Con Không Ngốc, Con Chỉ Thông Minh Theo Một Cách Khác
Rèn luyện trong quân đội
Đến tháng 9, tôi nhận được thông báo nhập ngũ. Trong lòng vừa sợ sệt, vừa mong chờ được rèn luyện trong quân đội. Do doanh trại nằm ngay gần Đại Khê, nên cha mẹ tự mình tiễn tôi đến đó rồi cứ quyến luyến không rời, nhìn tôi mặc bộ quân phục, cắt đầu đinh, mãi đến khi bị thúc giục mới nuốt nước mắt rời đi. Mẹ lúc nào cũng lo tôi không chịu nổi sự khổ luyện trong quân đội, nhưng do đã vượt qua thử thách làm công nhân trộn xi măng, nên giờ tôi đã tràn đầy niềm tin với thể trạng của mình. Nhưng sự căng thẳng của giai đoạn huấn luyện nhập ngũ vẫn khiến cho tôi mất một thời gian ngắn để điều chỉnh và thích nghi. Mấy tuần đầu tôi gần như không có thời gian để suy xét cho bản thân, mãi đến khi bắt đầu tuần thứ ba mới chú ý đến quang cảnh trong doanh trại. Thời gian ở đây luôn được sắp xếp kín mít một cách dị thường, rất ít có thời gian riêng tư. Tôi xé sách thành từng trang một, mang theo bên mình để lúc rảnh lôi ra đọc. Ngoài ra còn mang theo một cuốn sổ nhỏ, viết ra những suy nghĩ bất chợt hàng ngày, thân thể mặc dù bị gò ép không được tự do, nhưng tâm hồn lại có một cảm giác bình tĩnh và tự do hiếm có.
Về huấn luyện thể lực thì không có gì khó khăn, nhưng ở phần chạy 500 mét vượt chướng ngại vật, mỗi lần từ trên bậc cao nhảy xuống là tôi lại buồn nôn, toát mồ hôi lạnh, sắc mặt trắng bệch. Khi bước đều cũng gặp phải tình trạng như vậy. Bác sĩ sau khi khám xong thì có một vài suy đoán, có lẽ do tư thế không chính xác hoặc do từng bị viêm não, dẫn đến tổn hại một số công năng não bộ. Lúc mới đầu tôi cũng không để tâm, tiếp tục chương trình huấn luyện, không ngờ có một lần ngất lịm sau cú nhảy từ trên bậc cao khi chạy 500 mét vượt chướng ngại vật, khi trưởng doanh trại tiến hành duyệt binh tôi lại ngất tiếp.
Ở đây trước kia cũng từng có một tân binh bất ngờ tử vong khi huấn luyện, vì vậy các bác sĩ quân y kiến nghị tôi cố gắng hết sức tránh bị chấn động ở đầu. Thế là tôi được miễn không phải tham gia hai hạng mục huấn luyện 500 mét vượt chướng ngại vật và duyệt binh, thậm chí để tránh xảy ra sự cố đáng tiếc, tôi còn được điều ra làm vệ binh đứng canh cổng ở đội cảnh vệ, cho đến khi khóa huấn luyện tân binh kết thúc.
Khi sắp xếp phân chia bộ đội, tôi rút được lá thăm trở thành bộ đội dã chiến, do có ghi chép về tình trạng ngất xỉu trong quá trình huấn luyện, lại có sự giúp đỡ của chú nên tôi được phân về đơn vị vệ sinh. Sư đoàn trưởng khi đó rất quan tâm đến tôi, để tôi lưu lại trạm xá của sở chỉ huy sư đoàn. Tôi chưa từng học về y dược, nên trong trạm xá chỉ có thể làm được những việc lặt vặt, việc phải làm hàng ngày vô cùng đơn giản, đó là giúp các bác sĩ quân y làm những công việc hộ lý cơ bản. Ở doanh trại chưa được bao lâu thì bị điều ra phòng thủ Kim Môn. Đối với rất nhiều người đây có lẽ là ác vận, nhưng với tôi thì hai năm ở Kim Môn thực sự là cơ hội tốt để rèn luyện sức khỏe!
Tôi làm nhiệm vụ ở khu vực miền núi Thái Vũ – Kim Sơn, cách thành thị rất xa, gần đó cũng chẳng có gì tiêu khiển. Mỗi ngày tôi đều căn cứ theo thời khóa biểu tự lập, bắt đầu học lại từng bài, từng bài của giáo trình cấp ba môn tiếng Anh, môn mà tôi yếu nhất. Khoảng thời gian này tôi vô cùng biết ơn bác sĩ quân y, liên đoàn trưởng và phụ đạo trưởng17, họ đều đã ủng hộ và cổ vũ tôi rất nhiều. Đặc biệt là vị bác sĩ quân y đã chủ động chỉ dẫn bài vở cho tôi, giúp tôi trong hai năm đã học xong một lượt giáo trình tiếng Anh của ba năm cấp ba. Tiếng Anh giờ tuy vẫn nửa tỏ nửa mờ, nhưng khả năng đọc hiểu cũng có chút tiến bộ. Trong vòng hai năm đó, mỗi buổi sáng hoàn thành xong công tác sắp xếp đội ngũ, nếu không có bệnh nhân thì tôi lại đọc sách. Cố định mỗi buổi chiều đều chạy lên núi Thái Vũ. Lúc mới bắt đầu mỗi lần chạy đến sườn dốc gập ghềnh là phải nghỉ mấy lần, về sau thì chạy đi chạy về hai lượt không nghỉ lần nào. Trên núi ít người xe qua lại, tôi cởi trần chạy bộ. Có một lần tình cờ gặp tướng quân Vương Thăng, chủ nhiệm Phòng Chính trị, ông còn dừng xe cổ vũ tôi. Khi chạy về, tôi bèn đi theo một lớp trưởng chuyên ngành thể dục để tập nhấc vật nặng. Tôi gửi về nhà bức ảnh sau khi huấn luyện, cha mẹ đều không tin rằng chàng trai đang gồng cơ bắp để nhấc vòng đá kia chính là tôi!
Khoảng thời gian này, vì không biết nhiều chữ nên để động viên tôi, mỗi ngày mẹ vẫn đều đặn viết cho tôi một bức thư. Lúc bắt đầu thì do em gái tôi viết, rồi mẹ tự tay chép lại lần nữa. Sau đó thì mẹ quyết định tự viết, mặc dù nội dung mỗi bức thư lần nào cũng giống nhau, ít có điểm khác biệt, nhưng tôi vẫn thấy vô cùng cảm động. Tôi còn cất giữ từng bức thư theo mã số bưu điện cho đến tận bây giờ. Bởi vì đó là tình yêu mẹ dành cho tôi. Mặc dù chữ nghĩa và ngôn ngữ chưa chắc có thể bày tỏ hết, nhưng mỗi lần đọc thư tôi đều cảm nhận được sự quan tâm và cố gắng qua từng nét chữ, từng câu từ của mẹ, điều này cũng là nguồn động lực để tôi không dám lơ là. Tôi có một mục tiêu rất rõ ràng: kỳ thi đại học trước khi xuất ngũ, tôi nhất định phải đỗ!
Để tạo động lực cho bản thân, trong thời gian đóng quân ở Kim Môn, bất luận thời tiết giá lạnh thế nào, tôi đều tắm nước lạnh ngoài trời. Khi đó, tôi nhớ có một lần gió mùa ập về, nhiệt độ ngoài trời chỉ khoảng 56 độ, qua ô cửa kính vị bác sĩ quân y khoác áo lông thấy tôi dội nước lạnh ào ào từ đầu xuống chân, một làn hơi nước bốc lên từ người tôi. Biết rằng tôi đang tự rèn luyện bản thân, cảm động trước quyết tâm đó, ông quyết định dùng thời gian tại nhiệm của mình, đem những môn mà ông biết truyền dạy lại toàn bộ cho tôi. Vị bác sĩ này hiện nay là bác sĩ chuyên khoa lồng ngực nổi tiếng nhất Đài Trung, bác sĩ Chung Duy Chính. Ông cũng từng chia sẻ với tôi về việc từ bé đã không được vô tư chơi đùa như các bạn nhỏ khác, ngày nào cũng cố gắng, cố gắng hơn nữa để thi được vào ngôi trường mình mơ ước, câu chuyện của ông đã ảnh hưởng rất lớn tới tôi.
Một người khác cũng dành cho tôi rất nhiều sự quan tâm, đó là bác sĩ quân y Ô Hy Lượng, ông hiện nay đang là bác sĩ chuyên khoa mắt nổi tiếng ở Cao Hùng. Để giúp tôi có thể viết văn bằng tiếng Anh, ông động viên tôi viết nhật ký hằng ngày bằng tiếng Anh, dùng 900 mẫu câu tiếng Anh, cứ một ngày dùng 10 câu để luyện tập miêu tả những chuyện xảy ra trong ngày hôm đó. Hàng ngày ông đều bỏ thời gian để sửa chữa từng câu cho tôi. Mặc dù đợt thi đại học sau này phần làm văn lại chỉ được 0 điểm, nhưng sự tận tậm chỉ dạy của ông, tôi luôn khắc ghi trong lòng. Ngoài ra, liên đoàn trưởng và phụ đạo trưởng cũng rất quan tâm tới tôi. Đặc biệt là vị liên đoàn trưởng năm đầu tiên, cả đời này tôi sẽ không quên. Khoảng thời gian ông dẫn dắt là những năm sĩ khí của chúng tôi lên cao nhất. Bất luận là bận rộn việc công hay tham gia họp bàn kỹ chiến thuật chiến tranh, ai ai cũng dốc toàn tâm toàn ý. Tôi thường nghĩ, nếu như không may xảy ra chiến tranh thật, tôi cũng không do dự dùng tính mạng của mình để bảo vệ cho vị liên đoàn trưởng này. Ông chính là ngài Trần Phúc Hoàng, hiện giờ đã xuất ngũ để kinh doanh. Tôi nghĩ một nhân tài như vậy mà không có cơ hội thăng chức lên tướng lĩnh để phụng sự nhiều hơn cho quốc gia, quả là đáng tiếc! Tài năng và kiến thức của những vị chỉ huy này, tôi không chỉ khâm phục từ đáy lòng, mà họ còn là những tấm gương để tôi học tập về phương diện đối nhân xử thế!
Ngoài ra còn phải kể đến sĩ quan trưởng Trương Phúc Đống, người luôn coi tôi như con của mình. Mặc dù ông là người Sơn Đông, nhưng thể hình lại không cao to tráng kiện, dù đôi khi tính khí cũng nóng nảy nhưng ông luôn chăm sóc tôi vô cùng chu đáo. Sau khi xuất ngũ chúng tôi vẫn duy trì liên lạc. Ông ở tận Trúc Sơn, khi kết hôn tôi không nỡ để ông lặn lội từ xa đến uống rượu hỷ nên không thông báo cho ông biết. Việc này sau đó ông phát hiện ra đã gọi điện mắng tôi suốt hơn 30 phút, tất cả những từ ngữ khó nghe đều trút ra tất, tôi bị mắng đến nỗi nước mắt chảy ròng ròng. Cá tính thẳng thắn, bộc trực của ông khiến cho tôi cảm nhận được sự coi trọng và quan tâm hiếm có.
Trong thời gian đi nghĩa vụ, việc khiến tôi buồn nhất đó là một người anh em của tôi đã bị xử tử hình vì uống rượu say rồi làm loạn. Sự kiện lần đó, để chỉnh đốn kỷ cương quân đội, chỉ huy trong doanh trại lệnh cho tất cả những người lính ngỗ ngược phải đến pháp trường để chứng kiến. Mặc dù tôi không bị liệt vào danh sách những người lính ngỗ ngược, nhưng cũng bị buộc phải cùng bác sĩ quân y đi khám nghiệm xác nhận ở hiện trường tử hình. Bốn năm giờ sáng ngày hôm đó, mọi người đều tập hợp ở pháp trường. Trước khi mặt trời mọc nhiệt độ rất thấp, tôi lạnh đến độ run lẩy bẩy từng hồi. Sư đoàn trưởng đứng lên phát biểu lời giáo huấn: Mục đích lần này là để các anh em rút ra được bài học, không được vi phạm quân pháp, quan trọng hơn là không được uống rượu. Trước giờ hành hình, lính pháp trường đem cơm và rượu ra cho tội nhân ăn. Ba người bọn họ ăn hết cơm, nhưng không uống rượu, là vì chính rượu đã hại chết bọn họ. Sau đó, lần đầu tiên trong đời tôi tận mắt chứng kiến những người còn sống sờ sờ bị súng bắn chết!
Sau này có cơ hội được thực tập tại đồn tạm giam, tôi cũng đã chứng kiến cảnh xử tử bằng súng, trong lòng không chỉ kinh sợ mà còn là một nỗi cay đắng. Con người vì làm điều ác mà bị trừng phạt là lẽ tất nhiên, nhưng có nhất thiết phải sử dụng phương thức nghiêm khắc đến vậy không? Nếu có thể khiến cho họ cống hiến trí tuệ và sức lực suốt phần đời còn lại để bù đắp cho người bị hại hoặc xã hội, như vậy chẳng phải sẽ có ý nghĩa hơn sao?
Nhưng sự trừng phạt nghiêm khắc như vậy xét cho cùng vẫn có chút tác dụng răn đe. Cho tới tận khi tôi xuất ngũ không còn xảy ra thêm sự kiện vi phạm kỷ luật nghiêm trọng nào nữa.
Nhìn thấy chính mình:
Rất nhiều người đều phần nào đó giữ thái độ sợ hãi và né tránh đối với việc phải đi nghĩa vụ quân sự, nhưng với một số người đã từng có thời gian khoác trên mình bộ quân phục thì quãng thời gian vỏn vẹn hai ba năm trong quân ngũ này lại lưu giữ rất nhiều những hồi ức khó quên!
Hương vị của cuộc sống đến từ việc chúng ta dám mơ ước và chấp nhận thử thách. Vì vậy, nếu không phải xuất phát từ hạn chế về vóc dáng hoặc thân thể, một người con trai có lý gì lại bỏ lỡ một quá trình rèn luyện có thể khiến cho anh ta trở thành một người đàn ông đầu đội trời, chân đạp đất chứ?
Đối với người bình thường, hai ba năm có lẽ có thể kiếm được một hai trăm triệu, cũng có thể học được một học vị nào đó, nhưng thông thường trong cuộc đời của chúng ta, có quá nhiều “hai ba năm” đã trôi qua trong sự phẳng lặng và vô nghĩa. Nếu đã như vậy, tại sao không khiến cho cuộc đời thêm một chút trải nghiệm khác biệt, hoặc làm phong phú thêm cuộc sống của chúng ta?
Cuộc đời nhiều hương vị! Chỉ cần đó là những việc không làm tổn thương hoặc gây phiền hà cho người khác hoặc chính mình, tại sao không dám thử chứ! Đất trời rộng lớn, tại sao mỗi ngày chúng ta đều tự hạn chế bản thân trên những con đường cố định? Hãy cho chính mình nhiều cơ hội hơn và những trải nghiệm của chúng ta cũng sẽ vì thế mà trở nên phong phú!
Bạn thích điều gì? Bạn hứng thú với việc gì? Những điều này đều rất tốt, nhưng xin đừng chỉ làm những việc bạn thích hoặc có hứng thú. Khi bạn bắt đầu thử làm những việc bản thân không thích và cũng chẳng mấy hứng thú, khi đó rất có thể bạn sẽ phát hiện ra niềm vui và món quà của cuộc sống!
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.