Made In Japan: Chế tạo tại Nhật Bản

3.



Tôi cảm thấy lo lắng với việc ở nhiều nơi trong thế giới phi Cộng sản hầu như không còn khái niệm cạnh tranh trong kinh doanh. Ở châu Âu, đặc biệt là ở Pháp, có những nhà lãnh đạo cho rằng một công ty nhà nước có thể sản xuất ra đủ khối lượng hàng hóa đáp ứng cho nhu cầu của nước họ. Hệ thống các nước châu Âu lại còn nhấn mạnh đến việc giảm bớt cạnh tranh
để tăng thêm lợi nhuận. Họ muốn nắm độc quyền trong tay bằng cách chỉ kiểm soát một số ít các công ty. Và như thế thì rõ ràng sẽ không có lợi cho người tiêu dùng và người lao động.
Ở nước Mỹ, người ta hoan nghênh những người dám chấp nhận sự rủi ro.
Không nơi nào trên thế giới lại có nhiều người dám đầu tư liều lĩnh như ở Mỹ, kể cả ở Nhật, nơi mà nguồn vốn dành cho đầu tư mạo hiểm vẫn chưa nhiều. Có thể vì các công ty lớn được tổ chức theo cơ cấu ngang, và có nguồn vốn đủ lớn để tự trang trải cho các dự án mới của mình. Điều này đặt các doanh nghiệp nhỏ vào thế bất lợi, nhưng họ cần phải tự tìm cho mình chỗ đứng thích hợp trên thị trường và phát huy mọi sáng kiến để mở rộng thị trường như công ty chúng tôi đã từng làm tại Tokyo Tsushin Kogyo hồi những năm 40. Ngày nay, một vài công ty đang theo đuổi cách làm của công ty chúng tôi trước đây mặc dù họ gặp nhiều khó khăn trở ngại hơn so với chúng tôi hồi 40 năm về trước.
Hoạt động trong một ngành kinh doanh đòi hỏi kỹ thuật cao như của chúng tôi tất nhiên cần một số vốn đầu tư rất lớn. Mặc dù nguồn vốn dành cho đầu tư mạo hiểm ngày càng nhiều, nhưng các ngân hàng vẫn thường tỏ ra ngại ngùng khi cho những công ty ít danh tiếng vay vốn. Chúng tôi thật may mắn vì đã có thể khởi nghiệp với một số vốn ít ỏi, nhưng chúng tôi có một nhóm cố vấn giỏi đã giúp công ty chúng tôi tranh thủ được sự tin cậy của nhiều nhà đầu tư có tiềm năng lớn. Nguồn vốn thực sự của chúng tôi chính là kiến thức, tài năng sáng tạo và lòng say mê công việc, và tôi cho rằng những phẩm chất này vẫn rất có giá trị trong thời đại ngày nay.
Quả là sự ngạc nhiên thú vị nếu bạn biết rằng Trung Quốc cũng đã bắt đầu hiểu rõ cơ chế thị trường tự do trong nông nghiệp cũng như một số ngành dịch vụ và đã cho phép sự cạnh tranh tự do trên thị trường. Liên Xô cũng có lúc muốn đưa một số nhân tố mang tính chất tư bản chủ nghĩa vào hệ thống của mình, nhưng nước Trung Quốc dưới thời Đặng Tiểu Bình lại rất thận trọng với vấn đề đó.
Năm 1979, tôi sử dụng chiếc máy bay phản lực Falcon của công ty để bay đến Bắc Kinh viếng thăm các nhà lãnh đạo chính phủ Trung Quốc. Bạn tôi là tiến sĩ Henry Kissinger đã thu xếp cho tôi được gặp Đặng Tiểu Bình. Vì mục đích chuyến đi thăm của tôi trước tiên là để bầy tỏ tình thân thiện nên cuộc gặp gỡ giữa tôi và Đặng Tiểu Bình đã không được công bố rộng rãi. Trung Quốc từ lâu đã là khách hàng thường xuyên của chúng tôi. Từ nhiều năm nay, nhiều tấm bảng khổng lồ đã được treo ở góc phố Wangfujing hay đại lộ Tràng An tại khu thương mại Bắc Kinh ngay gần kề khách sạn Bắc Kinh để quảng cáo cho các sản phẩm của chúng tôi. Ngoài việc viếng thăm các nhà lãnh đạo, tôi cũng có ý muốn tìm hiểu về quá trình hiện đại hóa của Trung Quốc, nhất là ngành công nghiệp điện tử của Trung Quốc. Tôi đã đến Thượng Hải, nơi tôi có thể đi thăm nhiều nhà máy, nói chuyện với nhiều người, sau đó tôi đến Bắc Kinh.
Chủ nhà của tôi đã rất ngạc nhiên khi thấy rất nhiều quan chức cấp cao của Trung Quốc muốn gặp gỡ tôi.
Đặng Tiểu Bình và tôi đã nói chuyện hàng giờ với nhau trên những chiếc ghế bành lớn trong một căn phòng rộng có trần nhà rất cao và nhiều bức bích họa trên tường. Căn phòng nằm trong Đại Lễ Đường Nhân dân. Ông đã hỏi tôi rất nhiều câu hỏi về việc tại sao công ty của chúng tôi có thể phát triển nhanh như vậy trong một thời gian ngắn. Ông cũng tỏ ý muốn nghe những ý kiến và đề xuất của tôi về quá trình hiện đại hóa của Trung Quốc mới được phát động. Lúc đó, Trung Quốc đã bắt đầu tìm kiếm sự hỗ trợ kỹ thuật từ phía Nhật Bản.
Tôi thẳng thắn nói với ông rằng vẫn còn rất nhiều điều chứng tỏ Trung Quốc chưa đủ khả năng thực hiện những dự án hiện đại hóa rất mới lúc bấy giờ. Tôi nói: “Các ngài đang để hao phí rất nhiều thời gian và tiền bạc, và tôi biết rõ là các ngài chưa thể thực hiện được”. Trong suốt một giờ đồng hồ, thông qua hai thông dịch viên, chúng tôi đã thảo luận rất nhiều về tình hình này, mặc dù người nói nhiều hơn cả là tôi. Ông Đặng không bày tỏ thái độ gì, nhưng ngay sau cuộc thảo luận, ông đã chỉ thị ngay cho các cán bộ cấp cao trong ngành điện tử thu xếp các cuộc gặp gỡ với tôi để nắm thêm chi tiết.
Vào cuối những năm 70, phong trào hiện đại hóa được người Trung Quốc tiến hành với lòng hăng hái, nhiệt tình. Nhiều quan chức và chuyên gia của Trung Quốc đã đi thăm Nhật Bản, Hoa Kỳ và châu Âu. Họ bắt đầu mua những máy móc và công nghệ đòi hỏi phải có những người có kỹ năng cao mới có thế vận hành, ứng dụng được, nhưng nguồn lao động có kỹ năng này ở Trung Quốc lại chưa nhiều. Họ ký hợp đồng xây dựng những nhà máy mà thậm chí họ không có đủ khả năng cung cấp đủ điện năng hoạt động cho nhà máy. Ở bất cứ nơi đâu họ đến thăm, họ đều yêu cầu được xem những dây chuyền thiết, bị tự động hóa hiện đại nhất mà không tính đến việc là họ phải tạo công ăn việc làm cho nguồn lao động đang ngày càng tăng ở đất nước mình, và điều họ nên làm lúc này chính là đầu tư cho những ngành công nghiệp thu hút nhiều lao động. Khi đến thăm Nhật Bản, các vị khách Trung Quốc luôn bày tỏ mong muốn được tham quan những nhà máy có trình độ tự động hóa cao nhất, những hệ thống điều khiển được vi tính hóa mới nhất. Họ tìm mua rất nhiều những thiết bị nhưng họ lại chưa đủ khả năng vận hành tại giai đoạn phát triển đó. Chẳng bao lâu sau đó, rất nhiều công ty đã bị chỉ trích vì cung cấp quá nhiều máy móc, thiết bị cho Trung Quốc. Nhưng đó không phải là lỗi của họ, vì người Trung Quốc khăng khăng nói rằng họ biết rõ những gì họ cần. Đôi khi hai cơ quan, thậm chí hai Bộ của Trung Quốc chạy đua với nhau mua những thiết bị giống nhau mà không hề biết là họ đang làm gì.
Tôi rất thẳng thắn khi nói chuyện với ông Đặng Tiểu Bình. Tôi cho ông biết trong chuyến đi thăm một nhà máy ở Thượng Hải, tôi đã thấy một máy hàn tự động được chế tạo theo mô hình rất lạc hậu, chiếc máy này đã không được sử dụng vì chất lượng mối hàn tồi đến nỗi các bộ phận sau khi được hàn không thể sử dụng được. Tôi thấy công nhân ngồi hút thuốc và tán gẫu với nhau xung quanh những dây chuyền lắp ráp, vì họ không thể làm việc được khi mà họ chưa nhận được những bộ phận cần thiết theo đúng quy trình. Trong dòng chảy của quá trình hiện đại hóa, các cán bộ quản lý, kỹ sư chỉ để ý đến lợi ích cá nhân, họ sẵn sàng tìm cách để mua những máy móc thiết bị, thậm chí mua cả một nhà máy mà không hề nghĩ đến việc phối hợp các hoạt động của toàn ngành công nghiệp để đạt được mục tiêu đề ra.
Tại một nhà khác ở Thượng Hải, tôi thực sự ngạc nhiên khi nhìn thấy ở đó một máy tự động còn hoàn toàn mới được dùng để tách lớp cách điện ở đầu các dây kim loại sẽ được dùng để hàn lại với nhau thành các mạch điện. Công việc tách các sợi dây này rất đơn giản có thể dễ dàng thực hiện và sẽ kinh tế hơn nếu làm bằng tay. Chiếc máy này có công suất lớn đến nỗi, chỉ trong vòng một ca, nó có thể cung cấp đủ lượng dây cho nhà máy sử dụng trong một tháng, vì vậy, khó có thể cho rằng đây là loại máy móc giúp giải quyết vấn đề thất nghiệp tại Trung Quốc. Rõ ràng là ngành cơ khí đã không có sự quản lý. Trong cuộc chạy đua hiện đại hóa, họ đã mua những nhà máy đang sẵn sàng đi vào hoạt động của Nhật Bản để chế tạo các ống phóng điện tử ti vi mầu, vi mạch và các bộ phận khác. Nhưng họ lại chưa lập ra được một kế hoạch tổng thể để phối hợp hoạt động của các nhà máy và máy móc thiết bị của mình. Và trong quá trình thiết kế sản phẩm, họ không chú trọng đến các điều kiện và nhu cầu của người tiêu dùng trong nước, họ không để ý đến việc làm thế nào để người tiêu dùng có thể tận dụng các tiêu chuẩn thiết kế chủ yếu.
Sau đó chính phủ Trung Quốc đã công bố một điều luật mới cho phép các công ty nước ngoài liên doanh với các công ty quốc doanh. Theo luật mới về liên doanh này, Trung Quốc đã sẵn sàng công nhận sở hữu tư nhân, cho phép chuyển một mức lợi nhuận “hợp lý” ra nước ngoài, công nhận một số quyền tự do sở hữu của người nước ngoài và cho phép người nước ngoài giữ vị trí quản lý cấp cao nhất của một công ty. Nhưng vấn đề cơ bản còn tồn tại đến ngày nay là người Trung Quốc còn chưa hoàn toàn chấp nhận cách quản trị kinh doanh nói chung giống như ở các quốc gia tự do. Chẳng hạn, về vấn đề tiền công, họ đơn phương đưa ra quyết định rằng một người làm việc trong một công ty liên doanh phải được trả lương cao hơn so với người làm cho một cơ sở quốc doanh thông thường. Họ cho tôi biết lý do là công nhân trong nhà máy liên doanh phải làm việc vất vả hơn so với công nhân làm việc trong các cơ sở quốc doanh vốn có hiệu quả sản xuất không cao. Tôi nói với họ rằng, sự khác biệt về tiền lương như vậy là một quan điểm sai lầm, rằng công ty liên doanh chỉ nên trả mức lương tương đương với mức lương đang áp dụng tại các công ty quốc doanh, và chỉ nên tăng lương khi năng suất và hiệu quả công việc có sự cải thiện rõ ràng.
Họ còn tỏ ý muốn tăng nguồn thu ngoại tệ bằng việc xuất khẩu các mặt hàng được sản xuất tại các nhà máy mới dành cho thị trường nội địa. Theo quan điểm của tôi thì đây là một sai lầm cơ bản không cần phải bình luận nhiều, trừ khi họ đã suy nghĩ nghiêm túc về vấn đề này. Tôi chỉ ra rằng, nếu họ muốn sản xuất các mặt hàng tiêu dùng cho người Trung Quốc, như tivi, máy thu thanh và các dụng cụ gia đình, thì các mặt hàng đó phải thật đơn giản, tiện dụng và kinh tế. Chúng phải phù hợp với điều kiện trong nước, ví dụ như nguồn điện, phải chịu được độ nóng, ẩm của một vùng này hay sự khô, lạnh của một vùng khác trong đất nước rộng lớn này. Và cũng cần phải đảm bảo rằng các mặt hàng này dễ sửa chữa, vì nếu như hàng hóa được phân phối rộng rãi thì phải tính toán đến việc xây dựng một hệ thống dịch vụ sửa chữa và bảo hành rộng khắp trên lãnh thổ rộng lớn này. Điều đó có nghĩa là hàng hóa phải được thiết kế để đảm bảo độ bền, và chỉ được xuất xưởng sau khi đã được kiểm tra kỹ càng. Nếu như nhà sản xuất thực sự quan tâm đến việc đáp ứng tốt nhu cầu của người tiêu dùng thì việc kiểm tra chất lượng sản phẩm là thực sự cần thiết. Tuy nhiên, cần phải nói rằng độ tin cậy và độ bền của sản phẩm vẫn luôn là vấn đề đáng quan tâm ở Trung Quốc, nơi mà việc sản phẩm bị trục trặc, hỏng hóc là câu chuyện cửa miệng trong hầu hết các câu chuyện.
Cuối cùng, để kết luận vấn đề, tôi nói với họ rằng những hàng hóa đơn giản và bền như thế khó có thể cạnh tranh được trên thị trường thế giới tự do nơi mà người tiêu dùng đòi hỏi những sản phẩm tinh tế, phức tạp. Tôi nói với họ, nếu như các ngài muốn thu được nhiều ngoại tệ từ ngành công nghiệp điện tử thì chỉ có một cách duy nhất là thực hiện công đoạn lắp ráp cho các công ty nước ngoài, để có thể tận dụng nguồn lao động giá rẻ trong nước. Người ta khó có thể sản xuất ra những hàng hóa vừa để xuất khẩu, vừa để cung cấp cho thị trường trong nước tại cùng một nhà máy.
Tôi rất khâm phục lòng dũng cảm và tinh thần quyết tâm của người Trung Quốc. Họ đã học hỏi được nhiều điều về công nghiệp hiện đại trong một thời gian ngắn, nhưng họ còn phải đi một chặng đường rất dài. Các sản phẩm của châu Âu và Nhật Bản đang cạnh tranh với nhau tại một số vùng ở Trung Quốc. Nhưng phải nói rằng khoảng cách về chất lượng và mẫu mã giữa hàng nội và hàng ngoại vẫn còn khá xa, cho dù các mặt hàng do Trung Quốc chế tạo đã được cải thiện rất nhiều, và tôi tin rằng sau này còn tiếp tục được cải tiến nhiều hơn nữa. Các công ty liên doanh đang sản xuất các sản phẩm theo mẫu mã nước ngoài đang ngày càng phát triển. Nhiều công ty Nhật Bản và châu Âu đang rất hài lòng với hoạt động kinh doanh của mình ở Trung Quốc trong lĩnh vực hàng dệt may, chằng hạn như Hanae Mori, Yves St. Laurent và Pierre Cardin. Năm 1985, xuất khẩu hàng dệt may của Trung Quốc đã đạt tới 4 tỷ đô la.

Nhưng Trung Quốc vẫn không có được những yếu tố đã thúc đẩy Nhật Bản sản xuất được những sản phẩm không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng, cũng như các nhân tố đã thúc đẩy một bộ phận lớn của các cơ sở công thương ở Mỹ cạnh tranh trên thị trường nội địa. Và nếu không có sự thúc đẩy đó thì khó có thể đạt được sự tiến bộ. Vào những năm 80, sự tự do hóa trong ngành thương mại dịch vụ (chẳng hạn như việc mở một cửa hàng sửa chữa xe đạp hay một phòng trà được coi là hợp pháp) đã bắt đầu khuyến khích ý thức nâng cao tính cạnh tranh cho sản phẩm. Việc quản lý một số doanh nghiệp quốc doanh đã được chuyển dần từ bàn tay thép của các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản sang những nhà quản lý chuyên nghiệp, những người ít nhất cũng hiểu được chút ít về công việc kinh doanh mà họ tham gia. Và quá trình cạnh tranh lại bắt đầu.
Thật tức cười là ở một số nơi, sự canh tranh này lại do chính người Nhật khơi dậy. Một nhà máy chế tạo đạn dược ở Trùng Khánh chuyển sang lắp ráp các sản phẩm mô tô, xe tay ga của hãng Yamaha trong khi một đối thủ cạnh tranh khác lại lắp ráp các sản phẩm của hãng Honda. Như vậy, cuộc cạnh tranh lâu đời giữa hai đối thủ của Nhật Bản đã được mở rộng từ thị trường trong nước sang một đất nước khác, đó là Trung Quốc.
Từ năm 1979, sau khi chấp nhận cơ chế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, chính phủ Trung Quốc đã giành được những thắng lợi to lớn trong việc tăng sản lượng trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Chính sách phát triển nông thôn cũng đã mang lại kết quả tốt đẹp do có sự dịch chuyển dần lực lượng lao động từ nông nghiệp sang các ngành công nghiệp nhẹ. Trong quá trình hiện đại hóa các ngành công nghiệp quốc doanh lớn, mặc dù sản lượng có thay đổi nhưng kết quả vẫn không được như mong muốn và khu vực công nghiệp quốc doanh vẫn còn đang ở trong tình trạng trì trệ.
Kinh nghiệm của tôi về Trung Quốc không phải là kinh nghiệm quan sát đầu tiên đối với việc thành lập các cơ sở công nghiệp thuộc sở hữu của Đảng Cộng sản. Năm năm trước đây, tôi và vợ tôi được mời đến thăm Liên Xô. Người ta đã khuyên Yoshiko và tôi rằng trước khi đến Mát-xcơ-va, nên mang theo nước đóng chai, khăn mặt và kể cả giấy vệ sinh vì các điều kiện sinh hoạt ở đây còn rất thô sơ. Nhưng đó là một sự thận trọng không cần thiết. Chúng tôi nhận được sự đón tiếp trọng thể ngay từ phút đầu tiên đến Mát-xcơ-va. Tại sân bay, một chiếc xe Chaika sang trọng màu đen đã đến tận chân cầu thang để đón chúng tôi. Chúng tôi cũng không phải quan tâm đến các thủ tục nhập cảnh và hải quan. Ngoài các vị chủ nhà và những người hướng dẫn, người ta còn thu xếp một nữ phiên dịch viên cho Yoshiko và một nam phiên dịch viên cho tôi.
Họ tỏ ra rất vồn vã, lịch thiệp và luôn luôn có mặt bên cạnh chúng tôi.
Có lúc Yoshiko nói muốn được thử ăn loại bánh piroshki, hai phiên dịch viên nhìn nhau tỏ vẻ ngỡ ngàng. Nữ phiên dịch viên trả lời với một thái độ rất kiên nhẫn: “Piroshki là loại bánh của người lao động thường ăn, chắc không phải là thứ bà định dùng chứ ạ?”. Nhưng vì Yoshiko cứ khăng khăng muốn được ăn loại bánh đó, cho nên sau một hồi bàn luận giữa hai phiên dịch viên và rất nhiều cuộc điện thoại sau đó, cuối cùng chúng tôi được đưa đến thẳng một nơi có nhiều người lao động đang đứng ăn bánh piroshki. Chúng tôi hòa nhập luôn với họ và cùng ăn thứ bánh bột nhồi thịt và rau rất ngon đó.
Vị chủ nhà của chúng tôi là ông Jerman Gvishiani, người sau này được bầu là Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng phụ trách Khoa học và Kỹ thuật và hiện nay đang là Phó chủ tịch Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước. Ông là một người rất thân thiện, rất thông thái và có thể nói tiếng Anh vô cùng thành thạo. Tôi gặp ông tại San Francisco trong một buổi tiệc do Steve Bechtel chủ trì ngay sau cuộc họp do Ban tổ chức Hội nghị và Viện nghiên cứu Stanford triệu tập. Tôi rất ngạc nhiên khi thấy người Nga này chơi dương cầm trong dàn nhạc Jazz một cách tuyệt vời và đi lại, nói năng một cách khá thoải mái và khéo léo trong môi trường tư bản chủ nghĩa như vậy.
Tại Liên Xô, ông ta cũng cởi mở như thế. Ông tha thiết mời chúng tôi thưởng thức những món ăn đặc sản của quê hương ông, một bữa ăn đậm chất dân dã nhưng vô cùng thịnh soạn. Ông đưa chúng tôi đi thăm những nhà máy ở ngoại ô Mát-xcơ-va và Lê-nin-grát. Ở đó, tôi được thấy công nhân sản xuất máy thu thanh, ống thu hình và lắp ráp tivi. Tôi được xem toàn bộ dây chuyền sản xuất và lắp ráp nhưng thực sự tôi không thấy điều gì có thể gây ấn tượng mạnh. Liên Xô còn tiến chậm hơn so với Nhật và các nước phương Tây khoảng từ tám đến mười năm trong ngành kỹ thuật điện tử dân dụng. Công nhân còn làm việc với các dụng cụ thô sơ và sử dụng kỹ thuật, công nghệ kém hiệu quả.
Tôi thấy rõ là sản phẩm kém chất lượng và thiếu độ tin cậy là do thái độ thiếu tập trung và cần mẫn của công nhân cũng như do Ban giám đốc chưa tìm ra được biện pháp khuyến khích kỹ sư và công nhân lao động sản xuất. Ngay cả người dân Liên Xô cũng đã có những câu pha trò nhạo báng về mẫu mã và chất lượng sản phẩm. Nhưng tôi tin rằng đất nước này đã có những cải tiến đáng kể sau chuyến đi thăm của vợ chồng chúng tôi.
Vào cuối chuyến thăm, ông mời tôi đến văn phòng của ông, ở đó có cả sự hiện diện của một quan chức Bộ Thông tin và một số công chức. Ông Gvishiani mỉm cười nói với tôi: “Thưa ông Morita, ông đã đi thăm những nhà máy của chúng tôi, ông đã hiểu rõ về khả năng của chúng tôi. Ở đất nước chúng tôi không có lạm phát hay các cuộc đình công đòi tăng lương. Lực lượng lao động của chúng tôi rất ổn định. Chúng tôi muốn chia sẻ điều đó với đất nước các ông dưới hình thức hợp đồng gia công”.
Ông có vẻ rất tự hào với những gì đã chỉ cho tôi xem, và những ai đã từng chứng kiến nhân dân Liên Xô trải qua những năm tháng đấu tranh đầy gian khổ, thì những tiến bộ mà họ đạt được quả là phi thường. Về phần mình, tôi lại không cảm thấy có nhiều hứng thú với những gì tôi được thấy trên đất nước này.
Tôi nhìn quanh phòng và thấy những khuôn mặt đang chờ đợi tôi phát biểu ý kiến. Tôi xin phép ông Gvishiani cho tôi được thành thật nói ra những suy nghĩ của mình. Ông nói ngay rằng dù thế nào đi chăng nữa thì tôi cũng nên nói thật. Và vì thế tôi đã nói như sau: “Tôi xin phép được nói với các ông một sự thật, ở Nhật Bản chúng tôi đã sử dụng những con người tài năng nhất, những bộ óc thông minh nhất và bỏ ra nhiều năm trời để tìm mọi cách nâng cao năng suất và chất lượng của những sản phẩm dù đơn giản nhất, chẳng hạn như cái tuốc-nơ-vít. Chúng tôi đã vắt óc để nghiên cứu và thử nghiệm chi tiết để tìm ra nhiệt độ chính xác nhất cho một mối hàn trong từng ứng dụng cụ thể. Nhưng ở đây, các ông chưa làm như vậy, và có vẻ như cũng không có ai quan tâm đến vấn đề này. Thưa ông Gvishiani, thành thật mà nói, tôi rất lấy làm tiếc khi phải phê phán một điều gì đó sau khi ông đã đón tiếp chúng tôi rất nồng nhiệt và đưa tôi đi thăm rất nhiều nơi, nhưng tôi cũng phải nói thật là chúng tôi không thể yên tâm để cho sản phẩm của hãng Sony được sản xuất trong một điều kiện như ở đây. Chúng tôi chưa thể chuyển giao công nghệ của chúng tôi được”.
Ông ta tiếp nhận một cách bình tĩnh và ra hiệu cho người trợ lý đưa cho ông ta một chiếc máy thu hình bán dẫn đen trắng, có kích thước nhỏ, hình hộp.
Ông nói: “Thưa ông Morita, đây là chiếc ti vi chúng tôi có ý định xuất sang thị trường châu Âu, ông nghĩ gì về sản phẩm này?” Một lần nữa, tôi đề nghị ông cho phép tôi nói ra những suy nghĩ thật của mình. Ông ta gật đầu đồng ý.
Tôi lấy một hơi dài rồi nói: “Thưa ông Gvishiani, tài năng nghệ thuật của các nghệ sỹ Liên Xô quả là tuyệt diệu, từ các nhạc sĩ, diễn viên múa cho đến các di sản nghệ thuật của đất nước ông thật sự lừng danh trên thế giới. Đất nước ông thật sự may mắn vì có được cả kỹ thuật công nghệ và nghệ thuật.
“Nhưng tại sao tôi lại không thấy được hai mặt tài năng đó thể hiện trong chiếc ti vi này? Tại sao các ông lại không kết hợp cả kỹ thuật công nghệ và nghệ thuật vào trong sản phẩm để biến chúng thành những mặt hàng tuyệt vời?
Thưa ông, tôi phải nói thật rằng, với những hiểu biết của tôi về thị trường và sở thích của người tiêu dùng, tôi nghĩ rằng một sản phẩm xấu như vậy sẽ khó có thể bán được”.
Sau khi tôi nói ra ý kiến của mình, tất cả mọi người yên lặng đến mức ngạc nhiên. Sau đó, ông Gvishiani quay sang nói với một vị đến từ Bộ Thông tin: “Thưa ông, xin ông vui lòng cho ý kiến về những bình luận của ông Morita”.
Vị quan chức nghiêm trang nói: “Thưa ông Morita, chúng tôi hiểu những gì ông nói, nhưng nghệ thuật không thuộc phạm vi quyền lực pháp lý của chúng tôi!”
Thật là một câu trả lời khó tin. Tôi bắt đầu cảm thấy không thoải mái, và tôi đã nói: “Thưa các ông, tôi biết điều đó. Tôi vừa nói hết tất cả những điều tôi muốn nói. Nếu như các ngài cho phép tôi được có một chiếc ti vi này, tôi sẽ mang về Tokyo và để cho các kỹ sư của chúng tôi đưa ra những kiến nghị để cải thiện nó”. Và tôi đã làm như vậy, các kỹ sư đã viết một bản báo cáo dài và đề xuất sự tái thiết kế các mạch điện cùng một số biện pháp khác để cải thiện sản phẩm này. Tuy nhiên, vẫn không có chuyện Tập đoàn Sony chuyển giao công nghệ cho họ.

Mặc dù sự cạnh tranh thực sự vì lợi ích của người tiêu dùng chưa được chú trọng ở Liên Xô, nhưng sự thử nghiệm ở Trung Quốc có thể thúc đẩy điều đó. Nhưng ngay tại thời điểm này, Liên Xô và Mỹ đang cạnh tranh dưới một hình thức khác, và sự chạy đua về quân sự mặc dù có ý nghĩa về mặt quốc phòng, lại là một lý do chính cản trở sự phát triển kinh tế. Tại Liên Xô, công nghệ chủ yếu tập trung vào các chương trình không gian vũ trụ, và các chương trình quốc phòng. Trong các lĩnh vực liên quan đến đời sống của quần chúng, chất lượng thiết kế và công nghệ rất lạc hậu.
Chúng tôi đã tiến hành rất nhiều hoạt động kinh doanh với Liên Xô trong lĩnh vực thiết bị trạm phát thanh truyền hình. Với loại hình thiết bị này, Sony là nhà sản xuất lớn nhất trên thế giới. Tất nhiên, chúng tôi chỉ bán những sản phẩm này cho các nước Cộng sản khi có sự phê duyệt của Uỷ ban Điều phối Xuất khẩu. Tương tự, chúng tôi cũng bán rất nhiều máy móc thiết bị thu phát cho Trung Quốc. Hai nước này thường yêu cầu chúng tôi cung cấp công nghệ dưới hình thức hợp đồng cấp li-xăng (licensing agreements), nhất là với công nghệ sản xuất ống thu hình Trinitron. Tuy nhiên, chúng tôi không bao giờ cho phép việc một sản phẩm được sản xuất tại Liên Xô hay Trung Quốc dưới danh nghĩa của chúng tôi. Một thời gian dài trước đây, hãng Fiat bán một nhà máy và công nghệ chế tạo ô tô cho Liên Xô, và kết quả là rất nhiều chiếc ô tô xuất hiện trên thị trường châu Âu với hình dáng rất giống xe Fiat nhưng thực ra, đó là những phiên bản của nội bộ Liên Xô. Và điều đó đã ảnh hưởng đến danh tiếng của hãng Fiat. Vì thế, chúng tôi không muốn điều này xảy ra với sản phẩm của chúng tôi.
Hai năm sau, tại một lễ hội âm nhạc ở Salzburg, tôi đã nói chuyện với ông Gvishiani. Ông ta bảo tôi: “Ông phải đến thăm chúng tôi một lần nữa”, nhưng tôi đã không còn cơ hội nào khác.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.