Kinh Tế Học Dành Cho Đại Chúng
Chương 7. Tại sao thuế lại xấu?
Logic của tính hiệu quả
Vào một ngày lộng gió ở New Orleans, tờ đô-la tôi đang cầm bỗng bị tuột khỏi tay. Trong khi nó đang bay tới miệng cống để rồi biến mất mãi mãi, tôi bắt đầu với tay ra để chộp lấy nó. David Friedman – người bạn đồng hành, đồng nghiệp và tạm thời còn là thiên thần trông coi linh hồn tôi − đã giữ tay tôi lại. Tôi vừa mới lập luận rằng hiệu quả kinh tế chính là kim chỉ nam cho hành động của mỗi cá nhân. Đánh giá theo tiêu chuẩn này thì sự can thiệp của David đã giúp tôi khỏi phạm phải một hành động trái đạo lý một cách vô thức.
Giả sử rằng sự hợp đạo lý của một hành động có thể được đánh giá qua sự đóng góp của nó vào hiệu quả kinh tế nghe có vẻ cũng bất hợp lý chẳng kém gì giả sử rằng giá trị thẩm mỹ của một pho tượng có thể được đánh giá thông qua tính hữu dụng của nó khi được dùng làm vật chặn cửa vậy. Nếu đó là cũng phản ứng của bạn, thì có lẽ một phần vì tôi vẫn chưa nói cho bạn biết các nhà kinh tế học muốn nói gì khi họ bàn về tính hiệu quả. Chẳng hạn, nếu bạn không thấy rằng việc cứu lại tờ đô‑la đó là không hiệu quả, vậy thì bạn và tôi đang sử dụng từ “hiệu quả” theo những cách khác nhau.
Tôi sẽ nói thêm về tờ đô-la đó ở đoạn sau trong chương này, nhưng trước hết tôi muốn giải thích hiệu quả là gì và tại sao các nhà kinh tế học lại quá chú tâm đến nó như vậy. Tôi sẽ bắt đầu bằng việc giải thích tại sao các loại thuế đều xấu.
Khía cạnh hiển nhiên nhất cho thấy thuế là xấu nằm ở chỗ chẳng vui vẻ gì khi phải nộp thuế. Nhưng lý do này cũng chưa được thuyết phục cho lắm; ai đó cũng có thể lập luận rằng thuế là tốt vì thật là thích thú khi được thu thuế của kẻ khác. Mỗi đồng đô-la thuế nộp đi là một đô‑la thuế được thu về, cho đến nay thì các tính toán cho thấy mặt tốt đã hoàn toàn triệt tiêu được mặt xấu.
Hãy cho phép tôi trình bày cụ thể hơn. Giả sử nhân viên thu thuế thu của bạn 1 đô-la và trao nó cho bà nội tôi coi như là một phần trong số tiền bảo hiểm xã hội của bà. Vì tôi quan tâm đến bà nội tôi hơn là quan tâm tới bạn nên tôi sẽ có xu hướng ủng hộ cách thu xếp này. Bạn và những ông bạn của bạn, những người chưa từng biết mặt bà nội tôi, chắc chắn sẽ có quan điểm khác hẳn. Nhưng trong khoa học kinh tế, không gì có thể chỉ ra xem liệu giữa bạn và bà nội tôi ai xứng đáng hơn ai. Một người quan sát khách quan chắc hẳn sẽ im lặng khi phải bày tỏ ý kiến xem quá trình chuyển đổi đó là đáng ước ao hay không.
Do đó, rất đáng chú ý khi các nhà kinh tế học đều đồng tình rằng thuế rõ ràng là xấu ở một điểm. Nói ngắn gọn, thuế là xấu vì người ta có thể trốn thuế. Và những vụ trốn thuế này gây ra những tổn thất kinh tế mà chẳng mối lợi nào thu về có thể bù đắp được.
Hầu như mọi thứ bạn mua đều là một món hời, theo nghĩa bạn mua được nó với mức giá thấp hơn mức cao nhất mà bạn sẵn sàng trả. Giống như chiều nay tôi vừa mới mua được một chiếc áo sơ-mi với giá 20 đô-la mà tôi vẫn sẽ vui lòng bỏ ra 24 đô-la để mua. Tôi thực sự cảm th y là khi bước chân ra khỏi cửa hàng tôi đã lời thêm được 4 đô-la so với khi bước chân vào. Một điều tuyệt hơn nữa là, khoản lời 4 đô-la này của tôi chẳng làm ai thiệt hại gì, vậy là không chỉ riêng tôi mà cả thế giới này đã lời thêm 4 đô-la. Khoản 4 đô-la được lợi này chính là thứ các nhà kinh tế học gọi là khoản “thặng dư tiêu dùng”.
Nếu thuế bán hàng đẩy giá của chiếc áo sơ-mi đó lên 23 đô-la, thì 3 đô-la tôi mất đi cũng chính là 3 đô-la cơ quan thuế thu về. Nhưng nếu thuế bán hàng tiếp tục tăng và đẩy giá áo lên tới 25 đô-la thì một điều hoàn toàn khác biệt sẽ xảy ra. Để trốn thuế, tôi có thể chọn cách không mua chiếc áo nữa. Giờ thì 4 đô-la thặng dư của người tiêu dùng dành cho tôi chỉ đơn giản là không còn nữa. Tôi bị mất đi 4 đô-la, đồng thời cũng chẳng có thêm ai được hưởng lợi trong chuyện này cả.
Tất nhiên, sẽ vẫn có người nào đó mua chiếc áo với giá 25 đô-la, và thiệt hại của những người đó sẽ được bù lại bởi khoản thu về của cơ quan thuế (hay bất cứ ai được hưởng lợi từ khoản thuế đó). Nhưng mất mát của tôi, cũng như những khoản mất mát tương tự của những người như tôi, là thứ mà các nhà kinh tế học gọi là khoản tổn thất vô ích. Nó không được bù lại bởi cơ quan thuế hay bất kỳ ai cả.
Thuế hầu như luôn đem đến nhiều tác hại hơn là lợi ích. Để thu về một đô-la, bạn cần phải lấy đi một đô-la của ai đó; và điều đó hầu như không thể tránh khỏi, trong quá trình đó bạn đã ngăn cản quyết định mua một chiếc áo sơ-mi, hay xây một ngôi nhà, hoặc làm việc thêm giờ của một người nào đó. Khi một chính sách đem đến nhiều tác hại hơn lợi ích – có nghĩa là khi nó tạo ra những khoản tổn thất vô ích – thì chúng ta gọi đó là sự thiếu hiệu quả, và có xu hướng cho rằng nó sai trái.
Loại thuế duy nhất tránh được hoàn toàn việc tạo ra các khoản tổn thất vô ích là thuế đầu người, theo đó mỗi người phải trả một khoản thuế cố định được xác định trước mà không phụ thuộc vào thu nhập, tài sản, các hoạt động mua bán, hay bất cứ thứ gì khác mà anh ta ít nhiều nắm quyền kiểm soát. Về mặt lý thuyết, các nhà kinh tế học yêu thích thuế đầu người, mặc dù trên thực tế chúng ta phải thừa nhận rằng đây là một giải pháp quá khắc nghiệt để giải quyết vấn đề về tính không hiệu quả.
Điều này có nghĩa là nếu chúng ra đặt ra bất kỳ hình thức chính quyền nào đi nữa, và nếu chúng ta không sẵn sàng chấp nhận cung cấp tài chính cho chính quyền đó hoàn toàn bằng thuế đầu người một cách cực đoan, thì tất yếu chúng ta phải chấp nhận một lượng tổn thất vô ích nhất định. Tuy vậy, khoản tổn thất vô ích phát sinh từ các chính sách thuế khác nhau có thể dao động cực kỳ lớn về quy mô tổn thất. Khi một chính sách làm phát sinh khoản tổn thất vô ích quá lớn, các nhà kinh tế học thường phải tìm kiếm một giải pháp thay thế.
Cách thức phân tích này – đánh giá những gì mà mỗi cá nhân được và mất, là đặc trưng của các nhà kinh tế học. Chẳng hạn, khi được yêu cầu ước lượng mức thuế đánh vào xe hơi nước ngoài, các nhà phân tích chính sách không chuyên về kinh tế thường có xu hướng bàn luận đến những tác động tới công ăn việc làm trong ngành công nghiệp xe hơi nội địa, tới lợi nhuận của General Motors, thậm chí tới thâm hụt thương mại và ngân sách của chính phủ. Một vấn đề đặt ra với cách phân tích này là nó chẳng hề cung cấp được tiêu chí nào để lượng giá mặt lợi so với mặt hại. (Liệu mức tăng 4% về công ăn việc làm cho công nhân sản xuất xe hơi có đáng để làm tăng giá xe hơi lên 3% không? Và còn khoản tiền 1 tỷ đô‑la thâm hụt thương mại thì sao?). Nó thậm chí còn không cung cấp được một tiêu chí nào để xác định một hệ quả nhất định là tích cực hay tiêu cực (Việc tăng sản lượng xe hơi sản xuất trong nước – kèm theo sự tiêu hao các nguồn lực quý giá – là điều tích cực hay tiêu cực đây?). Các nhà kinh tế học tư duy theo cách hoàn toàn khác. Chúng tôi chỉ xem xét tới ảnh hưởng tới các cá thể (tất nhiên, bởi vì các cá nhân bị ảnh hưởng bởi lợi nhuận của ngành công nghiệp xe hơi và mức thâm hụt của chính phủ, chúng ta có thể vẫn phải cân nhắc tới những yếu tố đại loại như vậy, nhưng chỉ như một bước trung gian). Với mỗi cá thể trong nền kinh tế, chúng tôi đặt câu hỏi: Người này sẽ có lợi hay bị thiệt hại từ mức thuế suất này, và bao nhiêu? Những khoản lợi nhuận và thiệt hại bao gồm các thay đổi về giá trị thặng dư của người tiêu dùng, thay đổi về mức lợi nhuận của các nhà sản xuất, những khoản thu nhập mà chính phủ có được từ thuế, và bất cứ điều gì khác mang các giá trị cá thể. Chúng tôi gộp tất cả các khoản lợi nhuận của những người thắng cuộc cũng như tổng thiệt hại của những kẻ thua cuộc. Nếu những người thắng cuộc kiếm được nhiều hơn so với những gì những người thua cuộc mất đi, chúng tôi sẽ coi chính sách đó là đáng hoan nghênh. Nếu những người thua cuộc mất nhiều hơn so với những gì bên thắng cuộc thu về, chúng tôi gọi mức chênh lệch đó là tổn thất vô ích, tuyên bố rằng chính sách này không hiệu quả, và lấy lượng tổn thất vô ích ra làm thước đo cho mức độ kém hấp dẫn của nó.
Điều quan trọng ở đây là không phạm phải sai lầm truyền thống của những người không phải là nhà kinh tế học khi nhấn mạnh quá mức vào những gì thuần túy vật chất. Khi chúng tôi nói sẽ xem xét tới mọi thứ mà con người coi là có giá trị, chúng tôi đã thực sự làm như vậy.
Giả sử tập đoàn Exxon có được quyền khoan thăm dò tại một khu vực hẻo lánh, nơi nhìn chung mọi người đều nhất trí rằng việc khai thác sẽ chỉ gây ra những ảnh hưởng không đáng kể tới môi trường theo nghĩa truyền thống. Tuy thế, một nhóm hoạt động cho Quyền bảo tồn tài nguyên, cho rằng sự thanh thản của cá nhân họ bị đe dọa bởi nhận thức về việc dầu mỏ đang bị hút lên khỏi nơi nó đang nằm bình lặng trong lòng đất, và đệ đơn kiện nhằm ngăn chặn hành động của Exxon. Ai sẽ giành thắng lợi xét theo logic hiệu quả kinh tế một cách lạnh lùng?
Xét trên lập luận về hiệu quả kinh tế thuần túy, chúng ta vẫn chưa có đầy đủ dữ liệu để bàn luận. Nếu Exxon tiến hành khảo sát, người chiến thắng sẽ là các cổ đông của Exxon, những người này sẽ nhận thấy giá trị cổ tức của mình tăng lên; hoặc có thể là người lao động địa phương, những người nhận thấy mức lương cũng như các triển vọng về việc làm đột nhiên tăng lên; và có thể là các lái xe, những người có thể nhận thấy giá xăng giảm xuống. Thất bại thuộc về các nhà hoạt động cho Quyền bảo tồn tài nguyên, họ sẽ khó có thể ngủ ngon giấc. Các tiêu chí về hiệu quả yêu cầu chúng ta phải đo đạc tất cả những cái được và mất theo quan điểm tự nguyện chi trả và phải đối chiếu tổng số cái thu về và cái mất đi.
Có thể ước đoán rằng một cổ đông trông chờ kiếm được 50 đô-la nhờ dự án có thể đồng ý bỏ ra tới 50 đô-la nếu cần để đạt tới một phán quyết có lợi cho Exxon. Nó được tính tương đương với 50 phiếu đồng thuận cho việc khoan thăm dò. Phía cương quyết chống đối có thể đồng ý trả tới 3.000 đô-la để ngăn chặn phán quyết đó. Nó được tính tương đương với 3.000 phiếu chống.
Một người thất nghiệp sinh sống tại địa phương mong có thể kiếm được 30 nghìn đô-la nhờ làm việc cho Exxon nếu thỏa thuận được thông qua, anh ta cũng sẽ bỏ phiếu tán thành − tuy nhiên sẽ thấp hơn cái giá 30 nghìn đô-la. Anh ta sẵn sàng chi trả phần nào để có được công việc đó, nhưng chắc chắn anh ta sẽ không thể đồng ý chi trả bằng toàn bộ số lương anh ta mong nhận được. Mặc dù vậy, có lẽ anh ta sẽ đồng ý bỏ ra tới 10 nghìn đô-la để có được công việc (nói cách khác, anh ta có thể sẵn sàng chấp nhận công việc với mức lương không dưới 20 nghìn đô-la). Như vậy có thêm 10 nghìn phiếu thuận nữa cho việc khoan thăm dò.
Về nguyên tắc, bất kỳ ai quan tâm đến kết quả đầu ra đều được phép đưa ra một con số bầu chọn tỷ lệ thuận với khả năng chi trả của mình để nhận được kết quả như mong đợi. Một quyết định mang lại hiệu quả sẽ thu được nhiều phiếu bầu chọn nhất.
Tôi xin dùng cuộc chiến giữa Exxon và những người phản đối để chỉ ra điểm mấu chốt tại sao các nhà kinh tế học phải lấy làm tiếc mà thừa nhận rằng họ không đủ khả năng. Một quyết định không đem lại lợi ích luôn luôn triệt tiêu cơ hội khiến tất cả mọi người vui vẻ hơn. Giả sử tổng số tiền có thể chi ra cho việc khoan thăm dò là 10 triệu đô-la, và tổng số tiền chi ra để chống lại hoạt động thăm dò là 5 triệu đô-la, nhưng phán quyết của quan tòa (một phán quyết không hiệu quả) không cho phép tiến hành khoan thăm dò. Vậy thì một phán quyết khác có thể khiến cho cả hai phía hài lòng hơn là: Cho phép tiến hành khoan thăm dò, nhưng buộc các bên thăm dò phải trả tổng cộng 7,5 triệu đô-la cho bên phản đối hoạt động thăm dò để xoa dịu nỗi thất vọng của họ.
Theo như phán quyết thay thế, các nhà thăm dò sẽ thu về 10 triệu đô-la lợi nhuận để bù lại cho khoản mặc cả trị giá 7,5 triệu đô-la, trong khi những người phản đối hoạt động thăm dò được trả 7,5 triệu đô-la để bù đắp cho khoản tiền 5 triệu đô-la đã bỏ ra. Trên thực tế, về nguyên tắc, số tiền thu về và số phải trả có thể được dàn xếp sao cho mỗi nhà thăm dò sẽ phải trả đúng 75% khoản thu nhập từ hoạt động liên quan đến thăm dò khai thác, và mỗi người phản đối hoạt động thăm dò sẽ nhận được chính xác 150% của những gì đã bỏ ra cho hoạt động liên quan đến thăm dò khai thác. Nếu tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý, với các lựa chọn duy nhất giữa phán quyết trên và phán quyết thực tế của quan tòa đưa ra, việc bỏ phiếu lật lại quan tòa là điều tất yếu.
Trong một cuộc bầu chọn giữa hai phương án, bất cứ phương án nào mà cuối cùng lại nhận được 0 phiếu bầu về mình thì thường bị coi là mắc sai sót nghiêm trọng. Và bất cứ một phương án nào không có tính hiệu quả về mặt kinh tế cũng sẽ không nhận được phiếu nào để cạnh tranh với một lựa chọn khác hợp lý hơn.
Một cuộc tranh cãi không hiệu quả luôn luôn không tốt song không có nghĩa là một lý luận hiệu quả luôn luôn tốt. Nhưng vì hiệu quả là sự thay thế duy nhất cho sự thiếu hiệu quả, do đó các nhà kinh tế học có xu hướng ưu ái nó hơn.
Có hai điều trái ngược rõ rệt trong cách lý luận này, trong đó một điều hoàn toàn chẳng liên quan gì đến vấn đề và điều còn lại là sự thật. Thứ nhất, một vị quan tòa với trình độ có hạn không thể đoán định được một người lao động có thể tự nguyện chi trả bao nhiêu vì công việc của anh ta, càng không thể đoán được những người hoạt động vì Quyền bảo tồn tài nguyên có thể chấp nhận bao nhiêu để bảo tồn một giếng dầu ở nguyên trạng thái tự nhiên của nó. Điều đó có phần đúng nhưng lại hoàn toàn chẳng liên quan gì. Các vị quan tòa, đồng thời là người trần mắt thịt, đôi khi cũng bị lên án do đã chệch hướng mục tiêu của họ. Điều đó không giúp họ giảm nhẹ trách nhiệm phải lựa chọn giữa các mục đích một cách thích đáng. Câu hỏi không phải là “Liệu các chính sách có nên luôn có hiệu quả không?”, mà là “Nói chung, chúng ta có nên cố gắng nghĩ ra các chính sách có hiệu quả, nỗ lực hết sức có thể với những hiểu biết có hạn mà chúng ta nắm trong tay?”
Đối với một ứng cử viên thì việc bị thua trong một cuộc bầu cử nào đó không nhất thiết phải bị coi là sai lầm nghiêm trọng, ngay cả khi 100% phiếu bầu thuộc về một lựa chọn khác – người thậm chí còn không nằm trong cuộc đua chính. Trong ví dụ của tôi, vị quan tòa có thể cho phép việc khoan thăm dò hoặc ngăn cấm nó. Việc cho phép thăm dò và đồng thời ra phán quyết yêu cầu một mớ bòng bong chi phí phụ có thể không phải là một lựa chọn. Nên chăng cần loại bỏ vị trí bên phản đối thăm dò chỉ bởi nó lép vế hơn một kế hoạch thậm chí vẫn chưa được xem xét? Và nếu việc này loại bỏ được lập luận chống lại sự thiếu hiệu quả, thì ta còn lại gì cho lập luận về sự hiệu quả?
Những câu hỏi như vậy làm rối trí rất nhiều nhà kinh tế học và hình thành một lý do khiến hầu hết chúng ta còn miễn cưỡng trong việc chấp nhận khái niệm hiệu quả thuần túy làm viễn cảnh cho lợi ích tối ưu. Thế nên tôi nghĩ sẽ là hoàn toàn công bằng khi phát biểu rằng nói chung rất nhiều nhà kinh tế học nhất trí cho rằng tính hiệu quả nên nắm giữ vai trò đáng kể trong việc thiết lập chính sách xã hội. Lập luận về tính hiệu quả buộc các nhà kinh tế học nhìn các cuộc tranh luận thông thường bằng con mắt bất thường. Hãy cùng xem xét cuộc tranh cãi thường niên về lực lượng quốc phòng. Khi so sánh giữa chế độ quân dịch bắt buộc và quân tình nguyện, các nhà bình luận thường cho rằng ưu điểm của chế độ quân dịch là chi phí thấp hơn. Quan điểm như vậy là sai lầm. Tiền lương trả cho các binh sĩ tình nguyện là rút ra từ túi tiền của những người đóng thuế và chảy vào túi các quân nhân. Số tiền lương này không bị mất đi; chúng chỉ đơn giản được chuyển từ bộ phận này trong xã hội sang một bộ phận khác. Theo cách tính của các nhà kinh tế, những chuyển đổi kiểu này không phải là các chi phí thực tế.
Chi phí duy trì quân đội đúng bằng giá trị của các cơ hội mà các thanh niên đã bỏ qua khi họ trở thành quân nhân. Giá trị của các cơ hội này được tính bằng những gì mà binh sĩ sẵn sàng chi trả để có được chúng. Khi một thợ cơ khí hoặc một sinh viên hay một gã vô công rồi nghề trên bãi biển gia nhập quân đội, anh ta đã mất đi cơ hội sửa chữa xe hơi, hay theo đuổi việc học hành, hoặc bắt được một con sóng lớn. Những cơ hội này thực sự tan biến; thế giới trở nên có ít thợ sửa xe hơn, ít sinh viên hơn, hoặc ít vui vẻ hơn. Trong tính toán của nhà kinh tế học, đó là cái giá duy nhất phải trả. Thử tưởng tượng một thanh niên có thể đòi hỏi 30 nghìn đô-la cho việc anh ta tình nguyện đi lính. Nếu anh này bị gọi đi lính nghĩa vụ và không được trả một đồng nào tức là anh ta đã thiệt mất sự tự do đáng giá 30 nghìn đô-la. Nếu anh này đi lính nghĩa vụ và được trả 18 nghìn đô-la thì anh ta vẫn thiệt 12 nghìn đô-la và những người đóng thuế để trả lương cho anh ta bị thiệt 18 nghìn đô-la; tổng số tiền vẫn là 30 nghìn đô-la. Nếu chúng ta thuê chính người thanh niên đó gia nhập lực lượng gồm hoàn toàn quân tình nguyện thì những người đóng thuế cũng vẫn phải đóng góp 30 nghìn đô-la; tổng số vẫn không có gì thay đổi so với trước.
Cách tốt nhất để nhìn nhận sự vô lý của luận điệu cho rằng chế độ quân dịch ít tốn kém hơn đó là thử tưởng tượng chính cậu thanh niên đó bị đánh thuế 30 nghìn đô-la rồi sau đó trao lại cho anh ta với danh nghĩa lương bổng nhờ gia nhập quân đội. Chắc chắn đề xuất này cũng không khác gì chế độ quân dịch dù hiểu theo cách nào đi nữa. Nếu các tính toán chỉ cho bạn thấy khoản tiền lương trả cho binh lính luôn tốn kém hơn việc gọi họ đi quân dịch, thì ví dụ trên sẽ cho bạn thấy bạn cần có một hệ thống sổ sách kế toán mới.
Giờ hãy xoay qua một tranh cãi thường gặp khác: sự gia tăng chi tiêu cho nghị viện. Sự gia tăng này tạo ra hai tác động. Thứ nhất, nó phân phối lại đầu vào bằng cách khiến cho các nghị sĩ trở nên giàu có hơn thông qua những khoản chi của những người đóng thuế. Thứ hai, nó thu hút được tầng lớp ưu tú hơn trong số các ứng viên trong tương lai. Thông thường quan điểm phi kinh tế học cho rằng tác động thứ nhất là bất lợi còn tác động thứ hai có lợi. Nhưng nếu chúng ta nghiêm túc nhìn nhận về mặt hiệu quả, hiệu ứng thứ nhất không gây ra tác động, còn hiệu ứng thứ hai có thể xem như có hại.
Có thể sẽ xuất hiện một người thợ cơ khí khác thế chỗ người thợ cũ, nhưng khi đó xã hội lại mất đi bất cứ một người làm nghề nào khác mà người thợ cơ khí mới này đã có thể trở thành.
Thực vậy, tác động thứ hai rất khó đoán định được. Mức lương cao hơn chỉ bảo đảm rằng các cuộc tranh cử trong tương lai sẽ càng trở nên khốc liệt hơn.
Cái giá phải trả cho việc tham gia vào các chiến dịch dai dẳng có thể làm tan biến tất cả lợi ích của mức lương cao hơn. Thực tế, điều này có thể khiến cho việc thu hút các ứng viên có phẩm chất tốt trở nên vừa dễ dàng hơn lại vừa khó khăn hơn. Nhưng để tiện lập luận, tôi xin giả thiết rằng mức lương cao hơn thực sự có sức hấp dẫn mạnh đối với các ứng viên tốt.
Đối với tác động đầu tiên, theo logic hiệu quả, nó đòi hỏi chúng ta có quan điểm trung lập khi nhìn nhận các trao đổi thuần túy của dòng thu nhập đầu vào khi người hưởng lợi là một nghị sĩ quốc hội. Còn tác động thứ hai, hãy luôn nhớ rằng những nghị sĩ tân tiến phải đến từ hàng ngũ những nghề nghiệp khác, vì thế nếu chúng ta thu hút một tầng lớp công nhân viên chức có năng lực tốt hơn, thì cũng phải chấp nhận một đội ngũ các quan tòa, luật sư, bác sĩ hoặc các nhà kinh tế học kém cỏi hơn. Cái giá thật sự cho một nghị sĩ giỏi không phải mức lương của ông ta mà chính là cơ hội đã bị bỏ qua để sử dụng tài năng xuất chúng của ông ta vào các lĩnh vực khác. Liệu cái giá đó có phù hợp với lợi ích thu được? Tôi không có ý kiến gì về điều này.
Lý luận dựa trên tính hiệu quả dẫn tới sự căm ghét của các nhà kinh tế học đối với lạm phát. Lạm phát gây tốn kém cho những người có thu nhập danh định không thay đổi; song nó cũng mang lại lợi ích vừa đúng bằng lượng đó cho những người phải trả cho các khoản thu nhập danh định được ấn định ấy. Một cuộc lạm phát ngoài mong đợi có thể là ân huệ đối với người đi vay bởi anh ta có thể trả cho khoản vay của mình bằng những đồng đô-la lạm phát; điều này − cũng với mức độ đúng như vậy − đồng thời thật đối với người cho vay được trả lại tiền. Các tác động này thường được đề cập đến với danh nghĩa là hậu quả chủ yếu của lạm phát, chúng tự triệt tiêu lẫn nhau và hoàn toàn không gây ra một tác động thực tế nào về mặt hiệu quả.
Cái giá thực sự về tế thực tế của thuế, ở mặt kinh tế của lạm phát, cũng tương tự như chi phí kinh chỗ nó khiến cho mọi người phải có những hành động tốn kém để tránh xa nó, và các động thái này chẳng đem lại lợi ích cho ai cả. Vào thời điểm xảy ra lạm phát, mọi người thường ít giữ tiền mặt hơn, bởi tiền mặt mất giá ngay cả khi chúng vẫn nằm yên trong túi họ. Điều này chỉ càng khiến cho việc mua một chiếc áo thun lót ngay khi nảy ra ý định, muốn bắt một chiếc taxi trong một đêm mưa bão bất chợt, hay trải qua một ngày mà không cần phải lượn qua máy ATM trở nên khó khăn hơn. Các cửa hàng bán lẻ giữ lại ít tiền mặt trong ngăn kéo hơn và nhanh hết tiền trả lại hơn. Các hãng sản xuất lớn giữ lại ít tiền mặt trong tay hơn khi gặp phải các trường hợp khẩn cấp ngoài ý muốn và buộc phải đối phó với tình trạng khẩn cấp đó bằng các giao dịch tài chính đắt đỏ. Những thiệt hại này đều là những mất mát không trả nổi − chúng mất đi mà không có một khoản thu nào bù đắp lại. Có thể chúng có vẻ không đáng kể so với toàn bộ hệ thống lớn, nhưng ước tính tổng thiệt hại không được bù đắp do lạm phát gây ra cũng lên tới khoảng 15 tỷ đô-la mỗi năm đối với nước Mỹ, tức là 60 đô-la trên mỗi người dân Mỹ − một con số hầu như không đáng lưu tâm, nhưng cũng không hoàn toàn nhỏ chút nào.
Khi xảy ra lạm phát nghiêm trọng, những thiệt hại không được bù đắp có thể trở thành khổng lồ. Trong cuộc siêu lạm phát xảy ra tại Hungary năm 1948, công nhân được trả lương ba lần mỗi ngày và vợ/ chồng họ cả ngày chỉ làm một việc chạy qua chạy lại giữa nơi làm việc và ngân hàng, cố gắng gửi tiền được trả trước khi chúng trở nên vô giá trị. Trong thời kỳ lạm phát phi mã ở nước Đức sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, John Maynard Keynes ghi lại được rằng các thực khách thường gọi thêm bia từ sớm vào mỗi tối trước khi giá cả tăng lên. Phải thưởng thức bia không còn lạnh có thể là một tổn thất đằng sau lạm phát.
Các nhà viết kịch bản và các cư dân sống trong khu vực trường đào tạo điện ảnh ở Hollywood định kỳ lại khám phá thêm khả năng tiềm tàng trên sân khấu của một đồng đô-la bị đốt cháy. Một cảnh điển hình tiếp sau ngọn đuốc là một lời bình luận sôi nổi − thốt ra từ miệng một nhân vật đầy thiện cảm trên màn hình hay từ một biểu tượng văn hóa chín chắn trong trường học rằng một đồng đô-la chỉ là một tờ giấy không hơn không kém. Bạn không thể ăn nó, bạn cũng không thể uống nó được, và bạn càng không thể yêu thích nó. Và thế giới cũng chẳng hề tồi tệ hơn khi nó biến mất.
Những khán giả tinh tế thường cảm thấy khó chịu với lập luận kiểu này; họ cảm thấy phần nào đó là sai lầm kinh khủng nhưng lại không thể xác định chính xác đâu là điểm sai lầm chết người. Thực tế, chính sự khó chịu của họ mới là chỗ sai lầm nghiêm trọng. Người phát ngôn đó hoàn toàn có lý. Khi bạn bỏ ra cả buổi tối để đốt cháy tiền bạc, toàn bộ thế giới xét trên tổng thể vẫn hoàn toàn giàu có nguyên vẹn như nó vốn có.
Tôi xin đưa ra giả thiết rằng có một nguồn khả dĩ để cho cảm xúc sai lầm của khán giả cho rằng có gì đó không đúng. Vị khán giả đã nhận thức đúng đắn − về cuối buổi diễn đó, kẻ đem đốt tiền đã trở nên nghèo hơn so với lúc đầu. Nếu anh ta nghèo đi, đồng thời anh ta là một phần trong thế giới này, thế chẳng phải cả thế giới cũng nghèo đi hay sao?
Câu trả lời là không, bởi vì sẽ có người nào đó trở nên giàu có hơn. Tất cả những gì chúng ta cần làm là tìm xem ai là người đó.
Chìa khóa của điều bí ẩn nằm ở sự quan sát/ nhận xét thấy nguồn cung tiền xác định mức độ chung cho giá cả. Khi nguồn cung tiền tăng lên, giá cả cũng tăng theo, và khi nguồn cung đó giảm, giá cả sẽ hạ xuống. Khi một đồng đô-la bị đốt thành tro, nguồn cung tiền sẽ giảm đi chút ít, giá cả trong toàn bộ nền kinh tế cũng giảm theo. Nếu như chỉ duy nhất một đồng đô-la bị đốt cháy, việc giá cả giảm đi hầu như không thể nhận thấy được, nhưng chắc chắn nó có giảm. Những người hưởng lợi từ điều này là những người đang có tiền trong tay đúng vào thời điểm tờ đô-la bị đốt cháy. Bởi khi giá cả giảm, đồng tiền trong túi họ cũng được tăng giá trị.
Việc giảm giá nhẹ hầu như không nhận thấy tạo ra một chút gia tăng của cải không đáng kể cho mỗi người trong số hàng triệu con người đang giữ tiền trong túi vào thời điểm có sự đổi thay. Nhiều triệu của một lần tăng tài sản nhỏ không đáng kể có thể gộp thành một điều đáng kể. Trong trường hợp này, chúng gộp thành vừa đúng một đô-la. Xét cho cùng, chúng ta đều biết tổng giá trị của tất cả hàng hóa thực sự trên thế giới không hề thay đổi và chúng ta cũng biết người phát ngôn trên đã mất đi một đô-la, như vậy chúng ta được phép kết luận chính xác một đô-la đã được thu về ở nơi nào khác.
Đôi khi, một vài người kỳ quặc theo chủ nghĩa nhân đạo lại gom góp tài sản của mình rồi đem hiến cho Ngân sách Liên bang. Kết quả khiến cho dòng tiền hoặc mức thuế trong tương lai giảm xuống: Hàng triệu người đóng thuế ở Mỹ được hưởng lợi, mỗi người trong số đó được giảm nhẹ một chút gánh nặng thuế khóa. Nhưng chúng ta cũng không thể biết được có phải tất cả đều được hưởng lợi như nhau. Những người thuộc nhóm phải chịu mức thuế thu nhập cao nhất − hay nói chung, những người Mỹ giàu có nhất – sẽ được hưởng phần lớn món quà.
Một cách làm khác là nhà từ thiện có thể chuyển tài sản của mình thành tiền mặt và, thay vì tặng chúng vào Ngân quỹ thì lại đem đốt chúng đi. Về bản chất kết quả thu được cũng giống như trên. Một chút lợi nhuận tăng thêm cho hàng triệu công dân Mỹ (lần này dưới dạng giá cả giảm chứ không phải do giảm mức đánh thuế), và tổng cộng tất cả mức lợi nhuận đó cũng đúng bằng với số tiền mà nhà từ thiện đốt đi. Trong trường hợp tiền bị đốt đi, mức hưởng lợi tỷ lệ không phải với mức nộp thuế của bạn mà theo lượng tiền mặt bạn đang nắm giữ đúng vào thời điểm tiền bị đốt cháy. Điều này dường như vẫn có lợi hơn cho những người giàu có, nhưng hiển nhiên cũng ít đột biến hơn. Vì thế, nếu như bạn đang cân nhắc việc ghi nhận Ngân quỹ Liên Bang vào di chúc của mình, đồng thời nếu bạn là một người ưa thích sự công bằng thì thay vào đó, hãy thử cân nhắc đến chuyện đốt bỏ tiền bạc xem sao.
Giờ đây hãy qua lại với tờ đô-la đã bị cơn gió ở New Orleans cuốn đi. Tôi biết nếu cứ để đồng đô-la bay đi mất, rồi nó sẽ rơi xuống một nơi mà chẳng ai có thể tìm thấy – điều này cũng giống như nó đã bị đốt bỏ. Vậy lựa chọn của tôi nên là gì?
Trong kịch bản hợp lý nhất, Ngân quỹ Liên bang sẽ giảm lượng tiền cho vay, như vậy phần tiền nghĩa vụ và gánh nặng đóng thuế trong tương lai cũng giảm đi. Với bất cứ trường hợp nào, trừ khi phần quyên góp khiến chính phủ phải xem xét lại kế hoạch chi tiêu, nếu không món quà dành tặng Ngân sách chắc chắn sẽ khiến mức thuế giảm xuống bằng cách này hay cách khác.
Điều này có thể đáng ghi nhận, tuy nhiên khi bạn tặng tiền cho người giữ tiền, giành thắng lợi lớn nhất trong tất cả mọi người thường thường là lớp người hay qua lại đó đây với những chiếc cặp chứa vài triệu đô-la.
Lựa chọn thứ nhất là hôn tạm biệt đồng đô-la. Trên bảng cán cân chi phí – lợi nhuận sẽ ghi nhận: tôi mất đi một đô-la, phần còn lại của thế giới nhận được một đô-la nhờ giá cả giảm xuống, và toàn bộ thế giới, xét một cách tổng thể, không hề giàu hơn hay nghèo đi so với trước đó. Kết quả xét về lợi ích kinh tế:
Không có gì cả.
Lựa chọn thứ hai là chộp lấy đồng đô-la, một nỗ lực đáng giá khoảng ba xu. (Ở đây, ba xu là số tiền mà tôi sẵn lòng trả cho anh bạn David để cậu ta tóm lấy tờ đô-la hộ tôi thay vì tự tôi phải làm việc đó). Cán cân chi phí – lợi nhuận lúc này: Tôi mất đi ba xu, phần còn lại của thế giới không nhận được mà cũng chẳng thiệt hại gì, và cả thế giới nói chung (bao gồm cả tôi) sẽ nghèo đi ba xu.
Kết quả xét về hiệu quả kinh tế: Một sự suy giảm.
Chỉ bằng một phép tính thuần túy ích kỷ cá nhân, đánh mất một đô-la sẽ thiệt hơn so với việc giữ lấy nó. Nhưng nếu tôi cứ để tờ đô-la đó bay đi, thiệt hại của tôi sẽ được bù lại khi những người khác được lợi. Nếu tôi giữ nó lại, phần thiệt hại của tôi (thực tế nhỏ hơn) sẽ không có gì để bù lại. Nguyên lý về tính hiệu quả thôi thúc tôi để mặc đồng đô-la bay đi.
Hay lẽ nào lại thế? Tôi xin phép chỉ ra sự khác biệt giữa hai đề xuất hoàn toàn khác biệt này. Đối với một đề xuất, hiệu quả kinh tế là một cân nhắc quan trọng khi giải quyết các vấn đề thuộc chính sách công. Với đề xuất kia, hiệu quả kinh tế là điều cần cân nhắc chủ chốt mỗi khi giải quyết các vấn đề thuộc ứng xử của mỗi cá nhân. Các nhà kinh tế học thường chỉ bảo vệ cho đề xuất thứ nhất mà thôi. Giống như hầu hết mọi người, các nhà kinh tế học thường lớn tiếng mỗi khi họ chỉ trích chính phủ, nhưng lại hết sức e dè khi chỉ trích lẫn nhau.
Tiêu chí hiệu quả đối với mọi người đều như nhau. Chi phí thiệt hại luôn là thiệt hại, cho dù với bất kỳ ai phải hứng chịu điều đó. Trong khuôn khổ một chính sách công, đây là đặc trưng nổi bật. Nhưng trong các giao dịch riêng của chúng ta, sẽ thật kỳ quặc nếu cứ khăng khăng cho rằng chúng ta có thể xử sự theo kiểu những mối bận tâm của bản thân không hề nặng gánh hơn so với những người hoàn toàn xa lạ.
Có những thời điểm − ví như ngày hôm đó tại New Orleans − tôi cho rằng quy luật hiệu quả đã hoàn toàn thất bại trong việc chỉ dẫn cho tôi nên xử sự ra sao. Nhưng cũng có lúc nó giúp ích cho tôi khá tốt. Khi đám cỏ nhà tôi trở nên rậm rạp vượt quá mong muốn của những người hàng xóm, tôi đã tự hỏi bản thân xem có nên hành động phục tùng theo đúng nguyên tắc đạo đức không.
Khi đó, tôi đã nghĩ mình sẽ mất bao nhiêu nếu như đám cỏ được xén tỉa, và thực tế những người hàng xóm cảm thấy đau khổ đến mức nào. Nếu như tôi phải phí mất 30 đô-la công sức để giữ lại 20 đô-la tương ứng với sự đau khổ của hàng xóm, thì tôi sẽ tự pha cho mình một ly nước chanh và chẳng thèm lo lắng nữa. Còn nếu tôi cho rằng với công sức đáng giá 30 đô-la, tôi có thể giữ lại cho những người láng giềng 50 đô-la giá trị của sự đau khổ, thì tôi sẽ còn cảm thấy mình đúng là một gã khốn cho tới khi tôi xén gọn gàng đám cỏ.
Đó là một tính toán có ích, nó giúp tôi đi đến kết luận có vẻ đúng đắn. Tôi cũng không hoàn toàn chắc chắn về điểm này. Mỗi khi tôi phải cân nhắc có nên chạy xe hoặc dùng bình xịt khí aerosol, quả thật tôi có quan tâm đến tác hại tôi có thể gây ra cho những người khác khi làm giảm chất lượng không khí. Tôi hoàn toàn không để tâm đến tổn thương tâm lý mình có thể gây ra cho những người tự cảm thấy bị xúc phạm mỗi khi nghĩ đến việc tôi mở máy động cơ hay dùng bình xịt. Tôi nhận thấy thật khó để biện hộ một cách hợp lý cho cách phân biệt này. Nếu việc tôi lái xe khiến người khác không vui, nghĩa là tôi đã khiến thế giới thành một nơi ít hạnh phúc hơn theo cách nào đó không liên quan tới chuyện tại sao việc tôi lái xe khiến cho anh cảm thấy bất hạnh. Nguyên lý chặt chẽ về tính hiệu quả sẽ trả lời thế này, nếu tôi sửa soạn ở nhà thay vì hủy hoại phổi người khác tương ứng 10 đô-la tổn hại, thì tôi nên chuẩn bị tư tưởng ngồi nhà hơn là gây ra tổn thương đáng giá 10 đô-la cho thần kinh nhạy cảm của ai đó.
Tôi cũng đoán chừng cho dù lý luận đạo đức chưa hoàn chỉnh, dù sao những cân nhắc về mặt hiệu quả vẫn giữ một vai trò quan trọng. Nhưng chuyến đi gần đây của tôi tới Boston đã làm rạn nứt phần nào niềm tin đó.
Tôi bay từ Denver cùng vợ, giá vé khứ hồi của chúng tôi chỉ dưới 2.500 đô-la. Tôi đã đưa ra một số lựa chọn khác cho phía nhà xuất bản nơi sẽ thanh toán hóa đơn này, nhưng ông ta cứ khăng khăng dù thế nào chúng tôi cũng phải đến. Dù vậy, tôi tự nhủ nếu tôi phải thanh toán tiền vé theo cách của mình, có lẽ tôi đã hủy chuyến đi.
Điều này đã khiến tôi lâm vào một tình thế tiến thoái lưỡng nan: Giả sử bạn sẵn sàng tiêu tốn 300 đô-la để đi đến Boston rồi quay trở về. Hãng hàng không chỉ cần 200 đô-la để cung cấp dịch vụ vận chuyển. Thế nhưng, do có một thế lực độc quyền quy mô lớn, hãng hàng không đòi tới 1.000 đô-la cho tấm vé. Vậy bạn có nên bay hay không?
Nếu bạn chỉ quan tâm đến hiệu quả thuần túy, hiển nhiên bạn sẽ bay.
Nếu bạn bay, bạn sẽ thiệt mất 700 đô-la (phần chênh lệch giữa số tiền bạn trả so với giá trị thực của chuyến bay), trong khi chủ sở hữu hãng hàng không có thêm 800 đô-la (phần chênh lệch giữa khoản thu về và chi phí cho chuyến bay của bạn). Như vậy, có một khoản thu nhập chính xác 100 đô-la và tiêu chí về hiệu quả chỉ ra chuyến bay là một hoạt động có lợi.
Thế nhưng tôi chắc chắn mình sẽ không mua tấm vé đó và cũng không kém phần chắc chắn tôi chẳng thấy băn khoăn về điều đó chút nào. Tôi dám chắc mình vẫn sẽ rút ra một kết luận như vậy bất kể chủ hãng hàng không trông chờ thu được nhiều bao nhiêu, hay tôi chịu thiệt ít bao nhiêu chăng nữa. Vì lẽ đó, cho dù tôi vẫn tin tưởng rằng tính hiệu quả thường là kim chỉ nam đúng đắn cho các chính sách của chính phủ, và cũng thường định hướng đúng cho hành vi của mỗi cá nhân, nhưng giờ đây tôi cho rằng chúng ta cần có một tiêu chí khôn ngoan hơn trước khi nhận biết như thế nào là tốt. Tôi tin có lúc mình nên hành động sao cho hiệu quả, và có những lúc không cần làm như vậy. Có điều tôi vẫn chưa hình dung ra quy luật để nhận biết đâu là thời điểm thích hợp cho mỗi cách hàng xử.
Tôi đã nhặt lại tờ đô-la mà chẳng hề quan tâm chút nào đến tác động của việc đó lên mặt bằng giá chung. Mặc dù tôi không hiểu tại sao, song tôi chẳng cảm thấy tội lỗi chút nào.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.