Kinh Tế Học Dành Cho Đại Chúng

Chương 5. Trò chơi điện tử của cuộc sống



Hãy học tất cả mọi thứ từ nó

Có một ý tưởng rằng, ngày nay, nếu bạn muốn nhồi nhét vào đầu sinh viên bất cứ thứ gì, thì hãy đưa nó vào một trò chơi điện tử (game). Tôi vừa tham dự một cuộc hội thảo về thiết kế một trò chơi cho thị trường tài chính. Để mỗi sinh viên thực hiện một phương thức kinh doanh giả tưởng, gây vốn bằng cách bán cổ phần hay trái phiếu nếu anh ta thấy hợp lý, sử dụng số vốn đó để nhập nguyên vật liệu, lắp ráp chúng để cho ra sản phẩm, và thu lợi nhuận dựa trên thành phẩm của mình.

Câu hỏi đặt ra là: Làm thế nào để tính toán mức độ thành công của game cuộc sống kinh tế này? Thiển ý của tôi là hãy tính toán theo cùng một cái cách các nhà kinh tế học đo lường thành công của chính game cuộc sống, không phải bởi lượng tài sản nắm giữ hay năng suất mà bằng niềm vui bạn có được khi trải nghiệm cả quá trình.

Hãy để máy tính thưởng cho những thương vụ sinh lời bằng phiếu in mà sinh viên có thể dùng nó để đổi lấy hàng hóa tiêu dùng có giá trị thực: vé xem phim, pizza hay nụ hôn của một sinh viên cao học mà họ mong muốn. Sinh viên có thể sử dụng ngay những phiếu này, hoặc để dành cho tương lai, hoặc có thể vay mượn phiếu của những sinh viên khác sẵn sàng cho vay. Đối với mỗi sinh viên, trong một ngày ngẫu nhiên, máy sẽ thông báo rằng nhân vật của cậu này đã chết; số tiền tiết kiệm của cậu sẽ được chuyển nhượng cho một người thừa kế được chỉ định và các cơ hội tiêu dùng của bản thân cậu ta đến đây là hết.

Tất cả chỉ có thế. Bạn không được điểm cao khi chơi trò này. Cũng chẳng có thầy cô nào săm soi bạn cả. Không ai nói với bạn là bạn đã làm rất tốt hay rất tệ. Bạn sinh ra và chết đi, nếu chơi tốt thì bạn còn được thưởng. Còn nếu bạn cho rằng trò này không đáng để chơi thì cũng chẳng sao cả.

Sinh viên sẽ học được rất nhiều điều từ trò chơi này. Họ sẽ học được rằng thành công trong cuộc sống được định lượng không phải bằng cách so bì với thành tích của người khác mà chính là cảm giác thỏa mãn của họ về chính mình. Họ sẽ học được rằng trong game cuộc sống, có rất nhiều người thắng cuộc, và chiến thắng của người chơi này không triệt tiêu thắng lợi của bất cứ ai khác. Họ sẽ học được rằng nếu cần cù làm việc thì sẽ có phần thưởng, nhưng quá chăm chỉ khiến đôi khi cũng chẳng còn thời gian dành cho các hoạt động khác, và rằng mỗi người sẽ có một cách nhìn khác nhau về mục tiêu để vươn tới. Điều quan trọng nhất là họ học được rằng, tiêu xài và nghỉ ngơi − chứ không phải là tích lũy và làm việc − mới chính là ý nghĩa của cuộc sống.

Tôi có một người bạn thời sinh viên. Bố mẹ anh ta luôn lo lắng rằng anh ta sống thiếu định hướng. Một lần, bố anh ta tới thăm và tâm sự với con trai. Ông hỏi: “Mitch, con có mơ ước gì trong 10 năm tới không, con muốn trở thành ai?”. Mitch cố tình trả lời thật chậm rãi: “Con muốn trở thành – một người tiêu dùng. Con muốn tiêu dùng tất cả mọi thứ con có thể và bao lâu con muốn”. Tôi cho rằng Mitch sẽ rất khoái trò chơi của tôi.

Tôi muốn tạo ra một phiên bản khác của trò chơi này, trong đó các sinh viên trao đổi hàng tiêu dùng với nhau. Ở lớp học này, sinh viên nướng bánh brownies; ở một lớp khác, họ giặt đồ cho nhau. Tới giữa kỳ, tôi sẽ dỡ bỏ hàng rào thương mại và cho phép sinh viên lớp này trao đổi dịch vụ với sinh viên lớp kia.

Phiên bản “quốc tế” này của trò chơi này nhằm chuyển tải hai bài học quý báu. Một là, thương mại mở ra những cơ hội mới. Thứ hai, và quan trọng hơn, là lợi nhuận thương mại không nhờ vào xuất khẩu mà là nhập khẩu. Mảng xuất khẩu là điểm yếu của thương mại quốc tế. Bạn sẽ không khoái việc giặt đồ cho lớp khác nhưng bạn sẽ thích ngồi thưởng thức bánh brownies.

Thương mại quốc tế là chủ đề đình đám trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 1992, ấy vậy mà tất cả các ứng cử viên đều bỏ qua nó. Khi Tổng thống đương nhiệm Bush nới lỏng hạn chế nhập khẩu xe tải loại nhỏ của Nhật, thì vị Thống đốc khi đó là Clinton phàn nàn rằng nước Mỹ sẽ chẳng được lợi lộc gì từ việc này. Bush phản ứng rằng hành động của ông sẽ giúp mở cửa thị trường Nhật cho hàng hóa Mỹ vào. Rõ ràng là cả hai ông đều không nhận ra được rằng những gì nước Mỹ đạt được khi họ mua xe chở hàng của Nhật chính là – xe chở hàng của Nhật. Bán là việc đau đớn nhưng cần thiết; còn mua là điều giúp cho nỗi đau khi bán nguôi ngoai.

Xin đừng vội nghĩ rằng tôi là nhà kinh tế học “giơ cao đánh khẽ”, chỉ biết thừa nhận rằng cuộc sống còn nhiều điều phong phú hơn những gì các mô hình kinh tế thừa nhận. Ngược lại, trò game của tôi là lời tuyên bố hùng hồn cho những giá trị mà các nhà kinh tế học coi trọng. Tất cả các mô hình kinh tế chính thống đều giả định rằng người ta cố hết sức để tiêu dùng nhiều hơn và làm việc ít hơn. Tất cả các mô hình chính thống chỉ coi một chính sách kinh tế thành công khi nó giúp người ta đạt được ít nhất là một trong số những mục tiêu đó. Theo tiêu chuẩn của kinh tế học, một chính sách không làm được tích sự gì ngoài việc khuyến khích người ta lao đầu vào công việc để rồi chết trên núi tiền mới chính là một chính sách tồi.

Chúng ta sống trong thời đại của những “kẻ cuồng chính sách”, những người đánh giá các chương trình dựa vào tác động của chúng đối với năng suất, sản lượng hay nỗ lực làm việc. Các bài phân tích của những kẻ cuồng chính sách này thường dùng những biệt ngữ kinh tế khó hiểu trong khi lại lờ đi nội dung của nó. Những nhà kinh tế học coi sự đeo bám vào sản lượng của những kẻ cuồng chính sách là nỗi ám ảnh kỳ quặc và bất lợi. Các “chuyên gia” này muốn người Mỹ chết trên núi tiền; các nhà kinh tế học thì muốn người Mỹ ra đi trong hạnh phúc.

Ross Perot bị nhiễm bệnh “cuồng chính sách” rất nặng trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 1992 khi ông này kêu gọi người Mỹ sản xuất chip máy tính thay vì khoai tây. Thậm chí ngay cả khi chúng ta đồng tình với giả thuyết đầy hoài nghi là sản xuất chip máy tính sẽ thu về lợi nhuận vượt trội, thì liều thuốc của Perot đã bỏ qua thực tế là sản xuất khoai tây có thể đòi hỏi ít công sức hơn, và vì thế, được ưa chuộng hơn. Nếu mục tiêu của chúng ta là tối đa hóa lợi nhuận mà không xét đến các nỗ lực liên quan thì có lẽ đa phần dân Mỹ nên bị tống vào trại cải tạo. Thực ra, việc người ta coi trại cải tạo là một ý tưởng tồi có lẽ nên là hồi chuông cảnh báo cho những ai vội vã đánh giá các chính sách chỉ dựa trên sự đo lường năng suất mà thôi.

Trong lời bình về Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ, Perot nhanh chóng tung ra những dự đoán về tác động của hiệp định này trong việc cắt giảm lương cũng như việc làm của người Mỹ. Hai đối thủ của ông lại tuyên bố ủng hộ hiệp định trên, và quyết định chơi khăm Perot bằng cách phản bác những dự đoán đó. Nhưng họ chẳng thể đưa ra phản bác thực sự hợp lý bằng cách đưa ra những dự đoán về tác động tiềm năng của hiệp định trong việc giảm giá hàng tiêu dùng và làm phong phú các mặt hàng. Nếu hiệu quả của hiệp định này là người dân Mỹ làm việc ít hơn và tiêu dùng nhiều hơn thì họ sẽ thắng.

Tôi sẽ cố gắng hoàn thiện trò chơi này trước khi mùa bầu cử bắt đầu. Tôi hy vọng chúng ta có thể mời các ứng cử viên chơi thử trò chơi này.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.