Made In Japan: Chế tạo tại Nhật Bản

CHIẾN TRANH Sống sót và hy vọng 1.



Tôi đang ăn trưa với các đồng nghiệp trong căn cứ hải quân thì nhận được tin không thể ngờ được là Hiroshima bị ném bom nguyên tử. Tin nhận được lại quá sơ sài, thậm chí, chúng tôi không biết rõ loại bom nào đã được ném xuống. Nhưng là một sĩ quan kỹ thuật vừa tốt nghiệp đại học với tấm bằng vật lý nên tôi hiểu rõ một quả bom nguyên tử có ý nghĩa thế nào đối với nước Nhật và cả đối với cá nhân tôi. Tương lai chưa bao giờ trở nên mờ mịt như thế, Nhật Bản chưa bao giờ thua trận và chỉ có giới thanh niên mới có thể lạc quan trước tình hình này. Tuy nhiên, tôi vẫn tin tưởng vào bản thân và tương lai của chính mình.
Từ nhiều tháng trước, tôi đã biết rằng nước Nhật đang thua trận và thật vô ích nếu cứ tiếp tục cuộc chiến, nhưng tôi cũng biết là phái quân sự muốn chiến đấu đến người cuối cùng. Tôi mới 24 tuổi, tốt nghiệp trường Đại học Hoàng gia Osaka và đang làm việc trong nhóm những nhà khoa học và kỹ sư liên ngành để hoàn chỉnh các loại vũ khí điều khiển bằng nhiệt và máy ngắm của súng có tầm nhìn ban đêm. Các nhà cầm quyền quân sự hy vọng nền công nghệ Nhật sẽ góp phần làm thay đổi cục diện chiến tranh. Nhưng dù đã làm hết sức mình, chúng tôi đều hiểu rõ là đã quá muộn và công trình mà chúng tôi thực hiện không thể thành công. Chúng tôi không những thiếu mọi nguồn lực mà còn thiếu cả thời gian. Và bây giờ, trước sự kiện Hiroshima, đối với tôi, rõ ràng là thời gian đã hết.
Không giống như những người dân thường lúc bấy giờ, chịu sự giám sát chặt chẽ của cảnh sát và quân đội, tôi có thể tiếp cận được những thông tin từ hải quân và có thể nghe những buổi phát thanh trên làn sóng ngắn, dù điều đó bị coi là bất hợp pháp ngay cả đối với một sĩ quan hải quân không làm nhiệm vụ thường trực. Trước ngày 6 tháng Tám năm 1945, tôi hiểu rõ sức mạnh vượt trội của Hoa Kỳ và nước Nhật thua trong cuộc chiến tranh này là điều không thể chối cãi. Nhưng tôi chưa sẵn sàng nghe tin Mỹ ném bom nguyên tử và cuộc ném bom đó đã làm tất cả mọi người sửng sốt.
Trong cái ngày hè oi ả, ẩm thấp đó, chúng tôi chưa thể hình dung được hết sự khủng khiếp của quả bom đã được ném xuống. Bản tin mà tôi được đọc ở căn cứ hải quân vào giờ ăn trưa chỉ thông báo quả bom ném xuống là “một loại vũ khí mới nổ tung với những tia chớp sáng lòe”, nhưng sự mô tả ấy cũng đủ để chúng tôi hiểu rằng đó là một loại vũ khí nguyên tử. Trên thực tế, nhà cầm quyền quân sự Nhật đã cố che giấu chi tiết về quả bom đã được ném xuống Hiroshima suốt một thời gian dài và một vài sĩ quan vẫn không tin rằng người Mỹ đã có bom nguyên tử. Trước đó, chúng tôi cũng chưa thể nghiên cứu đầy đủ về mặt lý thuyết để biết được chi tiết khả năng phá huỷ của vũ khí nguyên tử và hiểu bao nhiêu sinh mạng con người sẽ bị giết bởi quả bom này. Chúng tôi cũng không biết vũ khí nguyên tử ghê gớm đến mức nào, nhưng tôi đã chứng kiến hậu quả khủng khiếp của bom cháy và thực tế, tôi đã có mặt ở Tokyo đêm mùng 9 và 10 tháng Ba, ngay sau khi các đợt bom cháy liên tục do máy bay B29 ném xuống gây nên một cơn bão lửa giết chết hơn 10.000 người chỉ trong vài giờ. Tôi cũng đã chứng kiến sự khủng khiếp của các đợt ném bom xuống Nagoya, thành phố quê hương tôi. Nhiều thành phố công nghiệp lớn của Nhật, ngoại trừ Kyoto, đã bị ném bom và trở thành những khu đổ nát toàn gạch vụn, những vật dụng đã bị cháy đen, đó là ngôi nhà của hàng triệu người Nhật. Quả bom nguyên tử lại có thể còn tàn bạo hơn nhiều thì thật là điều không thể tưởng tượng được.
Mặc dù quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima vào lúc 8 giờ 15 sáng ngày 6 tháng Tám, nhưng mãi đến trưa ngày 7 tháng Tám, chúng tôi mới biết tin. Phản ứng của tôi đối với quả bom ném xuống Hiroshima là phản ứng của một nhà khoa học. Ngồi ăn trưa, tôi cảm thấy mất hết hứng thú trước món cơm đặt trước mặt, dù đó là một thứ xa xỉ trong thời chiến ở Nhật Bản. Tôi nhìn các bạn đồng sự đang ngồi ăn xung quanh và nói với mọi người ngồi quanh bàn: “Có lẽ ngay bây giờ, chúng ta phải từ bỏ công việc nghiên cứu. Nếu người Mỹ có thể chế tạo được bom nguyên tử, điều đó có nghĩa là chúng ta đã tụt hậu sau họ rất xa trong mọi lĩnh vực mà khó có thể đuổi kịp”. Viên sĩ quan cấp trên của tôi tỏ ra rất tức giận trước câu nói này.
Tôi cũng hiểu được ở mức độ nào đó tiềm lực của năng lượng nguyên tử nhưng tôi vẫn nghĩ là ít nhất cũng phải mất 20 năm mới hoàn thành việc chế tạo bom nguyên tử. Nên tôi thật kinh ngạc khi biết người Mỹ đã chế tạo xong loại bom này. Rõ ràng là nếu người Mỹ đã tiến xa như thế thì nền kỹ thuật của chúng tôi hãy còn quá thô sơ so với họ. Tôi nói không có loại vũ khí nào mà chúng tôi có thể làm ra sánh được với bom nguyên tử, và tôi cho rằng chúng tôi không thể chế tạo bất cứ loại vũ khí hay phương tiện phòng thủ mới nào có thể chống chọi lại bom nguyên tử. Tin bom nguyên tử ném xuống Hiroshima là một điều không thể tin nổi đối với cá nhân tôi. Khoảng cách kỹ thuật giữa Nhật Bản và Mỹ là quá lớn.
Trước đó, mặc dù biết có khoảng cách giữa nền công nghệ của Mỹ và Nhật, tuy nhiên, chúng tôi vẫn nghĩ nền công nghệ của Nhật là rất tốt. Ví dụ như từng có lần chúng tôi thu được một vài thiết bị còn nguyên từ một chiếc máy bay ném bom B.29 của Mỹ bị bắn rơi và nhận thấy người Mỹ đã sử dụng một vài thiết bị kỹ thuật tiên tiến và mạch điện khác với chúng tôi, nhưng những cái đó không tốt hơn những thứ chúng tôi đang sử dụng nhiều lắm.
Đó là lý do tại sao khi biết tin cuộc ném bom nguyên tử xuống Hiroshima, tôi mới nhận ra rằng sức mạnh công nghiệp của Mỹ lớn hơn chúng tôi nghĩ rất nhiều, nếu không nói là hoàn toàn vượt trội. Đáng lẽ ra tôi phải biết điều này từ trước. Thực tế là từ khi còn là một học sinh trung học, tôi đã được xem một bộ phim về việc xây dựng nhà máy liên hợp River Rouge của Hãng ô tô Ford ở Dearborn, bang Michigan, và lúc đó tôi rất ngỡ ngàng trước một công trình có quy mô đồ sộ đến như thế. Bộ phim giới thiệu những tàu biển lớn chở quặng sắt từ những mỏ xa xôi tới nhà máy thép River Rouge của Hãng Ford, để từ đây được luyện thành nhiều loại thép với những hình dạng khác nhau. Sau khi luyện xong, thép được chuyển tới một phân xưởng khác, để đúc hoặc đổ khuôn thành những chi tiết máy móc cho ngành ô tô và sau đó được chuyển tới một phân xưởng khác để lắp ráp. Thời bấy giờ, Nhật Bản chưa có một công nghệ sản xuất liên hợp nào giống như thế.
Nhưng thật mỉa mai là nhiều năm sau, khi Nhật Bản đã phục hồi nền kinh tế sau chiến tranh và phát triển hệ thống công nghiệp mới của riêng mình, xây dựng những nhà máy mới, có hiệu quả ở những khu vực thuận tiện cho tàu bè cập bến và phát triển một nhà máy sản xuất liên hoàn như chúng tôi đã thấy ở nhà máy liên hợp ô tô Ford hồi trước chiến tranh, tôi có dịp đến thăm khu liên hợp River Rouge. Nhưng tôi hết sức ngạc nhiên, bàng hoàng và thậm chí thất vọng khi thấy những cảnh đang diễn ra trước mắt tôi giống hệt như những điều tôi đã thấy ở bộ phim tôi đã xem về nhà máy Ford gần 20 năm trước. Dường như những thiết bị đó vẫn đang được sử dụng và điều này khiến tôi băn khoăn về tương lai của các nhà máy công nghiệp nước Mỹ và vị trí tối cao của Mỹ mà cả thế giới thèm muốn và ghen tị.
Nhưng vào tháng Tám năm 1945, tôi vẫn còn choáng váng khi biết chắc chắn sẽ có những thay đổi rất lớn đối với nước Nhật và chính bản thân tôi. Suốt nhiều năm, tôi luôn luôn suy nghĩ về tương lai của mình. Khi tôi còn đang ở trường đại học, một viên sĩ quan đã khuyên tôi nên làm cho một chương trình của hải quân Hoàng gia để được tiếp tục nghiên cứu và tránh việc hy sinh tính mạng trong một cuộc chiến tranh vô ích trên biển ở một nơi cách xa tổ quốc hàng ngàn dặm. Sau vụ Hiroshima và lần ném bom nguyên tử thứ hai của Mỹ xuống Nagasaki, hơn bao giờ hết, tôi càng tin rằng nước Nhật cần phải đào tạo và giữ chân mọi nhân tài cần thiết cho tương lai của đất nước. Lúc đó, tuy hãy còn là một thanh niên, tôi cũng không ngại nói rằng tôi cảm thấy mình cần phải đóng một vai trò trong cái tương lai đó. Nhưng tôi không biết rõ vai trò đó sẽ to lớn thế nào.
Tôi cũng không nhận thức rằng nhiều năm sau, tôi sẽ cống hiến nhiều thời gian, nhiều tuần lễ và nhiều tháng trời thực hiện những chuyến đi hàng triệu dặm góp phần đưa nước Nhật, Mỹ và các nước phương Tây khác xích lại gần nhau.
Tôi là con đầu lòng và cháu đích tôn đời thứ mười lăm của một trong những dòng họ nấu rượu sake lâu đời và nổi tiếng nhất Nhật Bản. Sake không những là một thứ rượu riêng của dân tộc Nhật mà còn là một biểu tượng văn hóa đối với mọi người dân Nhật Bản. Thậm chí, sake còn là một phần của những nghi lễ tôn giáo trong các lễ cưới cổ truyền, cô dâu và chú rể thường cùng nhau uống cạn một chén rượu sake. Gia đình Morita ở làng Kosusaya gần thành phố công nghiệp Nagoya đã nấu và bán rượu sake từ khoảng 300 năm trước dưới nhãn hiệu “Nenohimatsu”. Nhãn hiệu này lấy từ tên một bài thơ trong cuốn Man’ yoshu, một tập thơ nổi tiếng được viết vào thế kỷ VIII. Tên này xuất phát từ tục lệ cổ của triều đình là xuất hành về nông thôn vào đúng giờ hoàng đạo ngày đầu năm Tý, chọn một cây thông con đem về nhà trồng tại vườn. Cây thông là biểu tượng của tuổi thọ và hạnh phúc, nên qua việc trồng cây thông vào năm mới, mọi người mong muốn luôn được mạnh khỏe và thịnh vượng suốt trong năm.
Dòng họ Morita còn sản xuất cả nước chấm đậu tương và bột miso, một loại gia vị chủ yếu trong thức ăn hàng ngày của người Nhật Bản để nấu xúp và tăng thêm mùi vị cho các món ăn khác. Do kinh doanh những mặt hàng trọng yếu trong đời sống của cộng đồng, nên gia đình Morita luôn có vị thế trong xã hội và được dân chúng kính trọng.
Cha tôi là một nhà kinh doanh giỏi, nhưng ông tiếp nhận một cơ sở kinh doanh lâu đời đang trong tình trạng khó khăn nghiêm trọng. Ông nội và cụ nội tôi là những người có khiếu thẩm mỹ, rất tận tuỵ với nghề thủ công mỹ nghệ của Nhật Bản và Trung Quốc. Cả hai đã dành nhiều thời gian và tiền bạc để thực hiện nghĩa vụ công dân đối với thành phố và đỡ đầu các nghệ sĩ, các thợ thủ công và các nhà buôn bán hàng thủ công mỹ nghệ. Các đồ gốm sứ, các bộ đồ trà, các loại đồ gỗ gia đình đẹp, các tranh vẽ và các loại đồ vật dùng cho nghi lễ xã hội luôn được các tầng lớp trên Nhật Bản ưa chuộng và được trả giá cao. Từ nhiều năm trước, Nhật Bản thường phong danh hiệu Tài Sản Sống của Quốc gia cho những thợ thủ công và nghệ nhân có tài năng nhất của nền văn hóa Nhật Bản truyền thống, gồm các họa sĩ, thợ gốm sứ, thợ dệt, thợ rèn gươm, thợ thêu thùa, những người viết chữ đẹp và nhiều thợ thủ công khác. Sản phẩm của những người thợ tài hoa này đều được những người yêu chuộng nghệ thuật tìm mua. Nhưng không may, trong một hai thế hệ, người đứng đầu dòng họ Morita đã quá chú trọng khiếu thẩm mỹ và say mê việc sưu tập đến mức công việc kinh doanh bị đình trệ do chỉ mải mê theo đuổi thú vui nghệ thuật của mình, phó mặc công việc kinh doanh vào tay những người khác.
Cụ kỵ tôi dựa vào những nhân viên quản lý được thuê để điều hành Công ty Morita. Nhưng đáng tiếc là những viên quản lý này chỉ coi công việc kinh doanh được giao phó cho họ là một việc kiếm sống cho bản thân và nếu như việc kinh doanh gặp khó khăn thì họ cho đó là một điều đáng tiếc, nhưng không phải là một việc quan trọng cho sự sống còn của chính bản thân họ.
Cùng lắm họ chỉ mất đi một việc làm mà thôi, họ không chịu trách nhiệm trước các thế hệ của dòng họ Morita trong việc duy trì và phát triển sự thịnh vượng và phát đạt của gia đình Morita. Vì vậy, khi việc kinh doanh được giao phó cho cha tôi, là người con trưởng của gia đình, cha tôi phải đối mặt với nhiệm vụ trước mắt là vực công ty dậy, làm ra lợi nhuận và khôi phục gia sản của gia đình Morita. Không có nhân viên quản lý nào ông có thể tin cậy giao phó việc này.
Đó không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Cha tôi là Kyuzaemon Morita lúc đó đang là sinh viên ngành quản lý kinh doanh trường Đại học Keio ở Tokyo. Khi đang học dở dang, ông được gọi về nhà để đảm nhận trách nhiệm điều hành công ty. Lúc đó, công ty Morita đang đối mặt với sự phá sản, và cha tôi hiểu rõ rằng sau khi buộc phải thôi học ông đang phải đứng trước thử thách thực sự chứ không phải là một bài toán hay đề tài trên sách vở, mà đó là tương lai của cả gia đình Morita. Ông trở về nhà bắt tay xây dựng lại công ty và đảm nhận mọi việc quản lý.
Thật trớ trêu nhưng cũng là may mắn đối với cả gia đình tôi, khi ông dùng tiền thanh toán các món nợ của công ty và khôi phục hoạt động của nhà máy bằng cách bán đi nhiều đồ mỹ nghệ mà cha và ông nội đã mua trước đây. Sau nhiều năm, những đồ mỹ nghệ này đã tăng giá và sự đầu tư của gia đình vào nghệ thuật, dù không khôn ngoan theo quan điểm điều hành doanh nghiệp, nhưng lại rất có lãi và rất quan trọng cho việc phục hồi công ty. Trong số những món đồ quý giá bị đem bán có ba thứ rất đắt tiền: một bức mành Trung Quốc, một tấm gương bằng đồng cũng của Trung Quốc và một đồ trang trí bằng ngọc bích có niên đại từ thời Yayoi Nhật Bản (khoảng giữa năm 350 trước Công nguyên và 250 sau Công nguyên). Cha tôi là một người nghiêm khắc và bảo thủ nên ông hiểu rất rõ những báu vật đó có ý nghĩa thế nào đối với người cha. Vì thế, ông đã thề rằng khi nào gia đình thịnh vượng trở lại, ông sẽ chuộc lại chúng. Thực sự là nhiều năm sau, những đồ mỹ nghệ này được chuộc lại và đưa trở về bộ sưu tập của gia đình.
Khi tôi – đứa con trai đầu của gia đình Kyuzaemon và Shuko Morita ra đời, công việc kinh doanh đã trở lại thời kỳ thịnh vượng nên khi còn bé, tôi không bao giờ biết đến sự thiếu thốn trong gia đình. Ngược lại, tôi luôn được cưng chiều. Chúng tôi là một gia đình rất giầu có và sống trong một tòa nhà lớn (theo tiêu chuẩn của người Nhật) với nhiều phòng ở phố Shirakabecho, một trong những khu phố đẹp nhất Nagoya. Mọi người thường gọi đây là phố nhà giàu. Chúng tôi có sân quần vượt ngay trong nhà, nhà Toyodas ở bên kia phố cũng có một sân, và các gia đình hàng xóm xung quanh cũng thế. Những ngày đó, chúng tôi cần một tòa nhà lớn vì tất cả chúng tôi đều cùng chung sống dưới một mái nhà: tôi và các em trai tôi như Kazuaki kém tôi hai tuổi, Masaaki kém tôi sáu tuổi và em gái tôi là Kikuko kém tôi ba tuổi. Tất nhiên là còn có cha tôi và một người cô goá bụa, chồng chết sớm không có con cái, và em trai cha tôi, từng theo học hội họa bốn năm ở Pháp; ông bà tôi, sáu người giúp việc trong nhà và ba bốn người từ quê ra nhờ gia đình tôi cho ăn học ở trường và đổi lại, giúp đỡ chúng tôi các việc vặt ở nhà.
Dường như mọi sự diễn ra rất tấp nập trong nhà và tôi coi nhiều người cùng chung sống là chuyện bình thường. Tuy nhiên, chúng tôi sống riêng biệt và gia đình tôi, bố mẹ và anh em tôi thường ăn riêng, chứ không ăn cùng những người khác. Trong những dịp đặc biệt như ngày sinh nhật, chúng tôi mở thông cửa ngăn các phòng để tổ chức một tiệc lớn với chừng 20 – 30 người trong gia đình và bạn bè quen thuộc. Vào dịp sinh nhật, chúng tôi họp mặt ăn uống và mở một cuộc bốc thăm. Người nào cũng có một phần thưởng cho mình và ai cũng vui vẻ. Tất nhiên, việc quản lý một gia đình đông đúc như vậy và giải quyết những tranh cãi giữa những đứa trẻ, những người phục vụ và những sinh viên ở nhờ là một công việc khá bận rộn do mẹ tôi, một người phụ nữ khôn ngoan và rất kiên nhẫn, đảm nhận.
Mẹ tôi lấy cha tôi khi mới 17 tuổi và lúc đầu, cha mẹ rất lo mình có thể không có con. Thời đó, có một đứa con trai để nối dõi tông đường là điều vô cùng quan trọng đối với mọi gia đình ở Nhật Bản và điều đó vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay. Mãi bảy năm sau ngày cưới, tôi mới ra đời và cha mẹ tôi đều cảm thấy nhẹ nhõm. Mẹ tôi là một người phụ nữ điềm tĩnh, tinh tế và lịch thiệp, nghiêm túc quản lý mọi việc nội trợ trong gia đình, luôn bận rộn để mọi công việc đều được trôi chảy và các quan hệ giữa những người cùng ở trong ngôi nhà được êm thấm. Mẹ tôi là người rất quyết đoán so với các bà nội trợ theo phong cách Nhật Bản, một hiện tượng hiếm thấy khi đó. Bà có những quan điểm vững chắc, nhất là về mặt học hành của tôi dù không giống những bà mẹ quá chú trọng việc học hành, đỗ đạt của con cái mà bắt con phải học nhồi nhét để được lên tới đại học và theo học các trường tốt. Tôi thấy mẹ tôi hiểu biết về mọi chuyện và nói chuyện với mẹ tôi dễ dàng hơn nhiều so với cha tôi vì cuộc đời của ông luôn luôn bị cuốn hút vào công việc kinh doanh mà ông có trách nhiệm phải cứu vãn, xây dựng lại và phát triển. Do đó tôi thường đến gặp mẹ tôi hơn là cha tôi để xin ý kiến và giúp đỡ.
Mẹ tôi đã làm thay đổi nhiều tập quán sẵn có của gia đình chúng tôi. Mặc dù xuất thân từ một gia đình Samurai và hiểu rõ những truyền thống cổ truyền – bà luôn luôn mặc bộ Kimono, nhưng mẹ tôi vẫn sẵn sàng chấp nhận những điều mới mẻ. Tất nhiên là trẻ con, chúng tôi thường hay cãi, nhưng khi lớn lên, tuy chưa đến tuổi trưởng thành, tôi đã có những sở thích riêng trong việc học hành và tôi ngày càng hay xin ý kiến dạy bảo của mẹ tôi. Quán xuyến mọi công việc trong gia đình, nên bà đã dành cho tôi một phòng riêng với một cái bàn.
Sau này, tôi được mua thêm cái bàn thứ hai khi tôi bắt đầu những cuộc thí nghiệm vì tôi cần bàn làm việc. Bà cũng mua cho tôi một cái giường, nên tôi không còn phải nằm trên tấm đệm tatami trải trên sàn nhà như hầu hết mọi người khác trong gia đình. Như thế, ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã được sống một cách hiện đại. Cha mẹ tôi muốn tôi phải sống như vậy vì hai người đang chuẩn bị cho tôi có đầy đủ lông cánh để kế tục công việc kinh doanh của gia đình và để trở thành người chủ tương lai của gia đình Morita, người chủ thứ mười lăm của dòng họ dưới cái tên Kyuzaemon.
Theo tập quán của dòng họ, khi kế tục người cha làm chủ gia đình, người con trưởng phải bỏ tên riêng để lấy tên theo truyền thống của dòng họ là Kyuzaemon. Hầu hết những người con trưởng suốt 15 thế hệ tiếp lần lượt được đặt tên đầu là Tsunesuke hoặc Hikotaro khi chào đời. Cha tôi tên là Hikotaro Morita cho đến khi ông trở thành chủ gia đình và lấy tên Kyuzaemon thứ 14. Ông nội tôi khi sinh ra có tên là Tsunesuke Morita và trở thành Kyuzaemon Morita khi tiếp quản sự nghiệp kinh doanh của gia đình. Khi về nghỉ hưu, ông tôi chuyển giao toàn bộ trách nhiệm và nghĩa vụ và cả cái tên Kyuzaemon cho cha tôi để lấy cái tên nữa là Nobuhide Morita.
Nhưng khi tôi được sinh ra, cha tôi nghĩ rằng cái tên sẽ được đặt cho tôi là Tsunesuke đã quá lỗi thời đối với thế kỷ thứ 20. Vì vậy, ông đến gặp một học giả của Nhật Bản hiểu biết sâu sắc truyền thuyết và văn hóa Trung Quốc đế xin ý kiến trong việc đặt tên cho tôi. Nhà thông thái này rất nổi tiếng và là bạn của ông nội tôi, đã khuyên nên đặt cho tôi cái tên là Akio, mang nghĩa là “sáng suốt” từ chữ được phát âm là “aki”. Chữ này cũng có trong tên của ông nội tôi. Chữ Hán thường có nhiều cách phát âm, thậm chí có chữ đọc theo hàng tá cách, cho nên tên tôi có thế đọc theo kiếu có nghĩa sáng suốt, nhưng khi được đọc với chữ Morita thì lại có nghĩa là “cánh đồng lúa thịnh vượng”. Đây là cái tên lạc quan và hy vọng mà tôi mang theo suốt cả cuộc đời hoạt động kinh doanh của mình. Bố mẹ tôi rất thích cái tên này nên đã dùng chữ cái đó đặt tên cho hai em tôi: là Masaaki và Kazuaki. Các triều đại hoàng đế Nhật Bản đều có niên đại riêng và lấy lịch chính thức từ năm đầu tiên của triều đại này. Khi Hoàng đế Hirohito lên ngôi sau khi vua cha băng hà vào năm 1926, Hoàng gia cũng đến hỏi ý kiến học giả nổi tiếng về Trung Hoa này để tìm một cái tên mang lại điềm tốt cho triều đại mình. Vị học giả đặt tên cho triều đại đó là “Showa”, có nghĩa là “thái bình thịnh vượng”, cũng sử dụng chữ “aki” như trong cái tên của tôi nhưng phát âm là “sho”. (Năm 1986 được chính thức gọi là năm Showa 61, tức là năm thứ 61 của triều đại Showa).
Đến lúc này, gia đình tôi gợi ý tôi nên bắt đầu lấy tên là Kyuzamon. Cũng có thể thay tên nhờ sự quyết định của gia đình nếu như chứng minh tính lịch sử của tên đó, nhưng tôi nghĩ như vậy sẽ không hay lắm vì rất nhiều người trên thế giới đã biết tên tôi là Akio. Nhưng đôi khi, tôi ký tên với những chữ đầu là AKM, có nghĩa là Akio Kyuzaemon Morita. Và tôi cũng có một biển số mang biểu tượng cá nhân trên chiếc Lincoln Continental để ở Mỹ là AKM 15. Một ngày nào đó, đứa con trai cả của tôi là Hideo sẽ kế tục tôi đứng đầu gia đình, nhưng có trở thành một Kyuzaemon hay không còn tuỳ thuộc ở nó, mặc dù vợ chồng tôi rất muốn điều đó. Nhưng bây giờ là lúc tiếp tục kể câu chuyện của tôi.
Từ bé, tôi đã hiểu rất rõ truyền thống gia đình và dòng họ tổ tiên. Gia đình tôi may mắn đã sản sinh ra nhiều nhà văn hóa và người yêu nghệ thuật như ông tôi và cụ tôi. Tổ tiên tôi cũng là những người lãnh đạo và đứng đầu làng xã kể từ thời kỳ Shogun Tướng quân Tokugawa vào thế kỷ thứ 17. Dòng họ tôi thời đó là một gia đình quý tộc và được hưởng đặc ân sử dụng tên họ riêng và được quyền mang kiếm. Mỗi khi cha mẹ tôi đưa tôi về lại thăm làng Kosugaya thì lập tức dân chúng đến vây quanh ca ngợi làm tôi thấy rất hãnh diện.
Cụ tổ của tôi là Kyuzaemon thứ 11 rất thích những điều mới lạ và những tư tưởng mới lạ. Trong thời Minh Trị, vào cuối thế kỷ trước, cụ đã mời một người Pháp đến Nhật Bản để giúp cụ học cách trồng nho và nấu rượu. Từ đó, cụ trở nên nổi tiếng và cũng rất thích sản xuất rượu Tây và rượu sake Nhật Bản. Nước Nhật đã mở cửa nhìn ra bên ngoài sau hơn 250 năm tự cô lập, tách biệt với cả thế giới nên những điều mới lạ xâm nhập vào nước Nhật ngày càng trở nên thịnh hành. Hoàng đế Minh Trị cũng khuyến khích người Nhật nên học tập phương Tây, đặc biệt là học hỏi cách sống và công nghệ của các nước phương Tây. Tại Tokyo, người Nhật học khiêu vũ, bắt chước các mốt quần áo, kiểu tóc châu Âu và chế biến các món ăn theo kiểu phương Tây, ngay cả ở trong hoàng cung cũng làm như vậy.
Còn có nhiều lý do khác là nguyên nhân của việc khuyến khích trồng nho và sản xuất rượu vang. Chính phủ của Hoàng đế Minh Trị dự đoán là sắp thiếu hụt gạo mà gạo lại là nguyên liệu chính để nấu rượu sake. Trồng nho và thay thế rượu sake bằng rượu vang sẽ giúp cho nước Nhật khắc phục việc mùa màng thất bát và lúa gạo thiếu hụt. Các nhà sử học cũng đã ghi chép rằng chính phủ cũng dùng việc trồng nho để giúp các chiến binh Samurai thoát khỏi cảnh thất nghiệp dưới chính thể mới. Thời đó, gia đình chúng tôi có rất nhiều đất đai, nên năm 1880, được sự khuyến khích của chính phủ Minh Trị, cụ tổ tôi đã mang những chồi nho nhập từ Pháp về đem trồng tại đây. Cụ tổ tôi cũng cho lắp đặt máy chế biến nho và những dụng cụ cần thiết để nấu rượu vang, rồi thuê mướn người ở vùng xung quanh để trông nom vườn nho. Bốn năm sau, gia đình tôi đã sản xuất được một ít rượu nho, dù ít nhưng rất đáng khích lệ vì nó mang lại hy vọng ngành sản xuất mới này sẽ phát đạt. Nhưng thực tế đã không diễn ra như vậy.
Vào thời gian này, các vườn nho ở Pháp đang bị tàn phá nặng nề, lúc đầu bị nấm mốc tấn công, sau đó lại bị sâu đục rễ phá hoại. Mặc dù các chồi rễ nho mua từ Pháp đã được lựa chọn kỹ càng và phun thuốc trước khi đem trồng, nhưng bất chấp mọi nỗ lực, việc trồng nho của gia đình bị thất bại hoàn toàn. Năm 1885, xuất hiện thứ sâu đục rễ nho phyloxera trong vườn nho của gia đình cụ tổ tôi nên cả vườn nho đều bị hỏng. Cụ tổ Kyuzaemon phải bán đất đai để trả nợ. Các vườn nho được chuyển sang trồng dâu nuôi tằm nhưng những loại sản phẩm truyền thống khác mà gia đình Morita sản xuất như nước chấm đậu tương và rượu sake vẫn được đem trưng bày tại cuộc triển lãm quốc tế tại Paris năm 1899. Một trong các sản phẩm này đã giành được huy chương vàng, lúc đó được coi như là một điều rất ấn tượng đối với một công ty Nhật Bản. Dù thế nào đi nữa, cụ tổ tôi cũng là một người rất thích tìm tòi sự mới lạ và có đầy đủ nghị lực và can đảm để không đầu hàng nếu một kế hoạch nào đó bị thất bại. Cụ tổ thân sinh ra cụ tôi, khi đứng đầu gia đình, đã tiến hành sản xuất kinh doanh rượu bia bằng cách thuê một ông thầy người Hoa đã học nghề làm rượu bia ở nước Anh truyền nghề cho. Ông cũng thành lập một công ty làm bánh mì, mà bây giờ mang tên công ty Pasco. Hiện nay, công ty này làm ăn rất phát đạt và có nhiều chi nhánh ở nước ngoài. Tính kiên nhẫn, sự bền bỉ và tinh thần lạc quan là những tính cách di truyền của dòng họ truyền lại cho tôi qua nhiều thế hệ. Tôi nghĩ cha tôi cũng nhận thấy những đặc điểm này ở tôi.
Kỵ tôi mất năm 1894 và tới năm 1918, nhân dân trong vùng đã dựng một bức tượng kỵ bằng đồng ở làng Kosugaya để tưởng nhớ những công lao của ông đối với dân chúng trong vùng. Lúc sinh thời, ông đã tự bỏ tiền ra làm đường và xây dựng các công trình công cộng khác cho nhân dân nên Hoàng đế Minh Trị đã khen thưởng và tặng huy chương cho ông trong một chuyến công du đến vùng này. Nhưng không may trong thời kỳ chiến tranh, tượng đồng của kỵ tôi đã bị hạ xuống để lấy nguyên liệu đúc súng đạn và thay thế bằng một tượng bán thân bằng sứ mà ngày nay vẫn còn đặt trước một miếu thờ trong một khu vườn ở làng Kosugaya.
Mặc dù lịch sử dòng họ và gia đình gắn bó với làng Kosugaya, nhưng cha mẹ tôi đã chuyển từ ngôi làng yên bình nhỏ bé đó đến thành phố Nagoya, thủ phủ của tỉnh, và tôi sinh ra ở đây ngày 26 tháng Một năm 1921. Việc chuyển gia đình tới Nagoya, một thành phố công nghiệp sôi động, thủ phủ của tỉnh Aichi là do ý định của cha tôi muốn hiện đại hóa công ty Morita và mang đến một tinh thần mới cho công ty lâu đời này. Ngoài ra, thành phố này còn là một nơi thuận tiện để điều hành một hãng kinh doanh hiện đại hơn so với một ngôi làng nông thôn hẻo lánh. Vậy là tôi đã lớn lên trong một thành phố chứ không phải một làng quê nhỏ bé như các bậc tổ tiên, mặc dù trong tâm khảm chúng tôi luôn luôn coi Kosugaya là quê hương, cội rễ của gia đình.
Gần đây, chúng tôi phát hiện thấy nhiều tư liệu cổ về ngôi làng quê hương trong kho lưu trữ của gia đình. Tôi thấy những tư liệu đó rất hấp dẫn nên đã thành lập một cơ sở lưu trữ và nghiên cứu những tư liệu lịch sử này. Các tư liệu đó rất chi tiết và kể lại rất rõ về đời sống vùng nông thôn Nhật Bản (khoảng 300 năm trước một cách thực tế). Chúng tôi đã lập mục lục các tư liệu và gửi bản sao cho các thư viện lớn và các trường Đại học ở Nhật. Chúng tôi đã cho xây dựng một khu nhà kính để giữ gìn, bảo quản những tư liệu cổ đó và một nhà ba tầng cũng trong khu vực ấy để các nhà nghiên cứu có thể tới đọc tài liệu gốc được bảo tồn trong các tủ lưu trữ. Tôi thường nghĩ rằng khi về nghỉ hưu, tôi sẽ dành nhiều thời gian để nghiên cứu lịch sử và tìm hiểu những tư liệu lịch sử về làng Kosugaya này.
Dù rất rộng lượng đối với tôi nhưng bởi vì tôi sẽ phải đảm đương trách nhiệm của con trưởng trong gia đình, nên ngay từ khi còn bé, cha tôi đã quyết định dạy tôi công việc kinh doanh buôn bán. Trước đây, việc học hành của cha tôi bị hạn chế nhiều do thời gian không cho phép ông được học đến nơi đến chốn. Hơn nữa, vì là con trưởng nên ông phải nghỉ học sớm để đảm đương công việc kinh doanh nhằm cứu vãn cơ đồ của gia đình. Ông là một nhà kinh doanh thực tế nhưng bảo thủ, thậm chí có thể nói là rất bảo thủ khi ra quyết định về những việc kinh doanh mới hay kể cả khi làm điều gì đó mới lạ. Đôi khi, tôi nghĩ cha tôi còn cảm thấy bất an khi thấy mình không còn chuyện gì phải lo lắng. Nhiều lúc tôi phải tranh luận với ông về một vài công việc mà trách nhiệm tôi phải làm và tôi nghĩ ông thích các cuộc tranh luận vì coi đó là một dịp tốt để giáo dục tôi biết thế nào là phải, trái và biết cách lập luận bảo vệ ý kiến của mình. Cha tôi còn biến cả những cơn giận của tôi thành dịp để giáo dục, rèn luyện tôi. Khi trưởng thành hơn, tôi vẫn bất đồng với tính bảo thủ của ông nhưng rõ ràng sự bảo thủ đó có ích cho gia đình. Trái ngược với tính nghiêm túc, thận trọng trong kinh doanh, ông lại là một người cha độ lượng và nhân hậu, thường dành toàn bộ thời giờ rảnh rỗi cho con cái. Tôi vẫn còn nhớ nhiều kỷ niệm đẹp đẽ khi ông dạy chúng tôi bơi, câu cá và đi tham quan nhiều nơi.
Đối với ông, công việc là công việc và không thể đùa cợt trong việc này. Khi tôi mới lên 10 hay 11 gì đó, lần đầu tiên tôi được đưa đến văn phòng công ty và xưởng nấu rượu sake để tham quan. Tôi được chỉ bảo cách quản lý công ty, phương pháp điều hành công việc kinh doanh và phải ngồi bên cạnh cha tôi trong các buổi họp ban quản trị dài dòng và tẻ nhạt. Nhưng qua đó, tôi đã học được cách giao tiếp đối với những người làm việc cho mình và nắm được rõ các cuộc bàn luận về công việc kinh doanh từ khi còn đang học ở trường tiểu học. Là người chủ công ty, nên cha có quyền triệu tập các ủy viên quản trị đến nhà để báo cáo và hội họp. Những dịp đó, ông thường bắt tôi ngồi bên cạnh lắng nghe để hiểu được công việc. Chỉ một thời gian sau, tôi bắt đầu cảm thấy thích thú với việc này.

Cha tôi thường nói: “Con phải bắt đầu làm ông chủ. Hãy nhớ con là con trưởng”. Tôi không bao giờ quên việc một ngày nào đó, tôi sẽ là người kế nghiệp cha lãnh đạo công ty và là chủ gia đình. Tôi nghĩ điều quan trọng là tôi phải luôn luôn thận trọng trong mọi việc, dù tôi còn trẻ. Cha nói: “Đừng nghĩ rằng vì mình là chủ nên có quyền sai phái lung tung. Phải rõ ràng, minh bạch khi quyết định làm điều gì và khi yêu cầu người khác làm việc gì phải biết chịu trách nhiệm hoàn toàn về việc đó”. Cha còn dạy tôi không nên mắng mỏ cấp dưới và trách móc người khác về những sai lầm, trút giận là một việc vô ích! Ở nhà, ông đã dạy tôi rằng người Nhật có truyền thống coi trọng việc khích lệ người khác, cùng nhau chia sẻ mọi công việc vì nó sẽ đem lại lợi ích cho cả hai bên. Ai mà chẳng muốn thành công. Tôi nhận thấy để học cách làm việc với nhân viên, một người quản lý cần phải rèn luyện tính kiên nhẫn và thông cảm, do đó không thể có những hành động ích kỷ hoặc lợi dụng người khác. Những quan niệm đó đã luôn luôn nhắc nhở tôi, giúp tôi hình thành triết lý về quản lý, điều giúp ích cho tôi rất nhiều trong công việc trước đây và tiếp tục giúp tôi điều hành công ty hiện nay.
Gia đình tôi cũng chịu ảnh hưởng từ những lời răn của đạo Phật vì gia đình tôi rất sùng đạo và chúng tôi thường xuyên lễ Phật tại nhà. Bọn trẻ con chúng tôi thường được đưa cho một quyển kinh Phật để đọc to lên những bài kệ rắc rối cùng với người lớn. Tôi không dám nói tôi là người sùng đạo Phật nhưng những tập quán và truyền thống này có vai trò rất quan trọng trong gia đình tôi, cho nên đến nay, chúng tôi vẫn gắn bó với tín ngưỡng Phật giáo. Những năm sau này, mỗi khi về thăm cha mẹ, chúng tôi thường phải đến lễ trước bàn thờ gia đình trước khi làm bất kỳ công việc gì khác.
Khi còn học tại trường trung học, trong những ngày nghỉ lễ tôi thường bị cuốn hút vào công việc kinh doanh, và chỉ kinh doanh mà thôi. Cha tôi thường đưa tôi đến văn phòng công ty mỗi khi có cuộc họp của ban quản trị để dự họp hay nghe mọi người báo cáo; sau đó, còn phải đi xem xét công việc kiểm kê hàng tồn kho. Chúng tôi thường sử dụng phương pháp kiểm kê truyền thống nhưng khá chính xác: đó là, đi với vị chủ tịch công ty tới nơi sản xuất để trực tiếp đếm mọi thứ. Rồi lại còn phải nếm rượu sake ở những thùng chứa rượu lớn vào giữa mùa đông để kiểm tra quá trình rượu lên men và cũng để xem rượu đã dậy mùi thơm hay chưa. Tôi phải đi theo, để được chỉ bảo cách kiểm tra quá trình làm rượu, ngậm một ngụm để thử hương vị, rồi nhổ ra. Dù luôn nếm rượu, tôi chưa bao giờ thích rượu, hay có lẽ bởi nếm nhiều quá nên tôi không thích.

Mặc dù về bản chất rất bảo thủ, cha tôi lại muốn gia đình được mua sắm đầy đủ tiện nghi hiện đại cần thiết và mong muốn. Cha tôi cũng rất thích những công nghệ và sản phẩm mới nhập từ nước ngoài. Khi gia đình còn cư trú ở làng Kosugaya, cha tôi đã khởi xướng dịch vụ taxi và xe buýt ở đó bằng việc nhập một xe Ford du lịch. Ông đã chọn người kéo xe jinriksha, một thứ xe hai bánh do người kéo rất phổ biến Nhật hồi bấy giờ để làm người lái xe đầu tiên cho công ty. Trong những kỷ niệm về thời thơ ấu, tôi còn nhớ rất rõ những buổi dạo chơi của gia đình ngày Chủ nhật trên một chiếc xe Ford kiểu T hoặc A mui trần, chạy xóc nảy người trên con đường chật hẹp, đầy ổ gà với tốc độ rùa bò. Mẹ tôi ngồi ở ghế sau, dáng người uy nghiêm và trang trọng, giương cao chiếc ô trên đầu để che nắng. Một thời gian sau, cha tôi lại thường đến công ty bằng ô tô Buick do tài xế lái. Ở nhà, chúng tôi dùng máy giặt của hãng General Electric và một tủ lạnh của hãng Westinghouse.
Mặc dù gia đình chúng tôi đã phần nào bị Tây hóa nhưng tôi cho rằng ấn tượng nước ngoài thực sự đầu tiên đối với tôi chính là chú Keizo, người đã đi du học 4 năm ở Paris về và mang lại cho gia đình một luồng không khí phương Tây. Chú tôi là một con người có lối sống hiện đại, thức thời hơn bất kỳ người nào khác trong chúng tôi. Nhưng thậm chí trước khi chú quay về, tôi không bị bắt phải mặc kimono, còn cha tôi khi làm việc thì mặc đồ Âu và chỉ mặc quần áo truyền thống khi ở nhà. Thậm chí, đến cả ông tôi cũng thường mặc âu phục. Ông tôi rất thích lối sống phương Tây, thích xem phim ảnh của Mỹ. Tôi còn nhớ là ông tôi đã đưa tôi đi xem phim Kinh Kong khi tôi còn nhỏ. Nhưng phải nói là chú Keizo đã mang về những hình ảnh sinh động của thế giới bên ngoài và đó là những thứ đặc biệt hấp dẫn đối với chúng tôi. Chú mang về gia đình những bức tranh ở Paris, những ảnh chụp ở Pháp, hay những bức ảnh trong các chuyến đi chơi London và New York. Chú tôi còn cho xem những phim quay bằng máy quay phim cỡ nhỏ Pathé, sử dụng loại phim cỡ 9,5 ly. Khi ở Paris, chú cũng có riêng một chiếc xe hơi Renault do chú tự lái và chứng minh việc đó qua những bức ảnh. Mặc dù mới chỉ lên tám, tôi đã có một ấn tượng khá sâu sắc về những địa danh nước ngoài mà chú tôi đã kể cho chúng tôi nghe như quảng trường Concorde, đồi Montmartre, đảo Coney. Khi chú tôi kể về đảo Coney, tôi hoàn toàn bị lôi cuốn nên nhiều năm sau đó, trong chuyến du lịch đầu tiên tới New York năm 1953, tôi đã tới thăm đảo Coney vào ngày Chủ Nhật đầu tiên khi đến Mỹ. Tôi đã sống những giờ phút tuyệt vời ở đó, lái một chiếc xe chuyên dụng trên bãi biển và còn thử nhảy dù nữa.
Theo bước ông tôi, cha tôi thường nói với chúng tôi rằng tiền bạc không thể giúp con người có một nền học vấn đầy đủ nếu không chịu tự mình học hỏi một cách siêng năng. Nhưng tiền của cũng có thể giúp con người trưởng thành và học hỏi, như kiểu đi một ngày đàng là học một sàng khôn. Đó là điều diễn ra đối với chú tôi nên sau khi về nước, chú tôi đã mở ngay một xưởng vẽ ở tại nhà chúng tôi và ở cùng gia đình tôi một thời gian khá dài cho đến khi lập gia đình. Ông tôi đã chu cấp tiền bạc cho chú tôi ăn học ở nước ngoài trong suốt bốn năm trời. Nhiều năm sau, cha tôi lại cũng cho tôi tiền đề đi tham quan nhiều nơi ở Nhật với bạn học vào dịp nghỉ hè. Chúng tôi còn đi thăm một người họ hàng sống ở Triều Tiên khi nước này bị Nhật chiếm đóng từ năm 1904, và sau đó bị sáp nhập vào nước Nhật năm 1910. Sau khi thăm Triều Tiên, chúng tôi tới Mãn Châu. Vào năm 1939 hay 1940 tôi đã có dịp đi xe lửa “Châu Á”, những toa xe hiện đại đầu tiên có điều hòa nhiệt độ. Sau đó, tôi đã có ý định đi thăm Mỹ nhưng ý định này không thành vì chiến tranh bùng nổ và chuyến du lịch đó đã phải hoãn lại hơn 10 năm.
Trong gia đình, chúng tôi có một cuộc sống rất hiện đại. Mẹ tôi rất thích âm nhạc cổ điển phương Tây và bà đã mua nhiều đĩa hát cho chiếc máy hát cổ Victrola của gia đình. Ông tôi cũng thường đưa mẹ tôi đi nghe các buổi hòa nhạc và tôi tin rằng có lẽ do ảnh hưởng của bà mà tôi quan tâm đến điện tử và âm thanh. Chúng tôi thường ngồi rất lâu nghe đi nghe lại những tác phẩm của các nhạc sĩ nổi tiếng ở châu Âu phát ra từ cái loa rất lớn. Với những thiết bị ghi âm mà người chơi âm nhạc có thể có được thời bấy giờ, người ta khó mà ghi được tất cả âm thanh của một dàn nhạc lớn, cho nên những đĩa hát tốt nhất cũng chỉ ghi được những bản độc tấu hát và nhạc cụ mà thôi. Tôi nhớ rằng mẹ tôi rất thích nghe ca sĩ Enrico Caruso và nhạc sĩ đàn violon Efrem Zimbalist.
Mỗi khi có những nghệ sĩ nổi tiếng tới thành phố Nagoya biểu diễn, chúng tôi luôn đi xem. Tôi còn được nghe ca sĩ nổi tiếng giọng nam trầm người Nga là Feodor Chaliapin, và nghệ sĩ piano người Đức Wilhelm Kempff biểu diễn khi họ hãy còn rất trẻ. Trong thời gian đó, một chủ cửa hiệu đĩa hát trong vùng thường nhập các loại đĩa hát cổ điển của hãng Victor Red Seal. Hàng tháng, mỗi khi có đợt đĩa hát mới về, ông ta thường gửi cho mẹ tôi mỗi thứ một đĩa để bà thưởng thức. Tôi còn nhớ lúc nhỏ, mỗi khi muốn nghe đĩa hát, tôi đã phải ra sức quay dây cót của cái máy hát cũ kỹ của gia đình tôi. Sau đó, khi tôi đã lên trung học, gia đình chúng tôi đã mua một máy hát chạy điện nhập từ Mỹ.
Cha tôi nghĩ rằng nếu thích nghe âm nhạc thì cần phải có máy phát âm thanh chuẩn xác. Ngoài ra, sau này, ông cũng thường bảo chúng tôi là nghe cái máy hát cổ Victrola với tiếng âm thanh rè rè như thế sẽ không tốt cho tai cũng như cho sự thưởng thức âm nhạc. Dù ông không hiểu rõ hoặc chưa biết thưởng thức âm nhạc theo đúng ý nghĩa nghệ thuật hoặc chuyên môn, nhưng ông rất muốn gia đình được nghe những âm thanh chính xác đúng như bản nhạc hoặc bài hát đã được biểu diễn. Ông cảm thấy cách duy nhất người ta muốn thưởng thức một nhạc phẩm hoặc một bài hát hay là phải nghe những âm thanh được ghi với chất lượng cao nhất. Vì vậy, khi máy hát mới được nhập vào Nhật Bản, cha tôi bỏ ra rất nhiều tiền để mua một trong những chiếc máy hát đầu tiên ở Nhật, hoặc chí ít cũng là chiếc máy đầu tiên được bán ở vùng chúng tôi. Tôi còn nhớ là máy hát mới đầu tiên, nhãn hiệu Victor có giá cao không thể tưởng tượng nổi là 600 yen. Vào thời bấy giờ, người ta có thể mua một cái ô tô Nhật với giá 1500 yen.
Tôi sẽ chẳng bao giờ quên buổi đầu được nghe những âm thanh tuyệt vời từ cái máy hát điện phát ra, tất nhiên là so với âm thanh ở chiếc máy hát quay tay cũ kỹ của gia đình. Thú thật tôi cảm thấy hoàn toàn kinh ngạc bởi đó là một loại âm thanh hoàn toàn khác hẳn. Những đĩa hát đầu tiên sau khi mua máy mới là “Bolero” của Ravel. Tôi rất thích đĩa “Bolero” vì nó truyền tải những cảm xúc mãnh liệt và hơn nữa, bản nhạc này được phát ra rất chuẩn, không chút tạp âm. Tôi đã nghe đi nghe lại những đĩa nhạc của Mozart, Bach, Beethoven, Brahms với một cảm giác bồi hồi kỳ diệu và băn khoăn tự hỏi là tại sao một thiết bị chạy điện giống như một ống chân không lại có thể phát ra những âm thanh tuyệt vời ngay cả với những đĩa hát chạy cót két tôi từng dùng ở cái máy quay tay cũ.
Tôi bị ám ảnh bởi phát hiện mới này với rất nhiều câu hỏi hiện ra trong tâm trí. Tôi có một người họ hàng đang là kỹ sư và khi biết là anh đã tự mình lắp ráp một chiếc máy hát chạy điện thì tôi rất háo hức muốn xem nó. Tôi đến nhà anh và được anh ta trình bày cặn kẽ cách chế tạo máy hát điện. Trên một chiếc chiếu trải ở sàn nhà, tôi thấy bày ra đủ các thứ linh kiện được nối với nhau bằng dây đồng. Như là một điều kỳ diệu khi một loại máy phức tạp như thế lại có thể do một người thợ nghiệp dư làm ra, chứ không phải các nhà máy lớn.
Thực ra, việc chế tạo các radio đã trở thành một sở thích của rất nhiều người, vài tờ báo và tạp chí còn giới thiệu phương pháp lắp ráp radio cùng với các sơ đồ và bản kê các loại linh kiện phải sử dụng để giúp cho độc giả nào thích thú tiêu khiển này. Đó chính là điều tôi muốn làm.
Tôi bắt đầu mua sách dạy về điện tử và còn đặt mua các loại tạp chí kỹ thuật của Nhật và nước ngoài có đăng những thông tin mới nhất về cách ghi phát lại âm thanh và radio. Chỉ ít lâu sau, việc tôi say mê điện tử đã ảnh hưởng tới công việc học tập ở trường. Tôi đã dành hầu hết số thời gian ngoài giờ ở trường cho sở thích mới này, tập lắp ráp các thiết bị điện tử theo những sơ đồ hướng dẫn của tờ tạp chí Nhật Bản có tên là Vô tuyến và Những thí nghiệm. Mơ ước của tôi là tự mình lắp một máy hát chạy điện và ghi được âm thanh tiếng nói của chính mình. Tôi tích luỹ dần dần những kinh nghiệm cần thiết trong khi học kỹ thuật mới này. Tôi buộc phải tự học là chính vì thời bấy giờ, những điều tôi thực sự quan tâm lại không được dạy ở nhà trường. Nhưng tôi cũng đã tìm cách lắp được một máy hát chạy điện thô sơ và một máy thu do chính tay tôi làm.
Tôi cũng ghi thô được giọng mình và cho phát lại qua chiếc máy hát này.
Thực tế, vì quá mê mẩn với công việc lắp ráp các thiết bị điện tử tôi suýt bị đuổi ra khỏi trường. Nhiều lần, mẹ tôi bị gọi đến trường vì tôi học hành sa sút. Thầy hiệu trưởng lo lắng và không hài lòng về chuyện tôi thiếu hăng say trong việc học các môn thông thường. Tôi nhớ rằng thời đó, học sinh thường được xếp ngồi ở bàn nào trong lớp là tuỳ theo lực học. Lớp chúng tôi có 250 học sinh chia làm 5 nhóm, mỗi nhóm 50 người. Học sinh đứng đầu nhóm là nhóm trưởng còn chỗ ngồi thì sắp xếp cho các học sinh theo thành tích học tập và theo thứ tự từ cuối lớp trở lên. Mặc dù việc phân loại học sinh được tiến hành thường xuyên mỗi năm, nhưng tôi luôn phải ngồi bàn đầu cùng với những cậu bạn học yếu kém khác.
Thành thật mà nói thì tôi cho rằng mình học giỏi toán, vật lý và hóa. Nhưng tôi luôn bị điểm dưới trung bình về địa lý, lịch sử và Nhật văn. Tôi thường được gọi lên phòng thầy hiệu trưởng và bị quở trách về việc học không đều này. Mỗi lần như vậy, cha mẹ lại rầy la tôi và bắt tôi phải từ bỏ sở thích các đồ điện tử.
Tôi nghe lời ông bà nên việc học hành có khá lên nhưng rồi tôi lại quay lại với niềm say mê riêng của mình.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.