Cecelia Ahern sanh ngày 30 tháng 9 năm 1981 tỉnh Dublin, Irlande , nơi nàng sinh ra và cũng là nơi những tác phẩm được sáng tác và xuất bản tại đây
Cecelia là con gái của một cựu Thủ tướng xứ Irlande (Taoiseach), Bertie Ahern.
Bốn tác phẩm được xuất bản
Cô là con gái của cựu Thủ tướng xứ Irlande (Taoiseach), Bertie Ahern.
Bốn cuốn iểu thuyết của cô xuất bản được bán chạy nhất.
Cô cũng đã viết cho nhiều tuyển tập mới. Cô tốt nghiệp trong báo chí và truyền thông từ Griffith College Dublin.
Cecelia có một chị gái, Georgina Ahern, có chồng, Nicky Byrne là một thành viên của nhóm nhạc Westlife Ailen.
Năm 2000, cô là một phần của ánh sáng lung linh nhạc pop, người đứng thứ ba trong trận chung kết quốc gia cho bài hát Eurovision Ailen.(Irlande)
***
Hãy nhắm mắt lại và “nhìn” thấu vào trong bóng tối.
Ngày tôi còn bé, bố thường khuyên như thế mỗi khi tôi trằn trọc, không ngủ được. Có lẽ ông không muốn tôi làm vậy trong lúc này, nhưng điều đó đã ăn sâu vào đầu tôi, bất chấp mọi thứ. Tôi đang “nhìn” thấu vào bóng tối thăm thẳm vô cùng tận, trải ra tít tắp dưới mi mắt đang khép kín của mình. Dù đang nằm bất động trên sàn, tôi vẫn cảm thấy như thể mình đang ngồi ở vị trí cao nhất:
“bắt”.
lấy một ngôi sao trên bầu trời đêm với đôi chân đu đưa trong một khoảng không đen, lạnh và vô tận.
Tôi nhìn đăm đắm lần cuối những ngón tay được bao bọc trong thứ ánh sáng lấp lánh và buông thõng ra. Buông nhẹ mình, tôi rơi xuống, rồi sau đó bồng bềnh trôi, rồi lại rơi xuống lần nữa. Tôi chờ đợi để đáp xuống miền đất của cuộc đời mình.
Lúc này tôi biết – như thể điều tôi từng biết khi còn là một cô bé con “chiến đấu” với giấc ngủ – rằng đằng sau lớp sương mờ ảo của đôi mắt khép kín là những sắc màu. Chúng trêu chọc tôi, thách tôi mở mắt và đánh mất giấc ngủ.
Những ánh lóe lên màu đỏ, màu hổ phách, màu vàng, màu trắng làm bóng tối của tôi trở nên lốm đốm. Tôi không chịu mở mắt ra. Tôi chống chọi, ép hai mí nhắm chặt hơn để chặn đứng từng hạt ánh sáng li ti, thứ đang cố tình tạo nên sự xao nhãng hòng đánh thức ta dậy, thứ báo hiệu rằng còn có một sự sống, ở xa hơn bóng tối vô cùng tận kia.
Nhưng không có sự sống nào trong tôi cả.
Tôi không cảm thấy gì, từ nơi tôi đang nằm – ở dưới chân cầu thang. Lúc này, tim tôi đập nhanh hơn, nó giống như một võ sĩ đơn độc trên võ đài, vung chiếc găng đấm bốc màu đỏ lên trong không khí, rực rỡ khúc khải hoàn, quyết không đời nào bỏ cuộc. Trái tim – đó là phần duy nhất thuộc về tôi mà tôi quan tâm, là phần duy nhất mà tối từng quan tâm. Nó chiến đấu không ngừng, bơm mạnh dòng máu khắp trong thân thể tôi, để chữa lành, để thay thế những gì tôi đánh mất. Nhưng rồi nó lại đang rời bỏ tôi, nhanh chóng như lúc đến. Quanh tôi lại hình thành một đại dương sâu thẳm, với màu đen mênh mông vô tận nơi tôi rơi xuống.
Hối hả, hối hả, hối hả. Chúng ta luôn hối hả. Không bao giờ có đủ thời gian, luôn luôn cố gắng trên con đường của chúng ta tận đâu đâu. Lẽ ra phải rời khỏi đây năm phút trước. Lẽ ra bây giờ đã phải có mặt ở đó. Chuông điện thoại reng lần nữa và tôi cảm nhận một sự trớ trêu đến mỉa mai, rằng tôi không còn thời gian để trả lời điện thoại.
Bây giờ, không phải lát nữa.
Đáng lẽ tôi phải dành tất cả thời gian của cuộc đời này cho mỗi bước đi.
Nhưng chúng ta cứ luôn hối hả. Tất cả đều hối hả, ngoại trừ trái tim tôi. Nó đang chậm lại. Tôi không quan tâm cho lắm. Tôi áp bàn tay lên bụng mình. Nếu con tôi ra đi (tôi nghi ngờ điều đó sẽ đến!), tôi sẽ đi theo đến tận nơi ấy.
Nơi ấy … là ở đâu? Là bất cứ nơi nào. Tôi gọi con bằng nó – một từ nghe đau đớn làm sao. Con tôi còn quá nhỏ; nó sẽ trở thành người như thế nào, bé trai hay bé gái vẫn còn là một câu hỏi. Nhưng ở nơi ấy, nơi sẽ đến, tôi sẽ là người mẹ tốt.
Ở nơi ấy, không phải đây.
Tôi sẽ nói với nó:
Mẹ xin lỗi, bé con, mẹ xin lỗi đã hủy hoại cơ hội của con, cơ hội của mẹ – cơ hội của chúng ta để có một cuộc sống cùng với nhau. Nhưng hãy nhắm mắt lại và “nhìn” thấu vào trong bóng tối lúc này, giống như mẹ đang làm, và chúng ta sẽ lại tìm thấy con đường để đến với nhau.
Có một tiếng động trong phòng. Và tôi cảm nhận được sự hiện diện của ai đó.
“Trời ơi, Joyce, trời ơi. Con nghe bố nói không, con? Trời ơi. Trời ơi … Ồ không, lạy chúa lòng lành, không thể là Joyce của tôi được, xin đừng mang Joyce của tôi đi. Nắm chặt tay bố, con. Bố đang ở đây. Bố đang ở đây!”.
Tôi không muốn nắm chặt, tôi cảm nhận rõ rệt như đang nói với bố như thế.
Tôi nghe thấy tiếng của chính mình kêu rên, như một con thú đang đau đớn kêu rên. Tôi sốc. Tôi sợ. Tôi có một dự tính, tôi phải nói với bố. Tôi muốn ra đi, chỉ như thế tôi mới có thể ở bên con mình.
Lát nữa, không phải bây giờ.
Bố đã dừng tôi lại vào lúc tôi đang rơi, nhưng rõ ràng là tôi vẫn chưa chạm đất. Thay vì giúp tôi thăng bằng giữa khoảng không, khi đang lơ lửng, bố lại bắt tôi đưa ra quyết định. Tôi muốn tiếp tục rơi, nhưng bố đang gọi xe cứu thương và nắm chặt tay tôi với tất cả sự dữ tợn, quyết liệt như thể chính ông mới là người đang cố bám víu cuộc sống tươi đẹp này. Như thể, tôi là tất cả những gì mà ông có. Ông luồn tay vào mớ tóc trên trán tôi, khóc thảm thiết. Tôi chưa từng bao giờ nghe ông khóc, Ngay cả khi mẹ mất. Bố giữ chặt lấy bàn tay tôi với tất cả sức mạnh mà tôi chưa khi nào biết rằng thân thể già nua của ông có thể có. Tôi sực nhớ rằng tôi là tất cả những gì của bố, và bố – lại một lần nữa giống như trước kia – là cả thế giới của tôi. Máu vẫn tiếp tục chảy trong tôi. Hối hả, hối hả, hối hả. Chúng ta luôn hối hả. Có lẽ tôi lại đang hối hả lần nữa. Có lẽ đây chưa phải là thời điểm để tôi ra đi. Tôi cảm nhận thấy làn da nham nhám của hai bàn tay đã già áp chặt vào tay tôi, và chúng mãnh liệt, thân quen đến nỗi khiến tôi phải mở mắt, ánh sáng phủ đầy trên mọi thứ. Tôi lờ mờ thấy gương mặt của bố, cái cảm giác lờ mờ mà tôi không bao giờ muốn phải nhìn thấy thêm lần nữa. Bố nắm chắt lấy tôi – đứa con của bố. Tôi đã mất chính đứa con của tôi rồi, tôi không thể để bố lại mất đi đứa con của bố. Trong lúc cố thực hiện quyết định của mình ban nãy, có lẽ tôi đã làm cho bố đau lòng. Tôi đã hạ xuống rồi, bây giờ, tôi đã hạ xuống, chạm tới mảnh đất của cuộc đời mình. Và … trái tim tôi lại đang đập những nhịp của nó.
Ngay cả khi vỡ tan, trái tim vẫn không ngừng đập những nhịp đập thiêng liêng ấy.
Một tháng trước …
° ° °
“sự truyền máu …”, tiến sĩ Fields cất giọng rành mạch trên bục giảng của tòa đại sảnh trong trường Cao đẳng Nghệ thuật Trinity, “là một quá trình chuyền máu hoặc các sản phẩm có nguồn gốc từ máu của người này vào hệ thống tuần hoàn của người khác. Sự truyền máu được thực hiện trong một số trường hợp như mất máu ồ ạt, bị chấn thương, phẫu thuật, sốc và khi cơ chế sản xuất hồng cầu bị hỏng”.
“Đây là những con số thật. Mỗi tuần, ở Ai- len cần đến ba ngàn người hiến máu. Nhưng chỉ có ba phần trăm dân số Ai- len hiến máu nhân đạo, cung cấp lượng máu cho tổng số khoảng bốn triệu người. Cứ bốn người thì có một người sẽ cần được truyền máu một thời điểm nào đấy trong đời. Hãy nhìn xung quanh phòng này xem …”.
Năm trăm cái đầu quay trái, quay phải nhìn nhau. Tiếng cười rúc rích phá tan bầu không khí yên lặng.
Tiến sĩ Fields cất cao giọng giữa những thanh âm lao xao ấy. Tối thiểu một trăm năm mươi người trong phòng này sẽ phải cần đến sự truyền máu một lúc nào đó trong đời …”.
Trong một thoáng cả giảng đường thênh thang im phăng phắc. Một cánh tay đưa lên.
“Sao? Anh có câu hỏi à?”.
“Thưa cô, một bệnh nhân cần bao nhiêu máu?”.
“Hơ hơ … Tớ đang học chung với ai thế các cậu?”, một giọng nói đầy nhạo báng cất lên, cùng lúc một viên giấy vo tròn bay thẳng vào đầu cậu sinh viên trẻ vừa lên tiếng hỏi.
“Đó là một câu hỏi hay!”. Tiến sĩ nhíu mày nhìn vào khoảng không mờ tối dưới giảng đường. Thật không dễ để nhìn thấy gương mặt những cô cậu sinh viên của mình với ánh đèn của máy chiếu.
“Ai vừa hỏi thế?”.
“Dover đấy ạ!”, một giọng nói vang lên từ góc khác trong giảng đường.
“Tôi chắc rằng anh Dover có thể tự mình trả lời câu hỏi đó. Tên thường gọi của anh là gì?”.
“Ben ạ!”, tiếng trả lời vang lên, với âm điệu “nhỏ nhẹ” làm người ta phải ngớ ra.
Tiếng cười vỡ khắp phòng. Tiến sĩ Fields thở dài.
“Ben cảm ơn câu hỏi của anh. Với hầu hết các anh chị ngồi đây, có lẽ câu hỏi vừa rồi thật ngốc nghếch. Nhưng đó chính là điều mà Tuần lễ Hiến máu vì Cuộc sống sẽ làm. Các anh chị có thể đến đây, hỏi những câu hỏi anh chị muốn, tìm hiểu tất cả những gì anh chị cần biết về việc truyền máu trước khi tham gia hiến máu nhân đạo, hôm nay, ngày mai, hay bất kỳ ngày nào trong tuần này tại khuôn viên trường, hoặc cũng có thể đều đặn hiến máu trong tương lai …”.
Cánh cửa chính bỗng mở ra, khiến dòng ánh sáng tràn vào giảng đường mờ tối. Justin Hitchcock bước vào. Toàn bộ sự tập trung bỗng đổ dồn về anh – với gương mặt đang lộ rõ dưới ánh đèn máy chiếu. Anh cặp nách cả chồng những tập tài liệu xộc xệch, sắp rơi xuống đất.
Justin nhấc đầu gối lên để đẩy mọi thứ ngay ngắn lại vị trí cũ. Cánh tay phải của anh vừa xách một chiếc cặp căng phồng vừa cầm một cốc cà phê Styrofoam đang sóng sánh chực đổ nhào. Anh chậm rãi khuỵu gối xuống sàn, như thể biểu diễn một động tác múa, và nở nụ cười trên gương mặt khi đã lấy lại bình tĩnh, Ngay lúc đó, một vài sinh viên lại bắt đầu cười khúc khích làm động tác thăng bằng của anh sắp “dao động” trở lại.
Bình tĩnh, bình tĩnh Justin. Phải rời mắt khỏi cái cốc cà phê này và xử trí tình huống thôi. Một phụ nữ đang đứng trên bục giảng, năm trăm cô cậu sinh viên nhất quỷ nhì ma. Tất cả đang nhìn chằm chằm mình. Phải nói điều gì đó.
Điều gì đó thật thông minh.
“Xin lỗi, chắc là tôi bị nhầm …”, anh cất giọng giữa bóng tối mờ mờ trong giảng đường. Những tiếng cười khe khẽ cứ rúc rích vang lên. Dường như tất cả mọi cặp mắt đều đang đổ dồn theo, khi anh vội vàng đi ra phía cửa để kiểm tra lại số phòng.
Đừng làm đổ cà phê. Đừng làm đổ cốc cà phê chết tiệt này.
Anh mở cửa phòng, một khe sáng rọi vào. Nhóm sinh viên ngồi gần đấy vội nheo mắt vì chói.
Rúc ra rúc rích. Hừm, không gì đáng buồn cười hơn là một người đàn ông bị “đi lạc”.
Cẩn thận để hàng lô hàng lốc thứ lỉnh kỉnh đang ôm trên tay xuống, anh cố xoay xở giữ cánh cửa mở bằng một chân của mình. Nhìn con số ở bên ngoài phòng rồi nhìn xuống tờ giấy đang cầm trên tay – tờ giấy mà nếu anh không nhanh chóng chộp được nó trong một tích tắc, chắc chắn nó sẽ bay xuống sàn.
Anh vội vàng chộp lấy. Không ổn rồi. Cốc Styrofoam đổ tung tóe trên mặt sàn, và tờ giấy cũng … nhẹ nhàng đáp xuống.
Khỉ thật! Chắc hẳn là đằng sau mình, mọi người lại đang rộ lên cười cợt.
Không gì buồn cười hơn là một người đàn ông đã ” đi lạc”, nhầm phòng, rồi lại còn làm đổ cà phê và rơi cả thời khóa biểu xuống đất.
“Anh cần tôi giúp gì không?”, nữ giảng viên bước xuống khỏi bục.
Justin xoay hẳn người trở lại vào trong phòng. Bóng tối lại bao trùm tất cả.
“Ồ … trên thời khóa biểu nói là ở đây … vâng … tôi nghĩ là ở đây …”, anh gật gật đầu lúng túng chỉ vào mảnh giấy ướt sũng cà phê trên sàn nhà. “Tôi có gì ở đây, tiết này …”.
“Nếu anh là sinh viên nước ngoài mới nhập học thì buổi gặp gỡ tân sinh viên nước ngoài đang được tổ chức ở hội trường lớn ấy …”.
Anh nhíu mày, “Ồ không, tôi …”.
“Xin lỗi …”, cô giảng viên bước lại gần hơn, “Nghe giọng nói của anh, tôi tưởng anh là người Mỹ!”. Cô nhặt cốc cà phê Styrofoam lên và ném nó vào thùng rác, nơi bên trên treo một tấm biển ghi rất rõ ràng:
“Không được phép mang thức uống vào phòng!”.
“A … ừm … xin lỗi, tôi không biết!”.
“Có một lớp dành cho những sinh viên … lớn lớn như anh ở phòng kế bên!”, cô tiếp tục gợi ý và xuống giọng, thì thầm thêm một câu, “Tin tôi đi, anh không muốn tham gia vào lớp này đâu …”.
Justin tằng hắng, đính chính lại “tình thế” mà anh đang rơi vào trong lúc xốc ngay ngắn lại những bìa sơ mi đang kẹp dưới cánh tay. “Thật ra, tôi có giờ giảng môn Lịch sử Nghệ thuật và Kiến trúc ở đây”.
“Anh là … giảng viên?”.
“Giảng viên thỉnh giảng. Cô tin hay không thì tùy!”. Anh hất mớ tóc khỏi vầng trán đang bắt đầu đẫm mồ hôi.
Phải cắt tóc, nhớ là cắt tóc. Trong giảng đường hẳn đám sinh viên đang tiếp tục cười rúc ra rúc rích. Một giảng viên “đi lạc”, làm đổ cà phê, làm rơi thời khóa biểu, tóc lại dài thượt chưa cắt. Rõ ràng là không còn gì buồn cười hơn.
“Giáo sư Hitchcock?”.
“Vâng, là tôi!”. Anh cảm thấy những cái bìa sơ mi và các tập tài liệu lại sắp sửa tuột ra dưới cánh tay mình.
“Ồ … Tôi thành thật xin lỗi!”, cô giảng viên trẻ nói khẽ. “Tôi cứ ngỡ … Tôi không nghĩ là …”. Cô đỡ lấy những cái bìa hồ sơ giúp anh, “Tôi là tiến sĩ Sarah Fields từ IBTS. Văn phòng Khoa báo với tôi rằng tôi có thể xin nửa tiếng để nói chuyện với sinh viên, trước khi anh bắt đầu giờ giảng, tất nhiên nếu được anh đồng ý”.
“Ôi trời … Không ai thông báo với tôi chuyện đó cả. Nhưng không có vấn đề gì đâu …”.
Không có vấn đề gì? Anh lắc đầu tự nói với chính mình và định mở cửa. Có lẽ mình nên ra chỗ cà phê Starbucks.
“Giáo sư Hitchcock?”.
Anh dừng lại ngay cánh cửa.
“Vâng?”.
“Anh có muốn tham gia với chúng tôi không?”.
Thật sự chắc chắn rằng câu trả lời là … không! Một tách cappuccino nóng hổi, thơm phức và chiếc bánh quế có lớp kem viết tên mình trên đó hẳn là “đã”.
hơn nhiều với việc giam mình trong giảng đường này …Không. Nên trả lời là không.
“Ừmmm … À … Kh …ô … vâng …”. “Ý tôi là vâng, thật tuyệt!”.
Rúc rích, rúc rích, rúc rích. Chắc hẳn cô giảng viên đã bắt được ý nghĩ của mình. Ép mình làm một việc rõ ràng là mình không muốn. Một phụ nữ trẻ trung, cuốn hút trong chiếc áo choàng trắng. Điều này chứng tỏ cô ấy làm việc cho tổ chức nào đấy thuộc lĩnh vực y học hoặc sinh học, một khái niệm không quen thuộc lắm với mình rồi.
” Tuyệt lắm! Mời anh …”.
Cô khéo léo chỉnh lại những tập hồ sơ xộc xệch dưới tay anh và quay trở lại bục của mình để tiếp tục bài giảng.
“Nào, các anh chị chú ý! Quay trở lại câu hỏi ban nãy, về lượng máu. Một nạn nhân của tai nạn xe hơi có thể cần truyền đến 30 đơn vị máu. Một vết thương như ung nhọt chảy máu có thể cần từ 3 đến 30 đơn vị máu tùy trường hợp. Thông nối động mạch vành cần từ l đến 5 đơn vị máu!”.
Điều này thay đổi theo từng trường hợp, nhưng với lượng máu cần có như thế, chúng ta sẽ xem tại sao chúng ta luôn luôn cần những người hiến máu!”.
Justin chọn một chỗ ngồi ở hàng ghế đầu và lắng nghe với tất cả sự “hãi hùng” cuộc thảo luận về … máu mà anh đang phải tham gia.
“Ai có câu hỏi gì nữa không?”.
Cô có thể đổi đề tài không? Hừm, rõ ràng đây là câu anh muốn hỏi.
“Hiến máu có được trả tiền không cô?”.
Những tràng cười rộ lên.
“Ở nước ta thì không, tôi e rằng như thế!”.
“Người được tiếp màu có biết ai là ân nhân hiến máu cho mình không ạ?”.
“Người hiến máu nhân đạo thường không tiết lộ thông tin về mình cho người nhận máu, nhưng các sản phẩm trong ngân hàng máu thì luôn luôn lưu giữ cẩn thận thông tin về nguồn gốc. Tất cả đi theo một trình tự cụ thể, thử máu, làm các xét nghiệm, phân chia thành từng khu vực lưu trữ có hệ thống và từ đó được cấp cho người nhận”.
“Tất cả mọi người đều có thể cho máu hả cô?”.
“Một câu hỏi hay ở đây, tôi có một danh sách liệt kê những trường hợp không được phép hiến máu. Các anh chị vui lòng đọc thật cẩn thận và có thể ghi chú lại nếu muốn”.
Tiến sĩ Fields đặt tờ giấy của cô xuống dưới máy chiếu. Bóng áo choàng trắng bệch dưới ánh đèn như một người đang cần tiếp máu khủng khiếp. Cô bước tránh ra, và trên màn hình hiện lên những thông tin trên tờ giấy cô vừa đặt vào.
Đám sinh viên bỗng nhao nhao kêu ré lên và những từ ngữ “chói tai” bắt đầu lan nhanh qua từng dãy chỗ ngồi, cứ như các cơn sóng biển Mêhicô cuộn trào lên xuống. Lần thứ hai, Justin “choáng váng” và phải cố đưa mắt nhanh chóng rời khỏi bức ảnh trên màn hình.
“Ồ … Khỉ thật! Tôi để nhầm giấy!”, tiến sĩ Fields buột miệng nói vội, và thay bằng tờ giấy khác.
Justin lướt tìm trên danh sách với hi vọng lớn lao rằng mình có thể “mắc phải” cái gì đó nằm trong danh sách yêu cầu không được cho máu. Nỗi ám ảnh về những cây kim tiêm cũng như những vết máu khiến anh mong mình bị “loại” khỏi những người có thể hiến máu biết bao.
Không “may mắn” như vậy rồi! Nhưng không sao. Justin tự an ủi, điều này thật ra cũng chẳng mấy ý nghĩa với anh. Vì cơ hội để anh hiến máu cũng hiếm hoi như cơ hội … bắt được vàng vậy.
“Tệ quá. Dover!” Một viên giấy vo tròn khác bay từ phía sau giảng đường lên, trúng đầu Ben lần nữa. “Người đồng tính không được phép hiến máu kìa!”.
Ben tươi hơn hớn, đưa hai ngón tay lên như dấu hiệu ta đây “chiến thắng”.
“Sao lại phân biệt đối xử như thế!”, một sinh viên nữ kêu lên.
“Chuyện đó sẽ được thảo luận vào một buổi khác …”, tiến sĩ Fields trả lời trong lúc đi đi lại lại. “Hãy nhớ rằng cơ thể của bạn sẽ tự thay thế lượng máu đã hiến trong vòng 24 tiếng đồng hồ. Mỗi đơn vị máu vào khoảng 0,5 lít và mỗi người đều có từ 8 đến 12 đơn vị máu như thế trong cơ thể. Một người bình thường có thể dễ dàng cho đi một đơn vị máu dự phòng mà không gặp vấn đề gì”.
Nhóm sinh viên lại cười phá lên.
“Các bạn … chú ý nào …”, tiến sĩ Fields vỗ vỗ tay, cố gắng lấy lại sự chú ý trong giảng đường. “Tuần lễ Hiến máu vì Cuộc sống sẽ cung cấp rất nhiều thông tin về việc hiến máu nhân đạo. Chúng ta có thể cười và đùa giữa. Nhưng tôi muốn nhấn mạnh lại lần nữa một sự thật, rằng cuộc sống của ai đó, có thể là một phụ nữ, một người đàn ông, hay một đứa trẻ đang phụ thuộc vào chính các bạn!”.
Ngay khi cô dứt lới, một sự im lặng chỉ bao trùm lấy toàn lớp học. Ngay cả Justin cũng ngừng thì thầm với chính mình vì câu nói ấy.