Cảm Ơn Ký Ức

Chương 23



Tôi gọi một chiếc taxi, chỉ cho người tài xế thấy ông già “bảnh bao” đang đi lắc lư trên đường giống như mấy anh chàng thủy thủ say rượu. Giống như một con cá hói, ông bơi ngược dòng, cố luồn lách trong đám đông đang đi ngược chiều. Ông làm như vậy mà không để ý đến sự lạ lùng của mình so với những người xung quanh.

Nhìn ông, tôi nhớ lại những câu chuyện mà ông đã kể cho tôi nghe khi tôi còn bé.
Ông khiến tôi nhớ đến chuyện cây sồi khổng lồ của người hàng xóm, hiện bóng lờ mờ lên bức tường sân vườn nhà chúng tôi, rụng quả xuống khắp mặt cỏ.
Những cơn gió lớn thổi nhánh cây sồi khổng lồ đung đưa qua lại, tạo ra những tiếng sột soạt, cũng giống như bố tôi, giống như những con ky trong trò chơi bowling. Cả hai đều không bị ngã dưới sức gió.
Ông khiến tôi nhớ đến cả câu chuyện về chú cá hồi. Cá hồi bơi ngược dòng nên nó có thể học được kiến thức của cả thế giới. Những ai ăn thịt cá hồi cũng sẽ có được những kiến thức đó. Nhà thơ Finneces bỏ ra bảy năm trời câu cá hồi và khi ông câu dính con cá, ông hướng dẫn người học việc chiên cá lên. Mỡ nóng văng ra từ chảo dính vào tay, Fionn lập tức ngậm ngón tay để bớt đau.
Làm như vậy, tự dưng anh ta có được những kiến thức lạ thường và sự thông thái. Trong suốt thời gian còn lại của cuộc đời, khi ông không biết làm cách nào, ông lại ngậm ngón tay và thế là lại có kiến thức.
Ông kể cho tôi nghe những chuyện nửa thực nửa hư như thế từ cái ngày tôi còn ngậm ngón tay và ông còn khỏe như cây sồi. Chúng tôi như không có ý niệm gì về thời gian. Chúng tôi cùng nhau trò chuyện trong sân vườn, dưới tán liễu rủ nơi tôi thường hay trốn ông và cũng là nơi ông thường tìm thấy tôi. Ngày đó, chúng tôi còn ba người:
bố, mẹ và tôi. Ngày đó, cả ba chúng tôi còn tìm thấy nhau trên cõi đời này.
Tôi cười khi nhìn con cá hồi vĩ đại nhất của tôi đang lội ngược dòng. Bố nhìn lên, thấy tôi, đưa hai ngón tay lên và tiếp tục bước đi.
“Bố”, tôi gọi từ cửa xe, “Thôi, lên xe nào”.
Ông phớt lờ tôi, cầm điếu thuốc đưa lên miệng, hít một hơi thật mạnh và dài đến nổi hai cái má hóp xuống.
“Bố, đừng làm như vậy nữa. Lên xe chúng ta đi về khách sạn”.
Ông tiếp tục bước đi, nhìn thẳng về phía trước đầy bướng bỉnh. Tôi đã thấy gương mặt như thế nhiều lần trước đây, khi ông tranh cãi với mẹ vì việc đi quán rượu quá thường xuyên và hay về trễ, tranh cãi với những người bạn trong Câu lạc bộ thứ Hai về tình hình chính trị, tranh cãi tại nhà hàng khi miếng bít tết của ông không được nướng chín đen như ông muốn. Thái độ “tôi đúng anh sai” làm cái cằm ông đưa ra như tỏ thái độ thách thức. Một cái cằm phản đối, một cái đầu bồn chồn lo lắng.
“Chúng ta không nói chuyện cũng được. Bố có thể phớt lờ con khi ở trong xe. Và trong khách sạn nữa. Đừng nói chuyện với con suốt đêm, nếu điều đó làm bố dễ chịu”.
“Con thích vậy, phải không?”, ông gắt gỏng.
“Trời?”.
Ông nhìn tôi, cố không cười, chà chà mấy ngón tay vàng khói thuốc qua khóe miệng để che giấu sự mềm lòng. Khói thuốc bay lên mắt ông khiến tôi nghĩ về đôi mắt đục mờ của ông. Ngày xưa khi tôi còn nhỏ, tôi nhớ đôi mắt ông màu xanh. Ngày đó, tôi hay ngồi đung đưa chân, tay chống cằm, ngồi nhìn ông bên chiếc bàn nhà bếp. Những lúc ấy, ông không cắm cúi sửa chiếc radio, hay đồng hồ, hay phích cắm.
Cặp mắt xanh lanh lợi!
Ông ém khói thuốc giữa hai môi rồi từ từ nhả ra, khói bay cong veo, lên mắt, và có thể đã nhuộm vàng đôi mắt ông. Màu vàng đục mờ tuổi tác, giống như màu ố vàng của tờ báo theo thời gian.
Tôi nhìn ông, mà lòng sững sờ, không muốn nói, không muốn thở, không muốn phá vỡ sự cuốn hút ông đã tạo ra. Cách đây mười năm, trước lúc phẫu thuật tim, lúc đó trông ông hãy còn khá trẻ. Tay áo xắn tới khuỷu, các bắp tay rám nắng vì làm việc nhiều ở ngoài vườn, các ngón tay có thể đễ đàng cong lại hay duỗi thẳng ra. Móng tay của ông lúc nào cũng hơi dơ. Ngón trỏ tay phải và ngón giữa bị ám khói vàng vì chất nicotine trong thuốc lá. Vàng, nhưng vững chắc.
Cuối cùng, ông dừng bước. Ông ném điếu thuốc xuống đất và giậm chiếc giày lên nó. Chiếc taxi dừng lại. Tôi ném cái phao cứu sinh gần ông và chúng tôi kéo ông ra khỏi sự kháng cự và lên “thuyền”.
Luôn là người may mắn, ông giống như người bị té xuống sông, lội lên không bị ướt đã đành, mà lại còn có cá trong túi. Ông ngồi trên xe, chẳng nói với tôi chữ nào, quần áo ông, hơi thở, các ngón tay đều tỏa ra mùi thuốc lá. Tôi cắn môi cố không nói lời nào chuẩn bị ngón tay cái để … bịt tai lại khi cần thiết.
Ông đã giữ im lặng lâu kỷ lục. Mười, có thể mười lăm phút. Cuối cùng thì ông đã nói ra như thể chữ đã xếp hàng lâu lắm rồi trong một sự im lặng hiếm hoi. Như thể từ ngữ tuôn trào từ trái tim ông như thường lệ, chứ không phải từ cái đầu. Ngôn từ vọt ra từ miệng ông như thoát khỏi bức tường là đôi môi ngăn cách. Bây giờ, môi đã mở và ngôn ngữ bay ra tứ phía.
“Bố ơi, bố nói gì quá chừng thế?”.
“Con không nghe à?”.
“Có nghe, nhưng …”.
Ông dùng một số thành ngữ, tiếng lóng, từ cổ và tỏ ra thích thú khi tôi hoang mang không đoán được chính xác bố muốn nói gì.
“Anh bạn, cậu biết chính xác tôi đang nói cái gì không?”, ông gật đầu với anh tài xế.
“Anh ta đâu có nghe Bố nói”.
“Sao vậy? Lãng tai à?”.
Tôi tự dưng cảm thấy mệt mỏi. “Bố, chỗ ngồi của tài xế ngăn cách với khu vực phía sau bằng một tấm kính cách âm. Khi đèn đỏ tắt, họ không thể nghe bố nói”.
“Giống cái máy trợ thính của chú Joe”, bố trả lời, chồm người tới trước bật một cái nút trên chiếc xe. “Anh nghe tôi chưa?”, ông la lớn.
“Vâng, nghe rồi ạ!”. Người tài xế nhìn ông qua kính chiếu hậu. “Rất lớn và rõ”.
Bố cười rồi bấm tắt. “Bây giờ anh có nghe tôi không?”.
Không có tiếng trả lời, người tài xế liếc nhìn ông qua kính, nhãn trán trong khi vẫn để ý trên đường.
Bố cười thầm.
Tôi thì ôm mặt.
“Đó là cách bố hay làm với Joe”, ông nói một cách nghịch ngợm.
“Có hôm, suốt cả ngày Joe chẳng biết bố đã tắt máy trợ thính. Ông ấy chỉ nghĩ chẳng ai nói điều gì cả. Cứ mỗi nửa giờ ông lại la lên:
CHÚA ƠI, Ở ĐÂY IM ẮNG QUÁ!”. Bố cười ha hả và bật công tắc lên lại.
“Chào anh”.
“Vâng thưa ông”. Người tài xế trả lời.
“Tôi thấy đói quá. Anh có thể giới thiệu tiệm ăn nào ở gần khách sạn tôi không, để tôi có thể đi ăn mà không bị ai quấy rầy”.
Người tài xế nhìn gương mặt ngây thơ của bố trong kính, tỉnh queo, không phản ứng gì và tiếp tục lái xe.
Tôi nhìn ra chỗ khác để bố đừng bối rối. Nhưng chỉ một lúc sau, người tài xế đưa một mảnh giấy xuống.
“Đây là danh sách một số tiệm ăn. Tôi nghĩ tiệm đầu tiên rất ổn, đây là tiệm mà tôi thích nhất”.
Mặt bố sáng lên. Ông xem xét kỹ tờ giấy như thể nó là vật quý hiếm. Sau đó, ông xếp lại cẩn thận và bỏ vào túi áo một cách tự hào.
Người tài xế cười, dừng xe lại ngay khách sạn của chúng tôi.
Tôi liếc nhìn và lập tức cảm thấy trên cả hài lòng. Một khách sạn ba sao nằm ngay trung tâm thành phố, đi bộ khoảng mười phút là tới nhà hát lớn nằm trên đường Ox- ford.
Bố xuống xe, kéo túi xách đi vào cái cửa quay ở lối chính của khách sạn. Tôi nhìn theo ông trong khi chờ người tài xế thối tiền. Cái cửa quay khá nhanh. Tôi thấy ông đang cố gắng bắt nhịp vào. Ông nhích tới một chút lại dừng, nhích tới chút rồi lại dừng. Cuối cùng ông chạy ào vào và túi xách bị kẹt bên ngoài, làm cái cửa đứng lại nhốt ông bên trong.
Tôi nghe tiếng bố gõ gõ cửa kính. “Xin ai đó giúp đỡ!”. Ông gọi.
Tôi vội vã đi vào nhưng ông cũng vừa tự “thoát” được ra.
“Tôi không thể đưa cho cô thẻ tín dụng nhưng tôi có thể cho cô lời đảm bảo”, bố nói lớn với người phụ nữ sau quầy tiếp tân. “Lời nói của tôi cũng đáng giá như danh dự của tôi”.
“Vâng, đây chị”. Tôi đưa thẻ tín dụng vào quầy cho người phụ nữ trẻ.
“Tại sao bây giờ người ta không trả bằng tiền mặt?”. Bố nói, dựa và quầy tiếp tân. “Bọn trẻ ngày nay tự chuốt lấy phiền phức cho mình, nợ chồng nợ bởi vì họ muốn như vậy. Họ muốn như vậy nhưng họ không muốn làm việc để có tiền. Vì vậy họ sử dụng miếng nhựa này. Ô, đây không phải là tiền thật của mình, tôi có thể nói với cô như vậy”. Ông gật đầu dứt khoát.
Không ai phản ứng gì.
Người phụ nữ tiếp tân cười với ông một cách lịch sự và quay sang máy vi tính. “Hai người ở cùng phòng?”, cô hỏi.
“Vâng”, tôi trả lời.
“Giường đơn, tôi hi vọng thế?”.
“Vâng, hai giường đơn”.
“Đồng bộ không?”. Ông chồm người tới trước cố xem tên của cô tiếp tân trên bảng tên. “Breda?”, ông hỏi.
“Vâng thưa ông, tất cả các giường đều đồng bộ”, cô nói lịch sự.
“Ô”, ông nói. “Tôi hi vọng thang máy còn hoạt động. Tôi không thể xách hành lý lên cầu thang bộ được”.
“Thang máy hoạt động rất tốt, ông Conway”.
Tôi cầm chìa khóa đi thẳng đến thang máy, nghe ông lặp đi lặp lại câu hỏi không ngừng. Tôi nhấn nút lầu ba.
Cái phòng đúng tiêu chuẩn, sạch sẽ. Đối với tôi như vậy là ổn. Hai cái giường cách xa nhau, có tivi, và một cái quầy rượu nhỏ mà ông rất quan tâm trong khi tôi đi vào phòng tắm.
“Bố uống tí rượu”, ông nói.
Tôi thả mình vào làn nước ấm êm dịu. Bọt xà phòng vung lên như miệng ly kem đầy. Nó mơn trớn mũi tôi, bao phủ thân thể tôi, chảy tràn xuống mặt nền phòng tắm và vỡ ra tạo nên những tiếng động nhỏ nhỏ. Tôi nằm xuống bồn tắm, nhắm mắt lại, cảm thấy những bong bóng nhỏ nở khắp người …
Có tiếng gõ cửa.
Tôi phớt lờ.
Lại tiếng gõ cửa, lớn hơn.
Tôi vẫn không trả lời.
RẦM! RẦM!.
“Gì thế bố ơi?”, tôi la lên.
“Ồ, xin lỗi, tưởng con ngủ quên”.
“Con đang tắm mà”.
“Bố biết. Nhưng con phải cẩn thận với cái bồn tắm đó. Có thể ngủ gật, trượt người vào nước và chết ngạt. Điều đó từng xảy ra với em họ của Amelia rồi.
Con biết Amelia chứ. Đến thăm Joseph đôi lần, nhà phía cuối đường”.
“Bố, cám ơn bố đã quan tâm nhưng con ổn mà”.
“Ừ”.
Im lặng.
“Thật sự không phải vậy, Gracie. Bố đang lo không biết con ở trong đó bao lâu nữa?”.
Tôi bực tức chộp lấy con vịt cao su màu vàng đang đặt cạnh bồn tắm và …
bóp cổ nó.
“Con yêu?”, ông hỏi giọng nhỏ hơn.
Tôi đè con vịt xuống nước, cố làm cho nó “chết đuối”. Nhưng khi tôi buông tay ra, nó lại nổi lên, cặp mắt ngu ngơ nhìn vào tôi. Tôi hít một hơi dài và thở ra chậm rãi.
“Khoảng hai mươi phút, bố! Cỡ vậy được không?”.
Im lặng.
Tôi nhắm mắt lại lần nữa.
“Con … Con đã ở trong đó hai mươi phút rồi, và con biết người già như bố hay có vấn đề về tiết niệu mà …”.
Tôi không nghe thấy gì cả vì đang bận nằm trong bồn tắm. Hai chân cọ cọ làm nước văng tóe khắp nơi.
“Mọi chuyện trong đó ổn hả con?”.
Lại tiếng bố.
Tôi đành quấn khăn choàng quanh người, mở cửa.
“A, con đã được tự do”, ông cười, nói như reo.
Giờ thì đành phải làm một động tác đưa tay về hướng phòng tắm. “Xin mời ngài!”.
Ông bước vào trong và đóng ngay cửa lại.
Uớt, run lẩy bẩy, tôi lướt qua chai rượu vang đỏ còn phân nửa trong tủ bar.
Tôi lấy lên một chai và xem nhãn hiệu.
Ngay tức khắc, một hình ảnh lóe lên trong đầu tôi, rất rõ ràng, tôi cảm thấy như toàn thân bay đi.
Một túi xách với cái chai bên trong, nhãn mác chính hiệu, miếng vải ca rô sọc đỏ trắng trải trên cỏ, một bé gái tóc bạch kim đang xoay vòng rất nhanh trong váy ngắn màu hồng. Rượu cũng xoay vòng, xoay vòng trong cái ly. Tiếng cười của cô bé. Tiếng chim hót líu lo. Mắt cá chân. Tôi cảm thấy mặt trời đốt làn da, bé gái nhảy múa xoay vòng dưới ánh nắng mặt trời, đôi khi che khuất ánh sáng, đôi khi xoay tròn theo nhiều hướng. Một bàn tay xuất hiện trước mặt tôi, trong tay là ly rượu đỏ. Tôi nhìn cô ta. Tóc đỏ, có chút ít tàn nhang, cười trìu mến với tôi.
“Justin”, cô hát. “Hãy đến với Justin”.
Cô bé gái cười và xoay vòng quanh, rượu cũng xoay vòng, mái tóc đỏ dài bay trong gió nhẹ ….
Sau đó thì tất cả biến đi. Tôi quay trở lại là chính mình trong phòng khách sạn, đứng trước quầy bar mini, nước từ tóc tôi nhỏ xuống tấm thảm. Bố đang chăm chú nhìn, nhìn tôi một cách tò mò, tay lơ lửng trên không như thể ông không biết là có nên đụng vào tôi hay không.
“Hãy đến với Joyce”, ông hát.
Tôi tằng hắng. “Bố xong rồi à?”.
Bố gật đầu và nhìn theo tôi vào phòng tắm. Trên lối vào, tôi dừng và quay lại. “Nhân tiện, con đã đặt vé cho buổi ba lê tối nay. Chúng ta sẽ rời khỏi đây trong một giờ nữa”.
“Được rồi, con!”, ông gật đầu nhẹ nhàng, nhìn theo tôi với đôi mắt lo lắng.
Tôi đã thấy ánh nhìn này khi tôi còn bé. Tôi đã thấy ánh nhìn này cả khi tôi đã lớn lên. Hàng triệu lần như vậy. Ánh mắt đó cũng giống như lúc ông giữ thăng bằng cho tôi khi mới tập chạy xe đạp. Ông giữ chặt chiếc xe, sợ buông tay ra thì tôi ngã mất.

 


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.