Made In Japan: Chế tạo tại Nhật Bản

3.



Vậy ai là người chủ sở hữu công ty? Có phải là các giám đốc, những cổ đông hay công nhân không? Câu trả lời tưởng đơn giản hóa ra lại không đơn giản chút nào. Ở Nhật, chúng tôi có liên quan chặt chẽ với cả công nhân lẫn cổ đông. Chúng tôi luôn ý thức được tầm quan trọng của các cổ đông. Công ty chúng tôi có rất nhiều các cổ đông, hơn 40 phần trăm trong số họ không phải là người Nhật. Nhiệm vụ của Ban Giám đốc là phải sử dụng phần góp vốn của các cổ đông thật hiệu quả và trả cho cổ đông một khoản cổ tức cao hơn mức mà cổ đông nghĩ họ có thể thu được từ các phương thức cho vay vốn khác. Nhưng đây không chỉ là cổ tức không thôi. Mà còn có nghĩa là sự tăng giá trị cổ phiếu của họ, ở Nhật điều này còn quan trọng hơn là cổ tức bởi vì thuế trên giá trị tăng thêm của cổ phiếu thấp hơn là thuế trên cổ tức. Về lâu dài, một công ty nếu dùng lợi nhuận để tái đầu tư vào chính mình thay vì trả cổ tức cho cổ đông sẽ mang lại tiền lãi nhiều hơn cho cổ đông, và chắc chắn là nhiều hơn rất nhiều công ty ở Mỹ và châu Âu nơi tiền lãi cổ phần được trả cho cổ đông từ những khoản lợi nhuận thường là không có thực.
Đôi khi những cuộc tranh chấp diễn ra giữa các công ty đặc biệt với những ý đồ thôn tính lẫn nhau đã dẫn tới những cuộc chiến lạ lùng có khả năng làm suy yếu các công ty đó. Những kiểu thôn tính lẫn nhau này chưa từng xảy ra ở Nhật Bản mặc dù có một trường hợp nghiêm trọng xảy ra và chưa được giải quyết từ đầu năm 1986 nhưng đã thất bại vào giữa năm đó. Nhiều nhà kinh doanh cho rằng chiến thuật này thường rất quen thuộc ở Mỹ, có thể một ngày nào đó sẽ xâm nhập vào Nhật.
Lập luận của tôi về hệ thống Mỹ trên khía cạnh này có thể được minh họa bởi một trường hợp một liên doanh được thành lập ở Nhật chỉ với 4 triệu đô la cách đây 15 năm. Công ty này làm ăn phát đạt rất nhanh, trả cổ tức rất cao mà vẫn giữ lại được nhiều tiền lãi. Trên thực tế, vào năm 1985 công ty đã xây dựng 2 nhà máy mới chỉ với khoản tiền lãi công ty đã giữ lại trước đây mà không cần phải đi vay. Không những thế công ty này vẫn còn hơn 100 triệu đô la tiền dự trữ trong ngân hàng. Sau đó, công ty mẹ của đối tác liên doanh Mỹ bị một công ty khác tấn công và để chống lại công ty đối thủ, công ty này đã buộc phải mua lại số vốn cổ phần của mình với giá rất cao. Để làm được việc này, họ cần có tiền mặt, và họ buộc phải trông cậy vào công ty liên doanh ở Nhật và số tiền lãi của nó. Họ đã đề nghị với bên liên doanh Nhật Bản là họ muốn mua cổ tức ngay lập tức và cần 3/ 4 số tiền lãi còn giữ lại của công ty liên doanh này, có như vậy họ mới tránh không bị thôn tính. Bên liên doanh Nhật không muốn phải hy sinh một khoản lãi lớn như vậy nhưng vì áp lực quá mạnh đã không thể từ chối.
Tại Nhật, chúng tôi tin là một trong những điều quan trọng nhất ở công ty là đạo đức của công nhân. Nếu công nhân mất đi sự nhiệt tình đối với công ty, công ty đó khó mà tồn tại được. Những nhân viên nhìn nhận việc thất thoát các khoản tiền lãi như một mối đe dọa đối với sự an toàn nghề nghiệp của họ.
Chúng tôi cảm thấy một công ty đã phải bán tài sản của mình thì chắc không có tương lai. Một số người phương Tây thường khó hiểu được quan niệm của chúng tôi ở Nhật là công ty không chỉ thuộc về các Giám đốc và các cổ đông.

Các cổ đông có thể rút vốn cổ phần của họ ra khỏi công ty bất cứ lúc nào. Ở Mỹ các Giám đốc có thể rời bỏ công ty khi hết hợp đồng và công nhân thì có thể xin vào làm hoặc xin thôi việc. Nhưng tôi tin rằng đa phần công nhân muốn có công việc ổn định lâu dài dù ở Mỹ hay châu Âu cũng vậy. Công nhân là những người ít có khả năng bảo vệ mình nhất, thế nhưng họ lại rất cần thiết cho cả ban Giám đốc và các cổ đông.
Vào những năm 60 và 70 khi Nhật Bản có quan điểm tự do và quốc tế rõ ràng hơn, ở trong nước đã hình thành một tinh thần bảo hộ. Một số nhà kinh doanh thuộc các ngành hàng truyền thống đã phản ứng việc cho phép các công ty nước ngoài thâm nhập vào Nhật Bản và chủ trương tạo ra nhiều rào cản hơn để ngăn chặn sự thâm nhập này. Tôi lại nghĩ theo hướng khác. Tôi ủng hộ tự do hóa và khuyến khích có thêm nhiều hàng hóa từ nước ngoài nhập vào trong nước. Tôi đã thành lập công ty thương mại Sony và bắt đầu nhập khẩu hàng hóa nước ngoài vào, đủ các chủng loại từ tủ lạnh cho tới máy bay phản lực Falcon và nhiều thứ lặt vặt khác và tôi mong được thấy nhiều công ty ngoại quốc được thành lập trên đất Nhật.
Trước tiên tôi xây dựng một bộ phận gọi là Bộ phận đặc trách việc “Mỹ bán hàng cho Nhật” và chúng tôi đã tiến hành một chiến dịch quảng cáo mời chào các công ty Mỹ muốn bán hàng sang Nhật Bản. Lúc đầu, tôi nghĩ rằng các công ty Mỹ cũng chẳng hào hứng lắm với việc xuất hàng sang bán ở Nhật nhưng ngay sau đó, chúng tôi đã nhận được rất nhiều thư thăm dò và tìm hiểu với con số lên tới 11.000 trong đó có thư của những công ty hàng đầu của Mỹ như tập đoàn Whirlpool và công ty máy hút bụi Hoover. Chúng tôi bắt đầu đưa nhiều loại sản phẩm từ Mỹ vào Nhật. Tuy nhiên chúng tôi cũng gặp một số khó khăn với những nhà cung cấp. Ví dụ tập đoàn Whirlpool chuyên sản xuất những tủ lạnh lớn rất tốt nhưng động cơ lại chạy theo hệ thống điện áp tiêu chuẩn của Mỹ là 110 von, trong khí đó ở Nhật, điện áp chuẩn lại là 100 von. Chúng tôi đã đề nghị tập đoàn Whirlpool thay đổi điện áp của động cơ các tủ lạnh xuất sang Nhật. Trong khi chờ họ thực hiện việc này, chúng tôi đã phải tự chế và lắp thêm một bộ biến áp cho mỗi sản phẩm của công ty này xuất sang Nhật. Mãi năm năm sau công ty này mới chuyển được điện áp động cơ phù hợp phù hợp với việc sử dụng ở Nhật. Thoạt đầu, các tủ lạnh của công ty Whirlpool lớn hơn các loại tủ lạnh khác đang lưu hành tại Nhật Bản và mặc dù khi chạy gây ra tiếng ồn và bị rung, sản phẩm này vẫn được bán rất chạy ở Nhật. Nhưng các nhà sản xuất Nhật Bản cũng bắt đầu chế tạo những tủ lạnh lớn hơn và các nhà thiết kế của họ lại rất nhạy cảm với nhu cầu mua những máy chạy êm cho những ngôi nhà Nhật nhỏ, ở đó bếp thường không cách xa buồng ngủ là mấy. Chẳng bao lâu sau những tủ lạnh của Mỹ không còn đủ sức cạnh tranh trên thị trường Nhật Bản.
Hiện nay, chúng tôi bỏ khá nhiều công sức vào việc nhập khẩu các máy bay lên thẳng của hãng L’Aerospatiale của Pháp. Nhân dịp hội nghị thượng đỉnh các nước công nghiệp hóa tại Tokyo năm 1986, chúng tôi đã bán cho chính phủ 3 chiếc máy bay lên thẳng hiệu Aerospatiale Super Puma để chuyên chở những nhân vật quan trọng tới dự hội nghị. Trên thực tế, ở Nhật tính đến tháng Mười năm 1985, trong tổng số 439 máy bay lên thẳng thì có tới 136 chiếc máy bay hiệu Aerospatiale. Chúng tôi cũng trở thành đại lý cho hãng máy bay phản lực Falcon nhưng không may là ở Nhật còn quá ít sân bay và các quy định của chính phủ Nhật về việc sử dụng máy bay lại rất nghiêm ngặt, chính vì vậy chúng tôi cũng bán được ít máy bay loại này. Theo tôi, lý do chính là vì khoảng cách các vùng ở Nhật không xa nhau mấy, hơn nữa hệ thống vận tải thương mại của chúng tôi lại rất hiệu quả. Sony là công ty duy nhất ở Nhật có máy bay chuyên cơ, không kể các công ty báo chí.
Những hoạt động cho công ty Sony của tôi ở nước ngoài và tư cách là một thành viên của Hội đồng Quốc tế của Công ty Bảo lãnh ủy thác Morgan (Morgan Guaranty Trust International Council), của Ban quản trị Pam American và Ban thương mại thế giới của hãng IBM đã giúp tôi có được mối quan hệ rộng rãi với các doanh nhân giỏi trên khắp thế giới, nhiều người trong số họ đã trở thành bạn tốt của tôi. Tôi thấy đó cũng là một lẽ tự nhiên khi tôi được mời giúp công ty Texas Instruments thâm nhập vào thị trường Nhật Bản. Tôi cũng biết ông Pat Hagerty của hãng Texas Instruments từ năm 1955 khi chúng tôi bàn việc thành lập công ty liên doanh. Mặc dù việc này không thành nhưng chúng tôi đã trở thành đôi bạn thân. Khi công ty Texas Instruments phát triển sản phẩm vi mạch, mọi người trong ngành điện tử Nhật đã rất chú trọng đến công nghệ này. Vào năm 1986, chủ tịch hội đồng quản trị hãng Texas Instruments (TI) ông Mark Sheppard đã cương quyết tìm cách đưa hãng Texas Instruments thâm nhập thị trường Nhật Bản. Ông này kiên quyết không bán giấy phép chế tạo vi mạch điện tử cho bất kỳ công ty Nhật nào nếu TI không lập được công ty toàn quyền sở hữu của mình ở Nhật. Hãng Texas Instruments cũng muốn thâm nhập vào thị trường Nhật Bản để sản xuất và bán sản phẩm vi mạch ngay tại Nhật.
Nhưng theo những quy định hiện hành tại Nhật lúc ấy, cách duy nhất để Texas Instruments có thể thâm nhập vào Nhật là liên doanh với một công ty của Nhật. Công nghệ của Texas Instruments đã được đánh giá rất cao nên nhiều người nhận thấy nếu công ty này có mặt tại Nhật Bản chắc sẽ rất có lợi cho nền công nghiệp Nhật Bản nói riêng và nước Nhật nói chung. Ngoài ra rất nhiều công ty còn muốn có công nghệ vi mạch của TI. Cho nên tôi đã được trao trách nhiệm tìm cách đạt được một sự thỏa thuận về vấn đề này. Tôi đề nghị Texas Instruments liên doanh với Sony vì chúng tôi cũng sản xuất chất bán dẫn. Bộ công thương quốc tế cũng tỏ vẻ tán đồng với cách dàn xếp của chúng tôi là sẽ bán 50% cổ phần sau 3 năm hoạt động. Chúng tôi lại gặp khó khăn khi bên Texas Instruments đòi phải có ngay văn bản xác nhận của chính phủ phê chuẩn việc bán 50 phần trăm cổ phần công ty sau 3 năm. Để xin trước được giấy phê chuẩn của chính phủ đối với một vấn đề gì dù ở nước nào đi chăng nữa là một việc rất khó. Tôi đã nói với một trong những người đàm phán của Texas Instruments là “Hãy tin chúng tôi”, nhưng anh ta một mực đòi phải có giấy đảm bảo. Cuối cùng chúng tôi đã lập một văn bản thỏa thuận thỏa mãn được các yêu của luật sư Mỹ ở công ty TI. Hãng Texas Instruments đã điều hành công ty rất tốt như thể là công ty hoàn toàn thuộc quyền sở hữu của chính họ vậy. Đó cũng chính là điều mà chúng tôi mong đợi và như đã cam kết với các luật sư của Texas Instruments chúng tôi đã bán lại 50% cổ phần của mình ba năm sau đó.
Vài năm sau khi liên doanh Texas Instruments đã hoàn tất, tôi lại giúp chủ tịch hội đồng quản trị hãng General Motors ông James Roche đàm phán mua 35% cổ phần của hãng Isuzu Motors. Đây là vụ mua bán cổ phần lớn đầu tiên trong ngành ô tô và cần phải được tiến hành hết sức kín đáo. Vào tháng Tư năm 1971, khi ông James Roche đến Nhật Bản, tâm lý chung của người Nhật lúc đó là rất dè dặt và có ý đề phòng. Báo chí đều đăng các bài viết nói về những động cơ của tập đoàn này bằng những giọng điệu rất quân phiệt chẳng hạn như “xâm chiếm” hay “mở đường”. Báo chí cũng phỏng đoán là Roche đang đến để thôn tính Hãng Isuzu Motors.
Dư luận này bị khuấy lên chính là từ cuộc viếng thăm của Henry Ford II ngay trước khi Roche đến Nhật Bản. Tại cuộc họp báo Tokyo, Ford đã lớn tiếng chỉ trích Nhật Bản chậm tự do hóa thương mại. Quả thực, những lời lẽ của Ford quá thô lỗ và vì vậy đã làm nhiều người tức giận. Tôi đã quen biết James Roche khi chúng tôi cùng là uỷ viên Hội đồng Quốc tế của Công ty Bảo lãnh ủy thác Morgan và khi Roche còn đang chuẩn bị sang Nhật, đại diện của Morgan đã đề nghị tôi cố vấn, chỉ dẫn và thu xếp các cuộc gặp cho Roche. Tôi nghĩ đây là một ý kiến hay bởi vì chuyến viếng thăm của Ford đã gây nhiều khó khăn cho chúng tôi trong nỗ lực thúc đẩy tự do hóa và hạn chế chủ nghĩa địa phương trong nước. Nếu lại để xảy ra một việc làm bất lợi như thế thì sự nghiệp tự do hóa và quốc tế hóa còn bị đẩy lùi thêm nhiều năm nữa.
Tôi muốn ông Roche có ấn tượng tốt về người Nhật ngay từ phút đầu đến Nhật. Ngày đầu tiên khi Roche đặt chân lên đất Nhật, tôi đã thuê một phòng cho ông ta ngay tại khách sạn Tokyu ở sân bay Haneda. Các phóng viên đang chờ sẵn ở sân bay được thông báo là ông Roche rất mệt và muốn được tắm táp và nghỉ ngơi khoảng nửa giờ trước khi gặp gỡ họ. Tôi đến phòng thuê cho Roche từ sớm để không bị giới báo chí phát hiện và đợi ông ở trong phòng. Tôi đã tận dụng nửa giờ nghỉ ngơi của Roche để chỉ dẫn cho ông những gì cần thiết. Tôi cũng đã thu xếp cho ông gặp ông Kiichi Miyazawa, Bộ trưởng Bộ công thương quốc tế và gặp chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại. Những cuộc gặp gỡ này đã trở thành tin tức nổi bật của báo chí. Tôi cũng đã chuẩn bị nội dung cho bản thông cáo báo chí đầu tiên và những lời tuyên bố của ông trước giới báo chí, đồng thời cũng chuẩn bị cho ông một loạt những câu hỏi ông có thể phải trả lời tại cuộc họp báo. Các trợ lý của ông ta hỏi rất nhiều nên chúng tôi đã cùng bàn bạc mọi thứ rất chi tiết. Tôi gợi ý là ông nên giải thích mối quan tâm của General Motors tại Nhật và nói về chuyến công tác này với giọng mềm mỏng bởi vào lúc đó Nhật Bản đang ở trong một tâm trạng khá căng thẳng như cảm giác bị dị ứng vậy.
Giới báo chí xem câu chuyện về mối quan tâm của General Motors tại Nhật như một trong những sự kiện quan trọng nhất kể từ thời kỳ hậu chiến tranh.
Các báo tranh giành nhau đăng tải những bức ảnh và tin tức độc quyền về kế hoạch của General Motors tại Nhật. Tôi đã khuyên Roche nên nói thẳng ra là General Motors không quan tâm đến việc tiếp quản Isuzu Motors và thực tế đúng là như vậy. Roche đã làm đúng như tôi chỉ dẫn. Mọi việc diễn ra đúng như tôi dự kiến, tất cả những câu hỏi tôi đặt ra trước cho Roche đều được nêu ra và Roche đã trả lời theo đúng cách tôi gợi ý. Vào thời điểm đó, một công ty nước ngoài cần phải có sự phê chuẩn của chính phủ khi muốn mua 1/3 cổ phần của một công ty Nhật. Tôi đã giúp giải quyết êm thấm với ngành công nghiệp và các nhân vật trong chính phủ có liên can vào kế hoạch mua bán cổ phần giữa công ty General Motors và Isuzu Motors. Mọi việc diễn ra khá trôi chảy và có rất ít sự chống đối trong giới báo chí.
Nhiều năm sau đó, tôi rất sung sướng vì thấy công ty GM vẫn rất biết ơn tôi về những lời khuyên của tôi trước đây. Cách đây vài năm trưởng đại diện của GM ở Nhật đã mời tôi ăn trưa và nói với tôi rằng “Tôi đã đọc tài liệu về công ty trước khi sang Nhật Bản và tôi biết công ty GM chịu ơn ông rất nhiều”. Điều này làm tôi rất mừng và phấn chấn vì thấy những công ty khổng lồ như General Motors cũng biểu thị những tình cảm mà tôi nghĩ chỉ công ty Nhật mới có. Sau khi Roger Smith trở thành Chủ tịch Hội đồng quản trị hãng General Motors, ông sang thăm Nhật và đã đến gặp tôi. Ông lại cám ơn tôi vì những gì tôi đã làm cho công ty ông hơn mười năm về trước.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.