Kinh Tế Học Dành Cho Đại Chúng

Chương 11. Chuyện hoang đường về thâm hụt



Với Lauren J. Feinstone

Với tốc độ 1 đô-la một giây, sẽ mất hơn 100 nghìn năm để trả hết nợ quốc gia. Những thực tế đó gây kích động dư luận, nhưng không làm sáng tỏ điều gì. Không may là chúng có mặt trong những cuộc thảo luận của công chúng. Kết quả là sự hiểu biết của công chúng về nợ và thâm hụt gần như là không tồn tại. Thay vào đó là một kho niềm tin vô căn cứ – xin được gọi là huyền thoại – được lặp đi lặp lại đều đều mà không hề bị chỉ trích trong hội trường Nghị vị và trên các bản tin mỗi tối. Những chuyện hoang đường này vừa được lan truyền rộng rãi lại vừa biện minh được. Tuy nhiên, một số nguyên tắc cơ bản, dễ nắm bắt lại đủ để làm sáng tỏ trí tuệ.

Những chuyện hoang đường về thâm hụt ẩn dưới ba quan niệm sai lầm lớn. Một là những số liệu được báo cáo chính thức và phân tích rộng rãi, thực sự phản ánh bất cứ những gì liên quan tới hiện thực của nền kinh tế. Một sai lầm nữa là thâm hụt ngân sách của chính phủ rõ ràng khiến lãi suất tăng cao qua những cơ chế đơn giản mà người ta nghĩ họ có thể hiểu được. Thứ ba là một số nhóm nhất định có thể định dạng được (“các thế hệ tương lai”, khu vực tư nhân nói chung, ngành xuất khẩu nói riêng) rõ ràng và không hề mơ hồ bị tổn thương bởi thâm hụt.

Mỗi quan niệm sai lầm lớn này nảy sinh từ một vài chuyện hoang đường được thêm thắt khác mà chúng ta sẽ mổ xẻ lần lượt. Trước khi làm điều đó, chúng tôi muốn kể lại một truyện ngụ ngôn để làm sáng tỏ mọi vấn đề quan trọng, liên quan tới khoản nợ của chính phủ. Sau đó chúng ta sẽ quay trở lại với các quan niệm sai lầm lớn và những chuyện hoang đường ẩn sau chúng.

MỘT TRUYỆN NGỤ NGÔN

Giả sử bạn thuê một nhân viên mua sắm để mua trang phục cho bạn. Nhân viên này được quyền thay mặt bạn ra một số quyết định. Đầu tiên, anh ta phải quyết định dành bao nhiêu tiền cho những ngăn khác nhau của tủ quần áo.

Thứ hai, anh ta phải quyết định làm thế nào để chi trả cho các khoản mua sắm đó.

Để tập trung vào bước thứ hai của quyết định, chúng ta hãy giả định nhân viên của bạn đã quyết định dành 100 đô-la để mua quần áo. Có ba cách tìm nguồn vốn mà anh ta có thể áp dụng. Thứ nhất, anh ta có thể rút 100 đô-la từ tài khoản của bạn và dùng nó để trả thẳng cho các khoản mua sắm. Thứ hai, anh ta có thể dùng thẻ tín dụng của bạn để mua và trả nợ sau một năm. Trong trường hợp này, hóa đơn tín dụng phải trả năm sau sẽ là 110 đô-la bao gồm 100 đô-la gốc và 10 đô-la lãi suất (giả sử lãi suất hàng năm là 10%).

Cũng có lựa chọn thứ ba – nhân viên có thể dùng thẻ tín dụng của bạn để trả tiền mà không bao giờ có ý định trả lượng tiền gốc. Trong trường hợp này, hóa đơn của bạn sẽ là 10 đô-la lãi suất mỗi năm, đến vô cùng, và nhân viên của bạn sẽ rút 10 đô-la mỗi năm từ tài khoản của bạn để trả số tiền lãi đó.

Bây giờ câu hỏi là, bạn sẽ chọn cách trả tiền nào? Để nghiên cứu vấn đề này, hãy xem xét vị thế tài chính của bạn sau một năm với cả 3 lựa chọn trên.

Chúng ta đã giả định mức lãi suất hiện hành là 10% và sẽ giả định rằng 1.000 đô-la trong tài khoản của bạn cũng có được mức lãi suất như thế. Điều này có nghĩa là nếu không mua một chiếc quần hay áo nào, tài khoản của bạn sẽ tăng tới 1.100 đô-la giờ này năm sau. Bất cứ lựa chọn nào trong 3 cách mà nhân viên của bạn sử dụng sẽ một phần nào đó lẹm vào 1.100 đô-la này; chúng ta hãy xem lẹm bao nhiêu.

Phương án A lấy đi 100 đô-la từ tài khoản của bạn ngày hôm nay, giảm từ 1.000 đô-la xuống còn 900 đô-la. Một năm sau 900 đô-la đó sẽ kiếm được 90 đô-la lãi suất, và tài khoản của bạn sẽ là 990 đô-la. Đây sẽ là 110 đô-la ít hơn khoản tiền 1.100 đô-la bạn sẽ có nếu bạn không mua bộ quần áo nào. Vậy 110 đô-la kia biến đi đâu? Chính xác là 100 đô-la đi vào việc mua sắm; 10 đô-la còn lại là lãi suất bị mất do việc trả tiền cho quần áo tại thời điểm mua.

Trong phương án B, bạn không trả khoản tiền nào cho tới năm sau. Tại thời điểm đó, tài khoản của bạn sẽ là 1.100 đô-la (cũng như là không mua sắm gì, vì không có đồng nào bị rút ra cả). Từ đây, nhân viên của bạn sẽ rút 110 đô-la để trả cước tín dụng (100 đô-la gốc và 10 đô-la lãi suất), để lại số tiền chính xác là 990 đô-la.

Nói cách khác, phương án A và B cuối cùng giảm tài khoản của bạn đi một lượng tiền như nhau. Trong bất cứ trường hợp nào, quần áo tiêu tốn của bạn 110 đô-la tại thời điểm cuối năm thứ nhất. Trong phương án A bạn bỏ lỡ 10 đô-la tiền lãi kiếm được, trong khi với phương án B, bạn kiếm được 10 đô-la tiền lãi và gửi nó cho công ty thẻ tín dụng.

Còn lại là phương án C, theo đó các khoản mua sắm được tính vào thẻ tín dụng nhưng không bao giờ được chi trả – một chính sách “thâm hụt mãi mãi”. Sau một năm, tài khoản của bạn sẽ như thế nào theo phương án này? Từ số tiền (sau một năm) là 1.100 đô-la, nhân viên của bạn sẽ rút 10 đô-la để trả lãi suất cho năm đầu tiên. Bạn còn 1.090 đô-la tiền mặt – có đúng như vậy không nhỉ? Biết là mình sẽ luôn phải trả 10 đô-la một năm, bạn sẽ bị buộc phải dành riêng một quỹ để trả cho khoản này. Bạn cần bao nhiêu tiền trong quỹ đó? Chính xác là 100 đô-la, vì nó sẽ luôn đẻ ra số tiền lãi là 10 đô-la mỗi năm, và đó là số tiền bạn cần để thực hiện nghĩa vụ của mình.

Nói cách khác, tài khoản của bạn còn 1.090 đô-la, nhưng trong tài khoản này có 100 đô-la bạn không dám rút. Điều này để lại cho bạn 990 đô-la có thể sử dụng được – chính là những gì bạn sẽ có trong phương án A và B.

Vì thế, những câu hỏi về tài chính có thể phó mặc cho nhân viên mua sắm của bạn, và bạn không cần bận tâm tới quyết định của anh ta. Đúng là nếu nhân viên đẩy bạn vào tình cảnh nợ nần, bạn sẽ chịu trách nhiệm trả lãi. Điều này cũng đúng là qua việc tài trợ bằng thâm hụt ngân sách, anh ta cho phép tài sản của bạn sinh những khoản lãi suất mà đáng ra đã có thể bị mất. Khi bạn mang nợ, chi phí và lợi ích tự triệt tiêu lẫn nhau một cách chính xác. Những chuyện như liệu có nên cho phép thâm hụt – và nếu có, trong bao lâu – không có hậu quả nào cả.

Tất nhiên, các vấn đề khác có hậu quả. Cụ thể là quyết định dành 100 đô-la vào quần áo – điều chúng ta mặc định trong suốt cuộc thảo luận này – có ý nghĩa đối với bạn, thậm chí nếu phương thức chi trả không có tác động gì. Nếu bạn xem một khoản ngân sách 100 đô-la để mua quần áo là quá hoang phí hoặc quá keo kiệt, bạn có thể sẽ không hài lòng, và quyết định sa thải nhân viên mua sắm.

Cũng theo cách đó, bạn có thể rất khó chịu với chi tiêu của chính phủ hoặc nhiều hoặc ít hơn những gì bạn muốn trong các chương trình khác nhau. Nhưng một khi mức độ chi tiêu này đã được chọn, sẽ chỉ có ba cách để các nhân viên Bộ Tài chính có thể dùng để chi tiêu cho nó. Họ có thể thu thuế bạn ngày hôm nay. Họ có thể vay tiền và trả sau (cùng với lãi suất) tại một thời điểm cố định trong tương lai, đánh thuế bạn đủ để hoàn thành nghĩa vụ đó. Hoặc họ có thể vay tiền và đáo hạn khoản nợ này mãi mãi, định kỳ đánh thuế bạn đủ để trả tiền lãi. Cũng như chính phủ, nhân viên mua sắm gợi ý rằng phương pháp nào được lựa chọn cũng không có nhiều khác biệt.

Giờ đây, câu chuyện này, không nghi ngờ gì nữa, trở nên quá đơn giản, bởi một số lí do. Nếu bạn chuẩn bị ra đi trong vòng 6 tháng tới, và nếu không quan tâm tới khối lượng tài sản bạn để lại, thì bạn có thể kiếm lời bằng cách nợ những khoản khổng lồ với kì hạn một năm. (Mặt khác, nếu bạn coi tài sản của người thừa kế như của chính mình, mọi chuyện lại trở về như cũ.) Cũng có trường hợp, các cá nhân ưu tiên giữa việc đóng thuế bây giờ và đóng thuế sau này nếu họ mong đợi trách nhiệm thuế của họ (ví dụ như thu nhập của họ) thay đổi đáng kể giữa hai giai đoạn.

Nhưng phép tương đồng này vẫn rất mạnh mẽ, nó gợi ý rằng nếu thâm hụt có “vấn đề”, thì vấn đề của chúng khá tinh vi. Nó chứng tỏ rằng thâm hụt, trong bản thân chúng, không hơn cũng chẳng kém hệ thống thuế. Nó cũng cho thấy điều chúng ta nên lo ngại chính của là mức độ và các khoản chi tiêu chính phủ, hơn là cách tài trợ cho các khoản chi tiêu đó. Đây là những chủ đề chúng ta sẽ còn quay trở lại.

NHỮNG CHUYỆN HOANG ĐƯỜNG VỀ Ý NGHĨA CỦA CÁC CON SỐ

Các thống kê chính thức của chi tiêu chính phủ (và hệ quả là thâm hụt ngân sách của chính phủ) nảy sinh từ mớ hỗn độn các số liệu được tập hợp một cách tùy tiện mà không có lý thuyết nào để chứng minh. Những số liệu này bao gồm mức tiêu dùng tài nguyên thực của chính phủ (chẳng hạn như chi phí cho giáo dục hay quân đội), phân phối thu nhập (như an sinh xã hội) và trả lãi suất cho các khoản nợ trong quá khứ. Kết quả của việc tổng hợp các quả táo, lê và cam này (và sau đó trừ đi thu nhập thuế để tính thâm hụt) không có ý nghĩa kinh tế quan trọng, cho dù nó có vẻ là nguồn gốc quan trọng trong xã hội của chúng ta. Các cơ quan chính phủ thử ước tính nó, các tờ báo trịnh trọng báo cáo về nó, và các học giả đau đầu nhức óc vì nó. Dường như không ai trong số họ đặt câu hỏi những con số này có ý nghĩa gì. Đây là một số câu chuyện hoang đường về cách tính toán vô nghĩa này.

Câu chuyện hoang đường số 1: Lãi suất phải trả cho khoản nợ trong quá khứ là gánh nặng. Các khoản lãi suất phải trả cho các khoản nợ trong quá khứ được tính đến trong thống kê thâm hụt, ngầm cho thấy rằng chúng tăng gánh nặng cho người đóng thuế. Truyện ngụ ngôn về nhân viên mua sắm cho thấy đây là nhận định sai. Các khoản lãi suất phải trả cho khoản nợ trong quá khứ được bù đắp hoàn toàn bởi lãi suất kiếm được khi chúng ta hoãn việc đóng thuế. Đây là điểm mấu chốt. Nợ chính phủ cho phép chúng ta trì hoãn việc đóng thuế, cũng như thẻ tín dụng cho phép người mua quần áo hoãn trả tiền. Điều này cho phép người đóng thuế kiếm lãi suất từ chính tài sản của họ trong thời gian dài hơn, và điều này hoàn toàn triệt tiêu “gánh nặng” của việc cuối cùng phải trả lãi cho nợ chính phủ.

Suy ra, lãi suất của các khoản nợ trong quá khứ không nên được tính đến trong bất cứ thống kê có ý nghĩa nào của chi tiêu chính phủ hay thâm hụt ngân sách chính phủ. Nhưng nó luôn được tính đến, và kết quả là tất cả các loại báo cáo từ nhỏ tới lớn của thâm hụt đều bị đánh giá cao một cách khủng khiếp.

Câu chuyện hoang đường số 2: Một đô-la chi tiêu là một đô-la hao phí. Như thế, một đô-la dùng vào việc xây một văn phòng chính phủ (sử dụng thép, kính, công nhân, v.v…) tương đương với một đô-la do chính sách an sinh xã hội cung cấp (khiến một người giàu lên và một người nghèo đi mà không thực sự tiêu dùng bất cứ thứ gì). Rõ ràng điều này là sai, và bất cứ con số nào được rút ra từ việc nguỵ tạo rằng đây là điều đúng đều rất khả nghi.

Câu chuyện hoang đường số 3: Lạm phát không có tác động gì. Lạm phát là lợi ích khổng lồ đối với bất cứ con nợ nào, bao gồm cả chính phủ. Nếu chính phủ nợ 1 nghìn tỷ đô-la và lạm phát ở mức 10% mỗi năm, thì trong vòng một năm giá trị thật của nợ chính phủ sẽ được giảm đi 10% của 1 nghìn tỷ (hay 100 tỷ đô-la). 100 tỷ đô-la đó là doanh thu của chính phủ, chắc chắn y hệt như 100 tỷ đô-la kiếm được nhờ doanh thu từ thuế, và nó phải được tính như vậy.

Nhưng lại không phải như vậy. Sau khi điều chỉnh lại cho doanh thu bị hao phí này, giáo sư Robert Barro của trường Đại học Harvard phát hiện ra rằng chính phủ liên bang có khoản thặng dư mới vào năm 1979 và thâm hụt hàng năm dưới 10 tỷ đô-la trong hai năm đầu dưới chính quyền Reagan!

Câu chuyện hoang đường số 4: Lời hứa gió bay. Giả sử một tổng thống mới hứa hẹn sẽ tăng chi tiêu chính phủ dành cho đường cao tốc, giáo dục, và các dạng cơ sở hạ tầng khác. Ngay cả trước khi chương trình này bắt đầu, lời hứa của tổng thống về chi tiêu trong tương lai đã là một dạng nợ (hệt như dạng nợ nếu tôi hứa ngày hôm nay rằng tôi sẽ gửi tấm séc 100 đô-la cho bạn tuần tới) và có lẽ nên được tính tới trong việc tính toán thâm hụt hiện hành. Nhưng không phải như vậy.

Vấn đề tính toán trở nên khó ước lượng hơn khi có những lo ngại chính đáng về sự thành thực của tổng thống hoặc khả năng thực hiện của ông. Nếu tôi hứa sẽ gửi bạn tấm séc 100 đô-la vào thứ ba tuần sau và không ai trong chúng ta chắc chắn rằng liệu bạn có nên tin tôi có nợ ai không?

Lời hứa lớn nhất và nổi bật nhất của chính phủ là tiếp tục chương trình an sinh xã hội. Cho dù lời hứa này có được tính là một khoản nợ hay không tạo ra sự khác biệt lớn trong cách tính toán thâm hụt. Laurence Kotlikoff, tác giả gần đây của cuốn Kế toán tổng quát, diễn giải như sau: Theo hệ thống kế toán của chính phủ, tiền do công nhân và chủ trả cho an sinh xã hội được coi là thuế, và lợi ích mà hệ thống trả cho người nghỉ hưu được coi là phân phối lại thu nhập. Cũng sẽ là chính đáng tương đương tương tự nếu thông qua một hệ thống kế toán trong đó tiền do công nhân và chủ được trả tính bằng các khoản cho vay của chính phủ và lợi ích trả cho người nghỉ hưu là việc trả lại những khoản nợ đó.

Theo hệ thống kế toán của chính phủ, khoản nợ quốc gia chưa thanh toán hiện vào khoảng 3 đến 4 nghìn tỷ. Theo cách tính khác, nợ chưa thanh toán lên gần tới 10 nghìn tỷ. Lý do duy nhất để sử dụng một hệ thống kế toán này thay vì một hệ thống khác là có một nơi nào đó trong màn sương mù của lịch sử, một kế toán viên nào đó làm một điều tương tự như việc tung đồng xu. Bao nhiêu ý nghĩa kinh tế có thể ẩn dưới một con số với giá trị phụ thuộc vào một lựa chọn hoàn toàn ngẫu nhiên giữa những phương pháp kế toán chính đáng như nhau?

NHỮNG CHUYỆN HOANG ĐƯỜNG VỀ TỶ LỆ LÃI SUẤT

Trong cuộc tranh luận trong chiến dịch tranh cử tổng thống đầu tiên năm 1984, Walter Mondale đưa ra tuyên bố rằng “tất cả mọi người, tất cả các nhà kinh tế, tất cả các thương gia” đều đồng tình rằng thâm hụt ảnh hưởng tới tỷ lệ lãi suất. Tuyên bố đó, cụ thể là liên quan tới các nhà kinh tế, còn xa mới trở thành sự thật.

Thâm hụt có ảnh hưởng tới tỷ lệ lãi suất hay không? Chúng ta không biết. Ông Mondale có lý do hùng hồn nào để nghĩ rằng thâm hụt ảnh hưởng tới tỷ lệ lãi suất hay không? Gần như chắc chắn là không. Dù vậy, một niềm tin không chắc chắn về sức mạnh của thâm hụt sẽ đặt lại ông ta vào chính giữa xu hướng chủ đạo của giới cử tri.

Một niềm tin vào sức mạnh của thâm hụt đối với tỷ lệ lãi suất dường như đã thâm căn cố đế trong tâm lý người Mỹ, được củng cố bởi hai luận cứ sai lầm chính. Thực tế cho thấy các luận cứ này sụp đổ trước nhận định kỹ lưỡng không được kiểm chứng − thâm hụt không tác động tới lãi suất. Nó có nghĩa là ông Mondale (cũng như bao người khác) thất bại trong việc bảo vệ luận cứ của mình. Quả thật, ông ta đã thất bại trong việc đưa ra bất cứ lý do nào để nghi ngờ mối quan hệ giữa thâm hụt và tỷ lệ lãi suất, ngoài lời kêu gọi không thể biện minh được tới quyền lực của tất cả các ‘nhà kinh tế’”. Hãy phân tích những luận cứ về thâm hụt và tỷ lệ lãi suất.

Câu chuyện hoang đường số 5: Thần thoại “Goliath”. Theo lý thuyết này, quốc gia bao gồm các “David” nhỏ, cạnh tranh với “Goliath” của chính phủ liên bang, kẻ thường chi tiêu 200 tỷ đô-la mà nếu không có nó, các David đã có thể dùng để mua ô tô và mua nhà. Sự cạnh tranh để có một lượng cung tiền hạn hẹp này làm tăng tỷ lệ lãi suất tới mức David thậm chí không có đủ tiền mua một chiếc súng cao su.

Phép tương đương này hoàn toàn vô cơ sở. Chính phủ không chi tiêu tiền bằng cách vay tiền; tiền chính phủ vay ngay lập tức có thể được các cá nhân vay. Giả sử chính phủ quyết định vay 1 đô-la để mua một cái kẹp giấy để dùng ở Lầu Năm Góc. Họ tác động tới khoản vay này bằng cách bán trái phiếu cho Jack, người rút 1 đô-la từ tài khoản ngân hàng để mua trái phiếu. Đồng đô-la này ngay lập tức được dùng để mua kẹp giấy từ Jill, người gửi tiền vào ngân hàng. Giờ đúng là ngân hàng của Jack có ít đi 1 đô-la trong tài khoản ký gửi, nhưng ngân hàng của Jill có thêm 1 đô-la. Tổng số đô-la mà các ngân hàng có để cho David vay bằng chính với tổng số tiền trước khi chính phủ bắt đầu vay tiền. Goliath không chi tiêu một đồng đô-la nào; anh ta chỉ di chuyển một chút.

Quan sát chủ chốt ở đây là chính phủ không vay tiền mà không có lý do; họ vay tiền để tiêu. Việc chi tiêu khôi phục lại số tiền mà việc vay tiền có vẻ như đã “sử dụng hết”. Sai lầm thường gặp là nhận ra việc vay tiền chứ không phải việc tiêu tiền.

Câu chuyện hoang đường số 6: Chuyện hoang đường về Dick và Jane. Luận cứ sai lầm này nói rằng: “Nếu chính phủ muốn tăng lượng tiền vay, họ phải khuyến khích người ta cho vay. Điều này đồng nghĩa với việc trả lãi suất cao hơn. Như vậy, tất cả những người khác phải tăng lãi suất để giữ khả năng cạnh tranh”.

Khái niệm sai lầm ẩn sau luận cứ này là nếu Dick muốn Jane cho anh ta vay 1 đô-la với mức lãi suất hiện hành là 10%, và trong trường hợp cô ấy chần chừ, Dick phải gợi ý mức lãi suất cao hơn để Jane thay đổi ý định.

Không phải như vậy. Còn một cách khác để thay đổi ý định của Jane. Dick có thể gợi ý cho Jane vay 1 đô-la với mức lãi suất 10%, và đổi lại cô cho anh vay một khoản y hệt. Quả thật, Dick có thể thuyết phục Jane cho anh vay bất cứ khoản tiền nào – chỉ cần anh này cho cô vay một khoản tương đương, với cùng một mức lãi suất – chứ không phải tăng mức lãi suất.

Ví dụ này không mỹ miều như thế. Bất cứ khi nào chính phủ muốn vay 1 đô-la, họ đồng thời cho vay 1 đô-la, hệt như những gì Dick làm. Suy cho cùng, tại sao chính phủ vay tiền? Họ vay tiền để tránh tăng thuế cho bạn tại thời điểm hiện tại –thực tế là, cho bạn vay lại lượng thuế mà họ thường thu.

Không giống như vay từ một cá nhân, nợ chính phủ luôn đi kèm với lượng vay ngầm cho người đóng thuế. Chính phủ, cũng như Dick, vay từ dân (hay Jane), trong khi đồng thời cho vay một khoản y hệt với mức lãi suất y chang. Cũng như Dick và Jane, chính phủ và dân chúng có thể tiếp tục tại bất cứ mức độ nào mà không ảnh hưởng tới tỷ lệ lãi suất.

NHỮNG CHUYỆN HOANG ĐƯỜNG VỀ GÁNH NẶNG NỢ NẦN

Tuyển tập những chuyện hoang đường cuối cùng liên quan tới những người chịu gánh nặng của nợ chính phủ. Việc nợ chính phủ là một gánh nặng theo bất cứ nghĩa nào còn chưa rõ ràng, vì thế có vẻ không cần thiết phải nghiên cứu những điều này quá sâu sắc. Nhưng chỉ ra những sai lầm trong những luận cứ này là bài tập hướng dẫn và minh họa một số điểm quan trọng.

Câu chuyện hoang đường số 7: Thế hệ sau sẽ thừa kế nợ nần của chúng ta. Thế hệ sau của chúng ta sẽ không những thừa kế nợ nần mà cả các tài khoản tiết kiệm của chúng ta nữa, bao gồm những khoản tiền phụ trội mà chúng ta tiết kiệm được nhờ việc trả tiền thuế thấp hơn trong hiện tại. Trước khi ngày đó tới, cả nợ nần lẫn tiền tiết kiệm đều tăng lên nhờ vào sự tích tụ lãi suất. Nếu chúng ta trả 1 đô-la tiền nợ ngày hôm nay, chúng ta thực sự có thể giúp con cháu chúng ta không phải trả 2 đô-la tiền nợ ngày mai, nhưng chỉ với chi phí triệt tiêu sự ưu đãi − bằng cách lấy ra đồng đô-la đó từ tài khoản tiết kiệm − chúng ta giảm thừa kế của chúng đi 2 đô-la.

Câu chuyện hoang đường số 8: Chuyện hoang đường về sự chèn ép. Người ta tranh luận rằng cho vay chính phủ sử dụng tiềm lực kinh tế mà lẽ ra những tiềm lực đó sẽ được sử dụng tốt hơn bởi khu vực tư nhân. Điều này tương tự với dạng chuyện hoang đường về Goliath, trừ chi tiết là câu chuyện này liên quan tới những tiềm lực hữu hình chứ không phải là tiền. Nó sai vì cho vay chính phủ không chi tiêu cái gì hết. Cái tiêu dùng tiềm lực là chi tiêu chính phủ. Nếu chính phủ mua một triệu tấn thép, thì một triệu tấn thép ít hơn con số đó sẽ là những gì khu vực tư nhân có thể mua. Điều sẽ đúng cho dù thép được mua bởi thu nhập từ thuế hay quỹ cho vay. Gánh nặng đối với khu vực tư nhân được tính toán chính xác bằng những gì chính phủ tiêu dùng, không phải bằng cách họ có được những tiềm năng này.

Câu chuyện hoang đường số 9: Thâm hụt làm tổn thương vị thế thương mại của chúng ta. Nhiều tranh luận sai lầm đã được đưa ra để ủng hộ một lý luận cho rằng thâm hụt là điều bất lợi cho ngành công nghiệp xuất khẩu nội địa. Tất cả các tranh cãi này phát triển theo cách này hoặc cách khác từ cặp luận điểm cho rằng thâm hụt ảnh hưởng tới tỷ lệ lãi suất và rằng đến lượt nó ảnh hưởng tới giá trị của đồng đô-la. Như chúng ta đã tranh luận nhiều lần, mối liên hệ giữa thâm hụt và tỷ lệ lãi suất là rất mỏng manh. Việc tìm hiểu sự liên kết giữa tỷ lệ lãi suất và tỷ giá hối đoái sẽ khiến chúng ta đi quá sâu. Chúng ta hạn chế bản thân trong quan sát rằng một chuỗi suy luận cũng chỉ mạnh như mắt xích yếu nhất của nó.

Những ai được công chúng chú ý tới sẽ thấy việc sở hữu khả năng gây kích động đám đông là điều hữu ích. Vì thế không phải là ngạc nhiên khi các câu chuyện hoang đường về thâm hụt tìm được đường đến với công chúng, đều có xu hướng phóng đại cả về kích cỡ lẫn tầm quan trọng. Sẽ là quan trọng để vạch trần những câu chuyện hoang đường ấy và để xoa dịu sự cuồng loạn ngấp nghé mà đôi lúc chúng được sinh ra. Cũng sẽ là quan trọng để không bị cuốn vào tư tưởng sai lầm về sự đầy đủ.

Mỗi luận cứ mà chúng ta đưa ra trong chương này giả định lượng chi tiêu chính phủ là cố định. Không nghi ngờ gì, mức tiêu dùng cao là bất lợi, trong chính những cách đổ lỗi cho các khoản thâm hụt lớn.

Thật vậy, có thể trường hợp tác động bất lợi nhất của thâm hụt là phân tán sự chú ý của chúng ta khỏi tiêu chí kinh tế cấp bách nhất, đó là tìm một cơ chế nào đó để kiểm soát tiêu dùng liên bang. Nếu chúng ta thất bại trước thứ thách này, nỗi ám ảnh của chúng ta về ngân sách cân bằng sẽ không đủ để cứu chúng ta khỏi các hậu quả của nó.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.