“Con đã ở nơi quỷ quái nào đấy? Chuyện gì xảy ra với con thế, Gracie?”.
“Joyce”, tôi đáp khi chạy ào vào phòng khách sạn, thở không ra hơi, người dính đầy bụi và các vệt sơn. “Con không có thời gian giải thích”.
Tôi chạy vòng quanh phòng, ném những bộ quần áo của mình vào trong túi, thay nhanh đồ rồi vội vàng chạy ngang qua bố lúc này đang ngồi trên giường – để vào phòng tắm.
“Bố đã cố gọi điện thoại di động cho con”, bố nói lớn.
“Sao ạ? Con không nghe nó reng”. Tôi cố sức kéo cái quần jeans ra, cò cò trên một chân, rồi vừa kéo nó ra hẳn vừa đánh răng, cùng lúc.
Tôi nghe tiếng bố nói gì đó. Lầm bầm không rõ chữ.
“Con không nghe thấy, con đang đánh răng!”.
Bên ngoài trở nên im ắng. Chờ cho tôi xong hết và trở ra ngoài phòng, bố tiếp tục như thể chúng tôi không hề có năm phút im lặng vừa rồi.
“Con không nghe reng là phải rồi. Bởi vì khi bố gọi, bố nghe nó reng trong phòng ngủ. Điện thoại của con nằm trên gối của con đấy. Giống như thỏi sôcôla mà các quý cô xinh đẹp để lại sau lưng khi rời khỏi đây”.
“Ồ, được rồi!”. Tôi nhảy qua chân bố, đến bàn trang điểm để trang điểm trở lại.
“Bố đã rất lo lắng cho con”, ông nói khẽ.
“Bố không cần thế đâu”. Tôi lại chạy vòng quanh với một chiếc giày đang mang dưới chân, tìm kiếm khắp nơi chiếc giày còn lại.
“Bố gọi xuống quầy tiếp tân ở dưới để hỏi xem họ có biết con đi đâu không”.
“Hả?”, tôi đầu hàng chuyện tìm kiếm chiếc giày và tập trung vào việc đeo bông tai vào. Những ngón tay của tôi run rẩy hệt như tình trạng của Justin.
Ngón tay trở nên quá to với nhiệm vụ cầm một vật bé xíu xiu. Phần chuôi sau của chiếc hoa tai rơi xuống sàn. Tôi lồm cồm bò xuống tìm.
“Thế là sau đó, bố đi bộ lên xuống con đường, kiểm tra tất cả những cửa hàng mà bố biết là con thích, hỏi mọi người xem họ có thấy con đâu không”.
“Bố đã làm thế à?”, tôi nói lơ đễnh, cảm thấy thảm nóng hổi dưới lớp quần jeans khi tôi bò khắp trên sàn.
“Ừ”. Bố đáp khẽ lần nữa.
“A ha, tìm thấy rồi!”. Tôi tìm thấy phần chuôi của chiếc hoa tai ngay bên cạnh sọt đựng giấy vụn đặt bên dưới bàn.
“Chiếc giày khỉ gió của con đâu rồi nhi?”.
“Và trên một chặng đường dài”, bố tiếp tục, mặc kệ tôi đang quay lưng với cảm giác bực dọc của mình. “Bố đã gặp một người cảnh sát và bố nói với ông ta là bố rất lo lắng. Ông ta đưa bố về khách sạn, nói bố ở đây chờ con. Nếu sau 24 tiếng đồng hồ chưa thấy con quay về thì bố gọi số này”.
“Ông ấy tử tế nhỉ”. Tôi mở tủ quần áo, vẫn tìm kiếm chiếc giày và phát hiện ra nó đầy những áo quần của bố.
“Bố”, tôi kêu lên, “Sao bố vứt bộ vest ở đây. Cả cái áo liền quần đẹp nhất của bố nữa!”.
Tôi nhìn bố, chợt nhận ra – lần đầu tiên kể từ lúc tôi trở về phòng – rằng trông ông nhợt nhạt đến mức nào. Ông già đi biết chừng nào trong căn phòng khách sạn vô hồn này. Ngồi trên một góc chiếc giường đơn của ông, mặc bộ vest cũ, cái mũ lưỡi trai nằm trên giường bên cạnh. Va li của bố nửa đóng nửa mở ngay bên cạnh. Một tay bố cầm tấm hình của mẹ, tay kia cầm tấm danh thiếp người cảnh sát đã đưa cho. Những ngón tay giữ chúng run run, mắt bố đỏ và có vẻ như bị đau.
“Bố”, nỗi sợ hãi trong tôi lớn dần lên, “Bố ổn không?”.
“Bố đã rất lo lắng”. Bố lặp lại lần nữa với giọng nhỏ xíu cái câu mà tôi đã lờ đi khi mới vào phòng. Bố nuốt nước bọt một cách khó khăn.
“Bố không biết con ở đâu”.
“Con đi thăm một người bạn”, tôi nói dịu dàng, ngồi xuống với ông trên giường.
“Ừm, còn người bạn này, thì ở đây lo lắng”, Bố cười nhẹ, nụ cười yếu ớt khiến tôi nhói lên vì nhận ra bố yếu đuối và dễ vỡ đến thế nào.
Bố trông như một ông già. Sự vui tính hoạt bát, thái độ bình thường mọi ngày của ông biến mất. Nụ cười của ông cũng biến mất và đôi tay ông run rẩy – trong khi bình thường thì vững như đá. Ông đẩy bức hình của mẹ và tấm danh thiếp của người cảnh sát vào lại trong túi áo khoác.
Tôi nhìn cái túi của bố. “Bố tự đóng gói lại hành lý đấy à?”.
“Bố cố thử. Bố đã nghĩ bố xếp đủ mọi thứ vô rồi”, bố quay đi khỏi tủ quần áo đang mở, ngượng ngùng.
“Được rồi, vậy hãy xem bên trong coi chúng ta có được những gì”. Tôi nghe như mình đang dịu dàng hướng dẫn một đứa trẻ.
“Không phải chúng ta đang rất gấp, không còn thời gian sao con?”, bố hỏi.
Giọng bố khe khẽ, nên tôi hạ thấp giọng của mình nhỏ nhẹ hơn nữa để không làm tổn thương bố.
“Không đâu ạ”, mắt tôi rưng rưng, “Chúng ta có tất cả thời gian trên thế giới này, bố ạ!”.
Tôi nhìn xung quanh và ngăn những giọt nước mắt rơi ra bằng cách nhấc chiếc va li của bố để lên giường, cố gắng tự mình sắp xếp lại mọi thứ cho ngay ngắn.
Khi tôi mở túi, suýt chút nữa tôi bật lên những tiếng kinh ngạc với những gì mình thấy được bên trong. Hình như bố chưa bao giờ tự đóng gói hành lý cho mình. Cả cái va li lộn xộn đủ thứ linh tinh khác nhau. Ở độ tuổi bảy mươi lăm, sau mười năm ròng không còn bàn tay chăm sóc của vợ, bố không biết phải làm sao để xếp hết mọi thứ vào trong.
Mọi thứ rõ ràng đã được cố gắng xếp lại, nhưng không thành. Áo quần giống như những quả bóng nhỏ vo tròn lại rồi nhét vào, như kiểu xếp của một đứa bé.
Tôi tìm ra chiếc giày của mình nằm trong cái khăn tắm. Tôi lấy chiếc giày ra và mang nó vào chân, không nói tiếng nào, như thể đó chỉ là chuyện bình thường nhất trên thế giới này. Những chiếc khăn tắm của khách sạn được đưa về nơi chúng phải thuộc về. Tôi gấp lại mọi thứ và xếp tất cả vào một lần nữa. Những chiếc áo thun lót chưa giặt, những đôi vớ, áo ngủ, áo vest, cái túi đựng vật dụng vệ sinh linh tinh của bố. Tôi quay lưng lại, lấy những bộ đồ của ông ra khỏi tủ áo quần và hít một hơi dài. “Chúng ta có tất cả mọi thời gian trên đời này, hả bố!”, tôi lặp lại. Mặc dù lúc này, thời gian chính là điều quý báu với tôi.
Trong xe điện ngầm trên đường ra sân bay, bố cứ kiểm tra đồng hồ và nhấp nhỏm bồn chồn trên ghế. Mỗi lần chiếc xe điện ngừng ở trạm, bố lại đẩy mạnh cái ghế ở phía trước mình một cách thiếu kiên nhẫn như thể bằng cách đó, bố có thể làm cho nó chạy nhanh hơn.
“Bố định đi đâu đấy ạ?”, tôi mỉm cười.
“Câu lạc bộ thứ Hai”. Ông nhìn tôi với nỗi lo âu trong mắt. Bố chưa từng bao giờ bỏ lỡ một tuần nào, ngay cả khi tôi ở trong bệnh viện.
“Nhưng hôm nay là thứ Hai mà, không trễ đâu bố”.
Ông bồn chồn. “Chỉ là bố không muốn lỡ chuyến bay thôi. Chúng ta có thể sẽ bị kẹt lại ở đây”.
“Ồ, con nghĩ rằng chúng ta sẽ bắt kịp”. Tôi cố gắng giấu một nụ cười.
“Và mỗi ngày đều có hơn một chuyến bay, bố biết đấy”.
“Thế thì tốt”. Trông ông có vẻ nhẹ nhõm hẳn. “Bố sẽ kể cho mọi người những gì bố thấy. Ồ, họ không tin những chuyện bố kể cho họ nghe tối nay đâu”, bố nói đầy hào hứng. “Chú Donald sẽ chết mất khi mọi người quay sang lắng nghe bố chứ không phải lắng nghe chú ấy”.
Ông ngả ghế về phía sau, nhìn ra ngoài cửa sổ khi những đám mây đen ùn ùn kéo đến. Bố nhìn chăm chăm vào những đám mây đen, như nhìn về một nơi nào khác, nhìn một ai đó khác trên chặng đường xa.
Trong khi bố đang chìm đắm giữa những hồi tưởng mênh mang, tôi lấy điện thoại di động ra và bắt đầu lên kế hoạch cho những bước kế tiếp.
“Frankie, tớ đây này. Justin Hitchcock sẽ đi trên chuyến bay đầu tiên đến Dublin sáng mai. Tớ cần biết anh ta sẽ làm gì ở đó”.
“Ý cậu là tớ được ủy thác để làm việc điều tra đó sao, thưa quý bà Conway?”.
“Tớ tin chắc là cậu có cách để biết mà”.
“Cậu nói đúng. Tớ có cách. Nhưng tớ cứ tưởng cậu có thần giao cách cảm với anh chàng ấy và thần giao cách cảm đủ mạnh để cậu biết mọi thứ”.
“Tớ có thần giao cách cảm bao giờ. Tớ chẳng biết gì những việc anh ấy dự tính sẽ làm cả”.
“Năng lượng của cậu giảm bớt à?”.
“Tớ không có năng lượng … Cậu nói gì thế!”.
“Thôi được rồi, tớ đùa đấy. Đợi vài tiếng nhé. Tớ sẽ tìm ra và liên lạc lại với cậu”.
Hai giờ sau, ngay khi bố và tôi đang chuẩn bị làm thủ tục lên máy bay, tôi nhận được điện thoại từ Frankie.
Anh ấy sẽ đến Phòng Triển Lảm Quốc Gia sáng ngày mai, lúc mười giờ rưỡi. Anh ấy có một buổi nói chuyện về tác phẩm hội họa mang tên Người Phụ Nữ Viết Thư. Nghe có vẻ rất hấp dẫn”.
“Ồ, đúng đấy. Đó là một trong những tác phẩm tuyệt nhất của Terborch. Ý tớ là như thế”.
Im lặng.
“Frankie này, cậu giúp tớ một việc được không? Tôi mỉm cười tinh quái khiến bố phải nhìn tôi tò mò. “Ông chú Tom trẻ măng của cậu vẫn còn làm tài xế lái xe cho công ty?”.
“Kế hoạch của con là gì đấy?”. Bố hỏi với vẻ nghi ngờ khi tôi kết thúc cuộc nói chuyện điện thoại.
“Con có vài việc vui vui thôi mà bố”.
“Con không định quay lại làm việc sao? Đã mấy tuần rồi đấy. Conor gọi di động cho con trong khi con đi ra ngoài sáng nay. Bố quên nói lại với con. Cậu ấy ở Nhật nhưng bố có thể nghe tiếng cậu ấy nói rất rõ ràng”. Ông nói, “Cậu ấy muốn biết tại sao căn nhà vẫn chưa treo tấm biển Bán Nhà trong vườn. Cậu ấy nói rằng con nên làm như thế”.
Trông bố có vẻ lo lắng, như thể tôi đã phá vỡ một thế giới với những quy luật cũ và bây giờ ngôi nhà sẽ nổ tung nếu nó không có tấm biển Bán Nhà được đóng xuống đất.
“Ồ, con đâu có quên”. Tôi bị kích động khi nghe bố nói tới cuộc gọi của Conor. “Con sẽ tự mình bán nó. Sáng mai con có hẹn với người khách xem nhà đầu tiên”.
Bố có vẻ không chắc về điều tôi vừa nói. Và ông đã đúng. Tôi nói dối một cách trơn tru. Tất cả những gì tôi phải làm lúc này là lướt qua cuốn sổ tay ghi chép của mình, gọi vòng vòng trong danh sách khách hàng – những người tôi biết rằng đang tìm kiếm một ngôi nhà tương tự. Tôi nghĩ ra vài người.
“Công ty của con biết chuyện này không?”, bố nheo mắt.
“Có ạ”. Tôi mỉm cười. “Họ có thể chụp vài tấm ảnh và đưa hết thông tin lên hệ thống mạng trong vòng vài giờ”.
Ông tròn mắt.
Cả hai chúng tôi đều quay đi. Và để cố chứng minh mình có thể làm vậy thật, trong thời gian chúng tôi lê bước giữa dãy dài những người xếp hàng làm thủ tục lên máy bay, tôi viết mail cho một vài khách hàng, cung cấp thông tin về ngôi nhà và hỏi xem họ có hứng thú đến xem không.
Sau đó, tôi nhờ một nhà nhiếp ảnh đáng tin cậy chụp giúp vài tấm hình về ngôi nhà. Ngay khi chúng tôi ổn định chỗ ngồi trên máy bay, tôi đã sắp xếp xong những tấm hình, tấm bảng Bán Nhà và có một cuộc hẹn xem nhà vào ngày mai.
Hai vợ chồng muốn mua đều là giáo viên của một ngôi trường ở địa phương.
Người phụ nữ là bạn cũ của tôi. Họ dự tính xem ngôi nhà vào khoảng thời gian nghỉ ăn trưa của họ. Ở dưới cùng của văn bản nhận được, tôi thấy thêm dòng chữ:
“Rất tiếc khi nghe những gì đã xảy ra. Vẫn luôn nghĩ đến cậu. Hẹn gặp cậu ngày mai, Linda xx”.
Tôi xóa văn bản ngay lập tức.
Bố nhìn ngón tay cái của tôi làm việc liên tục trên những phím của điện thoại di động với một tốc độ chóng mặt. “Con đang viết một cuốn sách đấy à?”.
Tôi phớt lờ ông.
“Con sẽ bị chứng viêm khớp với ngón tay cái của con đấy. Viêm khớp thì chẳng vui thú gì đâu, bố có thể nói với con như vậy”.
Tôi bấm gửi và tắt điện thoại.
“Có thật là con không hề nói dối về ngôi nhà không?”, ông hỏi.
“Không”. Tôi nói, lúc này đầy vẻ tự tin.
“Ừm, bố không biết điều đó, đúng không? Bố đã không biết phải nói cái gì với cậu ấy”.
“Nhưng lẽ ra bố không nên trả lời điện thoại của con như thế”.
“Con biến mất cả buổi sáng. Con muốn bố làm gì, chẳng lẽ phớt lờ những cuộc gọi đến à?”.
“Cậu ấy chỉ quan tâm đến con thôi mà, con biết đấy. Cậu ấy nghĩ con nên gặp một ai đó chuyên nghiệp, giúp con bán được nhà nhanh chóng”.
“Anh ấy muốn thế thật à?”, tôi khoanh tay, muốn gọi thẳng cho Conor và tuôn ra hết tất cả những gì tôi chất chứa trong lòng, không ưa về anh ta. Nào cắt móng chân trên giường ngủ, nào những hơi thở phì phò mỗi buổi sáng hầu như muốn làm rung rinh cả ngôi nhà, nào cái cách không bao giờ để người khác nói dứt câu, nào việc anh không có khả năng ngồi xuống và có một cuộc nói chuyện như người lớn về những trục trặc của chúng tôi, cái cách anh đi tới đi lui không ngừng suốt những trận cãi vã … Bố cắt ngang cuộc tra tấn trong thầm lặng của tôi với Conor.
“Cậu ta nói con gọi cho cậu ta vào lúc nửa đêm, tuôn ra hàng tràng tiếng Latin”.
“Thật sao?”. Những giận dữ trong tôi lại dâng tràn lên. “Thế bố nói gì ạ?”.
Bố nhìn ra ngoài cửa sổ.
“Bố nói với cậu ta rằng con còn nói trôi chảy cả tiếng Ý nữa”. Tôi nhìn thấy đôi má của bố hếch lên và tôi ngửa đầu ra sau, cười rũ.
Tất cả mọi thứ là như thế.
Đột nhiên, ông nắm lấy bàn tay tôi. “Bố cảm ơn về tất cả những điều này, con gái. Bố đã có một khoảng thời gian rất tuyệt”. Ông nắm chặt bàn tay tôi và quay trở về với việc nhìn ra ngoài cửa sổ, khi những mảng xanh bên dưới khuất dần đi. Ông vẫn không buông tay tôi ra. Và thế là tôi dựa đầu vào vai ông, nhắm mắt lại.