Made In Japan: Chế tạo tại Nhật Bản

7.



Sự nổi tiếng của Phòng trưng bày sản phẩm của Sony tại Tokyo và New York giúp tôi thêm quyết tâm phải chuyển địa điểm của công ty tới khu vực trung tâm Tokyo vì văn phòng và nhà máy của công ty đều ở xa các khu vực đông người qua lại. Vì thế, chúng tôi mua mảnh đất ở một góc đường của quận Ginza nổi tiếng, một trong những khu sầm uất nhất của thành phố, để và
xây dựng một ngôi nhà tám tầng. Đó là độ cao mà chúng tôi được phép xây dựng. Mặc dù không được xây cao hơn, nhưng không ai cấm chúng tôi đào xuống dưới. Cho nên chúng tôi xây thêm sáu tầng ở dưới đất nữa. Phía dưới, chúng tôi cho xây một trung tâm thương mại và dịch vụ và tôi quyết định sử dụng thêm mặt bằng của vài tầng để trưng bày các loại sản phẩm. Tại Tokyo, chúng tôi có rất đông khách đến thăm nên tôi nảy ra ý định mở một nhà hàng của riêng Sony ngay trong tòa nhà cho khách hàng thưởng thức. Một nhà hàng như vậy sẽ rất ấn tượng và tôi sẽ có thể có thêm thu nhập vì người Nhật rất thích ăn uống và đãi khách ở nhà hàng. Chúng tôi mất khá nhiều thời gian suy nghĩ nên mở loại nhà hàng gì.
Tôi từ bỏ ngay ý nghĩ mở một tiệm ăn Nhật mặc dù điều này hoàn toàn hợp lý. Tôi đã có dịp đi thăm Triều Tiên và được mời thưởng thức các món ăn Triều Tiên hết tối này sang tối khác, nên tôi hiểu rõ một khách du lịch thỉnh thoảng cũng muốn thưởng thức các món ăn địa phương, nhưng không phải tối nào cũng vậy. Hơn nữa, nếu mở một tiệm ăn Nhật, chúng tôi rất khó có thể cạnh tranh được với các tiệm lớn có những món ăn truyền thống của Nhật Bản.
Chúng tôi cũng đã nghĩ đến việc mở một tiệm ăn Trung Quốc nhưng ở Tokyo đã có khá nhiều rồi và hơn nữa, rất khó tìm những đầu bếp giỏi thường vì họ luôn luôn thay đổi chỗ làm. Tại Tokyo có rất ít các tiệm ăn Pháp và không nhà hàng nào có vẻ chính thống.
Tôi đã nhiều lần đến nước Pháp và rất quen thuộc nhà hàng Maxim de Paris và người chủ là Louis Vaudable. Ông là người cung cấp các món ăn hạng nhất cho hãng hàng không Pan American thời bấy giờ. Tôi nghĩ ông cũng sẽ quan tâm đến một công việc mới mẻ nào đó, cho nên tôi đến gặp ông để nói rõ ý định của công ty Sony là mở một nhà hàng giống như Maxim de Paris tại Tokyo với cảnh trí, đầu bếp, thực đơn với những món ăn, rượu, cách bày biện và phục vụ giống hệt như ở Paris. Ông cho đó là một ý kiến hay và đồng ý với lời đề nghị của tôi. Sau đó ít lâu, tôi cử một kiến trúc sư sang Paris nghiên cứu và thiết kế một mô hình giống như nhà hàng Maxim để về xây dựng ở Tokyo. Nhà hàng này được xây dựng ngay tại hai tầng hầm của tòa nhà Sony và từ khi mở cửa, rất nhiều người đã đến ăn và hết sức ngợi khen các món đặc sản của Pháp. Năm 1984, nhà hàng La Tour d’Argent cũng mở thêm một chi nhánh tại Khách sạn Tokyo và từ đó, các tiệm ăn và quán rượu của Pháp mở ngày càng nhiều ở Nhật Bản. Các khách du lịch người Pháp cũng tỏ ý ngạc nhiên khi thấy cách nấu nướng các món ăn Pháp ở Tokyo cũng chẳng thua kém gì ở Paris.
Tôi còn quyết định phải mở một phòng trưng bày sản phẩm của Sony tại Paris, đặc biệt là địa điểm của phòng này phải được đặt tại đại lộ Champs Elysées mà tôi coi là đường phố nổi tiếng nhất thế giới. Theo tôi, đại lộ này còn đông vui, sầm uất hơn cả Đại lộ thứ Năm ở New York, nhất là về ban đêm. Phải thừa nhận rằng Đại lộ thứ Năm vào buổi tối thường ít người đi lại hơn, còn đại lộ Champs Elysées ở Paris thì người đi lại tấp nập suốt ngày đêm, bất kể vào giờ nào.
Một năm sau khi xây dựng chi nhánh Sony ở Mỹ, chúng tôi cũng đã thành lập một Chi nhánh Sony ở nước ngoài (gọi tắt là SOSA). Chi nhánh này được đặt tại thành phố Zug ở Thuỵ Sĩ theo lời khuyên của một người bạn khi anh khẳng định là thuế ở đó rất thuận lợi cho việc kinh doanh. Chúng tôi trở thành một công ty Nhật Bản đầu tiên có cơ sở ở thành phố Zug. Vào thời kỳ mới chỉ có một vài hãng Mỹ đặt cơ sở ở đây. Mặc dù ở London và Paris, Sony đã có những đại lý địa phương phụ trách việc bán hàng nhưng với niềm tin có được sau khi tự mình đưa hàng ra bán trên thị trường Mỹ, chúng tôi quyết định phải tiến hành cách làm như thế ở cả châu Âu. Nói thì dễ nhưng làm thì thật khó và chúng tôi mất khá nhiều thời gian và vấp phải không ít khó khăn khi tiến hành các cuộc thương lượng để ký kết các bản thỏa thuận. Thay đổi thoả thuận với đại lý của chúng tôi ở London còn tương đối dễ mặc dù chúng tôi cũng phải mất tiền cho họ trong một thời gian dài. Một đồng nghiệp của tôi đã có lúc nói đùa là chúng tôi có thể mở một phòng tắm Nhật Bản cho khách du lịch vì chúng tôi thường lấy nước nóng không phải trả tiền và không quá bận rộn với công việc kinh doanh. Nhưng khi chúng tôi đến nước Pháp, tôi bắt đầu nhận thấy quan hệ của chính phủ Nhật Bản đối với giới kinh doanh, đúng như nhận định của một số người Mỹ và châu Âu, chưa được tốt lắm nếu so với quan hệ giữa chính phủ Pháp hoặc Anh với giới kinh doanh.
Tôi chưa hề nghe thấy một Thủ tướng Nhật Bản nào lại tìm cách mời các công ty nước ngoài đến kinh doanh ở Nhật như trường hợp Thủ tướng Anh Margaret Thatcher. Bất kỳ lúc nào thấy có dịp, kể cả cuộc họp thượng đỉnh, bà đều nhắc đến chính sách mở cửa của nước Anh và đề nghị Hãng Nissan Motors hoặc một công ty nào khác của Nhật Bản nên xây dựng một nhà máy ở Anh.
Còn đối với chúng tôi, Hoàng tử xứ Wales cũng đã đưa ra một đề nghị tương tự khi ông đến thăm hội chợ triển lãm Expo 1970. Trước đó, Đại sứ Anh đã đề nghị tôi nên đặt ở phòng khách của Hoàng tử tại Đại sứ quán Anh một số ti vi của công ty Sony. Sau đó, trong một buổi chiêu đãi, tôi được giới thiệu với Hoàng tử xứ Wales tại Đại sứ quán Anh, hoàng tử ngỏ lời cám ơn tôi đã cung cấp các ti vi cho phòng khách của ông và hỏi xem liệu tôi có ý định xây dựng một nhà máy ở Anh không. Lúc đó, thật ra chúng tôi cũng chưa thảo luận cùng nhau về một kế hoạch như vậy, cho nên tôi cứ thực tình trình bày cho Hoàng tử rõ. Ông cười và nói “Tốt thôi, nhưng nếu ông quyết định xây dựng nhà máy ở Anh, thì đừng quên vùng đất của tôi”.
Về sau, khi quyết định mở rộng cơ sở sản xuất sang Anh, chúng tôi đi xem khắp nơi trên đất nước Anh để tìm một địa điểm thích hợp thuận tiện cho việc xây dựng nhà máy và hợp với môi trường. Nhưng cuối cùng chúng tôi đã quyết định chọn xứ Wales và đặt nhà máy ở Bridgend. Năm 1974, khi việc xây dựng nhà máy đã hoàn thành, tôi tìm cách liên lạc với ông Đại sứ trước đây từng giới thiệu tôi với Hoàng tử xứ Wales để đến thăm dò Hoàng tử xem ông có thể nhận lời đến dự lễ khánh thành nhà máy được không.
Hoàng tử nhận lời mời và tới dự buổi lễ trọng thể này. Để kỷ niệm sự kiện đặc biệt này, chúng tôi đã cho dựng một tấm kỷ niệm chương bằng đồng lớn ngay tại cổng ra vào nhà máy có khắc tiếng Anh và tiếng xứ Wales, chứ không phải tiếng Nhật, để ghi nhớ sự hiện diện của Hoàng tử tại buổi lễ khánh thành. Trong lời phát biểu tại buổi khai trương, tôi đã nhắc lại buổi gặp gỡ với Hoàng tử tại Triển lãm Expo 1970. Tôi nói: “Nhà máy này thể hiện một bước tiến lớn trong chính sách quốc tế hóa của Sony mà chúng tôi đã theo đuổi kể từ khi khởi nghiệp. Mục đích cao cả của công ty Sony là muốn được phục vụ tất cả mọi người trên thế giới bằng kỹ thuật công nghệ độc đáo và thông qua những nỗ lực chung được cộng đồng thế giới chia sẻ, điển hình như nhà máy này, nơi các kỹ sư, công nhân và các nhà cung cấp hợp tác chặt chẽ với chúng tôi sản xuất ra các hàng hóa có chất lượng cao để thỏa mãn những đòi hỏi khắt khe của thị trường”. Tôi nói tiếp rằng chúng tôi mong muốn nhà máy này sẽ cung cấp đầy đủ sản phẩm tiêu dùng điện tử không những cho thị trường nước Anh mà còn cho cả lục địa châu Âu nữa. Hoàng tử sau đó có trả lời phỏng vấn của tờ The Sounth Wales Echo, trong đó có nhắc lại cuộc gặp gỡ với tôi ở Tokyo: “Tôi thực sự ngạc nhiên khi hai năm sau nụ cười bí hiểm trên đôi môi của vị chủ tịch Nhật Bản đã biến thành một nhà máy được xây dựng ở miền nam xứ Wales”.
Tôi chưa bao giờ nghĩ mình là một còn người bí hiểm, nhưng tôi không muốn tranh luận điều này với Hoàng tử.
Sau này, Nữ hoàng Elizabeth đã có chuyến thăm chính thức Nhật Bản và tôi có vinh dự được gặp Nữ hoàng tại buổi chiêu đãi ở Đại sứ quán Anh. Nữ hoàng có hỏi tôi về câu chuyện Hoàng tử xứ Wales đề nghị địa điểm xây dựng nhà máy là có thực hay không và Nữ hoàng tỏ ý rất hài lòng về chuyện này. Vài năm sau, khi tôi đến London dự lễ khánh thành triển lãm thời trang Nhật Bản tại Bảo tàng Victoria và Albert, tôi lại được vinh dự gặp Nữ hoàng và báo cáo về những tiến bộ mà chúng tôi đã đạt được. Sau đó ít lâu, chúng tôi đã được Nữ hoàng tặng thưởng về những thành tích của công ty Sony. Cần phải nói là chúng tôi đã xuất khẩu một nửa số sản phẩm chế tạo ở Anh sang lục địa châu Âu và châu Phi, số lượng này chiếm khoảng 30% tổng số ti vi màu xuất khẩu của cả nước Anh.
Năm 1981, khi chúng tôi mở rộng nhà máy ở Bridgend để xây dựng thêm một nhà máy sản xuất đèn hình, chúng tôi lại mời Hoàng tử đến dự lễ khánh thành nhà máy mới này. Ông nói mình quá bận không thể đến dự được nhưng ông muốn Công nương xứ Wales là Diana đến dự. Lúc đó Công nương đang có thai Hoàng tử William, và chúng tôi đều háo hức mong đợi được gặp mặt. Vì nhà máy sản xuất loại thủy tinh chịu áp lực lớn, nên tất cả các khách tham quan đều được yêu cầu đội mũ cứng và đeo kính bảo hộ. Chúng tôi đã gửi trước mũ và kính bảo hộ đến London để xin Công nương chấp nhận. Khi tới dự lễ khánh thành, Công nương đi thăm các phân xưởng của nhà máy, đội trên đầu chiếc mũ bảo hộ có in hàng chữ lớn SONY, còn các phóng viên xúm quanh chụp hình Công nương. Lúc đó, thú thật tôi cũng cảm thấy ngại ngùng khi nhìn Công nương đội chiếc mũ quảng cáo cho công ty Sony chúng tôi, nhưng hình như mọi người đều không chú ý đến, ít nhất là Công nương. Diana rất dễ thương, nhã nhặn, hiền hậu, cởi mở và hồn nhiên. Tất nhiên, chúng tôi lại đặt thêm một biển đồng kỷ niệm buổi lễ này.
Tôi hết sức cảm động và vui mừng khi Hoàng gia Anh quan tâm đến quá trình phát triển của công ty Sony. Tôi nhắc đến điều này là muốn nêu ra việc một chính phủ quan tâm đến công việc kinh doanh và hỗ trợ những nỗ lực tạo việc làm cho người dân là điều rất tự nhiên và lành mạnh. Nhưng tại Mỹ, thái độ của các quan chức trong chính phủ thường là bàng quan nếu không nói là đôi khi còn chống đối công việc kinh doanh. Tôi rất thích quan điểm đồng thuận của chính phủ Anh.
Người Anh tỏ ra tốt với tôi về nhiều mặt. Năm 1982, tôi đến London nhận Huy chương Albert do Hội nghệ thuật Hoàng gia Anh trao tặng “vì những cống hiến đặc biệt to lớn cho việc đổi mới kỹ thuật và quản lý công nghệ, thiết kế và các mối quan hệ công nghiệp, các hệ thống video cũng như cho sự thúc đẩy quan hệ thương mại quốc tế”. Tôi thực sự cảm kích trước đặc ân này vì huy chương Albert mới chỉ trao tặng cho các nhà khoa học nổi tiếng như ông Thomas Alva Edison, bà Marie Curie và nhà bác học Louis Pasteur. Cũng như vậy, các thành viên của hội này còn cấp cho tôi bằng chứng nhận về khả năng nói tiếng Anh, một việc làm chứng tỏ sự hào phóng của nước Anh. Sau lễ trao tặng huy chương Albert, tôi mở cuộc chiêu đãi các vị khách quý, tôi đã nói rằng công ty Sony và tôi từ trước đến nay luôn có những phát minh sáng kiến đổi mới kỹ thuật và chính tôi đã luôn tìm tòi suy nghĩ để đổi mới không những sản phẩm mà còn cả tiếng Anh nữa. Một bằng chứng về việc làm này là từ “Walkman” và tên độc đáo của tập đoàn Sony. Tất cả mọi người đều vỗ tay hoan nghênh và sau đó, các vị ủy viên Hội nghệ thuật Hoàng gia còn tặng tôi bằng danh dự về tiếng Anh cao cấp.
Kinh nghiệm của chúng tôi đối với giới kinh doanh ở Pháp lại hoàn toàn khác hẳn. Chúng tôi mất nhiều năm thương lượng hủy bỏ hợp đồng với đại lý bán hàng cho chúng tôi ở Pháp để có thể thành lập một Chi nhánh Sony Pháp. Người đại lý này lại là bạn thân với ông Bộ trưởng Tài chính và là người rất say mê săn bắn. Ông ta có một chiếc máy bay riêng và thường mời ông Bộ trưởng cùng đi săn. Do đó, khi chúng tôi muốn hủy bỏ hợp đồng đại lý để lập ra một chi nhánh hoàn toàn thuộc sở hữu của Sony, ông bộ trưởng này không chịu. Vì thế, chúng tôi phải rất nỗ lực thông qua các luật sư để can thiệp, và sau một thời gian khá dài, chính phủ Pháp mới miễn cưỡng đồng ý nhưng ra điều kiện là phải thành lập liên doanh với số vốn đầu tư ngang nhau là 50 – 50. Chúng tôi cũng đành phải chấp nhận và tìm được Ngân hàng Suez, đối tác liên doanh cho đến khi được phép mua lại hết số cổ phần mà ngân hàng này giữ trong liên doanh. Nhưng cho đến nay, ngân hàng này vẫn còn có một đại diện trong Hội đồng Quản trị công ty chúng tôi.
Chi nhánh Sony ở Đức được thành lập với những điều kiện dễ dàng, khác hẳn với ở Pháp. Tôi không muốn các nhân viên và chi nhánh Sony quá gần gũi cộng đồng người Nhật đang sinh sống ở Dussendorf, nên tôi chọn địa điểm công ty ở Cologne rất gần xa lộ để tiện quen thuộc với người Đức ở các vùng xung quanh chứ không phải với người Nhật. Tôi thường khuyên các nhân viên làm việc ở nước ngoài phải luôn luôn gần gũi người dân địa phương nơi mình ở. Tôi đã áp dụng những cách làm như vậy đối với chính gia đình tôi. Khi lần đầu tiên sang Mỹ, tôi nói với vợ tôi phải tránh cộng đồng người Nhật, chúng ta sang bên Mỹ để tìm hiểu và làm quen với người dân Mỹ chứ không phải với kiều dân Nhật ở Mỹ. Tôi thường xuyên nhấn mạnh rằng gia đình cũng như công ty chúng tôi phải thực sự được quốc tế hóa.
Chúng tôi mở phòng trưng bày sản phẩm của Sony ở Paris vào năm 1971, ngay trên đại lộ Champs Elysées, đúng nơi tôi muốn. Trước đó, chúng tôi đã thành lập những chi nhánh Sony Hawaii, Sony Panama, Sony Anh. Chúng tôi cũng đàm phán và xây dựng phòng ghi âm CBS – Sony và thành lập một trung tâm nghiên cứu mới ở Nhật. Năm 1969, tôi cũng được mời làm thành viên Hội đồng Quốc tế của Công ty Bảo lãnh ủy thác Morgan. Công ty này nhận giữ các cổ phiếu ký gửi ở Mỹ (ADR) của Sony.
Khi chúng tôi quyết định đã đến lúc cần phải mở một nhà máy sản xuất ở Mỹ, đó không phải là một việc dễ dàng. Trở lại năm 1963, khi tôi sang sống ở Mỹ, một công ty hóa chất Nhật Bản đã quyết định mở một nhà máy tại Mỹ và tôi đã có cuộc trao đổi ý kiến với vị chủ tịch công ty này. Toàn văn cuộc trao đổi đã được đăng trên tờ tạp chí ra hàng tháng rất có uy tín ở Tokyo, tờ Bungei Shunju. Trong cuộc trao đổi đó, tôi cho rằng sẽ là một sai lầm khi mở nhà máy ở nước ngoài nếu chưa thiết lập được một hệ thống bán hàng và marketing, và chưa nắm vững được tình hình thị trường ở đó. Quan điểm của tôi là trước hết phải hiểu rõ thị trường, biết rõ phải xây dựng được lòng tin của mọi người vào công ty của mình rồi mới được quyết định xây dựng nhà máy. Và khi bạn đã hoàn toàn tin tưởng, thì bạn phải dành mọi tâm trí thực hiện công việc này.
Chỉ một vài năm sau đó, công ty hóa chất Sekisu đã bị buộc phải rút khỏi thị trường Mỹ. Họ không thể bán được sản phẩm như ý muốn và thấy cuộc cạnh tranh ở đó quá khắc nghiệt. Họ thất bại vì đã tiến hành công việc quá sớm khi chưa chín muồi.
Tôi luôn luôn quan tâm đến việc sản xuất tại chính nước Mỹ, nhưng tôi nhận thấy chỉ nên mở nhà máy ở đó khi đã nắm trong tay một thị trường rộng lớn, biết cách bán sản phẩm và triển khai các dịch vụ bảo hành cho các sản phẩm bán ra. Ngoài ra, chúng tôi có sẵn nguồn cung cấp trong nước. Thời điểm thuận lợi đã đến với chúng tôi vào năm 1971, khi khối lượng sản phẩm bán ra rất lớn và chúng tôi gửi bằng tàu biển ngày càng nhiều hàng điện tử sang Mỹ. Tôi bỗng nhận thấy tiền cước vận tải bằng tàu biển tính theo khối lượng. Còn bộ phận lớn nhất, nặng nhất trong máy ti vi là ống thu hình, và ống này chỉ là một vỏ thủy tinh bên trong là chân không. Chúng tôi phải trả khá nhiều tiền cho việc chuyên chở những ống chân không qua Thái Bình Dương, như vậy thì thật vô lý.
Ngoài ra, việc sản xuất tại một thị trường lớn còn mang lại nhiều lợi thế khác nữa. Đó là chúng tôi có thể sản xuất một cách có hiệu quả hơn tùy theo xu hướng thị trường và dễ dàng thích ứng các mẫu sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường. Lúc đó, người em rể tôi là Kazuo Iwama đã đưa ra một ý kiến rất hay. Là chủ tịch Chi nhánh Sony Mỹ và đang sống ở New York, Kazuo Iwama đã có công tìm kiếm các địa điểm điểm thích hợp để đặt nhà máy. Cuối cùng, chúng tôi đã đồng ý chọn địa điểm ở Rancho Bernado, một khu công nghiệp ở thành phố San Diego. Chúng tôi mở đầu bằng việc lắp ráp các linh kiện và bộ phận rời gửi từ Nhật sang, nhưng sau đó ít lâu, thì chỉ còn nhập từ các nhà máy của chúng tôi ở Nhật súng điện tử và vài mạch tổ hợp mà thôi. Để tăng tối đa số lượng vật liệu, linh kiện của Mỹ cho sản phẩm của mình, chúng tôi tìm cách mua tối đa các loại linh kiện chế tạo ở ngay nước Mỹ. Do đó, các máy của công ty chúng tôi được chế tạo ở Mỹ hầu như dùng toàn bộ linh kiện Mỹ, còn nhiều hơn chính các máy của các hãng nổi tiếng ở Mỹ mà hầu hết các bộ phận lại dùng các linh kiện chế tạo ở Viễn Đông và chuyên chở bằng tàu biển về Mỹ để lắp ráp. Một trong những điều lạ lùng trong tình hình hiện nay là hầu hết các ti vi Mỹ lại sử dụng đến 80% linh kiện Nhật Bản còn ngược lại, các ti vi của chúng tôi lại dùng hầu hết các linh kiện Mỹ.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.