Con Không Ngốc, Con Chỉ Thông Minh Theo Một Cách Khác
Nhìn thấy niềm hy vọng mới!
Trường hướng nghiệp là món quà ông trời ban tặng, tôi đón nhận bằng tình cảm trân trọng, mong đợi rằng mình có thể sẽ có được ba năm học trọn vẹn và vui vẻ. Nhưng không ngờ vừa vào lớp mười, vì trình độ tiếng Anh và Toán lẹt đẹt mà tôi đã bị giày vò khổ sở. Khi đó chỉ cần có một môn không đạt chỉ tiêu là sẽ bị bắt buộc lưu ban. Sách giáo khoa tiếng Anh của trường hướng nghiệp dù rất đơn giản, nhưng đối với tôi vẫn khó hơn lên trời. Cũng may là số tiết không nhiều, một tuần chỉ học hai tiết, để không bị lưu ban chỉ vì tiếng Anh không đạt yêu cầu, buổi tối tôi đăng ký học bổ túc lớp bảy, cùng lên lớp với một lũ nhóc lớp bảy, một tuần hai lần. Thầy giáo hết dạy rồi lại thi, thi không tốt thì ăn đòn. Tôi mặc ngược áo đồng phục của trường hướng nghiệp để ngụy trang thành học sinh cấp hai, thầy giáo không phát hiện ra nên vẫn đánh không tha. Cứ mỗi lần kết thúc buổi học là tâm trạng tôi lại giằng xé lẫn lộn, tự hỏi rằng lần sau có nên đến nữa hay không?
Để không bị ăn đòn, tôi bỏ ra rất nhiều thời gian chuẩn bị bài vở. Từ Đại Khê đi đến Đào Nguyên, thông thường tôi đều bắt chuyến xe sớm lúc 5 giờ 30 phút, khi đến trường là khoảng 6 giờ 40 phút. Sau khi đến trường thì cất cặp sách, ra sân thể dục của huyện ở cổng sau của trường chạy bộ hai ba vòng, sau đó bắt đầu đọc to từng từ tiếng Anh, chăm chỉ đến mức khiến những người chạy bộ buổi sớm đều thấy cảm động. Có lẽ do phương pháp học tập không đúng, nên những nỗ lực đó cũng đã không giúp cho tôi học giỏi tiếng Anh và tránh được những trận đòn roi khi lên lớp. Học được một năm, tiếng Anh học kỳ một được 45 điểm, học kỳ hai mà vẫn bị như vậy thì nguy to, tôi vô cùng lo lắng, thậm chí là khủng hoảng tinh thần. Để đối phó với kỳ thi lần này, tôi đã học đủ mánh khóe để quay cóp tiếng Anh, đối với tôi, làm như vậy chẳng có gì đúng hay không đúng, tôi không muốn bị lưu ban. Tôi viết tất cả những từ không thuộc lên trên bàn, lúc đầu còn rất bất an, sợ bị bạn bè phát hiện rồi coi thường, sau này tôi mới biết rất nhiều bạn cũng làm như vậy. Yêu cầu của những trường đào tạo nghề không cao, toàn bộ đề thi tiếng Anh được lấy từ bài tập tự ôn, và bài tập tự ôn cũng không nhiều, thông thường tôi ghi nhớ một chữ tiếng Anh ở phía trước, sau đó học thuộc lòng đáp án, môn tiếng Anh của học kỳ một và học kỳ hai cộng lại vừa khéo được 60 điểm. Khi nhận được bảng điểm, tôi thực sự vui mừng khôn tả!
Thi môn Toán cũng khá dễ dàng. Đề bài thầy giáo ra thông thường là những bài ví dụ và bài luyện tập trong sách, tôi cũng chẳng cần quan tâm hiểu hay không hiểu, mỗi đề luyện tập ba đến năm lần, đến khi thi dễ dàng làm được 60 điểm. Tương đối khó nhằn là phần tính toán và phân biệt dấu của môn chuyên ngành, tôi thường ù ù cạc cạc không hiểu. Trong đó phần điện trở dùng màu sắc để phân biệt to nhỏ, tôi phải mất một thời gian rất dài không ngừng luyện tập mới có thể nắm bắt hết được. Kinh nghiệm ba năm cấp hai giúp tôi tin rằng có thể cần cù bù thông minh, mọi người đọc một lần là hiểu, còn tôi sẽ đọc từ năm đến mười lần, dù sao thì lâu dần cũng thành quen thôi. Những môn này dù có đôi chút khó khăn, nhưng tôi không còn thấy sợ hãi nữa. Mỗi ngày sau khi tan học, tôi rất ít khi về nhà ngay, phần lớn thời gian tôi đều ngồi lì trên thư viện mãi đến chín rưỡi tối mới xách cặp đứng lên. Bắt xe về đến nhà thông thường đã là sau mười rưỡi, sau đó ăn cơm xong thì cũng phải qua mười hai giờ mới leo lên giường đi ngủ. Có lẽ vì thiếu ngủ lâu ngày nên từ khi lên cấp ba, tôi luôn bị đau đầu, sau khi lên trường hướng nghiệp thì cơn đau ngày càng nghiêm trọng, kể cả có uống thuốc giảm đau cũng không đỡ. Khi đi kiểm tra sức khỏe, bác sĩ chỉ nói rằng có thể do từng bị viêm não nên khí huyết ở não không lưu thông. Tôi cũng không nghĩ nhiều nữa.
Năm lớp 11 là một bước ngoặt trọng đại trong cuộc đời tôi, do đọc rất nhiều tác phẩm tản văn, tiểu thuyết trong thời gian dài, nên bài tập làm văn và nhật ký tuần của tôi được các thầy cô giáo rất khen ngợi. Học kỳ một năm lớp 11, với sự động viên của cô giáo Ngữ văn, tôi tham gia cuộc thi viết tản văn, tiểu thuyết do trường lần đầu tổ chức, số người tham gia không nhiều nhưng thật bất ngờ khi tôi đoạt được hai vị trí đứng đầu. Tiếp tục nhờ sự động viên của cô, tôi lại tham gia vào cuộc thi viết tiểu luận do Phòng Giáo dục của tỉnh chủ trì và xếp thứ ba ở hạng mục tiểu thuyết. Đây là những tia sáng rực rỡ chiếu rọi trong cuộc đời đầy thất bại và tự ti của tôi. Đặc biệt, thầy giáo Phù Kế Khởi là một nhà diễn thuyết và thư pháp vô cùng uyên bác, tất cả những thắc mắc của tôi về cuộc sống, thầy đều giải đáp và dẫn dắt cho tôi. Thầy nói rằng, tôi chọn học cao đẳng là một sai lầm và khích lệ tôi báo danh thi đại học!
Đại học? Đây từng là một danh từ diệu vợi biết bao đối với tôi, nhưng tôi lại hỏi chính mình như hồi thi lên cấp ba: tại sao không tự cho mình một cơ hội nhỉ? Tuy vậy, tôi vẫn không đủ dũng cảm để đưa ra quyết định, khó khăn lắm mới thoát khỏi cơn ác mộng của việc thi cử, giờ đây lại tiếp tục dấn thân vào, đã vậy đó còn là một giấc mơ dài và xa vượt khỏi tầm với. Bây giờ tôi học ở trường này, thì sẽ được bảo lãnh hoặc có thể thi vào khoa Giáo dục Công nghiệp của Đại học Sư phạm, nhưng tôi chưa từng nghe nói có ai đó đỗ khi thi lên đại học theo cách này. Trở về nhà, tôi đem suy nghĩ của mình nói với cha, cha nghe tôi bảo muốn thi lên đại học thì hết sức vui mừng. Nhưng khi biết tôi muốn học ngành triết học, hình như cha không tán thành cho lắm. Tôi nói thế giới này được quyết định bởi các nhà tư tưởng, từ Khổng tử, Socrates, cho đến Tôn Trung Sơn, Marx đều dùng tư tưởng của mình để quyết định vận mệnh của toàn thế giới, cuối cùng cha nói với tôi với một vẻ kiên định: “Cha mẹ không thể quyết định bất cứ điều gì cho con, khi con đưa ra quyết định của riêng mình, cha mẹ sẽ ủng hộ hết lòng!”
Có được sự ủng hộ của cha mẹ, bắt đầu từ năm lớp 11 ở trường hướng nghiệp, tôi đã có rất nhiều cơ hội tham gia thi tài tiểu luận, sáng tác văn học, và cũng được đăng tải rất nhiều bài trên trang báo của trường và Tạp chí Thanh niên Đào Nguyên, cũng vì thế mà tôi có cơ hội tham gia học tập nghiên cứu và huấn luyện ngoại khóa. Do là học sinh trung học hướng nghiệp, nên khi đứng trước rất nhiều học sinh của các trường trung học cao cấp khác, tôi luôn mang nỗi tự ti của một học sinh theo hệ thứ cấp. Chính vì thế khi tham gia bất cứ hoạt động gì, tôi đều toàn tâm toàn ý, dốc hết sức lực, hễ có cơ hội để đặt câu hỏi hay thỉnh giáo là quyết không bỏ lỡ. Có lần khi tôi tham gia trại văn nghệ trong kỳ nghỉ đông, một cô giáo Ngữ văn của trường trung học Vũ Lăng khi thấy tôi không ngừng chất vấn về ý nghĩa và lối thoát của cuộc đời, đã thật tâm đưa ra một kiến nghị với tôi. Cô nói rằng giữa lý tưởng và hiện thực luôn có một khoảng cách nhất định, bỏ hiện thực để theo đuổi lý tưởng là “thê mỹ” (cuộc sống tuy thê thảm, nhưng cuộc đời sẽ mỹ lệ), bỏ lý tưởng để theo đuổi hiện thực, đó là “dung tục”. Cuộc sống tốt nhất chính là: “Lý tưởng có thể hiện thực hóa, hiện thực có thể lý tưởng hóa”.
Câu nói này đã ảnh hưởng vô cùng lớn tới những lựa chọn trong cuộc đời tôi. Khi đó thần tượng của đám thanh niên là Sở Du tiên sinh. Ông đã từng đăng trên báo một bài viết mang cho tôi một sự khích lệ tuyệt vời. Bài viết có đoạn: “Thanh niên cần có dũng khí để mơ ước, càng phải có nghị lực để thực hiện ước mơ.” Tôi quyết định theo đuổi giấc mơ trở thành một triết gia của mình, có thể đó sẽ là một cuộc sống bình thường, như Lão tử từng làm một viên quan giữ kho nhưng vẫn có thể tạo ra ảnh hưởng qua hàng ngàn năm cho thế gian chỉ bằng một cuốn Đạo đức kinh, sao tôi lại không thể làm được cơ chứ!
Trong quãng thời gian này, người ảnh hưởng lớn nhất đối với tôi là thầy giáo Phù Kế Khởi, thầy đã đọc qua vô số cuốn sách, kiến thức vô cùng uyên bác. Đó là thời kỳ giới nghiêm, tư tưởng khép kín, vậy mà thầy vẫn chạm được đến ngưỡng tự do ngôn luận, mang đến cho tôi sự chỉ dẫn về tư tưởng, dạy dỗ tôi làm thế nào để phân biệt đúng sai và phê phán một cách độc lập. Cách nói của thầy hài hước thú vị, ví dụ sinh động, tôi luôn tận dụng tiết tự học buổi sáng khi thầy đến lớp để hỏi đủ thứ chuyện. Thầy hiệu trưởng khi đó cũng nhiều lần khen ngợi, bảo tôi cố gắng học hỏi theo thầy, đáng tiếc là khi đó học thức có hạn, chỉ có thể hỏi thầy một số thứ lặt vặt, không có cách nào để thỉnh giáo những vấn đề sâu sắc hơn.
Ngoài ra, một việc đáng để nhắc tới đó là, suốt ba năm ở trường hướng nghiệp, công việc bố trí phòng học khiến tôi có đủ cơ hội để thể hiện khả năng sáng tạo của mình. Do sở trường của tôi là sắp xếp các khung của bảng thông báo, lấy chỉnh thể của phòng học để thiết kế, khiến cho bất cứ ai mỗi lần đi vào phòng đều có cảm giác tựa như bước vào một rừng trúc hoặc thảo nguyên, mang đến một cảm giác thoáng đãng sảng khoái. Học kỳ nào tôi cũng nằm trong ba vị trí cao nhất của phần thi thiết kế bố trí phòng học, còn có mấy lần xếp ở vị trí thứ nhất. Thành công đó khiến cho tôi cảm thấy một niềm hứng thú rất lớn với lĩnh vực cảnh quan nghệ thuật, thiết kế mỹ thuật công nghiệp. Tôi thường nghĩ, nếu như năm lớp sáu thầy giáo Mỹ thuật có thể hướng dẫn dạy bảo nhiều hơn, có thể ban cho tôi nhiều cơ duyên để học tập những kỹ năng cơ bản của ngành thiết kế mỹ thuật công nghiệp, và tôi có thể theo học ngành này thì tôi tin rằng ba năm hướng nghiệp của mình nhất định sẽ càng nhiều trải nghiệm sôi nổi hơn và hành trình cuộc đời tôi cũng sẽ khác rất nhiều so với bây giờ. Những giấc mơ chưa thể thực hiện sẽ trở nên đẹp đẽ hơn, cũng giống như giờ đây tôi vẫn có sở thích sưu tập những bức ảnh đồ vật được thiết kế tinh xảo, đặc biệt là thiết kế bối cảnh hồ nước. Lần đầu tiên đi tham quan khu phong cảnh Đông Sơn Hồ, trong lòng tôi dấy lên một niềm hưng phấn không nói nên lời, những suy nghĩ từng có trước đây giờ đang từng bước được thực hiện. Những giấc mơ như vậy có thể nhắc chúng ta nhớ về quá khứ, cũng giống như giấc mơ trở thành “nhà triết học” của tôi vậy, cho đến tận bây giờ vẫn khiến tôi hoài niệm.
Nhìn thấy chính mình:
Bạn mơ ước mình trở thành người như thế nào?
Nếu như có cơ hội để ước nguyện, vậy nguyện vọng bạn muốn được thực hiện nhất trong đời là gì?
“Khi còn trẻ, cần có dũng khi để mơ ước, ngoài ra còn phải có nghị lực để thực hiện ước mơ!”
Tại sao không mang đến cho chính mình một cơ hội? Một giấc mơ không có sự nỗ lực thì mãi mãi chỉ là lời nói suông. Những giấc mơ mà chúng ta từng nỗ lực sẽ khiến đôi mắt chúng ta sáng rõ, và cuộc đời chúng ta cũng tỏa sáng!
Dù cho mơ ước của bạn là gì, chỉ cần bạn có thể tìm thấy lối ra trong hiện thực, hoặc có người đã từng thực hiện được, thì đó đều không phải là chuyện quá khó khăn, quan trọng là bạn muốn đạt được nó đến mức nào? Bạn khát khao đạt được điểm số bao nhiêu trong khoảng từ 0 đến 100 điểm? Đừng chỉ nghĩ ngợi không thôi hay viện cớ để né tránh khó khăn trước mắt. Xin hãy dùng hành động để chứng minh, xin hãy dùng sự nỗ lực để làm rõ hơn những gì mà bạn muốn!
“Bạn dám mơ ước và có một quyết tâm sắt đá, vậy bạn sẽ có thể quyết định được vận mệnh của mình! Bạn không dám mơ ước, đương nhiên sẽ không có hành động và vận mệnh sẽ quyết định mọi thứ của bạn!”
Đừng do dự! Hãy viết rõ ra tất cả những điều mà bạn muốn. Càng rõ ràng, bạn sẽ càng dễ thực hiện! Hãy mang đến cho bản thân một cơ hội để thành công!
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.