Con Không Ngốc, Con Chỉ Thông Minh Theo Một Cách Khác

LỜI KẾT CHO CUỐN SÁCH



Coi trọng bản thân, phát hiện thiên tài trong chính mình Dùng khoảng thời gian hai tháng để một lần nữa nhìn lại tất cả những gì đã trải qua trong cuộc đời, bản thân như được sống lại một lần nữa. Thứ trải nghiệm nhìn thấy trước được kết quả này thật đặc biệt, cuộc đời như vậy sẽ mất đi sự ngạc nhiên và chờ đợi, không những thế còn bình đạm vô vị, vậy mà có biết bao người lại nỗ lực muốn thấy trước tương lai, muốn bản thân trải qua một cuộc sống đã được hoạch định sẵn. Bao nhiêu người từng mong đợi tìm ra được đáp án rõ ràng trong cuộc đời vốn không rõ ràng này giống như tôi. Nếu như, cuộc đời sẽ trải qua giống như cách mà tôi đã nhìn lại, mỗi sự việc đều xảy ra theo kế hoạch đã biết, vậy còn gì là thú vị? Hưởng thụ sự chưa biết trước và không rõ ràng của cuộc sống sẽ là một điều đẹp đẽ! Hãy trân trọng nó! Cuốn sách Con không ngốc, con chỉ thông minh theo một cách khác được viết ngoài dự liệu của tôi. Vốn dĩ kế hoạch của tôi là có thể trong khoảng ba đến năm năm nữa, bằng một nhân duyên nào đó, tôi sẽ hoàn thành một bộ sách nhằm giúp cho những độc giả hiện đại có thể tự chữa lành cho bản thân khỏi những căng thẳng, bận rộn và áp lực của cuộc sống, nhưng nhận lời mời của tổng giám đốc kiêm tổng biên tập nhà xuất bản Văn Hóa Bảo Bình – cô Chu Á Quân, trước khi hệ thống tự chữa lành này được hoàn thành, tôi muốn giúp cho độc giả “khởi động làm ấm” một chút trong việc khám phá bản thân. Vì vậy, tôi đã viết ra câu chuyện thuật lại hành trình trưởng thành của một kẻ ngốc là tôi. Dụng ý chính là muốn khích lệ mỗi cá nhân hãy coi trọng chính mình, dụng tâm để sống và để làm việc, qua đó có thể phát hiện ra thiên tài trong chính mình!

Tôi hy vọng đây sẽ là một viên gạch giúp bạn tự hiểu được bản thân, nhìn thấy kho báu của cuộc sống. Đây là một sự khởi đầu, dù cho bạn bao nhiêu tuổi, đang làm nghề gì, bằng cấp và chức vị có ra sao, chỉ cần bạn bắt đầu có trái tim hướng ngoại, có thể học cách nhìn vào bên trong con người mình, bạn nhất định sẽ thấy vô cùng ngạc nhiên. Hành trình như vậy không những không ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống của bạn, mà còn giúp ích cho việc đối nhân xử thế, lãnh đạo, quy hoạch sách lược, sáng tạo nghiên cứu và nghiệp vụ tiếp thị của bạn. Bởi bắt đầu hiểu được chính mình, bạn sẽ bắt đầu thực sự hiểu được người khác, và bất kỳ công việc nào chẳng qua cũng đều nhằm cung cấp sự phục vụ tốt hơn, đáp ứng những nhu cầu lớn hơn của nhân loại. Nếu như biết được nhu cầu và sự mong đợi thực sự của nhân loại, vậy có thứ tiền nào mà bạn không thể kiếm được? Có thứ hạnh phúc nào mà bạn không thể với tới?

“Tự mình chữa lành” là nền tảng của một loạt phương thức “tự mình hoàn thiện”, mục đích là để vỗ về những hỗn loạn bất an, chữa lành tâm hồn vốn đã chịu đủ những đớn đau và giày vò của bạn. Kẻ địch lớn nhất trên thế giới không phải là ai khác, mà là chính bản thân chúng ta. Sự bộc lộ của tiềm năng đến từ việc bạn hiểu được cách biến bản thân thành người bạn tốt nhất của chính mình! Bạn sẽ trở thành người dẫn dắt tâm hồn của chính mình, trông coi và bảo vệ vườn hoa trong tâm hồn của bản thân, để những đóa hoa mỹ diệu có thể đâm chồi nảy lộc từ trong mảnh đất khô cằn đã lâu của con tim! Nếu như bạn đồng ý, bạn sẽ lần lượt được tận hưởng sự bất ngờ và thanh thản trong cuộc sống!

1. Chấp nhận chính mình

Do chế độ giáo dục (gia đình, nhà trường, xã hội), phần lớn mọi người đều cảm thấy mình không đủ tốt, không đủ hoàn mỹ, nên cứ cố gắng để giành lấy những ánh mắt thừa nhận và sự tán thưởng từ người khác. Phần lớn mọi người đều có khát vọng dùng của cải, quyền chức để che giấu sự không hoàn mỹ và không đủ tốt bên trong bản thân, cuộc đời cứ như vậy mà lạc lối trong những ràng buộc vật chất và bằng cấp chức vị bên ngoài, họ cho rằng những thứ này chính là phương hướng và mục tiêu trong cuộc sống. Trên thế giới này, chỉ có một số ít người thực hiện được tất cả mục tiêu và mong muốn của mình! Nhưng họ vẫn đang kiếm tìm những thách thức nhiều hơn, lớn hơn, còn phần lớn mọi người đều vì không thể chiếm hữu đủ nhiều, đủ lớn mà nhầm tưởng rằng bản thân vẫn chưa đủ nỗ lực, thậm chí là ôm lòng tự trách và oán than.

Trên thực tế, những sự chiếm hữu này chẳng hề liên quan đến việc bạn có tốt hay không. Chỉ cần bạn có thể bắt đầu nhìn ra sự đặc biệt của bản thân và thấy được sự hoàn hảo ngay chính trong sự không hoàn hảo, bắt đầu hiểu được cách chấp nhận chính mình, bạn sẽ tìm lại được niềm tin và giá trị của chính mình ngay từ những cảm xúc thất bại trong cuộc sống, công việc, gia đình, hôn nhân, con cái hay đối nhân xử thế.

2. Trân trọng chính mình

Bên trong mỗi một người đều tồn tại một trái tim chân thật của “mỹ” và “thiện”. Bởi từ nhỏ chúng ta đã quen với việc tự gò ép bản thân, không tin chính mình, mà tin vào những cách nhìn và đánh giá của cha mẹ, thầy cô, bạn bè, anh em. Vì kỳ vọng của họ mà hao phí đến tận cùng năng lượng cuộc sống của chúng ta, để sự mệt mỏi, căng thẳng, sợ hãi, cô độc chiếm hữu lấy tâm hồn chúng ta. Khi ánh mắt hướng ra bên ngoài của chúng ta học được cách nhìn vào phía trong, bạn sẽ dấy lên sự “giác ngộ” đối với cuộc sống. Bạn sẽ phát hiện ra rằng, những nỗ lực trong ngần ấy thời gian của bạn đã không hướng đến mục tiêu mà bạn thực sự mong muốn. Bạn cần trân trọng bản thân, đừng để bản thân lại lạc lối trong rừng rậm, chịu đựng những nỗi giày vò vô tận. Lối ra của cuộc đời, không nằm ở thế giới bên ngoài, mà nằm ở việc lúc nào bạn có thể bắt đầu thực sự nhìn thấy chính mình, chấp nhận những điều đặc biệt của bản thân. Hiểu được điều gì bản thân không muốn, đặt xuống tất cả những thứ rác rưởi và gánh nặng (thương chính mình). Hiểu được cách tận dụng năng lượng của cuộc sống cho mục tiêu thực sự mà mình cần (xót chính mình). Bạn sẽ vĩnh viễn tránh xa được nỗi sợ hãi, căng thẳng và hoảng loạn!

3. Yêu thương và bảo vệ chính mình

Các giai cấp, tôn giáo, ngành nghề trên toàn thế giới đều đang nói về “yêu”, nhưng chữ “yêu” này lại chỉ là văn tự, rất ít người thực sự trải qua và cảm động vì nó. Chúng ta đều nhầm tưởng rằng bản thân làm không đủ tốt, vậy nên mới không có cảm giác yêu thương. Thế nên chúng ta càng nỗ lực cho gia đình, sự nghiệp, công ích, từ thiện, bề ngoài cuộc đời chúng ta thật phong phú, nhưng chỉ có bản thân chúng ta mới biết rằng sâu trong trái tim vẫn nhức nhối một cảm giác bất an và cô quạnh. “Yêu” chưa từng vì sự cố gắng của chúng ta mà len lỏi vào trái tim của chúng ta, phần lớn những nỗ lực và kiến thức dạy về tình yêu, đều có thể khiến chúng ta xa rời khỏi tình yêu, thậm chí có thể tống khứ tình yêu ra khỏi cửa, ngay khi nó chuẩn bị bước vào tim mình. “Yêu”, chúng ta luôn hưởng thụ nó, trải qua nó, nhưng những mong đợi của chúng ta luôn lấp đầy không gian dành cho tình yêu. Vì vậy, phần lớn mọi người đều chỉ có thể ước ao được gột rửa bởi tình yêu, nhưng lại không thể hưởng thụ sự cảm động của tình yêu. Nếu như chúng ta có cơ hội để trải nghiệm nó, biết về nó, cuộc đời chắc chắn sẽ khác. Bạn sẽ hiểu được một cách rõ ràng, điều gì trong cuộc đời mới là quan trọng. Bạn sẽ không dễ dàng để những thứ không phải là tình yêu chiếm hữu bạn, làm phiền bạn. Bạn sẽ thực sự hiểu được thế nào là “yêu thương” và “bảo vệ” chính mình.

4. Phát hiện ra chính mình

Người hiện đại thích nhất câu nói: “Tri thức là sức mạnh”, “Tri thức chính là của cải”. Thế nhưng tri thức là gì? Và tri thức thực sự có giá trị là thế nào? Nếu như chúng ta không biết, mà theo đuổi một cách mù quáng những tri thức mà giá trị của nó có thể mất đi trong nháy mắt, chúng ta sẽ hao phí cuộc đời, giống như một chú lừa mãi đuổi theo củ cà rốt được buộc trên cây gậy của chủ nhân.

Bạn muốn tiếp tục theo đuổi những sản phẩm và bằng chứng nhận luôn được thay đổi cập nhật từng ngày từng giờ, hay muốn tìm thấy những tri thức trong cuộc sống có giá trị vĩnh hằng tựa như những tinh thể kim cương?

Chỉ cần bạn từng có được chính mình, trong những thứ hỗn tạp hoa mắt, bạn sẽ nhìn ra những tri thức nào là thực sự có giá trị! Hơn hai ngàn năm trước, Socrates đã biết được bí mật này, và cũng vào khoảng thời gian này tại Trung Quốc, Lão Tử đã đem bí mật đó viết nên Đạo đức kinh, nhưng tiếc thay, chúng ta vẫn không ngừng lạc lối.

“Phát hiện chính mình” thêm một lần nữa, bạn sẽ phát hiện ra tri thức thực sự, phát hiện ra sức cạnh tranh và ưu thế cạnh tranh đích thực của thế kỷ mới!

5. Hiểu được chính mình

Trên thế giới này có quá nhiều sách dạy con người tương tác và giao tiếp, dạy chúng ta làm thế nào để trở thành một “cao thủ thuyết phục”, chuyên gia đàm phán, nhưng lại không có sách nào dạy chúng ta làm thế nào để đối thoại với chính mình. Khi bạn bắt đầu hiểu được tất cả những thứ bên trong của bản thân, bạn sẽ nhận được sự tín nhiệm và yêu mến của người khác một cách rất tự nhiên. Nếu như không hiểu được chính mình, bạn sẽ khiến nội tâm bị nhiễu loạn, làm nguy hại đến môi trường giao tiếp với mọi người của mình. Sự tương tác giả dối với người khác, sẽ là mầm họa lớn nhất khiến cho bạn tự trách mình và trách người, nó cũng là mầm mống tạo ra những giông bão cả phía bên trong và bên ngoài của bạn.

Sự đối nhân xử thế rất quan trọng! Nhưng bạn bắt buộc phải hiểu được chính mình, giao tiếp với chính mình, thì lúc đó bạn mới hiểu và tương tác lành mạnh với người khác. Biết được bản thân cần gì, bạn mới biết được người khác cần gì. Điều này sẽ giúp ích cho hành trình xuất phát lại từ đầu của sự nghiệp cũng như sự điều chỉnh lại trong gia đình, tất cả đều bắt đầu từ việc bạn buộc phải hiểu được chính mình!

6. Biết được chính mình

Từng ngày, cuộc sống của mỗi chúng ta đều mà không quay trở lại được. Chúng ta còng lưng gánh vác những gách nặng khổng lồ, gánh nặng này chứa đầy những mẩu rác tri thức và kinh nghiệm khác nhau, nhưng chúng ta lại vẫn gánh vác lấy nó mà không hay biết. Mỗi một ngày, mỗi một thời khắc, những mẩu rác trong gánh nặng đó ngày càng tăng thêm, chúng ta càng tiến về phía trước thì càng thấy gánh nặng chất chồng, càng cảm thấy cuộc sống vô vị, cuộc đời tẻ nhạt.

Chính trái tim sẽ giúp bạn hiểu rõ bạn là ai? Rốt cuộc phải đi về đâu? Điều bạn thực sự cần trong cuộc sống này là gì? Bạn không buộc phải đeo mặt nạ để sống, bạn có thể thực sự tận hưởng sự tĩnh lặng, nhẹ nhàng, tự tại của cuộc sống mà mình muốn, tất cả đều nằm ở việc bạn buộc phải biết được chính mình. Đây là một cuốn sách tự mình khám phá, tự mình chữa lành, khác biệt so với những tác phẩm mang tính dẫn dắt, chỉ đạo khác mà bạn từng tiếp xúc. Cuốn sách này giúp cho bạn đọc được chính bản thân mình, trở thành chủ nhân, người dẫn dắt của cuộc đời mình. Tôi dự kiến cứ nửa năm sẽ hoàn thành một cuốn sách như thế này chỉ hướng đến một mục tiêu giản đơn: đó là khiến cho mỗi độc giả đều có thể nhận ra rằng, “bản thân” chính là mục tiêu của tất cả sự cố gắng, hãy trút bỏ mọi mục tiêu không thuộc về mình. Trong môi trường cạnh tranh cao độ ngày nay, bạn không cần chỉ chăm chăm theo đuổi tốc độ, mà đầu tiên hãy xác định rõ ràng rốt cuộc bản thân cần gì? Điều bản thân thực sự mong đợi là gì? Bởi nếu “biết”, chúng ta sẽ làm “đúng” việc, dùng “đúng” lực, hưởng thụ một cách an nhiên mỗi trải nghiệm trong cuộc đời!

Thành công đến từ sự nhìn nhận rõ ràng của chúng ta, chứ không đến từ nỗ lực để ép bản thân phải đạt được. Thành công trong cuộc sống cũng không đến từ sự chiếm hữu của cải, chức quyền hay những cống hiến hữu hình, mà đến từ những sự hưởng thụ từ bên trong: sự thanh thản, vui vẻ, trải nghiệm khi yêu và được yêu. Từ tận đáy lòng mình, tôi chúc cho bạn cũng có được tất cả những trải nghiệm như tôi từng nhận được!

1. Hiệu ứng Pygmalion là hiện tượng khi một người được đặt kỳ vọng càng cao (từ người khác hoặc chính họ) thì họ càng làm mọi việc tốt hơn. Tên của hiệu ứng này xuất phát từ một câu chuyện trong Thần thoại Hy Lạp về Pygmalion, một người tạc tượng đã yêu chính bức tượng do mình tạo ra.

2. Heather Leigh Whitestone McCallum: người khiếm thính đầu tiên trở thành Hoa hậu Mỹ.

3. Chỉ đường quý nhân trong số mệnh, bói toán.

4. Mã (马), Điểu (鸟), Tả (写): trong tiếng Trung, ba chữ này viết gần giống nhau.

5. Thượng (尚), Thường (常), Chưởng (掌).

6. Tù (囚), Vì (因), Nhốt (困), Về (回).

7. Affective education.

8. Cấu trúc nhà gian truyền thống của Trung Quốc dành cho đại gia đình hoặc dòng tộc sinh sống, gồm bốn dãy nhà nối vuông góc với nhau thành hình vuông, ở giữa là khoảng sân sinh hoạt.

9. Cách chấm điểm của hệ giáo dục tiểu học Đài Loan: Điểm “Đinh” tương đương với điểm D, mức yếu; “Mậu” tương đương điểm E, mức kém; “Bỉnh” tương đương điểm C, mức trung bình.

10. Cách phân lớp theo học lực, Mậu là lớp có học lực kém, Ức là lớp có học lực khá.

11. Bỉnh: điểm C; Ức: điểm B; Giáp: điểm A.

12. Lớp cho học sinh có học lực rất kém.

13. Loại hình lớp mà các học sinh vừa học vừa tham gia lao động ở địa phương.

14. Học sinh tốt nghiệp trung học xong trực tiếp thi vào các trường cao đẳng, tiếp nhận quá trình bồi dưỡng tố chất văn hóa, lý luận chuyên ngành và kỹ năng chuyên nghiệp theo chế độ năm năm gọi là học Ngũ chuyên.

15. Hệ trung cấp.

16. Tức hình thức căn cứ theo học lực của học sinh để phân lớp Giáp, Ức, Bỉnh.. tương đương với Giỏi, Khá, Trung bình…

17. Người phụ trách đào tạo, huấn luyện kỹ năng của binh lính trong đơn vị.

18. Liên tục hành quân đến các đơn vị khác nhau để thực hành điều trị dã chiến nhằm nâng cao kinh nghiệm thực tiễn cho quân y.

19. Phim kiếm hiệp Đài Loan.

20. Thân chức giáo dục: đây là một khái niệm được đề xướng bởi các quốc gia phương Tây từ những năm 30 của thế kỷ XX, loại hình giáo dục này được nước Đức gọi với cái tên “song thân” giáo dục (Elternbildug, nước Mỹ thì gọi là “parental education”), khi xâm nhập vào Đài Loan thì các học giả dịch thành “thân chức giáo dục”, hàm nghĩa của nó chỉ việc tiến hành chuyên môn hóa giáo dục cho các bậc cha mẹ trong việc làm thế nào để trở thành những bậc phụ huynh tốt và đạt tiêu chuẩn. Các học giả nước Nga gọi đó là lĩnh vực “giáo dục phụ huynh” hay “giáo dục của phụ huynh”.

21. Vương Vĩnh Khánh: Người giàu nhất Đài Loan; Trương Trung Mưu: Doanh nhân nổi tiếng Đài Loan, chủ tịch công ty sản xuất chất bán dẫn TSMC.

22. Albert Schweitzer (14/1/1875 4/9/1965): một tiến sĩ, thầy thuốc, nhà triết học, thần học người Đức, sau mang quốc tịch Pháp. Ông đoạt Giải Goethe năm 1928 và giải Nobel Hoà bình năm 1952 vì đã có công lớn trong giúp đỡ người châu Phi, bất chấp gian khổ, bệnh tật.

23. Mẹ Teresa (26/8/1910 5/9/1997): nữ tu Công giáo Rôma người Albania, và là nhà sáng lập Dòng Thừa sai Bác Ái ở Calcutta, Ấn Độ năm 1950. Trong hơn bốn mươi năm, bà đã chăm sóc người nghèo, bệnh tật, trẻ mồ côi, người hấp hối, trong khi hoàn tất nhiệm vụ lãnh đạo dòng tu phát triển khắp Ấn Độ và đến các quốc gia khác.

24. Ni sư Chứng Nghiêm: một nữ tu vĩ đại người Đài Loan, còn được mệnh danh là “mẹ Teresa của châu Á” hay hóa thân cứu khổ cứu nạn của Quan Thế Âm Bồ Tát. Năm 1966, bà thành lập Hội Công ích Từ Tế với phương châm “hướng dẫn người giàu, cứu giúp người nghèo”.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.