Made In Japan: Chế tạo tại Nhật Bản

4.



Năm 1960, tôi cho mở một phòng trưng bày các sản phẩm của Sony ở quận Ginza của Tokyo, nơi khách hàng có thể xem và thử hàng mà không có người bán đứng bên cạnh thúc giục họ mua hàng. Phòng này đã trở thành một nơi được rất nhiều người ưa thích. Giá trị quảng cáo của phòng trưng bày này là rất lớn. Công ty Sony mới được thành lập, cho nên chúng tôi cần phải giới thiệu công ty đến đông đảo người dân Nhật Bản, cũng như chúng tôi sẽ phải giới thiệu cho người Mỹ và cho cả người châu Âu sau này nữa.
Có một phòng trưng bày ở New York trở thành một mục tiêu của chúng tôi. Tôi đã làm một cuộc khảo sát ở thành phố này và nhận định là đại lộ số Năm (Fifth Avenue) chính là nơi thuận tiện nhất để đặt phòng trưng bày, vì ở đó nhiều người giàu có thường lui tới mua hàng và tất nhiên họ có đủ khả năng mua những sản phẩm đắt tiền của chúng tôi. Tôi đi đi lại lại nhiều lần dọc theo đại lộ lớn này, nằm ở giữa khu Manhattan, nhìn những người qua lại và các cửa hiệu ở đó. Quang cảnh rất choáng lộn: Tiffany, Cartier, Sak’s Fifth Avenue, Bergdorf-Goodman. Tôi thu hẹp sự quan sát vào khu đông của đại lộ số Năm vào khoảng giữa số nhà 54 và 46, vì có lẽ đây là khu sang trọng nhất của phố.
Trong khi tôi đang ra sức tìm thuê một địa điểm thuận tiện ở tầng một, tôi nhận thấy ở đây có treo cờ của nhiều quốc gia trừ cờ Nhật Bản. Tôi quyết định là khi mở phòng trưng bày, chúng tôi sẽ là người đầu tiên treo lá cờ Nhật Bản trên đại lộ số Năm này.
Thế mà cũng phải mất đến hai năm, tôi mới tìm được một địa điểm thích hợp. Địa điểm mà tôi thuê hơi chật hẹp, nhưng tôi tự tay thiết kế nội thất và làm cho mọi người có cảm giác là phòng khá rộng bằng cách đặt gương ở một bên tường. Trong khi tiến hành sắp xếp phòng trưng bày và cố nắm bắt nhịp sống Mỹ, tôi nảy ra ý nghĩ là nếu muốn hiểu được cuộc sống ở Mỹ và giúp Sony làm ăn phát đạt trên thị trường rộng lớn này, chúng tôi cần phải làm nhiều hơn nữa chứ không phải chỉ lập công ty của mình trên đất Mỹ. Và muốn thế, tôi cần mang cả gia đình mình sang Mỹ để làm quen với cuộc sống nơi đây. Trước đó, tôi sống và làm việc có một mình ở New York và quen biết nhiều người, nhưng tôi biết rằng nếu có gia đình ở Mỹ, tôi sẽ thuận lợi hơn vì bất cứ ở đâu, trong các buổi chiêu đãi hay sinh hoạt câu lạc bộ, tôi cũng thấy người Mỹ đem gia đình cùng dự. Nhiều giấy mời ghi rõ là mời cả ông bà Morita và tôi được biết là người đàn ông đi một mình sẽ làm cho bà chủ nhà khó xử. Tôi hiểu nếu sống cả gia đình ở Mỹ, chúng tôi sẽ có cơ hội tìm hiểu và nắm bắt tốt hơn đời sống thực của người dân Mỹ.
Tôi suy nghĩ nhiều về ý định này và dần dần, tôi càng tin rằng cần mang cả gia đình sang Mỹ. Mỹ là một nước tiến bộ và nhân dân Mỹ rất cởi mở. New York đã trở thành một trung tâm giao dịch quốc tế. Tháng Mười năm 1962, khi khai trương phòng trưng bày sản phẩm của công ty Sony, tôi đã đưa Yoshiko vợ tôi sang New York. Khi lễ khai trương đang diễn ra rất sôi nổi, tôi thấy đã đúng lúc và nói thẳng với vợ tôi: “Này Yoshiko, chúng ta sẽ chuyển đến sống ở New York. Vợ tôi rất hiểu tôi nên cô không tỏ vẻ ngạc nhiên và bị bất ngờ trước ý kiến này. Là một người sinh ra và lớn lên tại thành phố Tokyo, cô hoàn toàn dễ dàng chuyển đến ở một thành phố lớn khác mà không cảm thấy bị bỡ ngỡ, xa lạ về lối sống và cách sinh hoạt, mặc dù vợ tôi hoàn toàn chưa nói được tiếng Anh.
Vợ tôi đã cố gắng thực hiện tốt kế hoạch chuyển gia đình và đã làm nhiều việc khiến mọi người kinh ngạc, thậm chí còn lập ra ngành kinh doanh riêng sau khi chuyển nhà. Tôi biết cô có thể quản lý được công việc này vì nhiều khi phải ở Tokyo một mình trong lúc tôi đi vắng, cô không những lo toan mọi công việc gia đình và chăm sóc tốt con cái mà còn làm công việc liên lạc và giúp việc cho tôi nữa. Tôi vẫn thường nhờ vợ tôi làm công việc chuyển thư từ và thông báo tin tức cho văn phòng Sony và cho nhiều nơi khác và thường xuyên hỏi ý kiến cô về công việc kinh doanh.
Ở Mỹ, mọi việc tất nhiên không giống như ở Nhật, nhưng tôi tin tưởng với tính cách và sự quyết tâm của mình, Yoshiko chắc chắn sẽ thành công. Bây giờ, vợ tôi có khá nhiều bạn bè ở nước ngoài vì sẵn có khả năng thích nghi với hoàn cảnh mới và dễ dàng làm quen với những con người mới, và hơn nữa, cô còn có phong cách của một nhà ngoại giao không chính thức. Và tôi tin là càng đáng khen ngợi hơn nữa vì Yoshiko lớn lên không có ước vọng đi nước ngoài hay quan tâm lắm đến nước ngoài, dù cô nấu các món ăn Pháp khá ngon. Cô sinh trưởng trong một gia đình dòng dõi samurai có nghề in và bán sách vào cuối thời kỳ Tokugawa. Gia đình cô lập ra một dây chuyền lớn các cửa hàng sách. Công ty Sanseido hiện nay chuyên xuất bản các từ điển ngoại văn loại thu nhỏ, là do sáng kiến của ông bố cô. Các từ điển thu gọn này rất được ưa chuộng trong giới sinh viên và học sinh trung học.
Thời con gái, Yoshiko là người rất năng nổ. Gia đình cô ở Tokyo không khác mấy với gia đình tôi ở Nagoya, với nhiều người giúp việc và họ hàng, các chị em gái và một anh trai lúc thì vui đùa, lúc thì cãi cọ. Cô nói là suốt ngày, nhà cô đều bàn việc kinh doanh, cũng giống như trong gia đình tôi. Hồi còn nhỏ, cô chỉ hai lần đi xa sang phía tây, xa nhất là khu nghỉ mát Hakone, gần đỉnh Phú Sĩ. Hồi mới quen nhau, năm 1951, cô bảo cô cứ tưởng quê tôi, thành phố Nagoya nằm ở rất xa về phía tây, chỉ như đâu đó bên ngoài khu cảng. Ông bố cô hay mặc âu phục và lịch lãm. Ông thích đưa cả gia đình đi ăn tối ở nhà hàng. Một trong những nhà hàng họ ưa thích nhất là quán New Grand ở Ginza. Cha mẹ tôi cũng đã có lần đưa tôi đến đây ăn. Về sau, cả tôi và Yoshiko phát hiện ra là cả hai, từ lúc bé, đã rất nhớ ngọn đèn hiệu huỳnh quang lớn màu xanh và đỏ treo trên nóc nhà hàng này.
Hai cậu con trai Hideo và Masao và cô con gái Naoko của chúng tôi thấy cách sống ở Mỹ khá xa lạ và khó khăn nhưng chúng hãy còn bé và tất nhiên sẽ nhanh chóng làm quen và thích nghi với cái mới. Hideo lên mười, Masao lên tám và bé Naoko mới lên sáu. Tôi nghĩ rằng đây sẽ là một kinh nghiệm tốt cho chúng bởi ai cũng gặp khó khăn ở bước khởi đầu.
Khi trở về Tokyo, lbuka tỏ vẻ nghi ngại. Ông không muốn tôi chuyển sang Mỹ vì tôi là Phó Chủ tịch điều hành công ty mà lại ở quá xa thì không có lợi cho công việc chung. Tôi phải thuyết phục ông hai tháng một lần, tôi sẽ trở về Nhật và ở lại Tokyo ít nhất một tuần mỗi lần. Hơn nữa, tôi rất thích gọi điện thoại, cho nên tôi vẫn có thể luôn luôn liên lạc với ông bất kỳ lúc nào cần thiết. Cuối cùng, ông cũng đồng ý và tôi bắt tay ngay vào thực hiện kế hoạch. Tôi biết là các chuyến bay của tôi qua Thái Bình Dương sẽ không giảm được nhiều, và từ nhiều tháng trước, tôi đã thôi không đếm số lần tôi bay qua Thái Bình Dương, khi đó đã lên tới con số 135.
Tại New York, các nhân viên của Sony đã tìm cho gia đình tôi một căn hộ có đầy đủ tiện nghi. Đó là nơi ở của nhạc công chơi vĩ cầm nổi tiếng Nathan Milstein tại tầng ba số nhà 1010 thuộc đại lộ số Năm, đối diện với Bảo tàng Nghệ thuật ở Phố 82. Nathan Milstein quyết định sang sống ở Paris trong hai năm nên cho thuê lại toàn bộ căn hộ ông đang ở cùng với mọi đồ đạc. Giá thuê khá cao, hoặc ít nhất cũng cao so với túi tiền của người Nhật vào thời bấy giờ:

12.000 đô la một tháng nhưng được sử dụng toàn bộ đồ đạc. Căn hộ hóa ra cũng tốt: địa điểm tốt và chúng tôi không cần phải chuyển đồ đạc sang hoặc phải trang trí gì thêm. Gu trang trí của Milstein là quá đủ cho chúng tôi và chúng tôi có thể dọn ngay đến để ở. Căn hộ này có tất cả 12 phòng, thật là một lâu đài đối với người Nhật vì chúng tôi đã quen ở chật. Có 4 phòng ngủ cộng thêm các phòng cho người phục vụ, một phòng khách lớn, một phòng ăn riêng và một phòng dùng làm kho, tất cả đều rộng, được trang trí rất đẹp và đầy đủ mọi tiện nghi cần thiết. Buổi tối, khi đèn của bảo tàng được thắp chiếu sáng cả bề mặt nhà thì chúng tôi có cảm giác như đang sống ở Paris hoa lệ dù New York rất quyến rũ đối với tôi. Tôi đến nơi ở mới vào tháng Tư nhưng vì mấy đứa trẻ đang học dở nên cả gia đình chỉ thật sự sống ở nơi mới kể từ tháng Sáu năm đó. Tuy lúc đầu phải ở đó một mình nhưng tôi không cảm thấy đơn độc vì rất bận việc, tôi phải đến văn phòng công ty hàng ngày bằng xe buýt, phải chen vai thích cánh với những người dân New York, nghe họ trò chuyện, chú ý các thói quen của họ như một nhà xã hội học. Tôi cũng phải đi chào hàng ở nhiều nơi, đến thăm hỏi khách hàng và khi có thời gian rảnh rỗi, tôi vội đến các trường học ở khu Manhattan để tìm chỗ học cho các con tôi.
Sam Hartwell, nhân viên của công ty Smith Barney là người đã giúp tôi rất đắc lực trong việc tìm kiếm chỗ học cho các con tôi. Ông cũng có con đang học trong thành phố và biết rõ khu vực này nên đã cho tôi khá nhiều lời khuyên có giá trị, thậm chí ông còn thu xếp các cuộc gặp và đôi khi cùng đi với tôi đến các trường học. Tôi đã đi hỏi đến 20 trường để tìm nơi thích hợp chịu nhận ba đứa trẻ Nhật chưa biết chữ tiếng Anh nào. Tôi muốn tìm được một trường nào đó chịu nhận các con tôi vào học ít nhất cũng hai năm, đó là thời gian mà lúc đầu tôi dự kiến sẽ ở Mỹ. Nhìn chung, các trường đều không muốn nhận vì đa số các trường này đều ít nhiều bị ảnh hưởng bởi truyền thống châu Âu. Cuối cùng, ông hiệu trưởng trường St. Bernard nói vì muốn mở rộng tính chất quốc tế của trường nên đồng ý nhận hai con trai của tôi vào học. Tôi cũng tìm cho Naoko, con gái tôi, một chỗ học ở trường Nightingale Bamford. Khi vấn đề trường học cho các con tôi được giải quyết xong, tôi bắt đầu cảm thấy yên tâm hơn với kế hoạch chuyển gia đình sang Mỹ.
Sau đó, chúng tôi phải báo cho bọn trẻ biết rồi tôi bay trở lại Tokyo để đưa cả gia đình đến khách sạn Palace, nơi tôi thuê một dãy buồng đầy đủ tiện nghi để nghỉ cuối tuần. Đó là năm 1963 và thành phố này đang chuẩn bị sẵn sàng để đón kỳ Olympics mùa hè năm 1964: xây dựng một hệ thống tàu tốc hành, rất nhiều khách sạn và phương tiện công cộng mới. Cả gia đình tôi rất phấn khởi được ở trong một khách sạn mới nhất của Tokyo tại thời điểm sôi động này. Hai đứa con trai rất nhớ căn hộ này rất tiện nghi và hiện đại vì đó là lần đầu tiên, chúng được sống trong một khách sạn kiểu phương Tây còn Hideo rất khoái một điều là cậu không phải cởi giày ở cửa buồng. Đêm thứ bảy đó, cả nhà ăn một bữa lớn tại nhà hàng Crown sang trọng trên tầng thượng lịch lãm, trông xuống toàn cảnh lâu đài Hoàng gia. Sau đó, khi trở về phòng ở, tôi thông báo tin cả nhà sẽ chuyển sang sống tại Mỹ cho ba đứa trẻ biết. Tôi hứa sẽ cho chúng tới thăm khu Disneyland trên đường sang New York. Bọn trẻ không hình dung được rồi chúng sẽ thế nào, nhưng Masao, tám tuổi, thì rất sốt sắng. Sau này, cậu bảo vì tất cả các phim phương Tây chiếu trên truyền hình đều lồng tiếng Nhật nên tưởng ở Mỹ, mọi người cũng đều nói tiếng Nhật. Hideo, nhiều tuổi hơn, thì không phấn khởi lắm về chuyến đi vì không muốn xa bạn bè. Tuy nhiên, chúng tôi có tới thăm Disneyland và trú tại một khách sạn ở ngay công viên cho trẻ con dạo một vòng trước khi đi tiếp đến New York. Tất cả chúng tôi vẫn giữ những kỷ niệm đẹp về chuyến đi này.
Tôi hoàn toàn hiểu rõ sự chia ly, xa rời họ hàng bà con và đất nước là một điều hết sức khó khăn đối với mọi người trong gia đình, nhưng tôi hoàn toàn tin vào thuyết hòa đồng nên chỉ một tuần lễ sau khi gia đình tôi đến New York, tôi cho các con đến nghỉ tại khu trại Winona thuộc tiểu bang Maine. Tôi cho rằng ở đó các con tôi sẽ mau chóng làm quen với lối sống Mỹ. Nội quy của trại không cho phép vợ chồng chúng tôi được đến thăm con trong hai tuần lễ đầu tiên, như thế sẽ buộc chúng phải tự lập và nhanh chóng điều chỉnh để thích nghi với cuộc sống mới.
Khi chúng tôi đã để các con ở lại trại, tôi khuyên vợ tôi nên học lái xe ô tô và thi lấy bằng lái xe ở Mỹ, vì ở đây, mọi người đều phải tự mình lái xe lấy. Hơn nữa, cô rồi cũng sẽ có việc cần phải đi một mình. Các con trai thì ở trại ở tiểu bang Maine (con gái Naoko của chúng tôi sau đó cũng được chuyển đến một trại trẻ ban ngày ở khu Manhattan), và bởi vì tôi cũng rất hay phải vắng nhà, nên vợ tôi tất nhiên phải tự mình lo liệu đi đây đó một mình. Tôi thấy chúng tôi nên đi thăm bè bạn ở ngoại ô và đi nghỉ cuối tuần. Chuẩn bị cho cuộc kiểm tra viết để thi bằng lái xe, vợ tôi hết sức lo lắng vì trình độ tiếng Anh còn hạn chế cho nên cứ học thuộc những tài liệu kiểm tra trong đó có khoảng 100 câu hỏi về luật đi đường dù chẳng hiểu nhiều lắm. Yoshiko đã vượt qua kỳ thi rất dễ dàng, nhưng chúng tôi phải mượn một chiếc Volkswagen cho cô vì chiếc Cadillac của tôi là xe tự động, mà cô không thấy thoải mái khi lái chiếc xe tự động.
Yoshiko thường hay nhắc đến việc trước kia, khi chúng tôi mới lấy nhau năm 1951, tôi có yêu cầu cô phải thi lấy bằng lái xe tuy rằng thời đó rất ít phụ nữ Nhật muốn tự mình lái. Do đó, vợ tôi đã tỏ ra có khá nhiều kinh nghiệm khi lái xe ở New York. Công ty Sony của chúng tôi ở Mỹ đang mở rộng, nên rất nhiều kỹ sư và nhân viên đã phải từ Tokyo bay sang New York làm việc hoặc đi thăm, nên Yoshiko rất có giá trị đối với họ. Nhiều lúc, một khách Nhật Bản bị ốm, không quen thức ăn lạ hoặc cần sự giúp đỡ do lạ nước lạ cái, thì đã có Yoshiko giúp đỡ.
Căn hộ của vợ chồng chúng tôi trở thành một phòng thí nghiệm điện tử, ở đó, các kỹ sư công ty xem xét và thử nghiệm ti vi của các hãng cạnh tranh với Sony. Máy vô tuyến, các phụ kiện la liệt khắp nơi và người Nhật ra vào suốt ngày. Khi các giám đốc điều hành từ Tokyo đến, Yoshiko được giao nhiệm vụ lái xe đi đón họ ở sân bay Kenedy, khi đó vẫn mang tên ldlewild. Đôi khi, do thời tiết xấu hoặc vì lý do nào đó, chuyến bay phải chuyển đến sân bay Newark, và Yoshiko lại phải lái xe từ ldlewild đến New Jersey để đón khách. Trong khu Manhattan, cô thường lái xe cho chúng tôi đến các cuộc họp ở trung tâm thành phố, đến phố Wall hoặc bất cứ nơi nào khác chúng tôi cần. Nhiều lúc cô còn phải lái xe cho một kỹ sư đi khắp vùng ngoại ô để kiểm tra độ nhạy của radio F.M. của chúng tôi, tức là để xem làn sóng phát được bao xa ở các hướng từ trung tâm Empire State Building.
Đối với các con trai tôi, cuộc sống ở một trại hè thật khó khăn trong thời kỳ đầu. Không có đứa trẻ Nhật Bản nào ở đó nên chúng bị phân vào những nhóm khác nhau và ngủ trong những lều khác nhau. Giám đốc trại đã mua một cuốn từ điển Anh – Nhật để học một vài từ tiếng Nhật nói với bọn trẻ cho chúng khỏi cảm thấy xa lạ. Về sau, chúng tôi nghe nói ban đêm bọn trẻ có khóc lóc chút ít, nhưng đấy là điều dễ hiểu. Chúng tôi đã viết sẵn cho chúng một mảnh giấy ghi “nhớ gọi giúp cha tôi”, để khi đột xuất có việc cần thì sử dụng, nhưng chúng không lần nào phải dùng đến. Tôi thật sự cảm thấy lo lắng và bất an nhưng tôi nghĩ việc này sẽ có ích cho chúng. Hôm đầu tiên đưa chúng đến trại rồi ra về, cả Yoshiko và tôi đều không cầm được nước mắt.
Masao nói với tôi là nó cứ bắt chước bọn trẻ khác làm mọi việc ở trại chứ thực ra không biết và không hiểu gì cả. Tại Trại Winona, bọn trẻ được quyền lựa chọn tuỳ thích, chứ không như các trại hè ở Nhật, nơi mọi người phải theo cùng một chương trình. Masao bắt chước theo đa số. Vì hai con trai tôi ở độ tuổi khác nhau, nên Hideo ở khu trẻ lớn, còn Masao ở khu trẻ nhỏ và chúng chỉ gặp nhau vào giờ ăn trưa. Hai đứa trẻ Nhật Bản không biết tiếng Anh cũng tìm cách học chơi bóng chày, bơi lội và trèo lên những hòn núi đá cùng với các trẻ em Mỹ nói một thứ tiếng Anh rất khác, đó là thứ tiếng lóng Mỹ. Cả hai đều mau chóng thích nghi với cuộc sống ở trại cùng với các trẻ em khác. Tôi và vợ tôi cố gắng đến thăm chúng đều đặn vào cuối tuần. Hideo là đứa rất háu ăn, nó khoái các khẩu phần lớn, những miếng dưa hấu to và nước quả. Masao không vui vẻ bằng, nhưng đến lúc trở lại trại hè năm sau, cậu vẫn sẵn sàng đi tuy lúc chia tay cũng hơi bối rối.
Bọn trẻ học được tính độc lập và phong cách Mỹ, đó là điều rất có lợi cho chúng. Chúng cảm nhận được những sự khác biệt giữa người Mỹ và người Nhật, chúng cảm thấy tự hào về đất nước của mình và trân trọng lá quốc kỳ. Chúng cũng cảm thấy phấn khích khi hát quốc ca Mỹ và chào cờ vào các buổi sáng.
Sau này, khi chúng tôi xây được một ngôi nhà mới ở Tokyo, chúng tôi cũng cho dựng một cột cờ ở sân nhà và sáng nào mấy đứa trẻ cũng kéo lá cờ Nhật lên đỉnh cột cờ. Cho đến lúc chúng phải ra nước ngoài để tiếp tục học, chúng vẫn muốn kéo lá cờ Nhật Bản. Tất cả các nhà máy của công ty Sony ngày nay đều treo cờ Nhật Bản, cờ công ty và cờ của nước chủ nhà. Cũng giống như các vận động viên tại Thế vận hội Olympics, chúng tôi cũng là một đại diện cho nước Nhật Bản và đã giương cao cờ tổ quốc một cách hết sức tự hào.
Con bé Naoko hãy còn quá ít tuổi nên năm đó chưa thể đến ở một trại hè được, và chúng tôi đã gửi nó tới trại trực ban ngày ở Beachwood trong thành phố New York. Nó làm quen với nếp sống mới rất mau chóng với một khả năng thích nghi hiếm đứa trẻ nào có được. Sau khi học xong lớp một ở New York, cô bé có vẻ đã sẵn sàng đi trại hè và nó cũng thích đi sau khi nghe các anh trai kể chuyện về trại Winona. Năm sau, khi cháu ở trại được hai tuần, chúng tôi có đến thăm, cô bé đã dẫn chúng tôi xuống hồ và tự chèo thuyền đưa chúng tôi đi chơi một vòng với vẻ rất kiêu hãnh về tài năng của mình. Sau đó, khi tôi hỏi cháu ở đây thế nào, cháu bảo ban đêm thấy rất bơ vơ lúc đèn tắt hết, và cháu có khóc. Để yên tâm hơn, cháu bật đèn pin trong chăn. Vì thế, số tiền tiêu vặt chúng tôi cho cháu đã dùng hết để mua pin ở cửa hàng trong trại.
Hai cậu con trai từ Maine trở về sau mùa hè đầu tiên được hưởng không khí trong lành và sảng khoái. Điều đầu tiên chúng nhận xét và phàn nàn về New York là mùi các ống xả và khói ở thành phố. Khi học kỳ một bắt đầu, thoạt tiên các học sinh ở trường St. Bernard nhìn mấy đứa một cách tò mò. Chúng không đọc được tên bọn trẻ. Hideo nói lại là hầu hết bọn bạn ở lớp gọi nó là “High- dee”. Sau này, khi học tại trường nội trú ở Anh, bạn bè gọi chúng là Joe, tức là gọi tắt từ Tojo, cái tên gọi tiếng Nhật duy nhất mà có lẽ chúng được nghe thấy. Masao nhớ lại là cậu rất bối rối vì vốn từ tiếng Anh hạn chế mà lại phải dùng tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai để học tiếng Pháp là ngôn ngữ thứ ba.
Còn tiếng Anh của Yoshiko thì lúc đầu cũng rất tệ hại nhưng cô đã cố gắng quyết tâm học cách sử dụng và lắng nghe rồi nhanh chóng có bè bạn. Khi tôi đi vắng, và khi cô không quá bận rộn với việc công ty, cô cũng đưa bọn trẻ đi trượt tuyết ở Catskills hay đi thăm bạn bè tôi ở ngoại ô New York. Vào cuối tuần, khi tôi có mặt ở New York, đôi khi chúng tôi cũng đi dã ngoại, vợ tôi làm người dẫn đường đưa chúng tôi đi. Vợ tôi cũng rất giỏi về mặt tiếp khách, chuẩn bị chu đáo các bữa tiệc mời khách mặc dù chỉ có sự giúp đỡ của một người giúp việc mà chúng tôi đem theo từ Nhật. Trong thời gian ở New York, chúng tôi chiêu đãi tại nhà hơn 400 lượt khách và Yoshiko thành thạo đến mức khi trở về Nhật, cô đã viết một cuốn sách nhan đề Những suy nghĩ của tôi về những buổi chiêu đãi khách. Cuốn sách nhỏ này lập tức được rất nhiều người hâm mộ tìm đọc và hiện nay còn được coi là một tài liệu tham khảo cho bất kỳ người Nhật nào muốn chiêu đãi người ngoại quốc hoặc tới dự tiệc ở nhà người nước ngoài. Hiện nay, việc người Nhật mời khách nước ngoài đến ăn cơm với gia đình vẫn chưa phổ biến nhưng đối với những người có kinh nghiệm giao dịch quốc tế, lại có nhà cửa tiện nghi hơn mức trung bình một chút thì việc đó ngày càng thường xuyên hơn.
Yoshiko lúc đầu gặp khá nhiều khó khăn khi được vợ các nhà kinh doanh Mỹ hoặc người quen khác mời đến ăn trưa tại nhà. Cả hai chúng tôi chỉ có một phiên dịch nam và Yoshiko cảm thấy không tiện khi đưa người phiên dịch này đi cùng đến các buổi chiêu đãi của nữ giới. Ở Nhật, đàn ông không bao giờ đưa vợ theo trong các buổi chiêu đãi ngoài trời do giới kinh doanh tổ chức, còn vào các dịp khác khi có cả vợ lẫn chồng thì vợ chồng bao giờ cũng ngồi cạnh nhau. Nhưng ở phương Tây, chủ nhà thường ngồi bên trái vị phu nhân của khách mời, và thường là khá xa người chồng. Trong những trường hợp này, Yoshiko cảm thấy khá lúng túng và không biết nên ăn nói thế nào, cho nên cô càng cảm thấy phải tự học cách giao tiếp.
Trong cuốn sách Yoshiko đã nói về sự can đảm của mình khi sống ở nước ngoài khi phải đi dự các cuộc chiêu đãi và tiệc tùng trong khi vốn tiếng Anh lại quá nghèo nàn, nhưng thấy tại đó các phụ nữ người Pháp và Tây Ban Nha nói tiếng Anh cũng không hơn gì mình. Vợ tôi đã đưa ra nhiều lời khuyên thực tế rất bổ ích. Ví dụ, như cô khuyên phụ nữ Nhật không nên mặc kimono tại những nơi chiêu đãi thông thường: “Một bữa chiêu đãi thường được tổ chức với mục đích là làm cho mọi người có mặt ở đó được gần gũi và bình đẳng với nhau trong một bữa tiệc và nói chuyện vui vẻ. Nếu tất cả mọi người đều trang phục giản dị giống nhau thì sự hài hòa sẽ tăng thêm. Nhưng ngược lại, nếu có ai đó ăn mặc quá lộng lẫy hoặc mặc một loại quần áo khác thường, thì điều đó sẽ làm cho người khác cảm thấy xa lạ, khó chịu và cả buổi chiêu đãi sẽ kém phần thân mật và gần gũi.
Yoshiko đã học cách tiếp khách cho lịch sự nhưng đơn giản và làm cho khách cảm thấy thoải mái. Yoshiko nhận thấy ở Nhật, một số khách nước ngoài rất lo ngại về khả năng được mời ăn một bữa cơm Nhật dùng đũa, mặc dù chúng tôi có một ngôi nhà hiện đại, theo kiểu phương Tây. Khi chúng tôi có một người khách như vậy, cô luôn mở cửa phòng ăn từ sớm khi chúng tôi đang uống cốc-tai, để khách nhìn thấy bàn ăn được bày biện với các đồ ăn kiểu phương Tây. Cô còn giữ các danh sách khách đã đến thăm chúng tôi để ghi lại thời gian và sở thích của họ. Ví dụ danh sách ghi rằng ca sĩ giọng nam trung người Đức Dictrich Fischer Dicskau chỉ thích thịt nướng, còn mẹ nghệ sĩ dương cầm Andre Watts không thích ăn cá, và nhạc trưởng Leonard Bernstein thì thích món Sushi và Sashimi v.v…
Những người Mỹ quen biết đều thích phong cách của Yoshiko, nhưng điều này nhiều lúc lại làm người Nhật khó hiểu, cũng giống như tính cách của tôi, tức là hơi bộc trực quá so với nhiều người Nhật bình thường. Một hôm, ở New York, một người bạn tôi là nhà thiết kế thời trang lssey Miyake, nói với tôi là anh ta rất lo ngại vì Yoshiko và Diana Vreeland, người chủ bút tạp chí thời trang và cũng là bạn của anh ta, đã có một cuộc tranh luận gay gắt. Ngay sau đó, Diana gọi điện thoại hỏi Yoshi, như mọi người vẫn từng gọi cô. Cuộc tranh luận đó thế nào? Nhưng đó không phải là xung đột mà chỉ là bất đồng ý kiến rất thường xảy ra giữa những người phương Tây, nhưng người Nhật thì lại cố tránh. Hơn nữa, tranh luận bằng tiếng Nhật là điều rất khó do cấu trúc và đặc điểm của ngôn ngữ Nhật và bao giờ người ta cũng phải nói năng nhẹ nhàng, khéo léo và chỉ có thể nói bóng gió trừ khi cực kỳ căng thẳng. Phần lớn người Nhật, khi nghe người phương Tây tranh luận, thường cứ tưởng là họ cãi cọ với nhau nghiêm trọng lắm.
Yoshiko rất quan tâm đến thời trang. Qua các bạn bè quen biết ở New York, cô sưu tầm được những mốt mới nhất và đưa về giới thiệu ở Nhật Bản. Sử dụng một máy ghi video loại mới nhất là U-matic của chúng tôi, cô đã phỏng vấn những nhà thiết kế thời trang như Bin Blass, Oscar de la Renta, Perry Ellis (đã mất) và nhiều người khác nữa và thu hình qua máy video những mẫu thời trang mới nhất của họ. Khi vợ chồng chúng tôi trở về Nhật Bản, Yoshiko phụ trách phần trưng bày các mốt thời trang mới trên truyền hình trong khoảng 10 năm. Để làm tốt công việc này, vợ tôi phải thường xuyên tới thăm các trung tâm trưng bày các mốt mới ở nhiều nước làm các cuộc phỏng vấn về cách ăn mặc hợp thời trang để sau đó giới thiệu cho dân chúng Nhật. Phải nói rằng thời bấy giờ nước Nhật còn quá lạc hậu về cách ăn mặc và mốt quần áo chứ chưa được như ngày nay là nước dẫn đầu thế giới về các mốt quần áo hợp thời trang.
Mặc dù vợ chồng chúng tôi dự định sẽ ở hai năm tại New York nhưng chúng tôi đã phải trở về nước sớm hơn dự kiến vì cái chết đột ngột của cha tôi. Sau chiến tranh, cha tôi đã miễn cho tôi trách nhiệm đối với sự nghiệp kinh doanh của gia đình nhưng không phải vì thế mà tôi có thể từ bỏ vai trò là con trưởng và bây giờ là Morita, người đứng đầu gia đình và người thừa kế cơ đồ của cha tôi để lại. Vì thế, tôi phải trở về Nhật Bản ngay lập tức còn Yoshiko ở lại thu dọn ngôi nhà trong vòng một ngày, rồi đến ngay trại Winona đón các con về New York và làm mọi việc cần thiết để bay về nước sau một tuần nữa. Các con tôi lúc đó đã bắt đầu quen với lối sống ở trại, nên chúng cảm thấy buồn khi phải xa bạn bè và xa nước Mỹ, chúng nói đã quen với nước Mỹ và coi như ở nhà. Ban đầu, bọn trẻ theo học một thời gian ở Nhật Bản, rồi sau đó, tôi đã tìm được một chỗ học cho chúng ở nước ngoài, Hideo và Masao được gửi sang học ở Anh còn Naoko sang Thụy Sĩ.
Sự qua đời của một người thân trong gia đình thường làm cho ta nhìn lại cuộc sống và nghĩ tới tương lai của gia đình mình. Đối với các con tôi, tôi cảm thấy nền giáo dục sau chiến tranh ở Nhật Bản vẫn còn thiếu tính kỷ luật. Các thầy giáo, trừ những trường hợp đặc biệt, không còn được tôn trọng như trước và họ cũng không có được một địa vị xứng đáng trong xã hội như xưa nữa.
Công đoàn ngành giáo dục thuộc cánh tả và các loại áp lực khác đã làm giảm chất lượng giáo dục và học sinh chỉ học vẹt để đi thi.
Khi tôi còn học ở trường trung học, kỷ luật thời đó hết sức nghiêm ngặt; chúng tôi không những phải học thể dục mà còn học cả những quy định về đạo đức khác. Các lớp học của chúng tôi về mùa đông rất lạnh nhưng trong phòng không hề có lò sưởi, và chúng tôi cũng không được phép mặc thêm áo khoác ngoài khi ở lớp. Hồi còn phục vụ trong hải quân, sáng nào chúng tôi cũng phải chạy bộ một quãng dài trước khi ăn điểm tâm, nhưng đợt huấn luyện gian khổ ấy cũng chỉ kéo dài có 4 tháng. Thời kỳ ấy, tôi không hề nghĩ rằng mình khỏe mạnh, nhưng sau cùng, dưới sự rèn luyện nghiêm khắc đó tôi đã không còn là một người ốm yếu nữa. Chính sự nhận biết về khả năng của bản thân đã mang lại cho tôi lòng tự tin mà trước đó tôi không hề nghĩ tới. Về trí lực cũng vậy, nếu không bị ép buộc phải dùng đến trí óc, người ta sẽ cảm thấy lười suy nghĩ và sẽ không phát huy hết được tiềm lực của chính mình.
Khi ra nước ngoài công tác, tôi nhận thấy ở Anh hiện nay vẫn có một số trường học áp dụng hình thức kỷ luật nghiêm ngặt như vậy, còn các trường ở Mỹ vẫn để học sinh quá tự do. Về phần mình, tôi đã rất nỗ lực học tiếng Anh. Tôi biết rằng trong tương lai thế giới sẽ ngày càng nhỏ lại, máy bay sẽ lưu chuyển nhanh hơn và giao lưu hợp tác sẽ không ngừng mở rộng. Vì thế tôi luôn muốn con cái mình biết dùng tiếng Anh và học cách làm việc dưới chế độ kỷ luật nghiêm ngặt.
Tôi đã nghĩ đến điều này kể từ chuyến đi Mỹ và châu Âu lần đâu tiên cách đây 11 năm. Trong chuyến đi đó, khi rời Mỹ sang thăm các nước châu Âu, tôi đã rất dè dặt trong việc sử dụng tiếng Anh. Nhưng khi bắt đầu đặt chân lên
châu Âu, tôi nhận thấy nhiều người trong đoàn, những người đến từ Mỹ hay các nước khác cũng không nói được tiếng của những nước châu Âu. Không những vậy, nhiều người trên tàu cùng đi với tôi còn không nói được bất cứ thứ tiếng nào khác, hoặc nói tiếng Anh không tốt bằng tôi. Hóa ra, việc không nói thạo được một thứ tiếng, chẳng hạn là tiếng Đức, đã khiến tất cả những người chúng tôi đều như nhau.
Vì vậy, tôi mạnh dạn sử dụng vốn tiếng Anh mà tôi được học ở trường cao đẳng, cộng với một chút tiếng Đức, tiếng Pháp, và tôi chợt nhận ra là tôi có thể giao tiếp được với người khác. Và gần như tất cả mọi người trên chuyến tàu đó đều có chung vấn đề về ngôn ngữ, nên cuối cùng chúng tôi dùng tiếng Anh để trò chuyện với nhau. Mặc dù tiếng Anh của tôi chưa được tốt nhưng cũng đủ hiểu và có thể chấp nhận được. Và khi tôi trở về New York sau chuyến đi thăm châu Âu, mọi người khá ngạc nhlên khi thấy tôi nói được tiếng Anh. Anh bạn Nhật của tôi, anh Shido Yamada, người vẫn thường làm phiền dịch cho tôi khi tôi phải hoàn tất hợp đồng chuyển nhượng giấy phép trước khi rời châu Âu, cũng hết sức ngạc nhiên. Trước khi rời Mỹ sang châu Âu, tôi chỉ toàn nói chuyện với anh ta bằng tiếng Nhật; và trong các cuộc thương lượng khác cũng thế. Vậy mà chỉ sau một tháng, tôi đã có thể nói được tiếng Anh. Shido cho rằng tôi đã phải học tiếng Anh trong suốt chuyến thăm các nước không nói tiếng Anh ở châu Âu. Tôi đã phải giải thích với anh rằng, đó chỉ là vấn đề có đủ tự tin hay không mà thôi, và chuyến đi thăm châu Âu đã mang lại cho tôi sự tự tin đó.
Khi tôi tìm một trường dự bị cho đứa con lớn, Hideo, nhiều người bạn Anh của tôi đã khuyên tôi nên cho cháu học ở trường dự bị thuộc Cao đẳng Atlantic. Tôi đã thử cho Hideo đến đăng ký nhưng không được vì cháu lớn hơn mức quy định một tuổi. Vậy là từ Mỹ trở về, chúng tôi đã quyết định cho các con học lại một năm ở Nhật để đảm bảo cho các cháu thực sự thạo tiếng mẹ đẻ và có kiến thức lịch sử vững vàng.
Sau đó, vợ chồng tôi đã ở Anh một thời gian khá dài để cố gắng tìm một trường cho Hideo, lúc này cháu cũng đang học năm thứ hai trung học.
Yoshiko, vợ tôi tỏ ra rất tháo vát. Cô ấy thường cùng đi với vợ một ủy viên chấp hành công ty có trụ sở tại Anh tên là Midori Namiki, một gương mặt truyền hình khá nổi tiếng trong vai trò người dẫn chương trình kênh dành cho thiếu nhi “Romper Room”.
Thật buồn cười là Midori và chồng là Masa Namiki lại cùng đi giúp chúng tôi tìm trường ở Anh. Khi chúng tôi đang phát triển hệ ti vi mầu Chromatron, “Romper Room” là chương trình phát mầu duy nhất ban ngày trên hệ thống truyền hình Nhật Bản. Những ngày đó, bất kể khi chúng tôi làm gì, khi ai đó thốt lên “Mười giờ rồi đấy” là tất cả chúng tôi bỏ mọi việc đang làm để ào đến phòng thí nghiệm xem máy của chúng tôi hoạt động ra sao. Điều cơ bản là làm thế nào để có được màu sắc thật tự nhiên, sắc nét và nhất là màu da, cho nên tôi xem xét các màu rất kỹ lưỡng. Thực tế là tôi rất chăm chú quan sát biểu hiện trên khuôn mặt bà Namiki. (Tôi nói đùa với chồng bà ta là có lẽ tôi đã nhìn bà kỹ hơn ông nhiều, ít nhất là trên ti vi).
Tôi nghĩ Yoshiko và Midori đã tới thăm hơn một chục trường nội trú mới tìm được một khóa học vừa ý. Đó là một trường dự bị đại học kéo dài hai năm và chỉ nhận 50 sinh viên. Hideo, con trai tôi, khi mới vào trường, thấy rất khó khăn, nhưng nó rất cố gắng nên đến năm thứ hai đã được xếp đầu lớp. Nó đạt được điểm A và O (là các điểm khá và giỏi) nên được nhận vào hai trường đại học ở Anh. Vì không giỏi về lịch sử và văn học châu Âu nên Hideo chỉ được nhận vào ngành khoa học. Nhưng cháu nói “Con muốn cạnh tranh với bố” và thích ngành kinh tế hơn.
Còn Masao, con trai thứ của chúng tôi, thì thường nói đùa là cháu bị bắt cóc vào học trường cao đẳng Atlantic. Đô đốc Hall, hiệu trưởng của trường này, lúc đó đang đi thăm Nhật Bản và được giới thiệu đến tìm tôi để tài trợ cho trường. Masao lại từ trường về nghỉ ở nhà một ngày và đến chơi với tôi ở văn phòng công ty đúng lúc Đô đốc Hall cũng có mặt ở đó. Thế là cháu được Đô dốc Hall nhận vào trường sau khi ông sát hạch ngay tại chỗ.
Trường Cao đẳng Atlantic là một nơi thú vị, nằm trong tòa lâu đài có 135 buồng trên một lãnh địa nhỏ ở St. Danat, quận Glamorganshize, phía nam xứ Wales, cách Cardiff khoảng 50 dặm. Lâu đài này được xây dựng từ thế kỷ XI và được những người chủ sau đó tiếp tục mở rộng. Ông trùm báo chí Mỹ William Randolph Hearst, đã mua lại lâu đài này vào khoảng năm 1934 và xây thêm các sân quần vợt và một bể bơi lớn. Nữ diễn viên điện ảnh Marion Davies, tình nhân của Hearst, có lần nói rằng thỉnh thoảng họ tới đây và có đến bốn mươi ca sĩ xứ Wales đội mũ lụa chóp cao và quần áo đăng ten, xếp hàng trên sân hát mừng họ. Năm 1938, Hearst dạm bán lâu đài, nhưng quân đội Anh trưng dụng nó làm nơi đào tạo sĩ quan trong chiến tranh. Năm 1960, một người giàu có đã mua lâu đài và đem hiến cho nhà trường. Masao ở đó hai năm, tốt nghiệp và được nhận vào trường đại học Georgetown ở Washington. Còn Hideo trở về học cao đẳng ở Nhật. Đã có lần tôi định lập một trại chăn nuôi ở Brazil. Hideo rất thích quản lý trại, nên cậu chuyển tới Đại học California ở Davis để học kinh tế nông nghiệp hai năm rồi trở về thi tốt nghiệp ở Đại học Ashiya tại Nhật Bản.
Nhưng rồi cuối cùng, tôi không thực hiện được ý đồ mua trại nói trên.
Cháu gái Naoko theo một con đường học vấn phức tạp hơn hai người anh trai nhiều. Thoạt đầu, cháu tỏ ý không muốn lên đại học vì cháu bị ảnh hưởng của cuốn sách Không nên quá chú trọng đến bằng cấp do chính tôi là tác giả vì tôi muốn tuyên truyền ý thức không nên quá coi trọng bằng cấp đại học trong ngành kinh doanh ở Nhật. Chính tôi đã vạch chính sách dùng người trong công ty là không nên chú trọng nhiều đến văn bằng và lý lịch ở trường để đánh giá con người mà phải xem xét khả năng và thành tích thực sự của nhân viên cũng như tiềm năng của họ. Chính sách này của tôi chỉ nhằm chống lại xu hướng quá coi trọng tên trường đại học và văn bằng, lý lịch do trường đó cấp.
Naoko học tiếng Pháp ở một trường trung học rồi sau đó chuyển tới trường trung học phổ thông ở Lausanne, Thụy Sĩ. Nhưng mặc dù kết quả học tập của cháu rất khá và còn là một vận động viên xuất sắc về môn bóng chuyền và bóng rổ nữa, cháu vẫn thấy học tiếng Pháp ở Thụy Sĩ chưa thật chuẩn về mặt phát âm, cho nên vợ chồng chúng tôi cho cháu sang Paris một năm để tập phát âm cho đúng. Sau đó, cháu lại muốn học thêm tiếng Anh nên chúng tôi gửi cháu sang Washington theo học lớp ngoại ngữ ở trường Georgetown mà ở đó người anh là Masao cũng đang theo học. Về sau, cháu Naoko học thiết kế mẫu thời trang tại Los Angeles và khi trở về Nhật, Naoko đã thật sự trở thành một cô gái quốc tế. Lúc ra đi, Naoko còn là một cô bé rất nhút nhát và bẽn lẽn nhưng khi trở về, cháu đã trở thành một cô gái hồn nhiên, vui nhộn và tự tin. Cháu và người chồng, một kỹ sư bán hàng cho công ty Gốm sứ Kioto (công ty Kyocera), mới đây đã chuyển từ California về Tokyo.

Tôi cũng học được nhiều vấn đề qua việc học tập của con cái, chủ yếu là việc tiếp thu các nền văn hóa khác đã dạy cho một người Nhật ít giao tiếp nhận rõ anh ta là một người Nhật và thuộc hàng ngũ thiểu số trên thế giới. Anh cần học cách giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình, nhưng cũng phải thích nghi với thế giới bên ngoài chứ không phải bắt thế giới thích nghi với mình.
Yoshiko thường nói một trong những điều quan trọng nhất phải biết khi ở nước ngoài là “người ngoại quốc” có những cá tính rất riêng biệt, với những suy nghĩ, tôn giáo và thành phần rất khác nhau. Cho nên, các thành viên trong gia đình Morita chúng tôi khi ra nước ngoài làm việc và học tập đã được mở rộng rất nhiều về tầm nhìn và kiến thức. Chúng tôi cảm thấy thoải mái, dễ chịu ở bất kỳ nơi nào trên thế giới mặc dù nước Nhật vẫn là tổ ấm thật sự của chúng tôi.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.