“Cô Fran đến bên ngoài rồi kìa bố. Chúng ta phải đi thôi!”.
“Khoan con, để bố xem lại mọi thứ đã ổn chưa!”.
“Ổn hết rồi bố”, tôi quả quyết. “Bố đã kiểm tra tổng cộng đến năm lần rồi”.
“Con đừng bao giờ quá chắc chắn việc gì. Con có nghe chuyện tivi và lò nướng bị trục trặc nổ tung, và chủ nhà đi nghỉ về thì thấy đống tro tàn còn lên khói, chứ không phải cái nhà nữa không?”. Ông kiểm tra các cầu dao, công tắc nhà bếp không biết bao nhiêu lần.
Cô Fran bóp còi xe lần nữa.
“Một ngày nào đó chắc bố phát khùng vì những tiếng còi xe bíp bíp này quá!”. Ông cáu kỉnh, và tôi bật cười.
“Bố”, tôi nắm tay ông, “Chúng ta phải đi thôi. Căn nhà sẽ ổn. Tất cả bạn bè hàng xóm của bố sẽ coi chừng nhà giùm bố. Hễ họ nghe tiếng động là sẽ nhìn qua cửa sổ liền. Bố biết điều đó mà!”.
Ông gật đầu nhìn xung quanh.
“Chúng ta sẽ có nhiều điều thú vị. Bố đang lo cái gì nữa vậy?”.
“Bố lo con mèo Fluffy, sẽ lại qua vườn phá phách mấy bụi hoa của bố, làm hư hết mấy cây đã yên thảo và cây mõm chó, rồi chẳng ai chăm sóc khóm cúc nữa. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu có gió mạnh hay mưa lớn khi chúng ta đang ở xa?
Bố chưa đóng cọc bao xung quanh nó, nó có thể bị ngả hết. Con có biết phải mất thời gian bao lâu để cây mộc lan ra hoa không? Bố trồng nó hồi con còn bé xíu, lúc mẹ con còn nằm, để chân trần phơi nắng và cười với ông Henderson.
Ông này lúc nào cũng nhìn lén mẹ con …”.
Bíp. Bí …p. Cô Fran nhấn còi lần nữa.
“Đi có mấy ngày thôi bố. Khu vườn sẽ ổn. Bố có thể sửa chữa lại ngay sau khi đi về mà”.
“Được rồi”, ông xem xét xung quanh lần cuối rồi đi ra cửa.
Tôi nhìn dáng ông lắc lư. Ông mặc bộ trang phục đẹp nhất của mình. Com lê, áo sơ mi, dây nơ, giày bóng loáng và cái mũ len. Ông trông như mới vừa bước ra khỏi tấm hình treo trên tường. Lúc đi ngang qua sảnh, ông đứng lại ở chiếc bàn, chạm nhẹ vào tấm hình của mẹ.
“Con biết không, mẹ lúc nào cũng muốn ở bên bố …”. Ông giả vờ lau bụi trên tấm kiếng nhưng thật ra là ông vuốt tay lên mặt mẹ.
“Mang mẹ theo với bố đi”.
“Ồ không, thật không nên!”. Ông quả quyết, nhưng rồi lại nhìn tôi một cách lưỡng lự. “Nên không nhỉ?”.
“Con nghĩ ý đó hay mà. Cả ba chúng ta sẽ đi và sẽ có thời gian thật thú vị bên nhau”.
Mắt ông ngấn lệ. Ông gật đầu, kéo nhẹ khung hình về phía mình và rời khỏi nhà trong tiếng còi xe của cô Fran.
“Fran, cô có ở đó không?”. Bố gọi to trong lúc lắc lư đi ra cổng. “Cô đến trễ nhé, chúng tôi chờ cô lâu quá trời!”.
“Tôi nhấn còi rất nhiều lần mà, Henry. Ông không nghe à?”.
“Đây rồi!”. Bố leo lên xe. “Cô phải nhấn còi mạnh thêm tí nữa:
ở trong đó chúng tôi chẳng nghe thấy gì cả”.
Tôi đút chìa khóa vào khóa cửa, vặn nhẹ. Ngay lúc quay đi để ra xe thì chiếc điện thoại trong phòng khách reo vang lên. Tôi nhìn đồng hồ. Bảy giờ sáng. Ai mà gọi vào lúc sáng sớm thế này nhỉ?
Tiếng còi xe của cô Fran vang lên lần nữa. Tôi xoay người nhìn ra, thấy bố đang chồm qua vai cô Fran, ấn inh ỏi cái còi trên tay lái.
“Nhấn như vầy nè, Fran. Chúng tôi sẽ nghe. Nhanh lên con ơi, chúng ta phải bắt kịp máy bay!”. Ông cười lớn, tiếng oang oang. Tôi đành phớt lờ tiếng chuông điện thoại, bước những bước dài ra xe với chiếc túi xách trên tay.
“Không có ai trả lời cả”. Justin bồn chồn đi tới đi lui trong phòng khách.
Anh cố gọi thêm một lần nữa. “Tại sao con không nói chuyện này với bố hôm qua, Bea?”.
Bea tròn xoe mắt. “Bởi vì con nghĩ chuyện đó chẳng có gì quan trọng cả.
Người ta ai chẳng có lúc gọi nhầm số. Con đâu biết cô ấy là ai!”.
“Nhưng chuyện này không phải nhầm số”. Anh dừng lại, mất kiên nhẫn.
“Lại chuyện gì nữa thế này?”.
Máy trả lời tự động. Khỉ thật! Mình có nên để lại lời nhắn vào hộp thư thoại?
Anh nhấc điện thoại lên, vội vã quay lại số một lần nữa.
Chán trò gọi điện kỳ quặc của bố, Bea đong đưa chân trên chiếc ghế trong phòng khách, nhìn xung quanh căn phòng đầy bụi bặm với những bức tường sơn hàng tá mẫu màu. “Khi nào thì cô Doris mới dọn xong chỗ này hả bố?”.
“Cô ấy còn chưa bắt đầu dọn nữa!”. Justin ngắt lời, lại tiếp tục quay số.
“Ai đây … ai đây …”. Doris xuất hiện trước cửa, miệng hát nghêu ngao, vẫn mặc bộ quần áo da beo ôm sát, mặt trang điểm đậm lét. “Cô mới học được bài hát này hôm qua, nghe dễ thương không?”. Cô cười. “Bea bé con, rất vui gặp lại cháu!”. Cô nhào tới ôm ghì đứa cháu gái. “Cô chú và cả bố cháu đều rất hồi hộp … hào hứng … háo hức với buổi trình diễn của cháu tối nay, cháu không thể tưởng tượng được đâu. Bé Bea của cô giờ đã lớn rồi, biểu diễn ở Nhà hát Hoàng gia cơ!”. Giọng cô cao vút lên. “Ôi, thật là đáng tự hào, phải không Al?”.
Al đi vào phòng với cái chân gà trên tay. Ậm ừ.
Doris nhìn chồng từ trên xuống dưới với thái độ chán ngán, sau đó thì quay lại với đứa cháu gái. “Chiếc giường đặt cho căn phòng trống đã được đưa đến vào sáng hôm qua. Thế là anh có cái để nằm khi ở lại rồi đấy, vui không?”. Cô lườm Justin. “Em cũng đã mua sơn và mang mẫu vải về để thiết kế lại phòng cho anh, nhưng em chỉ thiết kế theo phong thủy thôi đấy nhé!”.
Bea reo lên. “Ồ, quá tuyệt vời!”.
“Cô biết chúng ta sẽ vui vẻ bên nhau như thế mà!”.
Justin kín đáo lườm con gái. “Đừng tiết lộ thông tin đấy …”.
“Thông tin gì? Chuyện gì đã xảy ra?”, Doris sửa sửa mái tóc và chỉnh lại cái nơ trên đỉnh đầu.
“Bố cháu lại đang vấn đề …”, Bea lúc lắc đầu.
“Cô đã nói bố cháu đi nha sĩ rồi mà không nghe. Cô bảo đảm là bố cháu bị sâu răng!”. Doris nói như thật.
“Con cũng bảo bố”, Bea đồng tình.
“Không, không phải chuyện đó. Người phụ nữ …”. Justin phản đối dữ dội.
“Em có nhớ chuyện người phụ nữ mà anh đã kể cho em nghe?”.
“Phụ nữ nào, Sarah?”, Al hỏi.
“Không phải?”. Justin cáu.
“Anh lại vớ vẩn gì nữa đấy? Ai hiểu được anh nói cái gì …”.
Al nhún vai. “Nhưng hiểu rồi. Chắc chắn không phải Sarah, Sarah không thể khiến anh chạy sau xe buýt với tốc độ tối đa như thế!”.
“Anh xin lỗi”.
“Theo hộp thư thoại của cô ta …”, Justin cười nhẹ. “Có lẽ cô ta sẽ không bao giờ trả lời điện thoại nữa”.
“Anh đang nói tới người phụ nữ chưa- gặp- đã- quen?”, Doris há hốc mồm.
“Đúng rồi!”. Justin hào hứng hẳn khi có người bắt được ý mình. “Cô ta tên là Joyce. Cô ta gọi cho Bea hôm qua!”.
“Ai biết được có phải cô nào đó bố nói hay không”. Bea phản ứng ngay, nhưng câu phản ứng của Bea dường như vô hiệu, chẳng ai thèm để ý. “Người phụ nữ gọi cho con hôm qua tên Joyce. Nhưng con tin rằng không phải chỉ có một cô tên Joyce trên thế giới!”.
Phớt lờ cô cháu gái, Doris hỏi tiếp:
“Chuyện là thế nào? Làm sao anh biết tên cô ta?”.
“Anh nghe ai đó gọi tên cô ta trên xe buýt. Và hôm qua Bea nhận được điện thoại, theo số khẩn cấp, từ một người phụ nữ ở Ai- len, cũng tên là Joyce. Nên nhớ rằng số điện thoại khẩn cấp của Bea chẳng ai có cả, trừ anh!”. Justin dừng lại để tăng thêm hiệu ứng.
Im lặng. Justin ngẫm nghĩ thêm một lát rồi gật đầu tỏ vẻ đã hiểu vấn đề.
“Vâng, anh biết rồi, Doris!.
Doris bất động như vẫn chưa hiểu hết. Cô quay sang Bea.
“Cháu đã mười tám tuổi rồi. Vậy mà còn cho bố số điện thoại khẩn cấp?”.
Justin lầm bầm bực bội và bắt đầu quay số lần nữa.
Hai má Bea ửng hồng. “Mẹ không để bố gọi điện thoại vào giờ này bởi vì khác múi giờ. Vì thế cháu và bố sử dụng một số điện thoại khác. Nó chẳng phải là số điện thoại khẩn cấp gì cả nhưng chỉ một mình bố mới có số đó. Cứ mỗi lần bố gọi là y như rằng có chuyện chẳng lành”.
“Không đúng”, Justin phản đối.
“Chắc chắn là như vậy”, Bea đáp lại, vẫn luôn tay lật lật cuốn tạp chí.
Chọn đúng thời điểm để chen vào, Doris quay sang Justin. “Từ đầu, em đã nói chuyện người phụ nữ chưa gặp mà quen …”.
“Joyce, cô ta tên Joyce”.
“Tên gì cũng được, nhưng anh chẳng có gì ngoài sự trùng hợp ngẫu nhiên.
Chuyện này … khó hiểu thật!”.
“Không phải là anh chẳng có gì, Doris. Anh có tên và bây giờ anh có số điện thoại!”. Anh quỳ xuống trước mặt Doris, tay bóp chặt vào hai má làm miệng của cô chu ra.
Bea thở dài, nhìn bố và cô chú của mình đùa như trẻ nít.
Bố ngọ nguậy tí tẹo, chỉnh chỉnh tai nghe. Hai hàng chân mày rậm đen của ông nhướng lên.
“Cô sẽ nói với gia đình là tôi muốn gặp họ chứ, Fran?”.
Bố nói với giọng lo lo.
“Dĩ nhiên, tôi sẽ nói, Henry. Ông sẽ có thời gian thú vị ở London nhé …”. Cô Fran nheo mắt cười với tôi qua kính chiếu hậu.
“Tôi sẽ thăm họ khi tôi trở về”. Bố nói trong lúc nhìn theo một chiếc máy bay đang mờ dần trên bầu trời. “Nó biến mất sau đám mây rồi kìa”, ông nhìn tôi một cách thiếu tự tin.
“Vâng”, tôi cười.
Có vẻ nụ cười đó làm ông bớt căng thẳng. Cô Fran dừng ở nơi đỗ xe. Rất đông người hối hả xếp hoặc lấy hành lý, ôm nhau, trả tiền taxi. Nhiều chiếc taxi khác đang tấp vào.Bố đứng yên một chỗ, giống như cục đá bị ném vào dòng suối thu mình lại trong khi tôi linh kỉnh mang những chiếc túi xách ra khỏi cốp xe ở phía sau. Cuối cùng ông cũng bày tỏ được tình cảm yêu mến của ông với người phụ nữ hàng xóm cứ hay cự cãi lặt vặt. Sau đó, ông còn làm chúng tôi ngạc nhiên hơn bằng cách ôm cô Fran lúc chia tay, tất nhiên hơi ngượng nghịu.
Khi vào một trong những sân bay ồn ào và đông đúc nhất châu Âu, bố nắm chặt tay tôi, khi thì tay này lúc thì tay nọ, kéo theo cái túi tôi cho ông mượn. Tôi phải mất cả ngày để thuyết phục ông là nó không giống như túi sọc chéo của cô Fran, cũng không phải là túi xách của những bà lão thường hay sử dụng khi mua sắm. Ông nhìn xung quanh và ông nhận ra cũng có những người đàn ông mang túi xách giống như mình. Ông có vẻ rất vui, dù có chút bối rối. Hai bố con đi đến quầy đăng ký chuyến bay.
“Con định làm gì? Đi rút tiền à?”.
“Đây không phải là máy rút tiền, là quầy đăng ký chuyến hay đó bố”.
“Không có ai để chúng ta trình báo sao?”.
“Không, cái máy này làm tất!”.
“Bố chẳng tin mấy cái máy kiểu này đâu”. Ông nhìn qua vai người đàn ông bên cạnh. “Xin lỗi?”.
Người đàn ông nói một tràng tiếng Ý. Bố cười. Nhưng nụ cười méo xệch.
“Gì thế con?”.
“Mi dispiace tanto, signore, la prego di ignorarlo, è un vecchio sciocco e non sa cosa dice”.
Tôi xin lỗi người đàn ông Ý, giải thích đôi chút về bố. Ông ta không có vẻ gì khó chịu, chỉ lịch sự đáp lại nụ cười của tôi và tiếp tục công việc đăng ký chuyến bay.
“Con nói tiếng Ý?”. Bố nhìn tôi đầy kinh ngạc nhưng tôi chưa kịp trả lời thì bố đã ra dấu im lặng để nghe thông báo.
“Ô, Gracie, có thể thông báo đó là cho chúng ta. Thôi đi nhanh lên!”.
“Chúng ta còn hai giờ nữa mới bay”.
“Tại sao chúng ta lại đến sớm thế?”.
“Phải đến sớm thôi bố”. Tôi cảm thấy mệt. Càng mệt tôi càng trả lời ngắn.
“Ai nói?”.
“Bảo vệ”.
“Bảo vệ nào?”.
“Bảo vệ sân bay. Đằng kia!”. Tôi hất đầu về hướng những người bảo vệ đang kiểm tra hành lý.
“Chúng ta đi đâu bây giờ?”, ông hỏi trong khi tôi lấy thẻ lên máy bay từ chiếc máy.
“Đi gửi hành lý”.
“Chúng ta không thể mang nó theo cùng sao?”.
“Không”.
“Xin chào”, cô gái đứng sau quầy tươi cười nhận lấy hộ chiếu của tôi và chứng minh nhân dân của bố.
“Xin chào”, bố đáp lại vui vẻ, một nụ cười ngọt ngào quá sức tưởng tượng xuất hiện tươi rói trên khuôn mặt với những nếp nhăn cau có của bố. Tôi tròn xoe mắt. Ông luôn luôn là người thích thu hút phụ nữ.
“Chị có mấy túi xách?”.
“Hai”.
“Chị tự sắp xếp hành lý?”.
“Vâng”.
“Không”. Bố thúc cùi chỏ vào tôi và nhướng mày. “Con xếp hành lý cho bố, Gracie!”.
Tôi thở dài. “Vâng, nhưng bố cũng ở đó với con mà. Chúng ta cùng xếp hành lý!”.
“Cô ta không hỏi vậy …”, ông quay lại cô tiếp tân. “Như vậy có được không cô?”.
“Vâng, được ạ!”, cô tiếp tục, “Có ai yêu cầu chị mang dùm bất kỳ thứ gì lên máy bay?”.
“Kh. ….”.
“Có”, bố ngắt lời. “Gracie bỏ đôi giày trong túi xách của tôi vì túi xách của con gái tôi không còn chỗ. Chúng tôi đi có vài ngày mà cô biết không, nó mang theo đến ba đôi giày. Ba đôi đấy!”.
“Cô có mang các vật nhọn nguy hiểm trong túi xách tay, như kéo, nhíp, hộp quẹt..?”.
“Không”, tôi trả lời.
Bố lúng tung không phản ứng gì.
“Bố”, tôi thúc khuỷu tay vào ông, “Nói với cô ấy là không đi”.
“Không”, cuối cùng ông cũng trả lời.
“Tốt lắm”, cô tiếp tân cười duyên dáng. “Chúc chuyến đi tốt lành”. Cô đưa lại giấy tờ cho chúng tôi.
“Cảm ơn. Cô có màu son môi đẹp lắm!”. Bố nói thêm trước khi bước đi.
Tôi hít thật sâu khi đến cổng kiểm tra an ninh và tự nhắc mình rằng đây là lần đầu tiên bố đi máy bay, rằng bố đã lớn tuổi và có hàng loạt vấn đề muốn hỏi.
“Bố thấy vui không?”. Tôi hỏi, cố gắng tạo nên không khí vui vẻ.
“Vui cuồng nhiệt, con ạ!”.
Tôi lấy túi nylon nhựa trong suốt để đựng mỹ phẩm và thuốc của bố. Rồi chúng tôi xếp hàng đi qua cổng kiểm soát.
“Bố cảm thấy chúng ta giống như con chuột”, ông bình luận. “Có phó mát cuối đầu kia không con?”. Ông cười. Sau đó thì chúng tôi đi qua máy dò kim loại.
“Chỉ cần làm theo lời họ bảo”, tôi nói với bố trong khi cởi dây nịt và áo vét tông. “Bố sẽ không gây ra chuyện gì phiền phức chứ?”.
“Phiền phức? Tại sao bố phải gây ra phiền phức? Con làm gì thế? Tại sao con phải cởi áo khoác và dây nịt, Gracie?”.
Tôi lầm bầm.
“Thưa ông, xin ông vui lòng cởi giày, dây nịt, áo khoác và mũ!”.
“Cái gì?”, ông cười với anh nhân viên an ninh.
“Cởi giày, dây nịt, áo khoác và mũ”.
“Tôi chẳng làm như vậy đâu. Anh muốn tôi đi vòng quanh trên sàn mà chỉ mang vớ thôi ấy à?”.
“Bố, làm theo đi!”. Tôi bảo ông.
“Nếu bố cởi dây nịt, quần bố sẽ tụt xuống!”, ông tức giận.
“Bố có thể lấy hai tay giữ quần lại”, tôi ngắt lời.
“Chúa ơi”, ông kêu lớn.
Anh nhân viên an ninh nhìn sang mấy người đồng nghiệp.
“Bố, làm đi!”. Tôi nói kiên quyết hơn. Hàng dài những người khách du lịch đang cáu tiết đứng phía sau chúng tôi. Họ đã cởi giày, dây nịt và áo khoác ra sẵn.
“Vui lòng lấy hết đồ trong túi ông ra”. Một người an ninh già trông rất bực tức bước tới.
Bố ngập ngừng.
“Ô, bố! Đây không phải trò đùa. Bố hãy làm theo đi!”.
“Tôi có thể lấy đồ trong túi ra mà không có mặt của cô ấy?”, ông chỉ sang tôi.
“Không, ông phải làm ngay đây”.
“Con chẳng nhìn đâu”. Tôi quay sang chỗ khác.
Tôi nghe tiếng rõ lớn khi bố lấy đồ trong túi ra.
“Thưa ông, chúng tôi đã nói với ông là không được mang những thứ này theo người mà”.
Tôi quay lại, thấy nhân viên an ninh đang cầm nào hộp quẹt, nào đồ cắt móng tay, nào bao thuốc trong cái hộp có hình của mẹ. Và cả trái chuối nữa.
“Bố!”. Tôi kêu lên.
“Xin vui lòng ra khỏi chỗ này!”.
“Đừng nói với con gái tôi như vậy. Tôi không biết là tôi không được mang chúng theo. Cô kia nói kéo, nhíp và …”.
“Vâng, chúng tôi hiểu, thưa ông. Nhưng chúng tôi buộc phải lấy những thứ này của ông”.
“Nhưng đó là cái hộp quẹt tốt nhất của tôi, anh không thể lấy được! Và tôi phải làm sao nếu không có bấm móng tay?”.
“Chúng ta sẽ mua cái mới”, tôi nói trong sự chịu đựng.
“Còn bây giờ thì bố hãy làm theo những gì họ bảo”.
“Vâng”, ông phẩy tay thô bạo với họ, “Giữ những cái này đi”.
“Thưa ông, vui lòng cởi mũ, áo khoác, giày và dây nịt”.
“Ông ấy già rồi”, tôi nói nhỏ với người nhân viên an ninh để những người phía sau không nghe thấy. “Ông cần cái ghế ngồi để cởi giày. Và ông cũng không nên cởi giày bởi vì nó là giày cho người có tật. Anh có thể cho ông qua không?”.
“Chiếc giày bên phải, chúng tôi phải kiểm tra”. Người nhân viên giải thích nhưng bố nghe lỏm được và hét toáng lên bực tức. “Anh nghĩ là có BOM trong đôi giày của tôi à? Ai mà ngốc như thế? Anh nghĩ tôi để BOM trước trán, phía dưới cái mũ hay ở thắt lưng? Trái chuối của tôi có phải là cây SÚNG không?”.
Ông vẫy trái chuối trước mặt người nhân viên, và làm tiếng súng nổ. “Tất cả các anh điên hết rồi à?”.
Bố đưa tay lấy cái mũ. “Hay có thể tôi có lựu đạn ở dưới …”.
Ông không có cơ hội để kết thúc câu bởi vì một quan cảnh hỗn loạn lập tức xảy ra trước mắt tôi. Cả hai bố con được đưa tới căn phòng nhỏ giống như phòng tạm giam và được lệnh ngồi chờ.