Con Không Ngốc, Con Chỉ Thông Minh Theo Một Cách Khác

Nước mắt của chị cả



Tôi tốt nghiệp tiểu học, chị cả cũng tốt nghiệp Đại học Sư phạm. Để giúp tôi nhanh chóng thích ứng với cuộc sống trung học, chị cả dạy trước cho tôi bảng chữ cái tiếng Anh. Chị cả sớm biết năng lực học hành của tôi để đối phó, vì vậy đã chuẩn bị sẵn các thể loại tài liệu, 26 chữ cái viết hoa chị dạy được gần một tháng mà tôi vẫn thường xuyên nhầm lẫn P, B, E, Q, G. Đến khi học các chữ cái viết thường, vấn đề lại càng phức tạp hơn, chỉ cần b, p, d vừa xuất hiện, là tôi chẳng tài nào phân biệt được. Việc ghi nhớ cách đọc lại càng khó khăn gấp bội, mỗi ngày chị cả đều theo dõi tôi luyện tập, lúc đầu tiến độ mỗi ngày học năm chữ cái, sau giảm xuống còn ba, chẳng ngờ tôi vẫn học trước quên sau!

Mỗi sáng chị cả dạy tôi tiếng Anh, đến trưa lại dạy tôi cộng trừ nhân chia và Ngữ văn. Chị vô cùng kinh ngạc khi biết khả năng tính toán của tôi chỉ quanh quẩn cộng trừ hàng chục và hàng đơn vị, còn về phép nhân thì do liên tục học thuộc bảng cửu chương nên dường như còn biết một chút, nhưng vừa học đến phép chia thì dù chị có dạy thế nào tôi cũng không hiểu. Môn Ngữ văn cũng vậy, lúc mới bắt đầu, chị cả bắt tôi đọc bài, nhưng do không biết nhiều chữ, nên đọc như gà mắc tóc. Chị đành dạy tôi khoanh tròn những chữ đã biết lại trước, rồi dần dần dạy tôi những chữ không biết, lúc này mới phát hiện ra có rất nhiều chữ có vẻ như tôi biết, cũng biết nghĩa của chữ đó là gì, nhưng đọc âm lại không đúng. Chị đành tìm quyển vở tập đọc chú âm của em gái bắt tôi đọc, lại phát hiện ra chú âm tôi cũng chẳng học đến nơi đến chốn, những từ ghép bình thường cũng không phân biệt nổi, hai từ ghép lại thành một cũng không biết ghép thế nào.

Làm sao đây? Sắp sửa khai giảng rồi, theo trình độ hiện giờ của tôi, chắc chắn không thể nào theo kịp giáo trình trung học. Sợ tôi lãng phí mất ba năm trung học, chị cả đành mua về cả một bộ giáo trình tiểu học. Tôi vừa học lớp bảy, vừa học thêm giáo trình tiểu học. Sau khi dạy được một thời gian, chị cả phát hiện ra khó khăn lớn nhất của tôi đó là trí nhớ rất kém, khó tập trung, học trước quên sau, đã vậy cứ quên là quên sạch, không còn bất cứ ấn tượng gì. Thế nhưng không chỉ có việc nhận biết chữ là cần dựa vào trí nhớ, học bất cứ môn học nào cũng cần sử dụng đến trí nhớ. Vấn đề đã tìm ra, nhưng muốn nhanh chóng bù đắp rõ ràng là không thể được, tốt nhất là học lại tiểu học thì thực tế lại không cho phép, nên làm sao đây? Đành tiến được bước nào hay bước ấy vậy.

Chị cả được điều về giảng dạy tại trường trung học Quang Vinh, huyện Tam Trọng Thị, thành phố Đài Bắc. Lúc đầu chị vẫn ở nhà chú dì ở Bản Kiều, nhưng về sau do đi lại mất thời gian, chị gửi đơn lên lãnh đạo nhà trường cho phép sử dụng một căn phòng quân dụng để ở tạm. Khi đó trường trung học Quang Vinh mới được xây dựng không lâu, khu bán trú mới xây xong một tầng, còn lại đều là phòng tập thể của quân đội được cải tạo lại thành lớp học. Bên trong vô cùng tồi tàn, nhưng để thuận tiện cho công việc và dễ bề sắp xếp mọi việc, chị cả đành tạm trú trong ngôi trường hoang lạnh vẫn đang xây dựng dang dở.

Trong thời gian này chị từng nhờ cô giáo dạy tiếng

Anh và thầy giáo dạy Toán đến nhà làm gia sư kèm cặp cho tôi, nhưng do trình độ của tôi thực sự quá kém, nên cả hai đều không dám dạy. Cuối cùng vẫn là chị cả một tay thu xếp mọi việc. Khi đó chị là giáo viên hướng dẫn trên lớp, mặc dù biết rõ rằng kể cả tôi chỉ làm bài tập về nhà thôi cũng đã lực bất tòng tâm rồi, nếu bây giờ cộng thêm việc ôn tập lại giáo trình tiểu học nữa thì rõ ràng là một nhiệm vụ bất khả thi. Thế nhưng, chị cũng không thể phó mặc để tôi không làm bài tập, một đống khó khăn ập tới khiến một cô giáo vừa bắt đầu công việc giảng dạy như chị cả cảm thấy hoảng loạn vô cùng. Đây là năm đầu tiên chị dạy học, nếu như điểm số thực tập không đạt yêu cầu thì sẽ không được nhận bằng tốt nghiệp, vì vậy, chị bắt buộc phải làm tốt công tác chuẩn bị dạy học. Vậy nhưng với tư cách là “em trai của cô giáo”, tôi lại thường xuyên vô ý để xảy ra một số sự cố. Một tháng trôi qua, chị cả vô cùng mệt mỏi, tôi cũng đau khổ khôn cùng.

Bài kiểm tra tháng lần đầu tiên, sự mong đợi duy nhất của chị đối với tôi chỉ là đạt yêu cầu 60 điểm. Khi nhận được kết quả kiểm tra của tôi, lúc mới đầu chị vẫn có thể tự điều tiết cảm xúc, và an ủi tôi rằng không sao, đây mới chỉ là bài kiểm tra lần đầu. Nhưng khi chị biết rằng ngoại trừ môn Ngữ văn do chị dạy tôi được 60 điểm, tất cả các môn còn lại không những không đạt yêu cầu, mà còn có vài môn chỉ lẹt đẹt 1, 2 điểm. Chị cầm tập bài kiểm tra, nghĩ về niềm hy vọng trong mấy năm qua cùng với sự vất vả suốt vài tháng qua của mình, cảm xúc rối như tơ vò, thật sự không biết con đường tiếp theo nên dìu dắt tôi đi thế nào. Cảm thấy hoàn toàn bất lực, chị không thể kìm được tiếng khóc. Tôi lúc đó không hiểu được vì sao chị cả lại khóc, tôi thấy mình như vậy vẫn ổn mà! Chí ít môn Ngữ văn đã đạt yêu cầu, môn nào cũng có điểm, chứ đâu phải không có điểm. Nhưng tôi cũng không biết làm thế nào để an ủi người chị đang đau lòng của mình, cái ngu của tôi đâu phải là cố ý, tôi cũng học hành rất nghiêm túc mà. Nghĩ đi nghĩ lại tôi cũng cảm thấy oan ức, bất giác òa lên khóc. Chị cả thấy tôi khóc càng không thể ngừng nức nở khi, dường như chị cũng giống như tôi, nội tâm giăng đầy những màn đối thoại khác nhau:

“Con người tại sao nhất định phải đi học?”

“Con người tại sao nhất định phải đi học chứ?”

Tôi không biết giờ đây trong lòng chị cả đang xuất hiện những mẩu đối thoại nào, bóng lưng chị gục trên bàn học thổn thức khiến tôi có cảm giác tội lỗi vô cùng, dường như tôi có thể nghe thấy những âm thanh yếu ớt vọng lên đâu đó:

“Sao mày lại ngu như vậy! Ngu ơi là ngu!”

“Tại sao tao lại có đứa em như mày chứ?”

Sau khi khóc xong, chị cả lại coi như chưa có chuyện gì xảy ra, lấy ra một bài thi định cho tôi tìm lại những điểm số đã mất, để cho tôi biết mình sai ở chỗ nào. Nhưng chẳng bao lâu sau, chị lại phải từ bỏ. Học lực thực sự quá kém, rất nhiều chữ trên bài thi tôi không thể nhận ra nổi, bài thi hỏi gì, phải hiểu và trả lời ra sao, dường như vẫn là quá sức đối với tôi. Dạy liên tục mười mấy phút, chị cả đập mạnh bài thi xuống bàn, nói một tiếng dứt khoát:

“Thôi được rồi!”

Tôi giật nảy mình, tưởng chị cả nổi trận lôi đình, không thèm đếm xỉa đến tôi nữa, nhưng rất nhanh sau đó, chị lấy lại được bình tĩnh, nói với tôi: “Thi xong rồi thì thôi! Đừng để ý đến nữa! Chị em mình ra sân thể dục vận động một chút!”

Trên sân thể dục, tôi chỉ chạy chầm chậm sau lưng chị cả nhưng chị dường như không thực sự bỏ qua chuyện này. Tôi có thể cảm nhận được rằng người chị với cá tính kiên cường của mình sẽ không từ bỏ mọi nỗ lực! Chị vẫn đang suy nghĩ xem nên làm thế nào mới là tốt nhất cho tôi.

Vận động xong chúng tôi trở về ký túc xá, chị xếp giáo trình tiểu học vào trong tủ và nói với tôi rằng, vừa phải luyện tập lại giáo trình tiểu học, vừa phải học trung học thì vất vả quá! Môn tiếng Anh vừa mới bắt đầu nên có thể bổ sung. Nhưng Toán thì sẽ rất khó khăn, phép cộng trừ nhân chia biết là được rồi, những thứ còn lại thì thôi. Môn Ngữ văn là cơ bản, chị bắt tôi phải chăm đọc chăm viết, nâng cao năng lực đọc và viết văn. Ngoài việc viết tổng kết hàng tuần, chị còn tự ra đề để tôi tập viết văn.

Sự thay đổi này đã giảm nhẹ rất nhiều áp lực trong tôi, và cũng nâng cao hứng thú học tập, đặc biệt là phần viết văn. Lúc mới đầu chị nhận thấy tôi câu cú không thông, chỉ một câu nói bình thường cũng khó biểu đạt hoàn chỉnh và lưu loát, nguyên do là vì tôi biết quá ít từ. Chị hướng dẫn tôi dùng những chữ đơn giản nhất để bày tỏ suy nghĩ của mình, những từ không biết thì có thể tra từ điển hoặc để không, một phương pháp khác đó là dùng những từ mà mình biết. Cứ buổi chiều thứ Bảy hàng tuần, viết văn đã trở thành việc mà tôi mong đợi nhất. Chị cả luôn đánh giá một cách tích cực và đúng hướng những bài tập làm văn của tôi, chính điều đó đã khiến tôi có cảm giác đạt được thành công lớn. Có một lần chị không nghĩ ra đề văn nào thích hợp, bèn cho tôi tự chọn đề, tôi viết một bài với chủ đề “Chú chim cô đơn”, đem kể câu chuyện từ thời tiểu học đến năm lớp sáu, do thành tích học tập kém nên tôi giống như một cánh chim cô đơn phiêu bạt khắp vùng trời, trong tim cảm thấy rất bất lực, luôn khát khao nhập đàn cùng với bầy nhạn thi giỏi đỗ cao, học đâu biết đấy. Chị cả xem xong bài văn của tôi thì vô cùng cảm động, chị viết lời phê trên bài rằng: “Chú chim nhỏ không hề cô đơn, có chị cả ở bên cạnh, sự cố gắng của Vỹ ông trời chắc chắn sẽ nhìn thấy, rồi cuối cùng em sẽ nhận được những điểm số xứng đáng thôi!”

Sự khích lệ của chị cả dù không cải thiện được chút thành tích nào cho tôi, thế nhưng tôi bắt đầu thích đọc những cuốn sách tham khảo ngoài giáo trình mà chị mua về, tôi dần dần cũng có thể đọc hiểu ý nghĩa của bài văn một cách độc lập. Thế là chị cả tiến thêm một bước, bắt tôi chỉ ra trọng điểm và và ý nghĩa mà bài văn đó muốn nói. Đương nhiên, đây chẳng phải là việc dễ dàng, bởi mỗi khi đọc sách tôi thường đọc đến câu sau thì đã quên béng câu trước, nhìn đến đoạn sau thì đoạn trước viết những gì tôi đã chẳng còn chút ấn tượng nào. Có lần chị cả cho tôi đọc một cuốn truyện hơi dày một chút, vì nhân vật tương đối nhiều, đọc được một lúc tôi đã hoa mày chóng mặt, đến khi đọc xong thì chẳng còn nhớ rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì.

Còn nhớ một lần, chị cả đưa tôi đi xem phim, tôi cũng không phân biệt được người này với người kia có phải là một hay không. Những việc như vậy cứ giày vò tôi. Cũng may là những bộ phim có hệ thống nhân vật và diễn viên phức tạp không nhiều, hơn nữa trang phục của họ cũng rất ít khi thay đổi, cho nên nếu xem lâu một chút là có thể phân biệt được. Nhưng trong cuộc sống đời thường, việc phân biệt tên người và ngoại hình đối với tôi luôn là một việc rất khó khăn. Sau vài lần, tôi đã rút kinh nghiệm rằng không nên tùy tiện chủ động kết giao hoặc hỏi thăm những người xa lạ, ngoài ra còn tránh xưng hô tên hoặc họ của người ta, nhìn thấy những người có lẽ quen biết thì chỉ gật đầu mỉm cười, dùng những từ xưng hô như “anh”, “ngài”, “cô” để nói chuyện, như vậy mới tránh khỏi khó khăn trong giao tiếp.

Một năm ở cùng chị cả, mỗi lần thi cử chị đều phải đối diện với những lời phê bình về thành tích của tôi từ những giáo viên bộ môn khác. Từ bé chị cả đã đặt ra yêu cầu rất cao với bản thân, đứa em trai ngốc nghếch này thường khiến đầu chị căng như dây đàn, vừa bắt đầu kỳ thi là tâm trạng chị lại rơi vào lo lắng bất an. Mặc dù chị cả luôn một mình gánh chịu, nhưng trong thâm tâm, những cảm xúc giày vò vẫn luôn ảnh hưởng đến chị. Cứ mỗi lần thi xong, hoặc hôm nào nhận được phiếu báo điểm là tôi lại chạy đi chơi rất muộn mới về, hoặc trốn ở khoảng đất đang xây dựng trong khuôn viên trường. Ban đầu chị đi tìm tôi vài lần, sau đó thì chán chẳng buồn tìm nữa, biết rằng tôi chẳng có nơi nào để đi, muộn muộn một chút là sẽ tự về phòng thôi.

Trên thực tế, sự dằn vặt của tôi khi không thể hiểu bài giảng trên lớp, hay nỗi khổ tâm khi thi cử không tốt, thành tích yếu kém, đều không thể sánh bằng nỗi lo lắng và phiền não của chị cả. Tôi thường hoang tưởng rằng, nếu như mình có thể gặp được một vị thần tiên ban cho tôi một viên tiên đơn, khiến tôi sẽ có thể nhìn qua là nhớ, trở thành một học sinh giỏi mà ai ai cũng ngưỡng mộ, như vậy chị cả nhất định sẽ cảm thấy tự hào vì tôi!

Nhìn thấy chính mình:

Hệ thống giáo dục chưa hoàn thiện khiến cho những đứa trẻ có trí nhớ tốt, khả năng lý giải cao chiếm ưu thế trong hầu hết các loại hình học tập. Nhưng ông trời vốn rất công bằng, ban cho người này năng lực nào đó nhiều một chút, thì nhất định sẽ trừ bớt một phần năng lực nào đó. Ông ấy đóng sầm cánh cửa trước mặt người này thì nhất định sẽ mở một cánh cửa khác cho họ! Đừng vội ngường mộ những ưu thế và những gì người khác có, chúng ta nên nhận định lại chính mình xem cánh cửa mà ông trời mở ra cho ta đang nằm ở đâu? Trí nhớ, khả năng lý giải sẽ hữu dụng trong việc thi cử nơi giảng đường, nhưng sau khi rời khỏi mái trường, thứ dùng để cạnh tranh sẽ không còn là điểm số nữa mà là những kỹ năng tổng hợp. Quan trọng hơn là tố chất đặc biệt, cá tính, thói quen và thái độ của mỗi người. Đừng quá để tâm đến những điểm số và xếp hạng đã qua, hãy cố tìm hiểu xem tài năng thiên phú mà ông trời ban tặng cho bạn rốt cuộc là gì! Hãy lấy lại những điểm số và xếp hạng đã mất!


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.