Kinh Tế Học Dành Cho Đại Chúng

Chương 13. Các con số thống kê lừa bịp như thế nào?



Thất nghiệp cũng có thể tốt cho bạn

Vào ngày mà tôi chuyển đến Washington D.C., tôi đã hỏi lái xe taxi rằng nơi nào tôi có thể dừng để mua thực phẩm. “Magruder’s!”, anh ta trả lời dứt khoát. “Chỗ đó hết sảy. Dường như lần nào tới đó, tôi cũng mua được hàng khuyến mại”.

Đây là lần đầu tiên tôi tiếp xúc với sự ngây ngô đáng yêu của người tiêu dùng tại Washington. (Trong tuần đó, chúng tôi đã xin cô giữ trẻ lời khuyên về nơi nào mua giầy trẻ em tốt nhất và nhận được một tràng những lời khen ngợi về một cửa hàng nơi mà “họ còn đo chân lũ trẻ nữa!”. Cho tới ngày hôm nay, tôi không tin rằng mình từng bước vào một cửa hàng tạp hóa nào ở trong hay ngoài Washington mà không có một món đồ nào đó được khuyến mại.

Tôi bị cuốn hút vào các mặt hàng khuyến mại. Khi chuối rẻ, tôi mua chuối.

Khi táo rẻ, tôi chuyển sang mua táo.

Vì các mặt hàng khuyến mại liên tục thay đổi nên hầu như tôi không bao giờ sợ bước vào một cửa hàng tạp hóa mà phải mua cùng một mặt hàng tôi đã mua tuần trước với giá khuyến mại. Tuần này, tôi mua một pound táo với giá khuyến mại là 59 xu. Tuần sau, giá táo tăng lên 65 xu một pound, vì vậy, thay vì mua táo thì tôi lại mua một pound chuối đang khuyến mại với giá 39 xu. Tuần tiếp sau, giá chuối tăng lên 49 xu nhưng táo lại giảm giá, vì vậy tôi quay trở lại mua táo.

Nếu tôi muốn thuyết phục anh chàng tài xế taxi không mua hàng ở Magruder’s nữa thì tôi có thể tranh luận thế này: “Giá cả ở Magruder thật không khó mà kiểm soát được. Mỗi lần tôi tới đó, những thứ tôi mua từ một tuần trước đều tăng giá”. Nếu tôi thực sự muốn gây ấn tượng, tôi có thể chứng minh bằng cách đưa ra một vài con số phần trăm tăng lên. “Đầu tiên tôi mua táo, và sau đó giá táo tăng 10%. Sau đó tôi mua chuối, và rồi giá chuối tăng lại 25%. Thế tức là giá đã tăng tới 35% trong có 2 tuần!”

Đương nhiên, cách tính toán này đã bỏ qua một thực tế là sau đợt tăng giá 35% này, tôi vẫn mua táo giảm giá 59 xu một pound như tôi đã mua hai tuần trước.

Cách tính đó có điểm tương đồng với cách chính phủ báo cáo thống kê lạm phát. Chỉ số giá tiêu dùng thể hiện sự thay đổi trong giá cả không phải của giỏ hàng hóa mua ngày hôm nay mà là hàng hóa từng mua. Giỏ hàng hóa này thường phản ánh thái quá những hàng hóa từng được khuyến mại trong quá khứ và phản ánh không đúng những hàng hóa được khuyến mại ngày hôm nay. Kết quả là nó cường điệu hóa lượng giá tăng cao nhất và khiến cho thay đổi tổng thể trông có vẻ tồi tệ hơn thực tế.

Vài năm trước, giá vé máy bay còn thấp và giá máy tính xách tay thì cao.

Người ta bay nhiều nhưng dùng ít máy tính xách tay. Ngày nay, vé máy bay đắt hơn còn giá máy tính lại rẻ hơn rất nhiều. Một chỉ số như CPI chú trọng nhiều tới sự gia tăng của giá vé máy bay nhưng hầu như không đoái hoài gì đến sự trượt giá máy vi tính. Khi bạn trả tiền cho vé máy bay năm nay nhiều hơn so với năm ngoái thì chỉ số giá tiêu dùng phản ánh thay đổi đó. Khi bạn mua một chiếc máy vi tính mà bạn không đủ tiền mua vào năm ngoái, chỉ số giá lại bỏ qua thay đổi đó. Vì năm ngoái bạn không mua chiếc máy vi tính nào, cho nên chiếc máy tính của bạn không được tính vào đó.

Trong vòng gần ba thập kỷ trở lại đây, lạm phát luôn là vấn đề nghiêm trọng đối với các quốc gia. Việc chỉnh sửa các vấn đề về đo lường không làm được gì nhiều để thay đổi tình trạng đó. Nhưng không phải là không có ý nghĩa gì nếu lạm phát là 3% hay 4% hay 5%. Các khoản tiền an sinh xã hội chẳng hạn, chúng luôn tuân theo những thay đổi trong CPI. Nhìn chung, một người có thu nhập tăng hàng năm tương ứng với CPI sẽ thấy khả năng tiêu dùng của mình tăng lên hàng năm, bởi vì CPI luôn khiến lạm phát trở nên nghiêm trọng hơn so với bản chất của nó. Nghe có vẻ như đó là một lời phê bình đối với Văn phòng Thống kê Lao động, cơ quan tính toán CPI, nhưng sự thật không phải vậy. Trong một thế giới mà đủ loại giá cả dao động độc lập với nhau, không có cách nào để xây dựng một chỉ số duy nhất có ý nghĩa mà không phiến diện theo cách này hay cách khác. Thực ra, chính phủ Mỹ đã đưa ra một số phương pháp đo lường khác nhau đối với lạm phát, mỗi phương pháp lại có sự thiên vị riêng của nó, và các nhà kinh tế học đã rất cẩn trọng khi lựa chọn chỉ số đúng cho mục đích đúng.

Giới truyền thông liên tục sử dụng mỗi CPI, có lẽ bởi vì nó phục vụ mục đích khiến mọi thứ trở nên ảm đạm của họ. Nghề báo là một nghệ thuật u sầu.

Nói đúng ra thì các thống kê không bao giờ nói dối, nhưng sự thật mà chúng kể thường bị hiểu xuyên tạc đi. Đó là trường hợp cụ thể của thống kê kinh tế. Tôi xin được trình bày một số ví dụ nữa.

Trước và sau khi ngụ ở Washington, tôi đã từng sống ở Rochester (New York), nơi mà trong nhiều năm, Star Market và Wegman’s là hai mạng lưới bán hàng kỳ phùng địch thủ. (Star Market giờ đã lụi tàn. Wegman’s tiếp tục là niềm tự hào của Rochester và được coi là có đủ lý do để chuyển lên New York, bất chấp quyết định không giải thích được của họ gần đây khi ngừng bán phó mát làm bằng sữa kèm lá hẹ). Star Market từng đăng quảng cáo thế này: “Chúng tôi đã tính toán những gì một người mua hàng bình thường của Star mua tuần trước, và cùng một giỏ hàng hóa đó nếu mua tại Wegman’s sẽ đắt hơn tới 3%”. Tôi tin là họ đăng sự thật. Tôi cũng tin là người mua hàng bình thường của Wegman’s cũng có thể phải trả đắt hơn 3% nếu mua giỏ hàng của anh ta tại Star. Những tính toán của Star phiến diện hệt như CPI. Vào một ngày được định trước, Star tình cờ giảm giá lớn đối với chuối trong khi Wegman khuyến mại lớn đối với táo. Vì vậy, người mua hàng ở Star mua rất nhiều chuối và người mua hàng ở Wegman mua rất nhiều táo. Tất nhiên giỏ hàng được mua ở Star sẽ đắt hơn nếu mua ở Wegman và giỏ hàng được mua ở Wegman sẽ đắt hơn nếu mua ở Star. Chừng nào mức giá của cả hai cửa hàng được tính toán thành một con số trung bình có thể so sánh được, và chừng nào giá các mặt hàng đơn lẻ giữa hai cửa hàng có sự chênh lệch, thì đó mới chính xác là những gì một người mong chờ. Đó không phải là lý do để chọn cửa hàng này thay vì cửa hàng kia.

Các nhà báo thích sử dụng tỷ lệ thất nghiệp để phản ánh tình hình chung của toàn bộ nền kinh tế. Những cuộc thảo luận xung quanh vấn đề này thường bỏ qua một thực tế rằng đôi khi thất nghiệp là điều mà người ta mong muốn. Không có việc làm hay theo đuổi niềm đam mê riêng thường được coi là một điều tốt đẹp; nhưng khi bị gán cho cái tên “thất nghiệp”, bỗng dưng nó bị coi là điều tồi tệ.

Tất nhiên, thất nghiệp có thể đồng hành với những điều tồi tệ, chẳng hạn như thu nhập giảm, và đây cũng chính là những điều mà các phóng viên nghĩ đến khi họ cho rằng thất nghiệp là điều không mong đợi. Nhưng điều đáng nhớ là lợi ích từ nạn thất nghiệp giúp giảm bớt những chi phí xã hội. Khi bạn bị mất công việc trong dây chuyền sản xuất đồng bộ với thu nhập 50 nghìn đô-la một năm và dành thời gian kiếm 0 đô-la ở bờ biển, sẽ là cường điệu nếu nói rằng bạn đã mất công việc trị giá 50 nghìn đô-la một năm.

Điều hiển nhiên là chúng ta đều chưa sử dụng hết năng lực so với tổ tiên của chúng ta 100 năm trước, những người đã đổ mồ hôi trong công xưởng bóc lột nhân công tàn tệ 80 giờ một tuần. Rất ít người trong chúng ta muốn đổi lấy vị trí của họ. Điều này chính là lời cảnh báo thích đáng rằng tỷ lệ thất nghiệp không phải là thước đo chính xác cho sự thịnh vượng của một nền kinh tế.

Chúng ta, những con người của thế kỷ XX, làm việc ít hơn thế hệ cha ông vì chúng ta sung túc hơn họ khi xưa. Khi công ăn việc làm giảm xuống, điều đó có thể có nghĩa là mọi thứ khả quan hơn. Khi thu nhập tăng, các gia đình có thể quyết định rằng họ xoay xở được với một người đi làm thay vì hai. Những nhân viên bám lấy công việc không mong muốn trong thời điểm khó khăn lại có thể bỏ công việc đó khi tình hình cải thiện, hoặc nhờ vào sự cải thiện trong các nguồn thu nhập khác của họ hoặc vì một tinh thần lạc quan mới rằng sẽ có những công việc tốt hơn cho những ai dành thời gian đi săn lùng chúng.

Trong nền kinh tế toàn cầu, nạn thất nghiệp có thể là dấu hiệu cho thấy tình hình đang tồi đi hay tình hình đang khởi sắc. Điều tương tự cũng đúng ở mức độ cá nhân. Trong khi Peter chọn làm việc 80 giờ một tuần để giàu lên thì Paul lại chọn làm việc 3 giờ một tuần và sống thoải mái nhờ vào những cách khác. Ai có thể khẳng định lựa chọn nào khôn ngoan hơn? Tôi không thể tìm thấy gì trong kinh tế học, đạo đức hay những linh cảm cá nhân nói rằng chúng ta nên ủng hộ bên này hơn bên kia. Thất nghiệp, hay công ăn việc làm ở mức thấp, có thể là lựa chọn tự nguyện và là một lựa chọn tốt.

Sẽ là dễ dàng cho những người quan sát sai lầm khi tự thuyết phục bản thân rằng Peter phải chắc hẳn phải khôn ngoan hơn hay khá giả hơn Paul, bởi thu nhập của Peter nhãn tiền hơn sự thư giãn của Paul. Một nhà quan sát ngây thơ có thể tranh cãi rằng sự công bằng đòi hỏi chúng ta phải giải quyết sự khác biệt trong thu nhập bằng cách chuyển một phần thu nhập của Peter cho Paul. Nhưng cũng chính điều đó sẽ yêu cầu chúng ta giải quyết sự khác biệt trong “thư giãn” bằng cách chuyển một phần “thư giãn” của Paul cho Peter. Nếu sự công bằng ra lệnh rằng phải đánh thuế Peter để trả cho Paul, nó cũng ra lệnh rằng phải cưỡng bách Paul cắt cỏ cho sân nhà Peter hay sao?

Vì họ quên rằng thành quả của sức lao động chứ không phải bản thân sức lao động mới là cái người ta mong muốn. Các phóng viên dường như muôn đời chịu cảnh mắc sai lầm nực cười khi luôn gợi ý rằng các thảm họa của thiên nhiên có thể là những cơ hội phát triển đáng được đón nhận bởi chúng buộc người ta làm việc. Khi bão Andrew tàn phá Nam Florida vào năm 1992, gợi ý này đã rất có tiếng vang. Theo các phát thanh viên, sự phá hủy hàng loạt ẩn chứa những lợi ích bí ẩn tiếp nối bởi những hoạt động sôi sục để khôi phục hiện trạng ban đầu. Tôi phân vân liệu họ có áp dụng quan điểm này cho cuộc sống của chính họ hay không, chẳng hạn như, bằng cách định kì đục tường phòng khách sao cho họ có thể biến bản thân thành thợ trát vữa.

Xây nhà không phải là điều tốt đẹp. Có nhà là điều tốt đẹp. Việc sở hữu một ngôi nhà có thể xứng với công sức xây nhà, nhưng càng phải xây dựng ít thì càng tốt cho bạn. Một cộng đồng kết thúc với nguồn tài sản vật chất bằng với khi nó bắt đầu sau hàng tháng tiêu tốn công sức ngoài dự kiến xét về tổng thể không thể nào sung túc hơn trước được.

Chúng ta sẽ dễ bị lừa bởi một thực tế là chúng ta quan sát một số thứ nhất định mà không phải những thứ khác. Khi tôi vào một nhà hàng và yêu cầu được ngồi ở bàn không hút thuốc lá, họ thường nói với tôi rằng tôi sẽ có chỗ nhanh hơn nếu ngồi ở bàn hút thuốc. Trong một thời gian, điều này khiến tôi tin là khu vực hút thuốc lá nói chung là bớt đông hơn, và điều này dường như là một bài toán kinh tế thú vị. Khi tôi đưa câu đố này ra trong bữa trưa, bạn tôi tên là Mark Bils, với tư duy rõ ràng hơn, chỉ ra rằng các nhà hàng không có lý do gì để nói với tôi về số lần khi thời gian chờ đợi để ngồi ở bàn không hút thuốc là ngắn hơn. Đoán chừng là có rất nhiều người hút thuốc lá nghĩ rằng khu vực không hút thuốc luôn vắng hơn khu vực hút thuốc lá.

Bạn và bác sĩ của bạn có lẽ sẽ có những quan điểm khác nhau về kích cỡ trung bình của lượng người trong phòng chờ. Có lẽ đó là vì bạn nhận biết về người ta rõ hơn khi họ ho về phía bạn và trong phòng không còn ghế trống. Khả năng cao hơn là bạn và bác sĩ của bạn đang tính toán những thứ khác nhau.

Bác sĩ của bạn tính toán lượng người suốt ngày. Bạn tính toán chỉ khi bạn là một bệnh nhân. Và khi nào bạn là bệnh nhân? Có lẽ là tại những thời điểm đông đúc nhất. Làm sao mà tôi biết? Vì có nhiều người ở đó tại những thời điểm đông đúc nhất – đó chính là điều khiến nó đông đúc. Nếu bác sĩ nói với tôi rằng sáng nay có 3 người trong phòng chờ và chiều có 25 người, và nếu tôi phải đoán bạn đã ở đó lúc mấy giờ, tôi sẽ nói tỷ lệ là 25 ăn 3 là bạn ở đó vào buổi chiều.

Lúc nào cũng có rất nhiều người quan sát một đám đông. Không ai ở đó để quan sát chân không. Bác sĩ biết hôm nay ông ta có 28 bệnh nhân, hay trung bình 14 người trong nửa ngày. Trong số 28 người, chỉ có 3 người tin là kích cỡ một đám đông điển hình là 3, nhưng 25 người tin con số đó là 25. Ước tính thời gian chờ đợi trung bình của một bệnh nhân đảm bảo là sẽ bị chệch lên cao.

Những thống kê nạn thất nghiệp tính toán không chỉ số người không có việc làm mà cả thời gian thất nghiệp trung bình. Thường thì những dữ liệu này được thu thập bằng cách khảo sát những người thất nghiệp vào một ngày định trước, hỏi họ xem họ không có việc bao lâu rồi, và tính trung bình phản hồi của họ. Số liệu của kết quả đảm bảo là sẽ bị chệch lên vì cùng một lý do căn bản là phần lớn bệnh nhân đánh giá quá cao số lượng người trong phòng chờ.

Những người thất nghiệp trong thời gian dài rất có khả năng là vẫn thất nghiệp vào ngày người thăm dò ý kiến tới. Những người thất nghiệp trong thời gian ngắn rất ít có khả năng là vẫn thất nghiệp vào ngày đó. Vì vậy trong một mẫu giới hạn vào một ngày hoặc một tuần cụ thể, bạn chắc chắn sẽ bắt gặp một số lượng lớn và dễ gây nhầm lẫn của những người thất nghiệp lâu dài.

Các số liệu thống kê dường như cho thấy rằng sự thịnh vượng chung trong những năm 1980 được “hộ tống” bởi hố ngăn cách khá rộng giữa kẻ giàu và người nghèo. Có vẻ như là khi kẻ giàu giàu lên, người nghèo vẫn giậm chân tại chỗ. Tôi không biết liệu những thống kê này có phản ánh thực trạng kinh tế tiềm ẩn nào hay không. Nhưng đây là một số lý do chúng có thể không được phản ánh.

Đầu tiên, mức thuế thu nhập bị cắt giảm đột biến trong những năm 1980. Việc cắt giảm thuế có tác động thực rất quan trọng, nhưng chúng cũng có tác động ảo cũng không kém phần quan trọng nữa. Khi mức thuế giảm, người ta dành ít công sức vào việc che giấu thu nhập hơn. Chỉ với lý do đó, thu nhập trên báo cáo tăng lên. Những người ở phía thấp của cán cân thu nhập thường báo cáo phần lớn thu nhập của họ trong bất cứ trường hợp nào, vừa bởi vì họ thuộc nhóm đóng thuế thấp và cũng vì thu nhập của họ chủ yếu tới từ những nguồn khá dễ nhận biết như là tiền lương. Vì thế, chúng ta không thấy nhiều thay đổi trong báo cáo thu nhập ở phía những người có thu nhập thấp. Những người thuộc nhóm thu nhập cao có lý do về cả động cơ lẫn cơ hội để quanh co hơn, nhưng họ ít làm điều đó hơn khi mức thuế của họ giảm xuống. Thu nhập ở mức cao có vẻ tăng lên, và hố ngăn cách có vẻ rộng ra.

Thứ hai, sự đổ vỡ của các gia đình đem lại ảo giác về mặt thống kê của sự nghèo khó. Một gia đình với hai người đi làm, mỗi người kiếm 25 nghìn đô-la một năm được tính là một gia đình trung lưu với tổng thu nhập 50 nghìn đô-la. Khi gia đình này tan vỡ, gia đình trung lưu đó biến mất và hai gia đình 25 nghìn đô-la nổi lên thế chỗ nó.

Thứ ba, và tôi nghĩ là thú vị nhất, là sự cách biệt ngày càng tăng giữa các mức thu nhập hàng năm không cần phải liên quan tới sự cách biệt ngày càng tăng trong mức thu nhập cả đời. Vì người ta thường di chuyển rất nhiều trong phân phối thu nhập. (Tại Mỹ, nếu bạn hoặc là thuộc 1/5 nhóm đứng đầu hoặc đứng cuối trong phân phối thu nhập, bạn sẽ có cơ hội hơn cho dù bạn không ở đó sau 8 năm nữa). Mức gia tăng lớn trong thu nhập cao cùng với mức giảm nhỏ trong thu nhập thấp có thể sẽ tốt cho tất cả mọi người nếu chúng ta đều dành một số thời gian gần cả hai đầu của cán cân thu nhập.

Giả sử ban đầu chúng ta đều có mức thu nhập 50 nghìn đô-la, và không có sự bất công nào hết. Bây giờ một thay đổi trong môi trường kinh tế khiến một nửa trong chúng ta có số thu nhập giảm xuống còn 40 nghìn đô-la trong khi nửa kia tăng lên tới 100 nghìn. Bạn có thể nghĩ rằng một nửa số hộ gia đình nghèo hơn trước và nửa kia giàu lên. Nhưng nếu chúng ta thay phiên nhau, sao cho một nửa trong số chúng ta kiếm 40 nghìn đô-la trong những năm chẵn và 100 nghìn đô-la trong những năm lẻ trong khi những người khác làm ngược lại, thì tất cả chúng ta đều có mức thu nhập trung bình 70 nghìn đô-la một năm và chúng ta đều thắng.

Viễn cảnh thu nhập di động cực đoan đó, tất nhiên, là khá phi thực tế. Cách công thức hóa thông thường về “người giàu và người nghèo” cố hữu vị trí của họ trong cuộc sống khá là phi thực tế theo hướng đối ngược. Phần lớn mọi người có những năm tốt và năm tệ. Trong một năm nào đó, những người có thu nhập hiện tại cao có khả năng là đang có một trong những năm đẹp nhất trong cuộc đời họ và những người với thu nhập hiện tại thấp có khả năng là đang có một trong những năm xấu nhất. Khoảng cách giữa thu nhập hàng năm cao nhất và thấp nhất là khoảng cách giữa một năm đẹp nhất của một người với một năm xấu nhất của một người khác. Nhưng khó mà biết là ai – ngoài một phóng viên săn lùng một câu chuyện mùi mẫn – sẽ muốn đưa ra so sánh đó. So sánh đúng là so sánh giữa thu nhập của hai người, mỗi người tính trung bình trong rất nhiều năm. Tôi không biết những thay đổi của những năm 1980 ảnh hưởng tới so sánh đó như thế nào. Tôi chỉ biết rằng không có gì trong những thống kê thu nhập hàng năm có thể cho chúng ta câu trả lời.

Một cách để tạo ra ấn tượng giả về những hố ngăn cách thu nhập đang nới rộng là chỉ ra rằng rất nhiều người có thu nhập cao gần đây được lợi hơn và rất nhiều người có thu nhập thấp gần đây chịu thiệt đi. Tất cả những điều này cho thấy rằng người ta có những năm tốt và những năm tồi. Tất nhiên, những người gần như dẫn đầu gần đây đều lợi hơn: Phần nhiều, họ có những năm tốt bất thường và vì thế khá hơn năm ngoái. Họ có thể cũng khá hơn năm sau, khi mọi thứ gần với mức bình thường hơn.

Hãy tưởng tượng một đoàn người sống nay đây mai đó, đi lang thang một cách ngẫu nhiên trên triền núi. Hãy chụp một kiểu ảnh của đoàn người này.

Những người ở gần đỉnh núi tại thời điểm chụp ảnh có khả năng là đã đi từ dưới lên mới vừa đây. Những người gần chân núi có lẽ vừa mới đi xuống. Điều này cho thấy, chúng ta hoàn toàn không rút ra được một kết luận nào về việc liệu chênh lệch độ cao giữa những người ở bên trên và bên dưới đang tăng lên theo thời gian.

Có một bài học tổng quát ở đây, đó là sẽ là sai lầm khi đánh giá tình hình chung của một người trên cơ sở là tình hình hiện tại. Để tranh luận rằng, chẳng hạn, người già không bằng những người còn lại trong chúng ta – ví dụ như, vì họ gặp phải nhiều vấn đề về sức khỏe hơn – chính là đã bỏ qua thực tế rằng chúng ta thay phiên nhau trong việc có thời tuổi trẻ và lúc về già. Vợ tôi và tôi thay phiên việc giữ trẻ với một vài gia đình hàng xóm. Có những đêm, bạn chúng tôi không ở trong thành phố trong khi chúng tôi trông một nhóm trẻ con 5 tuổi. Bạn chúng tôi không cảm thấy là họ may mắn hơn, vì họ biết mình sẽ được gì trong những đợt cuối tuần ở tương lai họ sẽ phải làm điều đó.

Điều này khiến một chính sách chung nhằm phân phối thu nhập từ người trẻ cho người già là điều không thể. Nếu một chính sách như thế có tác động trong suốt cuộc đời bạn, bạn sẽ thiệt thòi khi còn trẻ và lợi hơn khi về già, có nghĩa là không có lợi ích thực sự nào. Việc chuyển thu nhập từ thế hệ này sang thế hệ khác lại là có thể. Nhưng một nhà quan sát tinh ý sẽ để ý thấy rằng thu nhập đang được chuyển từ những người hiện còn trẻ cho những người hiện đã già, và điều đó trong quan điểm của vòng đời mà chúng ta đều chia sẻ, nhóm đầu tiên không bắt đầu với tuổi trẻ trời phú.

Thực ra, chúng ta không thực sự chia sẻ một vòng đời, vì tai nạn và bệnh tật xen vào và lấy đi những năm tháng tuổi già của chúng ta. Điều này có nghĩa là những người trẻ tuổi thực ra lại thiệt thòi hơn so với người già. Những người trẻ tuổi chỉ có một xác suất sống trọn đời; còn những người già đã được đảm bảo điều này. Chuyển từ người trẻ tới người già có xu hướng phóng đại sự bất công tiềm ẩn.

Một quan điểm tương tự được áp dụng cho lệnh cấm hiện nay về nghỉ hưu bắt buộc. Các công ty dường như tin rằng họ thể tăng tính hiệu quả với chính sách nghỉ hưu bắt buộc (nếu họ không tin vào điều này, thì đã không phải cấm chính sách này); nếu quan điểm của họ là đúng, thì lệnh cấm vĩnh viễn trong nghỉ hưu bắt buộc sẽ giảm thu nhập trung bình cả đời. (Suy cho cùng, tổn thất hiệu quả sẽ phải đổ lên đầu một ai đó; có thể nó có nghĩa là lương của những người trẻ sẽ giảm xuống). Lệnh cấm nghỉ hưu bắt buộc được chào đón như là một lợi ích cho người già; hợp lý hơn, nó chỉ có lợi cho những ai giờ đã già mà không phải trải qua thời trẻ – những đứa trẻ mới sinh ra đã 67 tuổi như tôi thường đọc trong những tờ báo của siêu thị.

Tổng sản phẩm quốc dân (GNP) là thước đo được nhắc tới nhiều nhất trong việc đánh giá tình hình kinh tế nói chung. Nhưng nó cũng có một số khiếm khuyết. Nó tính giá trị của toàn bộ hàng hóa và dịch vụ được sản xuất trong nền kinh tế, nhưng lại không phải là giá trị thời gian nằm thư giãn trên bãi biển.

Nó cũng có một số khiếm khuyết ít rõ ràng hơn. Thứ nhất, nó không thực sự tính giá trị của toàn bộ hàng hóa và dịch vụ được sản xuất trong nền kinh tế. Rất nhiều hàng hóa và dịch vụ được sản xuất trong hộ gia đình. Dù bạn có tự rửa bát hay trả tiền cho người giúp việc rửa bát, lợi ích thực là một ngăn tủ đầy bát đũa sạch. Nếu bạn trả tiền cho người giúp việc, GNP sẽ phản ánh lợi ích này; nếu bạn tự rửa, nó sẽ không phản ánh.

Trong những thời kì ít tự do hơn, một ví dụ tiêu biểu trong sách để minh họa luận điểm này, là một người đàn ông kết hôn với người giúp việc của mình.

Với tư cách là một người giúp việc, cô gái kiếm được 25 nghìn đô-la một năm nhờ vào việc cọ sàn nhà, rửa chén bát, và giặt đồ. Khi trở thành một người vợ, cô kiếm được 0 đô-la mỗi năm và làm những việc y chang như trước. Dù không có gì thay đổi, mức GNP cho thấy đã giảm đi 25 nghìn đô-la.

Quan điểm này đặc biệt quan trọng khi GNP được so sánh giữa các quốc gia. Tại những nước kém phát triển hơn, sản lượng từ các hộ gia đình thường nhiều hơn và kết quả là sự chênh lệch lớn hơn giữa con số GNP được báo cáo và sản lượng thực tế. Khi bạn đọc là GNP của Mỹ cao hơn của Mali 100 lần, hãy nhớ rằng những người ở Mali tự trồng thức ăn và tự làm quần áo và không được công trạng gì trong sổ thu nhập quốc gia. Họ nghèo hơn chúng ta rất nhiều nhưng không nghèo như số liệu thống kê phản ánh.

Một khiếm khuyết nữa là sản lượng hàng hóa và dịch vụ gia tăng có thể là điều hay cũng có thể là điều dở. Đợt bùng nổ xây dựng tạo ra hàng nghìn ngôi nhà mới khang trang đẹp đẽ là một điều hay; nó thay thế hàng nghìn ngôi nhà cũ bị phá hủy bởi cơn bão bao gồm việc chạy càng nhanh càng tốt chỉ để trú vào một nơi. GNP coi hai con số đó như nhau.

Người ta nói rằng các con số không nói dối, nhưng những kẻ nói dối biết tính toán. Có lẽ một vấn đề nghiêm trọng hơn là những người thật thà tính toán một cách bất cẩn. Liều thuốc giải độc là chú ý cẩn thận tới những thứ đang được tính toán, và xem nó khác với những gì bạn sẽ thực sự muốn tính toán nếu bạn có thể.

Chỉ số giá tiêu dùng tính giá cả của một giỏ hàng hóa nhất định nào đó; đó không giống với thu nhập cần thiết để duy trì một mức độ hạnh phúc nhất định. Tỷ lệ thất nghiệp tính số người không làm việc; nó không giống với số lượng người không hạnh phúc. Thống kê thu nhập hàng năm tính sự phân phối thu nhập hiện tại. GNP tính giá trị của tất cả hàng hóa và dịch vụ được trao đổi trên thị trường; nó không giống với giá trị của tất cả hàng hóa và dịch vụ được sản xuất, hay những thứ được yêu thích.

Một số khiếm khuyết này là những vấn đề đơn giản trong việc tính toán, như khi GNP bỏ qua sản lượng gia đình. Các khiếm khuyết khác tinh vi hơn, như khi hố ngăn cách thu nhập có vẻ như bị phóng đại vì những người với mức thu nhập hiện tại cao hoặc thấp bất thường khó mà ở mãi tại những vị trí cực đoan đó.

Qua đào tạo, các nhà kinh tế học rất nhạy cảm với các vấn đề về sai lầm trong tính toán và thống kê. Bằng bản năng được bồi dưỡng, chúng tôi sửa những sai lầm đó bằng toàn bộ khả năng của mình.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.