Con Không Ngốc, Con Chỉ Thông Minh Theo Một Cách Khác
Dằn vặt
Trước kỳ thi cuối học kỳ hai năm lớp sáu, tôi có viết một bức thư, đem suy nghĩ muốn xuất gia tu hành của mình nói với cha mẹ. Tôi vốn tưởng rằng khi cha mẹ nhận được thư là lúc bắt đầu nghỉ hè, không ngờ vừa mới thi thì chị hai đã đến nhà chú dì để đón tôi về. Chị hai không cho phép tôi do dự, kéo lấy tay tôi, không cần mang theo bất cứ thứ gì, cứ như vậy lôi thẳng tôi về Đại Khê!
Chuyện tôi muốn xuất gia là một cú sốc lớn với cha mẹ, nhưng họ không hiểu được nỗi dằn vặt và đau khổ khi cứ phải thi cử, học hành của tôi, tôi cũng không biết cuộc sống sau khi xuất gia sẽ như thế nào, chỉ biết chút ít về nó qua những tập thơ văn lãng mạn, muốn trải qua một cuộc sống rũ bỏ hồng trần, tự do tự tại. Sự khiếp đảm của cha mẹ vượt quá dự liệu của tôi, mẹ thấu hiểu nỗi đau khổ của tôi khi phải đi học, buồn bã nói: “Không học thì thôi! Sao con phải đi tu chứ?” Qua bàn bạc, cha mẹ, chị cả và chị hai muốn tôi chuyển trường về Đại Khê, tôi cũng không dám đưa ra quyết định gì trọng đại nữa, đành thuận theo ý nguyện của cha mẹ chuyển về Đại Khê. Cùng chị hai sắp xếp thủ tục chuyển trường, sau đó tôi mang một số sách mà chị cả cất ở nhà chú dì về. Cả kỳ nghỉ hè, phần lớn thời gian tôi đều ở một mình, tựa lưng bên giếng nước cổ dưới rừng trúc để đọc sách. Tôi dường như chìm đắm trong các tác phẩm tản văn và tiểu thuyết ngắn. Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn có ấn tượng sâu sắc với giọng văn của nữ sĩ Tạ Băng Bảo trong tác phẩm Sao băng, kể lại câu chuyện trong thời kỳ kháng chiến, người cháu tham gia đội quân thanh niên của cô đã hiến dâng mạng sống của mình cho Tổ quốc, sinh mạng con người tựa như một ngôi sao băng lóe lên thứ ánh sáng chói lòa trong phút chốc để lại sự kinh ngạc cho thế nhân. Chịu ảnh hưởng từ dòng tiểu thuyết ngắn của tác giả Nhật Bản Yukio Mishima, tôi đã định nghĩa cho cuộc đời như sau: tôi phải sống như các vị anh hùng liệt sĩ, không được trở thành những ngôi sao tầm thường treo trên bầu trời!
Có lẽ do ảnh hưởng từ những cuốn sách tôi đọc, cũng có thể là do hoàn cảnh khi đó không có ai chia sẻ hoặc giải thích cho nên tôi đã rơi vào một thời kỳ tăm tối nhất trong cuộc đời. Có đôi lần tôi nảy ra ý định tự sát – con người trước sau gì cũng chết, vậy có lý do gì để khiến bản thân phải chịu đựng từng đó nỗi đau mới được đối diện cái chết chứ? Khi đó tôi không hiểu được giá trị cũng như ý nghĩa của cuộc sống. Mãi đến khi đã trải qua vô số ngày tháng của cuộc đời, tôi mới hiểu được rằng niềm vui và nỗi đau là hai mặt của một con người, nếu không trải qua nỗi đau, chúng ta sẽ chẳng bao giờ được nếm trải hương vị của niềm vui! Nỗi đau cũng chính là một món quà, món quà này đang đợi được thời gian và trí tuệ khai mở! Nhưng khi hiểu được những điều này, đã là rất lâu về sau rồi.
Sau khi chuyển về trường Đại Khê, vì cha và thầy hiệu trưởng là bạn thân nên tôi được xếp vào lớp tốt nhất. Ai ngờ ý tốt này của thầy lại là sai lầm lớn nhất. Ngày trước vì không thể thích ứng với những đợt thi cử của trường trung học Hải Sơn nên tôi mới phải chuyển trường, bây giờ lại bị xếp vào lớp trọng điểm, số lần thi cử thậm chí còn dày đặc hơn cả trường trung học Hải Sơn, cộng thêm việc bị ảnh hưởng bởi những cuốn sách đã đọc trong kỳ nghỉ hè, tôi bắt đầu hình thành một số suy nghĩ bất mãn với thời thế. Có một lần trong bài văn của mình tôi đã bày tỏ một số suy nghĩ bi quan và tiêu cực đối với cuộc sống, thầy giáo không chỉ cho tôi 5 điểm, mà còn đem suy nghĩ tiêu cực của tôi kể lại với cha. Có lẽ do cha cũng gặp phải nhiều trắc trở trong công việc và cuộc sống, nên khi nghe được việc này đã không hề an ủi mà nghiêm khắc trách mắng rằng tôi đã không trân trọng sự hy sinh và cố gắng của cha mẹ, cũng không trân trọng cuộc đời quý giá của mình, vừa tự chuốc lấy phiền phức vừa làm khó cha mẹ!
Tôi không còn viết những suy nghĩ trong lòng mình lên nhật ký tuần và bài tập làm văn nữa. Khi làm bài thi tôi không còn vờ trả lời như đã hiểu nữa, mà nộp giấy trắng để biểu thị sự phản kháng và bất mãn của mình. Thầy giáo hẹn gặp và đến nhà, tôi vẫn kiên quyết không làm bài mỗi lần thi, cuối cùng thầy cũng chán không thèm đếm xỉa đến tôi nữa. Học kỳ một năm lớp bảy, mỗi buổi sáng đạp xe ra khỏi cửa, tôi đều nghĩ nếu bị xe ô tô đâm chết, như vậy sẽ tốt biết bao! Tan học trở về nhà, tôi thường chạy đến công viên ở đối diện trường học, có vài lần manh động định nhảy xuống dưới – “Cứ chết là xong! Tại sao phải sống một cách khổ sở như vậy!” Một học kỳ chật vật trôi qua, tôi nhất mực yêu cầu được chuyển sang lớp theo hệ không phải lên lớp. Cô chủ nhiệm giáo vụ đồng ý, hứa rằng học kỳ sau sẽ chuyển tôi sang hệ không phải lên lớp, tôi mới miễn cưỡng học nốt học kỳ một. Vì sự phản kháng của tôi, điểm số các môn tất nhiên đều vô cùng bi thảm, hình như chỉ có các môn Thủ công, Mỹ thuật và Thể dục là đạt yêu cầu.
Tuy nhiên quãng thời gian đó tôi đã đọc rất nhiều sách. Có một cuốn sách mang đến cho tôi niềm cảm hứng rất lớn, đó là tác phẩm Chiếc thuyền trong Vương Dương của ngài Trịnh Phong Hỷ – kể về con đường khổ luyện phấn đấu của một em bé mắc chứng bại liệt, Trịnh Phong Hỷ phải bò đi học, còn tôi tuy không học được, nhưng cũng chẳng có lý do gì để ruồng bỏ chính mình! Học kỳ hai quả nhiên tôi được phân sang hệ không phải lên lớp, chưa dạy được bao lâu, thầy giáo hướng dẫn đã phải xin nghỉ để làm phẫu thuật dây thần kinh tủy, lớp thường do các thầy cô giáo khác trông coi. Đây có lẽ là một chuyện đáng tiếc, nhưng cũng đã mang lại cho tôi cơ hội rất lớn để xả hơi, tôi được trải qua một học kỳ vui vẻ nhất trong thời gian học trung học. Do tôi yêu thích các sách ngoại khoa (tản văn, tiểu thuyết ngắn), nên các bạn thường đổi sách cho tôi để đọc. Có một bạn thậm chí còn đi ăn trộm sách trong tiệm sách để bán cho chúng tôi với giá rẻ. Tôi tựa như một đứa trẻ đói khát, cầm được sách là đọc ngấu nghiến. Nhưng tôi tuyệt đối không ngó ngàng đến sách giáo khoa của trường, dù sao ở đây cũng chẳng có ai coi trọng thành tích, trước khi thi thì lật qua lật lại bài vở một chút, còn khi phát thành tích hay bảng điểm, thì cũng chẳng có ai đặc biệt để ý.
Trong đợt thi từ lớp bảy lên lớp tám, trường phát một bảng điều tra lên lớp hay tìm việc, cha tích vào ô lên lớp, tôi lại lấy dao cạo mất, tự tay tích vào ô tìm việc. Vì vậy, từ khi học kỳ một lớp tám còn chưa bắt đầu, tôi đã có rất nhiều cơ hội để đi tham quan công trường, thậm chí buổi chiều còn được sắp xếp đến công trường để thực tập. Cứ buổi sáng vào tiết thứ hai, chúng tôi lại lôi cơm hộp ra ăn, buổi trưa đến công trường lại ăn cơm suất do nhà ăn công trường cung cấp, làm nửa ngày công và được lĩnh 10 tệ. Làm được một hai tuần, học sinh lớp tám chúng tôi đều tham gia vào lớp kiến giáo13, học nửa ngày và làm việc nửa ngày. Một ngày như vậy trôi qua trong cảm giác vừa trọn vẹn, vừa vui vẻ. Tôi quyết định đến khi tốt nghiệp trung học sẽ không học tiếp nữa!
Kỳ nghỉ hè giữa năm lớp bảy và lớp tám, các lớp học thông thường phải học phụ đạo hè, còn tôi thì cùng các bạn đi chơi vui vẻ khắp đó đây, thuộc làu các dòng sông con suối ở khu vực gần Đại Khê, câu cá, leo núi, hái hoa quả, bơi lội, không có việc thì nằm trên cây hoặc nằm trên những phiến đá bờ suối đọc tản văn hoặc tiểu thuyết. Có lúc tôi một mình cầm tập thơ Vạn gia đi trên con đường nhỏ giữa thung núi, giống như một thi nhân vãn du tiên cảnh, xuất khẩu thành thơ. Cha mẹ vẫn bận rộn làm ăn, có rất ít thời gian để quan tâm tới tôi, chỉ thỉnh thoảng hỏi tôi dạo này học hành thế nào, tôi cũng trả lời qua loa để che mắt cha mẹ. Vì mâu thuẫn từ học kỳ hai năm lớp bảy, tôi cũng quen duy trì khoảng cách với cha mẹ, mặc dù tôi vẫn mong đợi họ có thể thấu hiểu cho suy nghĩ của tôi, nhưng những suy nghĩ đó vẫn mãi chỉ là mong đợi mà thôi. Đến giờ khi đã làm cha, tôi mới biết rằng yêu thương, quan tâm, hay thấu hiểu con cái không phải là một việc dễ dàng, bởi vì ngay cả sự thấu hiểu của chúng ta đối với bản thân cũng là vô cùng hữu hạn, làm sao để có thể khiến người khác thấu hiểu chúng ta cơ chứ? Nhưng lúc đó tôi hoàn toàn không hiểu, cho rằng cha mẹ “nên” và “bắt buộc” phải hiểu cho mình, vì vậy tôi hờn dỗi, tránh không trò chuyện với cha mẹ.
Rời khỏi trường trung học Hải Sơn, tôi vẫn luôn duy trì liên lạc với cô Lâm, tôi cũng tranh thủ dịp nghỉ hè để đến thăm cô. Tôi kể với cô về quyết định không học để lên lớp nữa, chuẩn bị tham gia lớp kiến giáo, thật bất ngờ, cô Lâm không hề ngỏ ý động viên tôi rằng nhất định phải lên lớp. Cô chỉ nhẹ nhàng bày tỏ rằng chế độ giáo dục và giá trị xã hội như bây giờ là không công bằng, những đứa trẻ dù biết học hay không biết học, chỉ cần chịu nỗ lực phấn đấu, đáng lẽ ra đều phải có hy vọng mới đúng. Cô hy vọng tôi có thể suy nghĩ cẩn trọng, không được quyết định một cách vội vàng. Cô muốn tôi “lựa chọn những gì mà bản thân thích, và thích những lựa chọn của chính mình!” Những lời này của cô, lại khiến tôi chìm trong suy nghĩ dằn vặt: Rốt cuộc thì tôi thích điều gì?
Tôi không biết mình sẽ lựa chọn thế nào, bây giờ tôi thích đọc sách (những loại sách không phải để thi cử), làm sao để tôi quyết định được chuyện trong tương lai? Sau khi trở về nhà, tôi cùng chị hai bàn về suy nghĩ của tôi, chị hai giờ đã tốt nghiệp cấp ba, không thi đỗ vào khoa Mỹ thuật trường Đại học Sư phạm, chị vừa học vừa làm để thi nốt học phần của hệ Giáo dục Mầm non. Chị kể với tôi về những kinh nghiệm làm việc ngoài xã hội của chị, chị nói một người phải có những bằng cấp cơ bản thì mới có thể thực hiện được lý tưởng, bằng trung học là không thể đủ. Sau khi tốt nghiệp cấp ba chị chẳng có sở trường nào nổi bật, để tìm được việc chị bắt buộc phải học lại. Chị cho rằng tôi thích đọc sách, viết văn, hay là nên tự cho mình một cơ hội để học trường hướng nghiệp hoặc Ngũ chuyên14, vừa bồi dưỡng sở trường, vừa vun dưỡng niềm đam mê của bản thân!
Suy xét mất vài ngày, tôi liền đưa ra quyết định – học Ngũ chuyên, nếu thi đỗ thì cả đời này vĩnh viễn sẽ không phải học hành chỉ vì thi cử nữa.
Nhìn thấy chính mình:
Cuộc đời là một hành trình, ở chặng trước của cuộc hành trình này, chúng ta đóng vai diễn được yêu thương, được quan tâm, được thấu hiểu, được chăm sóc. Chúng ta cho rằng tình yêu và sự quan tâm của cha mẹ, thầy cô là “nên”, là “bắt buộc” phải như vậy, nếu như không nhận được, chúng ta sẽ hờn trách tự từ bỏ chính mình, thậm chí là tự mình đạp đổ, tự mình hủy diệt!
Chúng ta nên hiểu rằng bất cứ tình yêu và sự quan tâm nào cũng không phải là “nên” đạt được, mà cần biết ơn để nhận lấy và trân trọng. Khi không nhận được, nếu chúng ta có thể thấu hiểu rằng cha mẹ, thầy cô không có nghĩa vụ và trách nhiệm gì ngoài việc giáo dưỡng, kèm cặp và mang tới cho chúng ta tất cả những điều quý báu khác, trong lòng không còn oán trách thì như vậy “tình yêu” sẽ luôn có mặt, “sự quan tâm” cũng luôn xuất hiện. Bởi “tình yêu” và “sự quan tâm” trước sau cũng thuộc về chúng ta, chỉ là chúng ta mong đợi quá nhiều, cho rằng đó là điều hiển nhiên, nên đã vô tình đánh mất năng lực cảm nhận “tình yêu” và sự “quan tâm” nơi con tim mình. Khi bắt đầu biết trân trọng sự hy sinh của người khác, chúng ta sẽ được gột rửa trong dòng suối của “tình yêu” và “sự ấm áp”.
Tình yêu của chúng ta luôn tồn tại và đã sớm được gieo hạt, chỉ là do lòng tham không đáy, những đòi hỏi vô tận của chúng ta khiến hạt giống đó chẳng thể nảy mầm. Nếu chúng ta có thể rộng mở tấm lòng, kể cả đó chỉ là một người qua đường, hay những người chỉ lướt qua cuộc đời ta trong phút chốc, chúng ta chắc chắn sẽ cảm nhận được sự ấm áp và tình yêu thương khi được quan tâm và coi trọng!
Hãy để bản thân sở hữu một trái tim mềm mại tinh tế, hãy mở một cánh cửa để tình yêu và sự quan tâm có thể tiến vào!
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.