Con Không Ngốc, Con Chỉ Thông Minh Theo Một Cách Khác

Người bạn tốt tên Thành



Những ngày tháng vui vẻ cùng Chi trong năm lớp bốn trôi qua thật nhanh, lên lớp năm chúng tôi được xếp vào lớp mới, tôi bị xếp vào lớp Mậu, còn Chi bị xếp vào lớp Ức10. Vì thiếu Chi nên phần lớn thời gian tôi đều rất cô đơn. Thường chỉ có một mình tôi không nộp bài tập. Để tránh bị phạt, tôi quen mồm viện ra các kiểu lý do như đánh mất vở bài tập, quên mang hoặc bị chó cắn rách, bị em gái làm ướt, v.v… Thầy giáo cũng biết tỏng là dù sao thì cũng vẫn chưa làm nên tôi có kể lể lý do gì chăng nữa cũng khó tránh khỏi bị quật tay, quật mông, phạt đứng, phạt quỳ. Nhưng cũng thật kỳ lạ, tôi chẳng hề học hỏi hay rút kinh nghiệm được điều gì qua những lần ăn đòn đó để hoàn thành hết bài tập. Lên lớp năm tôi khá biết chơi bời, bi ve, bài giấy hay chun cao su thường nhét đầy trong cặp, nếu như bị bắt ở lại cuối giờ để làm bài tập, tôi cũng rất ít khi viết được hoàn chỉnh một con chữ. Khi viết chữ tôi đều viết nét đầu rất nhanh, viết cả một hàng rồi sau đó bắt đầu viết nốt nét tiếp theo, dấu thì tôi luôn viết xong phía trên rồi viết đến phía dưới. Vì vậy cho đến tận năm lớp năm, những chữ mà tôi biết vẫn rất ít, điểm bài tập về nhà nhiều nhất là Bỉnh, thi thoảng là Ức trừ, trong trí nhớ chỉ duy nhất có một lần được Giáp trừ11.

Cha mẹ vẫn bận rộn kế sinh nhai, ít có thời gian chú ý đến bài vở của tôi, chị hai thì ở bán trú tại trường sau khi thi lên cấp ba, thường ngày chỉ có tôi và hai em gái ở nhà. Em gái lớn đi học lớp một, rất thông minh lanh lợi, có một ngày chị hai nghỉ học về nhà mới kinh ngạc phát hiện ra em gái lớn đã biết đọc truyện cổ tích, còn tôi thì vẫn lắp ba lắp bắp đọc mãi chẳng nên hồn. Để giữ thể diện, tôi vẫn giả vờ rằng mình có thể đọc được, nhưng chị hai lại chỉ chữ hỏi tôi, phát hiện ra em gái lớn gần như chữ nào cũng biết, còn tôi chỉ biết chưa đầy một phần ba, chữ viết ra cũng nguệch ngoạc, chẳng theo thứ tự nét nào cả. Chị hai liền nói ngay chuyện này với mẹ, lúc này mẹ mới chợt nhớ ra rằng một năm trở lại đây vì cuộc sống mà đã lơ là việc dạy dỗ tôi. Từ đó, mẹ bắt đầu ít làm tăng ca hơn, muốn cố gắng về sớm một chút để kèm tôi học, nhưng dù sao mẹ cũng đã mất một thời gian dài không học chữ, đối diện với những con chữ chằng chịt trong sách giáo khoa lớp năm, mẹ căn bản cũng chẳng biết phải làm thế nào.

Do mẹ bắt đầu quan tâm đến bài vở của tôi, tôi cũng dần dần bị áp lực. Mỗi ngày mẹ đều giở vở của tôi kiểm tra, còn tôi vẫn hoàn toàn chẳng biết trên lớp thầy giáo đã dạy đến đâu, bài tập rốt cuộc phải viết thế nào. Khi đó vẫn chưa có sổ liên lạc gia đình, điện thoại thì rất ít, mẹ cũng chẳng có cách nào để kiểm tra xem liệu tôi quả thực có làm xong bài tập trên lớp hay không. Có mấy lần thầy giáo bắt phải nộp bài tập, cứ ngày này dồn qua ngày nọ, đến lúc chẳng thể chối loanh quanh được nữa, cuối cùng tôi bị ăn một trận đòn đau điếng, vậy mà tình trạng như thế này gần như cứ cách vài ngày lại diễn ra một lần.

Có một ngày tôi đi học cùng em gái, khi sắp tới cổng trường tôi giả vờ mượn cớ có việc, núp ở ngõ rồi chạy đến căn miếu lớn lang thang cả buổi. Sau khi có được trải nghiệm trốn học lần đầu tiên, tôi bắt đầu thường xuyên trốn học, lúc thì trốn ở miếu thần thổ địa, lúc thì ra ven suối. Thực ra tôi không thích trốn học, chỉ bởi vì những chỗ đó đều yên tĩnh đến lạ. Thời gian buổi sáng là dài nhất, có khi cô đơn quá không chịu nổi, tôi thường dạo quanh những con ngõ nhỏ bao lấy khuôn viên trường, đứng cạnh bức tường bao, nghe tiếng thầy cô giảng bài và tiếng xì xầm của các bạn trên lớp để giết thời gian và xua tan cảm giác bất an, thỉnh thoảng bị người dân quanh đó hoặc thầy chủ nhiệm lớp khác phát hiện ra, tôi liền giả vờ nói đang bị ốm! Một tuần có khi trốn tới hai đến ba tiết học, nếu chẳng may đến trường thầy hỏi lý do nghỉ học, tôi sẽ bịa là ốm nên phải đi khám bác sĩ, có khi thì cảm cúm, đau bụng, nếu không thì là đau đầu, đau dạ dày. Thầy giáo cũng chán chẳng buồn truy vấn nữa, bởi thầy cô đều biết khi ở trên lớp tôi chỉ là một đứa bé khờ khạo, khi tan học thường gây gổ cãi cọ cùng bạn học, nếu trong lớp thiếu tôi, điều đó cũng có nghĩa là bớt đi được phiền phức. Tôi thường đợi đến buổi chiều khi các bạn đã về hết mới chạy đi lấy cặp ở chỗ giấu ra, khi về nhà giả vờ rằng mình đã trải qua cả một ngày học hành vất vả, cha mẹ trước sau vẫn chẳng hề hay biết chuyện tôi trốn học.

Khi đó để tiện cho việc học thêm, thầy giáo ghép tiết thứ tám của lớp Mậu và lớp Bỉnh lại với nhau, cha mẹ vẫn hy vọng tôi có thể học thêm được chút gì đó, nên bắt tôi đi học thêm, vì vậy, tôi bị phân vào lớp Dĩ12. Chỗ ngồi trên lớp được sắp xếp theo thành tích học tập từ cao đến thấp, từ dãy giữa chia sang hai bên, tôi cũng không phải là ngoại lệ, bị xếp vào dãy kém nhất. Khi lên lớp thầy thường chỉ chú ý đến phản ứng của các bạn có thành tích tốt nhất ngồi ở dãy giữa, rất ít khi hướng ánh nhìn sang hai dãy hai bên, trừ phi chúng tôi phát ra tiếng gì đó, hoặc có những hành động ảnh hưởng đến việc giảng dạy của thầy, nếu không thì thầy sẽ chẳng bao giờ tốn công hao sức vì chúng tôi.

Những bạn ngồi ở dãy giữa đều nằm trong nhóm đầu của lớp, đại đa số đều có gia cảnh khấm khá, quần áo cũng tương đối sạch sẽ chỉnh tề, thậm chí đồng phục ngày nào cũng được là lượt phẳng phiu, những bạn này có chút gì đó giống nhân vật Hoa Luân trong phim hoạt hình Anh đào tiểu vãn tử, quần áo thường lấp lánh sáng chói. Ngoài ra, thầy giáo còn đưa ra quy định ngoài tiết thể dục ra, thời gian còn lại đều phải đi giày da. Nhưng lúc đó hoàn cảnh nhà tôi vô cùng khó khăn, mẹ mua cho tôi một đôi giày da làm bằng cao su, đi được chẳng bao lâu, mũi giày đã “nở hoa” hết cả, mẹ dùng keo và dây thép mảnh khâu lại cho tôi đi tiếp; chẳng bao lâu sau bề mặt giày lại nứt toác, mẹ tiếp tục dùng loại dây được gỡ từ bao xi măng luồn qua kim khâu bao tải vá lại để tôi đi tiếp. Thành tích không tốt, lại thêm việc quần áo vá chằng vá đụp, ngoài đồng phục ra chỉ có quần áo lót, vừa về đến nhà là tôi cởi tuốt đồng phục, mặc độc bộ quần áo lót chạy tung tẩy đi chơi khắp nơi, nên thường khiến cho lũ bạn chê cười. Tâm lý tự ti lại thêm dây thần kinh vận động không tốt, chỉ được tham gia đánh bóng chày, chơi trốn tìm khi thiếu người, nếu không tôi chỉ có thể đứng bên ngoài mà nhặt bóng. Để được coi trọng hơn, tôi thường liều lĩnh làm những việc mà các bạn không dám hoặc không muốn làm.

Lần khiến tôi ấn tượng nhất là một dạo các bạn đều nghịch đá đánh lửa (một loại đá hay có trong bật lửa kiểu cũ, giống lõi bút chì, dài khoảng 0,5mm), dính chặt nó trên bàn học rồi dùng dao xát qua xát lại sẽ tóe ra đốm lửa. Tôi và một đứa bạn khác tên Thành rủ nhau dính hẳn mấy chục thanh đá đánh lửa lên bàn, quẹt một cái đốm lửa lách tách lấp lóe thành quầng, đẹp vô cùng. Chơi được một lúc, chẳng biết có đứa nào mang rượu ra chơi, vừa quẹt một cái là bắt lửa. Tôi và Thành bèn rủ nhau đi mua xăng dùng cho bật lửa để dễ cháy hơn, giờ ra chơi nào cũng đem ra nghịch lửa. Có một lần không cẩn thận làm cháy cả bình xăng, Thành sợ quá đánh rơi luôn chai xăng trên nền nhà, làm cho cả lớp học chìm trong biển lửa, cả lớp tháo chạy tán loạn. Tôi và Thành hò nhau lấy chổi đập hay dùng nước tạt đều không có tác dụng, may mà thầy giáo kịp thời chạy đến dập lửa. Hai đứa chúng tôi đều bị ăn mấy chục roi đau điếng vào mông, còn bị phạt khom gối tựa lưng vào nhau để đội chiếc bàn thí nghiệm mà hằng ngày thầy vẫn dùng để chấm bài cho đến khi tan học, lưng đau gối mỏi, chân tay nhũn hết cả ra, cả một tuần sau đó chân tôi vẫn đau ê ẩm, lên xuống cầu thang phải lết thật chậm.

Vì sự kiện đó mà tôi và Thành trở thành bạn thân của nhau. Cậu ấy rất thông minh, có rất nhiều trò nghịch ngầm, trong hai năm lớp năm và lớp sáu, cậu ấy như là đại ca của tôi vậy. Tôi là đồng đảng trung thành nhất của cậu ấy, nhờ sự lanh lợi của Thành, tôi đã được trải nghiệm rất nhiều trò mạo hiểm mà trước nay chưa từng thử qua. Ví dụ, buổi tối lẻn vào phòng học môn tự nhiên trộm que thăm, ống nghiệm, bình thủy tinh, dùng một căn phòng trống lập hẳn một phòng thí nghiệm riêng của chúng tôi. Còn nhớ có một lần học tiết tự nhiên, cô giáo dạy về nguyên lý “ánh sáng”, Thành kiếm về một số mảnh thủy tinh và kính, chúng tôi đã tự chế tạo thiết bị giám sát bằng ánh sáng trong căn phòng thí nghiệm này bằng cách đặt từng miếng kính ngoài cửa, lợi dụng sự khúc xạ của ánh sáng mặt trời phản chiếu hình ảnh vào tấm gương được đặt trong phòng. Bên ngoài sáng, trong phòng tối, cho nên bất cứ người nào đi qua cửa chính hình ảnh của họ đều sẽ bị phản chiếu vào tấm gương trong phòng. Ngoài ra chúng tôi còn đặt gương trong nước, lợi dụng sự khúc xạ của ánh sáng mặt trời để tạo ra cầu vồng. Thành còn phát minh ra cách dùng gương để truyền tín hiệu. Thầy giáo yêu cầu chúng tôi phân tổ để chế tạo kính tiềm vọng, chúng tôi không chỉ hoàn thành theo đúng yêu cầu của thầy, mà còn dùng mặt gương lồi lõm để chế ra loại kính tiềm vọng có khả năng nhìn xa hơn. Thầy giáo không chỉ cho chúng tôi điểm cao mà còn đem tác phẩm này của cả tổ bày trong phòng tự nhiên, cũng chính vì vậy mà tiết tự nhiên trở thành trọng tâm thu hút tôi trên lớp, và cũng là toàn bộ những gì mà tôi học được.

Thành là chúa nghịch ngầm, tuy học hành lẹt đẹt, trong lớp thường phải ngồi ở dãy sát tường cùng tôi, nhưng trí tưởng tượng của cậu ấy vô cùng phong phú. Có lần phải trồng khoai lang để quan sát trạng thái sinh trưởng của thực vật, cậu ấy trồng liền một lúc mười mấy chậu, một nửa để ngoài nắng, một nửa để chỗ tối. Không chỉ dùng giấy trong suốt để che ánh sáng mặt trời, Thành còn dùng đủ các tấm hình để che kín lá khoai, dùng ống trong suốt để bắt thân cây mọc cong cong uốn lượn theo ống, lợi dụng đặc tính thân lá hướng về phía có ánh sáng và rễ hướng về nơi có nước để trồng ra cả một đống cây khoai lang khiến người khác kinh ngạc. Cậu ấy còn đưa sách tham khảo để tôi đọc thêm, lúc đầu tôi chỉ thích xem hình, dần dần mới bắt đầu đọc những chữ có thể nhận ra được. Sợ Thành coi thường không cho tôi đọc những sách kiểu này của cậu ấy nữa, tôi đành nghiêm túc ngồi đọc, chỗ nào không hiểu thì hỏi cậu ấy, dần dần kỹ năng đọc hiểu của tôi dường như cũng được nâng cao rất nhiều.

Thành cũng giống tôi, đều không thích làm bài tập, nhưng cậu ấy thông minh nhanh nhẹn, lúc thầy bắt đầu kiểm tra bài tập về nhà, cậu ấy không giả vờ quét dọn phòng học thì sẽ chạy đi đâu đó để thầy giáo sai vặt, mười lần thì trốn được sáu bảy lần, thầy giáo cũng ít khi truy cứu. Có khi thầy giáo yêu cầu bài tập đổi chéo cho nhau để sửa, như vậy càng dễ bề hành động. Thành thông minh, to gan nhưng vẫn cẩn thận, phản ứng nhanh, tôi chỉ biết ngưỡng mộ mà thôi. Tôi thì rất ít khi thoát được đôi mắt tinh tường của thầy giáo, không bị quật thước vào tay thì cũng bị vụt roi vào mông.

Đối với tôi, ngoài việc học hành không tốt ra, mọi thứ ở Thành đều khiến tôi vô cùng ngưỡng mộ. Cậu ấy gần như là “thần bài” ở trên lớp, vòng chun, bi ve, bài giấy chắc phải chất đầy cả một hòm gỗ quân dụng, tiền tiêu vặt của cậu ấy không nhiều, đa phần đều phải dựa vào “cá độ thắng” để kiếm chút tiền lẻ tiêu xài. Có lúc thầy giáo cũng dùng đến sự thông minh của cậu ấy, chỉnh sửa vườn hoa, thầy giáo yêu cầu hoa gì, cỏ gì, cậu ấy đều có cách để tìm được. Đương nhiên, căn nguyên là do có một “tiểu nô tài” là tôi theo sau, nhìn thấy vườn, cửa sổ hay bãi đất trống nào có những thứ đó, Thành đều sẽ quan sát trước rồi mới hành động, ngoài một hai lần bị đuổi chạy bán sống bán chết ra, dường như chưa lần nào thất bại.

Được làm bạn với Thành rõ ràng khiến cho cuộc sống của tôi thêm phần phong phú. Lấy cuộc sống của tôi hiện tại để so sánh với hồi còn học lớp năm lớp sáu, tôi chỉ có thể thốt lên rằng khi đó mình quá may mắn. Không những không xảy ra tai nạn, mà cũng chẳng bị bắt phạt, thậm chí có mấy lần đi bơi cùng Thành bên bờ suối, do không biết bơi nên có vài lần xém chết đuối, may mà cậu ấy kéo lên kịp. Giờ đây nghĩ lại, mạng tôi quả là lớn! Thế nhưng tôi vẫn thật sự muốn cảm ơn Thành, từ khi có cậu ấy bầu bạn, tôi dường như không còn trốn học nữa. Đã vậy, không biết cậu ấy kiếm từ đâu ra rất nhiều sách tự nhiên, giúp tôi nâng cao kỹ năng đọc viết, những kỳ thi của tôi cũng bắt đầu có đột phá lớn, môn tự nhiên thi thoảng cũng được trên 60 điểm. Có thể coi cậu ấy là thầy giáo và cũng là quý nhân trong cuộc đời của tôi!

Nhìn thấy chính mình:

Hành trình trưởng thành là một chuỗi những “may mắn” và cơ hội, để đến bây giờ tôi thường nghĩ, khi chưa nhận được sự dạy dỗ và giúp đỡ từ gia đình, nếu như Thành không kịp thời xuất hiện, có lẽ tôi đã tiếp tục trốn học, cuối cùng có khả năng đã trở thành một học sinh hư hỏng. Cũng do Thành hiểu mà như không, thậm chí rất nhiều quan niệm của cậu ấy bất đồng với sách vở, nhưng chính sức mạnh tình bạn đã khích lệ tôi cố gắng nhận biết chữ, tập đọc và cuối cùng đã miễn cưỡng hoàn thành được giáo trình của cả năm tiểu học.

Thế nào là “bạn thân”? Thế nào là “bạn xấu”? Trong mắt cha mẹ có lẽ chỉ có một thước đo duy nhất, nhưng trên chặng đường trưởng thành của chúng ta, sự tương ngộ với bất kỳ ai cũng đều có ích lợi riêng, và chính điều đó sẽ làm phong phú thêm cuộc sống của chúng ta!

Trân trọng mỗi giây phút được tương ngộ với mọi người, có lẽ đại đa số mọi người đều chỉ là khách qua đường, nhưng có một số ít, thậm chí là cực ít người sẽ mang tới cho ta những thành tựu, họ chính là những quý nhân trong cuộc đời chúng ta. Trong sự tương tác nhân thế, nếu như coi mỗi người đều là một “quý nhân”, trân trọng mối nhân duyên được gặp gỡ nhau, cuộc sống sẽ nhờ đó mà bớt đi những trở ngại và bạn sẽ nhìn thấy nhiều niềm vui và sự hòa hợp hơn nữa, biết đặt mọi người vào những vị trí quan trọng trong tâm hồn, khi đó quý nhân không cần cầu ắt sẽ tự đến!


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.