Kinh Tế Học Dành Cho Đại Chúng

Một cách nhìn nhận khác về kinh tế học



Bàn đến kinh tế học là nói đến nỗ lực đi tìm lời giải thích hành vi của các chủ thể trong nền kinh tế. Đó có thể là người tiêu dùng, nhà đầu tư, doanh nghiệp, chính phủ, hay đối tác nước ngoài… Đặc thù của kinh tế học là lời giải thích đó nhằm vào cách tìm kiếm tối đa hóa mục tiêu của chủ thể (tối đa hóa sự tiện ích, phúc lợi, hay giảm chi phí, tăng lợi nhuận,…) trong điều kiện các nguồn lực có hạn. Với nghĩa đó, nhiều người xem kinh tế học chỉ như một môn khoa học xã hội “chật hẹp”.

Kể từ khi kinh tế học thực sự được coi là khoa học, tức là có giả định, giả thuyết, lý thuyết và kiểm định thực nghiệm (có thể là bằng các công cụ toán kinh tế), thì vấn đề lại có vẻ diễn biến theo chiều hướng xấu hơn. Không ít người cho rằng kinh tế học đã trở nên “tầm thường”, vì nó quá “xa lông”, xa rời với thực tiễn. Tôi còn nhớ khi học chương trình thạc sĩ kinh tế tại Trường Đại học Quốc gia Australia, ông thầy dạy kinh tế học vi mô năm nào cũng ra một câu hỏi thi cho sinh viên là: Tại sao giả định hành vi (luôn là) thuần lý của chủ thể lại cực kỳ quan trọng và có thể chấp nhận được? Tôi đã cố gắng trả lời, song đến bây giờ tôi cũng không biết là mình đã trả lời đúng đến đâu. Có lẽ bản thân ông thầy dạy chúng tôi chắc cũng không có được câu trả lời hoàn hảo(?).

Cuốn sách Kinh tế học dành cho đại chúng đưa chúng ta tới một cách nhìn nhận khác về kinh tế học. Có thể nhiều người cho đây là một cuốn sách phổ cập giới thiệu về các nguyên lý kinh tế học. Tôi nghĩ không hẳn như vậy. Đúng hơn, đây là cuốn sách đem lại cho bạn mối liên hệ gần gũi, bình dị, song cũng rất lý trí, giữa các nguyên lý kinh tế cơ bản và dòng chảy sôi động của cuộc sống đang diễn ra. Các khái niệm, thuật ngữ tưởng chừng rất khô khan như chi phí – lợi ích, hiệu quả, chi phí cơ hội, cạnh tranh, rủi ro, ngẫu nhiên,… được hòa quyện trong biết bao chuyện thường nhật, từ việc mua soda cam và xăng, tình bạn, tình ái, đến chứng khoán, xét xử, tranh cử tổng thống, ngụy biện chính sách và cả triết lý về dân chủ…

Đọc cuốn sách của giáo sư Landsburg cũng giống như thưởng thức một bữa trưa từ tốn, nhẹ nhàng, thú vị vậy. Rất nhiều món ăn “các câu hỏi” được bày ra. Tại sao trong nền kinh tế thị trường, cá nhân “chỉ kiếm lợi cho riêng mình” lại có thể bị dẫn dắt bởi “một bàn tay vô hình” dẫn đến kết cục đẹp là sự thịnh vượng chung của xã hội? Tại sao “các loại thuế đều xấu”? Tại sao đối với các nhà kinh tế, “chính sách là một sai lầm, nhưng lại là một sai lầm ‘thơm ngon’”?… Hứng thú đến bất ngờ vì chúng ta được nếm trải rất nhiều lý giải hợp lý cho những điều tưởng chừng vô lý và cả những điều vô lý trong những hành vi dường như rất có lý. Và để rồi chúng ta sẽ phần nào hiểu được vì sao thị trường cũng “tinh vi”, “diệu kỳ” không kém thiên nhiên và còn hơn nữa, sự tinh vi đó “thường xuyên giành được những chiến công mà ngay cả thiên nhiên cũng không dám thử”.

Kinh tế học tranh luận về cái hợp lý và bất hợp lý, và chính vì vậy, chân lý luôn là điều để ngỏ. Nếu đã biết thưởng thức bữa trưa, tại sao chúng ta không suy tư, nhâm nhi thêm tách trà hay cà phê. Biết đâu, chúng ta lại có lời lý giải hay hơn, hợp lý hơn cho rất nhiều câu hỏi mà cuốn sách (và cả cuộc sống) đặt ra. Và khi đó, chúng ta hiểu hơn hành vi ứng xử của con người, như tác giả đã viết: “Hiểu biết không xa tôn trọng là bao”.

Hy vọng cuốn sách sẽ giúp ích cho tất cả những ai muốn nắm bắt các nguyên lý kinh tế học cơ bản, muốn vận dụng chúng vì một cuộc sống tốt hơn, đẹp hơn cho mình, người thân và xã hội.

Xin trân trọng giới thiệu với độc giả cuốn sách rất thú vị này!

Hà Nội, ngày 27 tháng 8 năm 2010

TS. VÕ TRÍ THÀNH

Viện phó viện Quản lý Kinh tế Trung ương


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.