Kinh Tế Học Dành Cho Đại Chúng

Chương 8. Tại sao giá cả là điều tốt?



Smith so với Darwin

Gần đây, tôi có tham dự một bữa tiệc kết hợp với buổi diễn thuyết của một người học rộng biết nhiều – một nhà vật lý học xuất chúng. Chủ đề của bài diễn thuyết là sự tương đồng giữa thuyết tiến hóa của Darwin – thúc đẩy sự tiến bộ về mặt sinh học của các giống loài bằng cách cho phép chỉ những con vật khỏe nhất tồn tại, và thuyết Bàn tay vô hình của thị trường, thúc đẩy sự tiến bộ về mặt kinh tế của loài người chúng ta bằng cách loại bỏ tất cả trừ những nhà sản xuất hiệu quả nhất.

Tôi ngờ rằng ông ta không biết nhiều về sinh học. Và tôi chắc chắn rằng ông ta cũng không biết nhiều về kinh tế. Vì thế, sự so sánh của ông ta, dù rất quen thuộc, đã mắc sai lầm cực kỳ nghiêm trọng.

Trong ngành sinh học, chẳng có cái gì tương tự như thuyết Bàn tay vô hình. Sự tồn tại của kẻ mạnh nhất là thứ gì đó hoàn toàn khác biệt. Cũng chẳng có gì trong thuyết tiến hóa lại hứa hẹn hay thể hiện tính hiệu quả kỳ diệu của thị trường cạnh tranh.

Chim thiên đường đực có những cái đuôi dài đến nực cười. Quá trình tiến hóa đã gieo tai ương cho chúng bằng những chiếc lông đuôi dài mà vô dụng trong bất cứ mục đích thực tế nào, và trên thực tế, dài đến nỗi gây khó khăn cho việc di chuyển. Cơ thể chúng dành nguồn dinh dưỡng quý giá để phát triển và duy trì cái đuôi này, tăng nhu cầu thức ăn, đồng thời khiến chúng dễ dàng trở thành con mồi béo bở hơn.

Làm sao một loài vật thiệt thòi như vậy có thể trụ được qua quá trình chọn lọc tự nhiên? Thực ra, học thuyết Darwin đòi hỏi chúng ta phải đặt ra câu hỏi phức tạp hơn nhiều: Làm sao một điều bất lợi như vậy lại có thể là kết quả của quá trình chọn lọc tự nhiên?

Đáng ngạc nhiên là các nhà sinh vật học đã có câu trả lời. Chim đực ganh đua để giành giật chim cái, và chim cái thì luôn muốn bạn đời có khả năng làm cha của những chú chim con khỏe mạnh. Bằng cách phát triển cái đuôi dài hơn đuôi của đối thủ, chim đực thể hiện sự sung sức, rằng nó kiếm ăn tốt, và có lẽ là nó đủ cường tráng để tồn tại, ngay cả khi phải vác trên mình vật trở ngại lố bịch là cái đuôi dài. Đó cũng chính là những phẩm chất mà chim cái muốn chim con được thừa hưởng, vì vậy, nó tìm kiếm bạn đời sở hữu những phẩm chất này. Đuôi dài là lợi thế sinh sản, và vì thế, được quá trình chọn lọc tự nhiên “ban thưởng”.

Bây giờ chúng ta hãy tưởng tượng một chút: Do lo ngại về cạnh tranh leo thang, chim thiên đường đực đã tổ chức một hội nghị hòa bình. Một vài con chim với những cái đuôi khẳng khiu hơn đã đưa ra đề nghị cực đoan: “tước bỏ quyền thừa kế” chung, bằng cách đồng loạt nhất trí loại bỏ những cái lông không cần thiết ngay lập tức và vĩnh viễn. Quyết định của chúng nhấn mạnh những lợi thế của việc tránh bị cáo ăn thịt nhưng lại xem nhẹ nguy cơ chim cái sẽ bỏ đi.

Chú chim đứng ở bục hiện giờ là chủ sở hữu của một cái đuôi đặc biệt đồ sộ (nó phải cần tới ba trợ tá giúp đỡ thì mới có thể bước lên sân khấu). Nó vội vàng bác bỏ đề nghị của phe cực đoan và đưa ra một thỏa hiệp vĩ đại: “Mỗi chú chim thiên đường sẽ cắt đi một nửa chiều dài đuôi. Như vậy sẽ không còn lý do nào để phản đối nữa. Những cái đuôi dài nhất vẫn sẽ dài nhất. Những chú chim thiên đường hấp dẫn nhất vẫn sẽ thu hút chim cái nhất. Đồng thời, chúng ta sẽ được hưởng lợi từ việc giảm bớt chi phí bảo dưỡng, cải thiện động lực, và hạn chế việc rơi vào tầm ngắm của ‘các bạn’ cáo”.

Điều đáng chú ý của đề xuất này là không những nó có lợi cho loài chim thiên đường về mặt duy trì nòi giống; mà thực ra nó còn làm lợi cho mỗi và mọi cá thể chim. Những chú chim thiên đường có đuôi khẳng khiu không khoái ý tưởng này bằng các chú chim khác, nhưng dầu sao chăng nữa thì đề xuất của chúng cũng chẳng có cơ hội được chấp thuận. Thỏa hiệp là trò chơi trong đó tất cả những người chơi đều chiến thắng. Chỉ có các bạn cáo có lẽ sẽ phản đối mà thôi.

Đối với chim thiên đường, sự thật chẳng vui vẻ gì là một thỏa hiệp như thế chẳng bao giờ có thể được áp dụng. Cho tới khi đề xuất này được đưa ra, tán đồng và áp dụng, những con chim thiên đường “vô liêm sỉ” (và giống đực nào không vô liêm sỉ trong những việc như thế?) sẽ lập mưu để tránh bị cắt. Bất cứ chú chim nào nghi ngờ nạn gian lận sẽ phải ăn gian để không bị lép vế trước đối thủ. Bất cứ chú chim nào không nghi ngờ nạn gian lận vẫn sẽ có khả năng ăn gian, hy vọng có được lợi thế một cách thiếu ngay thẳng so với những chú chim thật thà khác.

Nhà kinh tế học sẽ miêu tả kết cục này là không hiệu quả bởi để có được một thay đổi được tất cả tán đồng, người ta phải hy sinh một cơ hội nào đó. Kết quả của các quá trình sinh học thường không mang tính hiệu quả, chỉ đơn giản là vì chẳng có lý do gì để chúng nên có hiệu quả. Kết quả của các quá trình kinh tế cũng có thể là không hiệu quả, nhưng thường thì chúng có hiệu quả rõ rệt, vì thế chúng ta mới có chuyện để nói.

Cách tốt nhất để đánh giá đúng tính hiệu quả kỳ diệu của thị trường cạnh tranh là xem xét những ví dụ về các kết quả không hiệu quả. Một ví dụ là, chúng ta hãy đặt ra giả thuyết hơi bi quan là sinh viên chẳng học được gì hữu ích từ trường đại học. Tuy nhiên, nhà tuyển dụng vẫn thích tuyển những sinh viên tốt nghiệp đại học, vì xét về tổng thể, sinh viên tốt nghiệp đại học thông minh hơn những người không qua trường lớp đại học. Học đại học không khiến họ thông minh hơn; mà chính trí thông minh đã giúp họ vượt qua chuỗi ngày đại học. Có lẽ vì thế mà khi nhà tuyển dụng chẳng có cách nào khác để phân biệt giữa người thông minh và người không-thông-minh-cho-lắm, thì họ sẽ sẵn lòng trả lương cao hơn cho những người có học vấn cao hơn.

Trong ví dụ này, sinh viên giống như những chú chim thiên đường, nhà tuyển dụng giống như chim thiên đường cái, và tìm kiếm tấm bằng đại học giống như là mọc một cái đuôi dài: Đó quả là cái giá quá đắt phải trả để đạt được một thứ vô dụng nhưng lại là biểu tượng của những phẩm chất bên trong của bạn. Giả sử tất cả sinh viên đều đồng tình với việc giảm thời gian học đại học xuống còn một nửa so với hiện tại: Những sinh viên đang học khóa học bốn năm sẽ chỉ phải học hai năm; những sinh viên dành tám năm để học Tiến sĩ sẽ chỉ phải học bốn năm để có bằng cử nhân. Nếu kế hoạch này được áp dụng thì việc xếp thứ hạng sinh viên của nhà tuyển dụng sẽ không thay đổi, và mỗi sinh viên sẽ tiết kiệm được một nửa tiền học phí (cũng như có cơ hội gia nhập lực lượng lao động sớm hơn). Tất cả các sinh viên đều được hưởng lợi và không ai mất gì cả.

Nhưng sinh viên đại học, cũng giống như chim thiên đường đực, vốn có tài bịp bợm trứ danh, và giao kèo bị phá sản bởi mỗi sinh viên quyết định vi phạm các điều khoản và giành lợi thế so với các sinh viên khác. Kết quả là tình trạng không hiệu quả lại trở về nguyên trạng.

Có vô vàn ví dụ, cả trong thế giới động vật lẫn chuyện của loài người. Hãy xem xét một quần thể gia súc gặm cỏ ở một khu vực cấm. Nếu chúng đều đồng tình gặm ít cỏ hơn trong năm nay, cỏ sẽ mọc lại nhanh hơn và cả đàn gia súc sẽ có nhiều cỏ để gặm hơn trong tương lai. Có lẽ mỗi con bò và trâu đều nhất trí rằng thỏa hiệp này cũng đáng để thực hiện. Ấy vậy mà con vật nào cũng ăn gian, ăn thêm một chút so với phần của mình năm nay và an tâm nghĩ rằng phần ăn thêm của riêng nó sẽ tác động không đáng kể đến mùa cỏ sang năm. Nhưng than ôi, đàn gia súc rất đông và những tác động không đáng kể đó được gộp lại. Sang năm, cả đàn gia súc đều phải chịu đói.

Hành vi hợp lý không phải là vắc-xin phòng chống tính không hiệu quả. Trong các ví dụ của chúng ta, mỗi cá nhân hành động một cách rất hợp lý – chú chim đực nuôi đuôi dài, sinh viên đại học kéo dài thời gian học, con bò ăn nhiều hơn một chút so với những gì nó hứa hẹn. Nếu lý trí không thể cứu vãn chúng ta thì điều gì có thể đây? Đáng chú ý – đáng kinh ngạc – kỳ diệu thay – là có một câu trả lời. Dưới những điều kiện khá chung chung, khi hàng hóa được sản xuất và trao đổi trên thị trường cạnh tranh tự do trong đó người ta giao dịch theo giá thị trường thì hoạt động kinh tế dẫn tới những kết cục không hiệu quả. Thực tế này là những gì nhà kinh tế học có trong đầu khi họ nói về thuyết Bàn tay vô hình.

Vào thế kỷ XVIII, Adam Smith mô tả một diễn viên thực tế, người “chỉ kiếm lợi cho riêng mình” tuy nhiên lại bị dẫn dắt bởi “một bàn tay vô hình đẩy đến một kết cục không giống ý định của anh ta một chút nào”, kết cục đó là sự thịnh vượng của xã hội, mà các nhà kinh tế học gọi là tính hiệu quả. Phép ẩn dụ này tồn tại và trụ vững trước vô số cách hiểu sai. Người ta nói rằng Smith đang diễn tả một tư tưởng tôn giáo, niềm tin rằng Thượng đế cai quản mọi việc của chúng ta. Người ta nhắc đến nó nhiều hơn – gần đây nhất là nhà vật lý học bạn tôi – rằng Smith có ý kiểu như: Tính lý trí cá nhân, cùng với sức ép tàn nhẫn của quá trình chọn lọc tự nhiên (trên thị trường cũng như trong bầu sinh quyển) nhất thiết phải đóng góp cho xã hội và sự tiến bộ của các giống loài.

Nhưng nếu Smith có ý như vậy thì ông đã sai lầm. Bất cứ chú chim thiên đường nào cũng có thể nói cho bạn biết vì sao. Điều Smith muốn nói là một cái gì đó tinh vi hơn nhiều, và đáng chú ý hơn nhiều: Tính lý trí của cá nhân, cùng với sự cạnh tranh và giá cả, sẽ dẫn tới những kết cục hiệu quả cao; đó là những kết cục trong đó tất cả các cơ hội đều được tận dụng để cải thiện lợi ích của tất cả mọi người. Điều này vẫn đúng, cho dù tính lý trí của cá nhân và sự cạnh tranh sẽ hiếm khi dẫn tới những kết cục tốt đẹp như thế nếu thiếu đi yếu tố giá cả.

Thuyết Bàn tay vô hình không rõ ràng đến thế, nhưng nó đúng. Những năm 1950, các nhà kinh tế học Gerard Debreu và Lionel McKenzie, làm việc độc lập, đã chuyển thành công thuyết này thành một tuyên bố toán học thuần túy và chứng minh nó một cách kỹ càng. Thành tựu của họ là một trong những kỳ tích của kinh tế học hiện đại.

Với công thức hiện đại, Thuyết Bàn tay vô hình giờ mang cái tên hiện đại. Nó được gọi là Thuyết Cơ bản Đầu tiên của Kinh tế Phúc lợi, và nó có thể được diễn giải một cách súc tích: Các thị trường cạnh tranh luôn phân phối nguồn lực một cách hiệu quả. Còn có Thuyết Cơ bản Thứ hai của Kinh tế Phúc lợi liên quan tới thực tế nói rằng có rất nhiều cách để phân phối nguồn lực một cách hiệu quả. Thuyết Cơ bản Thứ hai nói rằng: Dù bạn muốn đạt được cách phân phối hiệu quả nào trong vô vàn cách phân phối, bạn luôn có thể đạt được bằng cách phân phối lại thu nhập trực tiếp theo cách thích hợp, và sau đó, để các thị trường cạnh tranh hoạt động tự do.

Đặc trưng then chốt trong các công thức và bằng chứng về các Thuyết này là sự tồn tại của giá cả thị trường. Thiếu đi giá cả thì chẳng còn lý do nào để mong đợi những kết quả hiệu quả. Tôi không thấy giá cả có tương đồng gì với nguồn gốc các loài, và kết luận rằng quá trình tiến hoá sinh học chỉ có vẻ giống với kinh tế học về thị trường mà thôi.

Tôi không kỳ vọng có thể giải thích được đầy đủ tại sao Thuyết Bàn tay vô hình chắc chắn là đúng. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng tôi có thể cung cấp “chút mắm chút muối” nhằm làm sáng tỏ vai trò cốt yếu của giá cả. Những đoạn tiếp sau đây sẽ khá “hóc”, nhưng chỉ cần để ý một chút thì bạn sẽ thấy chúng cũng dễ hiểu thôi. Phần thưởng cho bạn là chút kiến thức đại cương về một trong những thành tựu tri thức vĩ đại nhất của nhân loại.

Giả sử tôi bổ nhiệm bạn là người đứng đầu nền nông nghiệp nước Mỹ. Đã có quyết định rằng năm nay nước Mỹ sẽ sản xuất 1.000 giạ lúa mỳ, và công việc của bạn là đảm bảo chúng được sản xuất với chi phí thấp nhất.

Lo ngại lớn nhất của bạn là về tổng chi phí cho tất cả các cánh đồng lúa mỳ trên toàn nước Mỹ. Nhưng để đạt được mục tiêu, bạn phải xem xét tới những quan điểm khác nhau về chi phí, thứ mà chúng tôi gọi là chi phí biên của sản xuất lúa mỳ tại bất cứ trang trại nào.

Chi phí biên là chi phí phụ trội sẽ xuất hiện khi người nông dân trồng thêm một giạ lúa mỳ. Cái đó không giống với chi phí trung bình trên mỗi giạ lúa của người nông dân, vì chi phí biên có khuynh hướng chênh lệch giữa các giạ lúa.
Diện tích đất sản xuất của người nông dân là có hạn, và ép khoảnh đất này sản xuất ra hai giạ lúa mỳ có thể đắt gấp đôi so với việc bắt đất sản xuất một giạ lúa mỳ. Nói một cách cụ thể, chẳng hạn việc trồng một giạ lúa mỳ đòi hỏi nông dân Brown phải bỏ ra 1 đô-la chi phí, trong khi trồng hai giạ cần tới 3 đô-la và 3 giạ cần tới 7 đô-la. Nếu nông dân Brown trồng 1 giạ, chi phí của anh ta chỉ là 1 đô- la, và chi phí biên là 2 đô-la mỗi giạ (vì trồng thêm một giạ sẽ làm tăng chi phí của anh ta thêm 2 đô-la, từ 1 đô-la thành 3 đô-la). Nếu anh ta trồng 2 giạ, chi phí biên của anh ta sẽ là 4 đô-la (vì giạ thứ ba sẽ làm tăng chi phí từ 3 đô-la lên tới 7 đô-la).

Bây giờ hãy trở lại với vấn đề lãnh đạo của bạn: Sản xuất 1.000 giạ với chi phí càng thấp càng tốt. Giả sử chi phí biên của nông dân Brown là 4 đô-la mỗi giạ, trong khi chi phí biên của nông dân Smith là 9 đô-la mỗi giạ. Vậy thì bạn có thể làm một điều khôn ngoan là: đề nghị nông dân Smith trồng ít đi một giạ (giảm chi phí của anh này khoảng 9 đô-la) và đề nghị nông dân Brown trồng thêm một giạ (tăng chi phí của anh này thêm 4 đô-la). Tổng số nông dân vẫn chỉ trồng tổng lượng lúa mỳ như trước, nhưng tổng chi phí lại giảm đi 5 đô-la.

Bây giờ nông dân Smith đã sản xuất ít lúa mỳ hơn, chi phí biên của anh ta không còn ở mức cao là 9 đô-la một giạ nữa; có lẽ nó giảm xuống còn 7 đô-la một giạ. Nông dân Brown giờ sản xuất nhiều hơn, vì vậy, chi phí biên của anh ta tăng lên, chẳng hạn là 5 đô-la một giạ. Sử dụng lại ý tưởng thông minh của mình, bạn có thể tiết kiệm 2 đô-la nữa bằng cách giảm một giạ nữa từ nông dân Smith và tăng một lượng tương tự từ nông dân Brown.

Bạn có thể tiếp tục trò chơi này cho tới khi nông dân Smith và Brown đều có chi phí biên tương đương nhau; tại thời điểm đó, việc sử dụng phương pháp này sẽ không đem lại lợi ích gì nữa. Bước tiếp theo là tìm kiếm một cặp nông dân khác với chi phí biên khác nhau và lại áp dụng trò chơi này với họ. Tổng chi phí sản xuất sẽ không được giảm thiểu cho tới khi bạn tận dụng được tất cả các cơ hội, tại thời điểm đó, chi phí sản xuất biên của nông dân này cũng bằng với nông dân khác.

Điều này rất đáng nhấn mạnh: Tính hiệu quả trong việc sản xuất lúa mỳ đòi hỏi tất cả những người nông dân phải có chi phí biên như nhau.

Bây giờ hãy gạt vấn đề tính hiệu quả sang một bên và nhìn nhận những lựa chọn của mỗi nông dân với mong muốn tối đa hóa lợi nhuận của mình. Tại trang trại của nông dân Jones, chi phí sản xuất biên là 1 đô-la nếu anh này trồng 1 giạ, 2 đô-la nếu trồng 2 giạ, 3 đô-la nếu trồng 3 giạ, và 4 đô-la nếu trồng 4 giạ. Giá lúa mỳ hiện tại là 3 đô-la một giạ.

Nông dân Jones hiện đang trồng một giạ lúa mỳ trên khu đất và đang nghĩ tới việc mở rộng sản xuất. Anh ta nhận ra rằng nếu anh ta trồng giạ thứ hai thì anh ta có thể bán ra với giá 3 đô-la trong khi chỉ phải chịu chi phí biên là 1 đô- la. Nghe có vẻ bùi tai, vì thế anh ta trồng giạ thứ hai. Anh ta có nên trồng giạ thứ ba không? Nếu anh ta trồng, anh ta có thể bán với giá 3 đô-la trong khi chỉ phải chịu chi phí biên là 2 đô-la. Một lần nữa, đây là bước đi khôn ngoan. Với 3 giạ lúa mỳ trồng trên khu đất, nếu trồng giạ thứ tư thì chi phí biên là 3 đô-la, không cao hơn giá bán của lúa mỳ. Vì thế nông dân Jones ngừng trồng khi anh ta có 3 giạ lúa mỳ trên khu đất và chịu chi phí biên là 3 đô-la.

Cũng như nông dân Jones, mỗi nông dân tiếp tục trồng cho tới khi chi phí biên của anh ta lên tới 3 đô-la một giạ (giá thị trường của lúa mỳ), và sau đó ngừng lại. Một số trang trại sẽ phình ra còn các trang trại khác sẽ co lại (ở trang trại của Smith, chi phí biên chưa đạt mức 3 đô-la một giạ cho tới khi có 7 giạ được trồng trên khu đất, vì thế anh ta trồng 7 giạ), nhưng tại mỗi trang trại chi phí biên luôn bằng với giá thị trường.

Giờ thì điều đáng chú ý là: Mỗi nông dân, vì phải tìm cách để tối đa hóa lợi nhuận cho riêng mình – hay, theo lời của Adam Smith, chủ định làm lợi cho bản thân mình – tiếp tục trồng cho tới khi chi phí biên của anh ta bằng với giá thị trường. Vì giá thị trường chung là 3 đô-la một giạ, nên nông dân sẽ tiếp tục trồng cho tới khi họ đạt đến chi phí biên đó. Nhưng điều này – sự ngang bằng của chi phí biên ở những trang trại khác nhau – chính là yếu tố giảm thiểu chi phí sản xuất lúa mỳ toàn quốc.

Cần nhấn mạnh một điều rằng chẳng nông dân nào đoái hoài tới việc giảm thiểu tổng chi phí sản xuất lúa mỳ của tất cả mọi người – đó là “kết cục không giống ý định của anh ta chút nào”. Ấy vậy mà anh ta bị dẫn dắt tới kết cục này cứ như là có một bàn tay vô hình dẫn đường vậy.

Hãy chú ý đến vai trò then chốt của tính một giá mà tất cả nông dân đang đối mặt trên thị trường. Khi đeo đuổi lợi ích cá nhân, mỗi nông dân tiếp tục trồng cho tới khi chi phí biên ngang bằng giá cả. Chỉ khi tất cả nông dân đều bán cùng một giá, họ mới có thể đạt tới chi phí biên như nhau. Chỉ vì sự quân bình chi phí biên đảm bảo rằng các vụ lúa mỳ của cả nền kinh tế được sản xuất rẻ tới mức tối thiểu.

Ngày nay, nền kinh tế không chỉ có một thị trường lúa mỳ, và hoạt động kinh tế không chỉ là sản xuất. Ý chính của Thuyết Cơ bản Đầu tiên của Kinh tế Phúc lợi là: Ngay cả khi chúng ta xem xét tổng thể cả nền kinh tế, với rất nhiều hàng hóa và hoạt động, tất cả chúng tương tác với nhau theo những cách phức tạp, thì sự tồn tại của thị trường cạnh tranh và giá cả thị trường vẫn là những gì cần có để đảm bảo kết quả hiệu quả.

Thế giới đầy rẫy những thứ không hiệu quả, và trong mắt của những người nghiệp dư, nó dường như là kết quả của “sự cạnh tranh gay gắt” hay “thị trường náo loạn”. Nhưng Thuyết Bàn tay vô hình cho thấy khi chúng ta đi tìm nguồn gốc của sự không hiệu quả, chúng ta nên tìm kiếm những hàng hóa chưa được định giá, điều này cũng có nghĩa là chúng ta nên tìm kiếm những hàng hóa chưa được sở hữu.

Hãy xem xét tình trạng ô nhiễm hiện nay. Một nhà máy thải khí độc hại, gây khó chịu cho những người dân xung quanh. Điều này có thể hoặc không thể không có hiệu quả. Nhà máy được một chút lợi (những chủ nhà máy, những người đã đút lót để được sản xuất, và có lẽ cả những người tác động đến nó một cách ít trực tiếp hơn) trong khi gây tác hại cho những người khác (người dân xung quanh). Trong nguyên tắc này, chúng ta có thể đo lường tất cả những lợi ích và mất mát theo đơn vị tiền (chẳng hạn, bằng việc hỏi những người dân xung quanh xem họ sẽ sẵn lòng trả bao nhiêu tiền để loại bỏ nhà máy, hoặc, nhà máy sẽ phải đưa cho họ bao nhiêu tiền để họ yêu quý nó? Xét cho cùng, có khi nhà máy lại có lợi nhiều hơn có hại, trong trường hợp này thì sự hiện diện của nó, cùng với nạn ô nhiễm lại mang tính hiệu quả. Nhưng ngược lại, cũng rất có thể là nó có hại nhiều hơn có lợi. Nếu vậy thì sự tồn tại của nó là không hiệu quả.

Nguồn gốc sâu xa của tính không hiệu quả này là gì? Một vài người cho rằng đó là kết quả của chủ nghĩa tư bản thị trường lũng đoạn và sự đeo đuổi lợi nhuận mù quáng. Thực ra, đó là hậu quả của sự thiếu hụt tư bản thị trường: Không có một thị trường nào dành cho không khí cả.

Giả sử một ai đó sở hữu bầu không khí xung quanh nhà máy và có thể tính giá sử dụng không khí. Nhà máy sẽ phải trả tiền cho quyền được gây ô nhiễm, trong khi các cư dân lại phải trả tiền cho quyền được hít thở bầu không khí trong lành. Điều này gây cản trở đến việc nhà máy tiếp tục gây ô nhiễm. Thậm chí nếu không khí thuộc quyền sở hữu của chủ nhà máy thì sự cản trở này vẫn còn đó, bởi vì khi gây ô nhiễm, ông ta bỏ lỡ cơ hội bán không khí sạch cho người dân! Dù cho ai là người sở hữu không khí đi chăng nữa – chủ nhà máy, một vài người dân xung quanh, hay một “chủ của không khí” vắng mặt – thì nhà máy vẫn có khả năng ngừng gây ô nhiễm. Trên thực tế, không khó để chỉ ra rằng nhà máy sẽ tiếp tục gây ô nhiễm khi, và chỉ khi, đó là kết cục có hiệu quả.

Không điều nào trong số những điều kể trên có ý định ám chỉ rằng việc tổ chức và duy trì một thị trường không khí là việc dễ dàng, hay đó là cách thực tế để xử lý vấn đề ô nhiễm. Điều được minh họa ở đây là: Sự không hiệu quả nảy sinh từ những thị trường không tồn tại. Bất cứ nơi nào có sự không hiệu quả thì có thể đoán chắc rằng một thị trường không tồn tại đang lẩn khuất (hay, chính xác hơn, thất bại trong việc lẩn khuất) đâu đây.

Tỷ lệ săn voi châu Phi lấy ngà đang ở mức quá cao, và những con vật vĩ đại này có thể rơi vào nguy cơ tuyệt chủng. Trong khi một giải pháp đơn giản có lẽ không đủ để giải quyết vấn đề này, nó có một nguyên nhân đơn giản: Không ai sở hữu loài voi. Một chủ sở hữu – hay bất cứ chủ sở hữu nào – cũng sẽ muốn đảm bảo rằng có đủ voi tồn tại để anh ta duy trì kinh doanh. Nhu cầu thịt bò lớn hơn rất nhiều so với nhu cầu ngà voi, nhưng gia súc không bị nạn tuyệt chủng đe dọa. Lời giải cho sự khác biệt là gia súc được người ta sở hữu.

Tương tự như vậy, các công ty giấy có thừa động cơ để trồng lại những khu rừng họ sở hữu, và những khu rừng này không phải đối mặt với nguy cơ biến mất khỏi trái đất. Các nhà môi trường học quan tâm tới nguy cơ này đề cao việc tái chế giấy sao cho ít cây bị chặt hơn. Oái ăm thay, các công ty phản ứng với nhu cầu cây thấp hơn bằng cách duy trì các cánh rừng nhỏ hơn. Bằng chứng cho thấy việc tái chế khiến thế giới có ít cây hơn.

Roy Romer, thống đốc bang Colorado (và là cha của một nhà kinh tế học xuất chúng), gần đây đã khoái chí phát biểu về các máy thổi lá. Ông kể về một lần đi bộ vào một ngày mùa thu và ngắm mỗi chủ gia đình tại Denver thổi lá sang sân hàng xóm. Ông kết luận rằng vấn đề nằm ở chỗ có quá nhiều thị trường – tất cả chúng ta sẽ khá khẩm hơn nếu không ai mua máy thổi lá. Có lẽ con trai của ngài thống đốc đã có thể nói với ông rằng có quá ít thị trường: Nếu có một cách tính tiền hàng xóm vì dùng sân nhà bạn làm thùng rác, vấn đề sẽ tan biến.

Vị thống đốc chuẩn bị phát hiện ra một điều gì đó: hai thị trường không tồn tại có khi lại tốt hơn một thị trường không tồn tại. Chúng ta biết được từ Adam Smith rằng sẽ là tốt nhất nếu ta có thị trường cho tất cả mọi thứ. Nhưng với thực tế là không có thị trường dành cho sân-kiêm-thùng-rác, nên có thể sẽ là tốt hơn nếu cũng loại trừ thị trường dành cho máy thổi lá.

Mặt khác, với tôi, miêu tả của vị thống đốc có vẻ không đúng. Tại khu tôi sống, không ai thổi lá sang bãi cỏ nhà hàng xóm. Hay nếu bạn làm như vậy thì có nghĩa là bạn không định nhờ vả gì anh ta, chẳng hạn như lấy giùm thư khi bạn đi xa. Thực ra, có cái gì đó giống như một thị trường, với một cái giá phải trả cho việc vi phạm những luật bất thành văn. Thậm chí nếu không có bất cứ tổ chức chính thức nào, các thị trường vẫn có xu hướng phát triển, chính xác là vì chúng là những công cụ mạnh để cải thiện phúc lợi cho tất cả mọi người.

Ngày nay, loài người ở khắp mọi nơi buộc phải trân trọng sự cân bằng sinh thái hết sức tinh tế của thiên nhiên, nơi mỗi sinh vật được thiết kế một cách diệu kỳ để giữ vào mỗi vị trí độc đáo, và nơi mỗi khu vực tương tác với tổng thể bằng sự phức tạp đầy thú vị. Chúng ta hãy cùng giữ chút trân trọng dành cho cấu trúc tinh vi không kém của thị trường, yếu tố thường xuyên giành được những chiến công mà ngay cả thiên nhiên cũng không dám thử.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.