Cảm Ơn Ký Ức

Chương 20



“Ô, tôi phải nói đây đúng là một điều kỳ diệu. Thật kỳ diệu!”.

Bố nắm bàn tay người phi công lắc lên lắc xuống một cách nhiệt tình. Chúng tôi đứng ngay sau cánh cửa máy bay vừa mở, phía sau là hàng dài hàng trăm hành khách đang nổi cáu. Họ giống như những chú chó săn thỏ, mồm đã mở sẵn. Con thỏ phía trước đang kích thích họ, đang cản đường họ. Đó là bố. Ông luôn như cục đá giữa dòng.
“Và thức ăn”, bố tiếp tục với tổ lái, “Quá ngon, quá ngon!”.
Ông đã ăn một miếng giăm bông và uống một tách trà.
“Tôi không thể tưởng tượng là tôi có thể ăn ở trên trời”, ông cười. “Tuyệt vời. Kỳ diệu. Chúa ơi!”. Ông bắt tay người phi công lần nữa, như thể là ông đang gặp một vĩ nhân.
“Được rồi, bố ơi, chúng ta phải đi thôi. Bố đang cản đường mọi người ở phía sau đấy!”.
“Ồ vâng. Cám ơn mọi người một lần nữa nhé. Tạm biệt. Hẹn gặp lại ở chuyến bay về!”, ông nhoài người về phía sau, hét lên với tổ lái khi tôi kéo ông đi.
Chúng tôi đi trong đường ống nối máy bay với nhà ga và bố vẫy tay chào tất cả mọi người đi ngang qua.
“Bố không phải chào tất cả mọi người đâu!”.
“Thật vui khi được làm người quan trọng, nhưng quan trọng hơn nữa là được vui. Đặc biệt khi ở một đất nước khác, cư xử dễ thương một chút có gì đâu con!”.
Tôi mỉm cười. Bố – người đã mười năm nay chưa ra khỏi tỉnh Leinster nói như vậy.
“Nhưng bố đừng nói lớn như thế!”.
“Bố không thể. Bố nghe lỗ tai ngồ ngộ!”.
“Chứng ù tai thôi bố. Bố làm động tác ngáp đi, hoặc bóp mũi thổi. Động tác đó sẽ giúp tai bố trở lại bình thường”.
Ông đứng gần dây chuyền hành lý, mặt tím tái, với hai má phùng ra, hai ngón tay bóp mũi. Ông hít thật sâu vào và thổi mạnh ra. Tai trở lại bình thường.
Dây chuyền hành lý bắt đầu chuyển động. Có người thình lình che trước mặt, che tầm nhìn chúng tôi, như thể cuộc sống của họ phụ thuộc từng giây vào việc lấy mấy cái túi đó.
“Túi của bố kìa”. Tôi bước tới.
“Bố sẽ lấy”.
“Không, để con. Nó sẽ làm bố đau lưng”.
“Lùi lại đi con. Bố lấy được”. Ông đi qua vạch vàng và nắm lấy túi xách. Rồi nhận thấy sức mạnh ngày xưa không còn, ông đi theo chiều quay của băng chuyền, tay cố giật túi xách ra khỏi đó. Bình thường, tôi sẽ chạy đến giúp ông nhưng lúc này tôi buồn cười quá. Tôi nghe bố nói “xin lỗi, xin lỗi!” với những người đang đứng ngay vạch vàng trong khi vừa đi theo vừa cố gắng lấy túi ra khỏi băng chuyền. Ông đi đúng một vòng và lúc đến chỗ tôi đứng (vẫn còn đang cười), một người nào đó đã lịch sự giúp bố – ông già đang hết hơi.
Ông kéo túi đến chỗ tôi, mặt ông đỏ hồng, hơi thở nặng nhọc.
“Con đi lấy túi của con đi”, ông nói, kéo mũ xuống mắt che đi vẻ bối rối.
Tôi chờ hành lý của mình trong khi bố đi loanh quanh ngắm nghía “làm quen với London”. Sau trục trặc ở sân bay Dublin, giọng nói trong đầu tôi tiếp tục bảo tôi quay về ngay tức khắc nhưng ở một chỗ khác, một phần khác trong cơ thể tôi thì bảo chuyến đi này là quyết định đúng đắn. Bây giờ, tôi đang xem thử cái đúng đắn này là cái gì. Khi đi lấy túi xách từ băng chuyền, tôi nhận ra chẳng có mục đích nào rõ ràng cho chuyến đi này. Tất cả chỉ như đi săn vịt trời, vậy thôi. Bản năng, bắt nguồn từ việc nói chuyện điện thoại với cô gái tên Bea, làm tôi quyết định bay đến đây với người cha già trên bảy mươi tuổi, trước đây chưa bao giờ rời khỏi Ai- len.
Điều đó có phi lý không? Mọi thứ chứa đựng ý nghĩa gì khi hầu như đêm nào tôi cũng mơ về một người mà tôi chưa từng gặp và chưa từng có cơ hội nói chuyện qua điện thoại. Tôi gọi số điện thoại khẩn của bố, cô bé trả lời rằng đó là số điện thoại khẩn của bố cô bé với cô bé. Điều đó có nghĩa gì? Nó muốn nói gì với tôi? Hay đây chỉ là việc xảy ra ngẫu nhiên mà người có đầu óc bình thường sẽ bỏ qua? Hay là tôi đúng khi nghĩ còn điều gì đó bí ẩn nằm phía sau? Tôi hy vọng chuyến đi này sẽ cho tôi câu trả lời. Tôi hoảng sợ khi nhìn bố đọc tờ áp phích tuốt đầu kia căn phòng. Tôi không biết làm gì với ông.
Thình lình, bố đưa tay ôm đầu, kéo xuống mặt, rồi ngực. Và ông lao về phía tôi với cặp mắt bất thường. Tôi chợp lấy hộp thuốc cho ông.
“Gracie”, ông thở hổn hển.
“Đây, bố cầm lấy nhanh lên”. Tay tôi run run khi đưa thuốc và chai nước.
“Con làm gì thế?”.
“Trông bố …”.
“Trông bố sao?”.
“Giống như bố bị lên cơn đau tim!”.
“Bố sẽ bị nếu như chúng ta không đi ra khỏi đây nhanh lên”, ông nắm lấy tay tôi và kéo tôi đi.
“Chuyện gì vậy bố? Chúng ta đi đâu?”.
“Chúng ta đi Westminster”.
“Cái gì? Tại sao? Không, bố. Chúng ta phải đi về khách sạn để hành lý!”.
Ông dừng hẳn và quay lại, đưa mặt ông sát vào mặt tôi. Giọng ông run run.
“Có Chợ Đồ Cổ hôm nay từ chín giờ ba mươi đến bốn giờ ba mươi chiều ở tòa nhà Banqueting. Nếu chúng ta đi bây giờ sẽ kịp. Bố sẽ không để lỡ cơ hội được nhìn thấy tận mắt chương trình này đâu. Chắc chắn, chúng ta sẽ đi xem Michael Aspel, Michael Aspel, Gracie. Chúa ơi, đi ngay đi!”.
Hai đồng tử ông giãn ra, vui vẻ hoạt bát. Ông đi nhanh qua cửa trượt, múa tay múa chân.
Tôi đứng trong ga đến. Chung quanh, những người đàn ông nhào tới phát các tờ quảng cáo từ mọi phía. Tôi thở và chờ. Bố xuất hiện, bập bênh đi ra với tốc độ nhanh nhất của ông, kéo phía sau là chiếc túi xách.
“Con nói với bố không phải đường này mà”, ông nói, vượt qua tôi và đi thẳng hướng đối diện. Bố đi qua quảng trường Trafalgar, kéo theo sau cái túi xách, làm mấy con bồ câu vội vã bay túa lên trời. Ông không quan tâm đến việc làm quen với London nữa; ông chỉ có Michael Aspel và một người phụ nữ bên trong đầu lúc này. Cuối cùng, sau khi rẽ sai vài lần thì tòa nhà Banqueting cũng hiện ra trước mặt, cung điện hoàng gia của thế kỷ mười bảy, và mặc dù tôi chưa từng đến đây, nhưng thật kỳ lạ vì tôi trông nó quen quen.
Xếp trong hàng dài, tôi nhìn cái hộc gỗ trong tay một ông già đang đứng trước chúng tôi. Phía sau là người phụ nữ đang mở giấy gói, lấy một tách trà cho những người trong hàng xem. Tất cả mọi người đều trông có vẻ thích thú và lịch sự. Mặt trời chiếu sáng khi chúng tôi chờ phía ngoài để vào khu vực tiếp tân của tòa nhà Banqueting. Có xe của đài truyền hình, người quay phim, thu âm đi ra đi vào. Máy quay chĩa vào hàng dài người xếp hàng trong khi đó một người phụ nữ cầm chiếc micro phỏng vấn vài người trong hàng. Nhiều người mang theo ghế, túi bánh nướng và thức ăn nhanh, bi đông trà, cà phê. Và khi bố nhìn xung quanh với cái bao tử trống không, tôi cảm thấy như một người mẹ có lỗi không chăm sóc chu đáo cho đứa con của mình.
“Bố, con không muốn làm bố lo nhưng con nghĩ chúng ta phải mang theo cái gì đó …”.
“Ý con là sao?”.
“Một vật gì đó. Ai cũng mang theo cái gì đó để ước đoán giá trị trong chương trình”.
Bố nhìn xung quanh và nhận ra vấn đề. Mặt ông xụ xuống.
“Có thể, họ sẽ cho chúng ta một ngoại lệ”, tôi nói thêm vào nhưng nghi ngờ chính điều mình vừa nói.
“Cái túi này thì sao?”. Ông nhìn xuống túi xách của chúng tôi. Tôi cố nhịn cười. “Con mua nó ở cửa hàng. Con không nghĩ họ quan tâm đến việc đánh giá giá trị của nó đâu bố!”.
Bố cười. “Có thể bố sẽ đưa họ quần áo cũ của bố. Gracie, con nghĩ sao? Nó chứa ít nhiều lịch sử đấy chứ”.
Tôi làm mặt ngạc nhiên, còn ông thì xua tay liên hồi.
Chúng tôi lê từng bước chậm rãi theo hàng và bố có thời gian trò chuyện với những người xung quanh về cuộc đời của ông, về chuyến đi này với đứa con gái. Sau khi xếp hàng khoảng một giờ rưỡi, chúng tôi được mời vào hai nơi dùng trà buổi chiều. Bố nghe lấy nghe để những hướng dẫn của người đàn ông phía sau về cách làm cho cây bạc hà không xâm lấn cây hương thảo. Ngày trước chúng tôi, hai ông bà già phải quay ra vì chẳng mang theo vật gì trong tay. Bố cũng thấy điều đó và nhìn tôi lo lắng. Đến lượt chúng tôi.
“Ừm …”, tôi nhìn quanh tìm cái gì đó.
Cả hai cánh cửa đều mở rộng để đón đám đông. Phía sau cánh cửa ra vào có cái giỏ rác bằng gỗ, đựng mấy cây dù rách. Nhân lúc không ai để ý; tôi trút thùng rác xuống, một vài cục giấy cuộn tròn và mấy cây dù rách rơi ra. Tôi đá nó ra phía sau cửa, vừa kịp nghe tiếng:
“Người kế tiếp!”.
Tôi mang cái giỏ rác gỗ vào bàn tiếp tân và bố nhìn tôi ngớ người ra.
“Xin chào mừng đã đến tòa nhà Banqueting”, người phụ nữ trẻ tiếp chúng tôi.
“Cảm ơn”, tôi cười với vẻ ngây thơ … vô số tội.
“Hôm nay ông và cô mang theo bao nhiêu thứ?”, người phụ nữ hỏi.
“Ồ, chỉ có một”. Tôi nâng chiếc thùng rác để lên bàn.
“Ồ, tuyệt!”, cô vuốt cái thùng rác gỗ bằng mấy ngón tay và bố nhìn tôi, trong giây lát, rồi chúng tôi nhanh chóng tĩnh lại ngay. “Cô có đến ngày đánh giá giá trị sản phẩm trước đây chưa?”.
“Chưa”. Bố lắc đầu lia lịa. “Nhưng tôi luôn theo dõi trên tivi. Tôi hâm mộ chương trình này. Ngay khi Hugh Scully còn làm người dẫn chương trình”.
“Tuyệt vời”, cô cười. “Khi ông và cô vào phía trong, cô sẽ thấy có nhiều hàng người, xin hãy đứng hàng thích hợp với món đồ của mình”.
“Hàng nào thì thích hợp cho món đồ này?”, Bố nhìn cái sọt rác một cách khó chịu như thể nó đang bốc mùi.
“Hàng nào?”, cô tiếp tân cười.
Bố nhìn tôi lo lắng.
“Chúng tôi hy vọng cô sẽ chỉ dẫn chúng tôi”. Tôi nói lịch sự.
“Nó thuộc loại đồ linh tinh và đó là bàn đông nhất, chúng tôi sẽ cố gắng sắp xếp để cô gặp bốn chuyên gia. Khi nào cô gặp chuyên gia, cô chỉ cần đưa món đồ của cô ra và anh ta hoặc cô ta sẽ nói với cô tất cả về món đồ”.
“Bàn nào có Michael Aspel?”.
“Không may, thật ra Michael Aspel không phải là chuyên gia, ông ta là người dẫn chương trình, vì thế ông ấy không có bàn riêng, nhưng chúng tôi có đến hai mươi chuyên gia để trả lời những câu hỏi của cô”.
Bố có vẻ thất vọng.
“Cô có cơ hội để món đồ của mình được chọn chiếu lên tivi”, nữ tiếp tân nhanh chóng thêm vào khi cảm thấy nỗi thất vọng của bố. “Chuyên gia sẽ giới thiệu món đồ cho nhóm truyền hình và sau đó họ quyết định có chọn quay hay không, tùy thuộc vào sự quý hiếm, chất lượng, những lời bình của chuyên gia và, dĩ nhiên, giá trị của nó. Nếu món đồ của cô được chọn, cô sẽ qua phòng chờ và trang điểm trước khi nói chuyện với chuyên gia trước ống kính máy quay khoảng năm phút. Cô sẽ gặp Michael Aspel trong trường hợp như thế. Chúng tôi truyền hình trực tiếp buổi đánh giá …”.
Bố mở to hai mắt.
“Hãy nhớ rằng chúng tôi phải xem đồ của hai ngàn người trước khi vào buổi đánh giá trực tiếp”, cô gái giải thích tiếp với chúng tôi.
“Chúng tôi hiểu. Chúng tôi đến đây chỉ để xem là chính, phải không bố?”.
Ông chẳng nghe tôi nói, mải nhìn quanh tìm Michael Aspel.
“Chúc một ngày tốt lành”, cô gái nói và gọi người kế tiếp.
Ngay khi chúng tôi vào đại sảnh đông người, tôi nhìn ngay lên trần. Chín bức tranh sơn dầu do Charles đệ nhất đặt làm để lấp đầy pa nô trần.
“Bố!”. Tôi đưa sọt rác cho ông. “Con sẽ đi loanh quanh ngắm tòa nhà tuyệt đẹp này. Trong lúc đó, bố coi chừng cái sọt chết tiệt kẻo người ta bỏ rác vào nhé”.
“Không phải cái sọt chết tiệt đâu, Gracie. Bố đã xem buổi định giá bộ sưu tập gậy của một người lên đến sáu mươi ngàn bảng Anh”.
“Ồ, vậy bố hãy đưa cho họ xem đôi giày của bố”.
Ông cố nhịn cười.
“Con đi xem quanh đi và gặp lại con ở chỗ này nhé”. Ông bắt đầu đi trước khi nói hết câu. Cố thoát khỏi tôi.
“Chúc bố vui vẻ”, tôi nháy mắt.
Ông ngoác miệng cười thật lớn và nhìn xung quanh sảnh với niềm hân hoan tột độ. Tôi lại chụp khoảnh khắc đó vào trong tâm trí của mình.
Khi tôi đi vòng quanh các phòng, tôi có cảm giác như tôi đã đến đây rồi. Tôi tìm ra một góc yên tĩnh và gọi điện thoại.
“Quản lý, phó trưởng bộ phận giải pháp tài chính và đầu tư, Frankie nghe?”.
“Chúa ơi, cậu không nói dối. Mấy chức danh này buồn cười quá”.
“Joyce!”, giọng cô bạn chìm đi giữa những tiếng được tiếng mất của những người mua bán chứng khoán tại văn phòng Trung Tâm Dịch Vụ Tài Chính Ailen.
“Cậu nói chuyện với tớ được không?”.
“Được chút xíu. Cậu khỏe không thế?”.
“Tớ khỏe, rất ổn, đang ở London với bố”.
“Cái gì? Với bố cậu á? Joyce. Tớ đã nói với cậu rằng thật không tốt khi trói tay bịt miệng, bắt ông cụ ở nhà suốt ngày. Cậu làm gì ở đó?”.
“Tớ quyết định đi rất bất ngờ”. Vì cái gì tôi cũng chẳng biết. “Bố và tớ đang ở chỗ Chương trình Mua Bán Đồ Cổ. Đừng hỏi …”.
Tôi rời căn phòng yên tĩnh vào lại phòng trưng bày ở sảnh chính. Tôi thấy bố đi trong đám đông, tay mang sọt rác.
Tôi cười với ông.
“Nói tớ nghe xem, trước đây, chúng ta có lần nào cùng đi với nhau tới tòa nhà Banqueting không nhỉ?”.
“Để nhớ lại xem, nó ở đâu, nó là cái gì và nó ra làm sao?”.
“Nó ở quảng trường Trafalgar. Nó là cung điện hoàng gia vào thế kỷ mười bảy, thiết kế bởi Inigo năm 1619. Charles đệ nhất bị hành hình trước tòa nhà. Tớ đang ở trong phòng có chín bức tranh sơn dầu lắp trên các pa nô trần nhà”. Nó trông làm sao? Tôi nhắm mắt mình lại. “Trong ký ức của tớ, mái vòm có chấn song bao lơn. Mặt ngoài đường có hai dãy tầng cột kiểu Corinthian và đầu cột kiểu Ionic, đặt trên nền vữa nhám, hòa hợp bám chặt vào nhau thành một khối”.
“Joyce?”.
“Cái gì?”, tôi giật mình.
“Cậu đọc sách hướng dẫn du lịch hả?”.
“Không”.
“Chuyến đi London cuối cùng, tụi mình có đi bảo tàng sáp Madame Tussaud’s, một đêm ở G- A- Y, và buổi tiệc ở Gloriás. Đó là những điều cậu sẽ kể?”.
“Vâng”, tôi ngồi xuống cái ghế ở góc phòng, nhưng cảm thấy bị cấn bởi sợi dây thừng ở phía dưới và đứng bật lên ngay. Tôi nhanh chóng rời khỏi cái ghế cổ, nhìn xung quanh tìm camera bảo vệ.
“Chuyến đi London của cậu có liên quan gì đến chuyện người đàn ông Mỹ không?”.
“Có”, tôi nói nhẹ nhàng.
“Ồ, Joyce …”.
“Không, Frankie, nghe này. Nghe đi rồi cậu sẽ hiểu. Tớ hy vọng thế. Hôm qua, tớ đang giận bố tớ một chuyện và liền gọi cho bác sĩ của bố. Tớ nhớ chính xác số điện thoại này, nhưng không ngờ lại gọi nhầm số”.
“Rồi sao?”.
“Nhầm số. Thay vì gọi bác sĩ, tớ gọi cho một số điện thoại ở Anh và một cô gái tên Bea trả lời điện thoại. Cô bé thấy số ở Ai- len và nghĩ rằng bố gọi. Từ cuộc gọi mà mình biết được bố của cô bé là người Mỹ nhưng ở Dublin và bay sang London tối qua để xem cô bé biểu diễn hôm nay. Và cô bé có tóc bạch kim. Tớ nghĩ Bea là cô bé mà tớ hay mơ chơi đánh đu và chơi trên cát vào từng độ tuổi khác nhau”.
Frankie im lặng.
“Nói chuyện này có vẻ khùng khùng, Frankie, nhưng đó là những chuyện đã xảy ra và tớ không thể giải thích được”.
“Tớ biết, tớ biết!”, đứa bạn nói nhanh. “Tớ biết cậu luôn là người bạn tốt, không đặt chuyện, nhưng cả khi tớ tin cậu, cậu cũng nên nhớ một điều là cậu đang bị sang chấn tâm lý và tất cả những chuyện xảy ra với cậu có thể chỉ vì bị stress ở mức độ cao”.
“Tớ đã nghĩ đến điều đó”. Tôi lầm bầm và ôm lấy đầu. “Tớ cần giúp đỡ”.
“Chúng ta chỉ cân nhắc đến chuyện điên khùng này như là phương sách cuối cùng. Để tớ nghĩ xem …”. Cô nói như thể đang viết xuống.
“Về cơ bản, là cậu đã gặp cô gái này, Bea …”.
“Có thể là Bea”.
“Vâng, vâng. Hãy xem đó là Bea. Cậu thấy cô bé lớn lên?”.
“Vâng”.
“Đến tuổi nào?”.
“Từ lúc mới sinh cho tới … mình không biết …”.
“Mười mấy, hai mươi mấy, ba mươi mấy?”.
“Mười mấy”.
“Vâng, còn ai trong cảnh đó với Bea?”.
“Một người phụ nữ. Với máy quay phim …”.
“Nhưng không phải là anh chàng người Mỹ?”.
“Không, anh ta chẳng liên quan gì đến chuyện này!”.
“Để không bỏ sót … Khi cậu thấy Bea và người phụ nữ với chiếc máy quay phim, cậu là một phần trong cảnh đó hay cậu nhìn như người bên ngoài?”.
Tôi nhắm mắt và cố suy nghĩ, thấy hai tay tôi đẩy cái xích đu, nắm tay và chụp hình với cô bé và mẹ cô bé trong công viên. Tôi cảm thấy những tia nước vòi sen và cả động tác cù vào da thịt tôi … “Tớ là một phần trong đó. Họ có thể thấy tớ!”.
“Vâng”. Cô im lặng.
“Cái gì, Frankie, cái gì?”.
“Mình sẽ tìm ra nó. Chờ chút. Vâng. Vậy là cậu thấy đứa trẻ người mẹ và cả hai thấy cậu?”.
“Vâng”.
“Cậu có nói là trong giấc mơ cậu thấy cô bé này lớn lên, như lớn lên trong đôi mắt của người bố?”.
Cảm giác bí ẩn chạy khắp người tôi.
“Ồ, chúa ơi!”, tôi thì thào. Người đàn ông Mỹ?
“Đúng rồi, vâng!”, Frankie nói. “Vâng, chúng ta đi đến một điều. Tớ không biết là cái gì, nhưng điều gì đó rất kỳ lạ và tớ không thể tin rằng mình suy đoán ra những chuyện này. Nhưng chuyện quỷ quái gì thế, tớ có hàng đống việc để làm. Cậu còn mơ thấy gì nữa không?”.
“Tất cả diễn ra rất nhanh, chỉ lóe lên!”.
“Cố gắng nhớ xem”.
“Vòi sen trong vườn. Bé trai mũm mĩm. Một người phụ nữ khác có mái tóc đỏ dài. Rồi tớ nghe tiếng chuông. Thấy những tòa nhà cổ, phía trước là những cửa hàng. Nhà thờ. Bãi biển. Tớ dự đám tang. Kế đó là trường học. Người phụ nữ và cô gái trẻ. Thỉnh thoảng, cô cười và nắm lấy tay tớ, đôi khi cô hét lớn và đóng sầm cửa”.
“Ừ, chắc cô ấy là … vợ của cậu!”.
Tôi ôm đầu. “Frankie, điều này nghe có vẻ buồn cười quá!”.
“Chẳng sao. Cuộc sống vốn vậy mà. Tiếp đi!”.
“Tớ không biết, hình ảnh khá là tương phản. Tớ không hiểu ý nghĩa của nó”.
“Việc cậu nên làm là mỗi lần cậu nhớ ra điều gì đó, hoặc thình lình biết một điều gì mà trước đây không biết thì hãy viết xuống và hệ thống mọi thứ lại cho tớ. Tớ sẽ giúp cậu tìm ra câu trả lời”.
“Cảm ơn cậu”.
“Ngoài cái nơi mà cậu đang ở, còn cái gì mà cậu biết một cách thình lình?”.
“À … các tòa nhà”. Tôi nhìn xung quanh và nhìn lên trần. “Và nghệ thuật. Tớ nói tiếng Ý với người đàn ông Ý ở sân bay. Và tớ nói cả tiếng Latin với Conor vào ngày kia”.
“Ồ, Chúa ơi”.
“Tớ nghĩ anh ta muốn tớ ra đi …”.
“Nhưng chúng ta sẽ không để anh ta làm điều đó. Vâng, các tòa nhà, nghệ thuật, ngôn ngữ. Joyce, trông như cậu vừa trải qua toàn khóa học mà cậu chưa bao giờ tham dự. Cô gái ngốc nghếch mà tớ biết và yêu đâu rồi?”.
Tôi cười. “Cô ấy vẫn ở đây này”.
“Vâng, còn một điều nữa. Sếp của tớ gọi tớ họp chiều nay. Chuyện gì?”.
“Frankie, tớ đâu có phép màụ ….”.
Cửa phòng trưng bày mở ra và một cô gái trẻ trông rất bận rộn, đầu còn mang bộ ống nghe điện đài bay vào. Cô tiếp cận mọi người phụ nữ mà cô gặp, hỏi tên tôi.
“Joyce Conway?”, cô hỏi trong hơi thở dốc.
“Vâng, tôi đây”. Tim tôi đập liên hồi. Cầu cho bố không có vấn đề gì.
“Bố cô là Henry?”.
“Vâng”.
“Ông ấy muốn cô đi cùng ông ấy ở phòng đằng kia”.
“Ông ấy cái gì? Bị cái gì?”.
“Ông ấy trong phòng xanh đằng kia. Ông ấy sẽ được truyền hình trực tiếp với Michael Aspel trong vài phút nữa với món đồ của ông ấy và ông ấy muốn cô tham gia cùng bởi vì ông ấy nói cô biết về nó nhiều hơn. Chúng tôi sắp bấm máy, chỉ còn một ít thời gian và chúng tôi cần phải trang điểm cho cô”.
“Lên sóng trực tiếp với Michael Aspel …”, tôi bị kéo đi. Tôi còn nhớ tay vẫn cầm điện thoại. “Frankie”, tôi nói, sửng sốt, “Mở đài BBC, nhanh lên. Cậu sẽ chứng kiến tớ gặp vấn đề trên đó”.

 


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.