Made In Japan: Chế tạo tại Nhật Bản

2.



Năm 1962, Ủy ban truyền thông liên bang Mỹ đã khiến chúng tôi đau đầu khi đòi hỏi tất cả các máy thu hình phải được trang bị thêm bộ điều hưởng siêu cao tần (UHF) cùng với bộ điều hưởng cực cao tần (VHF), mặc dù thời bấy giờ có rất ít đài phát theo tần số UHF. Lúc đó, chúng tôi đang chế tạo một số model máy thu hình loại nhỏ, trong đó có ti vi Tummy nổi tiếng – một loại ti vi cực nhỏ chạy pin với màn hình 4 inch. Lắp đặt bộ chỉnh UHF quay số cơ học vào một máy thu hình nhỏ như vậy, bên cạnh các kênh VHF chuẩn, thực sự là một thách thức. Tôi nghĩ số tiền phải chi thêm cho bộ chỉnh UHF sẽ không dễ gì thu lại được vì người ta ít khi sử dụng đến các kênh UHF. (Về sau, với trình độ kỹ thuật công nghệ ngày càng được cải tiến, chúng tôi đã có khả năng đặt tất cả các kênh tập trung vào một mặt số điện tử và do đó, vấn đề này được giải quyết ổn thỏa).
Ông Newton Minow, chủ tịch Ủy ban truyền thông liên bang Mỹ vào thời điểm đó là người rất quan tâm đến Nhật Bản. Sau đó, ông đã tham gia hội nghị Shimoda. Khi tôi được giới thiệu với ông tại hội nghị, tôi đã nói đại loại như: “Thưa ông Minow, tôi chẳng thích gặp ông đâu, dù chưa gặp nhau nhưng ông đã gây cho công ty chúng tôi rất nhiều phiền toái rồi”. Tất nhiên đó là câu nói nửa đùa, nửa thật. Nhưng ông lại cho đó là một việc nghiêm túc và đề nghị tôi giải thích kỹ vấn đề này. Tôi đã thành thật kể hết câu chuyện cho ông ta nghe. Sau này chúng tôi trở thành bạn tốt của nhau và đôi khi trong lúc vui, ông thường nhắc lại những lời nói đó của tôi trong buổi gặp gỡ đầu tiên giữa hai chúng tôi. Khi có dịp đến Washington để giới thiệu sản phẩm máy ghi hình trên băng nhãn hiệu U-matic, tôi đã mời ông Minow đến dự bữa tiệc do chúng tôi tổ chức. Ông có đề nghị đưa một người bạn đến và tất nhiên là tôi rất sẵn lòng đón tiếp. Người mà ông đưa đến là Henry Kissinger, lúc đó là cố vấn chính sách của Nhà trắng. Ông Minow nói với tôi rằng Kissinger sẽ trở thành một nhân vật tầm cỡ sau này. Tôi và ông Kissinger nói chuyện với nhau khoảng 15 phút và qua đó, cũng hiểu thêm đôi chút về nhau. Sau đó một thời gian, khi ông Kissinger đã được bổ nhiệm làm Ngoại trưởng, tôi có dịp gặp lại ông tại một bữa tiệc chiêu đãi ở Tokyo. Tôi rất vui khi thấy ông vẫn còn nhớ tới tôi. Tôi thực không ngờ ông nhận ra tôi ngay, ông nhìn thẳng vào tôi, nói: “Kìa, ngài Morita”.
Vào thời điểm đó, những vấn đề thương mại giữa Nhật Bản và Mỹ thường là chủ đề của mọi câu chuyện. Thực vậy, ở Mỹ người ta nói rất nhiều điều không hay về Nhật Bản do đang có sự mất cân đối trong cán cân thương mại giữa hai nước. Nhiều người cho rằng, với việc đưa vào Mỹ quá nhiều hàng hóa, Nhật Bản đã gây ra tình trạng thất nghiệp ở nước này. Một số nhà sản xuất Mỹ than phiền họ không thể cạnh tranh được với Nhật Bản và hơn nữa, thị trường Nhật Bản lại khép cửa đối với hàng hóa của họ. Phần lớn những lời buộc tội này rất vô lý, nhưng đáng tiếc là một số lại đúng. Nhưng tôi rất lo lắng về tác động chung của tranh chấp thương mại này đến các mối quan hệ khác giữa hai bên.
Chúng tôi đã lập Tập đoàn Thương mại Sony và đang rất tích cực đưa hàng hóa nước ngoài vào Nhật Bản. Chúng tôi đã chỉ thị cho các giám đốc hải ngoại tìm kiếm các mặt hàng có khả năng tiêu thụ trên thị trường Nhật. Tôi cũng tranh thủ mọi cơ hội tư vấn với chính phủ và các hiệp hội công nghiệp về tầm quan trọng của việc tăng hàng nhập khẩu và mở rộng thị trường Nhật cho các sản phẩm nước ngoài.
Tại bữa tiệc chiêu đãi nói trên, Henry Kissinger và tôi đã đứng ở một góc phòng để trò chuyện khá lâu. Tôi đã có dịp nói thẳng với ông một điều mà tôi đã ấp ủ từ lâu: “Thưa ông Kissinger, ông chắc đã biết, đối với người Nhật chúng tôi, từ lâu nước Mỹ đã rất gần gũi, cho nên cuộc chiến tranh đã là một tấn bi kịch đáng lẽ không nên xảy ra. Nhưng hiện nay, điều tôi lo ngại là ở Mỹ, đôi khi các ông nhầm lẫn bạn với thù. Nhật Bản đã là một người bạn đáng tin cậy của Mỹ từ hơn 100 năm qua, chỉ trừ trong thời gian chiến tranh. Chúng tôi đã tham gia hiệp ước phòng thủ chung với Mỹ. Chúng tôi đứng vững trong đội ngũ những quốc gia tự do của thế giới và chính sự hiện diện của một đất nước vững mạnh về kinh tế và ổn định về chính trị như nước Nhật cũng góp phần tích cực vào tình hình an ninh của khu vực châu Á – Thái Bình Dương và điều đó rất quan trọng đối với nước Mỹ”.
Vài tuần lễ sau đó, tôi nhận được một bức thư của Kissinger nói rằng ông rất ấn tượng về cuộc nói chuyện giữa hai chúng tôi và từ đó, trong những chuyến viếng thăm nước Nhật, ông thường gặp lại tôi để trò chuyện. Thêm vào đó, tôi còn giới thiệu ông với vài nhân vật có thế lực trong chính phủ và trong giới kinh doanh Nhật Bản. Phải nói rằng Kissinger rất quan tâm đến tương lai của nước Nhật. Năm ngoái. trong một bữa tiệc chiêu đãi ông tại nhà riêng, tôi có mời thêm một số nhà lãnh đạo thuộc thế hệ thứ hai của giới kinh doanh Nhật Bản để ông có thể hình dung về những suy nghĩ và mối quan tâm của thế hệ lãnh đạo tương lai của nước Nhật.
Tôi đã cố gắng nói lên ý kiến chung của người dân Nhật Bản với tư cách là một công dân Nhật và một người bạn của nước Mỹ. Tôi thấy mối quan hệ này thật là quý báu nên không thể để cho bất kỳ bên nào làm tổn hại được.
Tôi còn quen biết khá nhiều nhân vật quan trọng khác nữa trong chính quyền Mỹ như Cyrus Vance khi ông là Ngoại trưởng và Harold Brown khi đó là Bộ trưởng quốc phòng. Tôi cũng quen George Shultz khi ông là uỷ viên Hội đồng quốc tế Morgan, trước khi ông được bổ nhiệm là Ngoại trưởng trong chính quyền Reagan. Đấy mới chỉ là đơn cử một vài người. Tôi còn nói chuyện với các nghị sĩ, thượng nghị sĩ, và nhiều nhà kinh doanh Mỹ mà tôi có dịp làm quen. Với tất cả những người tôi quen biết hoặc có dịp trò chuyện, tôi đều gửi đến họ một thông điệp duy nhất: cái giá phải trả đối với cả hai quốc gia là rất lớn và mục tiêu mà chúng tôi cần phải đạt được là sự hòa hợp giữa hai dân tộc.
Chúng tôi hiểu rõ một trong những vấn đề cơ bản trong quan hệ song phương là các chính trị gia của cả hai nước đều phải tranh cử để được bầu vào cơ quan quyền lực của nhà nước và vì thế họ không thể không quan tâm đến nguyện vọng của cử tri. Đây là một trong những sức mạnh của nền dân chủ.
Đôi khi, nó cũng là một nhược điểm nhưng dù sao chúng tôi cũng phải chịu đựng và cố gắng thông cảm.
Cử tri trong một ngành công nghiệp nào đó có thể sẽ than phiền là hàng nhập khẩu gây khó khăn cho họ và đòi phải có những biện pháp bảo hộ. Một khi đã có bảo hộ, việc chấm dứt sẽ hết sức khó khăn. Chúng tôi biết là khoáng 44% hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ đều bị đặt dưới một hình thức hạn chế nào đó, hoặc là hạn chế “tự nguyện”, hoặc thông qua quy định hạn ngạch hay thuế suất nhập khẩu. Tôi nhận thấy rằng phần lớn người Mỹ lại không chịu công nhận điều này.
Như tôi đã nói ở trên, Nhật Bản đang cố gắng giải quyết những vấn đề thương mại do chính sách bảo hộ nền công nghiệp trong nước gây ra. Nhật Bản cũng đang nỗ lực tự do hóa tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế, chỉ trừ một số lĩnh vực trong nông nghiệp, nơi mà hầu hết các nước đều áp dụng rào cản thương mại, kể cả Mỹ. Nhật Bản đã phải mất khá nhiều thời gian mới hiểu được tự do hóa thị trường không những cần thiết mà còn rất có lợi cho chính mình. Ý thức bảo thủ và quá thận trọng của nước chúng tôi và nỗi lo sợ bị thiệt hại đã ngăn không cho chúng tôi mạnh dạn tiến bước và làm những điều cần thiết, đặc biệt trong lĩnh vực tự do hóa tư bản.
Nhưng nước chúng tôi đã dần dần đẩy mạnh hơn quá trình này và ngày nay, các cơ quan chứng khoán của Mỹ và châu Âu đã có những đại diện trên sàn Sở giao dịch chứng khoán Tokyo. Các nhà ngân hàng nước ngoài đang hoạt động rất sôi động trong dòng chảy của các hoạt động tài chính ở Nhật Bản. Đồng yên Nhật ngày càng được sử dụng như một đơn vị tiền tệ quốc tế. Dù một vài khía cạnh tự do hóa còn khiến các vị bộ trưởng và chủ ngân hàng bảo thủ của Nhật Bản lo ngại và thắc mắc, nhiều điều tiến bộ cũng đã xảy đến. Tất nhiên, người Nhật chúng tôi cảm thấy không yên tâm khi thấy nước Mỹ chủ trương mở cửa và nới lỏng quy định quá mức vào đầu những năm 80, theo đó các ngân hàng và các tổ chức tín dụng được tự do hoạt động, dẫn đến tình trạng nhiều tổ chức sụp đổ và chính phủ đã phải bảo lãnh cho họ bằng quỹ nhà nước. Chúng tôi cũng rất lo lắng về mức độ mở rộng tín dụng quá lớn và khoản thiếu hụt ngân sách khổng lồ của Mỹ.
Một nhà thông thái Nhật đã từng nói, nếu một con khỉ trượt ngã từ trên cây xuống đất, nó có thể sợ hãi hoặc xây xước chút ít, nhưng nó mau chóng đứng dậy, phủi bụi trên bộ lông và nó vẫn còn là con khỉ. Nhưng một nhà chính trị, dù mạnh và có uy tín đến đâu, nếu không đắc cử thì ông ta cũng chỉ là người bình thường như mọi người khác mà thôi.
Bất kỳ chế độ chính trị dân chủ nào cũng phải hướng vào trong nước, vì bất kỳ nhà chính trị nào cũng cần phải trung thành với quyền lợi của các cử tri, nếu không, họ sẽ không thể duy trì chiếc ghế của mình. Có thể nói thất bại trong chính trị là một tai họa. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi các nhân vật chính trị Mỹ và Nhật Bản luôn phải quan tâm đến lợi ích của công dân nước họ – tôi không muốn nói là họ quan tâm đến số phận của chính họ. Sau chiến tranh, hệ thống kinh tế và công nghiệp của chúng tôi đã phát triển rất nhanh, hơn cả chúng tôi mong đợi, và tôi cho việc Nhật Bản tìm cách bảo vệ các ngành công nghiệp đang phát triển của mình càng lâu càng tốt là một điều hết sức tự nhiên. Tuy nhiên, nước Nhật đã đi ra ngoài quỹ đạo bảo hộ đó.
Nước Nhật đã mở cửa với tốc độ ngày càng tăng vào giữa những năm 80, vào lúc cuộc thương thuyết mới về các biện pháp bảo hộ công nghiệp trong nước đang diễn ra trên khắp châu Âu và Mỹ. Đôi khi người ta trách cứ các chính sách lạc hậu của Nhật về mặt này. Trong thập kỷ 60, nền kinh tế Mỹ đã tăng trưởng hơn 2,5 lần nhưng tổng sản phẩm quốc dân của Nhật Bản lại tăng gấp bốn lần. Tăng trưởng bị chững lại vào những năm 70 và 80, nhưng hiện nay, nền kinh tế đã khỏe mạnh và tăng trưởng tuy chậm hơn trước nhiều nhưng vẫn ở mức thỏa đáng, bất chấp một vài vấn đề nghiêm trọng. Năng suất của chúng tôi vẫn rất cao và tăng nhanh hơn hầu hết các nước khác. Mặc dù chúng tôi đang dần tiến đến một nền kinh tế dịch vụ, xuất khẩu của Nhật vẫn được giữ ở mức như trước đây, chiếm khoảng từ 13 đến 15% tổng sản phẩm quốc dân.
Như tôi đã nói ở trên, chúng tôi đã phải vượt qua nhiều khó khăn khi tiến hành các bước đi cần thiết để đạt tới trình độ ngày nay. Dưới chế độ nghị viện, quyền lực của thủ tướng rất lớn vì ông là chủ tịch đảng cầm quyền, tức là Đảng dân chủ tự do (LDP). Đảng này đã nắm quyền kiểm soát chính phủ và tạo cho chúng tôi thế ổn định chính trị kể từ năm 1955. Thủ tướng thường đưa ra tuyên bố tại các hội đồng quốc tế như bất kỳ nhà lãnh đạo có uy tín nào khác và có thể có những mối quan hệ cá nhân với các nhà lãnh đạo trên thế giới như trường hợp thủ tướng Yasuhiro Nakasone đối với tổng thống Ronald Reagan và nhiều người khác nữa, nhưng ông vẫn gặp rất nhiều khó khăn khi muốn giữ lời hứa và cam kết của mình.
Sau khi thủ tướng Nakasone cam kết với tổng thống Reagan sẽ đẩy nhanh việc mở cửa các thị trường Nhật cho hàng hóa nước ngoài, ông đã làm cho nhiều người còn hoài nghi ở Mỹ và Nhật Bản phải ngạc nhiên bằng thành công trong việc giảm tệ quan liêu giấy tờ và thúc đẩy giới quan chức chính phủ nhanh chóng đưa ra một chương trình mở rộng thị trường, bao gồm giảm thuế nhập khẩu, loại bỏ rào cản phi thuế quan và cho phép người nước ngoài mua cổ phần trong các doanh nghiệp nhà nước. Điều này lại càng đặc biệt hơn, vì nhiều khi chính các quan chức cấp dưới chứ không phải giới lãnh đạo chính trị đã làm cho Nhật Bản chững lại. Hầu hết các dự luật gửi tới nghị viện Nhật Bản là do giới quan chức soạn thảo, chứ không phải do các nhà lãnh đạo chính trị của Đảng dân chủ tự do. Thường thì các nhà lãnh đạo quá bận bịu với các cuộc đấu tranh giành quyền lực, cho nên họ ít khi chịu dính líu với một vài vấn đề phức tạp đang xảy cho đất nước, việc này họ hoàn toàn giao phó cho cấp dưới.
Chúng tôi may mắn có được những quan chức hành chính rất tinh thông nghiệp vụ vì họ là tinh hoa của các trường đại học Nhật Bản. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, những cán bộ chuyên môn này, tuy rất giỏi, nhưng thường chỉ nắm vững những vấn đề có liên quan đến các bộ, ngành nơi họ làm việc, còn các công việc khác thì họ rất ít chú ý đến. Và do họ được đề bạt từ chính nội bộ các cơ quan đó, nên các cấp lãnh đạo cao hơn hầu như không có một luồng gió mới nào tiếp sức để có những suy nghĩ mới mẻ, phù hợp với tình hình.
Chẳng hạn, những người phụ trách thuế rất giỏi về điều hành hệ thống thuế và thảo ra những quy định và thể chế liên quan, nhưng họ thường không hay biết gì về kinh doanh hay công ăn việc làm của dân thường. Do không chịu sự kiểm tra của cấp trên, trừ của một số quan chức ở các bộ khác, họ đã lập ra một chế độ thuế thiếu thực tế, đánh thuế quá cao đối với người này nhưng quá thấp đối với người khác. Nhưng tiến hành cải cách thuế ở Nhật Bản rất khó khăn, thậm chí còn khó khăn hơn bất kỳ một nước dân chủ nào khác vì vấn đề tiền bạc là vấn đề mang tính thiết thân đối với mọi người.
Năm 1964, khi tôi trở về Nhật để giải quyết vấn đề tài sản do người cha quá cố của tôi để lại, tôi đã được biết khá tường tận về việc này. Những người phụ trách việc định mức thuế đối với tài sản đã xem xét mọi đồ vật trong nhà, kể từ đồ cổ đến các tác phẩm nghệ thuật. Qua việc đánh giá tài sản này, tôi được biết là nếu ta có một mảnh vườn đẹp với cây cối và hòn non bộ sắp đặt có phong cách, nhân viên đánh thuế sẽ coi đó là các tác phẩm nghệ thuật. Các bạn thử nghĩ xem, họ đánh thuế tài sản thừa kế đối với hòn non bộ dùng để trang trí trong vườn cảnh! Thật không có gì lạ khi người Nhật chúng tôi thường nói, toàn bộ tài sản của gia đình sẽ chuyển hết thành tiền thuế chỉ trong vòng ba thế hệ mà thôi.
Cũng giống như những vị chủ tịch công ty không thể kiểm soát các phòng ban khác nhau, hầu hết các thủ tướng Nhật Bản đều gặp khó khăn khi đưa ra bất kỳ một thay đổi đáng kể nào. Người nước ngoài thường không hiểu được hết sự phức tạp trong việc thực hiện những việc khá đơn giản trong bộ máy quan liêu của Nhật Bản. Các vị bộ trưởng do thủ tướng bổ nhiệm, chủ yếu vì những lý do chính trị nhằm thỏa mãn một trong những bè cánh nào đó trong đảng cầm quyền, họ đến rồi lại đi, nhưng bộ máy hành chính làm việc với họ lại luôn trung thành với chế độ và thiên về giữ nguyên trạng. Do đó, nhiều khi những mệnh lệnh từ trên đưa xuống cho cấp dưới nghiên cứu, phân tích và thảo luận nhưng không bao giờ được thực hiện hoặc nằm chết dí cho đến khi một vị bộ trưởng khác được bổ nhiệm.
Việc mở cửa thị trường Nhật Bản được thực hiện vào thời điểm giới kinh doanh chúng tôi đã nhiều lần đề nghị chính phủ và các quan chức hành chính, bởi chúng tôi nắm được thực tế dư luận thế giới và ý kiến của giới kinh doanh cũng như người tiêu dùng trên thế giới. Đa số công chức làm việc cho chính phủ có rất ít liên hệ với quần chúng nhân dân, cho nên họ không hiểu rõ tình hình thực tế của đất nước. Nước Nhật đã có nhiều bước tiến tuy nhỏ nhưng quan trọng tới việc mở cửa thị trường, nhưng vì chúng tôi tiến hành khá chậm chạp nên nhiều người Mỹ có thể nghĩ rằng Nhật Bản vẫn chưa có những tiến bộ cần thiết.
Vị thủ tướng năng động nhất trong thời kỳ sau chiến tranh là Nakasone. Năm 1985, ông đã nói giới quan chức Nhật được chiều chuộng quá nhiều và bám quá chắc vào truyền thống nổi tiếng mà họ đã học hỏi từ người Anh và người Pháp. Thủ tướng cho biết, sau khi lên cầm quyền, ông đã yêu cầu các vị thứ trưởng – những quan chức chủ chốt – phải ra nước ngoài để học hỏi, một vài người trong số đó mới đi lần đầu vào dịp đó. Ông cho mời các vị đó tới văn phòng và nói thẳng những gì ông mong đợi ở họ; có thể nói đó là một hành động khá táo bạo của một vị thủ tướng Nhật vì ở địa vị này, người đứng đầu chính phủ thường chỉ có nhiệm vụ đại diện hơn là thực sự lãnh đạo chính phủ. Và hơn nữa, ông Nakasone còn khuyến khích các bộ ngành đề bạt những người có suy nghĩ mang tầm quốc tế vào những cương vị quan trọng.
Trong một bài phát biểu ca tụng giới quan chức Nhật là một nhóm người thông minh, ông đã mỉm cười thừa nhận đã tấn công tương đối mạnh vào khá nhiều các vị thứ trưởng này.
Năm 1986, ông Nakasone đã có một bước tiến lớn. Ông cam kết với tổng thống Reagan sẽ làm hết khả năng để thực hiện một chương trình đầy tham vọng do một uỷ ban đặc biệt thảo ra, thúc đẩy những thay đổi triệt để trong nền kinh tế Nhật và trong lối sống của toàn thể dân tộc. Đứng đầu bởi cựu chủ tịch ngân hàng Nhật Bản Haruo Mackawa, ủy ban này đã đưa ra kiến nghị chuyển hướng tập trung từ xuất khẩu sang phát triển một nền kinh tế hướng nội nhằm phục vụ các nhu cầu trong nước. Điều này cũng sẽ biến Nhật Bản từ một nước cho vay thành một nước nhập khẩu lớn hơn. Nếu được chính thức thông qua, Nhật Bản cũng sẽ phải mất khá nhiều thời gian để thực hiện toàn bộ những đề xuất này. Nhưng những nhà kinh doanh có đầu óc quốc tế ngày càng có suy nghĩ hướng theo mục tiêu này.
Thật là khó khăn đối với giới quan chức chính phủ khi phải từ bỏ bất cứ điều gì; họ luôn chống lại mọi sự thay đổi. Ví dụ, năm 1985, khi tiến hành tư nhân hóa hệ thống điện thoại quốc gia, Hiệp hội Công nghiệp Điện tử Nhật Bản do tôi làm chủ tịch đã vấp phải sự chống đối như vậy của giới quan chức. Khi là một tập đoàn thuộc chính phủ, công ty điện thoại cũ hay còn gọi là NTT nằm dưới quyền kiểm soát của Bộ Bưu chính Viễn thông (MPT). Thực tế bộ này được coi như một công ty mẹ của NTT. Nhưng khi chuyển thành công ty tư nhân, NTT chỉ chịu sự kiểm soát của Bộ Bưu chính Viễn thông với tư cách là một cơ quan quản lý. Với hệ thống điện thoại mới này, kỹ thuật công nghệ mới phát huy tác dụng và nhiều mạng điện thoại mới cũng như các hệ thống truyền thông được thiết lập ở nhiều khu vực và địa phương, vì vậy, Bộ Bưu chính Viễn thông tất nhiên sẽ phải trực tiếp xử lý các vấn đề về tiêu chuẩn công nghệ như Ủy ban Truyền thông liên bang (FCC) Mỹ đã làm và còn phải thông qua việc sử dụng các thiết bị mới. Vì thế Bộ Bưu chính Viễn thông sẽ phải nắm bắt được các công nghệ mới đang phát triển trên thế giới.
Nhưng Bộ Công nghiệp và Thương mại Quốc tế (MITI) lại coi kỹ thuật công nghiệp nằm trong phạm vi hoạt động của họ. Rõ ràng là vấn đề ranh giới trách nhiệm và phân chia quyền hạn đặt ra một thách thức lớn. Nếu như người nước ngoài cảm thấy khó có thể hiểu được hệ thống này thì người Nhật cũng chẳng thấy dễ dàng hơn. Trong một số cuộc đàm phán kéo dài với Mỹ, thường xảy ra việc một bộ nào đó tìm cách trì hoãn ký kết thỏa thuận cho đến phút cuối cùng, do đó, một bộ khác khó có đủ thời gian can thiệp và thay đổi những điều đã được quyết định. Trong một thời gian dài im lìm không hoạt động, các nhà thương thuyết ngoại quốc đã nhiều lần chỉ trích phía Nhật có ý trì hoãn công việc. Khi hiểu rõ chiến thuật này, người ta có thể cảm thấy đỡ bực bội, nhưng nó cũng có thể gây ra sự tức tối, kình địch của một bộ nào đó.
Tôi không nghĩ đây là một điều ngạc nhiên đối với nhà nghiên cứu về hệ thống chính phủ trên khắp thế giới. Ý của tôi là chính trị trong một nền dân chủ, dù ở Nhật Bản hay ở Mỹ, về cơ bản đều giống nhau.
Trước đây, khi chúng tôi thảo luận về quan hệ thương mại Nhật – Mỹ, chúng tôi thường nhắc đến chênh lệch về mặt nhận thức giữa Nhật Bản và các nước khác. Ngày nay, do giới kinh doanh Nhật đã có dịp tiếp cận với các nền văn hóa khác, khoảng cách về mặt nhận thức này đã được thu hẹp lại. Nhưng các vấn đề thương mại vẫn còn tồn tại vì nó đã nhuốm màu chính trị. Và hiện nay không chỉ có những chênh lệch về nhận thức mà những khác biệt trong hệ thống chính phủ và lề lối hoạt động cũng gây ra rắc rối. Tôi gọi đó là vấn đề “quan liêu liên ngành”.
Ở Nhật, bộ máy quan liêu hành chính đã được thể chế hóa. Đó là một cơ quan đầy quyền lực và hoạt động rất nhất quán, nhất quán đến mức một khi chính sách đã được ban hành thì sẽ được thực hiện liên tục, bất kể những thay đổi về nhân sự trong bộ. Ở Mỹ, khi một chính quyền mới lên nhậm chức, hàng ngàn người làm việc trong chính phủ phải thay đổi chức vụ. Điều này không xảy ra ở Nhật. Vì thế, khi các nhà kinh doanh trên thị trường quốc tế bắt đầu hiểu nhau thì nhiều chính phủ vẫn còn giữ lề thói lạc hậu, còn có những xung đột và bất hòa và không kịp giải quyết những vấn đề mà giới kinh doanh coi là rất bình thường. Trong ngôn ngữ hiện đại của thời đại máy vi tính, chúng tôi còn thiếu một giao diện giúp chúng tôi thúc đẩy cả chính phủ lẫn giới kinh doanh cùng tiếp cận những vấn đề chung với mức độ hiểu biết ngang nhau.
Ở Nhật Bản, đôi khi chúng tôi cho rằng chúng tôi biết cách giải quyết một vài khía cạnh trong quan hệ giữa chính phủ và ngành công nghiệp tốt hơn người Mỹ. Khi có một ngành đang trong tình trạng xuống dốc, chúng tôi sẽ cố sức bảo vệ nó; sau đó, khi nó đã sụp đổ và công nhân trong ngành đã được đào tạo lại và sắp xếp công việc ở các ngành khác thì chúng tôi không cần phải bảo vệ ngành công nghiệp đã chết đó nữa, kể cả những công nhân của nó. Đôi khi, chúng tôi mất khá nhiều thời gian để làm việc này. Hãy còn rất nhiều vấn đề còn tồn tại ở Nhật Bản hiện nay, chẳng hạn như việc cân đối khối lượng công việc để nuôi sống khoảng 25.000 nhân công dư thừa trong hệ thống đường sắt quốc gia. Trong khuôn khổ một kế hoạch hợp lý hóa hệ thống đường sắt đồ sộ này, mấy nghìn công nhân đang được đào tạo lại để đưa vào các công việc mới ở nhiều ngành khác. Hàng chục các cục, ban thuộc chính phủ đã được thành lập đề quản lý, đánh giá và kiểm tra những cơ quan và những hoạt động không còn tồn tại. Nhưng chúng tôi nhất quyết không bảo vệ bất kỳ ngành công nghiệp nào không còn tính kinh tế và hiệu quả nữa, trừ các lĩnh vực nông nghiệp mà hiện nay hầu hết các nước vẫn còn bảo vệ.
Tôi có nói chuyện với cố thủ tướng Masayoshi Ohira trước khi ông lên đường đi dự một trong những cuộc họp thượng đỉnh của các nước công nghiệp, tôi có đề nghị ông phải nói hết sức để bênh vực các chính sách của Nhật Bản. Ông đã trả lời: “Tôi hiểu ông định nói gì rồi nhưng tiếng Anh của tôi thực sự chưa đủ để…” Tôi nghĩ ông quá khiêm tốn về khả năng nói tiếng Anh của ông, nhưng ông lại nói tiếp: “Thực ra tôi chưa thể diễn đạt được tốt những điều tôi muốn nói, vì vậy tôi chỉ làm đúng theo cách người Nhật chúng ta vẫn thường làm mà thôi”. Điều này có nghĩa là ông sẽ không nói gì cả hoặc cố gắng diễn đạt quan điểm của mình bằng những lời lẽ quanh co những đề nghị có hàm ý rất lịch thiệp.
Tôi có nói đùa với ông: “Nếu ông định theo phương cách người Nhật chúng ta thì tôi khuyên ông nên mặc quần áo cổ truyền Nhật Bản”. Vì với cách ăn mặc đó, mọi người sẽ thấy ông khác biệt với họ và sẽ chú ý tới ông hơn. Mọi người sẽ chăm chú lắng nghe ý kiến của ông và có thể họ sẽ cố gắng hiểu ông như với một người ngoại quốc thực sự. Ý kiến này không trái ngược với quan điểm của tôi là người Nhật Bản cần phải quốc tế hóa nhiều hơn nữa – thực ra nó còn củng cố thêm cho quan điểm này. Nhiều khi chúng tôi tìm cách né tránh không để người khác nhìn thấy mình hoặc tránh nói thẳng những điều mình muốn nói.
Nhưng nếu các vị lãnh đạo của nước chúng tôi đi dự hội nghị quốc tế trong trang phục kiểu Âu và cố tỏ ra thông hiểu những gì diễn ra thì các vị đó sẽ bỏ lỡ rất nhiều thứ.
Thủ tướng Nakasone và ngoại trưởng Shintaro Abe nói rất giỏi tiếng Anh, nhưng rất ít chính khách cao niên ở nước chúng tôi có thể nói được khá tiếng Anh – một ngôn ngữ quốc tế. Nhiều nhà kinh doanh cao niên cũng gặp vấn đề tương tự, mặc dù thế hệ lãnh đạo kinh doanh thứ hai có tự tin hơn trong môi trường quốc tế vì họ nói khá thành thạo thứ ngôn ngữ này.
Tôi đã tìm cách nói rõ quan điểm của tôi với ông Ohira và nhiều người khác nữa là nếu không thể tham gia một nhóm quốc tế theo những điều kiện của họ, tốt nhất chúng ta nên công nhận chúng ta khác biệt và như thế mọi người sẽ chú ý và lắng nghe chúng ta một cách nghiêm túc. Ý định của Nhật Bản mở cửa thị trường là rất nghiêm túc, nhưng chúng tôi đã gặp khó khăn khi kêu gọi đầu tư của các công ty nước ngoài, vì họ cảm thấy phải bỏ vốn đầu tư quá lớn hoặc phải mất khá nhiều thời gian mới có thể sinh lợi được. Vì thế, tôi nghĩ rằng cần phải có sự khuyến khích đặc biệt đối với họ.
Năm 1972, khi tôi thành lập Tập đoàn Thương mại Sony, tôi đã cho đăng khá nhiều quảng cáo trên những tờ báo có uy tín ở Mỹ và châu Âu, yêu cầu được làm đại lý bán các sản phẩm nước ngoài và chúng tôi đã nhận được ngay hơn 3.000 thư yêu cầu. Một quảng cáo dài 2 trang trên tạp chí Time nói rõ là “Sony muốn bán các sản phẩm của Mỹ tại Nhật Bản… Nhật Bản là một nước xa lạ đối với các doanh nghiệp Mỹ. Tuy nhiên, Nhật Bản lại là quê hương của Sony, và do đó, chúng tôi hiểu rất rõ thị trường trong nước và mọi tiềm năng của nó”. Chúng tôi hiện có một hệ thống với hơn 40 cửa hàng gọi là “Sony Plaza” (Trung tâm thương mại Sony) chuyên bán hàng tiêu dùng ngoại và chúng tôi vẫn đang tìm kiếm thêm nhiều mặt hàng ngoại nữa để bán ở trong nước. Ngoài ra, năm 1985, khi Thủ tướng chính phủ đề nghị người Nhật nên mua hàng ngoại nhiều hơn nữa, chúng tôi còn liên kết với hàng chục công ty khác ở Nhật Bản cam kết hưởng ứng đòi kêu gọi của thủ tướng. Như một cử chỉ thiện ý, chúng tôi bắt đầu gửi ngay những ống thu hình màu Sony Trinitron “sản xuất tại Mỹ” trong nhà máy của Sony ở San Diego để lắp ráp vào các máy ti vi màu của công ty và bán trên thị trường Nhật Bản.
Lập trường của chính phủ Nhật Bản trong quan hệ kinh tế với thế giới là mở cửa thị trường trong nước là một quy tắc và việc thực thi các biện pháp hạn chế hàng nhập khẩu chỉ là những ngoại lệ hiếm xảy ra. Tất nhiên, chính phủ Nhật mong rằng những ngoại lệ này luôn ở mức độ tối thiểu. Nhưng trên thực tế, cả thủ tướng lẫn các chính trị gia hàng đầu khác, những người đã đề ra chính sách tốt đẹp đó, đều không thể giữ đúng lời cam kết vì rốt cuộc, họ cũng vẫn là những nhà chính trị trong một nền dân chủ mà thôi.
Xin đơn cử ở đây một ví dụ. Trong khi Thủ tướng Nakasone giành được thắng lợi trong việc mở cửa thị trường đối với hàng ngoại nhập thì một trong những hàng nông nghiệp bị hạn chế nhập khẩu (có thể nói đây là một trường hợp ngoại lệ) là một thứ cây có tên là cây chân bê, hoặc đôi khi còn được gọi là cây lưỡi quỷ, dùng để chế một thứ gia vị gọi là Konnyaku mà người Nhật dùng để nấu món sukiyaki và nhiều món ăn dân tộc khác. Một trong những vùng trồng cây chân bê lớn là huyện Gumma thuộc miền trung nước Nhật; huyện này là khu vực bầu cử của hai trong số những chính khách có uy tín nhất ở Nhật Bản hiện nay: đương kim Thủ tướng Nakasone và cựu Thủ tướng Takeo Fukuda, người cũng rất có ảnh hưởng trong nền chính trị của Đảng cầm quyền.
Thật là nguy hại khi người Mỹ và người châu Âu trở nên quá cảm tính và không còn khả năng đưa ra những đánh giá lý tính về những vấn đề này. Nhật Bản ngày nay là đối tác tốt nhất của Mỹ và Nhật Bản không thể tồn tại nếu không có Mỹ, vì Mỹ là thị trường lớn nhất của chúng tôi và còn là nơi cung ứng lớn nhất về các loại nguyên vật liệu, lương thực, ngũ cốc, kỹ thuật công nghệ và cả những ý tưởng. Đồng thời, Nhật Bản là nước tiêu thụ nông phẩm của Mỹ nhiều nhất và cũng là đối tác tốt nhất với Mỹ trong các lĩnh vực công nghiệp, kỹ thuật và thị trường. Chúng tôi đang cùng nhau hợp tác trong hàng trăm hiệp định kỹ thuật, trong đó có cả công nghệ quốc phòng. Thương mại hai chiều đang ở mức cao nhất trong lịch sử quan hệ giữa hai bờ đại dương với con số 84 tỷ đô la năm 1984. Nhiều người Mỹ còn chưa nhận thức được tính phụ thuộc lẫn nhau giữa hai nước. Thực vậy, Nhật Bản hay bất kỳ nước nào khác đều không yên tâm khi thấy tình trạng thất nghiệp trong ngành sản xuất chế tạo của Mỹ.
Nhưng chính nước Nhật chúng tôi rồi cũng sẽ mất đi nhiều việc trong ngành chế tạo. Điều này cũng đã xảy ra với nhiều ngành, trong đó có ngành luyện nhôm và đóng tàu, khi khu vực dịch vụ và nhiều ngành chế tạo khác mở ra những công việc mới. Mỹ và Nhật Bản cần phải có những chính sách ăn khớp nhau để có thể lường trước các vấn đề sẽ xảy ra và nghĩ cách đối phó. Khi đồng đô la mạnh gây nên tình trạng thâm hụt thương mại trầm trọng, buộc các nhà công nghiệp Mỹ phải lên tiếng là họ không còn đủ sức cạnh tranh, phải đóng cửa nhà máy và bòn rút tiền đô la của người Nhật để bù đắp cho sự thiếu hụt đó (chỉ tính riêng năm 1984 là khoảng 40 tỷ đô la), chúng tôi thấy mình đang ở trong một vòng luẩn quẩn. Nặng lời với nhau lúc này không giải quyết được việc gì. Chính phủ các nước công nghiệp lớn đã nhận thức được điều này từ năm 1985, khi họ cố tìm cách kiểm soát các tỷ giá hối đoái, nhất là tỷ giá giữa đồng yên và đồng đô la. Điều này, theo tôi, cần phải là mối quan tâm chính và quan trọng nhất của giới thương mại trên thế giới ngày nay. Nhưng những động thái ban đầu đã gây nên những vấn đề nghiêm trọng bởi các bước đi của chúng quá vội vàng.
Vào đầu những năm 60, thương mại thế giới đứng trước một bước ngoặt quan trọng, và nước Mỹ đã dẫn dắt thế giới tự do đi vào một đàm phán thương mại do Tổng thống Kennedy đề xướng. Hành động dũng cảm đó đã giúp tránh được việc phân chia thế giới thành những khối thương mại tách biệt. Các quốc gia đã cùng ngồi lại với nhau và đi đến quyết định là giảm mạnh các hàng rào thuế quan đối với thương mại. Cách làm này đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở tất cả các nước tham đàm phán. Nhưng sau đó, nhiều người trong chúng tôi đã nhận thấy các hàng rào phi thuế quan, những hạn chế thương mại và cái gọi là thỏa thuận hạn chế xuất khẩu tự nguyện, thuế phụ thu, hạn ngạch nhập khẩu (và kể cả các luật về thuế áp dụng trong nội địa) vẫn tiếp tục cản trở nền thương mại thế giới và cần phải được xóa bỏ. Lúc đó. chúng tôi đang bảo vệ những doanh nghiệp thực sự làm ăn tốt và vùng lãnh thổ dễ nhạy cảm nhất về mặt chính trị.
Lúc đó, tôi nhận thấy với 2/3 so dân thế giới đang sống ở mức kinh tế rất thấp, các nước phát triển trên thế giới phải có trách nhiệm và cũng có cơ hội giúp họ tiến lên một vị thế kinh tế cao hơn và điều này có lợi cho tất cả mọi người. Xét cho cùng, người dân ở các nước đang phát triển có quyền được hưởng những lợi ích của một nền văn minh tiên tiến, được ăn mặc, học hành cũng như có cơ hội giải trí tốt hơn, nhưng phải nói rằng những người trong thế giới phát triển chúng tôi chưa làm được nhiều để giúp đỡ họ. Điều này xuất phát từ tầm nhìn còn thiển cận của chúng tôi, bởi chính người dân ở các nước đang phát triển lại là sức mạnh tương lai, là những bạn đồng minh, những người cùng chung lưng sản xuất và cũng là những khách hàng của chúng tôi.
Tôi nhớ lại câu chuyện của hai người bán giày dép cùng đến thăm một nước chậm phát triển. Một trong hai người đó đã điện về công ty mình như sau: “Không có triển vọng cho việc bán hàng vì ở đây không có ai đi giày cả”. Người kia lại gửi một bức điện: “Gửi ngay hàng tới đây vì người dân vẫn còn đi chân đất, nên họ rất cần giày dép”. Chúng ta chẳng khác gì người bán hàng thứ nhất, chúng ta không hề thấy xúc động trước nhu cầu cần sự giúp đỡ của Thế giới thứ ba. Quỹ hỗ trợ phát triển của Nhật Bản cho các nước tuy tăng đều nhưng vẫn chưa đủ, và ngay cả chính phủ cũng đã thừa nhận điều này. Nhưng nói rộng ra, tất cả các nước khác trên thế giới cũng đều chưa làm được gì nhiều.
Năm 1969, tôi được mời đến trình bày trước tiểu ban về chính sách kinh tế đối ngoại Mỹ, thuộc Ủy ban kinh tế liên quốc hội. Ảnh của tôi được in trên trang bìa tờ báo Business Week với chiếc ti vi màu siêu nhỏ loại mới nhất của Sony trong tay. Tôi đoán mình đã trở thành một thứ mục tiêu nào đó do hậu quả của các vấn đề thương mại. Tôi đã nói về sự cần thiết phải xóa bỏ những rào cản phi thuế quan trên thế giới, đồng thời giúp nhân dân các nước chậm phát triển tham gia vào đời sống kinh tế thế giới bằng cách chuyển tập trung các nguồn lực từ các hạng mục đầu tư cơ bản như đường cao tốc, đập nước, nhà máy luyện thép và ngành hàng không quốc gia sang các nguồn nhân lực của đất nước, và thúc đẩy trong nhân dân các nước đó ý muốn phát triển thành những nước Nhật Bản thứ hai.
Sau khi đọc xong bản thuyết trình đã được chuẩn bị trước, tôi mong có thể rút lui, nhưng các nghị sĩ Quốc hội lại đưa ra khá nhiều câu hỏi. Báo chí Nhật nói là tôi bị các nghị sĩ Quốc hội tức giận “quay” cho bở hơi tai nhưng tôi lại không nghĩ như vậy. Một nghị sĩ hỏi tôi về việc thành lập công ty Sony ở Mỹ và tôi đã trả lời ông ta. Ông này còn nói thêm, với một giọng đặc sệt kiểu luật sư: “Tôi muốn hỏi ông là khi ông mở công ty Sony ở Mỹ, liệu người Mỹ chúng tôi có thể mở một công ty ở Nhật được không?”
Tôi trả lời ngay: “Tất nhiên là không thể được”.
“Nhưng Sony đã lập ra một công ty trên đất Mỹ. Tại sao Mỹ lại chưa được phép vào Nhật?”
Tôi đã trả lời một cách khá dài dòng, nhưng tôi nghĩ là đã làm rõ vấn đề: “Ngay sau khi chiến tranh kết thúc, Mỹ lúc đó giống như một người khổng lồ trong con mắt của nước Nhật Bản kiệt quệ. Người Nhật đã có một cảm giác lo sợ rằng việc để Mỹ tự do xâm nhập vào Nhật Bản tất sẽ đánh bật họ ra khỏi thị trường. Dù là lý do nào đi nữa, chừng nào người Nhật còn có cảm giác lo sợ đó, họ còn phản đối tự do hóa thương mại. Thương mại tự do là một điều lý tưởng, do đó, Nhật Bản luôn luôn hướng tới điều đó. Nhưng cũng giống như chính phủ Mỹ thường phải nghiên cứu tình hình trước khi đưa ra các tuyên bố chính trị, chính phủ Nhật với chủ trương xây dựng một nền kinh tế mang tính kế hoạch cao đôi khi cũng cảm thấy khó khăn. Cá nhân tôi cho rằng bước đi tiến tới tự do hóa thương mại của chính phủ Nhật còn chậm chạp, nhưng tôi chắc chắn là mọi thứ cuối cùng sẽ được tự do”. Sau khi phát biểu xong, tôi không nghĩ là tôi đã nói dài đến thế.
Theo tôi, khẩu hiệu về chiếc xe hơi cổ Avis: “Chúng tôi đứng thứ 2, vậy chúng tôi cần cố gắng nhiều hơn nữa” là một ví dụ hoàn hảo về chủ nghĩa nhân văn Mỹ, nhưng Mỹ không đứng thứ 2, mà chính là Nhật Bản, và chúng tôi cảm thấy vui với vị trí này. Tuy nhiên, vì Nhật Bản đã tiến từ vị trí yếu thế khi chống lại Nga lên vị trí ức hiếp Trung Quốc, tấn công nước Mỹ, rồi đến thất bại thảm hại, và cuối cùng là vị trí số 2 thế giới, nên thái độ của người Mỹ đối với Nhật Bản cũng đã trải qua nhiều thay đổi. Nhưng đối với vài người, vị trí số 2 thôi cũng là quá mạnh và vì thế họ không thể yên lòng. Tôi có nhiều dịp đến thăm Tòa nhà Quốc hội của Mỹ, nơi nhiều chính khách đã phải trải qua những biến đổi lớn về mặt tình cảm. Họ thường đưa ra những bài phát biểu và những lời tuyên bố giật gân trước báo chí mà theo họ là có lợi cho cuộc vận động chính trị của họ. Tôi cảm thấy có quá nhiều phát biểu kiểu này trong nền chính trị Mỹ.
Chúng ta sẽ không thể thấy sự thật trong những bài hùng biện đó. Và điều đó khiến tôi lo lắng về hướng phát triển của mối quan hệ giữa hai nước chúng tôi.
Năm 1919, quốc hội Hoa Kỳ, bằng cảm tính, đã thông qua đạo luật Volstead nghiêm cấm mọi đồ uống có chất cồn. Ngày nay, rõ ràng chúng ta thấy đó là một việc làm ngu ngốc và chắc chắn vào thời đó, cũng có hàng triệu người Mỹ, trong đó có cả các nghị sĩ và thượng nghị sĩ, cảm thấy đó là một việc làm sai trái, nhưng họ vẫn cứ để cho đạo luật này tiếp tục có hiệu lực. Hàng triệu người Mỹ chưa từng nghĩ họ sẽ làm điều gì trái với pháp luật cũng đã vi phạm luật này, cho nên nó đã bị bãi bỏ vào năm 1933.
Điều mà tôi đã học hỏi được qua việc này là dư luận quần chúng có khả năng làm thay đổi chính sách của Mỹ. Nếu chính phủ Mỹ nuôi dưỡng một thái độ thực sự tiêu cực đối với Nhật Bản, chắc chắn sẽ gây ra nhiều phiền toái không đáng có. Một khi chiều hướng như vậy phát triển quá mạnh, việc ngăn chặn sẽ rất khó khăn. Việc người Mỹ luôn luôn tin rằng điều gì họ làm cũng đúng chính là một nhân tố gây nên rắc rối. Nước Mỹ chắc sẽ không thông qua đạo luật cấm đoán người Nhật hoặc lặp lại những sai lầm của những năm 30, nhưng cả Nhật Bản lẫn Mỹ cần phải hiểu rằng sự đa cảm và tính nhỏ nhen trong quan hệ giữa hai nước có thể dẫn tới những vấn đề chính trị và kinh tế.
Với nhiều năm tiếp xúc với người Mỹ, tôi biết họ luôn luôn vội vã. Bạn thường nghe thấy ở Mỹ những câu như: “Không còn thời giờ nữa đâu”. “Làm việc đó ngay đi”, “Kẻ nào do dự sẽ chịu thua thiệt”. Mỹ đã dính líu vào Việt Nam chính vì bị loại tình cảm này xô đẩy. Các chính khách Mỹ nói là Mỹ phải can thiệp vào Việt Nam vì mục đích bảo vệ hòa bình thế giới. Họ đã mất phương hướng. Một khi người Mỹ yêu thích cái gì, họ để hết mọi tình cảm vào đó, và khi họ ghét cái gì, họ thường đi quá xa trong sự căm ghét đó. Nhiều người nước ngoài cũng nhận xét như vậy về nước Mỹ.
Xin đơn cử trường hợp Trung Quốc làm ví dụ. Đã có một thời gian dài Mỹ không chịu công nhận sự tồn tại của Trung Quốc, dù có gần 1 tỷ người làm ăn sinh sống trên đất nước này. Mỹ tìm mọi cách cô lập Trung Quốc vì Mỹ không thích đường lối chính sách của nước này. Cũng vì công nhận chính phủ Đài Loan, Mỹ tìm cách trừng phạt Bắc Kinh bằng cách phủ nhận sự tồn tại của Trung Hoa lục địa. Trong giai đoạn này, bất cứ ai mua thứ đồ nữ trang rẻ tiền do Trung Hoa sản xuất trong chuyến du lịch đến Hồng Kông đều có thể gặp phiền toái khi họ mang chúng về Mỹ. Xét về mặt ngoại giao, dường như 1/3 dân số thế giới đã không tồn tại. Cũng trong thời gian đó, Nhật Bản cũng không công nhận nước Trung Hoa và không có quan hệ ngoại giao chính thức với nước này. Nhưng dân Nhật Bản vẫn thường đến Trung Quốc. Nhiều người vẫn đi về thường xuyên để giao dịch buôn bán, gặp gỡ và viết tin. Sau đó, đột nhiên Mỹ thay đổi ý kiến và tổng thống Richard Nixon sang thăm Trung Quốc. Không nói trước với bất kỳ ai, kể cả những nước láng giềng gần với Trung Quốc như Nhật Bản, nước đã và đang duy trì chính sách ủng hộ Mỹ, Tổng thống Nixon đột nhiên tuyên bố công nhận sự tồn tại của một tỷ người dân ở lục địa này.
Tại Nhật Bản, chúng tôi còn đang kế thừa triết lý sống và truyền thống văn hóa nông nghiệp chịu ảnh hưởng khá sâu sắc của thiên nhiên và sự thay đổi của thời tiết. Có lẽ vì thế mà chúng tôi không phải là một dân tộc vội vã. Chúng tôi có hàng nghìn năm lịch sử và truyền thống, và đó là lý do tại sao chúng tôi rất không bằng lòng khi bị một nước dù lớn mạnh nhưng vẫn còn non trẻ như nước Mỹ đối xử như những người sinh sau đẻ muộn.
Nước chúng tôi có câu tục ngữ nói rằng mọi thứ đều thay đổi trong vòng 70 ngày. Câu này khuyên chúng tôi không nên vội vã, nôn nóng và phản ứng quá vội vàng. Do vậy, chúng tôi cần có bước tiếp cận sáng suốt: chẳng nên quá vội vàng nhưng cũng không được quá chậm chạp.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.