Con Không Ngốc, Con Chỉ Thông Minh Theo Một Cách Khác
LỜI DẪN
Tái xuất hoành tráng, tiến bộ mỗi ngày Lư Mỹ Quý – Khoa Giáo dục Nhi đồng, Học viện Sư phạm Công lập Thành phố Đài Bắc – trực thuộc Sở Nghiên cứu Phát triển Nhi đồng Đài Loan. Tôi thích nói với người khác rằng tôi chính là “chị cả” của Lư Tô Vỹ. Nếu có thể xuất hiện với tư cách là chị cả của Vỹ, đồng thời xuất hiện trước mặt những người bạn quan tâm đến Vỹ và thuật lại “trang sử cuộc đời” với bao lần vấp ngã rồi lại đứng lên của cậu ấy, tôi tuyệt đối sẽ chẳng nề hà gì. Nhưng nếu bảo tôi quay đầu nhìn lại – và không cảm thấy vui mừng xen lẫn tự hào vì những thành tựu mà Vỹ đạt được cho tới ngày hôm nay, hay thờ ơ với từng câu từng chữ lay động lòng người của cậu ấy, thì tôi nghĩ đó là sự lừa dối, bởi chặng đường trưởng thành của Vỹ có quá nhiều “trắc trở” và “thử thách”, với quá nhiều những điều nói ra nghe có vẻ hài hước thú vị, nhưng rồi lại lấy đi những giọt nước mắt vì xúc động của độc giả…
Ngày hôm đó, tôi ngồi trên chuyến tàu Doanh Quang từ Đài Bắc đi về Tiêu Khê, nén nước mắt lần đọc từng trang hồi ký thuở ấu thơ, thậm chí đôi lần không kìm được tiếng nấc nghẹn ngào. Rất sợ ánh mắt dò xét của những người xung quanh dành cho một “người lớn mít ướt”, thế nên có vài lần tôi phải vờ chạy vào phòng vệ sinh để lau khô những dòng nước mắt loang ướt má. Qua đôi mắt nhòa lệ, tôi chăm chú đọc những trang Vỹ viết về những điều cậu thua thiệt hơn hẳn so với mọi người, đều đều tựa như đang đếm từng món đồ trân quý trong nhà mình, kể lại chặng đường gian nan để phát hiện ra “thiên tài” trong bản thân mình của một cậu bé từng bị phán đoán IQ chỉ đạt 70.
Vỹ là đứa con mà mẹ tôi đã cầu tự xin được trong lúc hoạn nạn. Vừa ra đời, cậu ấy đã bất đắc dĩ phải đóng vai “người phi thường”, một vai diễn thường phải chịu nhiều tổn thương. Có lẽ ông trời không quá đỗi tàn nhẫn, cho nên trong những ngày tháng lâm trọng bệnh thập tử nhất sinh, cậu ấy vẫn kiên nhẫn, lạc quan tin vào câu nói: “Sống được một ngày, thì lãi thêm được một ngày” và còn có thể dùng một trái tim bình hòa để “hưởng thụ” tất thảy những dư vị cay đắng và nỗi giày vò mà cuộc sống này đã “ban tặng” cho mình.
Một đứa bé đến xem giờ cũng không biết, một học sinh phải học lớp “giáo dục đặc biệt”; một thanh niên phải mất bảy năm, thi năm lần mới đỗ được đại học, một chàng sinh viên đọc tiếng Anh mà nghe như tiếng Đức, thế nhưng bằng những lời động viên “không tồi chút nào” hay “chí ít vậy là cũng ‘có điểm rồi’”, Vỹ dần xây dựng nên những điểm khác biệt của riêng mình. Lời cha nói khi xưa như vang vọng bên tai tôi: “Nếu em của con là lợn, thì nó cũng là con lợn thông minh nhất thế giới!”; “Người khác bị chấn thương sọ não thì ngày càng ngốc, em của con lại ngày càng khôn hơn”. Và hiện thực cũng chứng minh rằng, nhờ có hiệu ứng Pygmalion1 của những lời động viên “Vỹ rất thông minh, đã thế còn ngày càng thông minh hơn”, em trai tôi từ một “kẻ thiểu năng” đã từng bước tiến tới bục cao của một “người thông minh”. Một khi bó đuốc mà ông trời ban tặng được nhóm lên, tiềm năng trong mỗi đứa trẻ sẽ bùng cháy. Vỹ là như vậy và tôi tin rằng rất nhiều trẻ em cũng có khả năng này.
“Người đẹp lãng tai” Heather Whitestone2 từng mang theo triết lý “mọi chuyện đều có thể biến thành sự thực” đến Đài Loan để chia sẻ câu chuyện cuộc đời của cô ấy. Với một cô gái bị điếc hoàn toàn tai phải, thính lực tai trái chỉ đạt 5% và cần tới sự trợ giúp của máy trợ thính cùng kỹ năng đọc môi, tôi tin rằng con đường của cô ấy còn gian nan hơn gấp trăm ngàn lần so với người bình thường. Vậy mà cuối cùng cô ấy đã thành công! Động lực lớn nhất giúp cô thành công chính là người mẹ của mình. Daphne Gray đã tỉ mỉ ghi chép lại câu chuyện của Heather Whitestone, cô ấy nói rằng các bậc cha mẹ trên thế gian này có hai trách nhiệm đối với con cái: thứ nhất là tạo cho chúng một nền tảng vững chắc; thứ hai là ban cho chúng một đôi cánh, để có thể bay cao.
Ông Chu Huyền, cha của Chu Đình Đình, một thiếu nữ Nam Kinh tuy bị câm nhưng được mệnh danh là thần đồng, cho rằng: “Phàm là những điều có thể thưởng thức, chúng ta đều có thể nhìn thấy tình yêu đích thực. Thứ nhu cầu bản chất nhất trong nhân tính, đó chính là khát vọng nhận được sự tôn trọng và đánh giá cao từ mọi người.” Dưới sự động viên của cha, Đình Đình không những phá kỷ lục thế giới Guinness lúc tám tuổi: thuộc nằm lòng chuỗi hơn 1000 số sau dấu phẩy của số Pi, mà còn lập kỷ lục khi thi đỗ vào trường Đại học Sư phạm Liêu Ninh, Trung Quốc năm 16 tuổi. Sau khi tốt nghiệp, cô theo học thạc sĩ chuyên ngành Tâm lý học tại Gallaudet, trường đại học dành cho các đối tượng thiểu năng thính giác hàng đầu tại Mỹ.
“Tôi không ngốc, tôi chỉ thông minh theo một cách khác người mà thôi”. Dưới sự dìu dắt đầy tình thương yêu của các giáo viên và quá trình bổ trợ kỹ năng chuyên nghiệp, Vỹ đã phát huy được ưu thế trí tuệ của mình. Như lời vị giáo sư từng đề xướng khái niệm trí tuệ đa nguyên – H. Gardner, mọi người đều có trí tuệ, tài năng và sở trường của riêng mình, nó đang ẩn sâu và chờ đợi được “thức tỉnh”. Nhìn thấy thiên tài trong chính mình chính là đập vỡ viên gạch che đậy kho báu cuộc sống! Hy vọng rằng sẽ có ngày càng nhiều giáo viên và các bậc phụ huynh có thể phát hiện ra kho báu trí tuệ trong con em mình.
Vỹ từng nói: “Không có gì không học được, chỉ là do chúng ta chưa tìm ra phương pháp học tập thích hợp nhất với bản thân mà thôi”. Sự kỳ diệu của cuộc đời đến từ việc chúng ta nhìn sâu vào chính mình. Cái số mệnh từng bị “vứt đi rồi nhặt lại” của Vỹ, sau khi cậu ấy “nhìn thấy thiên tài trong chính mình” đã “xuất hiện trở lại một cách hoành tráng”; một loạt kỹ năng “thưởng thức chính mình”, “yêu thương chính mình”, “bảo vệ chính mình”, “phát huy chính mình”, “hiểu rõ chính mình” và “biết được chính mình” đã được đúc kết bởi chính những giọt mồ hôi và nước mắt của cậu ấy.
Tôi biết tại sao Heather Whitestone, Chu Đình Đình lại thành công và càng hiểu rõ Vỹ đang làm gì, tôi tin rằng bạn cũng biết tại sao Vỹ lại viết nhiều điều về “chính mình” như vậy. Đọc và hồi tưởng lại chặng đường trưởng thành của Vỹ mà mắt ngấn lệ, tôi hy vọng rằng sẽ có ngày càng nhiều người sau khi nhìn thấy chính mình, biết được chính mình và phát triển chính mình sẽ sống và làm việc một cách say mê hơn, mang tới cho bản thân niềm hy vọng mới và một cuộc sống mới ngày càng tiến bộ.
Tôi xin dành tặng một lời tuyên dương cho cậu em trai không bao giờ bỏ cuộc trước sóng gió cuộc đời của mình và hy vọng rằng các bạn có thể lan truyền sự tự tin và kinh nghiệm thực tiễn tích lũy được từ cuốn sách này để một truyền mười, mười truyền trăm, để tinh thần này có thể tỏa ánh hào quang trong cuộc sống và sinh mệnh của mỗi chúng ta!
Ngày 16 tháng 2 năm 2004
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.