Con Không Ngốc, Con Chỉ Thông Minh Theo Một Cách Khác

Tôi không muốn học tiếp nữa!



Cha cúi chào cô giáo lần nữa rồi dắt tôi về nhà.

Cha đeo cặp sách rồi nắm lấy tay tôi, bóng dáng của hai cha con xuyên qua dãy hành lang lớp học tịch mịch không một bóng người. Phòng học tối om, những tia sáng yếu ớt còn lại cuối ngày hắt lên bàn ghế, dường như tôi vẫn đang nhìn thấy, vẫn đang nghe thấy hình bóng các bạn ngồi trong đó, cùng với âm thanh chạy nhảy vui đùa giữa giờ ra chơi. Vậy nhưng khi ngoảnh đầu nhìn lại sân trường và sân tập thể dục, lại lạnh lẽo bốn bề, chỉ có tiếng xào xạc của đám lá cây bị gió lay thổi liên hồi, bỗng một suy nghĩ lóe lên trong đầu tôi – Từ nay mình sẽ không đến trường nữa.

“Con không muốn đi học nữa!”

Bàn tay thô ráp ấm áp của cha nắm chặt tay tôi, khiến cho suy nghĩ vừa mới manh nha bị chặn nghẹn nơi cuống họng, không sao thốt nổi nên lời!

“Vỹ! Cha dắt con đi ăn mì gan lợn nhé, Bác Khôn nấu ngon lắm đấy!”

Dường như cha cảm nhận được điều tôi muốn nói. Ông vừa kể đến bát mì nóng hổi, tôi đã quên béng luôn chuyện này, tâm trí lúc này chỉ còn tiếng sôi ùng ục của dạ dày.

Lúc ăn mì, tôi cứ mải nhìn cha. Tôi nghĩ, cha nhất định sẽ nói điều gì đó chứ nhỉ? Vậy mà chẳng có gì xảy ra, cha vẫn nhẹ nhàng vừa gắp mì vừa hàn huyên với bác Khôn, cứ cảm ơn mãi về việc bác đã quan tâm đến tôi. Bát mì nóng hổi đã hết veo, cả người lấm tấm mồ hôi, trong lòng dâng tràn cảm giác mãn nguyện, tôi cũng quên luôn chuyện mình chẳng biết xem giờ.

Từ trường tiểu học Tam Dân có thể ngồi xe khách của Cục Quốc lộ để đến trạm Phân Thủy Luân (dưới chân núi chỗ công trường khai quặng), hai cha con có thể tiếp tục leo đường núi để về nhà, nhưng do có rất ít chuyến xe nên cha quyết định đi bộ về nhà. Cha cầm đèn pin, nắm lấy tay tôi, đường núi thật yên tĩnh, chỉ đôi khi vẳng lên tiếng chó sủa và nghe thấy tiếng gió vần cỏ cây. Cha như đang nghĩ đến điều gì, chỉ lặng lẽ rảo bước, trầm ngâm không nói. Thỉnh thoảng tôi ngước lên nhìn, mong đợi cha nói điều gì đó. Lúc này trông cha tựa hồ như một người khổng lồ, cao to lừng lững đi bên cạnh tôi. Con đường khi đó vẫn chưa có đèn, không cẩn thận sẽ vấp phải viên đá nào đó mà trật chân, cũng do tôi vừa đi vừa ngước nhìn cha nên đã bất cẩn suýt ngã. “Cẩn thận!” Cha nắm chặt tay kéo tôi đứng dậy. Đợi đến khi tôi đứng vững rồi, cha đột nhiên như một chiếc đài cát sét vừa được cắm điện, bắt đầu kể lại câu chuyện hồi tiểu học, cha gặp được một vị thầy giáo người Nhật yêu thương cha như con đẻ của mình. Cha nói, thầy giáo này không chỉ thường xuyên cho cha đồ ăn, áo mặc, sau khi cha học hết tiểu học, thầy còn nhờ vào mối quan hệ của mình để bảo lãnh đưa cha đến Nhật Bản du học. Tiền tiêu vặt mỗi tháng là một đồng, nhưng cha luôn tiêu pha hết sức tiết kiệm, nghĩ mọi cách để tích lại năm hào gửi về cho nhà. Đồ ăn không đủ, cha và bạn học đi ăn trộm bí trong kho nhà người ta, sau đó trốn vào hầm phòng không nướng lên ăn, có vài lần suýt ngạt thở mà chết. Thời tiết Nhật Bản lạnh lẽo, lúc quần áo không đủ mặc, thầy giáo lớp cha bắt mọi người cởi hết trang phục, dùng băng tuyết tưới ướt lên người nhau, sau đó lại bắt cả lớp chạy bộ quanh sân vận động cho đến khi toàn thân ướt đẫm mồ hôi mới được trở về phòng học. Quãng thời gian đó, điều tiếc nuối lớn nhất và duy nhất của cha là khi bà nội bệnh mất cha không hề hay biết, ngay cả phút cuối cha cũng không được nhìn mặt bà.

Cứ như vậy, người cha ngày thường nghiêm túc ít nói của tôi bộc bạch về những câu chuyện trong quá trình trưởng thành của mình, dường như ông đã dẫn tôi đi vào tuổi ấu thơ và chặng đường trưởng thành với vô vàn những khốn khó do chiến tranh loạn lạc gây nên. Tôi lắng nghe trong sự nhập tâm và nỗi xúc động dâng trào, thi thoảng lại nhìn cha lấy tay gạt nước mắt. Bất giác tôi nắm lấy bàn tay thô ráp to lớn của cha, có lẽ là do tôi muốn an ủi cha, hoặc cũng có thể là muốn cảm ơn cha vì đã kể cho tôi tất cả những chuyện này.

Cả chặng đường nghe cha kể về hành trình trưởng thành của mình, chẳng mấy chốc hai cha con đã đi đến tiệm tạp hoá nhỏ ở Phân Thủy Luân. Lúc này cha nói phải nghỉ một lát rồi đi vào tiệm. Ông chủ vừa nhận ra cha liền lập tức đứng dậy chào đón, vừa hỏi thăm cha vừa xoa đầu tôi, còn nhân tiện bốc một nắm kẹo trong lọ nhét vào tay tôi. Cha thấy vậy liền vội vàng lấy tiền ra định trả nhưng ông chủ đã ngăn lại rồi quay sang nghiêm túc nói với tôi: “Vỹ à! Tính mạng của cháu là do cha mẹ gắng nhặt trở về. Sau này nhất định phải hiếu thuận với cha mẹ nghe chưa!”

Tôi vừa ngậm kẹo vừa ngước mắt lên nhìn ông gật gật đầu, ý là cháu biết rồi! Ông chủ mỉm cười, xoa xoa đầu tỏ ý mãn nguyện. Lúc này, ông ấy đột nhiên nhìn thấy chiếc cặp sách trên lưng tôi, bèn hỏi cha:

“Vạn à, sao thằng Vỹ tan học muộn thế?”

“Là thế này, có một chút bài vở chưa theo kịp, thế là cô giáo bảo ở lại để bổ túc thêm!” Câu trả lời của cha có chút không thoải mái. Có lẽ để tránh bị ông chủ dò hỏi thêm, cha vội cảm ơn ông rồi kéo tay tôi rời đi.

Đi mãi đi mãi, hai cha con đi vào con đường núi mà xe tải chở than hay đi qua. Đây là một đoạn dốc lên, hai bên đường là vườn trà bát ngát, chẳng hề có một bóng nhà dân, còn yên tĩnh hơn cả đoạn đường lúc trước, ngay đến tiếng chó sủa cũng không còn. Cha đi một đoạn, bỗng thở dài một tiếng, dường như muốn nói chuyện gì đó hệ trọng, tôi bắt đầu đề cao cảnh giác. Quả nhiên, cha đã mở lời:

“Vỹ à! Việc hôm nay con không học được, cũng đừng để bụng, ngày trước năm lớp hai con đã biết xem đồng hồ rồi, do bị bệnh nên đầu óc chưa phản ứng kịp mà thôi! Cô Kim là một cô giáo tốt, con thật may mắn khi gặp được một người thầy như vậy. Vừa xong cha cũng đã kể cho con nghe câu chuyện hồi nhỏ của cha, cũng là vì cảm động với sự nhiệt tình của cô Kim nên mới nhớ về thầy giáo Nhật Bản đã dạy dỗ cha trong suốt quá trình trưởng thành, cha con ta đều rất may mắn đấy!”

Vì là đoạn lên dốc, cha và tôi đều thở hổn hển nên khi leo được đến đoạn cua giảm tốc thì dừng lại nghỉ một chút.

Một lúc sau, cha lại nói với tôi: “Vỹ này, cô giáo tốt như vậy, dạy một mình con còn vất vả hơn dạy mười đứa. Vì vậy con nhất định phải hết sức ngoan ngoãn và kính trọng cô nhé!” Sau đó, cha lại chẳng nói gì nữa.

Ở vùng rừng núi hoang vắng và chìm trong đêm tối này, qua ánh sáng mờ nhạt của chiếc đèn pin, tôi nhìn thấy ánh mắt sâu thẳm những nỗi niềm của cha, trong lòng dậy lên một cảm giác khó nói thành lời. Tôi cảm thấy hình như cha đang chờ đợi câu trả lời của tôi, nhưng tôi lại chẳng biết nên nói thế nào, chỉ biết miễn cưỡng bật ra một câu:

“Con sẽ như cha, sẽ kính trọng thế này ạ!”

Tôi khom lưng cúi chào để cho cha xem, chứng minh rằng tôi thực sự rất kính trọng cô Kim.

Cha nheo mắt mỉm cười như dành cho tôi một lời khen tặng, đặt tay lên vai tôi và nói:

“Vỹ, sự kính trọng mà người Nhật Bản dành cho thầy giáo đó là phải đứng cách xa ba thước khi đi sau lưng thầy, phải tuyệt đối tránh dẫm lên bóng của thầy cô, con hiểu không?”

Khi đó tôi không hiểu rõ sự kỳ vọng và ẩn ý trong câu nói của cha, chỉ là tôi đã nhớ lời cha dặn và quyết định từ nay về sau nhất định sẽ tôn trọng thầy cô theo cách như vậy.

Mỗi lần trở về nhà, bà ngoại và mẹ đều đã đứng chờ ngoài cửa.

Đối với tôi và mọi người trong gia đình, hôm đó quả là một ngày dài đằng đẵng!

Do hai cha con về muộn hơn ngày thường rất nhiều, sợ mẹ lo lắng nên khi vừa về đến nhà, cha liền giải thích ngắn gọn nguyên nhân về trễ. Mẹ nghe xong mới biết tôi bị cô bắt ở lại học thêm vì không biết xem giờ. Nhưng cha không hề nhắc đến việc tôi bị cô phạt dùng thước chỉ đánh vào tay, tôi nghĩ cha không muốn để bà ngoại và mẹ thương xót và buồn rầu nên đã cố tình không kể. Mẹ là một người phụ nữ có cá tính kiên cường, không bao giờ chịu khoan nhượng. Tối hôm đó chị hai đưa tôi đi tắm gội, vừa tắm xong quay ra đã thấy trên bàn ăn trong phòng khách xuất hiện một chiếc đồng hồ bằng giấy bìa cứng. Tôi dán mắt vào đồng hồ, chẳng hiểu sao tay lại cảm thấy đau. Tôi xoa dụi lòng bàn tay, bắt đầu nước mắt lưng tròng:

“Mẹ… con không muốn học xem giờ nữa đâu!”

Vừa nói xong, tôi liền chạy qua trốn vào lòng bà ngoại, vòng đôi tay ôm lấy thân hình gầy gò của bà rồi khóc tu tu. Mẹ thấy vậy thì giật mình, bèn lo lắng truy hỏi cha rốt cục đã xảy ra chuyện gì. Lúc này cha mới kể với mẹ rằng cô Kim bắt tôi ở lại, do không dạy được nên cô rất sốt ruột, thế là dùng thước chỉ đánh vào tay tôi. Nhưng do trước kia mẹ chưa từng chính thức đi học bao giờ, cha sợ mẹ hiểu nhầm dụng tâm của cô, thế nên lại cường điệu nhấn mạnh việc sau đó cô giáo cũng đã bật khóc vì cảm thấy rất dằn vặt.

Nghe xong lời giải thích của cha, mặc dù mẹ có vẻ miễn cưỡng chấp nhận nhưng hình như vẫn rất khó có thể tha thứ. Mẹ xót xa kéo tôi ra khỏi lòng bà, từ từ lật tay tôi xem những vết tấy đỏ xen lẫn gân xanh, vừa chảy nước mắt vừa nhẹ nhàng xoa lên tay tôi. Bà ngoại thì lụi cụi đi lấy thuốc nước chuyên dành để xoa bóp vết thương, cẩn thận xoa lên lòng bàn tay tôi. Thứ thuốc nước được ngâm bằng rượu khiến cho tay tôi càng đau hơn. Trong một thoáng, như bị nỗi ấm ức và buồn bã dồn nén trong tim sai khiến, tôi trút ra hết những lời đã muốn nói với cha trên cả chặng đường về trong nước mắt:

“Mẹ… con không muốn đi học nữa đâu, con không muốn… không muốn… ”

Tôi vừa nói xong, xung quanh đột nhiên trở nên yên ắng khác thường! Sự mệt mỏi cả ngày dài khiến tôi mơ màng chìm vào giấc ngủ trong vòng tay êm ái ấm áp của mẹ.

Vì thương tôi quá nên mẹ trằn trọc cả đêm không ngủ. Trong đêm tối, đợi tôi ngủ say giấc, mẹ vẫn thi thoảng mở lòng bàn tay tôi ra để xoa thuốc. Nỗi sợ hãi và cảm giác bất lực của những ngày tháng năm lần bảy lượt kéo tôi từ Quỷ môn quan về trước đây lại một lần nữa ập đến. Thấy đứa con bé bỏng của mình chịu ấm ức, người mẹ chảy tràn những giọt nước mắt yêu thương và xót xa, một trái tim như vậy, một tình cảm như vậy, mãi cho đến khi trở thành người làm cha, trong những đêm lặng ngắm khuôn mặt ngây thơ thuần khiết của con mình, tôi mới thấu hiểu trọn vẹn.

Nhìn thấy chính mình:

Tình yêu là gì?

Trên chặng đường trưởng thành, tình yêu vẫn luôn hiện diện xung quanh chúng ta, nhưng chúng ta thường không nhận thấy sự hiến dâng và dụng tâm của thầy cô, cha mẹ cũng như người thân. Nhưng những tình yêu mà chúng ta được trải nghiệm sẽ luồn chảy trong thẳm sâu cuộc đời ta vào một thời gian và không gian khác. Chúng ta rất khó để thấy cảm động ngay lập tức bởi tình yêu, nhưng tình yêu sẽ gieo một hạt giống xuống ký ức. Cùng với sự tưới mát vun dưỡng của thời gian và không gian, trong thời khắc mà chúng ta không hề được biết trước, nó sẽ dấy lên từng đợt sóng cảm động từ trong nội tâm sâu thẳm của mỗi người.

Tình yêu là gì?

Tình yêu, chính là tất cả những gì mà chúng ta đang được trải qua!


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.