Khi đi xuống cầu thang buổi sáng hôm sau, tôi nhìn trộm thấy bố đang để hình của mẹ trở lại trên chiếc bàn ở đại sảnh. Hình như ông nhận ra tôi đến nên vội vã móc chiếc khăn tay trong túi ra, giả vờ phủi phủi bụi cho mấy tấm hình.
“A, cô ta đây rồi! Công chúa ngốc ngếch vừa mới chết đi sống lại!”.
“Bố hay nhỉ! Tiếng nước xả trong phòng vệ sinh cứ mỗi mười lăm phút của bố ấy, làm con cả đêm hầu như chẳng ngủ nghê gì được”. Tôi đùa, và đặt một chiếc hôn lên cái trán hầu như không còn tóc của ông rồi đi vào nhà bếp. Tôi ngửi thấy mùi thức ăn thoang thoảng.
“Bố xin lỗi nhé! Người già hay thế … Bố làm con mất ngủ thật à?”, ông nhìn tôi thăm dò. “Mắt con sao thế?”.
“Cuộc hôn nhân của con đã kết thúc thật sự rồi và vì thế con đã khóc sướt mướt suốt đêm”, tôi giải thích trong khi tay chống nạnh, mũi khịt khịt.
Bố trở nên mềm mỏng:
“Vậy mà bố cứ nghĩ đó là điều con muốn”.
“Vâng, bố … Bố nói hoàn toàn chính xác đấy. Cách đây mấy tuần, cuộc sống của con hãy còn là giấc mơ của không ít cô gái khác”.
Bố bước khập khiễng, khập khiễng lại cái bàn trong bếp, ngồi vào chiếc ghế quen thuộc, nơi có thể nhìn thấy những tia nắng đầu tiên khi mặt trời lên. Ông để mắt kiếng trễ xuống sóng mũi và tiếp tục chơi ô số Sudoku. Tôi nhìn ông một hồi lâu, cảm thấy như mình bị thôi miên bởi vẻ mộc mạc đơn sơ của ông.
“Bố lại nướng bánh mì nữa hả bố?”.
Ông chẳng nghe tôi hỏi mà mải miết ghi ghi xóa xóa. Tôi kiểm tra lò nướng bánh. “Máy đang để đúng chế độ mà! Con không hiểu tại sao lại nghe mùi khen khét!”. Tôi nhìn vào bên trong. Chẳng có mẩu vụn nào. Mở nắp kiểm tra.
Không có mùi bánh nướng. Tôi khịt khịt mũi trong không khí lần nữa, thoáng nghi ngờ rồi liếc nhìn sang bố. Ông lộ rõ vẻ bồn chồn.
“Con giống như Fletcher ấy, thám thính khắp nơi. Nhưng con sẽ chẳng tìm ra được cái xác nào ở đây đâu!”, ông nói, mắt không rời khỏi những ô số.
“Vâng nhưng con sẽ tìm được thứ gì đó, phải không ạ?”.
Ông ngẩng đầu lên. Lo lắng. A ha. Tôi nhíu mày.
“Cuối cùng thì chuyện gì đã xảy ra với con vậy?”.
Tôi phớt lờ ông, tiếp tục đi vòng quanh nhà bếp, mở các ngăn tủ, tìm kiếm bên trong.
Giờ thì trông ông có vẻ bất an thật sự. “Con có bị gì không? Con làm gì vậy?”.
“Bố uống thuốc chưa?”. Tôi hỏi khi đi ngang tủ thuốc.
“Thuốc gì?”.
Với phản ứng như vậy của bố, chắc chắn là có chuyện gì đó.
“Thuốc đau tim, thuốc cải thiện trí nhớ, vitamin …”.
“Không, không và …”, ông suy nghĩ một hồi, “không”.
Tôi mang thuốc để trên bàn cho ông. Mặt ông giãn ra một chút. Sau đó, tôi tiếp tục lục lọi tìm kiếm tủ đựng thức ăn và lúc này tôi thấy rõ ông căng thẳng lại. Tôi chạm đến cánh cửa ngăn ngũ cốc …
“Nước!”. Ông la toáng lên khiến tôi suýt nhảy dựng, phải đóng sầm cánh cửa ngăn tủ lại.
“Bố ổn không ạ?”.
“Ổn”, ông bình tĩnh. “Cho bố xin một ly nước để uống thuốc. Ly ở tủ đằng kia kìa!”. Ông chỉ về phía cuối nhà bếp.
Nghi ngờ, tôi rót ly nước mang đến cho ông rồi quay lại ngăn ngũ cốc.
“Trà!”. Ông la lên lần nữa. “Chúng ta sẽ uống trà. Ngồi ở đây đi, bố sẽ pha trà cho con. Con đang trong thời kỳ khó khăn. Con rất có nghị lực, rất can đảm, đáng nhận được cúp tuyên dương lòng can đảm. Nhưng bây giờ thì ngồi xuống đó đi, bố sẽ pha trà cho con. Bố sẽ lấy thêm một miếng bánh hạnh nhân nữa.
Con thích bánh này lắm mà. Lúc nào cũng gỡ lấy hạnh nhân ăn khi không ai nhìn thấy. Con là cô bé háu ăn!”. ông cố gắng đánh lạc hướng.
“Bố”, tôi ngắt lời. Ông ngừng quanh co và thở dài đầu hàng. Tôi mở cửa tủ đựng thức ăn nhìn vào trong. Chẳng có gì lạ mọi thứ đều nằm ngay ngắn, chỉ những gói cháo đặc mà tôi ăn mỗi sáng và ít đường thẻ mà tôi chẳng đời nào đụng tới. Bố có vẻ rất hài lòng, quay trở lại bàn. Dừng một chút. Tôi mở cửa tủ lần nữa và với lấy hũ đường thẻ mà tôi chưa từng ăn và cũng chưa bao giờ thấy bố ăn. Khi tôi cầm nó lên, nó nhẹ hẫng. Tôi biết bên trong không có đường. Vậy là gì nhỉ. Tôi nhìn vào trong.
“Bố!”.
“Cái gì, con?”.
“Bố, bố đã hứa với con!”. Tôi lôi gói thuốc lá đặt trước mặt ông.
“Bố chỉ hút có một điếu à!”.
“Bố không chỉ hút một điếu. Mùi khen khét mỗi sáng không phải là bánh nướng khét. Bố nói dối con!”.
“Một điếu mỗi ngày không thể giết bố chết được”.
“Chính xác là nó sẽ giết bố chết đấy. Bố phẫu thuật tim. Bố nhớ không?
Người phẫu thuật tim tuyệt đối không được hút thuốc! Con đã bỏ qua những món ăn dầu mỡ buổi sáng của bố. Nhưng thuốc lá là không thể chấp nhận được!”, tôi nói với ông.
Bố trợn mắt, ghép hai bàn tay làm thành hình cái miệng con rối, mở ra và đóng lại trước mặt tôi.
“Vậy để con gọi cho bác sĩ của bố”.
Miệng ông méo xệch. Ông nhảy ra khỏi ghế. “Không, con gái yêu! Đừng làm vậy!”.
Tôi đi ra ngoài phòng đại sảnh và ông lật đật bước theo tôi. Lên xuống, xuống lên, lên xuống. Xuống chân phải, cong chân trái.
“Con không nên làm điều đó với bố. Thuốc lá không giết chết bố nhưng cô bác sĩ ấy sẽ giết bố chết mất. Cô ấy nghiêm khắc lắm … Con biết mà!”.
Tôi bước tới điện thoại nằm ngay bên cạnh tấm hình của mẹ và quay số khẩn cấp mà tôi nhớ. Con số đầu tiên hiện ra trong tâm trí tôi mỗi khi tôi cần sự giúp đỡ cho một người quan trọng nhất cuộc đời mình.
“Nếu mẹ biết bố hút thuốc, mẹ sẽ nổi quạu …”. Tôi dừng lại. “Đó là lý do tại sao bố lại giấu tấm hình đi à?”.
Bố nhìn xuống tay mình và gật đầu một cách buồn buồn. “Mẹ con bắt bố hứa là không hút thuốc vì thế bố không muốn mẹ con nhìn thấy”, ông nói thì thầm như thể mẹ cũng đang nghe chúng tôi.
“A lô”. Giọng chào vang lên bên đầu kia điện thoại.
“A lô! Bố hả bố?”. Tiếng một cô gái nói bằng giọng Mỹ.
“Con …”, bố nhìn tôi với vẻ van nài.
“Xin lỗi”, tôi nói vào điện thoại. “A lô …”.
“Ô, xin lỗi, tôi thấy số điện thoại từ Ai- len nên nghĩ là bố tôi gọi”, giọng cô gái ở đầu dây bên kia giải thích.
“Không sao”, tôi nói trong bối rối.
Bố vẫn đang đứng trước mặt tôi, chắp tay cầu nguyện.
“Tôi muốn tìm …”.
Bố hốt hoảng lắc đầu dữ dội. Và tôi ngừng lại, bỏ dở chừng câu nói.
“Vé xem trình diễn?”, giọng cô gái bên kia hỏi.
Tôi cau mày. “Trình diễn gì cơ?”.
“Nhà hát Opera Hoàng gia”.
“Xin lỗi, cô là ai?”, tôi bối rối.
Bố trợn mắt, ngồi bệt xuống chân cầu thang.
“Tôi là Bea”.
“Bea”. Tôi nhìn Bố dò hỏi và ông nhún vai. “Bea là ai?”.
“Thế cô là ai?”, giọng cô gái đầu dây bên kia nói lớn hơn.
“Tôi tên là Joyce. Xin lỗi, Bea. Có lẽ tôi gọi nhầm số. Ban nãy cô nói cô thấy số điện thoại từ Ai- len nên tưởng là bố cô? Như vậy nghĩa là … tôi đang gọi điện sang Mỹ à?”.
“Không, không sao”. Giọng cô gái bên đầu dây kia vui vẻ trở lại. “Cô đang gọi điện thoại đến London”, cô gái giải thích. “Tôi thấy số Ai- len nên tưởng là bố tôi gọi. Ông ấy sẽ bay về London tối nay để xem buổi trình diễn của tôi vào ngày mai. Mà có lẽ cháu nên gọi cô bằng cô nhỉ? Tiếng nói của cô … Cháu nghĩ cô lớn tuổi. Cháu thì chỉ mới là sinh viên thôi. Đây là việc quá lớn và cháu nghĩ là bố cháu sẽ … Xin lỗi, cháu hoàn toàn không biết tại sao lại nói chuyện này với cô nhưng cháu đang căng thẳng quá!”, cô gái cười, hít thật sâu. “Đây là số điện thoại khẩn cấp của bố cháu!”.
“Kỳ thật, cô cũng đang gọi số khẩn cấp của cô!”, tôi đổi cách xưng hô theo, nói một cách yếu ớt.
Cả hai chúng tôi cùng cười.
“Ồ, kỳ lạ thật!”, cô gái nói.
“Giọng cháu nghe quen quen, Bea. Cô có biết cháu không?”.
“Cháu không nghĩ vậy. Ở Ai- len, cháu chẳng biết ai ngoài bố cháu. Bố cháu là người Mỹ …”.
“Cô xin lỗi, cô muốn hỏi cháu một câu … Có thể đây là câu hỏi rất ngớ ngẩn, nhưng … Cho cô hỏi có phải tóc cháu màu vàng hoe không?”.
Bố ôm đầu và tôi nghe ông lầm bầm.
“Vâng! Nhưng tại sao cô hỏi vậy, giọng nói của cháu giống màu vàng hoe à?
Có lẽ màu này không được đẹp!”, tiếng cô gái nghịch ngợm cười nắc nẻ đầu dây bên kia.
Tôi bị nghẹn cứng và phải ngưng nói. “Cô chỉ đoán vậy thôi”, tôi tháo lui.
“Cô đoán hay quá”, cô gái nói một cách tò mò. “Cháu hi vọng mọi thứ đều tốt đẹp chứ? Lúc nãy cô nói cô đang gọi số điện thoại khẩn của cô?”.
“Ừ, cảm ơn cháu. Mọi thứ đều ổn cả!”.
Trông bố lúc này có vẻ bớt căng thẳng.
Cô gái cười. “Điều này thật lạ lùng nhỉ. Nhưng cháu phải đi đây. Nói chuyện với cô rất vui, cô Joyce”.
“Nói chuyện với cháu cũng rất vui, Bea. Chúc cháu may mắn trong buổi biểu diễn ballet”.
“Vâng ạ! Cảm ơn cô!”.
Chúng tôi nói lời tạm biệt. Tôi để điện thoại xuống mà tay vẫn còn run.
“Con thật ngớ ngẩn, con mới gọi qua Mỹ phải không?”. Bố nói trong khi mang lại mắt kính và bấm nút để hiển thị lại số điện thoại vừa gọi.
“Joseph ở cuối phố chỉ cho bố làm cái này khi bố nhận được những cuộc gọi kỳ lạ. Con có thể biết ai gọi cho con và con gọi cho ai. Đây này. Số đầu 0044 là ở đâu?”.
“Đó là mã quốc gia của nước Anh”.
“Tại sao con gọi đi Anh?”.
“Xin lỗi, bố!”. Tôi lê bước xuống chân cầu thang. “Con không biết tại sao con nảy ra số điện thoại đó một cách vô thức trong đầu nữa”.
“Ô, việc này cũng đủ cho bố bài học …”, ông đùa. “Bố sẽ không bao giờ hút thuốc nữa. Bob mà cho bố thuốc lá, bố sẽ ném nó đi”.
Tôi giơ tay ra, cảm thấy choáng váng.
Ông chụp lấy gói thuốc và nhét sâu vào túi quần. “Bố hi vọng con sẽ trả cuộc điện thoại đó bởi vì lương hưu của bố không đủ trả đâu”. Ông nhíu mày.
“Chuyện gì xảy ra với con vậy?”.
“Con sẽ đi London”, tôi thốt ra.
“Cái gì?”. Hai con mắt ông muốn nhảy xổ ra ngoài. “Chúa ơi, Gracie, hết chuyện này rồi đến chuyện khác”.
“Con phải tìm ra lời giải cho … một vài vấn đề. Con phải đi London. Bố đi với con!”, tôi thúc giục, đứng dậy và đi về phía ông.
Ông bắt đầu lùi lại, tay vẫn giữ nguyên bao thuốc lá ở túi quần.
“Bố không thể đi”, ông nói một cách bối rối.
“Tại sao không?”.
“Cả cuộc đời bố chưa bao giờ đi khỏi nơi này!”.
“Chẳng có lý do gì cả”, tôi giục ông quyết liệt hơn. “Nếu bố lại hút thuốc …
Thì trước khi tự giết mình bố nên đi tham quan bên ngoài Ai- len đi”.
“Này … này … bố biết nhiều số điện thoại để gọi ra bên ngoài đấy nhé. Con tưởng bố không nghe nói ầm ĩ về cách con cái đối xử với cha mẹ già à?”.
“Bố biết con quan tâm đến bố mà. Con có nói gì đâu … Bố đi London với con nhé bố!”.
“Nhưng, nhưng … Bố không thể bỏ lở Câu lạc bộ thứ Hai”.
“Chúng ta sẽ đi vào sáng ngày mai, và trở về trước thứ hai, con hứa!”.
“Nhưng, bố không có hộ chiếu!”.
“Bố chỉ cần photo giấy chứng minh nhân dân”.
Chúng tôi trở vào nhà bếp.
“Nhưng chúng ta không có chỗ ở”, ông tiếp tục lo lắng.
“Chúng ta sẽ đặt khách sạn”.
“Đắt lắm!”.
“Chúng sẽ thuê phòng rẻ hoặc chia phòng với người khác”.
“Nhưng bố chẳng biết cái gì ở London”.
“Con biết đường mà! Con đến đó nhiều lần rồi!”.
“Nhưng … nhưng …”. Ông đến bàn ăn, gương mặt hoảng sợ trông đến tội. “Bố chưa bao giờ đi máy bay”.
“Chẳng thành vấn đề gì nghiêm trọng đâu bố. Bố sẽ có khoảng thời gian thật thoải mái trên máy bay. Và con lúc nào cũng ngay bên cạnh bố, lúc nào cũng nói chuyện với bố!”.
Trông ông có vẻ nghi ngờ.
“Chuyện gì nữa bố?”, tôi hỏi nhẹ nhàng.
“Bố sẽ mang theo cái gì? Bố cần mang theo cái gì để sử dụng ở đó? Trước đây, mẹ con lúc nào cũng chuẩn bị hành lý cho bố”.
“Con sẽ giúp bố chuẩn bị hành lý”, tôi cười và cảm thấy thích thú thật sự.
“Chuyến đi này sẽ có nhiều điều thú vị, bố và con lần đầu tiên cùng nhau đi nghỉ ở nước ngoài!”.
Bố phấn khởi được một chút, rồi những tia phấn khởi lại lụi tàn đi.
“Không, bố không đi đâu. Bố không biết bơi. Nếu máy bay rớt, bố không bơi được. Bố không muốn đi ngang qua biển. Bố sẽ bay với con đến nơi nào đó, mà không bay ngang biển”.
“Bố, chúng ta đang sống trên đảo; bất cứ nơi nào bên ngoài đất nước này đều phải đi qua biển. Và có áo phao cứu sinh trên máy bay mà bố”.
“Có thật à?”.
“Vâng, bố sẽ ổn thôi!”, tôi quả quyết với ông. “Họ sẽ chỉ bố những điều cần làm trong trường hợp khẩn cấp, nhưng hãy tin con, chẳng có chuyện gì đâu. Con đã bay rất nhiều lần mà đâu có gặp trục trặc gì đâu. Bố sẽ có thời gian thật thoải mái. Và hãy tưởng tượng bố sẽ có biết bao nhiêu chuyện để kể với những người bạn trong Câu lạc bộ thứ Hai. Họ sẽ háo hức nghe bố kể chuyện suốt cả ngày”.
Một nụ cười từ từ nở trên môi bố và ông thừa nhận:
“Donal lớn mồm sẽ phải lắng nghe những câu chuyện thú vị hơn từ người khác. Bố nghĩ Maggie sẽ sắp xếp lịch cho bố, được rồi!”.