Kinh Tế Học Dành Cho Đại Chúng

Chương 9. Thuốc men và kẹo, tàu hỏa và tia lửa



Kinh tế học trong phòng xử án

Bridgman làm kẹo từ bếp nhà mình ở London. Ông khá hòa hợp với hàng xóm láng giềng, trong đó có bác sĩ Sturges, người sống và hành nghề y tại một ngôi nhà gần đó.

Năm 1879, bác sĩ Sturges xây một phòng khám ở cuối vườn, ngay gần với bếp của Bridgman. Chỉ sau khi việc thi công hoàn thành, vị bác sĩ mới nhận ra rằng máy làm kẹo của Bridgman rất ầm ĩ – ầm đến nỗi không thể sử dụng phòng khám được. Sturges đâm đơn kiện hòng đóng cửa công việc kinh doanh của Bridgman.

Các thẩm phán sau khi nghe về vụ kiện cho rằng họ đang quyết định không chỉ đơn giản là số phận của Sturges và Bridgman. Họ cũng đang quyết định – hay ít ra là họ tin vậy – giữa dịch vụ khám chữa bệnh và kẹo sô-cô-la. Nếu họ chấp thuận kiến nghị của bác sĩ Sturges, ông này sẽ có thể khám cho nhiều bệnh nhân hơn và với hiệu quả cao hơn: mặt trái của một quyết định như thế sẽ là sự biến mất các loại kẹo của Bridgman trên thị trường. Nếu họ nghiêng về phía Bridgman, kẹo của ông này sẽ tồn tại trong khi dịch vụ khám bệnh của Sturges biến mất.

Các thẩm phán xử Sturges thắng kiện. Ông được ban quyền vô điều kiện đòi hỏi Bridgman ngừng sử dụng máy làm kẹo. Để biện chứng cho quyết định của mình, các thẩm phán xem xét một cách dứt khoát tác động của việc sản xuất các loại hàng hóa và dịch vụ khác nhau. Nhưng họ đã sai lầm. Bất chấp những quan niệm cố hữu của họ, trên thực tế chúng không có chút quyền lực nào để tác động tới việc sản xuất kẹo hay chăm sóc sức khỏe.

Hãy xem xét một ví dụ đơn giản. Giả sử Bridgman kiếm 100 đô-la mỗi tuần từ việc kinh doanh kẹo, và Sturges kiếm 200 đô-la mỗi tuần từ việc mở phòng khám. Nếu tòa nghiêng về phía Sturges, quyết định đóng cửa phòng khám của Bridgman, thì khu dân cư sẽ có nhiều dịch vụ y tế hơn nhưng lại ít kẹo hơn.

Mặt khác, tòa cũng có thể nghiêng về phía Bridgman, cho phép ông này gây tiếng ồn. Nhưng trò chơi không dừng ở đây. Sau khi thua kiện, Sturges đưa ra một thỏa thuận: “Tôi sẽ trả ông 150 đô-la mỗi tuần nếu ông tắt máy làm kẹo”. Việc này đem lại cho Bridgman thêm 50 đô-la một tuần so với những gì ông kiếm được từ việc kinh doanh và để lại cho Sturges 50 đô-la lợi nhuận thực – không phải 200 đô-la, nhưng vẫn hơn là con số 0 tròn trĩnh nếu phòng khám của ông ta bị đóng cửa. Cả hai bên đều có lợi, thỏa hiệp thống nhất, Bridgman ngừng sản xuất, và khu dân cư vẫn có nhiều dịch vụ y tế hơn và ít kẹo hơn.

Nói cách khác, Bridgman vẫn sẽ ngừng sản xuất dù cho quyết định của tòa là gì. Quyết định của toà không có tác động gì tới trường hợp này.

Cũng ví dụ đó, nhưng trong trường hợp ngược lại. Giả sử Bridgman kiếm 200 đô-la mỗi tuần từ công việc kinh doanh kẹo, và Sturges kiếm 100 đô-la mỗi tuần từ hoạt động của phòng khám. Nếu tòa xử Sturges thua kiện thì Bridgman sẽ tiếp tục sản được xuất kẹo và Sturges ngừng khám bệnh.

Mặt khác nếu tòa xử Sturges thắng kiện, thì Bridgman buộc phải ngừng công việc kinh doanh của của mình lại. Và giờ thì chính Bridgman lại là người đưa ra một thỏa thuận: “Tôi sẽ trả ông 150 đô-la mỗi tuần nếu ông để tôi tiếp tục kinh doanh”. Điều này đem lại cho Sturges thêm 50 đô-la so với những gì ông kiếm được từ việc khám bệnh mỗi tuần; và vẫn đem lại cho Bridgman lợi nhuận dương; vì thế, thoả thuận này được cả hai bên đồng tình. Thỏa thuận diễn ra, Bridgman vẫn tiếp tục sản xuất kẹo và Sturges vẫn không hành nghề y.

Trong ví dụ này, cũng như ví dụ trước đó, quyết định của tòa không có tác động tới việc liệu Sturges có mở phòng khám hay không, và không có tác động tới việc liệu Bridgman có tiếp tục vận hành máy móc hay không. Các nhà kinh tế học thích thú với quan sát này khi nói rằng quyết định của tòa “chẳng có nghĩ lý gì”.

Bridgman và Sturges có thể không đồng tình với phát ngôn này, vì quyết định của tòa có ý nghĩa quan trọng đối với họ. Trong ví dụ đầu tiên, quyết định Sturges thắng kiện, để ông này tiếp tục hoạt động phòng khám và bỏ mặc sự tồn tại của Brigdman, trong khi đó quyết định Sturges thua kiện có thể khiến ông này vẫn tiếp tục được mở phòng khám nhưng sẽ trả cho Bridgman 150 đô- la một tuần. Trong ví dụ thứ hai, quyết định Sturges thua kiện khiến ông này phải đóng cửa phòng khám và luôn nguyền rủa Bridgman vì tiếng ồn của máy móc, trong khi đó nếu quyết định Sturges thắng kiện thì sẽ dẫn tới việc ông này vẫn đóng cửa phòng khám nhưng lại vui vẻ vì được nhận séc hàng tuần từ ông hàng xóm.

Nói một cách chính xác hơn, chúng ta nên nói rằng quyết định của các thẩm phán chỉ có ý nghĩa đối với Sturges và Bridgman mà không có ý nghĩa đối với bất kỳ ai khác. Quyết định này không ảnh hưởng tới sự phân bố của các tiềm lực kinh tế. Tức là nó không ảnh hưởng tới số lượng hay trang thiết bị của hoạt động sản xuất. Các nhà kinh tế học thường lo ngại về sự phân phối tiềm lực kinh tế hơn là việc dịch chuyển thu nhập giữa các cá nhân. Chúng tôi đã hé lộ tiêu chí của mình khi nói rằng các ý kiến của tòa án không có “nghĩa lý” gì.

Xung đột giữa Sturges và Bridgman là xung đột giữa việc ai nên kiểm soát tiềm lực kinh tế. Tiềm lực trong vấn đề này là môi trường xung quanh phòng khám của Sturges, và Sturges muốn sử dụng làm môi trường lý tưởng để suy ngẫm, còn Bridgman muốn sử dụng làm nơi thải tiếng ồn. Tòa có thể ban quyền kiểm soát cho một trong hai bên, và có thể bảo vệ quyền đó bằng nhiều cách. Họ có thể ban hành lệnh cho phép Sturges đơn phương quyết định sự phân phối của không khí; trong trường hợp này Sturges được bảo vệ bởi quyền tài sản. Cách khác là họ có thể yêu cầu Bridgman bồi thường cho Sturges vì đã gây thiệt hại cho việc hành nghề y của ông này; như thế là Sturges được bảo vệ bởi trách nhiệm pháp lý cá nhân. Bất cứ quyết định nào cũng nghiêng về phía Sturges; và cũng có những lựa chọn tương tự nếu tòa muốn nghiêng về phía Bridgman.

Nhưng dù ai kiểm soát tiềm lực kinh tế, và cho dù quyền kiểm soát được bảo vệ như thế nào, thì người đó sẽ tìm kiếm lợi thế cho riêng mình bằng cách hướng tiềm lực ấy vào cách sử dụng đem lại lợi nhuận cao nhất, cho dù cách sử dụng đó là do bản thân anh ta hay do hàng xóm. Tòa không thể tác động tới lợi nhuận của bất cứ bên kinh doanh nào, và vì thế, không thể kiểm soát cách tiềm năng được sử dụng.

Quan sát gây sửng sốt về sự vô dụng của các thẩm phán này được Giáo sư Ronald Coase của trường Đại học Luật Chicago đưa ra vào năm 1961. Nó xuất hiện như là một bức màn bí mật được hé mở cho các nhà kinh tế học, các nhà luật học và học giả nói chung. Nó cũng đánh dấu sự ra đời của chuyên ngành hàn lâm mới: phân tích kinh tế về luật pháp.

Để tôn vinh Coase, quan sát của ông được đặt tên là Định lý Coase. Nó áp dụng bất cứ khi nào các bên xung đột có thể thương lượng, để tiến tới thỏa thuận chung, và để tự tin rằng các điều kiện của họ được thi hành. Trong những hoàn cảnh này, Định lý Coase nói rằng sự phân phối của quyền tài sản, hay lựa chọn luật trách nhiệm pháp lý, hay khái quát hơn là bất cứ cách phân phối quyền lợi nào (một cách sắp xếp bao gồm quyền lợi của cả hai bên và các luật trách nhiệm pháp lý) không ảnh hưởng tới sự phân phối cuối cùng của tiềm lực kinh tế. Khi đó, các quyết định của thẩm phám chẳng có nghĩa lý gì hết.

Tuy vậy, có rất nhiều trường hợp mà trong đó Định lý Coase không áp dụng được, vì thương lượng hoặc là bất khả kháng hoặc là quá đắt đỏ. Điều này có thể xảy ra, chẳng hạn, nếu số lượng các bên liên quan trong xung đột là rất nhiều.

Nếu chỉ có một nông dân liên quan tới vụ việc thì Định lý Coase trả lời

“Không” và “Không chút nào”. Hệt như trường hợp của Sturges và Bridgman, quyết định của tòa án là khởi đầu của quá trình ra quyết định, chứ không phải kết thúc. Nếu tòa án phán quyết rằng người nông dân có thể ra lệnh cho tàu hỏa chạy trên đất trồng trọt của một nông dân, ngành đường sắt vẫn có thể gợi ý việc mua lại quyền-đi-lại. Nếu tòa phán quyết rằng tàu hỏa có thể chạy trên mặt đất nhưng nông dân này phải được bồi thường, ngành đường sắt có thể hoặc ngừng việc chạy tàu, hoặc chạy ít đi, hoặc lắp đặt các thiết bị kiểm soát-tia lửa, hoặc tiếp tục vận hàng và trả phí tổn, hoặc gợi ý cho người nông dân một mức phí cố định để di dời cây trồng của mình sao cho không có thiệt hại nào xảy ra. Nếu tòa phán quyết rằng người nông dân không có quyền truy đòi hợp pháp nào, anh ta có thể gợi ý trả tiền cho ngành đường sắt để ngừng việc chạy tàu, hay chạy ít hơn, hay lắp đặt các thiết bị kiểm soát tia lửa, hay anh ta có thể tiếp tục công việc và chịu thiệt hại, hoặc anh ta có thể di dời cây trồng. Định lý Coase cho ta biết rằng bất cứ giải pháp nào được thiết lập sau phán quyết ủng hộ ngành đường sắt cũng sẽ được thiết lập sau phán quyết ủng hộ người nông dân, và ngược lại. Điều duy nhất tòa án thực sự quyết định là ai sẽ trả ai.

Nhưng khi nhiều nông dân bị ảnh hưởng, chứ không chỉ một cá nhân, thì tình hình trở nên phức tạp hơn. Sắp xếp một cuộc thương lượng giữa 100 cá nhân đòi hỏi những vấn đề hậu cần phức tạp. Và nhiều trở ngại sẽ nảy sinh.
Thậm chí khi đã đạt tới một thoả thuận có lợi cho tất cả mọi người, bất cứ người nông dân nào cũng có thể đe dọa “phá bĩnh” và từ chối ký trừ khi anh ta được một phần lợi ích của tất cả mọi người. Nếu một vài nông dân sử dụng chiêu bài này, mọi chuyện sẽ đi vào bế tắc.

Vì vậy, trong trường hợp này, quyết định của tòa trở nên có tác động. Dù tòa có xử như thế nào thì các thương lượng sau đó sẽ khó mà đảo ngược quyết định của tòa. Nếu ngành đường sắt phải chịu trách nhiệm trước thiệt hại mùa màng, họ có thể chạy ít chuyến hơn hay lắp đặt các thiết bị chống tia lửa, nhưng sẽ khó mà có thể thỏa thuận với tất cả nông dân để họ di dời cây trồng. Nếu ngành đường sắt không bị truy cứu trách nhiệm, người nông dân có thể di dời cây trồng nhưng khó mà có thể tập hợp nhau lại để mua các thiết bị chống tia lửa từ đường sắt.

Coase xem xét kỹ lưỡng ví dụ này và đặt ra câu hỏi: Giả sử tòa muốn khuyến khích việc phân phối tiềm lực kinh tế một cách hiệu quả, vậy thì tòa nên phán quyết như thế nào?

Trước năm 1961, các nhà kinh tế học sẽ đồng loạt trả lời: “Truy cứu trách nhiệm ngành đường sắt”. Lập luận là thế này: Vì ngành đường sắt gây ra tia lửa, và tia lửa gây thiệt hại, do vậy cần phải buộc ngành đường tính đến những thiệt hại đó khi họ quyết định chạy một đoàn tàu. Nếu chạy một đoàn tàu đem lại cho ngành đường sắt lợi nhuận trị giá 100 đô-la, trong khi gây ra thiệt hại mùa màng trị giá 200 đô-la, thì việc chạy tàu không mang lại hiệu quả kinh tế.

Làm thế nào để chúng ta có thể thuyết phục ngành đường sắt dừng chạy những đoàn tàu như thế? Hãy bắt họ trả 200 đô-la chi phí.

Coase phân tích lập luận này và tuyên bố nó sai. Nó sai chính xác là ở chỗ “tia lửa gây thiệt hại”. Trên thực tế, điều gây ra thiệt hại là sự hiện diện đồng thời của tia lửa và cây trồng ở cùng một nơi. Xét về điều này, chẳng có lý chút nào khi nói rằng “tia lửa gây thiệt hại” hơn là nói rằng “cây trồng gây thiệt hại”. Nếu loại trừ tia lửa hoặc cây trồng, vấn đề sẽ không còn nữa. Quay trở lại việc tàu hỏa đem lại cho ngành đường sắt lợi nhuận trị giá 100

đô-la, và những tia lửa của tàu khi tiếp xúc với cây trồng của người nông dân sẽ khiến họ bị thua lỗ 200 đô-la. Giả sử với chi phí 10 đô-la, người nông dân có thể di dời cây trồng tới một địa điểm khác hay lắp đặt thiết bị ngăn chặn tia lửa. Khi ngành đường sắt bị truy cứu trách nhiệm, người nông dân − được bồi thường toàn bộ thiệt hại do tia lửa gây ra − sẽ chọn việc không thực hiện các biện pháp phòng ngừa đó nữa. Ngành đường sắt thấy tàu không đem lại lợi nhuận và ngừng chạy tàu. Chủ sở hữu ngành đường sắt – và thế giới – nghèo đi 100 đô-la.

Nhưng nếu ngành đường sắt không bị truy cứu trách nhiệm, mọi chuyện sẽ khác. Tàu sẽ tiếp tục chạy. Người nông dân, không có quyền truy đòi nào khác, sẽ bảo vệ mùa màng của họ bằng số tiền đầu tư 10 đô-la. Người nông dân – và thế giới – sẽ nghèo đi 10 đô-la.

Trong trường hợp này, một kết cục có hiệu quả kinh tế – tổn thất 10 đô-la thay vì 100 đô-la – sẽ chỉ đạt được nếu ngành đường sắt không bị truy cứu trách nhiệm. Bằng cách đảo ngược các con số, tôi có thể dễ dàng đưa ra một ví dụ cho thấy kết quả có hiệu quả sẽ chỉ đạt được nếu ngành đường sắt bị truy cứu trách nhiệm.

Và vì vậy, chúng ta đến với mặt trái của Định lý Coase. Khi hoàn cảnh ngăn cản thương lượng, thì các quyền lợi – trách nhiệm pháp lý, quyền tài sản… trở nên có ý nghĩa. Hơn thế nữa, phương thuốc truyền thống của các nhà kinh tế học cho tính hiệu quả – khiến mỗi cá nhân chịu trách nhiệm hoàn toàn trước phí tổn gây ra đối với người khác – là vô nghĩa. Phương thuốc truyền thống khiến chúng ta tin tưởng mù quáng rằng một trong hai bên liên quan trong cuộc xung đột có thể sở hữu giải pháp hiệu quả, và trách nhiệm pháp lý sai lệch có thể loại trừ động lực để thực thi giải pháp đó.

Một số nhà máy gây ô nhiễm bầu không khí, hủy hoại sức khỏe và niềm vui của dân cư trong khu vực. Có nên cho phép người dân kiện vì những thiệt hại này hay không? Nếu chúng ta trả lời không, thì nhà máy sẽ không có động lực nào để chuyển sang dùng nhiên liệu sạch hơn, hay lắp đặt trang thiết bị kiểm soát ô nhiễm, hay giảm sản lượng, hoặc di dời. Nếu chúng ta trả lời có, thì người dân không có động lực nào để thực hiện các biện pháp như dùng sơn chống ô nhiễm, hay quay cửa nhà. Bất cứ giải pháp nào trong số này đều có thể là giải pháp hữu hiệu nhất. Lý thuyết kinh tế không hé lộ liệu việc nhà máy kiểm soát khí thải hay việc dân cư quay cửa nhà theo hướng ngược chiều gió sẽ rẻ hơn. Quyết định của tòa có ý nghĩa, và quyết định có hiệu quả dựa vào đặc điểm của từng vụ.

Vậy thì, tòa làm được gì? Phần nhiều tùy thuộc vào mục tiêu của các thẩm phán. Nếu mục tiêu của họ là cái gì đó ngoài tính hiệu quả kinh tế − nếu mục tiêu ban đầu của họ bao gồm công lý, hay công bằng, hay một tiêu chuẩn pháp lý trừu tượng – thì phân tích kinh tế có tương đối ít để đóng góp. Nhưng nếu mục tiêu là tính hiệu quả kinh tế, thì còn nhiều điều cần học từ phân tích của Coase và những tri thức nảy sinh từ đó. Các thẩm phán thường thẳng thắn bộc lộ sự quan tâm tới các hệ quả kinh tế của hành động của họ, và các nhà kinh tế học tin rằng những cân nhắc đó đã đóng vai trò chủ chốt trong sự phát triển của luật công. Còn bây giờ, tôi sẽ tưởng tượng một thẩm phán, người chia sẻ những lo ngại này, và hỏi xem chúng ta có thể đưa ra lời khuyên nào cho ông ấy.

Đầu tiên, chúng ta có thể đưa ra cam đoan: Nếu ông đang xử một vụ trong đó các bên có thể thương lượng và thi hành hợp đồng, thì quyết định của ông không có ý nghĩa gì hết và ông sẽ không thể sai. Những thương lượng về sau sẽ dẫn tới sự phân phối không hiệu quả của tiềm lực kinh tế và hoàn toàn không phụ thuộc vào quyết định của ông.

Thứ hai, xin cẩn trọng: Đừng cố xử một vụ kiện bằng cách quyết định ai có lỗi. Ngay cả khi ông nghĩ rằng ông có thể luận giải cho ý niệm ấy, không có lý do gì cho thấy nó sẽ dẫn tới một quyết định hữu ích. Chi phí của tổn thất phải do bên có thể ngăn chặn tổn thất với chi phí thấp hơn gánh chịu, không nhất thiết là bên sẽ bị gán cái mác là “thủ phạm” bằng những cách nghĩ sai lệch thông thường.

Thứ ba, xin chia buồn: Có lẽ sẽ rất khó cho ông để biết ai là người có thể ngăn chặn tổn thất với chi phí thấp hơn. Giả sử ông tuyên bố trước tòa rằng ngành đường sắt sẽ phải chịu trách nhiệm về tổn thất do tia lửa gây ra trừ phi người nông dân có thể ngăn chặn tổn thất với chi phí thấp, trong trường hợp đó ngành đường sắt không phải chịu trách nhiệm nào cả. Vậy ông có mong người nông dân thú nhận rằng họ có thể ngăn chặn tổn thất với chi phí thấp hay không? Tất nhiên họ sẽ không dại gì thú nhận, và trừ phi ông là chuyên gia trong cả lĩnh vực nông nghiệp lẫn ngành đường sắt, còn nếu không, ông khó mà biết nơi nào để truy cứu trách nhiệm.

Thứ tư, một gợi ý: Cố gắng tạo điều kiện để các bên thỏa thuận với nhau. Nếu họ có thể thoả thuận thì chúng ta sẽ quay trở lại với hoàn cảnh mà chúng ta không thể sai được.

Tôi xin được mở rộng gợi ý hơn một chút bằng một ví dụ. Ví dụ này không vờ tính tới tất cả những gì có thể thứ yếu trong thế giới thực; nó bị lột trần để minh họa một luận điểm.

Công nhân khai thác than bị rất nhiều chấn thương liên quan tới công việc. Số lượng và mức độ của những chấn thương này có thể được giảm bớt nếu chủ khai thác lắp đặt các thiết bị an toàn. Theo Định lý Coase, quyết định về việc liệu có nên lắp đặt những hệ thống như thế không phụ thuộc vào việc liệu chủ khai thác có phải chịu trách nhiệm trước những tai nạn của công nhân hay không.

Nếu có thể lắp một chiếc máy với giá 5.000 đô-la để ngăn chặn chi phí y tế trị giá 8.000 đô-la, người chủ bị yêu cầu trả những chi phí y tế đó sẽ lắp đặt máy. Nếu chủ không phải trả chi phí, thì ông ta vẫn sẽ lắp máy, vì nhân viên của ông ta gợi ý sẽ trả ông ta khoảng 7.000 đô-la để làm việc đó. (Trên thực tế, cách thức để có được khoản tiền này là chấp nhận mức lương thấp hơn.)

Vì thế, từ quan điểm tìm ra đủ số thiết bị an toàn để lắp đặt, thẩm phán không thể quyết định sai dù ông ta có phán quyết thế nào đi chăng nữa.

Tuy nhiên, có một cách khác để ngăn tai nạn: Công nhân khai thác than có thể chú ý hơn khi làm việc dưới lòng đất. Nếu họ phải chịu trách nhiệm về chi phí y tế của bản thân, họ sẽ có động lực để làm như vậy. Nếu chủ phải chịu trách nhiệm về chi phí y tế, động lực này đã bị giảm bớt đáng kể. Tuy nhiên, Định lý Coase một lần nữa lại thể hiện vai trò ở đây: Chủ khai thác có thể gợi ý tăng lương cho công nhân để đổi lấy hành vi cẩn trọng của họ. Mức độ cẩn trọng cuối cùng sẽ hoàn toàn bằng với mức độ cẩn trọng khi bản thân công nhân phải chịu trách nhiệm.

Nhưng còn một nút rối nữa: Giả sử chủ khai thác phải chịu trách nhiệm. Ông ta tăng lương cho mỗi công nhân thêm 10 đô-la một ngày để đổi lấy việc họ phải chú ý hơn khi ở trong hầm mỏ. Công nhân chấp nhận khoản tiền, chui xuống lòng đất tối tăm nơi người chủ không bao giờ phải đặt chân vào, và tiếp tục đùa cợt nhau cứ như thể họ chưa từng thỏa thuận. Khi đó, ông chủ không phải là người khôn ngoan hơn.

Trong trường hợp này, hợp đồng không được thực thi bởi sự lơ là của công nhân, điều đó chứng minh rằng Định lý của Coase là sai. Công nhân mỏ có hành vi khác, và bất cẩn hơn – khi ai đó trả tiền phí y tế cho họ.

Hãy đặt chúng ta vào địa vị của thẩm phán. Ông ta không biết liệu thiết bị an toàn có hữu ích tương xứng với chi phí bỏ ra hay không, bởi vì ông không có kinh nghiệm trong ngành mỏ và không có cách nào hay ho để ước lượng được là nó sẽ ngăn chặn bao nhiêu tai nạn. Ông ta không biết liệu việc công nhân mỏ cẩn trọng hơn có hữu ích tương xứng với chi phí hay không, vì cùng một lý do (và cũng vì ông ta không có cách nào để ước lượng số tiền tương xứng với chi phí của một công nhân luôn cẩn trọng trong công việc). Nhưng ông ta biết một điều: Nếu công nhân phải gánh chịu chi phí y tế thì mọi thứ đều là có thể. Họ sẽ tự nguyện lựa chọn cẩn trọng nếu cẩn trọng có hiệu quả, và họ sẽ trả tiền để chủ khai thác lắp đặt thiết bị an toàn nếu thiết bị đó hiệu quả.

Tuy nhiên, nếu chi phí bị đặt lên vai chủ khai thác, sẽ chỉ có một nửa mọi thứ là có thể. Vẫn sẽ đúng là sẽ có thiết bị an toàn nếu thiết bị an toàn có hiệu quả. Nhưng sẽ không thể có sự cẩn trọng, bởi sự cẩn trọng đòi hỏi phải có một hợp đồng có hiệu lực, và nó đòi hỏi người chủ quan sát phải hành vi của nhân viên, và đó là điều bất khả kháng.

Bài học trong ví dụ đơn giản này là để công nhân mỏ gánh chịu chi phí tai nạn, sao cho tất cả các phương cách hữu ích tương xứng với chi phí để ngăn chặn tai nạn có thể được áp dụng. Bài học lớn hơn là các thẩm phán nên giao trách nhiệm theo cách tối đa hóa các cơ hội cho các thương lượng sau khi xử án. Vì các thẩm phán không phải là người “biết tuốt”, họ nên đưa ra các phán quyết có thể dễ dàng đảo ngược bằng thỏa hiệp giữa các bên tham gia. Sau cùng, chính các bên tham gia mới là người biết nhiều nhất về chi phí và hậu quả của hành động của chính họ.

Tôi xin được kết thúc bằng một ví dụ cuối cùng để củng cố cùng một luận điểm. Bệnh nhân đôi khi mắc bệnh AIDS qua truyền máu. Khi điều này xảy ra, có nên cho họ quyền kiện bác sĩ hay không?

Có ít nhất hai cách để giảm nguy cơ mắc bệnh AIDS. Một là, tìm kiếm nguồn cung cấp máu tốt nhất. Hai là bệnh nhân – người ít nhất có thể vẫn chưa nhiễm bệnh sau khi truyền máu, nhưng vẫn phải đối mặt với những nguy cơ khác – thực hiện lối sống lành mạnh.

Nếu các bác sĩ phải chịu trách nhiệm, họ sẽ cẩn trọng với việc chọn nguồn cung cấp máu. Không may, một bệnh nhân vừa được truyền máu biết rằng nếu anh ta mắc bệnh AIDS tại một bữa tiệc sa đọa sau khi truyền máu, anh ta có thể đổ lỗi cho bác sĩ và nhận khoản tiền lớn. Vì thế mà có thể anh ta lại ăn chơi xa đoạ hơn là trong trường hợp ngược lại. Xu hướng này có thể được bồi lại: Theo nguyên tắc, bác sĩ có thể đưa cho bệnh nhân một động cơ tài chính để bệnh nhân sống điều độ hơn. (Giảm giá 50 đô-la khi truyền máu cho những bệnh nhân đồng ý ở nhà vào đêm thứ bảy!) Nhưng nếu bác sĩ không thể quan sát lối sống của bệnh nhân, giải pháp này là phi thực tiễn. Kết quả là tiệc tùng vẫn quá nhiều.

Mặt khác, nếu bệnh nhân phải chịu trách nhiệm, họ sẽ cẩn thận hơn khi vui chơi, nhưng các bác sĩ lại không có động cơ nào để tìm kiếm nguồn cung cấp máu tốt nhất. Ở đây, một lần nữa, có ít nhất một giải pháp về nguyên tắc: Bệnh nhân có thể đề nghị trả thêm tiền cho máu an toàn đến 99%, hơn là 98%, để không bị mắc bệnh AIDS. Không may là điều này không thể giảm nhẹ nguy cơ mắc AIDS nếu bác sĩ bỏ túi số tiền đó, dùng loại máu có độ an toàn chỉ 98%, và bày tỏ sự thương cảm sâu sắc nhất khi bệnh nhân không may mắc bệnh.

Điều này có nghĩa là mỗi trách nhiệm pháp lý đều có sai lầm theo cách riêng của nó. Tòa án, khi thiếu đi diễm phúc có được chuỗi triết lý bất tận về cái lợi và hại, phải lựa chọn bên này hoặc bên kia. Cả tôi và Giáo sư Coase, hay bất cứ nhà kinh tế học nào khác đều biết đâu là quyết định đúng đắn, và không điều gì trong kinh tế học có thể quyết định trường hợp này. Nhưng những gì Coase mang tới cuộc thảo luận là một cách hoàn toàn mới để cân bằng các vấn đề. Tòa án không thể biết liệu có đáng để nâng cấp chất lượng máu từ 98% không −AIDS lên 99% hay không; họ không thể biết chi phí liên quan và họ không thể biết bệnh nhân đánh giá 1% phụ thêm của sự yên tâm đó là bao nhiêu. Họ không thể biết liệu có đáng để bệnh nhân phải chịu trách nhiệm để họ ngừng việc quan hệ tình dục bừa bãi hay không.

Gợi ý ở đây là tòa án không nên cố ước lượng những chi phí và lợi ích như thế. Thay vào đó, chúng được hé lộ tốt nhất qua những thương lượng giữa bệnh nhân và bác sĩ. Câu hỏi đúng đắn để tòa xem xét sẽ là: Quyết định truy cứu trách nhiệm nào sẽ ít can thiệp vào những thương lượng này nhất? Không phải lúc nào chúng ta cũng biết câu trả lời, nhưng tìm ra câu hỏi đúng ít ra cũng là có tiến bộ.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.