Kinh Tế Học Dành Cho Đại Chúng

Chương 19. Những ý tưởng về lãi suất



Ngồi ghế bành mà dự đoán

Mỗi nghề đều có những trở ngại riêng. Bác sĩ phải nhận những cú điện khẩn cấp lúc nửa đêm. Các nhà toán học mất hàng tháng trời bế tắc không tìm ra lời giải cho các bài toán của mình. Các nhà thơ nhăn trán không biết tấm séc tiếp theo của mình sẽ đến từ đâu. Và các nhà kinh tế học thường được yêu cầu dự đoán tỷ lệ lãi suất.

Một đồng nghiệp của tôi thường xử lý câu hỏi khó khăn nhất này theo cách của một người khôn ngoan, đó là im lặng để tạo hiệu ứng, và rồi cất lời: “Tôi nghĩ rằng chúng có lẽ sẽ có những dao động”.

Nếu tôi có thể dự đoán tỷ lệ lãi suất trong tương lai, tôi cũng sẽ không chia sẻ nó trong cuốn sách này. Nhưng tôi biết một chút ít về việc tỷ lệ lãi suất trong tương lai sẽ được quyết định như thế nào, và tôi sẵn lòng chia sẻ những điều đó với các bạn.

Tôi nên bắt đầu bằng việc làm rõ một điều chưa được làm sáng tỏ trong cụm từ tỷ lệ lãi suất. Khi các nhà kinh tế học nói về tỷ lệ lãi suất, họ sẽ tự động điều chỉnh lạm phát. Nếu bạn cho vay với lãi suất 8% trong thời điểm lạm phát 3%, điều đó có nghĩa là khả năng mua của bạn tăng thêm mỗi năm không phải là 8% mà là 5%; 3 xu đầu tiên bạn kiếm được từ mỗi đô-la chỉ là để duy trì giá trị thực của số tiền gốc. Tỷ lệ được công bố là 8% là tỷ lệ lãi suất danh nghĩa; tỷ lệ sau khi đã tính lạm phát 5% là tỷ lệ lãi suất thực tế. Lãi suất thực tế được tính bằng lãi suất danh nghĩa trừ đi tỷ lệ lạm phát.

Thực tế, chỉ có lãi suất thực tế mới là có lợi ích thực. Một khoản đầu tư thu về 10% trong thời kỳ lạm phát 7% không hơn cũng chẳng kém gì một khoản đầu tư đem lại 3% trong thời kỳ lạm phát 0%. Trong cả hai trường hợp lãi suất thực tế đều là 3%. Những người thất bại trong việc tập trung vào lãi suất thực tế phạm sai lầm là tiết kiệm quá nhiều tiền. Một lần, tôi biết một người phụ nữ đã đột ngột tăng số tiền tiết kiệm của mình khi bà tính toán rằng một đô-la tiết kiệm với lãi suất danh nghĩa 10% sẽ lớn lên thành 20 đô-la trong 30 năm. Bà không nhận ra rằng với lãi suất thực tế là 3%, 20 đô-la đó sẽ chỉ đáng giá khoảng 2,5 lần số đô-la ngày hôm nay. Việc đánh đổi giữa tiêu dùng hiện tại và tương lai là vấn đề của sở thích cá nhân, nhưng tốt nhất là nên hiểu những đặc điểm của thương mại.

Khi nói đến tỷ lệ lãi suất, tôi muốn nói lãi suất thực tế. Ở đây, tôi muốn quay lại với câu hỏi về cách quyết định tỷ lệ lãi suất.

Tôi xin được bắt đầu bằng cách loại bỏ một quan niệm sai lầm. Dù bạn từng được nghe điều gì đi nữa, thì tỷ lệ lãi suất cũng không phải là giá trị của tiền bạc. Hầu hết chúng ta đều từng đi vay để có tiền. Người ta vay để mua ô tô, mua nhà, đi học đại học, và để phục vụ lối sống phung phí. Những khoản vay ngân hàng được thể hiện dưới hình thức các đồng đô-la, sau đó những đồng đô-la đó được tiêu dùng và gửi trở lại vào hệ thống ngân hàng chỉ trong vài giờ. Nhưng chiếc ô tô mà bạn mua với khoản vay ngân hàng sẽ ở bên bạn nhiều năm.

Tỷ lệ lãi suất là cái giá của tiêu dùng và tiêu dùng đề cập đến hàng hóa, dịch vụ hữu hình, chứ không phải những thứ trừu tượng như tiền. Chính xác hơn, tỷ lệ lãi suất là cái giá của tiêu dùng hiện hành, đối lập với tiêu dùng tương lai.
Nếu bạn mong chờ rằng sang năm bạn sẽ nhận được một khoản thừa kế, bạn có thể chờ tới khi đó để mua một chiếc ô tô mới trị giá 20 nghìn đô-la, hoặc ngay hôm nay bạn có thể vay ngân hang với lãi suất 10% để mua ô tô và trả 22 nghìn đô-la sau một năm. Khoản tiền 2.000 đô-la bạn trả thêm là cái giá của việc sở hữu chiếc ô tô ngay ngày hôm nay thay vì một năm sau.

Phân tích đó có thể không khiến bạn ngạc nhiên, nhưng hệ quả của nó thật sự rất đáng quan tâm. Vì tỷ lệ lãi suất là cái giá của hàng hóa tiêu dùng hữu hình, nó – ít nhất là theo ước tính đầu tiên – được quyết định bằng cung và cầu cho các sản phẩm tiêu dùng hữu hình. Từ việc đọc các trang báo tài chính, bạn có thể nghĩ rằng tỷ lệ lãi suất được quyết định bởi các chủ ngân hàng trung tâm, người kiểm soát nguồn cung tiền. Nhưng các chủ ngân hàng trung tâm không sản xuất ô tô hay xây nhà, và họ không thể kiểm soát mong muốn của mọi người đối với ô tô hay nhà cửa. Sẽ cần phải có một khả năng vượt quá khả năng hiểu biết của loài người để thay đổi giá thị trường mà không cần thay đổi cung và cầu.

Điều duy nhất chúng ta chắc chắn đó là điều mà cung tiền tệ có thể ảnh hưởng đến là lạm phát. Khi cung tiền tệ tăng nhanh, giá cả cũng tăng nhanh để phản ứng lại. Nếu sự gia tăng nhanh của tiền khiến lạm phát tăng, thì lãi suất danh nghĩa cũng phải tăng nhanh, vì lãi suất danh nghĩa chính là lãi suất thực tế (không đổi) cộng với tỷ lệ lạm phát (giờ tăng lên). Vì vậy, sự gia tăng của tiền ảnh hưởng tới lãi suất danh nghĩa, nhưng nó ảnh hưởng đến chúng theo hướng ngược lại những gì các tờ báo về tài chính thường đề cập. Bơm đầy tiền vào nền kinh tế và lãi suất danh nghĩa tăng lên sát với lạm phát để giữ lãi suất thực tế không đổi, chứ không phải là giảm xuống, giống như một phóng viên điển hình của Wall Street Journal mong đợi.

Những sự kiện lớn được kết nối với những chuyển biến của tỷ lệ lãi suất thông qua những lựa chọn của người tiêu dùng bình thường. Tin tốt của điều này là nếu bạn là một người tiêu dùng bình thường, bạn sẽ có đầy đủ những hiểu biết cần thiết để biết được tỷ lệ lãi suất phản ứng như thế nào trước những sự kiện lớn.

Giả sử, tổng thống và Quốc hội phê chuẩn việc chi 20 tỷ đô-la trong năm cho một chiếc trực thăng tấn công loại mới mà không để phục vụ mục đích gì. 20 tỷ đô-la của thép, sức lao động, chất xám của các kỹ sư, và các nguồn lực khác vào việc chế tạo chiếc trực thăng phải đến từ một nơi nào đó, vì vậy chúng ta có thể chắc chắn rằng khi đầu tư những nguồn lực, tiền vào chiếc trực thăng đó thì số lượng ô tô, dụng cụ nhà bếp hay máy tính cá nhân sẽ ít hơn. Trên thực tế, giá trị 20 tỷ đô-la của những tiềm năng kinh tế đó có thể sản xuất ra 20 tỷ đô-la sản phẩm, vì sản lượng tiềm năng chính là điều đem lại giá trị cho nguồn lực. Vì vậy, khi tiềm năng kinh tế bị chuyển vào việc lắp ráp một chiếc trực thăng, tổng giá trị của tất cả hàng hóa tiêu dùng sẵn có phải giảm đi 20 tỷ đô-la.

Khi có ít hàng hóa sẵn có hơn, tính trung bình người dân sẽ có ít hàng hóa hơn; đây không phải là quy luật kinh tế mà là quy luật của số học đơn giản. Khi giá trị của hàng hóa sẵn có giảm đi 20 tỷ đô-la trong một đất nước với 250 triệu người, một công dân trung bình sẽ phải tiêu ít hơn dự định 80 đô-la.

Nhìn chung, nếu cung hàng hóa giảm, giá cả của nó sẽ tăng cho tới khi người tiêu dùng không có nhu cầu nhiều hơn mức sẵn có của hàng hóa. Trong trường hợp này, “hàng hóa” là mức tiêu dùng hiện hành và giá cả là tỷ lệ lãi suất. Khi tỷ lệ lãi suất tăng, những người thường xuyên tiết kiệm sẽ chọn việc tiết kiệm nhiều hơn và những người thường xuyên đi vay tiền vay ít đi. Cả hai nhóm sẽ giảm mức tiêu dùng tương ứng. Tỷ lệ lãi suất tiếp tục tăng cho tới khi một người dân quyết định tiêu ít đi 80 đô-la trong năm so với kế hoạch ban đầu của anh ta.

Khi muốn biết một hệ thống vũ khí mới ảnh hưởng tới tỷ lệ lãi suất như thế nào, tôi bắt đầu từ việc quan sát rằng tôi sống trong một gia đình 3 thành viên, và rằng những hộ gia đình như của tôi sẽ tiêu dùng, tính trung bình, 240 đô-la ít hơn trong năm nay so với kế hoạch ban đầu của chúng tôi. Tôi tự hỏi lãi suất sẽ phải tăng cao bao nhiêu để tác động lại điều đó, và tôi đưa nó vào ngay vấn đề của cá nhân gia đình tôi: Tỷ lệ lãi suất sẽ phải cao bao nhiêu để gia đình tôi cắt giảm chi tiêu đi 240 đô-la? Nếu tôi trả lời trung thực, và nếu gia đình tôi thực sự là một gia đình điển hình, thì tôi có thể sẽ dự đoán khá chính xác.

Một vụ mùa không thành công trị giá 20 tỷ đô-la hay một thiên tai hủy diệt một lượng của cải vật chất tương đương với 20 tỷ đô-la sẽ tạo ra những phân tích và những câu trả lời như nhau.

Đó thực sự là tất cả những gì cần biết để hiểu về tỷ lệ lãi suất. Tỷ lệ lãi suất phải là điều gì đó cần thiết để thuyết phục một gia đình trung bình tiêu thụ một lượng hàng hóa trung bình có sẵn. Nếu cung hàng hóa giảm, như khi chính phủ lãng phí nguồn lực, tỷ lệ lãi suất phải tăng lên. Nếu cung hàng hóa tăng, như khi có một vụ mùa bội thu khác thường, tỷ lệ lãi suất sẽ phải giảm.

Tôi xin được đưa ra một ví dụ để minh họa rằng cung có thể thay đổi thay vì cầu. Giả sử, một hộ gia đình trung bình tìm được một lý do để lạc quan hơn vào tương lai. Có thể những phát triển mới trong công nghệ báo hiệu rằng năng suất sẽ cao hơn, hay những thay đổi thời tiết báo hiệu những vụ mùa bội thu hơn, hay một chính quyền mới hứa hẹn những chính sách được nhiều người kỳ vọng là có thể mở ra một kỷ nguyên phồn thịnh.

Nói chung, những người mong đợi thu nhập của mình tăng lên trong tương lai sẽ phản ứng bằng cách muốn tiêu dùng nhiều hơn trong hiện tại. Và bạn sẽ cảm thấy phải chắt chiu và tiết kiệm khi bạn nghĩ rằng mình sẽ nghèo khó suốt đời, chứ không phải khi bạn nghĩ mình đang đứng bên bờ của một bước đột phá tài chính. Nếu hôm nay bạn trúng sổ số, với điều kiện là bạn sẽ nhận được khoản tiền 200 nghìn đô-la sau một năm nữa, thì khả năng lớn là thói quen mua sắm của bạn sẽ thay đổi rất lâu trước khi tờ séc đến tay bạn.

Vì vậy, khi tương lai sáng sủa hơn, tất cả mọi người sẽ quyết định tiêu dùng nhiều hơn trong hiện tại. Nhưng có một trở ngại: hiện tại không còn gì hơn để tiêu dùng. Trong một giai đoạn nhất định, chỉ có một số lượng ô tô nhất định, một số lượng nhà nhất định, một số lượng kem nhất định, và một số lượng ghế nhất định tại rạp hát. Việc tất cả mọi người tiêu dùng nhiều hơn sẽ là điều không thể xảy ra, và trên thực tế một gia đình trung bình cuối cùng phải tiêu dùng một lượng trung bình, như đã được định trước.

Vậy điều gì thuyết phục người ta từ bỏ các kế hoạch tiêu dùng mới? Câu trả lời là tỷ lệ lãi suất phải tăng lên. Bằng cách tăng lên, tỷ lệ lãi suất thuyết phục người ta tiêu ít đi, và nó tiếp tục tăng cho tới khi những kế hoạch tiêu dùng ban đầu của một gia đình bình thường được khôi phục.

Khi một thế hệ máy tính mới được tung ra, tôi kỳ vọng năng suất sẽ tăng lên, tương lai sẽ sáng sủa hơn, và tỷ lệ lãi suất tăng lên. Vậy nó sẽ tăng bao nhiêu? Như mọi khi, tôi cố gắng đưa ra câu hỏi này bằng cách nghĩ về chính gia đình mình. Đầu tiên, tôi tự hỏi thu nhập tương lai của chúng tôi sẽ lên tới bao nhiêu. Sau đó, tôi sẽ có khả năng tăng mức tiêu dùng hiện tại của mình lên bao nhiêu. Nếu câu trả lời là 100 đô-la, tôi thắc mắc tỷ lệ lãi suất sẽ phải tăng bao nhiêu để thuyết phục tôi cắt giảm tiêu dùng đi 100 đô-la.

Giờ đây, dĩ nhiên câu trả lời cho tất cả các câu hỏi đó mang tính suy đoán cao, và sự xác đáng của chúng tùy thuộc vào tính cách của tôi. Suy đoán của tôi chắc chắn là không chính xác. Nhưng việc đón nhận một câu hỏi dường như liên quan tới những lực lượng vừa bí ẩn vừa vô hình (“công nghệ ảnh hưởng tới tỷ lệ lãi suất như thế nào?”) và chuyển nó thành một câu hỏi về hành vi của những người như tôi là một việc rất tao nhã.

Tất nhiên, có những nhà kinh tế học không hài lòng với cách đánh giá đó và muốn tiến xa hơn, bằng cách đưa ra những thống kê kỹ càng về cách người ta phản ứng trước những phát triển tương tự trong quá khứ, và tìm ra những kỹ năng để biến những nhận định về quá khứ thành dự đoán cho tương lai. Các nhà kinh tế học đó chắc chắn sẽ có những dự đoán chính xác hơn đáng kể so với những gì tôi có thể đưa ra khi đang ngồi trên chiếc ghế bành của mình, cố gắng tưởng tượng mình sẽ phản ứng như thế nào trong những trường hợp đó.

Một lần, một giáo sư tài chính nổi tiếng giảng cho một nhóm các nhà đầu tư thành công về hành vi của thị trường. Bài phát biểu của ông tô đưa ra một tầm nhìn uyên thâm về cách thế giới vận hành nhưng lại gần như không đưa ra được các lời khuyên đầu tư thực tế. Khán giả, những người đến nghe vì mục đích tạo ra nhiều của cải hơn chứ không phải vì đón nhận tri thức bắt đầu rì rầm. Khi vị giáo sư cho phép mọi người đặt câu hỏi, câu hỏi đầu tiên được đưa ra mang tính tiêu cực thái quá: “Nếu ông giỏi đến vậy, tại sao ông không giàu?”

Vị giáo sư (người thực ra giàu nhất trong cả căn phòng, nhưng đó lại là chuyện khác), trả lời: “Nếu ông giàu đến vậy, tại sao ông không giỏi?”

Các nhà kinh tế học nghiên cứu tỷ lệ lãi suất vì tỷ lệ lãi suất là hiện tượng xã hội rộng rãi và họ khát khao tìm hiểu tất cả mọi thứ về xã hội loài người. Tôi hy vọng một phần nào đó cuốn sách này của tôi đã truyền đạt một cái gì đó là khiến độc giả cảm nhận được niềm vui tuyệt đối của sự hiểu biết. Dù thế, một số độc giả chắc hẳn vẫn tự hỏi liệu những phân tích này có thể dẫn tới cả tri thức và của cải hay không. Tôi xin được cố gắng giải thích câu hỏi này.

Harry Truman từng nói chính quyền của ông cần một nhà kinh tế học “một mặt”, bởi các nhà kinh tế học xung quanh ông đều không thể hoàn thành một câu nói mà không thêm cụm từ “mặt khác”. Harry Truman sẽ không thích hướng đi của những cuộc thảo luận như thế này. Mặt khác, Harry tôn trọng sự thật, và tôi sẽ thật lòng tới hết mức có thể.

Tôi nghĩ rằng bạn sẽ không cần đến nhiều lý thuyết hơn những gì tôi đã trình bày ở đây để có thể bắt đầu ước tính tỷ lệ lãi suất ví dụ như phản ứng trước một vụ mùa bội thu hay một thiên tai, trước một chính sách hoang phí hay sáng suốt của chính phủ, hay trước các tin tốt và xấu về tương lai.

Tuy nhiên, chỉ với kiến thức đó bạn sẽ không giàu lên được. Sự thống nhất giữa các nhà kinh tế học đó là tỷ lệ lãi suất có thể điều chỉnh cho phù hợp với các thông tin mới gần như chỉ trong nháy mắt. Khi tổng thống thông báo về dự án tên lửa mới, bạn có thể bắt đầu lý luận: “Hãy xem; điều này có nghĩa là sẽ có ít hàng hóa tiêu dùng hơn, vì thế…” nhưng cho tới lúc bạn nói đến dấu chấm phẩy, tỷ lệ lãi suất đã hoàn thành việc điều chỉnh lên cao. Một khi tin tức đến được với bạn, thì cũng đã quá muộn để tận dụng nó.

Nhưng còn có một mặt thứ ba. Chỉ còn một khả năng duy nhất đó là bạn có chút kiến thức, tài năng hay bản năng khiến bạn thông minh hơn người khác khi dự đoán tổng thống chuẩn bị tuyên bố gì trong buổi họp báo ngày mai, hay liệu cơn bão đang hướng tới bờ biển sẽ tan trước khi nó tiến vào đất liền, hay khi nào IBM sẽ phát triển công nghệ gắn máy tính trực tiếp vào não bạn. Nếu bạn được chúa phù hộ tới vậy, và nếu bạn có hiểu biết cơ bản về những chuyển biến của tỷ lệ lãi suất, thì bạn có thể thực sự phỏng đoán chính xác các diễn biến kinh tế và bạn có lẽ có thể trở nên giàu có.

Nếu bạn trở nên giàu có, tôi sẽ rất vui nếu được nghe tin đó. Hãy gửi cho tôi một bức thư ngắn. Tôi sẽ đắm mình trong chiếc ghế bành đã sờn của mình và suy nghĩ về mọi thứ.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.