Kinh Tế Học Dành Cho Đại Chúng

Chương 15. Một vài đề xuất khiêm tốn: ngày tàn của chế độ lưỡng đảng



Khi lái xe dọc vùng Tây Bắc Washington, D.C., tôi không khỏi chú ý đến sự phồn thịnh của khu vực này. Ngồi kế bên tôi, Jim Kahn, tự hỏi làm thế nào thành phố này có thể tích lũy được ngần ấy của cải trong khi vốn nó được coi là khu vực không tạo ra nhiều sản phẩm. Tôi liền hấp tấp đưa ra câu trả lời cay độc: Đa phần của cải là do ăn trộm, một phần thông qua thuế trực tiếp và phần còn lại là thông qua đóng góp chính trị hình thành cánh tay thu tiền và mạng lưới bảo vệ rộng khắp.

Nhưng Jim nhanh hơn cả tôi khi thấy rằng theo lý thuyết kinh tế, lập luận của tôi chưa đủ giễu cợt. Trong thời kỳ mà sự cạnh tranh giữa các đảng phái, tất cả của cải bất chính thu được đều được sử dụng để mua các phiếu bầu của dân chúng. Nếu Đảng Cộng hòa cầm quyền, bỏ túi 100 tỷ đô-la mỗi năm, thì khi cầm quyền các đảng viên Dân chủ cũng có thể bắt chước y như vậy, nhưng đề dành một tỷ mỗi năm để tặng cho các cử tri lớn. Không nghi ngờ gì nữa, chiến lược này giúp họ mua được sự bỏ phiếu của các đại cử tri trong lần vận động tranh cử sau đó đồng thời vẫn bỏ túi được 99 tỷ đô-la. Nhưng sau đó, Đảng Cộng hòa sẽ trả đũa bằng cách tặng cho các cử tri 2 tỷ đô-la và chỉ bỏ túi 98 tỷ đô-la mỗi năm. Kinh nghiệm sự cạnh tranh cho chúng ta biết rằng cuộc giằng co này giữa hai đảng chỉ kết thúc khi lợi nhuận hoàn toàn không còn tồn tại.

Khi một ngành công nghiệp bị hai công ty siêu lợi nhuận chi phối, theo lý thuyết, nếu hai công ty này không cạnh tranh với nhau về giá cả thì điều tất yếu là họ sẽ cấu kết với nhau. Trong trường hợp của Đảng Dân chủ và Cộng hòa, sự thông đồng giữa hai đảng là hoàn toàn công khai. Đó gọi là chế độ lưỡng đảng.

Khi các nhà lập pháp của Đảng Cộng hòa và Dân chủ gặp nhau để “tiến tới thỏa hiệp”, họ đang làm một việc mà có thể tống bất cứ doanh nghiệp tư nhân nào không nằm dưới sự quản lý của chính quyền vào tù. Chúng ta không cho phép Chủ tịch của hai hãng hàng không United Airlines và American Airlines thỏa hiệp về giá vé. Vậy tại sao chúng ta lại cho phép các nhà lãnh đạo chủ đạo và thứ yếu của Quốc hội tiến tới thỏa hiệp về chính sách thuế?

Adam Smith đã nhận định rằng: “Những người buôn bán cùng một sản phẩm ít khi gặp nhau, dù chỉ để vui chơi hay tiêu khiển, nhưng lại thường thông đồng với nhau để tạo ra sự vững mạnh trước cộng đồng, hoặc tìm ra phương kế tăng giá”. Điều này chính là nền tảng cho sự ra đời của luật chống độc quyền nhằm ngăn chặn những âm mưu và phương kế như vậy lộng hành.

Khi Chủ tịch của United Airlines gặp Chủ tịch của American Airlines, chúng ta không cho phép ông ta đề nghị rằng: “Tôi sẽ không nẫng tay trên khách hàng trên tuyến bay từ Chicago đến Los Angeles miễn là ông cũng hứa sẽ không nẫng tay trên của tôi khách hàng trên tuyến bay từ New York đến Denver”. Tuy nhiên, ta lại cho phép lãnh đạo Đảng Cộng hòa đưa ra những lời mời chào Đảng Dân chủ kiểu như: “Tôi sẽ viện trợ nhà ở cho các cử tri ở thành thị của anh nếu anh hỗ trợ các chương trình nông nghiệp cho nông dân ở vùng của tôi”. Khi bạn giàu có nhờ điều hành một công ty hàng không, tôi đoán rằng đó là vì bạn có tài năng phi thường trong việc cung cấp dịch vụ hàng không. Khi người ta làm giàu bằng chính trị, tôi miễn cưỡng cho rằng họ có tài năng phi thường trong việc điều hành chính phủ. Nhưng kinh tế học lại đưa ra một cách giải thích khác cho vấn đề này: đó là do sự thiếu vắng của dự luật chống độc quyền chính trị.

Tôi cho rằng mọi thỏa hiệp chính trị – thực chất là tất cả cuộc thảo luận giữa các ứng cử viên hoặc các nhà quản lý của các bên cạnh tranh – phải hoàn toàn tuân theo quy định “chống độc quyền” của Clayton và Sherman trong việc điều chỉnh các hoạt động của doanh nghiệp tư nhân tại Mỹ. Tôi cho rằng luật chống độc quyền chính trị sẽ mang lại lợi ích cho các cử tri giống như những gì luật chống độc quyền kinh tế đem lại cho người tiêu dùng. Một khi sự phồn thịnh của vùng Tây Bắc Washington bị suy giảm do hệ quả cuộc chiến giá cả trong chính trị, các chính trị gia có thể bị buộc phải cạnh tranh bằng thực tài lãnh đạo của mình.

Hãy tưởng tượng bạn đã đính hôn và chuẩn bị cưới. Để giữ hôn ước, bạn từ chối những lời cầu hôn khác. Nhưng trong trường hợp xấu nhất, có thể bạn sẽ bị bỏ mặc lễ cưới. Khi đó, bạn có thể trông cậy vào pháp luật nếu lời hứa bị vi phạm?

Bạn bỏ phiếu trong một cuộc bầu cử tổng thống. Bạn bỏ qua các ứng cử viên khác và bầu cho một ứng viên vì lời tuyên bố của ông ta: “Nếu được bầu, tôi sẽ không ban hành thêm thuế mới”. Nếu ứng cử viên đó thắng cử và sau đó thông qua quyết định tăng thuế cao nhất từ trước đến nay, bạn sẽ cầu cứu ai?

Dĩ nhiên, bạn thề sẽ không bao giờ bỏ phiếu cho ứng cử viên đó nữa, cũng như bạn thề sẽ không bao giờ gặp lại người đã bỏ rơi bạn trong đám cưới kia nữa. Nhưng tại sao lời hứa đó không có hiệu lực trước pháp luật? Tại sao những cử tri bị phản bội không thể đâm đơn kiện ứng cử viên đã thất hứa với họ?

Kinh nghiệm của chúng tôi cho thấy các ứng cử viên có thể sẽ hoan nghênh việc áp dụng luật bảo đảm thực hiện lời hứa. Khả năng đưa ra những lời hứa ràng buộc về mặt pháp lý thường là sẽ đem đến cho mọi người cơ hội nhiều hơn là gánh nặng. Người ta sẽ cho bạn vay thế chấp để mua nhà bởi vì người ta biết bạn chịu sự ràng buộc pháp lý là phải trả khoản vay đó. Bạn sẽ không thể mua nhà trả góp nếu tòa án từ chối bảo đảm thực thi lời hứa của bạn.

Các nhà kinh tế học biết rằng trong nhiều trường hợp, chính phủ có thể được lợi nếu lời hứa của họ có hiệu lực pháp lý. Lý thuyết và cả thực tiễn đều cho thấy nếu lạm phát không xảy ra như dự kiến, tổng sản lượng có thể sẽ sụt giảm. Nếu một chính phủ ngay từ đầu cam kết không theo đuổi các chính sách lạm phát, chính phủ đó có thể tránh được những kỳ vọng tốn kém.

Những gì đúng trong kinh doanh tư nhân cũng sẽ đúng trong chính trị. Chúng ta sẽ không bỏ phiếu cho ứng cử viên nếu ta nghi ngờ lời tuyên bố không-thu-thuế của họ; và tất nhiên ta sẽ tin tưởng vào lời tuyên thệ không-thu-thuế của ứng cử viên hơn nếu lời tuyên thệ đó mang giá trị pháp lý.

Đồng nghiệp của tôi là Alan Stockman cho rằng các ứng cử viên nên được phép đưa ra những lời hứa có hiệu lực pháp lý. Sẽ thật khinh xuất nếu chúng ta buộc các chính trị gia phải chịu trách nhiệm về tất cả các cam kết của họ khi trả lời các câu hỏi bất ngờ trong thời gian tranh cử. Do đó, chúng ta nên giới hạn các nội dung cam kết mà ứng cử viên tuyên bố là có hiệu lực pháp lý.

Bạn có thể phản bác rằng chúng ta không nên bắt ứng cử viên bám sát vào những chính sách mà có thể trong một số trường hợp nhất định, chúng thật sự không thích hợp. Chúng tôi xin trả lời rằng chúng tôi đã làm điều đó rồi. Sẽ có những trường hợp trong đó quyền tự do ngôn luận hay quyền xét xử của bồi thẩm đoàn hoặc việc phân chia quyền hạn có thể không khôn ngoan, nhưng chúng tôi đã sẵn sàng chấp nhận kết cục đó miễn là đảm bảo được những quyền tự do nhất định. Việc cho phép các chính trị gia đưa ra cam kết thực sự, sẽ gây nên tranh cãi về việc chúng ta cần thêm những những những cam kết quan trọng nào để khẳng định rằng việc từ bỏ tính linh hoạt là đúng.

Những lời cam kết của các chính trị gia cũng gần giống với việc sửa đổi Hiến pháp tạm thời, chúng chỉ có hiệu lực trong nhiệm kỳ của chính trị gia đó.

Những cam kết đó chỉ có hiệu lực đối với một chính trị gia, chính vì thế, ví dụ khi một tổng thống đưa ra cam kết sẽ phủ quyết bất cứ đề nghị tăng thuế nào, thì cam kết đó của ông ta vẫn có thể sẽ bị phủ quyết bởi người khác. Những hạn chế của quyền lựa chọn chính sách có thể ít hạn chế hơn các điều khoản của hiến pháp Mỹ, rất nhiều trong số những điều khoản đó được đánh giá rất cao.

Ở đây còn rất nhiều vấn đề mà chúng ta cần sắp xếp lại. Nếu một tổng thống bội ước, không thực hiện cam kết về việc phủ quyết mọi đề nghị tăng thuế, liệu chúng ta có còn tin vào lời phản biện cũng như lời hứa tôn trọng cam kết ban đầu sau đó, và rồi tự động phủ quyết mọi dự luật thuế mới của ông ta? Hoặc liệu chúng ta có chấp nhận việc ông vi phạm lời hứa và sau đó buộc ông chịu trách nhiệm pháp lý thông qua việc tố tụng hay không? Chúng ta có nên lập điều khoản giải thoát, theo đó nếu một quan chức nhận ra rằng mình đã sai, có thể được giải thoát khỏi trách nhiệm pháp lý bằng cách từ chức?

Tôi hoàn toàn ủng hộ đề nghị của Stockman. Phần 10 Điều 1 của Hiến Pháp bảo vệ quyền cá nhân khi tham gia các hợp đồng luật có thể thi hành (enforceable contracts). Tại sao tại Mỹ chỉ các chính trị gia mới bị phủ nhận quyền tự do cơ bản đó?

Cơn ác mộng mà người Mỹ luôn phải đối mặt đó là: Các bị cáo sau khi được bảo lãnh lại gây ra những vụ giết người kinh hoàng trong khi chờ xét xử. Người thẩm phán ký quyết định thả bị bàn tán trong báo giới và đôi khi tại bàn bỏ phiếu. Các chính trị gia chê bai sự khoan dung của hệ thống tư pháp và đòi hỏi các tiêu chuẩn phê duyệt bảo lãnh khắt khe hơn.

Ở đây, ta có hai vấn đề cần giải quyết. Đầu tiên là quyết định nên làm thế nào khi cân bằng giữa an toàn cộng đồng và quyền lợi của bị cáo. Chúng ta cần hiểu rõ tính cách tù nhân như thế nào trước khi sẵn sàng chấp nhận rủi ro để giải phóng hắn ta trước ngày xét xử? Một người biết suy nghĩ sẽ khó có thể đưa ra một câu trả lời nhanh chóng. Thông thường, chúng ta xem xét và giải quyết những thỏa hiệp khó khăn đó trong khuôn khổ pháp lý.

Vấn đề thứ hai là khi cơ quan lập pháp đã thống nhất và đưa ra tiêu chuẩn cho việc bảo lãnh, điều đó có nghĩa là các thẩm phán phải tuân theo tiêu chuẩn đó. Chúng ta có thể giao việc này cho cơ quan giám sát, nhưng thông thường các cơ quan giám sát không hiểu rõ thông tin về các bị cáo bằng thẩm phán. Do đó, người ta không dám chắc rằng liệu các thẩm phán đã thật sự sử dụng tất cả thông tin trong khả năng của mình hay chưa.

Lý thuyết kinh tế dạy ta rằng khi chúng ta không thể giám sát người ra quyết định, ít nhất cũng cần thể hiện sự khuyến khích, động viên và cho họ thấy động lực để thực hiện công việc của mình. Các thẩm phán sẽ có được động lực để thực hiện đúng đắn công việc của mình khi họ phải chịu trách nhiệm trước những thiệt hại hình sự mà bị cáo do họ thả gây ra.

Trách nhiệm cá nhân ít nhất cũng sẽ tạo ra động lực đúng đắn trong hành động của các thẩm phán theo hướng: họ sẽ không muốn thả những bị cáo họ cho là nguy hiểm nhất. Nhưng vấn đề là khi phải chịu trách nhiệm cá nhân, họ sẽ lại không muốn thả bất cứ bị cáo nào nữa. Vì thế, tôi đề nghị rằng nên trao thưởng cho các thẩm phán dưới dạng tiền thưởng mỗi khi họ thả bị cáo một cách đúng đắn.

Việc thẩm phán sẽ thả nhiều hay ít bị cáo hơn phụ thuộc nhiều vào lượng tiền thưởng – điều đã được điều chỉnh để thể hiện nguyện vọng của cơ quan lập pháp. Sự hữu ích trong đề nghị của tôi không phải là nó tác động lên số lượng bị cáo được thả mà tác động lên điều mà căn cứ vào đó, các bị cáo sẽ được thả ra. Dù chúng ta muốn thả 1% hay 99% bị cáo, thì điều quan trọng là chúng ta không được phép chọn ngẫu nhiên các bị cáo để thả. Chúng ta muốn các thẩm phán phải suy nghĩ đến các khoản chi phí mà quyết định của họ có thể tạo ra, cũng như trách nhiệm cá nhân của bản thân họ.

Tôi không đề xuất nên nghiêm khắc hơn hay nên khoan hồng hơn đối với các bị cáo mà chỉ mong chúng ta hiểu được bản chất của sự thỏa hiệp. Điều hữu ích thứ hai trong đề nghị của tôi là đó là nó việc khuyến khích mọi người rõ ràng trong việc thả các bị cáo. Thông qua những tranh cãi về việc điều chỉnh mức tiền thưởng, các cơ quan lập pháp cần có chính kiến rõ ràng giữa những vấn đề cơ bản của sự an toàn của xã hội và sự tự do của các bị cáo. Thay vì che giấu quan điểm của mình, họ sẽ phải đối mặt với những người bỏ phiếu và bảo vệ quan điểm của mình, và người bỏ phiếu có thể dựa vào đó để chấp nhận hoặc phản đối quan điểm đó.

Bạn có thể phản đối rằng không nên đơn giản hóa vấn đề phức tạp bằng cách yêu cầu các cơ quan lập pháp phải tự cam kết về một con số bị cáo được thả nhất định nào đó. Tôi xin đáp rằng thật ra họ đã cam kết về một con số rồi bởi trên thực tế, mạng lưới pháp luật hiện hành quyết định con số nhất định đó bằng cách lựa chọn một điểm nhất định trong thước đo sự tính nghiêm minh và sự khoan hồng. Không ai nói cho chúng ta biết điểm đó là điểm nào và con số đó là bao nhiêu. Tại sao người ta lại sự phức tạp của vấn đề để bào chữa cho những lựa chọn ngu ngốc trong quá khứ?

Đề nghị của tôi sẽ buộc các thẩm phán phải cẩn trọng hơn và các cơ quan lập pháp thẳng thắn hơn. Đó cũng chính là hai ưu điểm trong đề nghị của tôi và tôi cũng nhận thấy đề nghị đó không có nhược điểm gì, do đó chúng ta có thể thông qua đề xuất đó ngay lập tức.

Ví dụ, bạn mua một cuộn băng video phản cảm nhưng hoàn toàn hợp pháp. Sáu tháng sau, một luật mới về cấm mua bán băng đĩa phản cảm như vậy được ban hành. Khi đó, một công tố viên năng nổ sẽ truy tố bạn về vi phạm luật lệ.

Vấn đề rắc rối của bạn là hiến pháp không không có những quy định rõ ràng về những trường hợp như thế. Bạn có quyền được biết hậu quả hành động của mình khi bạn thực hiện điều đó. Do đó, Điều I trong hiến pháp tuyệt đối bảo vệ bạn trước những tố tụng có hiệu lực hồi tố như vậy. Bất cứ tòa án nào cũng sẽ ngay lập tức bỏ qua tố tụng của công tố viên năng nổ đó.

Bạn mua một tài sản với dòng cổ tức bị đánh thuế 25%. Sáu tháng sau, luật mới ban hành quy định tăng mức thuế của dòng cổ tức đó lên 35%. Một nhân viên của sở thuế nhiệt tình đến thu tiền thuế từ bạn.

Bạn đến tòa án thuế, lập luận rằng bạn có quyền được biết hậu quả của hành động mình ngay khi bạn thực hiện điều đó. Vì bạn đầu tư dưới thỏa thuận đóng thuế cổ tức 25%, nên bạn yêu cầu sẽ chỉ phải trả ngần ấy. Thẩm phán thấy rằng lập luận của bạn hợp lý và trả lại tiền cho bạn.

Tôi muốn biết liệu có sự khác biệt nào giữa hai trường hợp này. Trường hợp thứ nhất là bạn mua tài sản với nhận thức rằng mức thuế có thể thay đổi và trường hợp thứ hai là bạn mua băng video với nhận thức rằng luật hình sự có thể thay đổi. Vì vậy, tôi không chắc có sự khác biệt nào ở đây.

Sự khác biệt mà mọi người khó nhận thấy đó là việc tăng thuế bất ngờ là nhằm thu doanh thu cho chính phủ, trong khi việc tố tụng có hiệu lực hồi tố không phục vụ mục đích nào. Luật mới có thể ngăn chặn việc mua băng video bằng cách quy định những chế tài phạt cho những vi phạm trong tương lai. Sức răn đe của luật mới không phụ thuộc vào việc trừng phạt những người bất tuân trước đó.

Nhưng trên thực tế, việc truy tố có hiệu lực hồi tố phục vụ mục đích ngăn chặn những hành vi có thể trở thành tội hình sự trong tương lai. Những người đưa ra luật chống băng đĩa có lẽ rất vui khi doanh thu các hàng băng đĩa giảm mạnh ngay cả trước khi bộ luật mới ra đời.

Tôi hỏi ý kiến của một người bạn của tôi là giáo sư luật rằng liệu ông có giải thích được rõ nguyên lý triết học của việc không tán đồng những truy tố có hiệu lực hồi tố nhưng lại cho phép tăng mức thuế hay không. Ông nói với tôi rằng tôi đặt ra câu hỏi đó là vì tôi hiểu sai vấn đề: “Anh muốn phân biệt hai vấn đề này dựa trên lý thuyết pháp luật – nhưng vấn đề là không hề có lý thuyết pháp luật”. Ông bảo tôi đừng phí thời gian moi móc tính nhất quán từ luật pháp.

Với thói quen của một luật sư, tôi bỏ ngoài tai những gì ông ấy nói. Tôi cảm thấy rằng lược bỏ Hiến pháp là điều khôn ngoan đồng thời luật về thuế cũng nên được nới lỏng. Nhưng tôi nghĩ chúng ta nên suy xét nghiêm túc xem cảm nhận đó của tôi có hợp lý hay không. Bất cứ lời phản biện nào cũng đều có thể có ảnh hưởng đến việc thi hành chính sách. Và nếu ta không xem xét nghiêm túc vấn đề, hệ quả của việc thi hành chính sách còn lớn hơn.

Thỉnh thoảng, tôi lại đọc được một bài tạp chí gợi ý rằng nên để chính nạn nhân trừng phạt kẻ đã gây ra tội với mình. Tôi nghĩ một hệ thống như thế sẽ thiên về hướng khoan hồng. Nạn nhân thường cảm thấy rằng dù làm thế nào thì mất mát của họ cũng không thể lấy lại được và cũng không cảm thấy thoải mái khi trừng phạt kẻ gây ra tội ác chỉ vì mục đích trả thù. Tất nhiên, họ cũng có thể cảm thấy căm ghét kẻ gây án đến mức không chấp nhận những hình phạt nhẹ nhàng chẳng hạn như bắt tội phạm lao động khổ sai nhưng vẫn trả lương cho hắn ta.

Nếu điều này được chấp nhận, nó sẽ sẽ tăng lên. Tuy nhiên, vẫn có một giải này. làm giảm tính răn đe và việc phạm tội pháp cho sự thiếu hoàn hảo của đề xuất

Tôi cho rằng nếu có tồn tại thị trường trong đó có các doanh nghiệp thực hiện dịch vụ trừng phạt tội phạm, khi đó người ta sẽ nhượng quyền xử phạt tội phạm cho các công ty nổi danh là không nương tay với tội phạm và thường xuyên quảng bá rằng họ đã thực hiện nhiều việc như vậy trước đó. Hợp đồng với công ty đó có thể mặc định là không thể thu hồi, để bọn tội phạm biết rằng chúng không có khả năng được người bị hại ân xá.

Có một lợi ích của hình thức nhượng quyền này là công ty xử phạt sẽ có động lực để buộc tù nhân làm việc năng suất hết sức có thể – sau đó, công ty sẽ được hưởng toàn bộ thành quả của các tù nhân này.

Tôi không đảm bảo hệ thống này sẽ mang lại sự công bằng tốt hơn hiện tại, mặc dù suy nghĩ thiên về hình thức nhượng quyền thị trường của tôi tán thành nó. Tôi khá chắc chắn rằng, nếu áp dụng đề xuất thông thường là cho phép nạn nhân thực hiện công lý, thì chúng ta cũng nên cho phép chuyển nhượng quyền trừng phạt.

Khi Jonathon Swift chủ trương sử dụng các em bé như một nguồn thực phẩm, ông đặt tiêu đề bài luận của mình là “Một đề xuất khiêm tốn” và không có ý định xem xét nó nghiêm túc. Mặc dù các đề xuất trong chương này có vẻ lạc đề giống như nội dung bài luận của Swift không liên quan đến tiêu đề, nhưng tôi rất muốn chúng được xem xét nghiêm túc. Tăng cường cạnh tranh, hợp đồng có thể thi hành, ưu đãi thích hợp, chú ý đến tính nhất quán, và vận hành thị trường nói chung luôn tốt cho chúng ta, và tôi tin rằng chúng ta luôn cần tìm tòi những điều mới có thể áp dụng cho thị trường.

Không có gì trong lý thuyết kinh tế cho thấy hiện tại các tổ chức chính trị đã gần đạt được mức tối ưu, dù theo nghĩa nào đi nữa. Nếu các đề xuất chính sách tốt nhất nghe có vẻ kỳ lạ, thì đó có lẽ là do chúng ta chưa quen nhìn thấy các chính sách tốt bao giờ.

Mỗi đề xuất đều có những lỗ hổng riêng và không có gì có thể phủ nhận điều đó. Chúng ta cần có một số tiêu chuẩn nhất định để xác định sai sót của những đề xuất đó. Ban đầu, để có thể áp dụng các đề xuất mới, chúng ta cần rất nhiều phân tích. Nhưng cuối cùng, mọi người sẽ nhận ra rằng không gì có thể thay thế sự thử nghiệm liều lĩnh.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.