Made In Japan: Chế tạo tại Nhật Bản

6.



Công việc kinh doanh của công ty chúng tôi rất phát đạt cả trong nước lẫn trên thế giới. Năm 1964, chúng tôi bắt đầu chuyển sang chế tạo các loại máy tính để bàn và tôi cho rằng việc này sẽ góp phần làm tăng cường hệ thống sản xuất của chúng tôi. Tại Hội chợ Thế giới tại New York vào tháng Ba năm 1964, Sony đã trưng bày loại máy tính để bàn gọn nhẹ lần đầu tiên trên thế giới. Chính tôi đã tới đó để thao diễn công dụng của loại máy tính để bàn này và tất nhiên, tôi rất hạnh phúc và tự hào được làm việc này. Thực tế, một hôm ở New York, khi tôi đang trình bày cách sử dụng máy camera video cho một phóng viên Thời báo New York (The New York Times), thì nghe thấy tiếng động cơ xe ô tô cứu hỏa ở ngoài đường phố, tôi nhìn qua cửa sổ thì thấy một đám cháy lớn khói đen mù mịt đang ngùn ngụt bốc lên từ nhà kho của ngôi nhà tôi đang ở, tôi vội cầm lấy chiếc máy camera video và ghi luôn hình ảnh các nhân viên đội cứu hỏa đến dập tắt đám cháy và sau đó, tôi phát lại đoạn phim này ngay lập tức cho mọi người xung quanh. Đó là buổi trình diễn thuyết phục nhất mà tôi thực hiện được.
Sau đó, chúng tôi còn cho ra đời và bán rộng rãi trên thị trường một loại máy tính đặc biệt mà chúng tôi gọi là SOBAX, viết tắt của từ “Solid State Abacus”, tức là loại bàn tính điện tử hết sức gọn nhẹ. Nhưng tôi cũng nhận thấy ngay là hàng chục hãng Nhật Bản khác cũng đang nhảy vào việc chế tạo và kinh doanh loại máy tính này và sớm hay muộn thì một cuộc chiến giá cả hết sức tàn khốc sẽ diễn ra để tranh giành thị trường. Đó chính là quy luật cạnh tranh trên thị trường Nhật Bản, và đó là điều mà chúng tôi luôn luôn hết sức tránh. Khi mọi việc đã trở nên rõ ràng là các hãng khác đã giảm giá bán máy tính đến mức rất nguy hiểm để giành giật thị trường, thì chúng tôi đã quyết định từ bỏ việc sản xuất mặt hàng máy tính này.
Tôi đã dự đoán đúng. Nhiều hãng sản xuất máy tính lần lượt bị phá sản hoặc tự rút khỏi thị trường này sau khi thua lỗ rất nặng. Ngày nay, ở Nhật Bản, chỉ còn ba hãng lớn sản xuất máy tính và điều này chứng minh sự tiên đoán của tôi là chính xác. Tất nhiên, hãy còn rất nhiều việc phải làm trong ngành chế tạo tivi, video và đó luôn là thách thức đối với chúng tôi. Vì thế, Sony luôn phải tìm tòi những phát minh sáng kiến và ứng dụng mới.
Nhưng nói thật là nghĩ lại tôi thấy quyết định rút lui khỏi ngành hàng máy tính có thể là quá nóng vội. Đến nay, tôi cho rằng điều đó chứng tỏ tôi thiếu một sự nhìn xa trông rộng về khía cạnh kỹ thuật, mà đó từng là điểm mạnh của chúng tôi. Nếu như chúng tôi vẫn quyết tâm tiếp tục chế tạo máy tính, có lẽ chúng tôi đã có thể nắm vững sớm hơn những kiến thức chuyên môn về mặt kỹ thuật số để sau này sử dụng vào các máy tính cá nhân và những ứng dụng thu thanh và ghi hình, và như thế chúng tôi có thể đã thắng trong cuộc cạnh tranh. Nhưng khi mọi việc chuyển biến, về sau chúng tôi lại cần phải có được loại công nghệ này, trong khi trước đây đã từng có cơ sở để nắm được nó. Như vậy, trên quan điểm kinh doanh chúng tôi đã tính toán đúng cho một khoảng thời gian ngắn nhưng điều đó lại là sai lầm cho một khoảng thời gian dài. May thay, tôi đã không có quá nhiều quyết định sai lầm ngắn hạn như vậy.
Năm 1964, công việc kinh doanh lại càng phát đạt hơn nên chúng tôi đã mở thêm một nhà máy lắp ráp ti vi mới để đáp ứng nhu cầu thị trường về ti vi màu. Lý do là Nhật Bản đăng cai tổ chức Đại hội thể thao Olympic mùa hè và dường như tất cả mọi gia đình ở Nhật đều muốn có một chiếc ti vi màu để theo dõi các cuộc thi đấu. Trước đó vài năm nhân cuộc hôn nhân của Thái tử Akihito với công chúa Michiko được truyền hình lúc đó các máy ti vi đen trắng bán rất chạy. Thực tế, sự hào hứng về Đại hội thể thao Olympic đã hướng toàn bộ đất nước về một mục tiêu dân tộc chung. Đại hội thể thao Olympic đã thúc đẩy nước Nhật thực hiện được những cải thiện cần thiết và đáng kể. Các hệ thống đường giao thông cao tốc và các chuyến xe lửa tốc hành cần phải được hoàn thành trước kỳ Thế vận hội, vì nếu nước Nhật thắng lợi trong kỳ Thế vận hội và được trao giải thưởng thì rõ ràng hệ thống đường xá của Nhật không thể giải quyết được vấn đề giao thông; và cảnh tượng ách tắc giao thông kéo dài hàng dặm từ đường phố này đến đường phố khác, và đôi khi còn kéo dài đến hàng tiếng đồng hồ sẽ là một điều đáng hổ thẹn đối với những người Nhật khi bị truyền hình đi khắp thế giới. Vì thế, hệ thống đường cao tốc đã được xây dựng trong một thời khắc lịch sử như vậy.
Những nhà hoạch định của chúng tôi cũng nhận thấy rằng số khách du lịch đổ vào Nhật trong suốt thời gian Thế vận hội và sau đó sẽ là hàng ngàn người. Họ là những người lần đầu tiên đến thăm Nhật và còn muốn đi thăm cố đô Kioto, trung tâm thương mại Osaka và nhiều nơi khác dọc hành lang Thái Bình Dương phía Tây thủ đô Tokyo cho tới Hiroshima và đảo Kyushu ở về phía Nam nước Nhật. Số lượng lớn khách du lịch này tất sẽ làm cho giao thông trên hệ thống đường sắt hết sức căng thẳng, cho nên nhất thiết phải cải thiện ngay. Vì thế, những công nghệ mới nhất được đưa vào ứng dụng để tạo ra một hệ thống đường xe lửa tốc hành được vi tính hóa, hệ thống này được gọi là Shinkansen (chạy nhanh với tốc độ đầu đạn). Ngày nay xe lửa Shinkansen cứ 20 phút có một chuyến rời thành phố Tokyo. Các du khách kinh ngạc với tốc độ 155 dặm Anh một giờ (một dặm Anh bằng 1,6093 km) trên loại xe lửa này, mặc dù nó đã phục vụ họ hơn 20 năm nay. Nhiều đường xe lửa tốc hành mới được mở ra nối liền các vùng phía Bắc của nước Nhật trong khi loại tàu tốc độ cao thế hệ mới đã trong tư thế sẵn sàng. Loại tàu này chạy trên đệm từ trường và đẩy bằng động cơ ngang, có tốc độ nhanh gấp hai lần so với thế hệ trước, và thậm chí còn nhanh hơn hệ thống cao tốc TGV của Pháp.
Cùng với những cải tiến trong chiến dịch tiền Thế vận hội, sân bay quốc tế Haneda ở Tokyo đã được mở rộng và hiện đại hóa, nhiều khách sạn mới được xây dựng; và diện mạo mới này đã làm đẹp thêm cho thành phố. Nhiều công dân và công ty của Nhật đã phát triển những dự án và sản phẩm hướng tới Thế vận hội. Chính quyền Nhật nhận thấy còi xe ô tô và xe tải ầm ĩ chính là một vấn đề ô nhiễm môi trường rất nghiêm trọng, và sẽ khiến cho Nhật bị lộn xộn. Vì thế, họ đã tận dụng động lực hướng về sự thay đổi và cải thiện này của đất nước như một cơ hội để có thể làm giảm tiếng ồn ở thành thị bằng việc áp dụng luật cấm các loại xe không được dùng còi khi không cần thiết.
Không phải chỉ riêng nước Nhật mới có sự hiện đại hóa như vậy nhân sự kiện đó của đất nước, nhưng phải nói là Nhật Bản đã thực hiện công việc này một cách rất xuất sắc. Năm 1972, khi thủ phủ Sapporo của đảo Hokkaido đăng cai tổ chức Đại hội thể thao Olympic mùa đông, thành phố này cũng đã tiến hành một chương trình hiện đại hóa lớn như thế, kể cả công trình xây dựng một đường xe điện ngầm. Các khách du lịch nước ngoài hết sức kinh ngạc trước những sự thay đổi to lớn này. Cùng với việc hiện đại hóa về mặt vật chất, công dân Nhật còn có được niềm tự hào về một thành phố đã bắt kịp với thời đại, họ đã từ bỏ những thói quen của người dân tỉnh lẻ để theo kịp với nhịp sống hiện đại. Những công dân của Sapporo trở nên tinh tế hơn và có một tầm nhìn rộng lớn hơn đối với toàn cục đất nước cũng như đối với thế giới.
Đối với tôi, tôi cảm thấy cần thiết và quan trọng phải đi thăm các nước vào thời kỳ cuối thập kỷ 60 và đi kiểm tra hệ thống các cơ sở sản xuất và nghiên cứu của công ty trên đất Nhật. Thời gian làm việc trong một ngày dường như quá ngắn ngủi so với số lượng công việc ngày càng lớn cần phải giải quyết. Vì thế, chúng tôi thấy cần phải có một chiếc máy bay và sau đó là một chiếc trực thăng. Đó là một việc làm hiếm thấy ở Nhật vào thời đó, kể cả bây giờ cũng vậy. Hàng không dân dụng ở Nhật thực ra còn thua kém Mỹ khá nhiều. Nhưng tôi sớm nhận ra mình có lợi thế là có khả năng quyết định về mặt này. Vì hiệu quả của công việc, tôi có thể đi bằng xe hơi hoặc máy bay tùy ý. Hiện nay tôi được sử dụng riêng một xe hơi Mercedes 380 SEL mầu xanh khi ở Tokyo và công ty Sony có riêng hai máy bay trực thăng Aerospatiale 350 và 355. (Chúng tôi làm đại lý bán loại máy bayAerospatiale ở Nhật). Hoặc tôi cũng có thể dùng máy bay phản lực Falcon như tôi đã dùng khi thăm Trung Quốc và một vài nơi khác mặc dù phần lớn các chuyến đi ra nước ngoài tôi thường đi trên các máy bay của các hãng hàng không thương mại. Khi tôi ở Mỹ, đôi khi tôi đi máy bay Falcon 50 hoặc Falcon 100.
Tuy từ lâu tôi không còn đếm số lần đi công tác qua Thái Bình Dương nhưng tôi cảm thấy không hề bị quá mệt trong những lần bay dài như những hành khách khác. Tôi ngủ rất ngon trên máy bay; thực tế, đôi khi tôi còn cảm thấy thoải mái và sảng khoái khi ở trên máy bay hơn là ở trong phòng khách sạn.
Tôi thường mang theo lên máy bay một gói Sushi, đó chỉ là món cơm trộn dấm ăn với gỏi cá và tôi thường uống một chai nhỏ rượu sake đem theo. Sau đó tôi quấn quanh mình một cái chăn chiên mỏng và nói trước với cô phục vụ trên máy bay là đừng đánh thức tôi khi đến bữa ăn, uống hoặc khi chiếu phim và như thế tôi có thể đi vào giấc ngủ ngay lập tức như anh chàng Adolph Gross trong truyện Người đàn bà xinh đẹp của tôi.
Thường thường, tôi rời Tokyo vào đầu giờ tối và đến New York cũng vào tối hôm đó (đi và đến trong cùng một ngày theo ngày giờ đường bay quốc tế mặc dù thời gian bay mất khoảng 12 giờ). Sau khi đến New York, tôi cố gắng chơi tennis độ một giờ rưỡi rồi sau đó lại tiếp tục ngủ cho đến 4 giờ sáng hôm sau. Khi thức dậy, tôi đọc và chuẩn bị mọi thứ giấy tờ cần thiết cho công việc kinh doanh trong ngày làm việc mới. Tôi là người liên tục phải ngồi trên máy bay, cho nên tôi cố gắng ngủ càng nhiều càng tốt. Bởi vì từ trước tới giờ, thực sự tôi chưa bao giờ ngủ đủ cả cho đến khi lại phải lên chuyến bay tiếp theo.
Lẽ ra những hoạt động của tôi trên cương vị chủ tịch Hiệp hội các ngành điện Nhật Bản sẽ làm giảm bớt đi một chút các chuyến công tác của tôi vào năm 1985, nhưng tôi vẫn có thể xen kẽ vào lịch trình công tác một số chuyến đi thăm thế giới ngắn ngày. Ví dụ như một chuyến bay từ Tokyo đi New York, rồi sang London, từ đó đi Los Angeles, sau là Hawaii và từ Hawai trở về Los Angeles, qua Paris và trở về Tokyo, tất cả chưa đến hai tuần lễ, không có gì lạ đối với tôi cả.
Đi lại quá nhiều như thế nên tôi phải suy tính tìm cách giải quyết được khối lượng công việc của mình. Với một nửa công việc kinh doanh của tôi là ở nước ngoài và với phong cách làm việc riêng của chính công ty chúng tôi là sáng tạo ra sản phẩm, tôi không theo một khuôn mẫu nào cả, mà phải tự tìm cho mình một cách thức thích hợp nhất để có thể sinh hoạt và làm việc. Ngày nay, với những hệ thống thông tin liên lạc ngày càng tiến bộ, tôi có thể dễ dàng liên lạc với bạn cho dù bạn có ở nơi nào trên thế giới đi nữa. Và tôi thường bị gọi là người nghiện điện thoại bởi tôi sử dụng điện thoại liên lạc quá nhiều. Vì công ty của chúng tôi mở rộng khắp thế giới nên bất kỳ lúc nào, thí dụ từ New York, tại phòng khách sạn, tôi tỉnh dậy vào bốn giờ sáng nhưng lúc đó lại đang là thời gian làm việc của một số đồng nghiệp trong hãng Sony của chúng tôi ở nơi nào đó trên thế giới cho nên tôi luôn có thể gọi điện cho họ được.

Tôi là một con người say mê làm việc nhưng không phải vì thế mà không vui chơi giải trí. Tôi bắt đầu chơi tennis vào tuổi 55 và chơi trượt tuyết vào tuổi 60 và khi đến tuổi 64, tôi lại chuyển sang chơi lướt ván, nhưng tôi thấy môn thể thao này rất nặng đối với bộ đùi của tôi. Tôi cũng đã chơi đánh gôn được gần 40 năm rồi. Mỗi buổi sáng thứ ba, chúng tôi đều có buổi họp của Ban quản trị ở Tokyo và nếu tôi ở Nhật thì tôi thường sắp xếp để tham dự những buổi họp đó, nhưng trước hết tôi cũng phải chơi vài sec tennis tại sân trong nhà gần văn phòng công ty từ 7 đến 9 giờ sáng. Masaaki, em trai tôi, là phó chủ tịch hãng Sony cũng rất thích chơi tennis, cho nên đôi khi tôi cùng chơi với em tôi và một vài vị ủy viên trong Ban quản trị. Tôi thích chơi thể thao với giới trẻ vì tôi thường nhận được ở họ nhiều ý kiến hay và họ còn cho tôi một cách nhìn mới
mẻ về hầu hết tất cả mọi việc. Tôi cho rằng khi chơi thể thao với họ, tôi còn được bồi bổ về mặt tinh thần vì họ rất nhiệt tình.
Do chịu khó chơi môn tennis, tôi nhận thấy phản xạ của tôi ngày càng khá hơn và điều này làm cho tôi hết sức phấn khởi vì khi con người ta bắt đầu bước vào tuổi già phản xạ thường có xu hướng chậm lại. Điều đó cũng có thể là trí nhớ bắt đầu sa sút mặc dù tôi luôn hy vọng không phải như thế. Khi mới chơi tennis, tôi luôn bắt trượt bóng nhưng nay tôi thấy tôi có thể đánh trả khá chính xác các cú giao bóng của đối phương. Tất nhiên tôi không còn chơi những trận đánh đơn nữa. Tôi nhận thấy khi tôi mới trượt tuyết, sự cân bằng của tôi không được tốt lắm, nhưng dù sao thì cũng đã khá lên nhiều. Tôi nghĩ rằng các vị ủy viên quản trị cũng cần phải nhận biết được sự cần thiết của việc tham gia luyện tập thể lực như thế này, vì nó không chỉ tốt cho trái tim mà cho cả tâm trí và vì cảm giác tự tin mà nó đem lại cho bạn. Duy trì sự tự tin là điều cực kỳ quan trọng.
Lái máy bay cũng là một vấn đề tôi rất quan tâm. Trong những chuyến bay đầu tiên trên chiếc máy bay lên thẳng của công ty, tôi nhận thấy viên phi công còn nhiều tuổi hơn tôi và tôi chợt nghĩ nếu như có điều gì xảy ra với ông ta khi chúng tôi ở trên máy bay, tất cả chắc sẽ không thoát khỏi tai nạn. Tôi thấy thật là ngốc nghếch nếu cứ chỉ ngồi ở ghế sau và lo âu như thế. Vì vậy, tôi xin một giấy phép học lái và lên ngồi vào ghế phụ lái để học cách điều khiển máy bay. Khi nào tôi học lái với một huấn luyện viên phi công trên một chiếc máy bay trực thăng hay loại máy bay thông thường, tôi hoàn toàn có quyền điều khiển máy bay mà chưa cần phải có bằng lái. Vì vậy, tất cả các phi công của chúng tôi đều có quyền được dạy lái. Tôi xin đổi mới bằng lái hàng năm không phải vì muốn tự mình lái lấy trên tất cả các chuyến đi mà là để phòng trường hợp phải đảm trách tay lái; tôi không muốn là người vô dụng. Tôi cảm thấy tự tin hơn khi biết rằng tôi có khả năng hạ cánh máy bay an toàn.
Một lần khi tôi đi từ Geneva về trên chiếc máy bay trực thăng Acrospatiale 350, tôi nói với viên phi công: “Chiếc máy bay này giống hệt với chiếc máy bay của công ty chúng tôi”. Ông ta trả lời: “Tôi đã từng thấy ông ở sân bay Paris và tôi nghĩ ông sẽ làm phi công giỏi như làm giám đốc điều hành. Đây, ông hãy cầm lái đi”. Tôi không muốn tự mình cho máy bay cất cánh từ phi trường Geneva, cho nên tôi nói với ông ta hãy cứ cho máy bay rời khỏi mặt đất và sau đó tôi sẽ cầm lái thay ông ta một lúc. Tôi rất thích lái máy bay trực thăng. Lái loại máy bay này khó hơn nhiều so với lái máy bay thông thường vì người ta thường lo lắng về mặt cân bằng và ổn định, nhưng tôi thực sự rất thích vì nó có lợi thế hơn hẳn so với loại máy bay thông thường.
Hàng ngày, tôi nghe báo cáo về các công việc cần phải làm qua những thư ký riêng. Tôi có hai tủ hồ sơ, một mầu đen và một mầu đỏ. Tủ mầu đen dùng để lưu trữ các hồ sơ, tài liệu có liên quan đến các công việc trong nước và tủ mầu đỏ được dành cho các tài liệu quốc tế. Bốn thư ký giúp việc tôi, hai người phụ trách các công việc trong nước và hai người kia chuyên về công việc quốc tế.
Ban ngày, tôi bận tiếp khách, gọi điện thoại và dự hội nghị do đó không có thời gian đọc báo chí – một số người thường nói công việc chính của các ủy viên quản trị Nhật là tổ chức hội nghị. Thư từ và các loại giấy tờ cứ ùn ùn gửi đến bất kể tôi có giải quyết kịp hay không. Vì thế, mỗi ngày, tôi chỉ có thể về nhà sau khi đã giải quyết hoàn tất các giấy tờ và thư từ để trong hai chiếc tủ. Tủ mầu đen thường lưu trữ các tài liệu có liên quan đến công việc sản xuất, kinh doanh, các báo cáo về số lượng sản phẩm bán ra, các thư yêu cầu hoặc khiếu nại thuộc hãng Sony, các công việc của Hiệp hội các ngành điện Nhật Bản, hoặc của Keidanren (tức là Liên hiệp các tổ chức kinh tế chuyên về các vấn đề như đầu tư quốc tế hay những ủy ban kỹ thuật) mà tôi là chủ tịch. Tủ mầu đỏ thường chứa các thư mời đến nói chuyện ở Mỹ hoặc ở châu Âu hay ở những nơi khác, một vài tài liệu ghi chi tiết các vấn đề cần phải giải quyết hoặc các kế hoạch mới về tiếp thị hay quảng cáo, các chương trình dự tính cho một chuyến công tác mới và thư từ của các bạn hàng kinh doanh hay bè bạn từ nước ngoài gửi đến.
Chúng tôi có một bộ phận của Sony phụ trách công việc giao dịch với nước ngoài. Bộ phận này trực tiếp đặt dưới quyền điều hành của tôi và giúp tôi giải quyết mọi công việc. Bộ phận này có đầy đủ các chuyên gia phụ trách các mặt công tác mà tôi có nhiệm vụ phải giải quyết như Hội nghị các nhà kinh doanh Mỹ – Nhật, và một vài hội đồng mà tôi là ủy viên. Một chuyên gia luôn phụ trách về các vấn đề của Keidanren, một chuyên gia khác phụ trách về các vấn đề của Hiệp hội các ngành điện, và có thêm một chuyên gia khác phụ trách về vấn đề hợp tác với các chính phủ. Đó chưa kể đến một trợ lý chuyên giúp tôi soạn thảo các bài diễn văn mặc dù tôi cũng rất ít khi đọc các bài đã viết sẵn khi phát biểu. Các tủ của tôi còn đựng các bản ghi nhớ của cán bộ, nhân viên và thậm chí các mẩu báo được cắt ra. Các thư ký giúp việc luôn biết tìm tôi ở đâu tại bất kỳ nơi nào trên thế giới. Một lần tôi định tận hưởng ba ngày nghỉ liền, trượt tuyết trên núi gần Karuizawa ở Nhật nhưng đã không thể thực hiện được. (Thông thường họ vẫn thường cố gắng giải quyết mọi việc được lấy một mình mà không cần có tôi, chỉ trừ trường hợp họ không thể làm thay tôi).
Đôi khi, tôi nhận được những cú điện thoại từ Mỹ về các vấn đề đang đặt ra trước Quốc hội Mỹ có liên quan đến công ty Sony và đủ các cuộc điện thoại riêng. Tại nhà riêng, tôi có 5 đường dây điện thoại, trong đó đường dành riêng cho tôi. Tại căn hộ của tôi ở Hawai, hoặc căn hộ ở Tháp Bảo tàng tại New York và nhà nghỉ mát của tôi tại vùng nông thôn ở hồ Ashi gần núi Phú Sĩ, tôi đều có đường dây điện thoại riêng.
Cần thiết phải có những đường dây điện thoại đặc biệt chính là vì ở nhà chúng tôi có hai đứa con đang tuổi thiếu niên. Nhưng chúng tôi vẫn có thêm những máy điện thoại khác vì không lâu sau đó, những đứa con của tôi sẽ cần dùng đến chúng. Việc có hai đường dây dành riêng cho tôi là rất cần thiết vì tôi có thể sử dụng đường dây thứ nhất để lấy tin tức trong khi vẫn có thể nói chuyện với người ở đường dây thứ hai. Tôi cũng đã lắp đặt một đường dây điện thoại thứ hai trên xe ô tô. Tôi yêu cầu các vị ủy viên chấp hành đều phải có một đường dây điện thoại nóng đặc biệt 24/24 đặt tại gia đình để có thể liên lạc với họ bất cứ lúc nào.
Mặc dù rất bận công việc, nhưng tôi vẫn tìm mọi cách để có những kỳ nghỉ ngắn. Vào mùa đông, cứ đến cuối tuần, tôi lại đi trượt tuyết và mùa hè tôi chơi tennis. Trong những ngày nghỉ đầu năm mới, tôi thường đi Hawaii nghỉ khoảng bảy tám ngày để chơi gôn và tennis. Cả gia đình tôi thường đi dự Liên hoan Âm nhạc vào dịp lễ Phục sinh tại Salzburg và dự kỳ lễ hội Wagner tại Bayreuth. Tôi thường thuê một chiếc Mercedes ở Munich và tự đưa gia đình đến đó. Chặng đường dài khoảng 155 dặm và đôi khi, vợ tôi thay tôi lái xe để tôi được nghỉ chút ít. Khi sống ở Nhật, chúng tôi ít có dịp tự lái ô tô đi chơi đường dài và tất nhiên không có điều kiện cho xe chạy nhanh như trên các đường cao tốc ở Đức, nhưng với chiếc Toyota hiệu Soarer, gia đình chúng tôi cũng thường đi nghỉ cuối tuần ở nhà riêng tại vùng núi.

Tôi rất thích cho xe chạy với tốc độ cao dù không phải là một tay ham hố tốc độ. Có lần, tôi và vợ tôi đến Bayreuth để dự buổi biểu diễn nhạc Wagner, ca sĩ Peter Hoffman vui mừng và hãnh diện giới thiệu với tôi chiếc máy Honda 1200 cc mà anh mới mua. Loại xe máy khổng lồ này có tốc độ rất cao và thường không bán ở Nhật, nhưng lại rất dễ mua ở Đức vì ở đó không hạn chế tốc độ trên các xa lộ. Anh mời tôi thử lái chiếc xe này nhưng tôi từ chối, nói mình chỉ muốn ngồi sau anh để thử tốc độ của xe mà thôi và ngay lập tức, chúng tôi nhảy lên xe. Với tốc độ 140 dặm Anh một giờ, quả thật tôi cảm thấy không bám được vững dù luôn luôn ôm chặt lấy bụng anh, và thật là tuyệt.
Khi chúng tôi quay trở lại và xuống xe, anh ta lại hỏi tôi xem có muốn làm một chuyến bay nhào lộn trên không không. Tất nhiên là tôi đồng ý vì thực ra tôi chưa bao giờ có dịp làm như vậy. Chúng tôi lên xe và đi ra sân bay. Tại đó, chúng tôi gặp một người bạn thân của anh là một nhà vô địch người Đức về môn nhào lộn trên không. Anh này mời tôi lên máy bay, và tất nhiên tôi nhận lời ngay khi được dịp may hiếm có này. Khi tôi đã ngồi trong buồng lái, anh ta nói: “Tôi sẽ theo dõi ông khi nào ông thấy chóng mặt, buồn nôn thì tôi sẽ cho máy bay hạ cánh”. Tôi chưa từng bao giờ cảm thấy buồn nôn trên máy bay nên gật đầu đồng ý.
Sau khi máy bay cất cánh, anh ta chuyển cần lái cho tôi và bảo tôi cho máy bay lên độ cao 4.000 feet (đơn vị đo chiều dài Anh bằng 0,3048 m). Tôi làm đúng như anh ta đề nghị. Khi máy bay bắt đầu chuyển sang bay thẳng, anh ta lập tức cầm lấy cần lái và không nói thêm một lời nào, anh cho máy bay nhào lộn trên không với đủ thứ, đủ loại: lộn ngửa, lộn sấp, đâm thẳng xuống, vọt ngược lên, xoáy trôn ốc, vừa đâm xuống vừa quay vòng v.v… Cuộc nhào lộn này dường như kéo dài hàng giờ và tôi luôn phải giữ chặt lấy đai ghế để bám cho chắc hơn. Tôi có một dạ dày rất khỏe, không bị nôn mửa nhưng tôi cũng thấy mừng khi anh ra hiệu sẽ cho máy bay hạ cánh. Khi tôi tưởng sẽ bắt đầu hạ cánh thì anh lại lật ngược máy bay ở độ cao khoảng 50 feet. Máy bay thấp đến mức tôi tưởng như đầu mình gần chạm đường băng. Tôi thấy Yoshiko và Peter Hoffman đang vẫy tay chào. Sau này, vợ tôi nói có nhìn thấy tóc tôi rũ thẳng xuống đất khi máy bay lướt qua. Yoshiko và tôi từng lái máy bay tại Triển lãm Khoa học 1985 nhưng 30 phút nhào lộn trên không khiến tôi mệt lả. Thú thật, tôi cảm thấy đi không vững nữa, người cứ lảo đảo như say rượu. Tiếng cám ơn tôi nói với nhà quán quân nhào lộn trên không nghe như hụt hơi.
Tôi rất thích ở châu Âu, đặc biệt để nghe nhạc và gặp gỡ các nhà nhạc sĩ nổi tiếng. Nhiều người trong số họ tôi quen biết qua việc giới thiệu sản phẩm của Sony và qua các bạn hàng và cũng do lòng ham mê nghệ thuật. Năm 1966, khi Maestro Herbert Von Karajan đến Tokyo để chỉ huy dàn nhạc, chúng tôi đã trở thành đôi bạn thân. Ông không nhớ là năm 1953, tôi đã có dịp gặp ông khi tôi thăm Viên, trong một chuyến thăm các nước châu Âu. Thời đó, thủ đô Viên vẫn còn bị các lực lượng Đồng minh chiếm đóng, và muốn đến đó, tôi đã phải xin ở London một giấy phép đặc biệt.
Khi đó, tôi vừa mới xem bộ phim Người thứ ba, câu chuyện xảy ra ở Viên và tôi cảm thấy rất hào hứng và thích thú khi đến thăm thủ đô Viên, nơi đã diễn ra bao nhiêu câu chuyện hấp dẫn, đầy bí ẩn. Tôi đã đặt phòng ở một khách sạn ở Viên thông qua một văn phòng du lịch ở New York và tôi bay đến thành phố vào ban đêm, sau đó đi xe về ngay khách sạn. Sáng hôm sau, khi xuống ăn sáng, tôi thấy trên mỗi bàn ăn đều có để một lá cờ đỏ. Đêm trước khi đến khách sạn, tôi không ngờ đó là khu vực đặt dưới sự kiểm soát của quân đội Liên Xô và khách sạn này chủ yếu dành cho sĩ quan Nga. Một người bạn tôi là nhạc sĩ Shinji Toyama khi đó đang học ở Viên đã tới thăm tôi ở khách sạn. Anh rất lo lắng và thầm thì hỏi tại sao tôi lại ở trong khu vực của người Nga. Tôi lắc đầu và phải ở lại đây thêm một vài ngày. Đại diện du lịch của tôi đã đặt sẵn phòng cho tôi tại khách sạn, nên tôi không biết muốn thay đổi thì phải làm thế nào.
Khách sạn Maitre dành sẵn cho tôi một bàn góc trong phòng ăn, và tôi rất vừa ý. Tôi chẳng phải chuyện trò với ai, mà chỉ ngồi quan sát.
Tôi đến Nhạc viện Thành phố Viên, và gặp Von Karajan ở đó. Lúc này, ông đã là một nhạc trưởng nổi tiếng. Ông hỏi tôi: “Này ông Morita, ông làm nghề gì vậy?” Bằng một thứ tiếng Anh nhát gừng, tôi nói cho ông ta hiểu là tôi làm trong lĩnh vực điện tử chế tạo máy ghi âm trên băng. Ông nói ngay: “Thế thì tốt lắm, vậy ông có quen Max Grundig không? Ông nên đến thăm ông ấy”. Tôi trả lời: “Quả thực tôi chưa quen biết ông Max Grundig nhưng tôi đã có dịp đến thăm nhà máy sản xuất đồ điện tử Grundig rất nổi tiếng ở Đức trước khi tôi đến đây. Tôi chưa được ai giới thiệu đến gặp ông chủ lớn của ngành radio Đức.
Đáng tiếc là lần đó, sau khi rời Viên, tôi lại trở về bằng một đường bay khác cho nên không ghé qua thăm ngài Max Grundig được. Nhưng sau đó vài năm, tôi gặp ông. Von Karajan đã đến biểu diễn nhiều lần ở Nhật và là một khách quen biết của gia đình chúng tôi.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.