Con Không Ngốc, Con Chỉ Thông Minh Theo Một Cách Khác

Được sống thật tốt biết bao!



Ngoài việc chạy khắp nơi khám bệnh, uống thuốc nam, cầu thần khấn Phật, đổi cửa nhà, rời giường ngủ… mọi thứ có thể làm đều đã làm, mọi điều cần thử đều đã thử. Thế nhưng bệnh của tôi vẫn không hề có chuyển biến tích cực, cha mẹ lo lắng vô cùng. Trong khoảng thời gian này, tôi thường phải mặc chiếc áo khoác quý nhất của bà ngoại, trong túi nhét đầy các loại bùa chú, thế nhưng bệnh tình vẫn lúc tốt lúc xấu, có đôi khi còn hét lên như bị ma nhập. Trong ấn tượng của tôi khi đó, chỉ cần tôi mở mắt là sẽ nhìn thấy một người rất to cao, mặt đỏ hồng, bên ngoài khoác một chiếc áo lục mãng bào, tay cầm một chiếc đao lớn đứng bất động trước cửa. Mỗi lần nhìn thấy tôi liền khóc toáng lên: “Ông mặt đỏ! Ông mặt đỏ lại đến kìa!”

Một vị thầy mo trên núi bảo với cha mẹ rằng, phải đưa tôi đến miếu Ân Chủ Công ở Tam Hiệp, cầu khấn Quan Thánh Đế Quân ban phước cứu giúp thì mới tai qua nạn khỏi. Vậy mà bệnh của tôi vẫn ngày càng nặng, thời gian tỉnh táo ngày càng ít, tay chân thường xuyên co giật, răng nghiến chặt không rời, hoàn toàn chẳng thể ra ngoài. Vì quá thương tôi, bà ngoại đành thay cháu đến miếu Ân Chủ Công ở Tam Hiệp quỳ lạy cầu khấn ngày đêm và nguyện rằng chỉ cần tôi khỏe mạnh trở lại, nhất định bà sẽ tự mình hoàn nguyện, thậm chí còn xin cả bùa hộ thân và tàn nhang trở về, nhưng bệnh của tôi vẫn ngày càng trở nặng.

Thần Phật cầu được cũng đã cầu, bùa chú xin về cũng đã xin, các loại thuốc thang đông y tây y cũng đã uống hết, đối mặt với bệnh tình không chút chuyển biến của tôi, cha mẹ lo lắng âu sầu ngày đêm, cuối cùng quyết định đưa tôi xuống bệnh viện lớn để xét nghiệm xem sao. Chúng tôi từ thôn đi về thị trấn, chuyển qua mấy lượt xe đò để đến Trung Lịch, Đào Nguyên. Khi đó bệnh viện lớn nhất tại khu vực Đào Nguyên là Bệnh viện Thánh Bảo Lộc. Xếp hàng lấy số cấp cứu rồi đợi rất lâu mới đến lượt, trong phòng bệnh cơ man các phụ huynh tay ẵm những đứa bé đang lên cơn sốt, tiếng khóc lóc xen lẫn tiếng trò chuyện huyên náo, bác sĩ chạy qua chạy lại luôn chân luôn tay. Chờ rất lâu mới đến lượt tôi được xét nghiệm, bác sĩ nhìn thấy tôi tứ chi co rút, mắt chuyển trắng dã, liền nói với cha mẹ rằng rất có khả năng tôi đã bị “Viêm não Nhật Bản”, một căn bệnh đang bùng phát dữ dội thành dịch khi đó, yêu cầu cha mẹ lập tức chuyển tôi lên bệnh viện Đài Đại (một bệnh viện trực thuộc Học viện Y học của Đại học Đài Loan).

Theo lời cha tôi kể lại sau này, khi đến bệnh viện Đài Đại, đầu tiên các bác sĩ giúp tôi hạ sốt và tiến hành chẩn đoán sơ bộ, đợi đúng ba ngày sau mới đưa tôi vào phòng bệnh, kết quả đúng theo chẩn đoán của các bác sĩ bệnh viện Thánh Bảo Lộc, đúng là viêm não Nhật Bản. Bác sĩ bệnh viện Đài Đại nói rằng bệnh tình của tôi đã kéo dài quá lâu, nên dù có may mắn cứu sống được thì cũng rất có khả năng trở thành người thực vật hoặc bị thiểu năng trí tuệ, bảo cha mẹ chuẩn bị sẵn sàng tâm lý.

Mẹ tôi khi đó tiếng phổ thông nói không sõi, căn bản không hiểu thế nào là “người thực vật”, liền dùng tiếng miền núi nói to với bác sĩ: “Là người, dù người thế nào cũng không quan trọng, chỉ cần không biến thành quỷ là được rồi!”

Vì trong nhà còn có người già và trẻ em cần chăm sóc nên cha bảo mẹ về nhà trước rồi tự mình quay về công trường huy động một số chú bác thân thiết cùng đến thay phiên trông nom tôi. Mỗi ngày không uống thuốc thì là tiêm ven, trải qua một tuần liền như vậy, cuối cùng tôi cũng tỉnh lại. Thế nhưng khi tỉnh lại tôi không còn nói được nữa, cũng chẳng tài nào nhận ra cha, sau đó không lâu, mắt tôi dần mờ đục và lại mê man bất tỉnh, cha thấy vậy thì lo lắng vạn phần. Bác sĩ năm lần bảy lượt nói với cha rằng, tình trạng của tôi như vậy đã là lạc quan hơn nhiều so với dự liệu, các tri giác thần kinh đều vẫn hoàn hảo, chỉ là ý thức vẫn chưa hồi phục lại. Đến khi đó cha mới yên tâm phần nào.

Thời đó không có điện thoại, tất nhiên cũng chẳng thể gửi thư, vì thế tin tôi đã tỉnh lại là do chú Thủy Nguyên mất ba bốn tiếng đồng hồ trở về báo cho bà ngoại và mẹ tôi biết. Chú Thủy Nguyên sau này kể với tôi rằng, vừa nghe tin tôi đã tỉnh lại, mẹ tôi nước mắt lưng tròng quỳ sụp xuống lạy trời. Sau này, có nhiều lúc tôi nghĩ rằng, cái mạng của tôi có lẽ là do chư vị thần Phật cảm thương lòng thành của mẹ mà giáng ân tạo phúc, giữ lại trên trần gian.

Nằm trong viện được ba tuần, trải qua không biết bao lần kiểm tra và hút tủy xét nghiệm, tôi mới được ra viện. Khi ra viện, bác sĩ bảo cha rằng: “Thằng bé này sống được là tốt rồi, đừng kỳ vọng rằng nó có thể học được cái gì, và cùng lắm chỉ có thể sống được thêm ba năm mà thôi!” Vì khi đó bác sĩ cho rằng tôi đã bỏ lỡ mất thời gian then chốt nhất để điều trị nên một phần màng não đã bị hoại tử do sốt cao. Có thể cả đời này tôi sẽ không thể nói lại hoặc không thể tự chăm sóc bản thân, ngay cả đại tiểu tiện cũng phải có người giúp, đọc sách hay đi học thì không cần phải vội, để xem sau này thế nào đã!

Thế nhưng tôi vẫn có vẻ rất ổn, mắt vẫn nhìn được, miệng vẫn ăn đều, tay chân vẫn cử động linh hoạt, đại tiểu tiện thời gian đầu quả thật có bị mất cảm giác nhưng sau này cũng dần khống chế được. Khi về nhà cũng dần nhận biết được hết mọi người xung quanh. Qua một thời gian cũng bắt đầu nói được một số từ đơn giản, cha mẹ vẫn cho rằng tôi chẳng có điều gì bất thường. Lúc đầu họ vẫn bao dung mỗi lần tôi gọi nhầm tên hoặc không thể kể ra tên một đồ vật nào đó. Giống như chị hai, chị ấy không cần tôi nhận ra mình, chỉ cần tôi phát ra thành tiếng, dù đó là “chỉ” hay “chịn”, chị vẫn cho rằng tôi đang gọi chị; bà ngoại cũng vậy, dù nhiều khi chẳng biết tôi gọi “mẹ” là để ám chỉ bà hay mẹ, chỉ cần tôi gọi “Mẹ” một tiếng là bà lại cảm động đến mức ôm chầm lấy tôi rồi khóc. Thấy bà khóc, tôi cũng khóc theo, chẳng cần biết là tại sao.

Về ký ức của tôi trước và sau khi lâm bệnh, đều là do cha mẹ và chị hai kể lại, những ngày tháng đó hoàn toàn không còn tồn tại trong ký ức của tôi, tôi chẳng thể suy nghĩ, cũng chẳng có cảm xúc gì về nó, đầu óc trống rỗng, cả ngày chỉ biết khóc. Mỗi lần tôi khóc, cha mẹ, bà ngoại, thậm chí cả nhà lại cuống lên, hết dỗ tôi ăn rồi nựng tôi ngủ, nếu không thì sẽ dẫn tôi đi dạo bộ! Khi đó, chỉ cần tôi chìm vào giấc ngủ, mẹ đều đến bên kéo chăn rồi dùng ngón tay đặt lên trước mũi, xem tôi có còn thở hay không. Thói quen này cho đến tận bây giờ mẹ vẫn không sửa được. Con tôi sau này vì không biết rốt cuộc bà nội đang làm gì nên nhiều khi cũng bắt chước theo, chỉ cần thấy tôi đang ngủ là nó lại bò tới sờ sờ lên mũi tôi. Mấy lần làm tôi thức giấc, tôi hỏi nó đang làm gì, nó liền bảo: “Con cũng không biết, con học theo bà nội mà!”

Thực ra, trước khi bị bệnh tôi vốn đã được nuông chiều, sau khi mắc bệnh, mọi người lại càng cưng chiều hết mực. Thời gian đó chỉ cần tôi và các anh chị cãi nhau, không cần biết ai đúng, mẹ đều sẽ chạy đến kéo anh chị sang một bên rồi mắng cho một trận. Còn nhớ có lần, mẹ kéo em gái tôi ra ngoài cửa, không biết mẹ đã nói gì, chỉ thấy nó nói “Mẹ đừng lo nhiều quá như thế! Nếu phải chết thì anh ấy đã chết lâu rồi, sao có thể còn sống đến bây giờ chứ!”

Về sau tôi mới biết, thì ra lúc đó mẹ nói rằng: “Không được cãi nhau với anh con, anh con có thể chết bất cứ lúc nào đấy!” Thì ra cha mẹ luôn ghi nhớ lời nói của vị bác sĩ năm xưa, rằng tôi cùng lắm chỉ có thể sống được thêm ba năm. Vì vậy, đúng vào ngày tôi xuất viện tròn ba năm, mẹ nói với tôi rằng: “Từ hôm nay trở đi, con mới bắt đầu sống có ‘lãi’ đấy nhé!”

Sống thêm một ngày, là lãi thêm một ngày! Thì ra hạnh phúc cũng có thể giản đơn đến vậy. Nếu tính như vậy thì trong nháy mắt, tôi đã lãi được bao kinh nghiệm trong quãng đời hàng chục năm của mình, bất luận những trải nghiệm đó có là gì đi nữa, đó cũng đều là sự nhận được, là món quà ông trời ban tặng miễn phí, vậy nên hãy đừng so đo tính toán làm gì.

Còn nhớ khi tôi khỏi bệnh trở về nhà, cha đưa tôi đến hoàn nguyện ở Hàng Thiên Cung, ngôi đền nằm ở phía đông đường Dân Quyền. Hình như hôm đó đúng vào ngày lễ hội, mọi người kéo đến rất đông, tôi cầm bó hương đứng nghe tụng kinh, lúc một lại quỳ xuống rồi lại đứng lên cầu bái, được một lúc thì chân tôi mềm nhũn ra, chú Thủy Nguyên đành bế tôi ngồi lên bệ cột. Khi đó tôi cảm thấy thời gian dường như trôi thật chậm, hương khói nồng đặc đến mức làm tôi gần ngạt thở, tự nhiên tôi lại hy vọng vị pháp sư cao to, mặt đỏ, mặc áo lục mãng bào kia sẽ xuất hiện để tôi ngắm lại lần nữa, có lẽ nhờ được ông ấy bảo vệ, tôi mới không bị ma quỷ dẫn lối lôi xuống địa ngục.

Đối với thần linh, trước nay tôi chưa bao giờ dám nói mình không tin, bởi thần linh là nơi cha mẹ ký thác tâm linh của họ khi hoàn toàn bó tay trước bệnh tình của tôi. Giờ đây khi khỏi bệnh, làm sao tôi có thể lãng quên một điều rằng, sự xuất hiện của ông ấy đã giúp cha mẹ có được niềm hy vọng nhỏ nhoi để cõng tôi đi trong đêm tối dặm trường?

Được sống thật tốt biết bao! Cũng may là khi đó tôi đã không chết, nếu không tôi sẽ không có cơ hội để trải nghiệm biết bao cay đắng, thất bại, không được thưởng thức những trái ngọt trong cuộc đời.

Được sống thật tốt biết bao! Dù cho định mệnh nào đang chờ đợi phía trước, tôi cũng sẽ sải rộng đôi cánh để đón tiếp bằng một trái tim hân hoan!

Được sống thật tốt biết bao!

Tôi lãi được mấy chục năm! Vậy đã là quá đủ! Nhưng nếu ông trời ban cho tôi thêm vài chục năm nữa, tôi sẽ càng nhiệt thành dâng hiến cho đời.

Được sống thật tốt biết bao!

Nhìn thấy chính mình:

Trong mắt chúng ta hay trong mắt người khác, bất luận chúng ta tốt hay xấu, chỉ cần được sống là đã chẳng có gì quý giá hơn rồi. Và khi đã có được bảo vật quý giá nhất trên thế giới này, những thứ quý giá khác đều trở nên thật nhỏ bé.

Có thể bạn đã từng cận kề cái chết, kỳ thực, mỗi thời khắc của cuộc sống chúng ta đều có thể đã từng vô tình lướt qua lưỡi hái tử thần, chỉ là chúng ta đã không hề hay biết mà thôi! Khi có cơ hội ăn mừng bản thân trở về từ cõi chết, chúng ta mới hiểu rõ sự quý giá của sinh mạng; và khi đã thấu hiểu sự quý giá của sinh mạng, những việc đáng để so đo tính toán sẽ chẳng còn bao nhiêu!

Mỗi giây phút đều đáng để chúc mừng, đừng vì nó đến quá dễ mà bỏ qua. Hãy chúc mừng nó! Được sống thật tốt biết bao!


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.