Made In Japan: Chế tạo tại Nhật Bản

3.



Nhìn lại chặng đường đã đi qua từ vị trí thuận lợi ngày nay, tôi hiểu được rõ hơn một vài vấn đề khác trong thời đó. Máy ghi âm trên băng đầu tiên chúng tôi sản xuất thành công trông to như cái hòm và nặng tới 35 kilô và chúng tôi đặt giá bán là 170.000 yen. Trong thời kỳ lực lượng đồng minh chiếm đóng Nhật Bản, đó là mức giá cực kỳ cao vì tỷ giá hối đoái lúc đó là 360 yen ăn 1 đô la Mỹ. Rất ít người ở Nhật Bản dám bỏ ra số tiền lớn đó để mua một cái máy mà thực sự họ cũng chưa biết là có cần thiết hay không. (Tại thời điểm đó, một người tốt nghiệp đại học đi làm lương không quá 10.000 yen một tháng). Chúng tôi đã sản xuất 50 máy ghi âm để bán ra một thị trường còn chưa hình thành. Cả Ibuka và tôi đều chưa hiểu biết gì về thị trường tiêu thụ, lại cũng chẳng có tí kinh nghiệm nào về sản xuất hàng tiêu dùng và tiêu thụ sản phẩm cả. Trước đây, Ibuka chỉ mới chế tạo các sản phẩm phục vụ theo yêu cầu của chính phủ hoặc của đài phát thanh, trừ việc anh đã từng chế tạo những bộ thích ứng điều chỉnh sóng ngắn và các bộ phận thay thế cho máy hát. Còn về phần tôi, tôi chưa hề làm bất cứ một thứ gì để bán. Mặc dù tôi được cha truyền một số kinh nghiệm về quản lý khi còn ít tuổi và cũng đã có một thời kỳ làm công tác quản lý ở trạm nghiên cứu hải quân, tôi còn rất bỡ ngỡ trong việc bán hàng ra thị trường. Cả Ibuka và tôi đều nghĩ rằng cứ có sản phẩm tốt là sẽ tiêu thụ được. Đây là bài học thấm thía đối với cả hai chúng tôi.
Chúng tôi là những kỹ sư luôn mơ tưởng tới thắng lợi và nghĩ rằng khi sản xuất được một thứ hàng nào độc nhất vô nhị thì chắc chắn sẽ giầu to. Tôi quyết tâm tạo thắng lợi từ chiếc máy ghi âm này bằng cách hàng ngày trình bày công dụng của máy cho bất kỳ ai muốn biết, mang nó giới thiệu cho các hãng buôn, cho các trường đại học, cho bạn bè, ghi âm tiếng nói của họ và phát lại cho họ nghe. Ai nấy đều rất thích thú với cái máy thần kỳ này, nhưng chẳng ai muốn mua nó cả. Họ hầu như đều trả lời giống nhau: “Đồ chơi này hay thật nhưng quá đắt”.
Lúc đó, tôi mới nhận ra rằng công nghệ độc đáo và hàng hóa độc đáo chưa đủ để công việc kinh doanh phát đạt. Phải có thị trường cho sản phẩm và phải làm thế nào để khách hàng tương lai hiểu rõ giá trị thật của sản phẩm đó. Tôi chợt nghĩ ra rằng tôi sẽ phải là người chào bán sản phẩm cho công ty nhỏ bé của chúng tôi. Phải nói rằng công ty chúng tôi khá may mắn có một thiên tài như Ibuka, chuyên sáng tạo những mẫu sản phẩm mới trong khi tôi học cách chào bán sản phẩm.
Một may mắn ngẫu nhiên đã giúp tôi tìm thấy hướng giải quyết. Khi tôi còn đang bận tâm suy nghĩ tại sao máy ghi âm của chúng tôi lại không ăn khách thì tình cờ tôi đi qua một cửa hàng đồ cổ không xa nơi chúng tôi ở Tokyo là mấy. Tôi thực tâm không chú ý gì đến đồ cổ, lại càng không hiểu về giá trị của nó. Các thứ đồ cổ trong tủ kính được bày bán với giá rất cao. Tôi nhìn thấy một người khách đang mua một chiếc bình cổ. Không chút do dự, ông khách này móc túi lấy ví trả tiền cho chủ hàng. Giá cái bình cổ này còn cao hơn nhiều giá máy ghi âm của chúng tôi. Tôi tự hỏi tại sao lại có người dám trả một số tiền lớn như vậy để mua một vật không có một giá trị thực tiễn nào trong khi thiết bị mới và quan trọng của chúng tôi lại không ai chịu mua cả. Đối với tôi, rõ ràng rằng máy ghi âm có giá trị sử dụng cao hơn nhiều so với chiếc bình cổ, vì nó nâng cao đời sống tinh thần của người mua nó. Rất ít người hiểu rõ được giá trị của những nét tinh tế được thể hiện trên chiếc bình cổ, hơn nữa vì nó quá đắt tiền nên nhiều người không dám dùng nó và sợ làm vỡ nó. Nhưng một chiếc máy ghi âm có thể phục vụ cho cả trăm người, thậm chí cho cả nghìn người cùng một lúc. Nó giúp họ giải trí, hay giáo dục, nâng cao trình độ của họ. Đối với tôi, điều này quá rõ, máy ghi âm có giá trị sử dụng hơn hẳn chiếc bình cổ kia. Nhưng tôi nhận ra rằng người sưu tầm đồ cổ kia hiểu giá trị của chiếc bình và có lý do riêng khi mua chiếc bình đó. Ông cha tôi cũng có cùng sở thích như vậy, và sau này tôi cũng thế. Nhưng tại thời điểm đó, tôi hiểu ra rằng muốn bán được sản phẩm, tôi phải tìm đến những người hoặc cơ quan, tổ chức hiểu được giá trị của sản phẩm.
Chúng tôi, hay đúng hơn là ông Tamon Maeda, nhận thấy sau chiến tranh thiếu rất nhiều nhân viên viết tốc ký, vì rất nhiều người phải nghỉ học để tham gia cuộc chiến. Trong khi chờ khắc phục tình trạng này, các tòa án ở Nhật Bản đã phải cố gắng tận dụng số người viết tốc ký còn lại rất ít lúc bấy giờ. Với sự giúp đỡ của ông Maeda, chúng tôi được mời đến thao diễn máy ghi âm cho Tòa án tối cao Nhật Bản, và chúng tôi bán được ngay 20 máy. Các vị ở tòa án tối cao thấy ngay công dụng của máy ghi âm, họ nhận thức được giá trị sử dụng của máy, và đối với họ, đó không phải là thứ đồ chơi.
Mục tiêu tiếp theo của chúng tôi là các trường học. Trong các buổi họp bàn về mục tiêu bán hàng, Ibuka chỉ ra rằng nền giáo dục truyền thống của Nhật chỉ xoay quanh việc học đọc, học viết và sử dụng bàn tính. Nhưng khi người Mỹ tới Nhật sau thời kỳ chiến tranh, các nhà giáo dục Nhật Bản cảm thấy cần thiết phải giáo dục thông qua nghe – nhìn và giao tiếp và những ý kiến đó đã được bộ Giáo dục Nhật Bản ghi nhận và thi hành. Nhưng phương tiện thông tin đại chúng lại không sẵn có, chỉ có vài cuốn phim 16 ly được thuyết minh bằng tiếng Anh mà lúc đó lại rất ít sử dụng vì trước đó tiếng Anh bị cấm và không được dạy ở trường trong những năm chiến tranh. Do đó, rất ít giảng viên hiểu được thuyết minh trong phim và các sinh viên lại càng không thể. Có ý kiến cho rằng nên sử dụng máy ghi âm để phát các băng đã ghi tiếng sẵn, ý kiến này được mọi người tán thành và được phổ cập rộng rãi ở các trường học khắp cả nước.
Mỗi quận, huyện đều có một trung tâm phim, nhưng tất cả các tài liệu đều bằng tiếng Anh. Người ta thấy phải tìm cách hướng dẫn bằng tiếng Nhật và phương tiện tốt nhất để làm việc này là dùng máy ghi âm.
Với cách hướng dẫn như vậy ở cấp quận, chẳng bao lâu chúng tôi thấy các trường học đều có nhu cầu sử dụng máy ghi âm. Ibuka nhận thấy các trường học đều có ngân sách để mua loại thiết bị chuyên dụng này. Vì thế, chúng tôi cố gắng thiết kế một loại máy ghi âm nhỏ hơn sử dụng trong trường học và giá cả cũng rất phải chăng để mỗi trường đều có thể mua được. Thắng lợi đầu tiên của chúng tôi là đã chế tạo thành công một loại máy ghi âm có kích cỡ trung bình, to hơn cái cặp tài liệu nhưng nhỏ hơn cái valy loại nhỏ. Chúng tôi đặt tên kiểu máy này là kiểu H. Đó là một máy ghi âm khá đơn giản, chỉ có một tốc độ cho cả băng ghi âm là 7, 5 inch một giây. Năm 1951, nhân viên công ty đã biếu chiếc máy này làm quà cưới cho tôi với Yoshiko, và chúng tôi đặt tên là kiểu H.
Chúng tôi bắt tay vào chế tạo các loại máy nhỏ xách tay với kiểu dáng hấp dẫn hơn để thu hút khách hàng. Công ty chúng tôi ăn nên làm ra và mở rộng sản xuất nên chúng tôi chuyển đến một tòa nhà lớn hơn, nhưng vẫn trên đồi Gotenyama. Cuối cùng, mọi người cũng chấp nhận những tư tưởng mới, thậm chí một số người còn quá sốt sắng, nhưng Nhật Bản đang xây dựng một xã hội mới, chứ không phải xây dựng lại xã hội cũ.
Với những bước trưởng thành, chẳng bao lâu chúng tôi lại bị lôi kéo vào một thử thách mới. Tôi đã học hỏi được nhiều về phát triển kinh doanh trên trường quốc tế. Để thu được tín hiệu tốt vào băng từ của máy ghi âm do công ty chúng tôi chế tạo, phải sử dụng hệ thống thiên áp dùng dòng điện xoay chiều có tần số cao do tiến sĩ Kenzo Nagai phát minh. Hệ thống này khử từ ở băng trước khi nó chạy qua đầu ghi âm, ứng dụng một dòng điện xoay chiều vào tín hiệu ghi và tiến hành ghi âm, tạo ra ít tạp âm và độ méo hơn nhiều so với hệ thống thiên áp dùng dòng điện một chiều vẫn thường dùng trước đó. Do muốn hoàn thiện kỹ thuật ghi âm nên chúng tôi quyết định mua hẳn bằng sáng chế này, lúc đó thuộc quyền sở hữu của công ty Anritsu Electric. Hiện giờ, công ty này là một chi nhánh của công ty Nippon Electric, gọi tắt là NEC. Chúng tôi không đủ khả năng mua lại toàn bộ bằng sáng chế mà chỉ mua một nửa năm 1949, tức là chung quyền sở hữu với NEC. Tiến sĩ Nagai đã đăng ký bằng sáng chế này ở Nhật Bản, nhưng sau này, chúng tôi được biết ông cũng xin cấp bằng sáng chế ở Mỹ trước khi cuộc chiến tranh bắt đầu vào tháng Mười Hai năm 1941 và đã gửi số liệu về sáng chế của ông tới Thư viện Quốc Hội và một vài nơi khác vào thời kỳ đầu năm đó. Bằng sáng chế của ông không được đăng ký ở Mỹ, chúng tôi đoán là do không đúng lúc nhưng công trình nghiên cứu của ông đã bị các tổ chức, cơ quan ở đó sử dụng.
Sau khi mua bằng sáng chế, chúng tôi đã gửi thư thông báo tới các hãng sản xuất máy ghi âm trên băng toàn thế giới rằng chúng tôi là chủ sở hữu bằng sáng chế hệ thống thiên áp dùng điện xoay chiều và sẵn sàng cấp giấy phép sử dụng sáng chế đó cho hãng nào cần. Chúng tôi cũng thông báo hãng nào muốn bán loại máy ghi âm sử dụng loại hệ thống này ở Nhật, họ phải xin giấy phép của công ty chúng tôi. Chúng tôi nhận được thư của nhiều hãng trả lời họ không có ý định bán máy ghi âm trên đất Nhật và do đó họ thấy không cần thiết phải mua giấy phép của công ty chúng tôi. Chúng tôi biết hệ thống này đang được một vài hãng sản xuất nước ngoài sử dụng để chế tạo máy ghi âm nhưng không có giấy phép hợp pháp. Mặc dù vậy chúng tôi cũng phải chịu vì không biết nên làm thế nào. Một hôm, viên sĩ quan phụ trách bộ phận bằng sáng chế thuộc GHQ gửi công văn mời Ibuka đến văn phòng, có việc cần gặp.
Vào thời buổi đó, nếu ai được mời đến GHQ, hẳn phải rất lo lắng vì có thể bị bắt giam vì một sự vi phạm nào đó mà mình không biết hoặc vì một hành động nào đó gây ra trong quá khứ. Cho nên, Ibuka tỏ ra rất lo ngại, anh đã phải thông báo cho vợ biết để vợ anh chuẩn bị trước tư tưởng. Anh còn nhờ ông Maeda, bố vợ anh, cùng đi để phiên dịch giúp. Viên sĩ quan muốn biết những khiếu nại của chúng tôi về bằng sáng chế. Ibuka cũng đã dự đoán trước được điều này nên đã mang theo tất cả các giấy tờ có liên quan đến việc mua lại bằng sáng chế nói trên. Khi viên sĩ quan đọc lướt qua các giấy tờ, Ibuka cảm thấy vô cùng căng thẳng. Sau khi kiểm tra mọi giấy tờ, viên sĩ quan ngồi vào ghế và xác nhận là việc mua bằng sáng chế này là đầy đủ và hợp pháp. Mọi người đều cảm thấy nhẹ nhõm và viên sĩ quan tươi cười mời hai người uống cà phê.
Chẳng bao lâu sau đó, chúng tôi nhận được tin là công ty thương nghiệp Balcom Tokyo đang nhập máy ghi âm trên băng từ Mỹ. Chúng tôi gửi thư cho họ thông báo rằng chúng tôi có đặc quyền đối với hệ thống ghi âm sử dụng trong máy này. Họ phớt lờ thư thông báo của chúng tôi, nên chúng tôi buộc phải đưa ra tòa xin lệnh cấm công ty Balcom bán loại máy ghi âm đó. Phải nói rằng chúng tôi đã có một quyết định hết sức quan trọng khi phát đơn kiện công ty Balcom vì theo luật, các vụ kiện cáo dân sự, tòa án Nhật buộc nguyên đơn phải đóng một số tiền án phí khá lớn và không được trả lại dựa trên số tiền nguyên đơn đòi bồi thường. Đó là cách hạn chế các vụ kiện vô tích sự. Nếu chúng tôi muốn theo đuổi việc kiện cáo trước tòa, chúng tôi phải bỏ ra một số tiến lớn. Nhưng lúc đó chúng tôi thấy có nhiều lý do chắc chắn chúng tôi sẽ thắng. Hơn nữa, chính bằng sáng chế của chúng tôi đã chẳng được GHQ công nhận rồi đấy sao.
Tòa án nghe trình bày của chúng tôi và ra lệnh cấm Balcom bán loại máy này. Chúng tôi đi cùng các viên chức có thẩm quyền đến thẳng kho lưu của hải quan, dán lệnh của tòa án cấm chuyển dịch số máy ghi âm của công ty Balcom chờ vụ kiện được làm sáng tỏ. Các báo địa phương hàng ngày, cho đó là một câu chuyện khá hấp dẫn nên đã đăng hàng tít lớn. Họ bình luận rằng điều này chứng tỏ tính độc lập của Nhật Bản, vì một công ty Nhật nhỏ bé đã dám cả gan thách thức các hãng sản xuất cỡ bự của Mỹ. Dĩ nhiên là người của công ty Balcom hết sức bực mình, họ lập tức báo cáo vụ việc này cho hãng sản xuất ở Mỹ và hãng này thông báo là hãng đã được tổ chức Armour Research cấp giấy phép chế tạo, tổ chức này cũng có bằng sáng chế về hệ thống thiên áp dùng dòng điện xoay chiều.
Vô cùng tức giận, Amour cử ngay luật sư riêng, Donal Simpson đến Nhật Bản. Lần đầu tiên tôi có dịp gặp một luật sư người Mỹ và tôi thấy ông ta tỏ ra rất thông thạo công việc và cứng rắn trong lời lẽ ứng xử. Nhưng chúng tôi cũng đưa ra chứng cứ đầy sức thuyết phục là công trình nghiên cứu của tiến sĩ Nagai đã được công bố ở nước Mỹ trước khi tổ chức Armour Research có được bằng sáng chế này. Nếu kỹ thuật công nghệ này của tiến sĩ Nagai được coi như là một công trình chung thì chẳng lý gì lại cần bằng sáng chế nữa. Tôi còn đe dọa sẽ sang Mỹ làm vô hiệu hóa bằng sáng chế đã cấp cho tổ chức Armour Research.
Tôi thật ra cũng không biết rõ sẽ phải làm thế nào, nhưng hình như cũng có tác dụng vì khi vụ kiện này được trình bày trước tòa thì họ đã phải công nhận bằng sáng chế của tiến sĩ Nagai có giá trị về mặt pháp lý. Cuộc tranh chấp kéo dài 3 năm và kết thúc với thắng lợi nghiêng về công ty chúng tôi vào tháng Ba năm 1954. Điều đó có nghĩa là từ đó trở đi, mọi máy ghi âm bằng băng từ sử dụng hệ thống thiên áp với dòng diện xoay chiều bán trên đất Nhật, kể cả thiết bị của hãng lớn như Ampex bán cho đài phát thanh, đều phải trả tiền bản quyền phát minh cho công ty chúng tôi. Tôi đồng ý thỏa thuận không kiện tụng gì công ty Armour. Chúng tôi được quyền sử dụng bằng sáng chế của công ty Amour trên đất Mỹ, do đó, chúng tôi có thể xuất khẩu máy ghi âm của mình sang Mỹ mà không phải trả tiền sử dụng phát minh này. Ngoài ra, chúng tôi còn có thể cấp lại giấy phép sử dụng công nghệ này cho các nhà chế tạo Nhật khác, và khi họ xuất khẩu máy sang Mỹ, chúng tôi còn nhận được một nửa khoản tiền bản quyền phát minh. Chúng tôi được hưởng những quyền lợi này trong nhiều năm. Đó là cuộc điều đình đầu tiên của tôi với người Mỹ và kết thúc khá tốt dẹp. Vì thế, tôi cảm thấy có một nguồn cổ vũ mới và mạnh dạn tiến đến tương lai. Tôi cũng cần phải nói thêm là sau đó, tôi đã thuê luật sư Donald Simpson làm việc cho công ty chúng tôi.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.