Kinh Tế Học Dành Cho Đại Chúng

I. CUỘC SỐNG LÀ GÌ? – Chương 1. Sức mạnh của thưởng phạt



Dây đai an toàn nguy hiểm như thế nào?

Phần lớn các kiến thức kinh tế có thể được tóm gọn trong những dòng sau: “Con người sẽ phản ứng trước thưởng phạt”. Phần còn lại chỉ là những lời dẫn giải.

“Con người sẽ phản ứng trước thưởng phạt” nghe đủ vô thưởng vô phạt để hầu hết mọi người đều có thể thừa nhận sự đúng đắn của nó với tư cách là một nguyên lý phổ biến. Thứ làm nên sự khác biệt của nhà kinh tế học là sự kiên trì trong việc xem xét nghiêm túc nguyên lý này tại bất cứ thời điểm nào.

Tôi vẫn còn nhớ cảnh chờ đợi nửa tiếng đồng hồ để mua một can xăng với mức giá được chính quyền liên bang bảo hộ vào cuối những năm 1970. Hầu như tất cả các nhà kinh tế học đều đồng tình rằng nếu giá xăng được phép tăng tự do thì người ta sẽ mua ít hơn. Nhưng giới phi kinh tế học thì tin vào điều ngược lại. Các nhà kinh tế học đã đúng: Khi sự bảo hộ giá được dỡ bỏ, những dãy hàng dài chờ mua xăng cũng biến mất.

Niềm tin của nhà kinh tế học vào sức mạnh của thưởng phạt rất có ích cho anh ta, và anh ta tin tưởng tuyệt đối vào nó như tin vào một hướng dẫn viên khi đang ở một nơi xa lạ vậy. Năm 1965, Ralph Nader xuất bản cuốn Unsafe at Any Speed, một cuốn sách kêu gọi sự chú ý tới các yếu tố thiết kế khác nhau khiến ô tô trở nên nguy hiểm hơn mức cần thiết. Chính phủ liên bang nhanh chóng phản ứng lại bằng cách đưa ra một loạt quy định về an toàn cho xe ô tô, bắt buộc sử dụng dây đai an toàn, bảng đồng hồ có đệm, vô lăng gập lại được, hệ thống phanh đôi và kính chắn gió chống thấm.

Ngay cả trước khi các quy định này có hiệu lực, bất cứ nhà kinh tế học nào cũng có thể tiên đoán được một trong những hậu quả của chúng: Con số tai nạn do ô tô gây ra tăng lên nhanh chóng. Nguyên do là, tính mạng như “ngàn cân treo sợi tóc” trong một tai nạn chính là động cơ thúc đẩy người ta lái xe cẩn thận hơn. Nhưng nếu người lái xe thắt dây an toàn và bảng đồng hồ trước mặt được lót đệm thì họ sẽ gặp ít nguy hiểm hơn. Vì người ta sẽ phản ứng trước những kích thích mang tính tích cực, nên sẽ lái xe sẽ ẩu hơn. Kết quả là nhiều tai nạn xảy ra hơn.

Nguyên lý mà tôi đang áp dụng cũng chính là nguyên lý tiên đoán sự biến mất của hàng dài chờ mua xăng. Khi giá xăng còn thấp, người ta chọn mua nhiều xăng hơn. Khi giá của các tai nạn (ví dụ, xác suất thương vong hay giá thuốc men chữa trị được phỏng đoán) thấp, người ta sẽ chọn việc có nhiều tai nạn hơn.

Bạn có thể phản bác rằng tai nạn, không giống như xăng, không mang nghĩa “tốt” để người ta chọn mua. Nhưng “tốc độ” và “cẩu thả” là thứ hàng hóa mà dường như người ta luôn mong muốn có được. Việc lựa chọn lái xe nhanh hơn hay cẩu thả hơn cũng giống như việc lựa chọn có thêm nhiều tai nạn hơn, ít nhất là về mặt xác suất.

Một câu hỏi thú vị vẫn luôn đeo bám: Tác động thực sự của sự kiện đó lớn tới mức nào? Đã có thêm bao nhiêu tai nạn xảy ra do các quy định về an toàn từ những năm 1960? Đây là cách đặt câu hỏi thu hút sự chú ý: Các luật định có xu hướng làm giảm số lượng tử vong của các tài xế bằng cách tăng khả năng sống sót sau các vụ tai nạn. Cũng như vậy, các luật định có xu hướng làm tăng số lượng tử vong của các tài xế bằng cách khuyến khích thái độ lái xe ẩu. Tác động nào sẽ lớn hơn? Tác động thực của các luật định là nhằm giảm hay tăng số lượng tử vong?

Không thể giải đáp được câu hỏi này chỉ bằng logic thuần túy. Chúng ta phải nhìn vào con số thực tế. Vào giữa những năm 1970, Sam Peltzman thuộc trường Đại học Chicago đã thực hiện điều đó. Ông nhận thấy rằng hai tác động trên tương đương nhau, và vì thế, chúng tự loại trừ lẫn nhau. Số lượng tai nạn tăng lên và số lượng tử vong trong mỗi tai nạn giảm xuống, nhưng về cơ bản, tổng số lượng tài xế tử vong không hề thay đổi. Một tác động phụ rất thú vị là số lượng người đi bộ thương vong lại tăng lên; suy cho cùng, người đi bộ không được lợi ích gì từ các bảng đồng hồ có đệm.

Tôi khám phá ra rằng khi tôi nói với giới phi kinh tế học về những kết quả Peltzman thu được, họ không thể tin được rằng người ta lái xe ẩu hơn chỉ đơn giản là vì ô tô của họ an toàn hơn. Còn các nhà kinh tế học − những người đã học cách tôn trọng nguyên lý “người ta sẽ phản ứng trước thưởng phạt” − thì không vấp phải khó khăn trên.

Nếu bạn khó có thể tin rằng người ta lái xe ẩu hơn khi ô tô của họ an toàn hơn, thì bạn hãy xem xét trường hợp người ta lái xe cẩn thận hơn khi ô tô của họ nguy hiểm hơn. Đương nhiên, đó chỉ là cách diễn đạt khác của cùng một luận điểm, nhưng với cách diễn đạt này, người ta dễ tin vào luận điểm đó hơn. Nếu dây đai an toàn được tháo khỏi xe của bạn, chẳng phải bạn sẽ chú ý hơn khi lái xe hay sao? Hãy nâng quan sát này lên một mức độ cao hơn. Nhà kinh tế học người Mỹ Armen Alchian thuộc trường Đại học California tại Los Angeles đã gợi ý một cách giúp giảm thiểu tỷ lệ tai nạn: Hãy yêu cầu lắp thêm một mũi tên ngay trên vô lăng ô tô, đầu nhọn chĩa thẳng vào tim của tài xế. Alchian tự tin dự đoán rằng tình trạng cho xe chạy quá sát phía sau một xe khác sẽ giảm đáng kể.

Chẳng có ý nghĩa gì khi liều mạng một cách dại dột để rồi nhận lấy nhiều rủi ro hơn khi bạn có một bảng đồng hồ có đệm. Lái ẩu thì phải trả giá, nhưng nó cũng mang lại những niềm vui cho kẻ ngồi sau vô lăng. Bạn đến đích nhanh hơn, và bạn thường diễn rất nhiều trò vui trên đường. “Lái xe ẩu” có nhiều kiểu:

Lái xe trong những tình huống nguy hiểm, để tâm trí treo ngược cành cây, hay tạm thời chuyển sự tập trung vào đường đi sang việc tìm băng cát-sét. Bất cứ hành động nào cũng có thể khiến chuyến đi của bạn trở nên thú vị hơn, và bất cứ hoạt động nào cũng xứng đáng là yếu tố làm tăng rủi ro tai nạn lên một chút.

Đôi lúc người ta bị lôi cuốn vào việc phản ứng rằng không điều gì – hay ít nhất là những gì tôi kể trên – đáng là một yếu tố rủi ro gây tử vong. Các nhà kinh tế học cảm thấy khó chịu trước phản bác này, vì cả những người phản bác lẫn những người khác đều thực sự tin vào điều này. Hàng ngày, tất cả mọi người đang mạo hiểm mạng sống chỉ vì những lợi ích nhỏ mọn. Việc lái xe tới cửa hàng để mua một tờ báo chứa đựng nguy cơ hiển nhiên và có thể phòng tránh bằng cách ở nhà, nhưng người ta vẫn lái xe tới cửa hàng. Chúng ta không cần phải hỏi liệu niềm vui bé nhỏ ấy có đáng đánh đổi với bất cứ rủi ro nào không, bởi câu trả lời hiển nhiên là có. Câu hỏi hay hơn phải là niềm vui ấy đáng giá từng nào rủi ro như thế nào. Sẽ là hoàn toàn có lý khi nói: “Tôi sẽ tìm băng cát-sét trong khi lái xe nếu điều đó dẫn tới một trong một triệu nguy cơ tử vong”. Đó là lý do tại sao nhiều người tìm băng cát-sét khi xe chạy với vận tốc 25 dặm/giờ hơn là với vận tốc 70 dặm/giờ.

Quan sát của Peltzman cho thấy hành vi lái xe đặc biệt nhạy cảm với những thay đổi môi trường xung quanh tài xế. Điều này tạo cơ hội cho một số tài xế gây ảnh hưởng tới hành vi của các tài xế khác. Những tấm biển hiệu có hình trẻ em trên xe nhan nhản khắp nơi là một ví dụ. Những biển hiệu này vốn có chủ ý nhắc nhở các tài xế khác rằng họ nên cẩn thận hơn khi lái xe. Tôi biết rằng nhiều tài xế cảm thấy mình bị xúc phạm bởi những biển báo này ám chỉ rằng họ chưa thật sự cẩn thận khi lái xe. Các nhà kinh tế học sẽ không mấy cảm thông với cảm giác này, vì họ biết rằng không ai từng lái xe thật sự cẩn thận (bạn có lắp một bộ phanh mới mỗi lần đi siêu thị không?), và sự cẩn trọng của đa số các tài xế thay đổi rõ rệt cùng với môi trường xung quanh họ. Thật ra chẳng vị tài xế nào muốn gây thương tích cho hành khách trên các ô tô khác; rất nhiều tài xế còn ăn năn day dứt khi họ đụng phải ô tô có trẻ em ở trên. Nhóm những tài xế đó sẽ chọn cách lái xe cẩn thận hơn khi được cảnh báo về sự hiện diện của trẻ em và sẽ cảm kích hơn khi được cảnh báo về điều đó.

Một cách ngẫu nhiên, đây lại là gợi ý cho một đề tài nghiên cứu thú vị. Các nhà kinh tế học cho rằng rất nhiều tài xế sẽ cẩn trọng hơn trước sự xuất hiện của biển hiệu trẻ em trên xe. Công trình này nhằm mục đích tìm hiểu xem sự cẩn trọng sẽ thay đổi như thế nào bằng cách theo dõi tỷ lệ tai nạn của các xe có và không có biển hiệu này. Đáng tiếc là tỷ lệ tai nạn lại có thể là chỉ dẫn sai lệch vì ít nhất ba lý do sau. Thứ nhất, các bậc phụ huynh − những người có treo biển hiệu này trên xe − có lẽ là những người lái xe cẩn thận hơn bình thường; họ ít gặp tai nạn hơn chỉ vì họ là những tài xế đặc biệt cẩn thận, chứ không phải vì tác động của biển báo này như đối với những tài xế khác. Thứ hai (và mở ra một thành kiến theo hướng đối lập), các bậc phụ huynh kia − những người có treo biển hiệu − biết rằng biển báo này sẽ khiến các tài xế khác cẩn trọng, và vì thế họ tự cho phép bản thân được lơ là một chút. Điều này dẫn tới việc họ gặp nhiều tai nạn hơn và ít nhất triệt tiêu phần nào những tác động của việc các tài xế khác lái xe cẩn thận hơn. Thứ ba, nếu biển hiệu trẻ em trên xe thực sự có hiệu quả thì chẳng gì có thể cản các cặp vợ chồng không con treo biển này. Nếu các tài xế có ý thức về trò lừa gạt phổ biến này, thì họ sẽ có xu hướng kiềm chế những phản ứng tự nhiên.

Điều này có nghĩa là những số liệu thống kê thô sơ về tai nạn không thể nói lên được phản ứng của các tài xế sẽ như thế nào trước biển hiệu trẻ em trên xe.

Vấn đề ở đây là phải tìm ra kỹ thuật thống kê thông minh để đưa ra tất cả những hiệu chỉnh cần thiết. Ở đây tôi không đề xuất một giải pháp cho vấn đề này, nhưng tôi trình bày trường hợp này như một ví dụ về những khó khăn tiêu biểu trong nghiên cứu kinh tế thực nghiệm. Rất nhiều công trình nghiên cứu kinh tế xoay quanh việc tìm ra những giải pháp sáng tạo cho những khó khăn này.

Sau khi bàn tán ngoài lề về những thử thách của nghiên cứu thực nghiệm, tôi xin được quay lại chủ đề chính: sức mạnh của thưởng phạt. Mong muốn thứ hai của nhà kinh tế học là lý giải sức mạnh đó. Liệu việc sáng chế ra các biện pháp tránh thai có giúp giảm tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn không? Chưa chắc – phát minh này chỉ làm giảm “cái giá” của quan hệ tình dục (mà việc có thai ngoài ý muốn là một phần trong cái giá đó), và do đó, xui khiến người ta quan hệ nhiều hơn. Tỷ lệ phần trăm quan hệ tình dục dẫn tới có thai giảm xuống, nhưng số lượng người quan hệ tình dục lại tăng lên, và con số những người có thai ngoài ý muốn có thể tăng hoặc giảm. Liệu ô tô tiết kiệm năng lượng có giúp giảm mức độ tiêu thụ xăng của chúng ta không? Chưa chắc – một chiếc xe tiết kiệm năng lượng chỉ làm giảm “cái giá” của việc lái xe, và người ta sẽ chọn việc lái xe nhiều hơn. Thuốc lá có hàm lượng hắc ín thấp có lẽ lại khiến tỷ lệ ung thư phổi tăng lên. Chất béo tổng hợp có lượng calo thấp có thể lại làm tăng số cân nặng trung bình của người Mỹ.

Luật tội phạm là một yếu tố quan trọng có thể cho biết người ta phản ứng với thưởng phạt như thế nào. Những hình phạt nặng có thể ngăn chặn hành vi tội ác đến mức độ nào? Một trường hợp đáng chú ý là tội tử hình. Các tổ chức chính phủ và các học giả hàn lâm đã dày công nghiên cứu tác động trừng phạt của án tử hình. Thông thường, những nghiên cứu của họ không hơn gì ngoài việc khảo sát tỷ lệ giết người tại các bang có và không có án tử hình. Các nhà kinh tế học đều chỉ trích gay gắt những nghiên cứu này bởi chúng đã thất bại khi giải thích các yếu tố quan trọng khác giúp ích cho việc xác định tỷ lệ giết người. (Họ thậm chí còn thất bại trong việc giải thích cách án tử hình được thực thi nghiêm ngặt, cho dù mỗi bang có nét khác biệt đáng kể.) Mặt khác, tổng hợp của những kỹ thuật thống kê đã hoàn thiện được biết tới với cái tên toán kinh tế được thiết kế chính nhằm đong đếm sức mạnh của thưởng phạt. Điều này khiến cho việc áp dụng toán kinh tế vào khảo sát tác động của án tử hình là lẽ tự nhiên. Người tiên phong trong nỗ lực này là Giáo sư Isaac Ehrlich thuộc trường Đại học Buffalo, công trình nghiên cứu của ông đã được xuất bản vào năm 1975. Những phân tích công phu của ông dẫn tới một kết luận ấn tượng: Trong những năm 1960, tính bình quân, mỗi một án tử hình được thực thi tại Mỹ đã giúp ngăn ngừa khoảng 8 vụ giết người.

Phương pháp phân tích của Ehrlich đã bị các nhà kinh tế học khác chỉ trích gay gắt. Hầu hết những lời chỉ trích đều tập trung vào những câu hỏi mang tính chuyên môn trong kỹ thuật thống kê. Những câu hỏi như thế không phải là không quan trọng. Nhưng có một sự đồng tình phổ biến trong giới chuyên gia kinh tế rằng thể loại nghiên cứu thực nghiệm mà Ehrlich tiến hành có khả năng lý giải những sự thật nặng ký về tác động của án tử hình.

Vào năm 1983, Giáo sư Edward Leamer thuộc trường Đại học California, Los Angeles đã cho đăng một bài báo thú vị mang tên “Nào, hãy lôi những trò bịp ra khỏi toán kinh tế”. Trong đó, ông cảnh báo rằng những định kiến của nhà nghiên cứu có thể ảnh hưởng đáng kể tới các kết quả của ông. Leamer sử dụng án tử hình làm ví dụ. Ông trình bày một phép thử nghiệm toán kinh tế đơn giản, khi mức chênh lệch nghiêng về phía ủng hộ án tử hình, có thể thấy rằng mỗi một án tử hình được thực thi giúp ngăn ngừa tới 13 vụ giết người. Cùng một phép thử nghiệm như thế, nhưng với mức chênh lệch nghiêng về phía chống án tử hình, thì có thể thấy mỗi một án tử hình được thực thi thực chất lại gây ra thêm 3 vụ giết người. Thực tế, trừ phi ai đó đi sâu vào việc tạo ra độ chênh lệch phản đối án tử hình, còn thì hầu hết các nghiên cứu toán kinh tế cho thấy tác động ngăn ngừa đáng kể của án tử hình. Kẻ sát nhân cũng phản ứng trước thưởng phạt.

Làm sao có thể như vậy? Chẳng phải rất nhiều tên sát nhân đam mê giết người hoặc hành động vô thức hay sao? Có lẽ là như vậy. Nhưng có hai phản hồi như sau. Thứ nhất, các kết quả của Ehrlich cho thấy mỗi án tử hình được thực thi giúp ngăn ngừa 8 vụ giết người; chứ không nói rõ 8 vụ giết người nào được ngăn ngừa. Chỉ cần tên sát nhân được ngăn chặn, thì có nghĩa là án tử hình chính là sự ngăn chặn. Phản hồi thứ hai là: Tại sao chúng ta nên hy vọng rằng những kẻ sát nhân khát máu lại không phản ứng trước thưởng phạt? Chúng ta có thể tưởng tượng hình ảnh một người căm ghét vợ mình tới mức trong hoàn cảnh thông thường có thể làm hại vợ nếu anh ta nghĩ rằng anh ta có 90% cơ hội thoát khỏi vòng lao lý. Khi đó, có lẽ trong giây phút nóng giận, anh ta sẽ mất hết lý trí đến nỗi sẵn sàng giết vợ thậm chí ngay cả khi chỉ có 20% cơ hội thoát tội. Như vậy trong giây phút nóng giận, việc nhận thức cơ hội thoát tội của mình là 15% hay 25% chẳng có ý nghĩa gì đối với anh ta cả.

(Tôi cũng xin được trình bày phản hồi thứ ba khá hấp dẫn. Ehrlich không bịa ra con số 8; ông rút ra con số này thông qua việc phân tích dữ liệu công phu. Hoài nghi cũng là điều dễ hiểu, nhưng hoài nghi nghiêm túc cần đi kèm với việc xem xét nghiên cứu bằng quan điểm khách quan và vạch ra bước nào trong lý luận, nếu có, là đáng ngờ.)

Có những bằng chứng cho thấy người ta phản ứng mạnh mẽ trước thưởng phạt thậm chí cả trong những trường hợp chúng ta thường không cho rằng hành vi của họ là hợp lý. Rõ ràng là bằng thực nghiệm, các nhà tâm lý học đã khám phá ra rằng, khi bạn đưa cho một người một cốc cà phê nóng bỏng, thường thì anh ta sẽ làm rơi chiếc cốc nếu anh ta biết được đó là cái cốc rẻ tiền, nhưng anh ta sẽ cố nắm lấy nó nếu anh ta tin rằng đó là cái cốc đắt tiền.

Quả thật, phản ứng trước thưởng phạt có thể là một hành vi tự nhiên giống như bất cứ hành vi bản năng nào. Trong một loạt thí nghiệm được thực hiện tại trường Đại học Texas A&M, các nhà nghiên cứu đã cho phép chuột và chim bồ câu có thể “mua” các loại thức ăn và đồ uống khác nhau bằng cách đẩy các đòn bẩy khác nhau. Mỗi mặt hàng có một giá cụ thể, chẳng hạn như 3 lần đẩy cho một giọt xá xị hay 10 lần cho một mẩu pho mát. Các con vật này được nhận “lương” tương ứng với một số lần đẩy nhất định hàng ngày; sau khi chúng “tiêu” hết lương, các đòn bẩy sẽ ngừng hoạt động. Trong một vài phiên bản khác của thí nghiệm, các con vật có thể kiếm thêm thu nhập bằng cách thực hiện các nhiệm vụ khác nhau. Chúng nhận thêm số lần đẩy với cùng giá tiền sau mỗi nhiệm vụ chúng thực thi.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng chuột và chim bồ câu phản ứng tương ứng trước những thay đổi của giá cả, những thay đổi của thu nhập, và những thay đổi của mức lương. Khi giá bia tăng, chúng mua ít bia hơn. Khi lương tăng lên, chúng làm việc hăng say hơn – trừ phi thu nhập của chúng đã rất cao, trong trường hợp đó, chúng chọn việc hưởng thụ nhiều hơn. Đó cũng chính là những phản ứng mà các nhà kinh tế học mong chờ và quan sát từ loài người chúng ta.

Thưởng phạt cũng có tác động. Kho tàng lịch sử kinh tế chứa đựng hàng nghìn nghiên cứu thực nghiệm kiểm chứng cho mệnh đề này, và chưa từng có nghiên cứu nào có thể bác bỏ mệnh đề này một cách thuyết phục. Các nhà kinh tế học vẫn luôn kiểm chứng mệnh đề này (trong khi có lẽ vẫn thầm hy vọng sẽ được vang danh trong việc là người đầu tiên bác bỏ nó) và mãi mãi mở rộng phạm vi ứng dụng của nó. Trong khi chúng ta thường nghĩ rằng chỉ người tiêu dùng mới phản ứng trước giá thịt, thì giờ chúng ta nghiên cứu việc tài xế phản ứng trước dây đai an toàn, kẻ giết người phản ứng trước án tử hình, chuột và bồ câu phản ứng trước tiền lương, vốn và dao động giá. Các nhà kinh tế học đã nghiên cứu cách thức người ta lựa chọn bạn đời, kích cỡ hộ gia đình và mức độ tham gia vào tôn giáo, và liệu có nên duy trì tục ăn thịt người hay không. (Xu hướng này phổ biến đến mức tạp chí Journal of Political Economy đã cho đăng một bài châm biếm tính kinh tế của việc đánh răng, trong đó “dự đoán” rằng con người dành chính xác là một nửa thời gian lúc thức vào việc đánh răng. “Không mô hình xã hội học nào”, tác giả kiêu hãnh nói, “có thể chấp nhận một kết luận chính xác đến vậy”.) Dù có nhiều biến thể khác nhau, song một chủ đề chính luôn xuyên suốt: Thưởng phạt có tác động.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.