Kinh Tế Học Dành Cho Đại Chúng
Chương 4. Nguyên lý thờ ơ
Ai thèm quan tâm tới sự trong lành của không khí
Bạn thích sống ở San Francisco hay Lincoln, Nebraska? San Francisco luôn chào mời bạn đến với những khu mua sắm tuyệt đỉnh, những bảo tàng tầm cỡ thế giới, và công viên danh tiếng Cầu Cổng Vàng. Còn Lincoln chào đón bạn đến nghỉ tại những ngôi nhà cổ diễm lệ chỉ với giá thuê của căn hộ một buồng tại San Francisco. Bạn có thể thưởng thức những món hải sản ngon nhất thế giới hoặc đắm mình trong một không gian rộng lớn.
Mỗi năm, ấn phẩm Places Rated Almanac và The Book of American City Rankings đăng tải thông tin về những địa điểm sinh sống tuyệt vời nhất tại Mỹ. San Francisco được đánh giá cao bởi nó là một thành phố quốc tế có sức mê hoặc lạ kỳ, còn Lincoln ghi điểm bằng sức cám dỗ của thị trường nhà đất. Đánh giá cao tầm quan trọng của giáo dục, khí hậu, đường xá, hệ thống xe buýt, độ an toàn và giải trí, các nhà nghiên cứu đã xếp hạng các thành phố theo thứ tự được yêu thích. Chúng ta ngầm giả định rằng các nhà nghiên cứu đã nhận dạng được những yếu tố mà số đông người dân quan tâm tới, và rằng tất cả chúng ta đều có vẻ đồng tình với tầm quan trọng tương đối của chúng.
Nếu giả định đó chính xác, và nếu thị hiếu của bạn không quá lập dị, thì bạn có thể tiết kiệm tiền bằng cách mua những cuốn sổ tay này. Khi toàn bộ các yếu tố được xét đến, thì tất cả các thành phố có người ở đều phải có sức hấp dẫn như nhau. Nếu không thì tất cả mọi người sẽ chỉ sống trong thành phố tuyệt vời nhất mà thôi.
Nếu San Francisco tuyệt vời hơn Lincoln, người dân Lincoln sẽ chuyển hết sang San Francisco. Sự di cư của họ sẽ đẩy giá nhà San Francisco lên cao, đồng thời dìm giá nhà ở Lincoln xuống, và vì thế mà phóng đại lên những ưu thế tương đối của Lincoln. Chẳng mấy chốc, hoặc là hai thành phố trở nên hấp dẫn như nhau, hoặc là Lincoln trở thành thành phố bị bỏ hoang.
Hãy gọi đó là Nguyên lý thờ ơ. Trừ phi người ta có thị hiếu dị hợm hay tài năng khác thường, còn thì tất cả các hoạt động phải được khát khao như nhau. Trong bộ phim Radio Days của Woody Allen, một nhân vật không có tài cán đặc biệt gì ấp ủ mơ ước được theo nghề chạm khắc đồ trang sức vàng, hòng mong muốn trở nên giàu có vì anh này có ý định biển thủ vụn vàng. Nhưng nếu thiếu đi thị hiếu hay tài năng khác thường thì không nghề nghiệp nào có thể hấp dẫn hơn các nghề nghiệp khác. Nếu người chạm khắc vàng có cuộc sống dễ chịu hơn người quét rác, những người quét rác sẽ trở thành người chạm khắc vàng, dìm lương và điều kiện làm việc xuống cho tới khi hai nghề này trở nên hấp dẫn như nhau.
Một ngày mưa, tôi đưa gia đình mình tới một hội chợ Phục hưng tổ chức ngoài trời. Có khá nhiều người, nhưng không đông đúc như mọi khi. Cơn mưa là điều dở hay điều tốt? Thực ra, nó không tốt cũng chẳng dở. Có rất nhiều hoạt động trong nhà ở khu này, vì đám đông luôn điều chỉnh số lượng sao cho một ngày tại hội chợ cũng vui như một ngày tại, chẳng hạn như, khu mua sắm. Cơn mưa không làm cho trung tâm mua sắm lợi hay thiệt điều gì, vì thế nó cũng không thể khiến hội chợ lợi hay thiệt.
Những vụ bê bối tình dục đã trở thành chuyện thường ngày trong các chiến dịch bầu cử tổng thống hiện đại. Ngay cả các ứng cử viên chưa từng bị nhạo báng trước công chúng chắc hẳn cũng đã có những đêm mất ngủ rồi vò đầu bứt tai nghĩ xem chi tiết nào trong đời tư của họ vẫn còn là điều riêng tư. Các nhà bình luận tranh cãi, có lý nhưng không chính xác, rằng những sự vụ này đang hủy hoại công danh của các ứng cử viên. Họ đã bỏ qua một thực tế là một điều gì đó sẽ phải khiến ứng cử viên tiềm năng thờ ơ với việc chạy đua tới chức Tổng thống. Thiếu đi các vụ bê bối tình dục, thì sẽ có nhiều ứng cử viên tranh cử hơn, và do đó, làm phương hại đến những ứng cử viên vốn đã hiện diện trong cuộc chạy đua. Danh sách người ghi tên ứng cử sẽ tiếp tục dài ra mãi cho tới khi sự gia nhập và loại khỏi đường đua có sức lôi cuốn như nhau, hệt như ngày nay.
Một chuyên trang của tờ Chicago Tribune do Bob Greene phụ trách đã đăng tải một loạt bài viết về những hoạt động của nghiệp đoàn nhằm giành lấy sự tôn trọng, nhân phẩm và vị thế cho những người rửa bát đĩa thuê, trong đó khuyến khích các thực khách tại các nhà hàng từ bỏ phong tục cũ và boa cho những người dọn bàn ăn. Nếu tổ chức này thành công trong việc làm thay đổi thái độ của công chúng thì ai là người hưởng lợi? Câu trả lời chắc chắn sẽ không phải là “những người dọn bàn ăn”. Những người dọn bàn ăn không bao giờ là người tốt phúc hơn những người gác cổng, và của cải của người gác cổng cũng chẳng có gì đổi thay. Khi những người dọn bàn bắt đầu nhận tiền boa thì những người gác cổng cũng bắt đầu trở thành người dọn bàn. Lương bổng sẽ phản ứng lại và quỹ lương của người dọn bàn bắt đầu hẹp lại. Những người gác cổng liên tục đổ vào đó cho tới khi tất cả những gì người dọn bàn kiếm được trên bàn ăn sẽ bị lột sạch ở phòng kế toán.
Vậy thì ai được hưởng lợi đây? Khi lương của nhân viên dọn bàn giảm xuống, có lẽ bạn đoán rằng kẻ thắng lớn sẽ là chủ nhà hàng. Nhưng dự đoán này cũng chưa chắc đã đúng, bởi các chủ nhà hàng không bao giờ có thể tốt phúc hơn các chủ cửa hàng giày dép, và của cải của những chủ cửa hàng giày dép cũng chẳng có gì thay đổi. Khi lương của người dọn bàn giảm xuống và lợi nhuận của nhà hàng tăng lên thì các cửa hàng giày dép cũng sẽ bắt đầu chuyển sang kinh doanh nhà hàng. Giá cả trên thực đơn sẽ giảm, tỉ lệ thuận với lợi nhuận. Các chủ cửa hàng giày dép sẽ liên tục đổ vào cho tới khi tất cả những gì chủ nhà hàng tiết kiệm được từ tiền lương chi trả cho người dọn bàn sẽ bị lột sạch tại máy tính tiền.
Nếu mỗi thực khách boa 5 đô-la cho người dọn bàn thì sau đó, lương của người dọn bàn phải giảm 5 đô-la trên một bữa ăn, vì thế, giá của mỗi bữa ăn phải giảm đi 5 đô-la. Nếu nó giảm ít hơn, chủ nhà hàng sẽ là người làm chủ cuộc chơi, nhưng điều này không thể xảy ra vì khi đó các chủ cửa hàng giày dép đang xếp hàng dài chờ đợi để trở thành chủ nhà hàng. Thế thì ai được hưởng lợi đây? Chẳng ai cả. Tiền boa của thực khách được hoàn trả lại cho họ dưới dạng một thực đơn có giá thấp hơn. Không tài sản của một ai bị suy suyển chút nào. Thực khách có thể thực sự muốn thể hiện sự hào phóng với người dọn bàn, nhưng nguyên lý thờ ơ đã xen vào.
Chỉ có người sở hữu tài sản cố định mới có thể tránh được các hậu quả của nguyên lý thờ ơ. Nhu cầu cần diễn viên gia tăng sẽ không đem lại lợi ích cho các diễn viên, bởi lẽ nhiều người sẽ đổ xô vào ngành này. Nhưng mong muốn trở thành một Clint Eastwood gia tăng có thể làm lợi cho Clint Eastwood, bởi vì Clint Eastwood là một tài sản cố định: chỉ có một Clint Eastwood trên đời. Khi số tiền Clint kiếm được lên tới vài triệu đô-la một bộ phim, những diễn viên đang trong cảnh chết đói sẽ cố học theo phong cách của anh, nhưng dù nỗ lực đến mấy thì họ cũng không thể hoàn hảo được như anh ấy. Khi các nhà khoa học phát triển được khả năng biến đổi một người thành bản sao bằng giấy than của một người khác, chúng ta sẽ có vừa đủ các bản sao của Clint Eastwood để khiến việc trở thành Clint Eastwood chỉ còn là chuyện dửng dưng.
Nguyên lý thờ ơ đảm bảo rằng toàn bộ lợi ích kinh tế sẽ đổ về người sở hữu nguồn tài sản cố định. Người tham dự hội chợ kỳ quặc thích bị dính mưa – hay không ngại chuyện dính mưa như bao nhiêu người khác – có thể hưởng lợi từ trời mưa. Sự ưu tiên khác thường của người này là một tài sản cố định. Người dọn bàn có tính cách dễ chịu khác thường sẽ nhận được số tiền boa cao hơn mức bình thường và được hưởng lợi từ sự thay đổi thói quen boa tiền. Tính cách của người này là một tài sản cố định. Nếu nhiều người dọn bàn tiềm năng cũng có tính cách như vậy thì nó sẽ không sinh ra phần thưởng kinh tế nào nữa.
Năm 1990, Tổng thống Bush từng thông qua một đạo luật mới mang tên Luật Không khí sạch, ước tính chi phí cho các loại hình kinh doanh (đó là các chủ sở hữu, nhà cung cấp, nhân viên và khách hàng) là khoảng 25 tỉ đô-la mỗi năm. Nếu ước tính đó chính xác, thì chi phí đối với mỗi hộ gia đình Mỹ gồm bốn thành viên sẽ là khoảng 400 đô-la mỗi năm dưới dạng lợi nhuận thấp hơn, lương thấp hơn và giá cả hàng hóa tiêu dùng cao hơn. Mặt khác, không khí sạch là một lợi ích tuyệt vời mà các nhà quan sát dễ dãi kỳ vọng tất cả những ai hít thở − tức là tất cả mọi người − sẽ được tận hưởng. Nhưng khả năng hít thở không phải là một loại tài sản cố định. Những kỹ năng phổ biến không thể đem lại phần thưởng lớn lao.
Nếu tất cả những người hít thở không được hưởng lợi từ không khí sạch thì ai là người hưởng lợi đây? Các học thuyết mách bảo chúng ta phải đi tìm chủ nhân của những tài sản cố định. Những ứng cử viên sáng giá nhất là các chủ sở hữu đất ở thành thị − những người có thể đặt ra giá thuê nhà cao hơn sau khi khói bụi bị triệt tiêu.
Luật Không khí sạch năm 1990 là một đạo luật có độ phức tạp cao áp dụng vào một nền kinh tế cũng có độ phức tạp cao, và việc theo bước từng người dân để tìm hiểu về từng chi tiết trong tác động của nó cũng là một nhiệm vụ phức tạp. Nhưng như Aesop đã khám phá ra, những chi tiết của thực tế có thể che khuất những sự thật cốt yếu mà chúng chỉ có thể lộ diện tốt nhất qua những câu chuyện hư cấu giản đơn. Aesop gọi chúng là truyện ngụ ngôn, còn các nhà kinh tế học gọi chúng là các kiểu mẫu. Tôi xin được chia sẻ một vài truyện.
TRUYỆN NGỤ NGÔN SỐ 1: CÂU CHUYỆN VỀ HAI THÀNH PHỐ
Đâu đó trong trung tâm của Rust Belt có hai thành phố nhỏ: Cleanstown và Grimyville. Tất cả các hoạt động thường nhật – từ mua sắm, làm việc tới dạo chơi trong công viên – đều dễ chịu như nhau tại hai thành phố, chỉ trừ một thứ: hít thở. Công ty Thép Grimyville đứng sau chuyện đó. Không một công dân Grimyville nào từng có diễm phúc được thức dậy và hít một hơi sâu bầu không khí trong lành buổi sáng mà các công dân Cleanstown coi đó là điều hiển nhiên. Những công dân Grimyville không chỉ cảm thấy khó chịu với việc hít thở, họ cũng hít thở ít hơn. Tuổi thọ trung bình của người dân Grimyville thấp hơn của người dân Cleanstown tới 10 năm.
Tại sao người ta lại muốn sống ở Grimyville? Chỉ vì một lý do: giá rẻ. Một ngôi nhà thuê với giá 10 nghìn đô‑la một năm ở Cleanstown chỉ tốn 5 nghìn đô-la tại Grimyville. Chỉ 5 nghìn đô-la khác biệt đó cũng đủ để giữ chân người ta tại Grimyville. Nếu không vì điều đó, người ta sẽ rời bỏ Grimyville, và khi đó, giá thuê nhà sẽ càng thấp hơn. Khi quyết định nơi an cư, những người trẻ tuổi đều thờ ơ giữa hai thành phố. Họ thích bầu không khí ở Cleanstown, nhưng họ cũng thích giá thuê nhà ở Grimyville.
Tuần trước, Hội đồng thành phố Grimyville vừa phê chuẩn Luật Không khí sạch, trong đó yêu cầu Công ty Thép Grimyville áp dụng các biện pháp chống ô nhiễm không khí trên diện rộng. Chẳng mấy chốc không khí ở Grimyville cũng sẽ trong lành như luồng không khí trong lành nhất ở Cleanstown. Và khi điều đó xảy ra, giá thuê nhà tại Grimyville sẽ tăng lên bằng mức giá thuê nhà tại Cleanstown.
Cuối cùng, cư dân Grimyville sẽ được sống trong “một bản sao của Cleanstown”. Vậy điều luật đó có phải là mang lại lợi ích cho họ không? Rõ ràng là không, bởi nếu họ muốn sống ở Cleanstown thì họ đã chuyển tới đó từ lâu rồi.
Những người trẻ tuổi quyết định rằng chỗ ở cũng chẳng được lợi gì từ Luật Không khí sạch. Trước đó, họ có sự lựa chọn giữa Cleanstown và Grimyville. Còn giờ họ chỉ được lựa chọn giữa hai Cleanstown. Họ chẳng thiệt thòi gì so với ban đầu, nhưng cũng chẳng được lợi lộc gì.
Những người duy nhất hưởng lợi trong câu chuyện này là chủ sở hữu nhà ở Grimyville, những người có thể tăng giá thuê nhà cao hơn trước. Luật Không khí sạch cũng giống như một khoản thuế đánh vào Công ty Thép Grimyville và toàn bộ lợi nhuận rơi vào tay các chủ sở hữu đất ở Grimyville.
Đây là một kết luận nghiệt ngã, nhưng công bằng mà nói, phần tranh luận này đã bị đơn giản hóa một cách thái quá. Khi chúng ta nói rằng người ta thờ ơ giữa Cleanstown và Grimyville, chúng ta đã ngầm giả định rằng tất cả mọi người đều có hoàn cảnh giống hệt nhau. Trên thực tế, thế giới phức tạp hơn nhiều. Có thể có những người muốn sống ở Grimyville vì những lý do đặc biệt, và trong số những người này có thể có những người sẵn sàng đánh đổi không khí trong lành với giá thuê nhà cao. Những người như thế sẽ được hưởng lợi khi Luật Không khí sạch được thông qua. Mặt khác, hoàn toàn có khả năng những người khác coi Grimyville xưa cũ là món hời, vì họ không cảm thấy khó chịu với bầu không khí ô nhiễm giống như hàng xóm của họ. Những người này thua thiệt nhất khi Grimyville biến thành Cleanstown. Sự ưu tiên khác thường chính là một tài sản cố định, và nó khiến chủ của nó có khả năng được hưởng những lợi ích và phải gánh chịu những thua thiệt kinh tế.
Vì vậy, nếu có sự khác biệt lớn giữa những người không sở hữu đất thì Luật Không khí sạch sẽ ảnh hưởng theo hướng tích cực tới một số người trong số đó, và ảnh hưởng theo hướng tiêu cực tới một số người khác, mà không có giả định rõ ràng gì về việc tác động nào chiếm ưu thế hơn. Mặt khác, nếu báo giới Grimyville đúng khi cho đăng bài xã luận “Không khí sạch là thứ giá trị mà tất cả chúng ta đều có thể cảm nhận như nhau”, thì chỉ có chủ sở hữu đất là người được hưởng lợi. Nếu không khí sạch đáng giá 5 nghìn đô-la một năm đối với mỗi người thì Luật Không khí sạch sẽ khiến giá thuê nhà tăng thêm 5 nghìn đô-la một năm, điều đó không đem lại lợi ích cho bất cứ ai ngoại trừ chủ sở hữu đất.
Luật Không khí sạch ở Grimyville được ước tính cái giá là 10 triệu đô-la một năm. Đó là khoản thuế vô hình, và số tiền thu được từ phép ước tính đầu tiên cho thấy lợi ích được chia toàn bộ cho các chủ sở hữu đất ở Grimyville. Tất nhiên, đây là thứ thuế kỳ quặc, bởi vì số tiền thu được để phân phối không cần phải liên quan trực tiếp tới doanh thu. Tiền thuê đất có thể tăng lên hay giảm xuống dao động trong khoảng 10 triệu đô-la.
Đó có vẻ là một chính sách công lạ lùng với mục tiêu làm giàu cho những người ngẫu nhiên sở hữu đất ở những vùng bị ô nhiễm, nhưng xét dưới góc độ sự ủng hộ chung dành cho các chính sách về không khí sạch, tôi coi đó là điều bình thường. Vậy thì nếu giá thuê nhà ở Grimyville tăng lên trên 10 triệu đô-la thì hội đồng thành phố đã đạt thành tích vẻ vang. Nhưng nếu giá thuê nhà chỉ là khoảng 8 triệu đô-la thì hội đồng thành phố đã bỏ lỡ cơ hội cải thiện tình hình. Thay vì thông qua Luật Không khí sạch, thì việc đơn giản mà họ có thể làm là trưng thu 9 triệu đô-la từ Công ty Thép Grimyville rồi trao cho các chủ sở hữu đất. Chính sách này sẽ tiết kiệm chi phí hơn cho công ty thép, tốt hơn cho các chủ sở hữu đất, và không gây ảnh hưởng gì tới những người khác − những người dù thế nào cũng không được lợi mà cũng chẳng thiệt hại gì từ Luật Không khí sạch. Điều này cũng đem lại lợi thế của sự thẳng thắn và tính trung thực: Không ai sẽ có thể phán rằng đạo luật đặc biệt này đem lợi cho công chúng hay một mục đích cao cả nào. Và đó mới là luồng không khí thực sự trong lành.
Các chủ đất ở Grimyville thâu tóm tất cả những lợi lộc của Luật Không khí sạch vì đất của họ là thứ tài sản cố định duy nhất. Tính cố định của đất khiến chủ sở hữu của chúng trở nên nhạy cảm một cách khác thường trước những thay đổi của môi trường kinh tế và mang đến động lực mạnh mẽ khác thường để họ tạo sức ép hành lang đối với những thay đổi có lợi.
Trên toàn thế giới, nông dân đã xoay xở để thích ứng với những phần chia không đồng đều của chính phủ. Ở Mỹ, nông dân được trả tiền đều đặn để bỏ đất hoang, trong khi không ai nghĩ tới chuyện trả tiền cho chủ khách sạn để họ giữ phòng trống. Câu hỏi đặt ra là: Tại sao lại có sự bất cân xứng này? Một số người nói rằng nông dân đã áp dụng thành công câu chuyện về gia đình ở nông trại.
Nhưng liệu gia đình ở nông trại có thú vị hơn nhiều so với cửa hàng tạp hóa của bố và mẹ? Tại sao chúng ta trợ cấp cho lối sống đang phai nhạt của những người nông dân nhỏ bé trong khi lại để mặc cho những cửa hàng tạp hóa vốn nằm trong những góc đường đang tan biến dần trong lớp bụi dĩ vãng?
Nguyên lý thờ ơ có gợi ý một câu trả lời. Chủ khách sạn không thèm bỏ công vào các nỗ lực hành lang vì họ biết rất rõ họ chẳng được lợi mấy từ những trợ cấp của chính phủ. Nếu các khách sạn được trả tiền để giữ phòng trống thì giá thuê phòng có thể tăng lên, nhưng điều tương ứng là các khách sạn mới sẽ mọc lên như nấm để đáp lại hiện tượng đó. Chẳng mấy chốc, ngành kinh doanh khách sạn sẽ hốt bạc hơn bao giờ hết. Nhưng khách sạn không phải là tài sản cố định. Người nông dân có thể hưởng lợi từ một thay đổi trong điều kiện kinh tế, và điều này đáng để khiến họ hành động hướng tới những thay đổi họ mong muốn.
Mục tiêu của tôi là đưa ra một lập luận gồm ba bước, và tôi đã hoàn thành được hai phần. Đầu tiên là Nguyên lý thờ ơ: Khi một hoạt động được ưa chuộng hơn một hoạt động khác, người ta sẽ “chuyển dịch” sang hoạt động đó cho tới khi nó không còn được ưa chuộng nữa (hoặc cho tới khi tất cả mọi người đã chuyển sang, nếu điều này xảy ra trước). Thứ hai là hệ quả của nó: Chỉ có tài sản cố định mới sản sinh ra lợi ích kinh tế. Khi thiếu đi tài sản cố định, Nguyên lý thờ ơ đảm bảo rằng mọi lợi ích sẽ cạnh tranh lẫn nhau rồi mất đi.
Bước cuối cùng là hệ quả của hệ quả và bài học của truyện ngụ ngôn tiếp theo: Khi một tài sản cố định không có ai sở hữu thì lợi ích kinh tế cũng không còn. Nếu không ai sở hữu nguồn lợi ích duy nhất này thì lợi ích không có chỗ để tồn tại.
TRUYỆN NGỤ NGÔN SỐ 2: THỦY CUNG CỦA SPRINGFIELD
Thành phố Springfield may mắn sở hữu một công viên thành phố hoành tráng − nơi người dân thường đến vào kỳ nghỉ cuối tuần để picnic, đi dạo và chơi bóng mềm. Mặc dù công viên này rất được ưa chuộng – gần như toàn bộ người dân thị trấn đều đến đó vào những chiều thứ bảy nắng đẹp – những công viên này rất rộng và chẳng bao giờ có chen chúc nhau.
Nhưng không may là ở Springfield người ta không có nhiều thứ để làm, và mặc dù yêu thích công viên, người dân vẫn luôn bàn tán về việc cần phải có một điều gì khác đặc sắc. Vài năm trước, Hội đồng thành phố đã đáp ứng nhu cầu chung bằng việc cho xây dựng một khu thủy cung cao cấp, cấp vốn bằng tiền thuế thu được và mở cửa tự do cho dân chúng vào xem.
Thủy cung Springfield đã mở cửa được vài tháng nay, và nó thực sự là một công trình thượng hạng. Các loài thủy sinh được trưng bày tại đây đều đẹp đẽ, thú vị và cung cấp nhiều thông tin hữu ích. Hạn chế duy nhất của thủy cung là lúc nào cũng chật kín người.
Springfield không có nhiều điểm đặc sắc. Con người có sở thích gần giống nhau và những cơ hội như nhau trong cuộc sống. Vì vậy, nếu muốn biết thủy cung ảnh hưởng tới Springfield như thế nào, chúng ta chỉ cần tập trung chú ý vào việc nó ảnh hưởng tới một gia đình điển hình ở Springfield.
Gia đình Simpson là một gia đình điển hình ở Springfield. Một ngày thứ 7 gần đây, ông bố Homer Simpson đưa ra ý kiến rằng thủy cung sẽ là một thay đổi đáng chào đón trong thói quen picnic cuối tuần thông thường của gia đình.
Tuy nhiên, con trai ông, Bart, mau mắn nhắc bố rằng đi tham quan thủy cung thì phải chờ đợi dài cổ và chen lấn xô đẩy mới được vào bên trong. Sau một hồi thảo luận, cả nhà nhất trí rằng sẽ lái xe ngang qua thủy cung để xem người ta xếp hàng dài tới đâu. Nếu phải xếp hàng và chờ đợi dưới 45 phút thì họ sẽ dừng ở thủy cung; nếu hơn 45 phút họ sẽ đi sang công viên.
Gia đình Simpsons − vốn không có ai từng qua trường lớp của những lý thuyết kinh tế cao siêu − đã thất bại trong việc áp dụng Nguyên lý thờ ơ. Trên toàn Springfield, các gia đình tương tự như gia đình Simpson đều sẵn sàng xếp hàng chờ tối đa 45 phút. Bất cứ khi nào hàng chờ đợi ngắn đi một chút là các gia đình mới lại xuất hiện. Bất cứ khi nào nó dài hơn một chút vì bị thắt nút cổ chai tại lối vào thì những người ở cuối hàng lại bỏ cuộc và đi sang công viên. Thời gian chờ đợi ở thủy cung luôn chính xác là 45 phút. Đây là tình huống đột xuất mà gia đình Simpson đã không lường trước được. Khi đó, họ không quyết định được là ở lại hay đi, rồi cuối cùng họ tung đồng xu để quyết định.
Vào những dịp đặc biệt, hàng người chờ ở thủy cung không hẳn là chỉ mất có 45 phút. Vào những ngày mưa, công viên nhìn không hấp dẫn cho lắm, và vì thế, cả gia đình Simpson sẵn sàng chờ tới 90 phút để vào thủy cung. Khi họ tới đó, họ phải chờ chính xác là 90 phút. Và họ lại tung đồng xu.
Thủy cung Springfield hoàn toàn không đóng góp một chút nào cho chất lượng cuộc sống ở Springfield. Khi cả gia đình Simpson chờ 45 phút để vào được thủy cung, thì toàn bộ chuyến đi chơi của họ không vui hơn và cũng chẳng kém phần thú vị so với việc đi đến công viên – và đó là lựa chọn sẵn có từ rất lâu trước khi thủy cung xuất hiện. Sự lựa chọn giữa điều bạn đã có và một giải pháp khác hấp dẫn ngang bằng không đem lại lợi ích nào so với những gì bạn đã có và không có lựa chọn nào khác.
Gia đình Simpson không được hưởng lợi gì từ thủy cung vì họ không sở hữu tài sản cố định có liên quan nào. Tài sản cố định có liên quan duy nhất chính là bản thân thủy cung, nhưng thủy cung “thuộc về” cả thị trấn, tức là không thuộc về riêng ai. Vì thế, chẳng ai được hưởng lợi một cách chính xác từ nó cả.
Springfield chi tới 10 triệu đô-la để xây dựng thủy cung. Mỗi penni của 10 triệu đô-la đó hoàn toàn là sự lãng phí chung. Nếu thị trấn dành 10 triệu đô-la ấy để mua vàng rồi ném xuống biển thì người dân cũng không bị thiệt chút nào so với ngày hôm nay.
Thị trưởng của Springfield có lẽ sẽ đồng cảm với quan chức của thành phố Grimyville lân cận; những trải nghiệm của họ có nhiều điểm tương đồng. Luật Không khí Sạch của Grimyville áp phí đối với các nhà kinh doanh địa phương trong khi thủy cung ở Springfield áp phí lên người đóng thuế ở địa phương. Trong mỗi trường hợp, lợi ích bù trừ thất bại trong việc diễn ra như mong đợi. Điều luật ở Grimyville vốn dĩ phải làm lợi cho tất cả mọi người, nhưng nó chỉ làm lợi cho chủ đất. Thủy cung ở Springfield lẽ ra phải làm lợi cho tất cả những ai tận dụng nó, nhưng nó lại chẳng làm lợi cho ai hết.
Theo nghĩa đó, sai lầm của Springfield nghiêm trọng hơn của Grimyville rất nhiều. Ở Grimyville, ít ra thì các chủ đất cũng được lợi.
Điều này gợi ý một cách cải thiện tình hình ở Springfield: Cũng như việc các chủ đất tại Grimyville được quyền ra giá cho quyền sử dụng đất của họ, hãy cho phép ai đó ở Springfield thu một khoản phí qua cửa khi khách vào thăm thủy cung.
Chẳng hạn, giả sử thành phố Springfield quyết định trao thủy cung cho em họ của thị trưởng quản lý, để ghi ơn những thành tích công dân tốt không rõ ràng. Ông em họ này ngay lập tức đưa ra giá vào cửa là 10 đô-la một gia đình.
Giá vé vào cửa này ảnh hưởng tới gia đình Simpson như thế nào? Rõ ràng là ban đầu nó khiến thủy cung kém phần hấp dẫn. Thời gian tối đa gia đình Simpsons sẽ chờ để vào thủy cung vào một ngày bình thường giảm từ 45 phút xuống 10 phút. Điều tương tự xảy ra đối với tất cả hàng xóm của họ, và kết quả là thời gian chờ đợi thực tế giảm xuống còn 10 phút. Chuyến thăm thủy cung bây giờ trở nên đắt đỏ hơn xét về giá tiền và rẻ hơn xét về thời gian chờ đợi; cuối cùng thủy cung không trội hơn và cũng không lép vế so với công viên. Nhà Simpsons coi trọng thủy cung nhiều như – hay cũng ít như – họ từng coi trọng.
Sau khi cho phép cải thiện thời gian chờ đợi, phí vào cửa không tiêu tốn một xu nào của nhà Simpsons. Nó cũng không tiêu tốn một xu nào của nhà hàng xóm cả. Cách duy nhất phí vào cửa ảnh hưởng tới cuộc sống của bất cứ người nào khác chính là việc nó làm giàu cho em họ của thị trưởng. Nếu lựa chọn giữa việc duy trì thủy cung với danh nghĩa một công trình thành phố miễn phí và vô giá trị với việc cho phép em họ thị trưởng vận hành nó và kiếm lời cho bản thân, thì có lẽ sẽ là thô lỗ nếu từ chối ông này.
Tất nhiên, không có gì đặc biệt về người em họ của thị trưởng; bất cứ chủ sở hữu thu phí vào cửa nào cũng sẽ hưởng lợi mà không làm hại tới ai hết. Có lẽ Hội đồng Thành phố sẽ muốn bắt đầu thu phí vào cửa, sử dụng số tiền này để cải thiện các dịch vụ trong thành phố hay giảm thuế. Việc này sẽ đem lại lợi ích cho tất cả mọi người tại Springfield mà không tốn một đồng nào. Đây là một sự kiện hiếm có của mục tiêu được theo đuổi nhiều nhất và vẫn bị tránh né nhiều nhất trong chính sách kinh tế – một bữa trưa miễn phí thực sự.
Một cách khác là thành phố có thể bán đấu giá thủy cung cho người trả giá cao nhất. Một lần nữa bữa trưa lại miễn phí. Số tiền thu được từ buổi đấu giá có thể dùng vào những mục đích tốt đẹp trong khi hành vi tối đa hóa lợi nhuận của chủ sở hữu mới không gây ra hậu quả cho bất cứ ai trừ chính bản thân anh ta.
Những tài sản cố định – một mảnh đất tại một vị thế nhất định, một thủy cung độc đáo, một kỹ năng khác thường, hay một sở thích kỳ quặc – có thể đem lại lợi ích kinh tế cho những ai sở hữu chúng. Nếu không có người sở hữu, sẽ không có lợi ích nào hết. Nguyên lý thờ ơ đảm bảo rằng tất cả lợi ích hoặc được chuyển tới chủ sở hữu tài sản cố định, hoặc bị loại bỏ một cách hiệu quả.
Các nhà kinh tế học có xu hướng công nhận rằng có ai đó gặt hái thành quả thì tốt hơn là không ai được gì hết, và vì thế thường nghĩ rằng cơ quan nhà đất là điều hữu ích.
Các nhà kinh tế học yêu thích truyện ngụ ngôn. Một truyện ngụ ngôn cần có bài học quan trọng. Không con rùa nào thực sự chạy đua với thỏ, ấy vậy mà “Chậm mà chắc” vẫn là bài học muôn thuở. Grimyville và Springfield là những sản phẩm của trí tưởng tượng, lột bỏ những rối rắm có khả năng khiến bất cứ phân tích thực nào cũng trở thành mớ bòng bong. Nhưng khi những điều phức tạp ấy được tháo gỡ, sự thật đơn giản và quan trọng có thể được làm sáng tỏ. Trong bất cứ ứng dụng cụ thể nào, Nguyên lý thờ ơ có thể đòi hỏi nhiều kỹ năng – cũng như trong bất cứ hoàn cảnh cụ thể nào, nhanh nhưng được chăng hay chớ có thể chịu thua chậm mà chắc. Dù thế, nó cho ta một điểm khởi đầu. Chúng ta bắt đầu bằng việc dự đoán rằng người ta sẽ thờ ơ giữa các hoạt động. Khi chúng ta đúng, chúng ta có thể rút ra những hệ quả tiêu biểu. Khi chúng ta sai, chúng ta xoay sang câu hỏi “Hoàn cảnh này khác với cuộc sống tại Grimyville và Springfield theo những cách quan trọng nào?” và công cuộc tìm kiếm câu trả lời lại bắt đầu. Một truyện ngụ ngôn hay thường ẩn chứa bài học sâu sắc, và một bài học sâu sắc cho thấy liệu nó có luôn đúng dù trong những chi tiết cuối cùng hay không.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.