“Giáo sư Hitchcock”, tiến sĩ Fields đến bên Justin – lúc này đang bận rộn sắp xếp lại những tờ giấy ghi chú bài giảng của mình trên bàn giáo viên, trong lúc sinh viên nghỉ giải lao 5 phút.
“Xin cứ gọi tôi là Justin đi tiến sĩ!”.
“Thế thì anh cũng gọi tôi là Sarah nhé!”, cô thân thiện chìa tay ra.
“Rất vui được làm quen với cô, Sarah!”.
“Tôi chỉ muốn hỏi thăm cho chắc chắn là lát nữa chúng ta sẽ gặp nhau chứ?”.
“Lát nữa à?”.
“Vâng, lát nữa. Tức là … sau khi anh dạy xong ấy!”, cô mỉm cười.
Ôi … Có phải là cô ta đang “ngỏ ý” gì đó với mình không nhỉ? Nói gì đi chứ.
Justin. Nói xem nào.
“Tuyệt quá! Một cuộc hẹn thì quả là … rất tuyệt!”.
Cô giảng viên mím môi lại như cố nén một nụ cười. “Được rồi, vậy tôi sẽ gặp anh ở cổng chính, lúc 6 giờ, sau đó tôi đưa anh đến chỗ của tôi …”.
“Đưa tôi đi đâu cơ?”.
“Đến chỗ chúng tôi sắp xếp một xe hiến máu nhân đạo lưu động ấy mà. Nó ngay bên cạnh sân bóng bầu dục, nhưng tôi sẽ rất vui nếu tự mình đưa anh tới đó”.
“Xe hiến máu …?”, ngay lập tức anh thấy mình như chới với trong cảm giác kinh hãi đến phát ốm. “À, tôi không nghĩ rằng …”.
“Sau đó chúng ta sẽ đi ra ngoài uống chút gì nhé?”, nữ tiến sĩ điềm nhiên nói tiếp.
“E hèm, cô biết không … Tôi vừa mới trải qua một trận cúm. Vì thế, tôi không nghĩ rằng tôi phù hợp để tới hiến máu lúc này …”. Anh rụt tay lại và nhún vai.
“Anh có đang uống thuốc kháng sinh?”.
“Không. Nhưng đó là ý hay đấy, Sarah. Có lẽ tôi nên …”.
Bất giác, anh đưa tay lên vuốt cổ họng của mình.
“Tôi nghĩ rằng anh sẽ ổn thôi!”, cô khoe một nụ cười đến tận mang tai.
“Không … cô biết đấy, tôi mới bị mắc mấy thứ bệnh dễ lây nhiễm thời gian gần đây. Sốt rét, đậu mùa, vô số thứ. Tôi đã ở khu vực nhiệt đới mà …”. Anh nhớ đến cái danh sách “chống chỉ định”, không được phép cho máu. “Và anh trai tôi … Vâng, anh ta bị mắc bệnh phong!”.
“Một lời nói dối không đâu vào đâu. Hừm, không đâu vào đâu, không đâu vào đâu.”.
“Thật sao?” cô nhướng mày.Và mặc dù đang “chiến đấu” với chuyện hiến máu bằng tất cả ý chí, Justin vẫn không thể không nở một nụ cười.
“Anh rời Mỹ cách đây bao lâu rồi?”.
Phải suy nghĩ cẩn thận, có thể đây là một câu hỏi bẫy.
“Tôi chuyển tới London cách đây ba tháng”, cuối cùng anh cũng có được một câu trả lời thành thật.
“Ồ, thật may mắn cho anh! Nếu trong vòng hai tháng thì anh nằm trong số không thể hiến máu rồi!”.
“Khoan đã, khoan đã … Để tôi nhớ xem …”. Anh đưa tay gãi gãi cằm và ra vẻ cố nghĩ thật kỹ lẩm bẩm hú họa các tháng như thể đang tính toán lại.
“Có lẽ là hai tháng trước. Nếu tính từ thời điểm tôi tới nơi … Khi tôi đi làm, tính ngược lại thì …”. Anh kiếm cách nói lòng vòng trong khi đang nhẩm tính bằng ngón tay và nhìn chăm chăm vào khoảng không với đôi lông mày nhíu lại đầy vẻ tập trung.
“Anh sợ à, giáo sư Hitchcock?”, cô mỉm cười.
“Sợ? Không!” Anh ngửa cổ cười phá lên. “Nhưng tôi đã đề cập tới chuyện tôi từng nhiễm sốt rét rồi mà, phải không?”, anh thở dài, ngưng cười trước vẻ nghiêm túc của cô. “Thôi, tôi hết ý kiến rồi!”.
“Tôi sẽ gặp anh ở cổng lúc 6 giờ. Đừng quên ăn chút gì trước đó!”.
“Tất nhiên, bởi vì tôi sẽ đói cồn cào cả ruột trước cái hẹn của tôi với một cây kim giết người bự chảng”, anh lẩm bẩm trong lúc nhìn theo bóng cô đi khuất.
Đám sinh viên bắt đầu lục tục kéo nhau vào đầy phòng trở lại. Justin cố giấu nụ cười mãn nguyện trên gương mặt trộn lẫn đủ mọi cảm xúc của mình. Nói gì thì nói, cuối cùng đây cũng là lớp học của anh!
Được rồi, những người bạn bé nhỏ rúc ra rúc rích của ta. Đây sẽ là khoảng thời gian trả đũa ra trò.
Anh bắt đầu ngay dù sinh viên có nhiều người còn chưa ổn định chỗ ngồi.
“Nghệ thuật …”, anh nhấn rành mạch từng chữ trong giảng đường, và anh nghe thấy cả tiếng sột soạt của bút chì của giấy ghi chép được lôi ra từ cặp sách bên dưới, tiếng mở khóa cặp, tiếng kéo vội dây kéo túi xách, tiếng những hộp bút chì bằng thiếc mở ra; tất cả đều thật mới mẻ trong ngày đầu tiên. Tất cả đều sạch bong không tì vết.
“Những sản phẩm đó con người sáng tạo ra”. Anh không muốn vòng vo để cho những sinh viên của mình có thời gian bắt kịp, dù thật ra đầu tiết thường là khoảng thời gian thầy trò vui vẻ, với nhau chút ít. Lời giảng của anh nhanh hơn.
“Sự sáng tạo nên những gì đẹp đẽ hoặc những thứ có ý nghĩa …”. Anh bước đi trên bục trong khi nói, vẫn còn nghe tiếng lách cách mở cặp và kéo dây kéo túi xách bên dưới.
“Thưa thầy, thầy có thể nói lại lần nữa …?”.
“Không!”, anh cắt ngang, “Kỹ thuật”, anh tiếp tục, “sự ứng dụng kiến thức khoa học vào công nghiệp hoặc thương mại …”. Bây giờ, dưới các hàng ghế đã hoàn toàn trật tự.
“Sự sáng tạo và tính thực tiễn. Thành quả của việc liên kết giữa hai điều ấy chính là kiến trúc”.
Nhanh hơn nữa Justin, giảng nhanh hơn nữa!
“Kiến trúc là sự biến đổi những ý tưởng trong quy luật tự nhiên thành hiện thực. Sự phức tạp và những kết cấu được thiết kể công phu của một vật nào đó, có liên quan đặc biệt đến một giai đoạn trong lịch sử. Để hiểu kiến trúc là gì, ta phải xem xét mối quan hệ giữa kỹ thuật, khoa học và xã hội”.
“Thưa thầy, thầy có thể …”.
“Không!”. Anh nói thế nhưng vẫn “chịu khó” chậm hơn một chút. “Chúng ta xem xét làm cách nào một công trình kiến trúc qua nhiều thế kỷ vẫn mang dáng dấp thể hiện rõ về xã hội. Làm cách nào để nó tiếp tục làm được điều ấy, hoặc cũng có thể là làm cách nào kiến trúc quay ngược lại định hình nên xã hội”.
Anh ngừng giảng, nhìn những gương mặt trẻ măng xung quanh đang tròn mắt nhìn chằm chằm vào anh. Những cái đầu trống rỗng đang chờ được lấp đầy.
Quá nhiều thứ để học, quá ít thời gian để làm được điều đó. Chỉ cần một chút đam mê, những cô cậu sinh viên ấy có thể hiểu được một cách chân thật nhất.
Công việc của anh truyền niềm đam mê cho sinh viên. Anh chia sẻ với chúng những kinh nghiệm từ các chuyến đi, kiến thức của anh về những kiệt tác vĩ đại của nhiều thế kỷ trước.
Anh sẽ dẫn dắt chúng đi từ các giảng đường của trường cao đẳng Dublin đầy danh tiếng đến những căn phòng của Bảo tàng Louvre, giúp chúng như nghe tiếng vọng của những bước chân mình khi qua thánh đường của Thánh Denis, Thánh Germainđes- Prés và Thánh Pierre ở Montmartre. Chúng sẽ không chỉ biết được niên hiệu và những con số thống kê mà còn ngửi được mùi sơn toát ra từ những bức họa Picasso, cảm giác về những phiến đá cẩm thạch Ba- rốc, âm thanh của tiếng chuông thánh đường NotreĐame.
Chúng sẽ trải nghiệm tất cả nhưng điều ấy, ngay ở đây, trong lớp học này.
Anh sẽ mang lất cả những điều ấy đến cho chúng.
Sinh viên đang nhìn mình chằm chằm kìa, Justin. Phải nói điều gì đó đi.
Anh tằng hắng giọng. “Khóa học này sẽ dạy cho các bạn làm cách nào để phân tích tác phẩm nghệ thuật và làm cách nào để hiểu được ý nghĩa lịch sử của chúng. Nó cũng giúp các bạn phát triển nhận thức về môi trường, đồng thời cung cấp cho bạn những xúc cảm sâu sắc hơn về văn hóa, tư tưởng của các dân tộc khác. Các bạn cũng sẽ có được cái nhìn bao quát về nhiều lĩnh vực rộng lớn như: lịch sử hội họa, điêu khắc, kiến trúc từ thời Hy Lạp cổ đại đến thời hiện đại, nghệ thuật của người Ai- len thuở sơ khai, về những họa sĩ thời kỳ Phục hưng, thánh đường Gô- tích vĩ đại ở châu Âu, những kiến trúc tráng lệ, lộng lẫy huy hoàng của vương triều các vua George ở Anh. Và cả những thành quả nghệ thuật của thế kỷ hai mươi”.
Anh ngưng lại, cho phép sự im lặng lan ra. Chúng – các sinh viên của anh – đang cảm thấy đầy ắp sự nuối tiếc với những gì mới nghe được, vì giờ đây mới được biết đến. Những kiến thức đó sẽ thành ưu tiên hàng đầu với chúng suốt bốn năm kế tiếp? Hay trái tim chúng đang đập loạn xạ những nhịp điên cuồng đầy phấn khích như anh đã từng, khi chỉ cần thoáng nghĩ đến tất cả những điều mình sắp được học?
Ngay cả sau từng ấy năm, anh vẫn cảm thấy nguyên vẹn một cảm giác say mê nhiệt thành, đầy phấn khích với những tòa nhà, những bức tranh, những tác phẩm điêu khắc trên thế giới. Sự hồ hởi này thường làm anh muốn nín thở suốt bài giảng. Anh phải nhắc nhở mình nói chậm, không tuôn tràn ra cho sinh viên tất cả mọi thứ cùng một lúc. Mặc dù anh thật sự muốn chúng biết được mọi thứ, ngay bây giờ!
Anh nhìn lần nữa gương mặt của các sinh viên bên dưới và tưởng chừng mình đã làm nên một điều kỳ diệu.
Mình đã có chúng. Chúng đang nuốt lấy từng chữ của mình, chỉ khao khát được nghe nhiều hơn nữa. Mình đã làm được điều đó. Chúng đã nằm trong “quyền lực” của mình.
Một ai đó đột nhiên bật ra tiếng đánh rắm đầy giễu cợt và cả căn phòng vỡ òa những tiếng cười.
Anh thở dài, cả quả bóng nhiệt huyết đầy ảo tưởng của anh tan tành không thương tiếc. Anh tiếp tục bài giảng của mình với một giọng đầy chán ngàn.
“Tên tôi là Justin Hitchcock. Trong những bài giảng đặc biệt tôi được mời thỉnh giảng suốt khóa học này, các bạn sẽ được học phần giới thiệu về hội họa châu Âu, như hội họa thời kỳ Phục hưng ở nước Ý, trường phái ấn tượng Pháp. Khóa học này cũng bao gồm các bài phân tích, bình luận về hội họa, sự quan trọng của việc mô tả bằng hình tượng và những phương pháp kỹ thuật khác nhau được các họa sĩ sử dụng từ tác phẩm kinh điển của Kells đến thời hiện đại này. Cũng sẽ có một phần giới thiệu về kiến trúc Châu Âu, những đền đài Hy Lạp còn lại đến tận ngày nay, vân vân và vân vân … Hai bạn nào tình nguyện lên đây treo giúp tôi những thứ này lên”.
Vậy là lại một năm khác. Giờ anh không còn ở nhà, tại Chicago. Anh đã đuổi theo người vợ cũ và cô con gái đến sống ở London và đã từng bay tới bay lui giữa nơi London với Dublin để thực hiện những bài giảng được mời thỉnh giảng. Có lẽ là một đất nước khác, nhưng những lớp học thì đều giống nhau.
Tuần lễ đầu tiên và những trò tinh quái. Là một nhóm khác, nhưng cũng vẫn lại thể hiện sự thiếu hụt một cách non nớt khả năng hiểu được cảm xúc của anh:
cố tình quay lưng với cơ hội có thể – à không, không phải cơ hội có thể mà là một việc chắc chắn hoàn toàn – để học được một điều gì đó thật tuyệt điệu và đẹp đẽ.
Bất kể mình giảng với chúng cái gì lúc này, thì ở đây, bây giờ điều duy nhất mà chúng nhớ và sẽ mang theo khi về nhà chỉ là tiếng đánh rắm chọc cười khi nãy.