Kinh Tế Học Dành Cho Đại Chúng

Chương 20. Những bước đi ngẫu nhiên và giá chứng khoán



Ngòi nổ cho các nhà đầu tư

Khi tôi còn trẻ và lần đầu tiên biết được rằng giá chứng khoán đi theo những bước đi ngẫu nhiên, tôi đã có chút ngờ vực. Điều đó chẳng phải cũng giống như việc IBM có thể thay thế các nhân viên chủ chốt của tập đoàn bằng những em bé 8 tuổi thiệt thòi trong xã hội hay sao? Câu hỏi của tôi bắt nguồn từ sự kém hiểu biết ngây thơ và ngốc nghếch. Tuy nhiên, sau này tôi đã học hỏi thêm được rất nhiều điều. Một trong số đó là “bước đi ngẫu nhiên” không phải là một lý thuyết về giá cả; nó là lý thuyết về sự thay đổi giá cả. Chỉ riêng việc phân biệt được điều đó đã là cả một thế giới khác biệt.

Quan niệm hoàn toàn sai lầm ban đầu của tôi có thể gợi ra một vòng quay rulet như hình ảnh trung tâm. Hôm nay viên bi dừng ở ô số 10, thì giá cổ phiếu sẽ là 10 đô-la. Hôm sau, viên bi dừng ở ô số 8, và giá cổ phiếu giảm xuống còn 8 đô-la, hay nó dừng ở ô 20 và các cổ đông sẽ hốt bạc. Bị mờ mắt bởi quan điểm sai lầm đó, tôi không thể hiểu được tại sao lại là sai lầm nếu IBM bổ nhiệm một vị chủ tịch tập đoàn quan tâm tới búp bê giấy nhiều hơn là các trang quyết toán. Nếu số phận đã định đoạt giá cổ phiếu là 20 đô-la, thì nó sẽ như vậy mà.

Hình ảnh đúng cũng gợi ra một vòng quay rulet, nhưng theo một cách khác hoàn toàn. Vòng quay được đánh dấu bằng những con số cả dương lẫn âm. Mỗi ngày, vòng quay sẽ quay, và điểm dừng của nó sẽ quyết định không phải giá cổ phiếu của ngày hôm nay, mà là sự chênh lệch giữa giá cổ phiếu hôm qua và giá cổ phiếu hôm nay. Nếu giá cổ phiếu hiện hành là 10 đô-la và viên bi dừng ở ô -2, thì giá cổ phiếu sẽ giảm xuống còn 8 đô-la; ngược lại, nếu viên bi dừng ở ô số 5, thì giá cổ phiếu sẽ tăng tới 15 đô-la.

Với “bước đi ngẫu nhiên” thì mỗi thay đổi là vĩnh viễn. Mức giá cổ phiếu của ngày hôm nay là tổng của tất cả những thay đổi (dương và âm) đã từng xảy ra, và mỗi một sự thay đổi đó sẽ được quyết định bằng một lần quay khác nhau của vòng quay. Nếu lần quay ngày hôm nay có kết quả là -15, thì toàn bộ giá cố phiếu trong tương lai sẽ giảm đi 15 đô-la so với việc nếu lần quay ngày hôm nay là 0. Tác động của vòng quay hoàn toàn không bị giảm đi vì dòng thời gian.

Khi IBM đưa bà Grundy mới học hết cấp ba vào Ban giám đốc, vòng quay dừng ở ô số -20 và giá cổ phiếu giảm từ 25 đô-la xuống còn 5 đô-la. Nhưng mọi thay đổi của giá cổ phiếu trong tương lai vẫn tiếp tục đúng theo số phận ban đầu của chúng. Nếu 1/4 số ô trên vòng quay là +.25, thì giá cổ phiếu sẽ tăng thêm 25 xu trong 1/4 của toàn bộ số ngày trong tương lai; nếu 3/8 số ô được đánh dấu -.20, thì giá cổ phiếu sẽ giảm đi 20 xu trong 3/8 của toàn bộ số thời gian trong tương lai. Những con số đó không thay đổi. Sự thay đổi duy nhất là giá cổ phiếu sẽ thấp hơn so với mức giá 20 đô-la trước đây.

Bạn có thể phản đối rằng việc giảm đi 20 đô-la là việc chưa từng xảy ra và rõ ràng không xuất phát từ vòng quay rulet thông thường. Tôi xin đáp lại là vòng quay rulet rất lớn, với rất nhiều ô, và chỉ một trong số những ô đó được đánh dấu -20. Đó là lý do tại sao việc đó không xuất hiện thường xuyên. Nhưng ô đó vẫn luôn tồn tại; bởi vẫn luôn có một khả năng tương tự dù rất nhỏ là IBM sẽ làm một điều gì đó thật ngốc nghếch.

Điều đó lại dẫn tôi đến một nhận thức sai lầm nữa. Tôi đã hiểu sai từ ngẫu nhiên là “không liên quan tới bất cứ thứ gì khác trên thế giới”, đó là lý do tại sao tôi đã nghĩ rằng thuyết bước đi ngẫu nhiên không thừa nhận rằng hành động của IBM có thể gây ảnh hưởng tới giá cổ phiếu của họ. Nhưng một sự kiện ngẫu nhiên có thể tương quan một cách hoàn hảo với một sự kiện khác. Những sai lầm lớn của các tập đoàn ập đến ngẫu nhiên, và sự thay đổi giá cổ phiếu tương ứng cũng đến cùng với chúng.

Các nhà kinh tế học tin rằng giá cổ phiếu trên thị trường hoạt động rất giống với những bước đi ngẫu nhiên trong phần lớn thời gian. Đó là, chúng ta tin rằng sự thay đổi giá cả (chứ không chỉ là giá cả) luôn có những đặc tính thống kê giống như một loạt các con số được sinh ra từ vòng quay rulet. Nếu giá cả mang tính ngẫu nhiên, như tôi từng sai lầm mà tin vào điều đó, thì giá cả của ngày hôm nay sẽ không thể là nhà dự báo cho giá cả của ngày mai. Vì sự thay đổi giá cả mang tính ngẫu nhiên, nên điều ngược lại cũng đúng. Giá cả của ngày hôm nay là nhà dự báo chính xác nhất có thể cho giá cả của ngày mai.

Giá cả của ngày mai chính là giá cả của ngày hôm nay, cộng thêm một lượng điều chỉnh ngẫu nhiên (thường là nhỏ).

Hãy tưởng tượng ra một trò chơi may rủi đơn giản. Khởi đầu với 100 đô-la và vòng trong rulet bắt đầu quay – vòng quay với cả những con số dương và âm – lặp đi lặp lại nhiều lần. Nếu bạn quay vào ô 5, bạn sẽ nhận được 5 đô-la. Nếu bạn quay phải ô -2, bạn sẽ phải trả 2 đô-la cho nhà cái. Sự cân bằng tuân theo bước đi ngẫu nhiên. Với mỗi bước đi ngẫu nhiên, hiện tại chính là nhà dự báo xuất sắc cho tương lai. Nếu cán cân đang không nghiêng về phía bạn sau 10 vòng quay, thì có khả năng là nó sẽ vẫn thế sau vòng quay thứ 11.

Nhưng trong khi giá trị hiện tại của bước đi ngẫu nhiên có thể báo hiệu nhiều về tương lai, thì giá trị quá khứ của nó lại chẳng có thêm tác dụng nào cả.

Một khi tôi đã nhìn vào vòng quay và số tiền dư hiện tại của bạn, tôi sẽ biết tất cả những gì mà một người bằng xương bằng thịt có thể biết về vận mệnh khả dĩ của bạn. Bạn có thể có một câu chuyện thú vị để kể về việc bạn đã giàu lên (hay nghèo đi) như thế nào năm phút trước, nhưng việc lắng nghe câu chuyện đó không nói thêm được điều gì chính xác hơn những dự đoán của tôi.

Giá thị trường chứng khoán cũng tương tự như vậy. Giá cổ phiếu hiện hành của IBM chính là nhà dự báo xuất sắc cho giá cổ phiếu tương lai của nó. Nhưng quá trình lịch sử để dẫn tới giá cả hiện hành lại chẳng hề liên quan chút nào.

Các nhà bình luận báo cáo rằng bởi vì gần đây một cổ phiếu cụ thể nào đó, hay toàn bộ thị trường, đã trượt dốc, nên có khả năng nó sẽ trải qua quá trình “điều chỉnh” lên trong tương lai gần. Cũng có thể vì gần đây nó trượt dốc, nên khả năng là nó sẽ tiếp tục đi xuống trong tương lai gần. Hay vì gần đây nó đã tăng cao, có khả năng nó sẽ giảm nhanh chóng hay tăng cao hơn nữa. Nhưng nếu giá cổ phiếu cũng giống như những bước đi ngẫu nhiên, như các nhà kinh tế học vẫn tin như thế, thì những thay đổi của giá cả tương lai khá độc lập với lịch sử của nó. Giá cả hiện hành dự báo cho giá cả tương lai. Dù các nhà bình luận nói thế nào thì những thay đổi giá cả trong quá khứ vẫn không thể dự đoán được điều gì.

Những người chơi chứng khoán thích tin rằng họ sành điệu hơn những người chơi tại sòng bạc. Ấy vậy mà chỉ người chơi rulet ngây thơ nhất mới nảy ra ý tưởng rằng bởi vì số tiền dư của anh ta liên tục giảm sau vài vòng gần đây, nên giờ đã đến lúc nó “điều chỉnh” theo hướng đi lên. Những con bạc từng trải biết được họ nên kỳ vọng điều gì vào những bước đi ngẫu nhiên.

Khi còn trẻ, tôi đã dung dưỡng rất nhiều nhận thức sai lầm (không phải tất cả đều liên quan tới tài chính). Một nhận thức sai lầm nữa là với sự hiện diện của bước đi ngẫu nhiên, sẽ không có vai trò nào được dành cho chiến lược đầu tư cả. Tôi không biết mình có được ý tưởng này từ đâu, mà chỉ biết rằng có lẽ tôi đã biết được chiến lược không đóng vai trò nào trong trò chơi xổ số ngẫu nhiên và tôi cho là do một số đặc tính huyền bí của từ ngẫu nhiên. Dù trong bất cứ trường hợp nào, tôi cũng đã sai.

Thứ nhất là, các cổ phiếu khác nhau được gắn với các vòng quay rulet khác nhau. Một vài cổ phiếu tăng như dự đoán (vòng quay của chúng có cùng một con số ở hầu hết các ô mà viên bi có thể rơi vào), trong khi các cổ phiếu khác dao động mạnh (vòng quay của chúng có rất nhiều con số khác nhau, một vài con số quá lớn theo cả hướng dương lẫn âm). Việc lựa chọn vòng quay đúng là vấn đề về sở thích và cách đánh giá.

Thứ hai, và thú vị hơn là, cùng một vòng quay có thể kiểm soát được nhiều hơn một cổ phiếu. Thời tiết hàng ngày cũng giống như sự quay tròn của vòng quay rulet vậy. Đôi khi viên bi dừng ở ô có ghi “mưa nhiều hơn”, và thế là Các loại ô tăng thêm 5 điểm và Toàn bộ các giỏ picnic giảm đi 5 điểm. Những lần khác viên bi dừng ở một ô có ghi “nắng to hơn”, nơi Các loại ô giảm đi 10 điểm và Toàn bộ các giỏ Picnic tăng thêm 10 điểm. Một nhà đầu tư sành sỏi, người mua cổ phiếu của cả Các loại ô lẫn Toàn bộ các giỏ picnic có thể bảo vệ mình khỏi những sự thay đổi bất thường, bởi thua lỗ của tài sản này sẽ được bù lại bằng lợi nhuận của tài sản kia. Việc đa dạng hóa một cách cẩn trọng có thể tạo ra những danh mục đầu tư mang tính rủi ro thấp mà tính trung bình có thể lời hơn bất cứ một tài sản rủi ro thấp đơn lẻ nào.

Trong tình huống điển hình thì ngay cả cách đa dạng hóa tuyệt nhất cũng không hoàn hảo. Vòng quay có một ô đánh dấu “động đất”, và khi viên bi dừng ở đây thì cả Các loại ô và Toàn bộ các giỏ picnic đều giảm. Mặt khác, đó chính là những thời điểm khi cổ phiếu của dịch vụ chăm sóc nhà cửa của Mỹ tăng giá, và nhà đầu tư chiến lược có thể muốn thêm một vài loại cổ phiếu của Mỹ vào danh mục đầu tư của mình như là một dạng bảo hiểm động đất.

Nếu giá tài sản hoạt động theo cách mà các nhà kinh tế học vẫn tin, thì điều mà các nhà đầu tư nên tập trung vào nhiều nhất không phải là chọn những tài sản đúng mà là xây dựng danh mục đầu tư đúng. Câu hỏi “Liệu Các loại ô có đáng mua hay không?” là vô nghĩa trừ phi nó nằm trong một danh mục đầu tư. Cùng với Toàn bộ các giỏ picnic, Các loại ô có thể tạo nên một danh mục đầu tư đa dạng tuyệt vời. Khi liên kết với Áo mưa quốc tế, Các loại ô lại tạo nên một danh mục đầu tư với rất nhiều rủi ro không cần thiết, sẽ gặp thảm họa nếu viên bi dừng ở ô “mặt trời”.

Để kiếm được lợi nhuận lớn, bạn phải chấp nhận rủi ro. (Bài học này có mặt rộng khắp, vươn cả ra ngoài lĩnh vực tài chính). Bí quyết ở đây là không được chấp nhận rủi ro nhiều hơn mức cần thiết. Phương pháp là đa dạng hóa, bằng cách thừa nhận rằng tài sản có xu hướng di chuyển ngược chiều nhau và bằng cách sử dụng thông tin này một cách khôn ngoan. Điều đó rất khác với tập quán truyền thống là “chọn người thắng”, mà các nhà kinh tế học tin là hiếm có khả năng. Nhưng nó đòi hỏi ít sự hiểu biết hơn. Dù có hay không có những bước đi ngẫu nhiên thì thị trường tài chính vẫn tiếp tục thưởng cho sự chăm chỉ, tài năng và đôi lúc cả may mắn nữa.

Chiến lược có vai trò rất quan trọng. Nhưng không may là các cố vấn tài chính không phải lúc nào cũng phân biệt được chiến lược với sự mê tín. Chẳng hạn như họ tham gia vào một lễ nghi kỳ quái gọi là trung bình hóa chi phí, mà sẽ có ý nghĩa đối với cháu chắt của bạn giống như những màn ma thuật của phù thủy Salem đối với bạn vậy.

“Ý tưởng” trung bình hóa chi phí là mua một tài sản với một lượng vốn cố định trong những khoảng thời gian đều đặn – chẳng hạn, dành 1.000 đô-la để mua cổ phiếu của General Motors hàng tháng trong vòng một năm. Theo đó, có ý kiến tranh luận rằng, bạn mua ít hơn khi giá tăng cao (chỉ 50 cổ phiếu khi giá là 20 đô-la), và nhiều hơn khi giá hạ xuống (100 cổ phiếu khi giá giảm xuống còn 10 đô-la).

“Mua nhiều hơn khi giá thấp” nghe có vẻ hấp dẫn một cách đáng ngờ, nhưng điều đó cũng gợi ý rằng chúng ta nên dừng lại để xem xét câu hỏi “Thấp so với cái gì?” Một mức giá hấp dẫn không phải khi nó thấp so với trước đó, mà khi nó thấp so với tương lai được kỳ vọng. Không may là, bước đi ngẫu nhiên không bao giờ thấp đột biến khi so sánh với tương lai được kỳ vọng. Mức giá có khả năng hạ xuống còn 1 đô-la khi nó khởi đầu với giá 10 đô-la cũng giống như khi nó khởi đầu với giá 100 đô-la. Liệu một người chơi rulet khôn ngoan có bao giờ tin rằng anh ta có thể cải thiện vận may của mình bằng cách đặt cược nhiều hơn khi số tiền dư chỉ còn chút ít hay không?

Giá cổ phiếu hiện hành thấp dự báo giá cổ phiếu tương lai sẽ thấp. Nếu giá cả ngày hôm nay thấp, thì đó là một lý do tuyệt vời để mua nhiều hơn (vì rẻ) và cũng là lý do tuyệt vời để mua ít hơn (vì có thể nó sẽ duy trì ở mức thấp). Hai lý do này triệt tiêu lẫn nhau và do đó, khiến việc “mua nhiều hơn khi giá thấp” không hấp dẫn hơn là mấy so với việc “mua nhiều hơn khi giá cao”.

Trung bình hóa chi phí là một chiến lược tồi để vô hiệu hóa bước đi ngẫu nhiên. Hãy tưởng tượng bạn bước vào một sòng bạc nơi 10 vòng quay rulet giống hệt nhau có thể được quay đồng thời với nhau. Bạn có 55 nghìn đô-la để đặt cược. Bạn có thể, nếu bạn chọn, đặt cược 1.000 đô-la cho vòng quay đầu tiên, 2.000 đô-la cho vòng quay thứ hai, 3.000 đô-la cho vòng quay thứ ba, và cứ như thế. (Tổng cộng lên tới 55 nghìn đô-la). Nhưng đó là cách mang tính rủi ro cao không cần thiết; hơn 1/3 tiền đặt cược của bạn phụ thuộc vào vòng quay thứ chín hoặc mười. Chiến lược mang tính rủi ro thấp là đặt cược 5.500 đô-la vào mỗi vòng quay, sao cho không vòng quay nào quan trọng hơn bất cứ vòng quay nào khác.

Hãy để tiền trên thị trường chứng khoán trong 10 tháng cũng giống như tiền đánh cược vào những vòng quay của 10 bánh xe rulet vậy. Nếu bạn trung bình hóa chi phí, thêm 1.000 đô-la vào vốn đầu tư mỗi tháng, thì sau đó bạn có 1.000 đô-la phụ thuộc vào vòng quay đầu tiên, 2.000 đô-la ở vòng quay thứ hai, 3.000 đô-la ở vòng quay thứ ba, và cứ như thế. Nhưng chúng ta vừa mới thống nhất với nhau rằng đây là một sai lầm lớn. Người cá cược khôn ngoan đặt cược 5.500 đô-la cho mỗi vòng quay. Xét ở khía cạnh chiến lược đầu tư, điều này có nghĩa là bạn nên đầu tư 5.500 đô-la trong tháng đầu tiên; sau đó điều chỉnh số tiền đầu tư lên hay xuống nếu cần thiết sao cho cổ phiếu của bạn luôn đáng giá 5.500 đô-la. (Nếu giá trị cổ phiếu giảm xuống còn 5.000 đô-la, thì bạn nên đầu tư thêm 500 đô-la; nếu nó tăng lên 6.000 đô-la, thì bạn nên bán đi một lượng cổ phiếu trị giá 500 đô-la).

Với bất cứ chiến lược nào, bạn có 5.500 đô-la rủi ro trong một tháng. Bất cứ chiến lược nào cũng kỳ vọng đem lại lợi nhuận. Nhưng trung bình hóa chi phí cho thấy một yếu tố nữa mang rủi ro không cần thiết. Nếu trong vòng 10 tháng, giá cổ phiếu tăng trong 6 tháng và giảm xuống cùng một lượng trong 4 tháng còn lại, thì nhà đầu tư với lượng vốn không đổi là 5.500 đô-la chắc chắn sẽ là người thắng cuộc. Người trung bình hóa chi phí − người đầu tư ít hơn trong những tháng đầu so với những tháng sau − sẽ phải lo lắng xem 6 tháng nào là tốt và 6 tháng nào không tốt. Nếu những tháng tốt là những tháng đầu thì người trung bình hóa chi phí là kẻ thua cuộc.

Lo lắng về việc liệu cổ phiếu của bạn có tăng giá hay không là một phần việc của nhà đầu tư. Ngược lại, lo lắng khi nào chúng sẽ tăng thì có thể dễ tránh được. Trung bình hóa chi phí là cách tốt để gây ra tình trạng mất ngủ không cần thiết.

Cho tới tận bây giờ, việc phản đối sự trung bình hóa chi phí của tôi vẫn luôn dựa vào giả thuyết bước đi ngẫu nhiên. Nhưng ngay cả khi giá cổ phiếu không tuân theo bước đi ngẫu nhiên, thì tôi cũng không thể tưởng tượng ra bất cứ niềm tin nào về sự biến động của giá cả có thể biện minh cho sự trung bình hóa chi phí. Giả sử niềm tin của bạn cũng ngây thơ như niềm tin của tôi thời trẻ rằng giá cổ phiếu (đối lập với sự thay đổi giá cả) dao động một cách ngẫu nhiên theo những vòng quay của một bánh xe rulet tưởng tượng. Trong trường hợp đó, mục tiêu của bạn không nên là mua thật nhiều cổ ít đi khi giá cao, mà bạn nên mua thật nhiều cổ phiếu khi chút nào khi giá cao. phiếu khi giá thấp và giá thấp và không

Lần sau, khi ai đó khuyên bạn nên trung bình hóa chi phí, hãy hỏi xem anh ta thấy thế nào về sự biến động của giá cổ phiếu. Đừng dễ dàng chấp nhận một câu trả lời vô nghĩa như “chúng dao động”; hãy hỏi xem chính xác là chúng dao động như thế nào. Chúng có phải là những bước đi ngẫu nhiên, mà sự thay đổi giá cả được quyết định một cách ngẫu nhiên mỗi ngày không? Chúng có tuân theo một xu hướng, và trệch khỏi xu hướng đó một cách ngẫu nhiên mỗi ngày hay không? Có phải chúng được lựa chọn một cách ngẫu nhiên từ các vòng quay rulet khác nhau vào những ngày khác nhau, và nếu vậy thì thủ tục chọn lựa vòng quay của ngày là gì? Có khả năng là những câu hỏi này hoàn toàn mới mẻ đối với anh ta. Trong trường hợp đó, rót dầu nóng vào mũi bạn vẫn còn tốt hơn là nghe theo lời khuyên đầu tư của người đó. Nếu anh ta có câu trả lời thì chắc chắn nó sẽ không hề nhất quán với lời khuyên trung bình hóa chi phí của anh ta.

Hiện nay, bậc thầy về trung bình hóa chi phí dường như là Bob Brinker, phụ trách chuyên mục Moneytalk (Bàn chuyện tiền nong) trên đài phát thanh, một nguồn vô tận của những điều vô vị chưa được khai thác. Hãy xin lời khuyên của ngài Brinker, và ngài ấy sẽ nói với bạn về trung bình hóa chi phí. Tôi có xu hướng nhìn nhận việc này theo sách Khải huyền, như là một dấu hiệu hiển nhiên rằng nền văn minh phương Tây đã lụi tàn quá mức có thể phục hồi. Lời khuyên bạn nhận được từ Moneytalk sẽ không qua nổi năm phút kiểm tra gắt gao, dù thế nó vẫn được thốt ra từ miệng một nhà tiên tri hàng tuần, đều đặn và không vấp phải một lời phản đối nào. Nếu ngài Brinker dành chút thời gian kiểm chứng lời khuyên của mình trong một vài ví dụ về những con số đơn giản thì ngài ấy sẽ biết được điều là sai. Có lẽ ngài ấy đã không thực sự tôn trọng thính giả khi nói điều đó.

Thuyết bước đi ngẫu nhiên ngụ ý rằng bạn không bao giờ có thể cải thiện cơ hội của mình bằng một chiến lược phụ thuộc vào nghiên cứu sự biến động của giá cả trong quá khứ. Tuy nhiên, thuyết này không đề cập tới những lợi ích có thể sinh ra từ việc nghiên cứu các yếu tố khả biến khác.

Về nguyên tắc, một “vòng quay rulet” có thể quyết định cả thời tiết lẫn giá cả của Các loại ô, với một khoảng thời gian trễ giữa chúng. Đầu tiên trời tối dần; rồi 24 giờ sau đó, giá cổ phiếu của Các loại ô có phản ứng. Một nhà đầu tư sành sỏi, người nhận ra kiểu mẫu này, có thể kiếm được cả gia tài. Bằng cách quan sát các yếu tố khả biến chứ không phải là giá cả trong quá khứ, bạn có thể đánh bại bước đi ngẫu hứng.

Sau khi gieo hy vọng rằng các nhà đầu tư có thể hốt bạc vô tận bằng cách quan sát những mối tương quan đơn giản, tôi xin lỗi khi phải thông báo rằng các nhà kinh tế học cho rằng đó một viễn cảnh có khả năng rất thấp. Sẽ rất có lý khi kỳ vọng rằng nhiều nhà đầu tư sẽ nhận ra mối quan hệ giữa thời tiết và giá cổ phiếu của Các loại ô. Chỉ khi thời tiết thay đổi thì những nhà đầu tư đó mới đổ xô mua cổ phiếu, và, trong khi cạnh tranh với nhau, họ đẩy giá lên gần như ngay lập tức. Việc tăng giá trong tương lai được dự đoán xảy ra trong hiện tại chứ không phải trong tương lai, và nhà đầu tư điển hình không thể mua bất kỳ cổ phiếu nào trong khi vẫn còn thời gian để thu được lãi.

Không phần nào trong câu chuyện này đòi hỏi tất cả hoặc thậm chí phần lớn các nhà đầu tư biết về bí mật này. Nó đòi hỏi chỉ một số lượng nhỏ các nhà đầu tư đủ linh lợi để phát hiện cơ hội kiếm lời và khai thác nó một cách triệt để.

Giả thuyết thị trường hoạt động theo cách này được gọi là giả thuyết thị trường hiệu quả. Theo giả thuyết thị trường hiệu quả, không có chiến lược đầu tư nào dựa trên việc sử dụng những thông tin được đăng tải rộng khắp lại có thể đánh bại thị trường.

Thuyết thị trường hiệu quả và thuyết bước đi ngẫu nhiên có liên quan mật thiết với nhau, và chúng thường bị nhầm sang nhau. Dù vậy, hai thuyết này lại khá khác nhau. Thuyết bước đi ngẫu nhiên chỉ cho thấy bạn không thể giàu lên bằng cách quan sát giá cả trong quá khứ; còn thuyết thị trường hiệu quả cho thấy bạn không thể giàu lên bằng cách quan sát bất cứ thông tin đăng tải rộng khắp nào.

Có một bằng chứng thực nghiệm rất tốt cho thuyết bước đi ngẫu nhiên, mô tả hầu hết những biến động của giá cổ phiếu trong thời gian dài. Trong suốt hơn 25 năm, các tạp chí kinh tế và tài chính tràn ngập những bài viết về những cố gắng không thành công trong việc bác bỏ thuyết bước đi ngẫu nhiên. Số đông các nhà kinh tế học tìm thấy bằng chứng bị chôn vùi này, và trong số đông này có cả những người thông minh, đa nghi, và không dễ bị “lòe”.

Ngược lại, thuyết thị trường hiệu quả − khẳng định tất cả các thông tin đại chúng có sẵn − lại khó kiểm chứng hơn rất nhiều. Tuy nhiên, nhiều phép thử khác nhau đã đạt thành công. Chẳng hạn, có khá nhiều tư liệu có giá trị xác nhận thuyết này, đó là thông tin về lượng giao dịch trong quá khứ không có giá trị gì trong việc dự báo giá cả tương lai. Một ví dụ nữa, Lauren Feinstone (nhà kinh tế học và cũng là bạn đời của tôi) đã nghiên cứu những kiểu mẫu thống kê của sự thay đổi giá tài sản; từ đó cô ấy suy luận rằng (được đăng tải trên Journal of Applied Econometrics) tất cả thông tin mới về tài sản được hợp nhất một cách đầy đủ với giá cả chỉ trong vòng 30 giây sau khi tin được tung ra.

Điều ngạc nhiên là rất ít thông tin trong số này thâm nhập được vào thông báo của bản tin tài chính. Khi giá cổ phiếu bắt đầu giảm sau khi vừa tăng, các phát thanh viên thông báo rằng sự sụt giảm là do việc “chốt lời”. Khi chỉ số trung bình của Dow-Jones bắt đầu tiến tới ngưỡng cao trước, chúng ta lại được nghe về những nỗ lực của nó để chọc thủng “vùng kháng cự” và nghe được dự đoán rằng nếu nó thành công trong việc chọc thủng vùng kháng cự, thì nó sẽ tiếp tục tăng trong một giai đoạn gọi là “làm sạch thuyền” – trừ phi, tất nhiên, xuất hiện hiện tượng chốt lời.

Mục “Đi trước thị trường” của tờ Wall Street Journal là nguồn thông tin không pha tạp nhất cho loại phân tích này. Các nhà kinh tế học có cùng ý kiến về mục “Đi trước thị trường” rằng nhiều người cho rằng nó giống như mục lá số tử vi. Họ thấy chúng thú vị, và họ tự nhủ rằng chúng chỉ phục vụ cho mục đích giải trí mà thôi. Nhưng trong thâm tâm, họ phân vân không biết bao nhiêu bạn đọc coi chúng là nghiêm túc, và họ rùng mình.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.