Con Không Ngốc, Con Chỉ Thông Minh Theo Một Cách Khác

Cái giá của tình bạn



Có một hôm, mẹ phát hiện ra tôi quên không mang theo tập vở khi đi học, bèn vội vã chạy hơn một tiếng đồng hồ để đến trường đưa cho tôi. Khi đó vừa đúng lúc hết tiết học, tôi và các bạn đang chơi ở khoảng sân phía sau lớp học. Từ xa mẹ đã nghe thấy tiếng huyên náo vọng lại, nhìn thấy một đám trẻ đang chơi cưỡi ngựa đánh trận giả. Nhưng khi nhìn kỹ, mẹ phát hiện ra tôi đang bò dưới đất, có hai đứa khác đang cưỡi trên lưng tôi, một đứa cầm gậy quất vào mông để tôi bò nhanh hơn, một đứa khác thì đá vào người tôi. Mẹ dường như không dám tin vào mắt mình, đứa con bé bỏng hàng ngày ở nhà vẫn được cưng chiều, ai ngờ tới lớp lại bị bắt nạt đến như vậy!

“Vỹ!!!” Mẹ xông thẳng vào, vừa gọi vừa xua đẩy mấy đứa đang cưỡi trên lưng tôi. Mẹ vội vàng bế tôi từ dưới đất lên phủi phủi bụi, phát hiện thấy quần không những bị rách mà đầu gối còn bị trầy xước liền lập tức đưa tôi ra vòi nước để rửa sạch vết thương. Nghe tôi kêu đau, mẹ vừa buồn rầu vừa bực dọc. Trước khi tôi kịp hiểu rốt cục đã xảy ra chuyện gì, mẹ đã lôi tôi đến trước mặt cô giáo, bắt cô phải xử lý nghiêm minh. Cô giáo thấy mẹ đằng đằng sát khí đến tìm mình, bèn đưa tôi xuống phòng y tế đắp thuốc trước, rồi hứa với mẹ rằng sẽ xử phạt những bạn đã bắt nạt tôi.

Khi băng xong vết thương trở về lớp, tôi nhìn thấy lố nhố vài đứa đang đứng chịu phạt trước cửa. Những đứa chơi cưỡi ngựa đánh trận giả bị phạt đánh thước vào tay, đứa cưỡi lên tôi rồi dùng gậy đánh thì bị phạt gấp đôi. Nhìn các bạn bị phạt, tôi rất muốn giơ tay thưa với cô là do tôi tự nguyện bị cưỡi, các bạn không hề bắt nạt, nhưng rốt cuộc lại chẳng dám. Cho đến khi cả lũ bị phạt xong, mẹ cũng trở về nhà, cả tiết học tôi ngồi trong tâm trạng thấp thỏm lo âu đến hết giờ…

Bắt đầu từ hôm đó, lũ bạn trong lớp đều ngầm hiểu ý và không muốn tiếp xúc với tôi, tôi cũng không biết làm sao để bắt chuyện cùng, càng không dám chủ động chơi cùng nữa, đành đứng lầm lũi từ xa nhìn các bạn chạy nhảy nô đùa. Cứ mỗi lần tôi đến gần, các bạn liền lập tức tránh xa, đến cả lúc tan trường về nhà, chúng nó cũng bá vai bá cổ nhau đi đường khác.

Nếu như tôi muốn đi cùng, sẽ có đứa nói:

“Vỹ, tốt nhất cậu tránh xa chúng tớ ra một chút! Chẳng may cậu bị ngã một cái là bố mẹ cậu lại chạy đến mách cô cho mà xem!”

Tôi cũng không biết giải thích thế nào, đành lủi thủi đi về một mình, có lẽ vì cảm thấy cô đơn, cũng có thể là do tủi thân, nước mắt cứ thế lã chã rơi từ lúc nào không hay. Đi đến tiệm tạp hóa ở Phân Thủy Luân, tiếp theo sẽ là một đoạn đường núi, đoạn đường này trước nay tôi chưa từng đi một mình. Mặc dù là ban ngày, nhưng bốn bề đều im ắng, chẳng còn cách nào khác, tôi đành ôm nỗi sợ bước về phía trước, đi đến khi mệt thở hổn hển cũng không dám dừng lại. Khi đi đến sườn núi, tôi không kìm được sự sợ hãi, bèn chạy bạt mạng như ma đuổi, mãi đến khi chạy đến bãi tập kết than của công trường, nhìn thấy có người lớn mới dừng lại. Khó khăn lắm mới về được đến nhà, cả người tôi mồ hôi vã ra như tắm, đỏ mặt tía tai. Mẹ nhìn thấy bộ dạng của tôi tưởng đã xảy ra chuyện gì, bèn hỏi có phải tôi lại bị bạn bắt nạt hay không? Tôi chẳng biết nên kể với mẹ thế nào về tình hình ở trường và thái độ của các bạn đối với mình, chỉ im lặng không nói năng gì. Mẹ thấy vậy càng không yên tâm, bèn chạy sang nhà bên hỏi Nghĩa. Biết tôi không bị bắt nạt, mẹ mới thở phào nhẹ nhõm. Thế nhưng, mẹ không hiểu rằng không có ai bắt nạt đồng nghĩa với việc không có bạn bè; trong trường, trên lớp, tôi giờ đây cứ như một kẻ vô hình!

Tình trạng cứ thế tiếp diễn trong vài ngày, tôi đã nghĩ nát óc để tìm cách, cũng như tìm cơ hội để tiếp cận đám bạn. Nhặt bóng, chủ động dọn phân chó và dọn dẹp bồn cầu phòng vệ sinh, bỏ tiền mua kem que hoặc đồ ăn vặt mời mọi người. Có khi còn chủ động lấy tẩy, bút chì, dao gọt đổi lấy những thứ không mấy giá trị của các bạn để bày tỏ thiện ý của mình. Đến lúc này, tình cảnh bị cô lập của tôi mới dần được cải thiện.

Nhưng giữa tôi và cả lớp vẫn duy trì một khoảng cách vô hình không thể xóa bỏ. Bởi tôi bị bệnh nên cô giáo miễn cho tôi không phải chào cờ, quét dọn, trực nhật hay phân phát đồ điểm tâm và bữa trưa dinh dưỡng cho cả lớp. Dù trong lớp không ai phản đối, nhưng đãi ngộ đặc biệt như vậy khiến tôi dần có cảm giác không được hòa đồng cùng chúng bạn. Thế là tôi chủ động yêu cầu, hy vọng cô giáo để tôi tiếp tục luân phiên trực ban, quét dọn và phân phát đồ ăn trưa. Lúc mới đầu cô cũng rất khó xử, chỉ đồng ý cho tôi đi cùng các bạn. Nhưng kể cả chỉ như vậy, đối với tôi mà nói cũng đã là một đặc ân rồi, bởi tôi sẽ có cơ hội để tiếp xúc với các bạn, giảm bớt cảm giác sợ hãi vì bị cô lập!

Để được các bạn công nhận, tôi còn rất chăm chỉ làm việc. Còn nhớ có lần, cô giáo phát hiện có bạn vi phạm nội quy vì mang bài giấy đến trường, hỏi đi hỏi lại mấy lần những chẳng ai thừa nhận, cũng không biết tại sao khi đó tôi lại to gan đến thế, dám giơ tay tự nhận bộ bài giấy đó là của mình. Thế là cô giáo tịch thu bài giấy và giáng cho tôi ba thước đau điếng vào lòng bàn tay. Đương nhiên, bộ bài giấy đó không phải của tôi, tôi cũng không cố tình ra vẻ anh hùng, chỉ hy vọng hành động “thay đồng đội lãnh tội” này sẽ được các bạn trong lớp công nhận. Còn có một lần, cô giáo tịch thu bi cao su và vòng chun mấy đứa trong lớp mang ra cá độ rồi vứt thẳng xuống bể phốt của trường. Bể phốt vừa bẩn, vừa thối, chẳng đứa nào dám đến gần, sau giờ học tôi bèn lấy hết can đảm “giúp bạn”. Tôi tuy không học được, nhưng những trò nghịch như quỷ thì biết rất nhiều. Tôi cầm gậy trúc, một đầu buộc dây thép làm móc câu, vớt đi vớt lại một lúc, một đống dây chun đã được moi lên, nhưng vớt bi cao su thì khó hơn, tôi dùng gáo múc cống huơ qua huơ lại dưới bể, rất lâu sau mới mò được bi rồi đổ vào thùng nước. Sau đó, tôi còn rửa sạch sẽ vòng chun và bi cao su rồi mới đưa trả cho lũ bạn.

Mặc dù bẩn hết quần áo, nhưng trong lòng lại dậy lên một niềm vui và sự hưng phấn khó tả. Khi đó vòng chun và bi cao su là bảo bối của lũ trẻ con, lũ bạn lấy được món đồ đã mất nhờ sự nỗ lực và hy sinh của tôi, nhờ vậy, tôi không chỉ được kết nạp làm một thành viên trong đám nhóc nghịch ngợm này mà sau khi tan học còn được phép đi vào “cơ sở bí mật” của cả bọn ở phía sau dãy núi!

Cái gọi là “cơ sở bí mật” thực ra là một hào phòng không cạnh doanh trại quân đội được xây bằng xi măng, ba phần tư chìm dưới đất, một phần tư nổi lên trên, có một cửa ra vào và ba lỗ châu mai. Thủ lĩnh của cả nhóm là Khôn, tôi thấy nó chui rất thành thục qua lỗ châu mai rồi vào trong mở cửa cho chúng tôi. Bên trong mùi mốc nồng nặc, vì không đủ ánh sáng nên lúc mới vào chẳng thể nhìn thấy thứ gì, không khí rất âm u, lạnh lẽo. Sau khi thích ứng được với bóng tối, tôi phát hiện ra trong căn hầm này hóa ra có rất nhiều thứ hay ho, có hòm gỗ quân dụng loại nhỏ, mặt nạ ngụy trang, những chiếc thùng to nhỏ đủ cả, một bộ bàn ghế gỗ, các tấm gỗ lặt vặt, ngoài ra còn có một đống giấy gì đó. Khôn cầm một thanh gỗ làm kiếm, khoác một tấm áo mưa cũ rách đứng trên thùng gỗ, hô to bảo cả bọn bảy tám đứa im lặng để tổ chức nghi thức nhập hội. Tôi đã gia nhập hội “Hắc cẩu” như vậy đấy! (biệt danh của Khôn là “Hắc cẩu”), sự kiện này đã thay đổi cuộc sống cô độc của tôi ở trường.

Đương nhiên, tôi hết sức trân trọng cơ hội được các bạn kết nạp, thế nên thường xuyên đóng góp ít tiền tiêu vặt để mua kem cho mọi người cùng ăn, cả gạo và bí ngô cũng lén mang từ nhà đến để cả bọn nướng lửa trại. Sau khi tan trường, tôi cũng thường được rủ đi bơi ở sông, hoặc vượt rào vào trộm hoa quả ở nông trại trên đường về. Vì cha mẹ khá nuông chiều, nên tôi thường ưu tiên đem đồ chơi mới đến cho “Hắc cẩu” và các bạn khác chơi trước. Đồ ăn ngon tôi thường giấu trong cặp, trên đường đi học sẽ “kính biếu” cả bọn, tôi tìm mọi cách để lấy lòng những người bạn đã cho tôi tình bạn, và nhờ vậy, trải nghiệm trong những tháng ngày đi học của tôi cũng trở nên phong phú hơn.

Để nhận được tình bạn, trong quá trình trưởng thành, tôi thường xuyên đóng vai một người đi lấy lòng, hối lộ. Vì từng nếm trải mùi vị bất an của việc bị lạnh nhạt, bị cô lập, thế nên trên con đường duy trì mối quan hệ bạn bè của mình, tôi thường mang theo một nỗi sợ hãi cố hữu và mơ hồ.

Nhìn thấy chính mình:

Từ thuở bé cho đến khi lớn lên, sự tương tác giữa chúng ta với người khác là vô cùng kỳ diệu. Khi duy trì những mối quan hệ xã giao xung quanh, không chỉ mỗi chúng ta mang theo tâm trạng lo lắng bị cô lập hay cảm giác sợ đánh mất. Nếu để ý một chút, chúng ta sẽ phát hiện ra rằng, đa số mọi người đều như vậy. Chẳng ai cố ý bắt nạt hoặc làm tổn thương chúng ta. Chính bản thân chúng ta cũng thường vô tình hoặc hữu ý lựa chọn việc tỏ ra đối lập, hoặc tỏ thái độ đối địch với những nhóm bạn có lập trường khác mình. Chúng ta không hề biết được nhu cầu nội tâm thực sự của mình là gì, trong mối tương tác giữa người với người, điều chúng ta muốn là gì?

Trong quá trình trưởng thành của bản thân, chúng ta chưa từng thực sự hiểu rõ chính mình và người khác, nhưng khi tích lũy được kinh nghiệm sống, chúng ta sẽ ngày càng biết được rốt cuộc chúng ta đang làm gì, cầm trên tay kịch bản nào, đang diễn vai gì. Hoặc chúng ta có thể tiếp tục như vậy, chẳng cần thay đổi quá nhiều, nhưng chúng ta nhất định phải hiểu rằng, chúng ta đang biểu diễn. Có rất nhiều vai diễn và chúng ta chỉ là một diễn viên đang diễn xuất trên sân khấu cuộc đời.

Bởi nhìn thấy bản thân đang biểu diễn, chúng ta mới có cơ hội để đối chiếu và nhận ra điều chân thực trong chính mình. Nhìn thấy điều chân thực, chúng ta sẽ chán ghét những màn biểu diễn dối trá.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.