Con Không Ngốc, Con Chỉ Thông Minh Theo Một Cách Khác

PHẦN THỨ BA: NHÌN THẤY THIÊN TÀI TRONG CHÍNH MÌNH – Chờ đợi cho đến ngày tháng thuộc về chúng ta!



Nhìn thấy thiên tài trong chính mình, nhìn thấy sự độc đáo và tốt đẹp của bản thân, bạn sẽ nhận ra rằng chính bạn là một phần quà, là một kho báu quý giá! Hy vọng mỗi người đều có cơ hội để nhìn thấy thiên tài trong chính mình, phát hiện ra món quà trong cuộc sống và nỗ lực hết sức cho bản thân!

Chờ đợi cho đến ngày tháng thuộc về chúng ta!

Kết quả thi đại học vừa được gửi về, tôi liền quay trở lại lớp ôn tập để tiếp tục luyện thêm năm thứ hai. Thầy giáo hướng dẫn lớp đang bận việc chiêu sinh, sau khi biết được quyết tâm của tôi bèn xin thầy chủ nhiệm lớp cho tôi mức học phí thấp nhất, vậy là tôi được vào lớp khai giảng tháng 8.

Có nền tảng kiến thức ở năm thứ nhất, năm thứ hai việc học trở nên dễ dàng hơn nhiều, những nội dung thầy giáo giảng trên lớp tôi cũng nắm bắt được kha khá và bắt đầu có thể hiểu được. Tôi cảm thấy nếu tiếp tục cố gắng thêm một năm nữa, có lẽ tôi sẽ thi đỗ, chỉ cần có thể thi đỗ vào khoa Triết học của Đại học Văn hóa, tôi nhất định sẽ thể hiện hết tài hoa của mình trong quãng đời học đại học. Tôi thầm cầu nguyện và cũng để ông trời nhìn thấy những nỗ lực và hy sinh của mình. Để tạo động lực cho chính mình, dù trời có lạnh đến thế nào đi nữa tôi vẫn quyết tắm nước lạnh. Để khiến bản thân luôn trong trạng thái tốt nhất, sáng nào tôi cũng duy trì bữa sáng với cháo lúa mạch dinh dưỡng và tập thể dục. Tôi càng nỗ lực hơn so với năm trước, cả năm trời dường như không có bất kỳ ngày nghỉ nào, tự định ra một kế hoạch học tập nghiêm túc và cẩn thận, liên tục luyện tập trắc nghiệm. Tôi tin rằng có thể cần cù bù thông minh, dù tôi ngốc nhưng sẽ chăm chỉ hơn người khác. Ngày Tất niên, tôi vốn không muốn về nhà, nhưng do chị cả thuyết phục, mặc dù người đã trở về nhà, nhưng hồn tôi vẫn đặt trong bài vở. Tôi biết, tôi không được bỏ phí dù chỉ một phút. Vì vậy, sáng sớm mùng một Tết, tôi bèn bắt chuyến xe sớm nhất trở về Đài Bắc, tiếp tục việc học ở thư viện Tiên Tích Diêm. Tôi trèo lên đỉnh phía đối diện với chân núi và hét lớn: “Xin hãy cho con một con đường đi! Nếu không thi đỗ lần này, con thực sự không biết mình sẽ đi tiếp về đâu!”

Khoảng thời gian này, tôi luôn để đầu đinh, đeo cặp vải của học sinh cấp ba. Mỗi lần ngồi trên xe buýt, nhìn thấy các sinh viên đại học, trong lòng vừa ngưỡng mộ vừa cảm thấy đố kỵ và phẫn nộ. Tại sao? Tại sao họ cứ mở mồm ra là chửi bậy, là bàn chuyện ăn chơi trác táng, nhưng lại nhận được cơ hội mà ông trời ban cho chứ? Tại sao ông trời chỉ bỏ qua mình tôi, không ban cho tôi sự may mắn đó? Không được! Tôi nhất định phải thi đỗ, tôi nhất định phải trở thành một sinh viên khác biệt!

Kỳ thi đại học đang đến gần, có lẽ do quá lo lắng, tần suất đau đầu của tôi ngày càng cao so với trước, cơn đau dạ dày cũng thường xuyên ập đến, nhưng tôi không mấy bận tâm về những việc này, vẫn nghiêm túc tiến hành từng bước theo kế hoạch ôn tập. Điểm số qua mấy đợt thi thử đều ở ngưỡng xấp xỉ với điểm sàn tuyển sinh, thầy giáo hướng dẫn của lớp ôn tập động viên tôi, cứ theo trình độ như hiện giờ thì mục tiêu thi đỗ chắc không thành vấn đề. Tôi mang quyết tâm tất thắng tham gia vào lần thi đại học thứ ba. Có lẽ do quá căng thẳng, trước khi thi bỗng nhiên miệng nôn trôn tháo, đến hôm thi vẫn cảm thấy hơi mệt mỏi. Tiết đầu tiên thi môn Ngữ văn, đang chuyên tâm viết thì thầy giám thị bỗng nhiên rút mạnh tấm đệm của tôi từ phía sau, khiến cho cảm xúc bị tác động rất lớn, phần thi tiếp theo do đó cũng cảm thấy không được suôn sẻ. Trải qua một ngày thi cử, tôi thấy lòng mình đã nguội lạnh, mãi đến khi đối chiếu đáp án, niềm tin trong tôi mới được nhặt nhạnh trở lại. Ngày thứ hai thi khá thuận lợi, tính toán cộng điểm, chỉ cần phần làm văn và chính trị luận thuật không có sai sót và điểm sàn năm nay không quá cao thì tôi rất có hy vọng! Khi công bố kết quả, nhìn thấy thành tích tôi chết sững tại trận, bài văn chín điểm, chính trị luận thuật bảy điểm, những môn khác điểm số còn tạm được. Năm đó do đề tiếng Anh và Toán khá đơn giản, nên điểm thi cao hơn gần 20 điểm, nhưng so với điểm sàn nguyện vọng cuối vẫn thiếu 40 điểm. Toàn thân tôi toát mồ hôi lạnh, không ngừng run lẩy bẩy, chị cả thấy tôi mặt cắt không còn giọt máu, sợ đến mức không biết làm thế nào. Tôi hơi choáng váng ngồi phịch xuống ghế sôpha, một giọt gì đó nóng ấm đột nhiên rơi xuống khuôn mặt lạnh toát của tôi, tôi giật mình kinh hãi, ngẩng lên thấy chị cả đôi mắt đỏ hoe, nước mắt lã chã không ngừng. Tôi đột nhiên thấy vô cùng cảm động, chị cả mười mấy năm nay bước cùng tôi trên con đường trưởng thành, tôi đã hy vọng biết bao rằng bảng điểm lần này sẽ là một món quà để báo đáp cho sự vất vả của chị. Tôi không biết nên nói điều gì nữa, chỉ cố kìm tiếng nấc nghẹn nơi cổ họng, thổn thức:

“Chị… em xin lỗi! Em lại trượt rồi!”

“Vỹ…”

Chị cả ôm lấy đầu tôi, hai chị em không kìm được, ôm nhau khóc quặn đau đớn.

“Ông trời tại sao lại đối xử với tôi như vậy!”

“Em không hiểu! Em không hiểu!”

Cũng chẳng biết bao lâu sau, tôi lau nước mắt, gạt nước mũi, nghĩ đến sự quyết tâm và ước nguyện mà mình từng theo đuổi từ trước, hít một hơi thật dài nói với chị cả: “Chị cả! Em đi nghĩa vụ xong sẽ thi tiếp!”

Chị cả không biết nên khuyên tôi thế nào, cũng lau nước mắt, vỗ vai tôi nói rằng:

“Vỹ à! Chắc chắn sẽ có một ngày em đỗ đại học, sự cố gắng của em ông trời sẽ nhìn thấy!” Nghe câu nói này của chị cả, tôi lại cảm thấy chua xót, “Ông trời ơi! Có thật là ông đã nhìn thấy không?”

Tôi thu dọn hành lý, dự định ngày hôm sau sẽ về Đại Khê. Cha mẹ không nói gì, tôi cũng không muốn nhắc đến chuyện này. Hằng ngày nếu không ở lì trong phòng thì tôi lại một mình đi bộ lên núi và la hét, nội tâm vẫn cảm thấy vô cùng bất bình. Ông trời rốt cục muốn giày vò tôi thế nào mới chịu mở cho tôi cánh cửa vào đại học đây?

Do tâm trạng không tốt, tôi đến Đào Nguyên để xem phim, trên đường trở về thì gặp một cậu bạn ở lớp hướng nghiệp, hai đứa chuyện trò một hồi. Cậu ấy nói rằng đang đợi đi nghĩa vụ, trước mắt đang làm công nhân trộn xi măng. Biết tôi lại trượt, cậu ấy bèn hỏi tôi có muốn đi làm cùng không, vừa rèn luyện thân thể một chút, vừa có thể kiếm tiền? Khi đó tôi 46 kg, thực sự không có niềm tin cho lắm vào sức khỏe của mình. Nhưng cậu ấy động viên tôi, nói rằng lúc cậu ấy mới làm được hai tuần, buổi sáng toàn thân đau nhức không bò dậy nổi, thế nhưng chỉ cần vượt qua hai tuần đầu thì làm gì cũng được! Nghe cậu ấy nói như vậy, tôi cũng quyết định rèn luyện bản thân một bận xem sao, thế là đồng ý lời mời của cậu ấy, cùng đi làm công nhân trộn xi măng.

Ngày đầu tiên đi làm, thầy dạy nghề bắt mỗi đứa phải gánh xi măng lên tầng ba, tôi nhìn mọi người nhẹ nhàng vác lên vai rồi đi thoăn thoắt. Vậy mà chỉ vừa đặt bao xi măng lên vai, chân tôi đã đứng không vững rồi, nhưng vì giữ thể diện, tôi cắn răng chịu đựng, không thể không vác lên tầng. Có điều đúng là có một số việc không nên quá hiếu thắng! Tôi miễn cưỡng lết được đến cầu thang, còn chưa đi được một nửa đường, cả người lẫn xi măng đã đổ cái rầm xuống sàn khiến mọi người giật nảy, nhanh chóng chạy lại xem tôi có bị thương không. Ông chủ cũng chạy qua, nhìn thấy tôi không bị thương bèn rút ra 100 tệ đưa cho, bảo tôi bắt xe về nhà. Tôi thành khẩn cầu xin ông ấy, nói rằng mình không cần lĩnh lương công việc, đợi khi nào khả năng của tôi đạt yêu cầu thì hãy trả công cho tôi. Ông chủ thấy tôi chân thành như vậy, lại thêm vị “sư phụ trộn xi măng” kia nói hộ cho vài lời, cuối cùng tôi cũng được giữ lại!

Cứ như vậy miễn cưỡng làm được một buổi sáng, đến lúc ăn cơm trưa, tay cầm âu cơm mà run rẩy nhức mỏi, lưng cũng đau đến nỗi không ưỡn thẳng lên được. Tôi biết đây mới là khởi đầu của việc rèn luyện, cũng sẽ là một quá trình gian khổ nên vẫn cắn răng cố hết một ngày. Trở về nhà, cha mẹ thấy tôi bộ dạng mệt mỏi thì không đành lòng, bắt tôi không được đi làm nữa, nhưng tôi vẫn rất kiên trì. Bởi tôi tin rằng, nếu bây giờ không tranh thủ cơ hội rèn luyện một chút, tương lai sẽ rất khó thích nghi được với cuộc sống trong quân đội. Tôi quyết tâm phải chăm chỉ hơn người khác, tuyệt đối không để ông chủ coi thường nên không chỉ làm việc cần mẫn, mà mỗi ngày còn đến công trường sớm một tiếng để chuẩn bị.

Ngày thứ hai mẹ gọi tôi dậy đúng giờ, nhận thấy tôi không tỉnh táo nổi, nhưng cũng không dám không gọi tôi dậy. Sau này mẹ nói với tôi rằng, khi đó mẹ phải nuốt nước mắt vào trong, chỉ muốn thay tôi đi làm. Tôi một mình đến công trường, vác trước lên tầng tất cả số xi măng cần dùng trong hôm nay, cát không vác được thì đổ bớt đi một chút. Khi mọi người đến, tôi đã gần chuẩn bị xong cả. Tôi bắt đầu học cách trộn xi măng, chuyển gạch, đưa đất đến khu thi công, mặc dù cả người vẫn cảm thấy vô cùng đau nhức, nhưng trong lòng cảm thấy vô cùng thỏa mãn. Cứ như vậy trải qua hai tuần, tôi đã quen với việc vác xi măng, lọc cát. Ông chủ không những phát lương mà còn thưởng thêm 100 tệ, khích lệ cho sự chăm chỉ của tôi! Nhưng tôi hàng ngày vẫn đến sớm một tiếng, bỏ ra nửa tiếng để hoàn thành công việc chuẩn bị, thời gian còn thừa sau đó thì ngồi ở công trường đọc sách thư giãn. Còn nhớ khi đó tôi đang đọc Quốc gia lý tưởng của Plato, chợt nghĩ đến chế độ giáo dục phân lưu16 của cấp hai, cấp ba, và việc đầu vào đại học dùng hình thức thi tuyển để lựa chọn nhân tài, trong lòng cảm thấy vô cùng bất bình. Tôi không ngừng hỏi chính mình, lẽ nào cam nguyện cả đời này bị buộc phải trở thành một công dân thua kém? Tôi tuyệt đối không đồng ý nhưng cũng quyết không từ bỏ nỗ lực!

Có một hôm, ngày lĩnh lương đúng vào dịp cuối tuần, tôi và hai cậu thợ học việc khác nhận lời đến nhà ông chủ ăn cơm. Mọi người cùng uống rượu, ca hát rất vui vẻ, cậu bạn tôi cao hứng hát rống lên bài Dưới đáy cốc đừng nên nuôi cá vàng. Cậu ấy hát xong, chẳng hiểu vì sao mà tôi cảm động đến rơi nước mắt, bắt cậu ấy hát lại một lần nữa. Tôi cũng hòa giọng hát cùng cậu ấy, từ bé đến giờ tôi chưa từng ca hát một cách hào sảng như vậy. Khi hát đến câu cuối: “Chờ đợi cho đến ngày tháng thuộc về chúng ta!”, tôi đã không kìm được cảm xúc trong lòng, bật khóc nức nở, khiến mọi người giật mình ngạc nhiên. Khi cậu bạn tôi kể với mọi người nỗi tủi thân vì ba lần thi trượt đại học của tôi, vị thầy nghề kéo tay tôi cùng hát bài Yêu cháy hết mình mới có thể thắng. Dường như tôi đã dùng tiếng hét xé lòng hòa với dòng lệ, trút ra toàn bộ những bất bình chất chứa trong tim hai năm nay. Hình như ai nấy mắt đều đỏ hoe ôm lấy tôi và chúc phúc, động viên: Đi bộ đội về nhất định phải phục hận, vấp ngã ở đâu, thì phải có ý chí đứng lên ở đấy!

Trên đường về nhà, trong tim tôi đã cảm thấy thanh thản vì được giải tỏa! Thi đại học! Ngươi hãy đợi đấy, ba năm sau, ta sẽ nhận được điều mà ta muốn!

Nhìn thấy chính mình:

Nhớ lại khoảng thời gian sức cùng lực kiệt, phấn đấu không ngừng nhưng vẫn không đạt được điều mình muốn, nỗi nhức nhối trong tim tôi lại trào dâng thổn thức, nhưng lập tức lại được xóa mờ đi bởi những ước nguyện như ý về sau. Mỗi người đều mong đợi ông trời có thể nhìn thấy sự cố gắng của mình, cho mình một kết cục công bằng, thế nhưng mọi việc thường trái với ý nguyện. Ông trời không phải đang đùa giỡn, mà bởi ông ấy đã chuẩn bị một món quà lớn hơn, để chờ đợi chúng ta ở giây phút tiếp theo. “Vĩnh viễn không được từ bỏ sự cố gắng! Cho đến khi nhận được tất cả những gì mình muốn!” Ông trời luôn mở mắt dõi theo xem chúng ta có thể tiếp tục kiên trì hay không để quyết định xem có nên trao cho chúng ta món quà đó!

Vẻ đẹp của cuộc sống đến từ việc chúng ta từng đau, từng khổ, từng bị dằn vặt dưới vũng sâu của cuộc đời. Vị ngọt dịu và chua xót là kết quả của sự so sánh, những trải nghiệm càng đắng chát, thì đến cuối cùng chúng ta sẽ càng được nếm vị ngọt lành. Vẻ kiều diễm của cuộc đời sẽ lóe lên từ dưới vũng sâu tăm tối nhất. Hãy trân trọng nó! Nó là món quà quý giá nhất trong cuộc sống!


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.