hay nhìn thấy cái “địa vị” ấy; hay đúng hơn là trong sâu thẳm con tim, tôi luôn luôn buộc mình phải gạt bỏ

“địa vị” mà người da trắng áp đặt cho chúng tôi. Chưa bao giờ tôi cảm thấy mình đang đứng trên con đường của một tầng lớp thấp kém hơn. Và không một câu nói nào từ miệng một người da trắng phương Nam lại có thể khiến tôi nghi ngờ về giá trị của bản thân mình.

Tất cả những thứ đó đều hiển hiện trong thơ ca, văn xuôi, bài hát, đôi khi được giấu kín, đôi lúc lại được bộc lộ công khai và rõ ràng – đó là dấu hiệu của những con người kiên cường không thể bị đánh bại, sẵn sàng chờ đợi, đầy nhuệ khí và không bao giờ chịu khuất phục.

Trong tác phẩm Black Boy (Cậu bé da đen), Wright đã kể về quá trình huấn luyện ép buộc trẻ em da đen ở Mỹ phải im lặng và chịu khuất phục. Song không chỉ có vậy:

Làm thế nào để người da đen biết được họ phải sống thế nào? Họ có thể nói gì về nó khi họ cô đơn? Tôi nghĩ câu trả lời duy nhất cho câu hỏi đó, như một người bạn của tôi đã từng nói với tôi rằng:

Bằng luật pháp! Nếu chính phủ không đưa ra những chính sách để hạn chế nạn hành hình kiểu linsơ và phân biệt chủng tộc, sẽ không đem lại kết quả gì ngoại trừ sự hỗn loạn ngoài kia!

Richard đã từng tham gia Đảng Cộng sản (giai đoạn này cũng như việc tan những vỡ mộng tưởng của ông đối với Đảng Cộng sản được mô tả chi tiết trong tác phẩm The God that Failed (Đức Chúa thất bại). Đảng Cộng sản vốn nổi tiếng với phong trào đấu tranh đòi quyền bình đẳng cho mọi chủng tộc. Những năm 1930, trong những năm đầu của cuộc Đại Suy thoái, khi vụ án Scotboro Boys bị phanh phui tại Alabama, chính Đảng Cộng sản đã tìm cách liên kết với phong trào đấu tranh của những người da đen trẻ tuổi bị giam cầm vì sự bất công của chính quyền miền Nam.

Thành viên Đảng Tự do và Hiệp hội Quốc gia vì sự tiến bộ của người da màu NAACP đã quy kết Đảng Cộng sản là lợi dụng hành động đó nhằm phục vụ cho mục đích riêng. Lời buộc tội này thực ra chỉ đúng một nửa bởi trên thực tế người da đen rất khó

khăn trong việc tạo lập liên minh với người da trắng, những kẻ đơn thuần chỉ vì động cơ cá nhân. Nửa còn lại của sự thật đó là, bằng việc nỗ lực chống lại những trở ngại to lớn, các đảng viên Đảng Cộng sản gốc Phi ở miền Nam đã giành được phần lớn sự tin tưởng trong cộng đồng người da màu. Điển hình là Hosea Hudson, nhà lãnh đạo của những người da đen thất nghiệp tại Birmingham. Năm 1932, một thanh niên 19 tuổi gốc Phi tại Georgia tên là Angelo Herndon, người có cha chết vì bệnh viêm phổi do phải làm việc trong hầm mỏ, đồng thời là một thành viên trong Hội Thất nghiệp tại Birmingham và cũng là đảng viên Đảng Cộng sản đã viết về cuộc đời mình như sau:

Cả cuộc đời của tôi là chuỗi ngày bị bóc lột, bị chà đạp và bị phân biệt đối xử. Tôi phải làm việc quần quật trong hầm mỏ chỉ vì vài đồng đô-la một tuần phải ngậm ngùi chứng kiến tiền công của mình bị cắt xén và bị ăn cướp, thậm chí tôi còn phải tận mắt chứng kiến cái chết của bạn mình. Tôi chui lủi trong khu ổ chuột tệ nhất của thành phố, tránh xa những cái biển báo “Cấm da đen” trên các chuyến xe ôtô, vì một vài kẻ tỏ ra ghê tởm tôi. Mỗi khi bị bọn người da trắng gọi là “thằng mọi” hay “mọi đen”, tôi vẫn phải trả lời “Vâng, thưa ngài”, dù tôi có tôn trọng hay khinh bỉ chúng.

Tôi luôn ghê tởm điều đó, nhưng tôi không biết phải làm gì để thoát khỏi thực tại đó. Và tại đây, tình cờ tôi đã gặp các tổ chức mà ở đó những người da đen và da trắng ngồi lại với nhau, cùng nhau làm việc, không phân biệt chủng tộc hay màu da…

Herndon đã sáng lập Đảng Cộng sản tại Atlanta. ông cùng các thành viên Đảng Cộng sản xây dựng nên nhiều Ủy ban trong Hội đồng Thất nghiệp năm 1932 nhằm mang lại niềm tin cho những con người cùng khổ. Họ tổ chức các cuộc biểu tình với sự tham dự của hàng nghìn người, rất nhiều trong số đó là người da trắng, và trong những ngày tiếp theo thành phố đã buộc phải chi một khoản trợ cấp 6 nghìn đô-la cho những người thất nghiệp. Nhưng không lâu sau, Herndon bị bắt và tống giam, ông bị buộc tội vi phạm Đạo luật Georgia. Nhớ lại phiên tòa xét xử mình, ông nói:

Tòa án Georgia đã lấy một tác phẩm văn học trong phòng của tôi làm chứng cứ và đọc nó trước hội đồng xét xử. Họ xét hỏi tôi rất chi tiết. Họ hỏi tôi rằng giới chủ và chính phủ có nên trả bảo hiểm cho những công nhân bị mất việc làm hay không? Rằng

người da đen có nên được bình đẳng hoàn toàn với người da trắng? Rằng tôi có tin vào nhu cầu tự quyết của Vành đai đen – trong đó người da đen được phép quy định lãnh thổ của Vành đai đen và đuổi tất cả địa chủ và nhân viên chính phủ người da trắng ra khỏi đó? Rồi họ hỏi tôi có cảm thấy tầng lớp lao động có thể điều hành các nhà máy, hầm mỏ và chính phủ hay không? Phải chăng sự tồn tại của giới chủ là không cần thiết nữa?

Tôi nói với họ rằng tôi tin vào tất cả các điều đó – và nhiều điều khác nữa….

Herndon bị kết án 5 năm tù giam. Mãi cho đến năm 1937, khi Tòa án Tối cao quyết định rằng Đạo luật Georgia là vi hiến, ông mới được xử vô tội. Những người như Herndon, đại diện cho Sức mạnh chiến đấu tiềm tàng của người da đen, lại càng trở nên nguy hiểm hơn khi liên kết với Đảng Cộng sản.

Rất nhiều người khác cũng cố gắng tạo nên những mối liên kết tương tự, điển hình như Benjamin Davis, luật sư gốc Phi, người đã bào chữa cho Herndon trong phiên tòa xét xử ông. Những người nổi tiếng khác như ca sỹ, diễn viên Paul Robenson; nhà văn, học giả W. E. B. Du Bois, cũng công khai ủng hộ và bày tỏ lòng yêu mến với Đảng Cộng sản. Người da đen không chống lại Đảng Cộng sản như đại đa số người da trắng. Những người như Herndon, Davis, Robenson hay Du Bois, dù quan điểm chính trị của họ có thể bị cả đất nước bôi nhọ và phỉ báng, họ vẫn giành được sự ngưỡng mộ về tinh thần chiến đấu trong cộng đồng người da đen. Tinh thần chiến đấu của người da đen, chợt lóe lên đâu đó trong những năm 1930, dường như đã bị khỏa lấp đi phần nào bởi tinh thần sục sôi trong suốt Chiến tranh thế giới thứ hai. Một mặt, nước Mỹ công khai lên án nạn phân biệt chủng tộc, nhưng mặt khác lại ngầm duy trì sự phân biệt đối xử trong các lực lượng vũ trang và ép buộc người da đen phải làm những công việc nặng nhọc với mức lương rẻ mạt. Khi chiến tranh chấm dứt, một nhân tố mới đã tham gia vào sự cân bằng chủng tộc tại Hoa Kỳ – đó là sự bùng phát mạnh mẽ chưa từng có của người da đen và da vàng tại châu Phi và châu á.

Tổng thống Harry Truman buộc phải thừa nhận điều này, đặc biệt là trong thời điểm diễn ra Chiến tranh Lạnh với Liên Xô, và cuộc nổi dậy tại các nước thuộc địa cũ trên

toàn thế giới đang đe dọa trở thành một hình thái Mác xít mới. Việc giải quyết các vấn đề về chủng tộc trở nên vô cùng cấp thiết, không những để xoa dịu người da đen đang sục sôi nổi giận bởi sự thất hứa của chính phủ sau chiến tranh, mà còn để tuyên bố với thế giới rằng, Hoa Kỳ hoàn toàn có thể đối mặt với vấn đề chủng tộc – một sự thất bại trắng trợn nhất của Mỹ mà chủ nghĩa cộng sản không ngừng công kích. Trước đó không lâu, điều Du Bois dự đoán đã trở thành hiện thực vào năm 1945, đó là: “Vấn đề của thế kỷ XX là vấn đề về sắc tộc.”

Cuối năm 1946, Tổng thống Harry Truman đã chính thức bổ nhiệm một Ủy ban về Dân quyền. Ngay khi được thành lập, Ủy ban này đã kiến nghị với Chính phủ nên mở rộng cơ quan phụ trách quyền công dân trong Bộ Tư pháp và thành lập một hội đồng thường trực về Dân quyền. Ủy ban cũng yêu cầu Quốc hội thông qua các đạo luật chống lại luật hành hình linsơ cũng như ngăn chặn và chấm dứt nạn phân biệt chủng tộc trong công việc.

Chính quyền của Truman công khai cho rằng “lý do đạo đức” chính là động cơ cho những việc làm của họ. Nhưng bên cạnh đó cũng phải kể đến một vài “lý do kinh tế”
– đó là nạn phân biệt chủng tộc có thể sẽ gây ra sự lãng phí về tài chính cũng như nhân lực cho quốc gia. Cuối cùng, và cũng là quan trọng nhất, đó là lý do quốc tế:

Vị trí và vai trò của nước Mỹ trong thời kỳ hậu chiến quan trọng đến mức một hành động nhỏ nhất cũng có thể tạo nên những ảnh hưởng có sức tác động to lớn… Giờ đây những vết nhơ về dân quyền trong quá khứ đang trở thành trở ngại chính đối với nước Mỹ trong các vấn đề chính trị quốc tế. Báo chí và truyền thông trên toàn thế giới không ngừng nhắc đến chúng… Họ công kích nước Mỹ để chứng minh rằng cái gọi là nền dân chủ thực ra chỉ là một sự lừa gạt không hơn không kém, và Hoa Kỳ chính là kẻ áp bức đối với những người cùng khổ. Điều này có vẻ lố bịch đối với người dân Mỹ, nhưng nó lại khiến cho các đồng minh thân cận của nước Mỹ lo lắng. Hoa Kỳ không phải là vô địch, chiến thắng cuối cùng của lý tưởng dân chủ cũng không thể ngăn thế giới thôi không suy nghĩ về những gì nước Mỹ đã gây ra trong quá khứ.

Hoa Kỳ đã vượt xa tất cả các quốc gia trên thế giới và đang bước đi trên con đường

danh vọng mà nó chưa từng trải qua. Và phần thưởng dành cho nước Mỹ thật to lớn – quyền lực tối thượng. Như chính quyền Truman đã tuyên bố: “… những hành động nhỏ nhất của chúng ta sẽ tạo ra những tác động to lớn”.

Vì thế Hoa Kỳ tiếp tục tiến hành những bước thay đổi nhỏ với hy vọng rằng chúng có thể đem lại những kết quả lớn. Quốc hội đã không ban hành các đạo luật theo yêu cầu của Ủy ban Dân quyền. Tuy nhiên, bốn tháng trước kỳ bầu cử Tổng thống năm 1948, trước sức ép của phe cảnh tả mà đại diện là Henry Wallace của Đảng Cấp tiến, Truman đã ban hành sắc lệnh yêu cầu các lực lượng vũ trang đang duy trì nạn phân biệt đối xử trong Chiến tranh thế giới thứ hai phải thực thi ngay chính sách bình đẳng sắc tộc. Thực ra, mệnh lệnh đó đã có thể được thực hiện trước đó rất lâu, khi mà nhu cầu duy trì tinh thần các binh sỹ gốc Phi trước nguy cơ chiến tranh đang tăng là thực sự cần thiết. Nạn phân biệt đối xử trong quân đội đã phải mất hơn một thập kỷ mới thực sự được chấm dứt.

Truman đã không ban hành các sắc lệnh tương tự tại các khu vực khác trong khi ông ta hoàn toàn có thể làm như vậy. Tu chính án số và số 15 được thông qua vào cuối những năm 1860 và đầu 1870 đã trao cho Tổng thống nhiều quyền lực hơn trong việc xóa bỏ nạn phân biệt chủng tộc. Hiến pháp yêu cầu Tổng thống phải thực thi các điều luật đó, song không một vị Tổng thống nào sử dụng tới sức mạnh đó, kể cả Truman. Ví dụ như ông đã yêu cầu Quốc hội thông qua đạo luật “Cấm phân biệt đối xử trên các phương tiện giao thông giữa các tiểu bang”; tuy nhiên, điều này đã được quy định cụ thể trong đạo luật năm 1887 nhưng lại không bao giờ được thực thi bằng các hành động pháp lý thật sự.

Trong khi đó, trải qua 90 năm kể từ khi Hiến pháp được sửa đổi để thiết lập quyền bình đẳng chủng tộc, giờ đây Tòa án Tối cao mới thực sự tìm cách chấm dứt tình trạng đó. Trong suốt thời gian diễn ra chiến tranh, quy định “Bầu cử chỉ dành cho người da trắng” vốn được sử dụng để loại bỏ người da đen ra khỏi cuộc tuyển cử trong Đảng Dân chủ bị tuyên bố là trái với hiến pháp.

Năm 1954, Tòa án đã đưa ra nguyên tắc “chia rẽ nhưng bình đẳng”, nguyên tắc này đã

nhận được sự ủng hộ trong những năm 1890. Trước đó, hiệp hội NAACP từng đưa ra một loạt các sự kiện nhằm thách thức nạn phân biệt trong các trường công, và giờ đây trong vụ Oliver Brown kiện Hội đồng Giáo dục, Tòa án Tối cao đã tuyên bố rằng việc phân biệt đối xử với các em học sinh sẽ “tạo nên mặc cảm tự ty… và điều đó sẽ tác động đến xúc cảm cũng như ý thức của các em theo một cách chưa từng xảy ra trước đó”. Cuốn sách viết: “Trong giáo dục, nguyên tắc ‘chia rẽ nhưng bình đẳng’ không tồn tại.” Tòa án đã không kiên quyết để thay đổi điều đó ngay lập tức: họ nói rằng các cơ sở bị phân biệt sẽ dần được đối xử một cách bình đẳng một năm sau đó. Nhưng mãi cho tới năm 1965, mười năm sau cái gọi là “đối xử bình đẳng” đó, hơn 75% trường học tại các quận ở miền Nam vẫn phải chịu nạn phân biệt đối xử.

Song đó vẫn là một quyết định đã gây được ấn tượng sâu sắc – trong năm 1954 khắp nơi trên thế giới, người ta đua nhau nhắc đến việc chính phủ Mỹ đã hoàn toàn xóa bỏ được nạn phân biệt chủng tộc. Thậm chí ngay tại Hoa Kỳ, đối với những người dân bình thường không rành về khoảng cách giữa lời nói và thực tế, đó được xem là một dấu hiệu thay đổi đáng mừng.

Đối với những người khác, điều đó có thể là một tiến bộ vượt bậc nhưng đối với người da đen, như thế là chưa đủ. Đầu những năm 1960, người da đen trên toàn miền Nam đã đồng loạt cùng nhau đứng lên đấu tranh. Và cuối những năm 1960, họ bắt đầu tiến hành các cuộc nổi dậy tại hàng loạt thành phố ở miền Bắc. Đó thật sự là điều bất ngờ đối với những ai chưa từng trải qua ký ức đau buồn về cảnh nô lệ, về sự nhục nhã. Nhưng đối với những người đã bị ăn sâu trong tiềm thức ký ức về chuỗi ngày lầm than, khổ sở vì nạn phân biệt thì cuộc nổi dậy đó luôn luôn tồn tại, theo một cơ chế thời gian mà không ai thiết lập, nhưng đến một thời điểm nào đó có thể tạo thành một chuỗi các sự kiện không thể đoán trước được. Cuối năm 1955, những sự kiện như thế đã diễn ra tại thành phố Montgomery – trung tâm của Alabama.

Ba tháng sau khi bị bắt, bà Rosa Parks, một thợ may bốn mươi ba tuổi, đã giải thích tại sao bà từ chối tuân theo luật của Montgomery quy định sự phân biệt đối xử trên xe buýt của thành phố, cùng nguyên nhân khiến bà quyết định tham gia đấu tranh chống

quy định khu vực dành riêng cho “người da trắng” trên xe buýt:

Tại nơi đầu tiên, tôi đã làm việc cả ngày. Tôi hoàn toàn kiệt sức sau một ngày làm việc dài. Tôi may và sửa những trang phục mà người da trắng mặc. Điều chợt nảy sinh trong tâm trí tôi mà tôi muốn biết đó là: Đến khi nào và bằng cách nào chúng tôi có quyền tự quyết như người bình thường?… Người phụ xe đến nhắc tôi về khu vực dành riêng cho người da trắng và yêu cầu tôi rời đi trong khi tôi cảm thấy khó chịu với việc tuân theo yêu cầu đó. Anh ta liền gọi cảnh sát và họ bắt rồi giam tôi vào tù…

Những người da đen ở Montgomery đã kêu gọi tổ chức một cuộc biểu tình phản đối. Hạt nhân tích cực của cuộc biểu tình là F. D. Nixon, cựu thành viên công đoàn thương mại và là nhà tổ chức giàu kinh nghiệm. Họ biểu quyết tẩy chay tất cả xe buýt của thành phố. Họ dùng xe công để chở người da đen đi làm, nhưng hầu hết mọi người đi bộ. Chính quyền đã trả đũa bằng cách kết án 100 người tham gia lãnh đạo phong trào tẩy chay và nhiều người đã bị tống giam. Những kẻ da trắng chủ trương phân biệt chủng tộc chuyển sang sử dụng bạo lực, bắt đầu bằng việc đánh bom bốn nhà thờ của người da đen. Một cuộc đấu súng đã diễn ra ngay trước cửa nhà tiến sỹ Martin Luther King Jr., vị mục sư hai mươi bảy tuổi sinh tại Atlanta và là một trong những người lãnh đạo phong trào đấu tranh. Chúng đã đánh bom nhà của ông. Nhưng những hành động bạo lực đó không làm cho người da đen ở Montgomery nản chí, cuối cùng vào tháng 11 năm 1956, Tòa án Tối cao đã phải tuyên bố cấm phân biệt đối xử trên hệ thống xe buýt địa phương.

Montgomery chỉ là nơi khởi đầu. Như được dự báo trước, đường lối và tinh thần của phong trào phản đối sẽ nhanh chóng lan rộng và tràn ngập cả miền Nam trong mười năm kế tiếp. Các cuộc mít-tinh tại nhà thờ, lời bài thánh ca Christian được sáng tác phỏng theo các cuộc chiến hiện tại, liên hệ tới các lý tưởng đã mất của người Mỹ, lời cam kết không bạo lực, sẵn sàng chiến đấu và hy sinh. Phóng viên của tờ New York Times đã mô tả cuộc đại mít-tinh quần chúng tại Montgomery như sau:

Người này kế tiếp người khác, những nhà lãnh đạo người da đen đứng lên bục trong đám đông trước nhà thờ thánh Baptis tối nay để thúc giục mọi người theo họ, lánh xa

xe buýt thành phố và hãy “bước đi cùng với Chúa”.

Hơn hai nghìn người da đen đã đến, họ đứng chật cả nhà thờ, từ tầng hầm cho đến ban công và khắp trên phố. Họ đọc kinh và hát; họ gào thét và cầu nguyện; họ đổ sụp trên hành lang của nhà thờ, mồ hôi vã ra dưới cái nóng 30 độ C. Họ cùng nhau nhắc lại lời thề sẽ tiếp tục “đấu tranh một cách tiêu cực và thụ động”. Dưới khẩu hiệu đó, phong trào tẩy chay các tuyến xe buýt của thành phố đã liên tục diễn ra trong 8 ngày.

Trong cuộc mít-tinh đó, Martin Luther King đã đọc một bài diễn thuyết đầy xúc động hàng triệu con tim đang khát khao có được công bằng về chủng tộc. ông nói rằng chúng ta không chỉ phản đối sử dụng xe buýt mà trên hết là phản đối “những thứ đã ăn sâu vào tiềm thức của lịch sử”. ông nói:

Chúng ta biết đến sự nhục nhã, chúng ta biết những lời chửi rủa, chúng ta bị chìm sâu vào vực thẳm của sự áp bức. Và chúng ta quyết định vùng lên không chỉ với vũ khí là sự đấu tranh. Đó là niềm vinh dự to lớn nhất của nước Mỹ rằng chúng ta có quyền phản kháng.

Nếu chúng ta bị bắt, bị bóc lột, bị chà đạp hàng ngày; đừng bao giờ để bất kỳ ai đánh giá thấp bạn để rồi ghét họ. Chúng ta phải sử dụng vũ khí là sự yêu thương. Chúng ta phải có lòng trắc ẩn và thấu hiểu đối với những kẻ căm ghét chúng ta. Chúng ta phải hiểu rằng có nhiều người được dạy dỗ phải ghê tởm chúng ta nên đó hoàn toàn không phải là lỗi của họ. Chúng ta sống trong bóng tối nửa đêm, nhưng chúng ta luôn luôn đứng trước ngưỡng cửa của một bình mình mới đang đến.

Giọng điệu của King nhấn mạnh vào tình yêu và sự khoan dung đã tạo ra hiệu quả mạnh mẽ giúp giành được lòng cảm thông của người dân khắp trên trên mọi miền của nước Mỹ, trong đó bao gồm cả người da trắng cũng như người da đen. Tuy nhiên, nhiều người da đen cho rằng thông điệp đó thật ngờ nghệch, họ nghĩ rằng trong khi vẫn còn có những người lầm đường lạc lối được tình yêu thương thức tỉnh, thì vẫn còn những người khác phải chiến đấu trong đắng cay và luôn phải sống trong bạo lực. Hai năm sau cuộc tẩy chay ở Montgomery, tại Monroe, Bắc Carolina, cựu thủy thủ Robert

Williams, chủ tịch Hiệp hội Quốc gia vì sự tiến bộ của người da màu địa phương, đã nổi tiếng với quan điểm người da đen, bằng vũ trang nếu cần thiết, có thể tự bảo vệ bản thân khỏi bạo lực. Khi các băng nhóm Klasmen (thành viên thuộc Đảng 3K) địa phương tấn công nhà của một trong các lãnh đạo của Hiệp hội Quốc gia vì sự tiến bộ của người da màu tại Monroe, Williams cùng những người da đen khác với súng ống đã kiên cường chống trả lại. Và rồi người của Klan phải rời đi (các nhóm Klan hiện đang phải đối mặt với thủ đoạn bạo lực của chính mình, một cuộc tấn công của Đảng 3K vào cộng đồng người Mỹ bản xứ tại Bắc Carolina đã bị đẩy lui.) Kể từ đó, trong những năm tiếp theo, những người da đen ở miền Nam vẫn duy trì phong trào đấu tranh bất bạo động. Ngày 1 tháng 2 năm 1960, bốn thanh niên tại trường đại học dành cho người da đen ở Greensboro, Bắc Carolina đã quyết định đến ăn trưa tại quán ăn Woolworth dưới thị trấn, nơi chỉ phục vụ những người da trắng. Họ bị từ chối phục vụ và chủ cửa hàng đã quyết định đóng cửa cả ngày hôm đó vì bốn người thanh niên này không chịu rời đi. Ngày kế tiếp, họ quay trở lại và sau đó ngày này qua ngày khác những người da đen khác cũng đến và ngồi trong im lặng.

Hai tuần sau, phong trào này đã lan rộng khắp mười lăm thành phố của năm bang tại miền Nam. Ruby Doris Smith, một sinh viên hai mươi bảy tuổi, thuộc trường đại học Spelman tại Atlanta đã nghe được thông tin về Greensboro:

Khi Ủy ban sinh viên được lập ra… Tôi đã nói với chị gái của mình… ghi tên tôi vào danh sách. Và tôi đã có mặt trong số 200 sinh viên được chọn cho cuộc biểu tình đầu tiên. Tôi cùng với sáu sinh viên khác lấy thức ăn trên băng truyền trong căng tin ở Nhà Quốc hội bang (State Capitol), nhưng khi chúng tôi đến quầy thanh toán thì nhân viên thu ngân không nhận tiền của chúng tôi… Phó Thống đốc bang đi đến và yêu cầu chúng tôi rời đi. Chúng tôi không chấp nhận và đã bị tống giam.

Trong căn hộ tại khu Harlem của New York, một giáo viên toán gốc Phi trẻ tuổi tên là Bob Moses khi nhìn thấy các bức ảnh được đăng tải trên một tờ báo về những người tham gia biểu tình ngồi tại Greensboro đã mô tả:

Khuôn mặt của những sinh viên trong tấm hình đó thể hiện sự kiên quyết, pha chút

buồn bã, giận dữ nhưng quyết tâm. Trước đó, khuôn mặt của người da đen tại miền Nam luôn luôn thể hiện sự cam chịu và nhẫn nhục. Giờ đây, họ đã trở nên chủ động hơn. Họ chỉ bằng tuổi tôi, và tôi biết điều này sẽ mang lại điều gì đó đối với cuộc sống của chính mình.

Mặc dù tình trạng bạo lực vẫn còn diễn ra đối với những người tham gia biểu tình. Nhưng quan điểm về việc chủ động chống nạn phân biệt chủng tộc vẫn được giữ vững. Trong mười hai tháng kế tiếp, hơn năm mươi nghìn người, trong đó hầu hết là người da đen cùng một số người da trắng đã tham gia các cuộc biểu tình dưới nhiều hình thức khác nhau tại 100 thành phố, hơn 3.600 người đã bị bắt giam. Tuy nhiên, vào cuối năm 1960, các quầy phục vụ ăn trưa đã mở cửa cho người da đen tại Greensboro và nhiều nơi khác.

Một năm sau sự kiện Greensboro, một tổ chức có trụ sở tại miền Bắc hoạt động hết mình vì sự bình đẳng chủng tộc mang tên Hội đồng vì sự Bình đẳng chủng tộc (Congress of Racial Equality − CORE) đã tổ chức phong trào mang tên Hành trình tự do (Freedom Riders), trong đó người da trắng và da đen đồng hành cùng nhau trên các chuyến xe buýt xuôi xuống miền Nam, nỗ lực phá bỏ nạn phân biệt đối xử trong giao thông giữa các tiểu bang. Sự phân biệt đối xử này từ lâu được coi là bất hợp pháp, nhưng chính phủ liên bang vẫn chưa bao giờ thi hành luật để chống lại tình trạng đó tại miền Nam. Tổng thống đương nhiệm khi đó là John F. Kennedy dường như đã quá thận trọng trong việc xử lý các vấn đề chủng tộc cũng như quá quan tâm đến sự hỗ trợ của giới lãnh đạo da trắng tại miền Nam trong Đảng Dân chủ.

Hai chuyến xe buýt rời thủ đô Washington vào ngày 4 tháng 5 năm 1963 thẳng tiến tới New Orleans, nhưng họ đã không bao giờ đến đích. Tại Nam Carolina, người lái xe đã bị hành hung. Tại Alabama, một xe buýt đã bị đốt cháy. Những người tham gia Hành trình tự do đã bị tấn công bằng nắm đấm thép và gậy sắt. Cảnh sát miền Nam cũng như chính phủ liên bang đã không can thiệp để ngăn chặn các hành động bạo lực đó. Nhân viên cũng đến để xem xét, ghi chép, nhưng không làm gì cả.

Nhân sự kiện đó, các thành viên kỳ cựu của phong trào biểu tình ngồi đã thành lập Ủy

ban Hợp tác chống bạo lực sinh viên (Student Nonviolent Coordinating Committee − SNCC), nhằm xây dựng phong trào đấu tranh bất bạo động đòi quyền bình đẳng. Họ đã tổ chức một Hành trình tự do khác từ Nashville sang Birmingham. Trước khi khởi hành, họ đã gọi cho Bộ Tư pháp tại thủ đô Washington yêu cầu được bảo vệ. Như sau này Ruby Doris Smith kể lại: “… Bộ Tư pháp đã từ chối yêu cầu đó, họ không thể bảo vệ bất kỳ ai, nhưng họ hứa nếu có điều gì xảy ra thì họ sẽ điều tra. Mà bạn biết cách họ điều tra rồi đấy…”

Các thành viên tham gia Hành trình tự do chống bạo lực sinh viên kết hợp với chống phân biệt chủng tộc đã bị bắt tại Birmingham, bang Alabama. Sau khi bị giam giữ một ngày, họ được cảnh sát đưa đến biên giới bang Tennessee. Ngay khi được thả, họ đã quay trở lại Birmingham, sau đó bắt xe đi Montgomery. Tại đây, người da trắng đã tấn công đoàn diễu hành làm nhiều người bị thương nặng. Sau đó, họ bắt đầu lại hành trình của mình đến Jackson, bang Mississipi.

Vào thời gian đó, tin tức về Hành trình tự do đã lan rộng trên toàn thế giới, chính phủ Mỹ không khỏi lo ngại tình trạng bạo lực gia tăng và cố gắng tìm cách để ngăn chặn. Bộ trưởng Tư pháp Robert Kennedy thay vì kiên quyết bảo đảm quyền tự do đi lại, đã đồng ý bắt giam các thành viên của đoàn Hành trình tự do tại Jackson, cũng như ra lệnh cho cảnh sát Mississipi phải ngăn chặn mọi nguy cơ có thể xảy ra bạo lực. Như Victor Navasky, trong tác phẩm Kennedy Justice (Công lý của Kennedy), đã mô tả Robert Kennedy như sau: “ông đã không ngần ngại đánh đổi quyền tự do đi lại giữa các tiểu bang của những người tham gia phong trào lấy sự bảo đảm quyền sống của các Thượng nghị sỹ bang Eastlands.”

Nhưng các thành viên đoàn Hành trình tự do không chịu bị khuất phục trong nhà giam. Họ kháng cự, đấu tranh, cất cao tiếng hát và yêu cầu đòi quyền lợi. Sau này, Stokely Carmichael đã hồi tưởng khoảnh khắc khi ông và những người bạn cùng phòng giam cất tiếng hát trong nhà tù Parchman, bang Mississipi. Viên cảnh sát trưởng ở đó đã đe dọa sẽ thu đệm của họ:

Tôi đứng lên đệm và nói: “Tôi nghĩ chúng tôi có quyền sử dụng đệm.” Viên cảnh sát

trưởng quát lên: “Tao không muốn nghe những lời lẽ thối tha đó, lũ mọi đen kia” và tay nắm chặt đốc dùi cui. Tôi không di chuyển và bắt đầu hát “Tôi sẽ kể cho Chúa nghe về cách mà ông đối xử với tôi” và mọi người bắt đầu hát theo, lúc đó Tyson rất tức giận. Hắn ta ra lệnh cho mấy tên thuộc hạ thân tín “Nhốt nó vào biệt giam” rồi bước ra ngoài, đóng sầm cửa lại bỏ mặc các tù nhân khác với những chiếc đệm của họ.

Mùa đông năm 1961-1962, tại Albany, bang Georgia, một thị trấn nhỏ nằm sâu ở phía Nam nơi còn tàn dư của chế độ nô lệ, hàng loạt cuộc biểu tình đã diễn ra. Trong tổng số hơn 22 nghìn người da đen sống tại Albany, hơn một nghìn người đã bị bắt giam với tội danh tham gia biểu tình, tụ tập phản đối nạn phân biệt đối xử và phân biệt chủng tộc. Từ đây, các cuộc biểu tình đã nhanh chóng lan khắp miền Nam, có cả sự tham gia của trẻ em gốc Phi – một thế hệ mới đang lớn lên. Sau khi bắt giữ đoàn người biểu tình, cảnh sát trưởng của Albany tiến hành điểm danh các tù nhân. Hắn ta nhìn thấy một cậu bé da đen khoảng chín tuổi và hỏi cậu: “Mày tên gì?”, cậu bé nhìn thằng vào viên cảnh sát trưởng và nói “Tự do, tự do.”

Không có cách nào để đo được mức độ ảnh hưởng từ các phong trào miền Nam tác động đến nhận thức của một thế hệ thanh niên da đen hay đến quá trình trở thành các nhà hoạt động và lãnh đạo phong trào. Tại hạt Lee, bang Georgia, sau sự kiện năm 1961-1962, một thiếu niên da đen tên là James Crawford sau khi gia nhập SNCC đã dẫn đầu đoàn người da đen đến tòa thị chính của hạt để tham gia bầu cử. Vào một ngày, khi đưa một phụ nữ đến đó, cậu bị viên phó lục sự chặn lại. Một thành viên khác trong SNCC đã ghi lại cuộc đối thoại đó:

PHó LỤC SỰ: Mày muốn gì?

CRAWFORD: Tôi đưa người này đến để đăng ký bầu cử.

PHó LỤC SỰ: (sau khi đưa cho người phụ nữ một tấm thẻ để điền tên, ông ta đuổi người phụ nữ ra ngoài sảnh) Tại sao mày lại đưa con đàn bà ấy đến đây?

CRAWFORD: Cô ấy muốn trở thành một công dân như tất cả chúng ta.

PHó LỤC SỰ: Mày là ai mà dám đưa người đến đây đăng ký?

CRAWFORD: Đó là việc tôi phải làm.

PHó LỤC SỰ: Giả sử mày nhận được hai viên đạn vào đầu ngay bây giờ thì mày nghĩ sao?

CRAWFORD: Đằng nào chả chết.

PHó LỤC SỰ: Nếu tao không bắn thì tao cũng kêu ai đó bắn. Mày sợ à?

CRAWFORD: Không hề.

PHó LỤC SỰ: Nếu ai đó đi vào và bắn mày vào sau gáy ngay bây giờ. Mày sẽ làm gì?

CRAWFORD: Chẳng thể làm gì. Nhưng nếu tôi bị bắn, sẽ có rất nhiều người đến từ khắp nơi trên thế giới tiếp tục công việc này.

PHó LỤC SỰ: Ai?

CRAWFORD: Những người đồng chí của tôi.

Vào năm 1963, tại Birmingham, hàng nghìn người da đen đã đổ ra khắp các đường phố, đối mặt với dùi cui cảnh sát, hơi cay, cảnh khuyển và vòi rồng. Trong khi đó, trên toàn miền Nam, thanh niên của SNCC hầu hết là người da đen, số ít là người da trắng đã đi đến các tổ chức cộng đồng tại các bang Georgia, Alabama, Mississipi, Arkansas. Tập hợp người da đen địa phương lại, họ tiến hành đăng ký bầu cử, phản đối nạn phân biệt chủng tộc, và thổi bùng dũng khí chống bạo lực. Bộ Tư Pháp đã thống kê được 1.412 cuộc biểu tình chỉ trong ba tháng của năm 1963. Nhà giam trở thành nơi quen thuộc, việc đánh đập trở nên thường xuyên hơn. Nhiều người dân địa phương khiếp sợ. Những người khác tiếp tục đấu tranh. Carver Neblett, sinh viên mười chín tuổi gốc Phi đến từ bang Illinois, thành viên của SNCC tại hạt Terrell, bang

Georgia, đã viết:

Tôi đã nói chuyện với một người mù, ông ta rất quan tâm đến cuộc vận động về dân quyền. ông ta đã theo dõi cuộc vận động ngay từ thời gian đầu. Mặc dù bị mù nhưng ông ấy vẫn muốn học tất cả các câu hỏi trong bài kiểm tra văn đọc viết. Hãy tưởng tượng, trong khi nhiều người sợ rằng người da trắng sẽ đốt nhà của họ, sẽ bắn họ, hoặc chiếm đoạt tài sản của họ, một người đàn ông mù 70 tuổi lại muốn đến buổi mít-tinh của chúng ta.

Mùa hè năm 1964, SNCC và các nhóm dân quyền khác cùng hoạt động tại Mississipi đang phải đối mặt với bạo lực và họ đã quyết định kêu gọi thanh niên từ các khu vực khác của đất nước đến giúp đỡ. Họ hy vọng điều đó sẽ thu hút sự chú ý đến tình trạng đang diễn ra tại Mississippi. Hết lần này qua lần khác tại Mississippi và cả những nơi khác nữa, mặc dù có sự xuất hiện của FBI cũng như Bộ Tư pháp, những người chiến đấu đòi dân quyền vẫn bị đánh đập và tống giam, luật liên bang vẫn bị vi phạm trắng trợn.

Sự kiện Mùa hè Mississipi nổ ra vào đầu tháng 6 năm 1964, ban tổ chức cuộc đấu tranh vì dân quyền đã thuê một rạp hát gần Nhà Trắng, và tổ chức chuyến xe buýt đón những người da đen ở Mississipi đưa đến tận Washington để công chúng có thể tận mắt chứng kiến nạn bạo lực hàng ngày vẫn đang tiếp diễn, và những nguy hiểm đối với những người tình nguyện tham gia đấu tranh. Các luật sư hiến pháp đã xác nhận rằng chính phủ Mỹ có quyền lực hợp pháp đưa ra sự bảo vệ chống lại những hành động bạo lực đó. Một báo cáo về các bằng chứng xác thực cùng yêu cầu có sự can thiệp bảo vệ của chính quyền liên bang trong suốt sự kiện Mùa hè Mississipi đã được gửi tới cho Tổng thống Johnson và Tổng Chưởng lý Kennedy. Nhưng không có hồi âm nào cả.

Mười hai ngày sau khi xuất hiện trước công chúng, ba công dân tham gia phong trào đòi dân quyền trong đó có một thanh niên da đen trẻ tuổi người Mississipi ‒ James Chaney, và hai tình nguyện viên da trắng tên là Andrew Goodman và Michael Schwerner, đã bị bắt tại Philadelphia, bang Mississipi. Họ được phóng thích vào ban

đêm, nhưng rồi ngay sau đó bị bắt lại, bị tra tấn dã man bằng dây xích và bị bắn chết. Dựa vào lời khai của các nhân chứng bao gồm: cảnh sát trưởng, phó cảnh sát trưởng thì những kẻ liên quan khác đã phải vào tù. Những vụ giết hại người da đen tại Mississipi tiếp tục diễn ra sau khi chính phủ liên bang dưới thời Tổng thống Kennedy hay Johnson không có bất cứ động thái nào để bảo vệ người da đen khỏi bạo lực.

Sự bất mãn đối với chính phủ Liên bang ngày càng tăng. Vào cuối mùa hè năm đó, bang Mississipi tham dự Hội nghị Dân chủ Quốc gia tại Washington. Nhóm người da đen chiếm 40% dân số bang đã yêu cầu được có đại diện trong đoàn đại biểu bang tham dự hội nghị liên bang. Lãnh đạo Đảng Dân chủ Tự do, trong đó có cả ứng viên Phó Tổng thống Hubert Humphrey đã thẳng tay bác bỏ yêu cầu đó.

Quốc hội bắt đầu có những động thái đối phó lại các cuộc nổi loạn của người da đen cùng tình trạng lộn xộn phổ biến trên khắp thế giới. Luật Dân quyền đã được thông qua vào những năm 1957, 1960, 1964. Chính phủ hứa nhiều về quyền bầu cử, quyền được làm việc nhưng tất cả đều chỉ được thực thi qua loa thậm chí bị phớt lờ. Vào năm 1965, Tổng thống Johnson đã phê chuẩn và Quốc hội thông qua Luật Bầu cử, cho phép bảo đảm quyền được tham gia bầu cử trong sự bảo vệ liên bang. Sự tác động của các công dân gốc Phi tại miền Nam đã tạo được ấn tượng mạnh mẽ. Năm 1952, một triệu người da đen miền Nam (20% trong số đó đủ tư cách) đã đăng ký bầu cử; vào năm 1964, con số này là 2 triệu người và có 40% người đủ tư cách. Và năm 1968, có 3 triệu người đăng ký trong đó 60% người đủ tư cách bỏ phiếu bằng với các cử tri da trắng.

Chính phủ liên bang đã cố gắng – nhưng không tạo ra được sự chuyển biến lớn nào – kiểm soát tình trạng đó cũng như cố gắng xoa dịu sự phẫn nộ của người da đen. Khi các nhà lãnh đạo dân quyền người da đen lên kế hoạch tổ chức một cuộc đấu tranh quy mô lớn tại Washington vào mùa hè năm 1963 để phản đối sự thất bại của chính phủ trong việc giải quyết vấn đề chủng tộc, Tổng thống Kennedy và giới quan chức đã gây áp lực buộc họ phải chuyển cuộc đấu tranh thành một kiểu biểu tình hòa bình.

Tại cuộc biểu tình này, Martin Luther King đã có bài diễn thuyết “I have a dream”

(Tôi có một ước mơ) gây xúc động sâu sắc cho 200 nghìn người Mỹ da đen và da trắng tham dự buổi mít-tinh. Đó thực sự là một bài hùng biện sâu sắc, song không có được sự phẫn nộ mà nhiều người da đen muốn thấy. Khi John Lewis, sinh trưởng tại Alabama, một trong những lãnh đạo SNCC, người từng bị bắt và đánh đập dã man, đọc một bài diễn văn hùng hồn thể hiện sự giận dữ của người da đen, thì những người lãnh đạo cuộc biểu tình cho rằng John đã không tuân theo những đàm phán với chính phủ, và cố tình kích động hành vi đấu tranh bằng vũ lực.

Mười tám ngày sau cuộc biểu tình ở Washington, một quả bom đã phát nổ tại một nhà thờ của người da đen ở Birmingham, bốn phụ nữ có mặt trong khóa lễ ngày Chủ nhật thiệt mạng. Tổng thống Kennedy lên tiếng ca ngợi “sự nhiệt tình và ý nghĩa sâu sắc” của cuộc biểu tình. Nhưng tinh thần đấu tranh không mệt mỏi của Malcolm X – thủ lĩnh gốc Phi chủ trương bạo động – đã dần lớn mạnh hơn trong tiềm thức của cộng đồng người Mỹ gốc Phi. Tại Detroit, hai tháng sau cuộc biểu tình hòa bình ở Washington và cuộc đánh bom tại Birmingham, Malcolm X đã có bài phát biểu hùng hồn, mạch lạc và đầy sức lôi cuốn, mô tả lại bối cảnh của cuộc biểu tình ở Washington:

Những người da đen ngoài phố đang nói về cách thức họ sẽ tổ chức biểu tình tại Washington… Rằng họ sẽ biểu tình tại Washington, tại Thượng viện, tại Nhà Trắng, tại Quốc hội, và liên kết lại để làm cho hệ thống ấy đình đốn, ngăn cản không để bộ máy chính phủ tiếp tục guồng quay. Thậm chí họ còn dự định biểu tình ở sân bay, nằm trên đường băng để ngăn không cho máy bay hạ cánh. Tôi đang kể lại cho các bạn những điều mà họ nói. Đó là cách mạng. Đó là cách mạng. Cuộc cách mạng Đen.

Cỏ vẫn mọc trên đường phố ngoài kia. Những điều đó sẽ làm những người da trắng sợ hãi đến chết, làm cho cơ cấu quyền lực của người da trắng tại Washington bị rệu rã. Tôi đã ở đó. Khi họ nhận ra một sức mạnh ghê gớm vĩ đại đang tiến về thủ đô, họ đã cầu xin… các nhà lãnh đạo gốc Phi – những người mà bạn vẫn hằng kính trọng rằng: “Hãy dừng lại đi”. Kennedy quát vào mặt họ: “Các ngài đã để cho sự việc đi quá xa rồi đấy.” Và Tom lão luyện đáp: “Thưa tổng thống, chúng tôi không thể ngăn lại được vì

chúng tôi đâu có gây ra chuyện đó.” Tôi đang kể lại cho các bạn nghe điều mà họ đã nói. Họ nói, “Chúng tôi thậm chí còn không tham gia, nói gì đến việc lãnh đạo phong trào đó. Bọn da đen đó tự chúng làm hết đấy chứ, chúng đang qua mặt chúng ta.” Và với sự giảo quyệt của loài cáo, tổng thống quyết định: “Nếu tất cả các người không tham gia, ta sẽ buộc các người phải tham gia. Ta sẽ buộc các người phải dẫn dắt nó. Ta sẽ bảo trợ, sẽ chào đón, giúp đỡ và cùng tham gia vào phong trào đó.”

Đấy là điều mà những người cầm quyền đã làm trong cuộc biểu tình tại Washington. Họ tham gia và trở thành một phần của cuộc đấu tranh, rồi từng bước chi phối nó. Và khi họ đã nắm quyền lãnh đạo thì cuộc đấu tranh dần mất tính chiến đấu, không còn giận dữ, không còn sôi sục quyết tâm, và trở nên nhượng bộ. Tại sao vậy, thậm chí nó không còn là một cuộc biểu tình đúng nghĩa nữa. Nó trở nên giống như một cuộc dạo chơi tập thể, một buổi diễn xiếc. Một buổi diễn xiếc nhạt nhẽo, thiếu vắng những chú hề…

Không, đó không phải là một buổi biểu diễn cháy vé mà nó là sự thay máu từ từ. Họ kiểm soát nó chặt chẽ, họ chỉ đạo những người biểu tình: thời điểm vào thành phố, dừng lại ở đâu, giương lên những khẩu hiệu gì, hát những bài hát nào, nói gì và không được nói gì…, và rồi bảo họ rời khỏi thành phố lúc hoàng hôn…

Sự chân thực trong lời miêu tả của Malcolm X về cuộc biểu tình tại Washington được chứng thực bởi một lời miêu tả khác từ phía giới cầm quyền – cố vấn Nhà Trắng Arthur Schlesinger viết trong tác phẩm A Thousand Days (Một nghìn ngày). ông kể lại chi tiết việc Kennedy đã gặp những lãnh đạo dân quyền và nói với họ rằng cuộc biểu tình sẽ “tạo nên một bầu không khí hoang mang” bất lợi vào chính thời điểm Quốc hội đang cố gắng xem xét dự thảo luật về Dân quyền. A. Philip Randolph trả lời: “Những người da đen tràn ngập trên phố. Dường như không thể giải tán họ được…” Schlesinger cho rằng: “Tổng thống đã thuyết phục được các nhà lãnh đạo phong trào Dân quyền rằng họ không nên bao vây trụ sở Quốc hội.” Schlesinger đã mô tả cuộc biểu tình ở Washington một cách đầy ngưỡng mộ và kết luận: “Chính vì thế, năm 1963, Kennedy đã quyết định lôi kéo phong trào đấu tranh của những người Mỹ gốc

Phi vào liên minh dân chủ…”

Nhưng điều đó đã không trở thành hiện thực. Người da đen không thể dễ dàng tham gia liên minh dân chủ khi các vụ đánh bom tại các nhà thờ tiếp tục xảy ra và đạo luật về Dân quyền mới chưa thay đổi được căn bản điều kiện sống của người da đen. Vào mùa xuân năm 1963, tỷ lệ thất nghiệp của người da trắng là 4,8%, còn người không phải da trắng là 12,1%. Theo thống kê của chính phủ, chỉ có 1/5 dân số da trắng sống dưới mức nghèo đói trong khi ở người da đen là 1/2. Dự thảo luật về Dân quyền có nhấn mạnh đến quyền bầu cử, nhưng quyền bầu cử không phải là giải pháp căn bản đối với nạn phân biệt chủng tộc hay nghèo đói. Người da đen có quyền bầu cử từ cách đó nhiều năm nhưng vẫn phải sống trong các khu ổ chuột tại Harlem.

Vào thời điểm Đạo luật Dân quyền được Quốc hội thông qua, những cuộc bạo động của người da đen trên mọi miền của nước Mỹ vẫn liên tục nổ ra và đạt tới cao trào trong những năm 1964 và 1965. Tại Florida, một người phụ nữ gốc Phi bị giết và một trường trung học dành cho người da đen bị đe dọa đánh bom. Tại Cleveland, một bộ trưởng người da trắng đã bị ám sát khi đang đứng giữa một đám đông phản đối nạn phân biệt đối xử với người da đen tại các công trường xây dựng. Tại New York, một cậu bé gốc Phi mười lăm tuổi đã bị bắn chết khi va chạm với cảnh sát. Ngoài ra, còn rất nhiều các cuộc bạo loạn khác ở Rochester, Jersey City, Chicago, Philadelphia.

Tháng 8 năm 1965, khi Lyndon Johnson đặt bút ký vào bản dự thảo Đạo luật về Quyền bầu cử, trao quyền hợp pháp cho các cử tri da đen nhằm đảm bảo sự an toàn cho họ, thì tại khu phố ổ chuột của người Mỹ gốc Phi ở Watts, thành phố Los Angeles đã nổ ra một vụ bạo loạn đẫm máu nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Cuộc bạo loạn đó được châm ngòi bằng việc cảnh sát dùng vũ lực, dùi cui để khống chế một lái xe người Mỹ gốc Phi và một người phụ nữ trẻ da đen bị kết tội xúc phạm cảnh sát. Cuộc nổi loạn nổ ra trên khắp các đường phố, các vụ cướp bóc và đánh bom các cửa hàng liên tiếp diễn ra. Cảnh sát và quân đội đã được huy động. 34 người thiệt mạng, phần lớn là người da đen, hàng trăm người bị thương, 4 nghìn người bị bắt. Phóng viên tờ West Coast, Robert Conot đã viết về cuộc nổi loạn (trong hai tác phẩm

Rivers of Blood − Những dòng sông máu, Years of Darkness – Những năm tăm tối) đó như sau: “Tại Los Angeles, những người da đen tiếp tục cho thấy từ lâu họ đã không còn khiếp sợ nữa. Và rằng, khi họ đau khổ và nổi giận, họ sẽ đấu tranh, cho dù hành vi bạo lực có thích hợp hay không.”

Mùa hè năm 1966, các vụ bạo loạn liên tiếp nổ ra, các vụ ném đá, cướp bóc, đánh bom diễn ra nhiều hơn tại Chicago và quân đội được lệnh bắn tự do. 3 người da đen đã bị giết trong đó có một cậu bé 13 tuổi, một cô gái 14 tuổi đang mang thai. Tại Cleveland, quân đội được huy động để ngăn chặn cuộc bạo động trong cộng đồng người da đen. 4 người Mỹ gốc Phi thiệt mạng, 2 người chết do cảnh sát bang bắn và 2 người khác do thường dân da trắng sát hại.

Dường như việc giải quyết tình trạng bạo lực tại miền Nam là điều vô cùng cấp bách, nhưng vẫn chưa cấp thiết bằng việc giải quyết những vấn đề nhức nhối về sự nghèo đói tại các khu ổ chuột của người da đen. Cho tới năm 1910, 90% người da đen sinh sống tại các bang miền Nam. Tính đến năm 1965, các máy thu hoạch bông đã được sử dụng cho 81% diện tích trồng bông của vùng tam giác Mississipi. Giữa năm 1940 và 1970, tới 4 triệu người da đen đã rời khỏi các vùng quê để lên thành phố. Trước năm 1965, 80% người da đen sống tại các thành phố và một nửa định cư tại các thành phố miền Bắc.

Một tinh thần mới dần được hình thành trong SNCC và trong nhiều người da đen có tinh thần chiến đấu cao. Một nhà văn trẻ tên là Julius Lester đã diễn tả mộng tưởng tan vỡ của họ:

Bây giờ tất cả đã qua. Nước Mỹ đã có các cơ hội liên tiếp để chứng tỏ rằng nó thực sự mang lại ý nghĩa ”tất cả mọi người đều được trời phú cho những quyền không thể thay đổi.”…. Bây giờ tất cả đã qua. Những ngày hát những bài hát về tự do và những ngày

chiến đấu với súng đạn, đùa vui với tình yêu… Tình yêu thật mỏng manh, nhẹ nhàng, như đang tìm kiếm sự hồi âm. Họ thường hát “Tôi yêu mọi người” khi họ cúi xuống nhặt chai lọ và gạch vụn. Và giờ họ hát:

Quá nhiều tình yêu,

Quà nhiều tình yêu,

Không có gì giết được những thứ mà một người da đen thích

Quá nhiều tình yêu.

Vào năm 1967, từ các khu ổ chuột của nước Mỹ, đã diễn ra cuộc nổi loạn lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ. Theo báo cáo của Ủy ban Cố vấn Quốc gia về Bạo loạn đô thị, họ đề cập đến việc những người da đen không chỉ chống lại các biểu tượng trong xã hội người da trắng, họ còn nhằm tới các “biểu tượng về quyền lực và tài sản” trong cộng đồng người da đen – thay vì chỉ thuần túy chống lại người da trắng. Ủy ban đã báo cáo về 8 vụ bạo động nguy hiểm, 33 cuộc nổi loạn “nghiêm trọng nhưng không nguy hiểm” và 123 vụ bạo loạn nhỏ. Trong số 83 trường hợp bị bắn chết, hầu hết xảy ra tại Newark và Detroit thì “Đa số những người chết hoặc bị thương trong tất cả các cuộc nổi loạn đều là dân thường gốc Phi.”

Theo như bản báo cáo của Ủy ban, “kẻ nổi loạn điển hình” là một học sinh trung học trẻ tuổi, đã bỏ học nhưng “nhờ thế mà được giáo dục tốt hơn những người hàng xóm da đen không gây rối của cậu ta”, thất nghiệp và “thường xuyên làm người giúp việc.” Cậu ta “tự hào về màu da của mình, cực kỳ căm ghét người da trắng cũng như những người da đen trung lưu, và mặc dù đã được cung cấp thông tin về chính trị song lại không hề tin tưởng vào hệ thống chính trị”.

Bản báo cáo đổ lỗi cho “chế độ phân biệt chủng tộc da trắng” đã gây ra các cuộc nổi loạn và góp phần tạo nên thứ “hỗn hợp chất nổ được tích tụ trong các thành phố của chúng ta kể từ cuối Chiến tranh thế giới thứ hai”:

Nạn phân biệt chủng tộc và phân biệt đối xử phổ biến trong nhiều lĩnh vực của xã hội như việc làm, giáo dục, trường học… làm gia tăng thêm sự tập trung những người da đen nghèo khổ tại các thành phố lớn, điều đó dẫn đến sự đổ lỗi và chỉ trích ngày càng tăng về việc các cơ sở vật chất và dịch vụ công bị phá hỏng, ảnh hưởng tới việc đáp

ứng nhu cầu của con người.

Trong giới trẻ da đen, ý thức hệ mới, lòng tự trọng và niềm tự hào về chủng tộc đang dần thay thế cho sự thờ ơ và thói quen phục tùng “thể chế”. Bản thân báo cáo của Chính phủ cũng là một phương tiện hạn chế các cuộc Bạo loạn: Thành lập một ủy ban điều tra, công bố những kết quả và ngôn từ của mạnh mẽ báo cáo dù sao cũng có tác dụng xoa dịu nhất định.

Điều đó không hoàn toàn có tác dụng. Phong trào Sức mạnh Da đen (Black Power) là một động thái mới – thể hiện một sự không tin tưởng vào bất kỳ “quá trình” nào do người da trắng đưa ra hoặc thực hiện, nhằm loại bỏ sự thống trị của người da trắng. Rất ít người da đen (thậm chí da trắng) biết đến câu nói của nhà văn Aldous Huxley: “Quyền tự do không phải được trao cho mà phải giành lấy.” Tư tưởng đó được thể hiện trong tôn chỉ hoạt động của phong trào Sức mạnh Da đen. Đó là niềm tự hào về chủng tộc, khẳng định sự độc lập của người da đen và thông thường là tình trạng chia rẽ giữa những người da đen để giành được độc lập. Malcolm X là nhà phát ngôn có tài hùng biện nhất về vấn đề này. ông bị ám sát một cách bí ẩn khi đang diễn thuyết trước công chúng vào tháng 2 năm 1965. ông đã trở thành người anh hùng tử vì đạo của phong trào này. Hàng trăm nghìn người đã tìm đọc hồi ký của ông. Tầm ảnh hưởng của ông sau khi chết còn lớn hơn cả khi đang sống.

Martin Luther King, mặc dù vẫn rất được kính trọng nhưng đang dần bị thay thế bởi những người anh hùng mới: Huey Newton của tổ chức Những con báo đen (Black Panthers – nhóm đấu tranh vì người da đen vào những năm 1960-1970). Tổ chức này được vũ trang với chủ trương những người da đen nên tự bảo vệ chính mình.

Cuối năm 1964, Malcolm X. đã phát biểu trước các sinh viên người da đen từ

Mississppi đến thăm Harlem:

Hãy để cho kẻ thù biết các bạn sẵn sàng làm bất cứ việc gì để giành lấy tự do và rồi các bạn sẽ có nó. Đó là cách duy nhất để các bạn đạt được nó. Khi các bạn thể hiện thái độ đó, họ sẽ gọi các bạn là một “kẻ da đen điên rồ hay thằng mọi đen”- họ không

nói là người châu Phi. Hoặc họ sẽ gọi các bạn là những kẻ cực đoan quá khích hay một kẻ âm mưu lật đổ, kẻ nổi loạn, cộng sản hoặc cấp tiến… Nhưng khi các bạn duy trì quan điểm cách mạng một thời gian đủ dài và có được những người cùng chí hướng như mình, các bạn sẽ giành được tự do.

Quốc hội đã đáp lại các vụ nổi loạn năm 1967 bằng cách phê chuẩn Đạo luật về Dân quyền năm 1968. Có lẽ đạo luật này sẽ góp thêm sức mạnh cho các bộ luật ngăn cấm bạo lực đối với người da đen, đạo luật này tăng nặng các hình phạt đối với những người có hành vi xâm phạm đến quyền công dân của người khác. Tuy nhiên, đạo luật này cũng quy định: “… không áp dụng đạo luật này đối với các hành vi hay thiếu sót của nhân viên thực thi pháp luật, các thành viên của lực lượng Vệ binh quốc gia…

hoặc các thành viên lực lượng vũ trang của Hoa Kỳ, những người tham gia đàn áp một cuộc bạo loạn hoặc nội chiến…”

Hơn thế, đạo luật đã thêm vào một điều khoản – được các thành viên tự do của Quốc hội thông qua để cho toàn bộ đạo luật được phê chuẩn – quy định phạt 5 năm tù với bất kỳ ai có hành vi đi sang các tiểu bang hoặc sử dụng cơ sở các tiểu bang (bao gồm thư tín và điện thoại) “để tổ chức, thúc đẩy, khuyến khích, tham gia, hoặc tiến hành nổi loạn”. Điều khoản đó định nghĩa một cuộc nổi loạn là một hành động được thực hiện bởi từ ba hoặc nhiều người có liên quan đến nguy cơ sử dụng bạo lực. Người đầu tiên bị truy tố theo đạo luật Dân quyền năm 1968 là H. Rap Brown, một lãnh đạo trẻ của SNCC ông ta đã phát biểu đầy giận dữ tại Maryland, chỉ trước khi ở đó diễn ra cuộc nổi loạn về sắc tộc. (Sau này đạo luật được dùng để chống những người biểu tình phản chiến tại Chicago – Sự kiện Chicago Eight).

Bản thân Martin Luther King ngày càng quan tâm hơn đến việc các đạo luật về Nhân quyền không giải quyết được triệt để các vấn đề về tình trạng nghèo đói. Vào mùa xuân năm 1968, ông đã phát biểu quan điểm chống chiến tranh Việt Nam của mình, đi ngược với đường hướng của các nhà lãnh đạo da đen khác, những người lo sợ mất đi hậu thuẫn tại Washington. ông chỉ ra sự liên quan mật thiết giữa chiến tranh với đói nghèo:

… điều đó không thể tránh khỏi, khi chúng ta đặt câu hỏi về sự lộn xộn giao thông lên ưu tiên hàng đầu. Chúng ta đang đổ bao nhiêu tiền của vào những việc giết chóc và phá hủy, vì thế gần như không đủ tiền cho an sinh xã hội và phát triển xây dựng… khi những mục tiêu của chiến tranh trở thành nỗi ám ảnh quốc gia, thì các nhu cầu an sinh xã hội dễ dàng bị xem nhẹ.

Martin Luther King trở thành mục tiêu hàng đầu của Cục Điều tra Liên bang. Văn phòng của ông bị đặt máy nghe trộm, các cuộc điện thoại cá nhân, gửi thư giả mạo, bị đe dọa, tống tiền, thậm chí một lần trong một bức thư nặc danh còn loan tin rằng ông đã tự sát. Nội bộ của FBI đã có những cuộc thảo luận để tìm một thủ lĩnh da đen khác thay thế King. Năm 1976, một báo cáo của Thượng viện về FBI chỉ ra rằng FBI đã cố gắng “tiêu diệt Tiến sỹ Martin Luther King”.

Trong khi đó, King đang chuyển sự quan tâm của ông sang các vấn đề khác nhức nhối hơn. ông vẫn kiên quyết phản đối bạo lực. Quan điểm của ông là các cuộc đấu tranh bằng nổi loạn và việc dùng vũ lực sẽ thất bại chứ không mang tới thành công như mong muốn. Tuy nhiên, việc nổi loạn, theo một cách thức nhất định thì giới cầm quyền phải lưu ý tới nguyện vọng của những người bị áp bức và chịu bất công. ông cũng cho rằng tình trạng không bạo lực “phải có tính chiến đấu, phải chống bạo lực trên quy mô lớn”. ông là người tổ chức “Chiến dịch cho Dân nghèo” với mục tiêu trình bày các vấn đề về công bằng trong kinh tế. Chiến dịch được đẩy lên cao điểm trong một cuộc diễu hành tại Washington, D.C., cuộc diễu hành đòi hỏi sự trợ giúp về kinh tế cho các cộng đồng người nghèo nhất tại Hoa Kỳ. ông đến thành phố Memphis, bang Tennessee để hỗ trợ cuộc biểu tình của các công nhân vệ sinh tại thành phố đó và khi đang đứng ở ban công khách sạn, ông đã bị một xạ thủ giấu mặt bắn chết. “Chiến dịch cho Dân nghèo” vẫn tiếp tục được duy trì thêm một thời gian nữa, nhưng sau đó đã bị cảnh sát can thiệp phải giải tán, giống như phong trào đòi quyền lợi của các cựu binh sau Chiến tranh thế giới thứ nhất năm 1932, cũng kết thúc mà không đạt kết quả gì.

Việc Martin Luther King bị ám sát đã châm ngòi cho nhiều cuộc bạo loạn mới rộng

khắp cả nước, 39 người thiệt mạng, trong đó có 35 người da đen. Thực tiễn đã chỉ ra rằng mặc dù đã có được những văn bản pháp lý cao nhất về dân quyền, quan tòa hầu như vẫn bất lực, không bảo vệ người da đen khỏi bạo lực và sự bất công:

1. Năm 1967 tại Detroit, 3 thiếu niên da đen đã bị giết tại nhà nghỉ Algiers. 3 viên cảnh sát Detroit và một bảo vệ da đen đã bị kết tội giết những người này. Hãng thông tấn Hoa Kỳ đã đưa tin rằng, bốn người đó đã thừa nhận bắn hai trong số những nạn nhân da đen đó, trong một tình huống tự vệ và bồi thẩm đoàn đã miễn tội cho họ.

2. Mùa xuân năm 1970, tại Jackson, bang Mississippi, trên khu bãi của trường đại học bang Jackson, một trường học dành cho người Mỹ gốc Phi, cảnh sát đã lập hàng rào chống đạn, sử dụng súng ngắn, súng trường và một khẩu tiểu liên để trấn áp vụ nổi loạn của sinh viên. 4 trăm viên đạn đã xả thẳng vào ký túc xá nữ, hai sinh viên da đen thiệt mạng. Tòa án địa phương xác định cuộc tấn công đó là “chính đáng” và Quan tòa Harold Cox của tòa án quận (người được chính Kennedy bổ nhiệm) tuyên bố những sinh viên có liên quan đến vụ nối loạn đáng “phải chịu kết cục thương vong hoặc chết”.

3. Vào tháng 4 năm 1970 tại Boston, một cảnh sát đã bắn chết một người đàn ông da đen không có vũ khí, ông ta là bệnh nhân của bệnh viện thành phố Boston. Viên cảnh sát đó đã bắn năm phát đạn khi người đàn ông da đen kia định tấn công anh ta. Chánh tòa thành phố Boston đã miễn tội cho viên cảnh sát.

4. Tại Augusta, bang Georgia vào tháng 5 năm 1970, 6 người da đen đã bị bắn chết trong khi đang cướp phá và gây náo loạn trong thành phố.

Tờ New York Times đã viết:

Một báo cáo bí mật của cảnh sát chỉ ra rằng ít nhất năm trong số các nạn nhân đã bị cảnh sát giết chết…

Chứng kiến cái chết của một người trong số đó, một nhân chứng nói anh ta đã nhìn thấy viên cảnh sát người da đen và cộng sự da trắng của mình bắn chín phát vào sau

lưng của một người bị tình nghi. Charles A, Reid – một doanh nhân 38 tuổi bức xúc nói: Họ đã không hề bắn cảnh cáo hay yêu cầu người đàn ông đó dừng lại…

5. Vào tháng 4 năm 1970, một phiên tòa liên bang tại Boston bắt được một cảnh sát đã sử dụng “vũ lực quá mức” đối với hai người lính người da đen đến từ Fort Devens, một người trong số họ đã phải khâu 12 mũi trên đầu và quan tòa đã phạt quân nhân đó 3 đô-la bồi thường thiệt hại.

Đây chỉ là những trường hợp “thông thường”, lặp đi lặp lại liên tiếp trong lịch sử của nước Mỹ, diễn ra ngẫu nhiên nhưng lại liên tục và dai dẳng song hành bên cạnh nạn phân biệt chủng tộc trong các tổ chức, trong ý thức của đất nước. Nhưng vẫn có một điều gì đó khác – một kế hoạch trước nạn bạo lực đối với các nhà tổ chức đấu tranh của người da đen, do cảnh sát và FBI tiến hành. Đúng 5 giờ sáng ngày 4 tháng 12 năm 1969, một đội cảnh sát Chicago được trang bị súng tiểu liên và súng ngắn đã bất ngờ đột kích vào một căn hộ nơi thành viên của phong trào Những con báo đen sinh sống. Họ đã bắn khoảng 80-200 viên đạn vào trong căn hộ, giết chết Fred Hampton – thủ lĩnh 21 tuổi của tổ chức này và một thành viên khác là Mark Clark. Nhiều năm sau, trong một phiên tòa người ta đã khám phá ra rằng FBI đã cài một kẻ chỉ điểm vào trong hàng ngũ tổ chức Những con báo đen, kẻ đó đã cung cấp cho cảnh sát sơ đồ căn hộ, trong đó chỉ rõ phòng riêng của Fred Hampton.

Phải chăng chính phủ đã chuyển sang hậu thuẫn cho các hành vi giết người và khủng bố bởi những sự nhượng bộ về pháp lý – các đạo luật, các bài diễn thuyết, âm điệu của bài thánh ca về dân quyền “We shall overcome” (Chúng ta sẽ vượt qua) của Tổng thống Lyndon Johnson. Sau này người ta đã phát hiện ra rằng chính phủ, trong những năm tháng sôi sục của phong trào dân quyền, một mặt công khai chấp nhận những nhượng bộ thông qua Quốc hội, mặt khác vẫn ngầm ra lệnh cho FBI tấn công và giải tán các nhóm đấu tranh của người Mỹ gốc Phi. Từ năm 1956-1971, trong bản tổng kết Counterintelligence Program (Chương trình hoạt động tình báo – hay còn gọi là COINTELPRO), các số liệu cho thấy FBI đã tiến hành 296 hoạt động chống lại các nhóm người da đen. Trong một báo cáo bí mật gửi Tổng thống Nixon năm 1970, FBI

đã thông báo rằng: “cuộc thăm dò ý kiến mới đây cho thấy gần 25% công dân da đen ủng hộ cho tổ chức Những con báo đen, trong đó có tới 43% là thanh niên da đen trẻ dưới 21 tuổi.” Phải chăng chính phủ lo ngại người da đen sẽ chuyển sự quan tâm của họ từ khía cạnh quyền bầu cử có thể kiểm soát và chi phối sang mục tiêu nguy hiểm hơn là sự giàu có và nghèo đói – sự xung đột về tầng lớp? Năm 1966, một nhóm 70 người da đen nghèo tại Greenville, bang Mississippi đã chiếm đóng một doanh trại bỏ không của không quân cho đến khi quân đội tới đàn áp và giành lại. Bà Unita Blackwell, một người dân địa phương cho biết:

Tôi thấy chính phủ liên bang đã chứng tỏ rằng họ không quan tâm gì đến dân nghèo. Mọi thứ chúng tôi yêu cầu suốt những năm qua chỉ được thực hiện trên giấy tờ và chưa bao giờ trở thành hiện thực. Chúng tôi, những người dân nghèo của bang Mississippi đã mệt mỏi rồi. Chúng tôi mệt mỏi với chính phủ liên bang, vì thế chúng tôi đang tự gây dựng cho riêng mình một chính phủ, bởi vì chúng tôi không có một chính phủ đại diện cho mình.

Các cuộc bạo loạn tại Detroit năm 1967 đã dẫn đến thành lập một tổ chức nhằm tập hợp các công nhân người Mỹ gốc Phi hướng tới thay đổi cách mạng. Tổ chức đó là League of Revolutionary Black Workers (Liên đoàn Công nhân Cách mạng đen), tổ chức đã kéo dài hoạt động đến tận năm 1971 và đã có ảnh hưởng tới hàng nghìn công nhân da đen tại Detroit trong suốt thời gian hoạt động.

Vấn đề mới nảy sinh được nhấn mạnh là nguy hiểm hơn vấn đề Dân quyền bởi vì vấn đề đó tạo ra khả năng người da đen và da trắng đồng thuận về vấn đề phân biệt giai tầng xã hội. Quay trở lại vào tháng 11 năm 1963, A. Philip Randolph phát biểu tại cuộc họp của Liên hiệp Lao động và Đại hội các tổ chức kỹ nghệ Hoa Kỳ về phong trào dân quyền và dự đoán trước được phương hướng của nó: “Sự phản kháng của người da đen ngày hôm nay chỉ là sự bất bình đầu tiên của ‘tầng lớp dưới’. Khi người da đen xuống đường, những người thất nghiệp từ mọi sắc tộc khác cũng sẽ theo chân họ.”

Để xoa dịu người da đen, chính phủ đã sử dụng một cách đã từng được áp dụng đối

với những người da trắng trước đây – đó là lôi kéo một số ít tham gia vào thể chế với những hứa hẹn về lợi ích kinh tế. Trong một buổi nói chuyện về “chủ nghĩa tư bản gốc Phi” được tổ chức sau đó, các lãnh đạo của Hiệp hội quốc gia vì sự tiến bộ của người da màu và CORF đã được mời đến Nhà Trắng. James Farmer của CORF, một chiến sỹ và là một thành viên của phong trào Hành trình tự do trước đây đã được bổ nhiệm vào một vị trí quan trọng trong chính quyền của Tổng thống Nixon. Floyd McKissick của CORE đã nhận được khoản vay 14 triệu đô-la từ chính phủ để phát triển một khu đô thị tại Bắc Carolina. Lyndon Johnson đã thành lập Phòng Cơ hội Kinh tế với mục tiêu tạo công ăn việc làm cho người da đen, Nixon thì thành lập nên Phòng các Doanh nghiệp kinh doanh nhỏ.

Ngân hàng Chase Manhattan và gia đình Rockefeller (người điều hành Chase) thể hiện sự quan tâm đặc biệt tới việc phát triển “chủ nghĩa tư bản da đen”. Gia đình Rockfeller luôn luôn bảo trợ về tài chính cho Liên minh thành phố và có ảnh hưởng mạnh đến giáo dục người da đen thông qua sự hỗ trợ của họ dành cho các trường đại học của người da đen tại miền Nam. David Rockfeller cố gắng thuyết phục những người bạn tư bản của mình rằng giúp đỡ những người da đen kinh doanh nhỏ bằng nguồn vốn có thể chỉ đem lại kết quả ngắn hạn, vì thế việc cần thiết là phải “hình thành một môi trường kinh doanh mà trong đó có thể thu được lợi nhuận trong bốn năm, năm năm, hoặc mười năm tới”. Với tất cả các điều kiện này, các doanh nghiệp của người Mỹ gốc Phi duy trì được kinh doanh nhỏ. Năm 1974, tập đoàn Motown, tập đoàn lớn nhất của người Mỹ gốc Phi đạt doanh thu là 45 triệu đô-la, trong khi doanh số bán của tập đoàn Exxon là 42 tỷ đô-la. Tổng doanh thu của các doanh nghiệp do người da đen sở hữu chỉ chiếm 0,3% trong tổng thu nhập từ các ngành nghề kinh tế.

Sự thay đổi không lớn, nhưng việc quảng bá truyền thông cho những thành tựu khiêm tốn ấy lớn hơn nhiều. Nhiều nhân vật da đen tiêu biểu đã xuất hiện trên báo chí và truyền hình, tạo nên ấn tượng mới về sự thay đổi và chuyển sang một xu hướng mới tập trung vào một số các cá nhân lãnh đạo da đen quan trọng.

Trong cộng đồng người da đen có nhiều dư luận lên tiếng công kích điều này. Robert

Allen, trong tác phẩm Black Awakening in Capitalist America (Sự thức tỉnh của người da đen trong lòng tư bản Mỹ) viết:

Nếu một cộng đồng nói chung nhằm vào mục tiêu lợi ích, thì cộng đồng đó về căn bản phải được tổ chức để quản lý một cách hiệu quả nền kinh tế nội bộ và các mối quan hệ kinh doanh với người Mỹ da trắng. Các doanh nghiệp của người da đen phải được đối xử và hoạt động như là một tài sản xã hội, thuộc về cộng đồng chung của người da đen, chứ không phải là tài sản riêng của cá nhân hay của một nhóm các cá thể nào cả. Điều này đòi hỏi phải triệt tiêu các mối quan hệ tài sản tư bản trong cộng đồng người da đen và thay thế chúng bằng một nền kinh tế công cộng có kế hoạch.

Một người phụ nữ gốc Phi tên là Patricia Robinson viết trong một cuốn sách được xuất bản tại Boston vào năm 1970 mang tựa đề Poor Black Woman (Người phụ nữ da đen nghèo khổ) đã liên tưởng chủ nghĩa tư bản với thói gia trưởng của người đàn ông, và nói với người phụ nữ da đen đó “hãy tự liên kết với những người nghèo trên thế giới rộng lớn hơn cùng với những cuộc cách mạng của họ.” Bà đã nói người phụ nữ da đen nghèo không phải là “vấn đề về hệ thống kinh tế và xã hội” trong quá khứ, nhưng hiện tại và trên thực tế, cô ấy phải “bắt đầu đặt vấn đề với sự thống trị đầy áp đặt của đàn ông và của tầng lớp xã hội đã ép buộc nó ‒ chủ nghĩa tư bản”.

Margaret Wright, một người phụ nữ da đen khác nói rằng bà ta không chiến đấu đòi sự công bằng với đàn ông nếu điều đó bao hàm ý nghĩa công bằng trong một thế giới giết chóc và cạnh tranh. “Tôi không muốn cạnh tranh trong vị trí lợi dụng đáng ghê tởm. Tôi không muốn lợi dụng bất kỳ ai… Tôi muốn quyền được là người da đen và là chính mình…”

Hệ thống xã hội đang hoạt động vất vả trước thời điểm cuối những năm 1960 và đầu những năm 1970, để kiềm chế nguy cơ bùng nổ tiềm tàng những phản ứng của người da đen. Đông đảo người da đen đã tham gia bầu cử tại các bang miền Nam. Và vào năm 1968, trong cuộc bầu cử của Đảng Dân chủ, ba người da đen đã được bầu vào đại cử tri của bang Mississippi. Đến năm 1977, có hai nghìn người da đen làm việc trong các cơ quan hành chính nhà nước tại 11 tiểu bang của miền Nam (năm 1965 con số

này là 72 người). Trong số đó có hai đại biểu Quốc hội, 11 thượng nghị sỹ bang, 95 đại cử tri, 267 ủy viên hội đồng hạt, 76 thị trưởng, 824 thành viên hội đồng thành phố, 18 cảnh sát trưởng, 508 thành viên ủy ban giáo dục. Đó là một sự tiến bộ đáng kể. Tuy nhiên, nếu so sánh tuyệt đối thì người da đen chiếm hơn 20% dân số miền Nam nhưng chỉ giữ không quá 3% các vị trí trong cơ quan dân cử. Năm 1977, một phóng viên của New York Times phân tích tình hình mới này và chỉ ra rằng thậm chí dù người da đen có nắm giữ những văn phòng, những vị trí quan trọng quan trọng trong thành phố, thì: “Người da trắng vẫn luôn luôn nắm giữ sức mạnh kinh tế.” Sau khi một người da đen tên là Maynard Jackson trở thành thị trưởng của thành phố Atlanta thì “người da trắng vẫn tiếp tục sử dụng đòn bẩy kinh tế để duy trì sức ảnh hưởng của mình”.

Những người da đen miền Nam đã có thể bước chân vào các khách sạn và nhà hàng trong thành phố mà không bị ngăn cấm. Ngày càng nhiều người da đen có cơ hội được học tại các trường cao đẳng và đại học, trường luật hay trường y. Các thành phố miền Bắc đang nỗ lực lập nên các trường học đa sắc tộc, mặc dù đâu đó vẫn tồn tại sự kỳ thị chủng tộc trong nhà trường. Tuy nhiên, trong tác phẩm Poor People’s Movements (Sự biến động của tầng lớp nghèo), Frances Piven và Richard Cloward còn đề cập tới những vấn đề khác, như “tình trạng đang hủy hoại tầng lớp da đen thấp kém”: nạn thất nghiệp, sự suy đồi của các khu ổ chuột, tội phạm gia tăng, nghiện ma túy, bạo lực…

Mùa hè năm 1977, Bộ Lao động đã thông báo tỷ lệ thanh niên da đen thất nghiệp là 34,8%. Một tầng lớp người da đen trung lưu mới xuất hiện trong cộng đồng người da đen đã làm biến đổi khá lớn số liệu thống kê về thu nhập của người da đen – nhưng có sự cách biệt lớn giữa thu nhập của nhóm những người da đen tầng lớp trung lưu mới nổi và thu nhập của nhóm nghèo.

Mặc dù các cơ hội mới được tạo ra cho một nhóm nhỏ người da đen, thu nhập của các gia đình da đen bậc trung năm 1977 vẫn chỉ bằng 60% so với của gia đình da trắng. Những người da đen có nguy cơ mắc tiểu đường cao gấp hai lần, nguy cơ là nạn nhân của tình trạng bạo lực phát sinh từ nghèo đói và sự tuyệt vọng của các khu ổ chuột

cao gấp 7 lần.

Một bài viết trên tờ New York Times vào năm 1978 đã viết: “… những nơi từng trải qua các cuộc bạo loạn vào năm 1960, với một vài ngoại lệ đã thay đổi ít nhiều, nhưng tình trạng đói nghèo vẫn lan rộng hầu hết khắp các thành phố”.

Những số liệu thống kê không nói lên được toàn bộ câu chuyện. Nạn phân biệt chủng tộc luôn là một thách thức của quốc gia, không chỉ riêng miền Nam, mà còn nổi lên tại các thành phố miền Bắc. Chính phủ liên bang nhượng bộ người da đen nghèo, nhưng vô hình chung đã đẩy họ vào thế đối đầu về quyền lợi với người nghèo da trắng, bởi chính hệ thống này đã làm khan hiếm tài nguyên. Người da đen vừa thoát ra khỏi chế độ nô lệ lại rơi vào vòng áp chế của chế độ tư bản, đã từ lâu họ bị buộc phải xung đột với người da trắng do sự khan hiếm việc làm. Hiện tại, với sự xóa bỏ tình trạng phân biệt đối xử trong trường học, những người da đen đang cố gắng trở thành hàng xóm tại những nơi mà người da trắng nghèo khổ sống, đông đúc, phiền phức, và dễ dàng có thể trở thành mục tiêu của sự giận dữ. Tháng 11 năm 1977, tạp chí Boston Globe tường thuật lại:

Một gia đình sáu người gốc Tây Ban Nha đã phải lẩn trốn khỏi căn hộ của mình tại khu vực đồi Savin của vùng Dorchester ngày hôm qua sau một tuần liên tiếp bị một nhóm thanh niên da trắng ném đá và đập phá cửa sổ. Cảnh sát nói đó là những cuộc tấn công vì động cơ sắc tộc.

Tại Boston, việc đưa trẻ em da đen đến trường học dành cho người da trắng và người da trắng đến trường của người da đen đã tạo nên một làn sóng bạo lực mới trong các vùng phụ cận có người da trắng sinh sống. Sử dụng xe buýt công cộng liên kết các trường học – là việc làm được chính phủ và các thẩm phán hỗ trợ để đáp lại phong trào của người da đen – đó là một sự nhượng bộ khéo léo với phong trào chống đối. Nhưng nó có một tác động không mong muốn khác là đẩy những người nghèo da trắng và da đen vào cuộc cạnh tranh khốc liệt vì cơ sở vật chất của các trường học tồi tàn và không đầy đủ.

Phải chăng dân cư da đen, những người sống tập trung trong các khu ổ chuột, bị phân chia bởi sự phát triển của một bộ phận tầng lớp trung lưu, bị tàn sát bởi đói nghèo, bị chính phủ tấn công, bị ép buộc xung đột với người da trắng, họ chấp nhận nằm trong sự kiểm soát? Chắc chắn không phải vậy. Vào những năm giữa những năm 1970, không xảy ra phong trào lớn nào của người da đen. Nhưng sự nhận thức mới về vị thế của người da đen đã nảy mầm và tiếp tục lớn mạnh. Những người da trắng và da đen đang đứng giữa ranh giới chủng tộc ở miền Nam đã thống nhất lại thành một tầng lớp đấu tranh chống lại giới chủ. Vào năm 1971, hai nghìn thợ mộc tại Mississippi, cả người da trắng lẫn người da đen, đã cùng nhau phản đối phương pháp đo gỗ mới dẫn đến hạ thấp mức lương. Đế chế công nghiệp dệt của J. P. Stevens đã thuê tới 44 nghìn công nhân làm việc trong 85 nhà máy, hầu hết đều ở miền Nam. Những người thợ dệt da đen và da trắng đã cùng nhau thành lập công đoàn của mình. Năm 1977, tại Tifton và Milledgeville, bang Georgia, những công nhân da đen và da trắng trong nhà máy đã tập hợp nhau lại thành lập công đoàn bảo vệ quyền lợi cho mình.

Liệu phong trào mới của người da đen có vượt qua giới hạn về các hành động như phong trào Dân quyền của những năm 1960, các cuộc bạo động tự phát trong các thành phố của những năm 1970, hay chính sách ly khai đối với sự liên minh của người da trắng và da đen trong mối liên minh lịch sử mới? Thật khó vì không có cách nào để biết được điều này. Vào năm 1978, có 6 triệu người da đen thất nghiệp. Như Langston Hughes đã nói, điều gì sẽ đến với một giấc mơ bị ngăn cản? Nó sẽ lụi tàn hay bùng nổ? Nếu nó bùng nổ, như đã từng diễn ra trong quá khứ, nó sẽ đi kèm với một nguyên nhân tất yếu – bất công trong các điều kiện sống của người Mỹ gốc Phi – nhưng không ai biết khi nào nó sẽ xảy ra.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.