Tôi từ từ mở mắt.
Một luồng sáng lóa hết mọi thứ. Mãi một lúc, mọi vật xung quanh mới bớt nhòe nhoẹt để trở về trạng thái bình thường. Luồng sáng lóa mắt cũng dịu hơn.
Bây giờ là màu hồng cam. Tôi đảo mắt nhìn xung quanh. Tôi đang ở trong bệnh viện. Một cái tivi được treo cao cao trên tường. Màn hình nhập nhoạng màu xanh lá cây. Tôi định thần và tập trung hơn. Những con ngựa … Vượt chướng ngại vật và đang đua …
Chắc hẳn bố đang ở trong phòng. Tôi hạ tầm nhìn thấp hơn. Đây rồi, bố đang ngồi trên một chiếc ghế bành, quay lưng lại phía tôi, ông nắm tay lại, đấm khẽ vào thành ghế. Từ sau lưng ghế, tôi thấy chiếc nón lưỡi trai bằng vải tuýt của ông cứ nhấp nhô ẩn hiện theo từng động tác nhấp nhổm. Lớp lò xo bên dưới ghế cứ kêu cót két.
Một trận đua ngựa trong yên lặng. Đúng là bố! Còn tôi, mọi thứ giống như một bộ phim câm diễn ra trước mắt tôi, tôi cũng yên lặng quan sát ông. Tôi tự hỏi sao đôi tai mình chẳng cho phép mình nghe thấy thanh âm gì của bố hết.
Bây giờ, bố nhấp nhổm trên chiếc ghế còn nhanh hơn hồi trước đây mỗi khi xem đua ngựa. Rồi bố giơ cả nắm tay lên phía tivi, cứ như đang thúc ngựa trong yên lặng.
Bất chợt, cái tivi bỗng trở nên tối đen. Hai nắm tay của bố mở ra và bố giơ cả hai cánh tay lên trong không khí, ngước mắt lên trần nhà cầu khẩn. Rồi bố đút tay vào túi quần, mò mẫm kéo ra một thứ gì đấy. À, hai cái túi của chiếc quần tây màu nâu trống rỗng. Bố đang lộn ngược cả túi quần ra ngoài để trông cho rõ xem có gì không. Tôi thấy bố vỗ nhẹ vào ngực áo, nhận ra tiền vẫn còn để đó. Rồi ông kiểm tra trong túi nhỏ của chiếc áo len màu nâu. Càu nhàu gì đấy. Tôi không nghe được gì cả, như là … tôi không có tai vậy.
Ông quay sang để tìm chiếc áo khoác ngoài nằm cạnh tôi và tôi nhắm ngay mắt lại.
Tôi vẫn chưa sẵn sàng để đón nhận hiện tại. Sẽ chẳng có chuyện gì xảy ra, cho tới lúc mọi người cho tôi biết sự thật. Tối hôm qua sẽ vẫn chỉ là một cơn ác mộng hãi hùng trong đầu tôi thôi, cho đến khi mọi người nói với tôi đó là sự thật. Tôi nhắm mắt càng lâu thì mọi việc sẽ càng giữ nguyên trong hoàn cảnh như thế này lâu. Niềm hạnh phúc của sự không- biết- gì- cả.
Tôi nghe tiếng bố lục lọi quanh chiếc áo khoác ngoài. Tiếng sột soạt. Âm thanh leng keng của những đồng xu rơi tụt vào khe bỏ tiền tự động của chiếc tivi. Tôi đánh liều mở mắt lần nữa và thấy ông đã quay lưng lại phía tôi, ngồi trong chiếc ghế bành, chiếc mũ lưỡi trai lại nhấp nhô lên xuống nắm tay lại giơ lên, đấm vào không khí.
Có một tấm màn nằm ngay bên phải tôi, nhưng tôi có thể chắc chắn rằng tôi đang nằm cùng phòng với nhiều người khác nữa. Tôi không biết cụ thể là bao nhiêu người. Tất cả đều yên lặng. Không khí trong phòng đặc quánh, ngột ngạt với mùi mồ hôi lâu ngày. Những khung cửa sổ bằng kính to đùng chiếm hết phần tường bên trái đều bị đóng lại, ánh sáng quá chói mắt nên tôi không thể nhìn ra ngoài. Tôi mất một lúc điều tiết mắt mình cuối cùng mới thấy. Một chiếc xe buýt dừng lại trên đường. Người phụ nữ đang đứng chờ ở điểm đỗ xe, những chiếc túi mua sắm đặt dưới chân. Cô ấy bồng một em bé bên hông. Hai cái chân trần mũm mĩm của đứa trẻ ánh lên trong ánh nắng mùa hè …
Tôi quay đi ngay lập tức. Bố đang nhìn tôi, ông dựa người hẳn qua một bên cửa chiếc ghế bành, ngoái cổ lại đằng sau, trông giống như một đứa trẻ nhoài ra khỏi cái giường cũi của nó.
“Chào con gái”.
“Chào bố!”. Tôi cảm thấy như đã không nói gì trong một thời gian dài, và tôi ngỡ tiếng nói của mình sẽ nghe khàn khàn, đùng đục. Nhưng không. Giọng của tôi trong, rõ và nhẹ nhàng tuôn ra như một dòng mật ngọt. Như thể không hề có chuyện gì từng xảy ra. Nhưng không thể không có chuyện gì từng xảy ra. Chỉ là chưa thôi. Cho đến khi mọi người nói cho tôi biết.
Với cả hai cánh tay đặt trên thành ghế, bố từ từ nhấc mình đứng dậy. Giống như một chiếc bập bênh, ông lúc lắc người lên xuống để đi đến phía bên kia giường. Xuống lên, lên – xuống. Ông sinh ra với một chân khập khiễng, chân bên trái dài hơn chân bên phải. Bất chấp có đôi giày đặc biệt được tặng năm ngoái, bố vẫn cứ lắc lư theo một động tác chuyển động mà bố đã phải làm quen dần suốt từ khi bắt đầu tập đi.
Bố ghét mang những đôi giày đó. Bất chấp những cảnh báo của chúng tôi, lo ngại rằng bố có thể bị đau lưng, bố vẫn quay về với tư thế đi như trước giờ vẫn thế. Tôi thấy mình thân quen lắm với hình dáng của bố cứ lên xuống, lên xuống khi đi. Tôi hồi tưởng lại cái thuở mình còn là một cô bé con, được bố cầm tay đi dạo. Nhờ cái cách mà cánh tay tôi chuyển động nhịp nhàng, hoàn hảo theo nhịp chân của bố. Bị kéo lên khi ông bước chân phải xuống, bị kéo xuống khi ông bước chân trái lên.
Ông luôn luôn rất mạnh mẽ. Luôn luôn có thể làm mọi việc. Luôn luôn chữa được mọi thứ bị hỏng. Nhấc mọi thứ lên, sửa sang vật dụng. Luôn luôn cầm một cái tuốc- na- vít trên tay, mở các loại máy móc ra thành từng phần và gắn chúng trở lại – nào remote, nào rađiô, nào đồng hồ báo thức, nào phích cắm điện. Một người đàn ông bị tật nhưng làm được tất cả mọi thứ trên đời. Hai chân bố không đều nhau, nhưng đôi tay của ông luôn luôn và mãi mãi chắc như đá, sẵn sàng cho mọi thứ.
Bố giở cái nón lưỡi trai ra khi ông đến bên cạnh tôi, nắm chặt lấy nó bằng cả hai tay, rồi quay nó vòng vòng giống như một cái bánh xe đang chuyển động trong lúc ngắm tôi một cách chăm chú. Ông đứng trên chân phải rồi ngồi xuống gập chân trái lại. Đó là tư thế ngồi thư giãn của ông.
“Con thấy … À … ừm … Họ nói với bố rằng … À …”. Ông tằng hắng giọng. “Họ nói với bố rằng …”. Ông nuốt nước bọt một cách khó khăn, hai hàng chân mày rậm đen, dày, mọc lộn xộn của ông tạo nên một đường sậm trên khuôn mặt, ông cố giấu đôi mắt nhòe nước, “Con đã mất … con đã mất … ừm …”.
Môi tôi run bần bật.
Giọng nói của bố vỡ ra khi bố lặp lại lần nữa. “Con mất rất nhiều máu.
Joyce. Họ ….”. Ông chuyển cái mũ lưỡi trai qua một tay và làm nó quay tròn với một ngón tay khum cong cong, cố gắng để nhớ. “Họ đã tiếp cho con máu của một số người giấu tên hiến máu. Vì thế con … Ừm … hiện giờ con đã ổn với đủ lượng máu”.
Môi dưới của tôi vẫn run bần bật và hai bàn tay tôi tự động áp lên bụng, để xem có gì còn phồng lên bên dưới lớp chăn không. Tôi nhìn bố đầy hi vọng, chỉ kịp nhận ra rằng mình vẫn đang cố bám víu biết bao cái hi vọng mong manh, cố thuyết phục mình biết bao rằng chuyện khủng khiếp xảy ra chỉ là một cơn ác mộng.
Có thể chỉ là tôi đã tưởng tượng ra sự im lặng đáng sợ của con tôi – sự im lặng đã bao trùm lên cả căn phòng vào khoảnh khắc cuối cùng hôm qua. Có thể đã có tiếng khóc mà tôi không nghe. Tất nhiên có thể chứ … Lúc đó, tôi không còn sức lực và lịm đi dần … Có thể tôi đã không nghe thấy thanh âm yếu ớt kỳ diệu đầu tiên của sự sống, điều mà một người nào đó khác đã được chứng kiến.
Bố lắc đầu buồn bã. Không! Có cái gì đó xáo động mạnh trong tôi. Môi tôi càng run bần bật dữ đội hơn, nó cứ bật lên bật xuống và tôi không thể ngừng nó lại được. Cả người tôi lẩy bẩy và tôi cũng không thể ngừng nó lại được. Nước mắt … Khóc được thì tốt biết bao, nhưng tôi phải ngăn không cho chúng rơi ra.
Nếu tôi bắt đầu khóc lúc này, tôi biết rằng mình sẽ chẳng bao giờ ngừng khóc được.
Tôi tạo ra một thanh âm gì đó. Một thứ thanh âm bất thường mà tôi chưa từng bao giờ nghe trước đây. Rên rỉ. Run rẩy kêu ư ử trong cuống họng. Kết hợp cả hai lại với nhau. Bố nắm chặt lấy tay tôi và giữ nó thật chặt. Chính cái cảm giác về làn da của ông đã mang tôi quay trở lại cuộc sống tối hôm qua, khi tôi đang nằm ở chân cầu thang. Ông không nói gì cả. Một người có thể nói cái gì vào tình huống như thế này? Tôi chưa từng biết.
Tôi trải qua những giấc ngủ lơ mơ gà gật. Cứ hễ thức dậy tôi lại nhớ ra cuộc nói chuyện với bác sĩ và tự hỏi phải chăng nó chỉ là một giấc mơ. Cô đã mất đứa con của mình, Joyce, chúng tôi đã làm tất cả những gì có thể … Truyền máu … Ai cần nhờ đến những việc như thế chứ? Không ai cả. Ngay cả tôi cũng vậy.
Khi tôi thức dậy lần nữa, bức màn bên cạnh tôi đã được kéo lại. Có ba đứa trẻ đang chạy đuổi theo một đứa bé khác quanh giường, trong khi cha của chúng – tôi đoán thế – bảo chúng dừng lại bằng một thứ ngôn ngữ tôi không nhận ra.
Mẹ của chúng – có lẽ là vậy – đang nằm trên giường. Chúng tôi nhìn nhau và mỉm cười. Tôi biết chị cảm thấy thế nào – nụ cười buồn rầu của cô ấy như đang nói – Tôi biết chị cảm thấy thế nào.
Chúng ta làm gì bây giờ? Nụ cười của tôi như trả lời cô ấy.
Tôi không biết! Ánh mắt cô ấy lại nói với tôi. Tôi không biết!
“Chúng ta sẽ ổn chứ?”.
Cô ấy quay đầu đi, không nhìn tôi nữa. Nụ cười của cô ấy cũng biến mất.
Bố bỗng hỏi vọng qua, “Hết cả gia đình đông đúc các bạn từ đâu đến vậy?”.
“Xin lỗi, ông nói gì?”, người chồng hỏi.
“Tôi nói là hết cả gia đình đông đúc các bạn từ đâu đến vậy?”, bố lặp lại.
“Chắc không phải là gần đây rồi”. Giọng của bố thật thân thiện, gần gũi và dễ chịu. Không hề ẩn chứa chút ý định xúc phạm nào. Hoàn toàn không hề ẩn chứa chút ý định xúc phạm nào, dù nhỏ nhất.
“Chúng tôi từ Nigeria”, người đàn ông trả lời.
“Nigeria”, bố hỏi lại. “Nó ở đâu nhỉ?”.
“Châu Phi”, giọng người đàn ông cũng thật dễ chịu. Chỉ là một ông già rất thèm được nói chuyện, đang cố gắng tỏ ra thật thân thiện, anh nhận ra thế.
“À, châu Phi. Tôi chưa từng bao giờ đến đấy, ở đấy nóng lắm phải không?
Tôi nghe mọi người nói thế. Nóng hơn ở đây. Dễ dàng có được một làn da rám nắng tuyệt đẹp, nhưng tôi nghĩ ông chẳng cần đến nó đâu!”. Và bố cười, “Ở đây các bạn có thấy lạnh không?”.
“Lạnh á?”, người đàn ông châu Phi mỉm cười.
“Vâng …”. Bố choàng hai tay tự ôm lấy người mình và giả vờ run lên vì lạnh.
“Có lạnh không?”.
“Có”, người đàn ông cười thành tiếng. “Thỉnh thoảng tôi thấy lạnh”.
“Tôi cũng nghĩ vậy. Tôi ở đây mà còn thấy lạnh nữa là …”, bố giải thích.
“Những cơn ớn lạnh cứ luồn lách ngay trong xương tôi ấy. Nhưng tôi cũng không phải là người thích khí hậu nóng cho lắm. Da cứ đỏ lên, rồi cháy nắng.
Con gái tôi. Joyce, cũng đang sạm đen đi. Con tôi nằm ở đằng kia kìa”. Bố chỉ về phía tôi và tôi nhắm mắt lại ngay.
“Một cô con gái rất đáng yêu”, người đàn ông nói một cách thật lịch sự.
“Ừ, nó đấy!”. Một không khí im lặng bao phủ. Tôi đoán là họ đang nhìn mình. “Vài tháng trước, nó sống ở một hòn đảo ở Tây Ban Nha và trở nên sạm đen như thế. Ừ, không đen bằng anh. Anh biết không, nó tắm nắng. Nhưng rồi da bị lột, bong tróc ra. Có lẽ anh không bị lột da nhỉ?”.
Người đàn ông bật cười lịch thiệp. Bố là vậy. Chẳng bao giờ làm điều gì hại ai nhưng cũng chẳng bao giờ rời đất nước của mình trong suốt cả cuộc đời. Vì sợ đi máy bay mà ông chẳng dám đi đâu. Hoặc đó là cách ông nói như thế.
“Nói gì thì nói, tôi chỉ hi vọng cô con gái đáng yêu của ông sớm khỏe lại.
Thật là khủng khiếp khi bị ốm”.
Vì câu nói ấy, tôi mở mắt ra.
“À, chào mừng con tỉnh dậy, con yêu. Bố vừa mới nói chuyện với những người bạn cùng phòng đáng quý của chúng ta”.
Ông lại khập khiễng đi đến bên tôi, chiếc mũ lưỡi trai vẫn cầm trên tay. Từ từ hạ chân phải, ngồi xuống gập chân trái lại. “Anh biết không, tôi nghĩ chỉ có chúng tôi là người Ai- len trong cái bệnh viện này thôi. Cô y tá mới ở đây vài phút, cô ấy từ nước gì … nước gì mà tên là sing- a- song, hay đại loại giống giống như thế!”.
“Singapore đó bố!”. tôi mỉm cười.
“Vâng, đúng nó đấy!”. Bố nhướng mày. “Anh gặp cô ấy rồi chứ, phải không? Họ đều nói tiếng Anh, mặc dù họ lại là người nước ngoài. Chắc chắn chẳng có gì chán hơn là suốt chuyến du lịch nước ngoài cứ phải sử dụng thứ ngôn ngữ ký hiệu, ra dấu tay chân …”. Ông đặt chiếc mũ lưỡi trai xuống giường và ngọ nguậy ngón tay xung quanh.
“Bố …”, tôi mỉm cười, “Cả đời bố có bao giờ rời đất nước của mình đâu!”.
“Chẳng phải mấy chú ở Câu lạc bộ thứ Hai vẫn hay nói với nhau như thế sao? Chú Frank từng đến đó tuần trước. Ồ, cái nơi gì ấy nhỉ?”. Bố nhắm mắt và suy nghĩ rất chăm chú. “Cái chỗ gì mà họ làm sôcôla …?”.
“Thụy Sĩ hả bố?”.
“Không”.
“Bỉ?”.
“Không”, bố đầy vẻ thất vọng. “Tên nó giống tên loại sôcôla cơ. Loại sôcôla tên gì mà có những viên nhỏ nhỏ tròn tròn, có nhân cứng giòn bên trong. Lúc con lấy cái hộp màu trắng nhưng bố lại thích cái hộp màu cam sẫm hơn ấy …”.
“Sôcôla Maltesers hả bố?”, tôi cười thành tiếng, nhưng lập tức có cảm giác đau và phải ngưng cười.
“Đúng rồi. Chú ấy ở Maltesers”.
“Bố, đấy là Malta cơ mà! Cộng hòa Malta, một đảo quốc nhỏ giữa Địa Trung Hải”.
“Chính là nó đấy. Chú ấy ở Malta …”. Ông im lặng một chút. “Có phải họ làm ra kẹo Maltesers không?”.
“Con không biết. Có lẽ thế ạ. Nhưng có chuyện gì xảy ra với chú Frank ở Malta?”.
Ông nhắm chặt mắt lại lần nữa và ra chiều suy nghĩ. “Bố không nhớ tại sao bố lại nói về chuyện đó nữa …”.
Một khoảng lặng. Ông ghét cảm giác không thể nhớ được ông từng nhớ tất cả mọi thứ.
“Bố có thắng được đồng nào với mấy con ngựa không đấy bố?”, tôi hỏi.
“Được tí tẹo thôi. Đủ cho vài cốc ở Câu lạc bộ thứ Hai tối nay”.
“Nhưng tối nay là thứ Ba mà bố!”.
“Tối nay có buổi gặp mặt của nhóm bạn làm ngân hàng”, ông giải thích, khập khiễng đi vòng quanh sang một góc giường khác rồi ngồi xuống.
Tôi không thể cười. Tôi bị đau. Hơn nữa, dường như khả năng hài hước của tôi cũng đã mất đi cùng vời đứa con của mình.
“Con không buồn nếu bố đi chứ, Joyce? Bố sẽ ở lại đây với con nếu con muốn. Bố thật sự sẽ không thấy làm sao đâu. Chuyện đến Câu lạc bộ không quan trọng …”.
“Quan trọng mà bố. Bố không hề để lỡ mất một buổi tối thứ Hai nào ở đó hai chục năm nay rồi”.
“Gặp mặt nhóm bạn làm ngân hàng!”. Ông đưa ngón tay cong cong của mình lên, đôi mắt như đang nhảy múa.
“Gặp mặt nhóm bạn làm ngân hàng!”. Tôi mỉm cười, nắm lấy ngón tay ông.
“Ừm …”, bố cầm tay tôi, “Con quan trọng hơn là một vài cốc bia và một vài bài hát nhiều chứ!”.
“Con có thể làm gì nếu không có bố nhỉ?”, mắt tôi lại rưng rưng.
“Con sẽ ổn thôi, con yêu. Bên cạnh …”, ông nhìn tôi với vẻ cẩn trọng trong từng lời nói. “Con có Conor”.
Tôi thả tay mình khỏi tay bố và quay nhìn chỗ khác. Thế còn chuyện gì xảy ra nếu tôi không muốn có Conor ở bên một chút nào nữa?
“Bố cố gọi điện thoại cầm tay cho cậu ta tối hôm qua nhưng không thấy trả lời. Có lẽ bố bị nhầm số điện thoại!”, ông nói nhanh, “Số điện thoại cầm tay dài quá, có quá chừng con số …”.
“Điện thoại di động, bố!”. Tôi nói.
“Ừ, đúng rồi. Điện thoại di động. Cậu ta gọi lại trong lúc con đang ngủ, nói là sẽ về nhà ngay khi bắt được chuyến bay. Cậu ta rất lo lắng …”.
“Anh ấy tử tế nhỉ … Rồi chúng con lại có thể trở về với công việc và có 10 năm của cuộc sống hôn nhân ở phía trước để sinh con …”. Ừ, quay trở lại công việc:
Một chút xa cách để giúp mối quan hệ giữa chúng tôi có ý nghĩa hơn.
“Đúng vậy, con yêu …”.
Ngày đầu tiên trong phần còn lại của cuộc đời tôi, và tôi không chắc rằng tôi muốn ở đây. Tôi biết tôi nên cảm ơn một số người, nhưng tôi thật sự không cảm thấy hạnh phúc với điều ấy. Tôi ước, giá mà họ đã không làm phiền, để kéo tôi trở lại.