Con Không Ngốc, Con Chỉ Thông Minh Theo Một Cách Khác
Tôi thi đỗ rồi!
Nhờ sự giúp đỡ của các anh em trong quân ngũ, rất nhanh sau đó tôi đã thoát khỏi đám mây u ám của chuyện thất tình, phấn chấn trở lại, chuẩn bị cho đợt thi đại học lần thứ tư. Do tháng 10 tôi sẽ xuất ngũ, căn cứ theo quy định có thể tham gia báo danh đại học trước khi xuất ngũ. Chuẩn bị vất vả hơn hai năm trời, tôi đã có niềm tin hơn trước. Do sách giáo khoa đã được sửa đổi, tôi mua lại một bộ sách tài liệu và tham khảo, bắt đầu học lại từ đầu. Thế nhưng với môn Toán, vì vẫn gặp khó khăn trong cộng trừ nhân chia nên tôi quyết định từ bỏ nỗ lực. Với môn tiếng Anh dưới sự dạy bảo của bác sĩ quân y, ít nhiều tôi cũng đã có thêm niềm tin. Tôi quyết định dùng nốt nửa năm cuối cùng dốc toàn lực cho kỳ thi đại học thứ tư này.
Sau khi quân đội được điều về Đài Loan, nhiệm vụ không còn đơn giản như hồi ở Kim Môn nữa, ngoài việc thường xuyên có diễn tập, tuần tiễu trị liệu18, việc kiểm tra trang bị, trắc nghiệm kỹ năng chiến đấu cũng thường diễn ra đột xuất không báo trước. Tôi đành tận dụng thời gian buổi tối và ngày nghỉ để đọc sách, cũng may công việc trong sở quân y khá đơn giản, liên đoàn trưởng và bác sĩ đều động viên và dành cho tôi sự ủng hộ tối đa. Ngoại trừ những buổi thao diễn cố định, cứ bốn đến năm giờ chiều là chúng tôi thường hẹn nhau chạy bộ, mỗi lần đều chạy những quãng đường khác nhau. Vài tháng sau, tất cả các cung đường trong núi chúng tôi đều đã chạy hết, thể lực và tinh thần đều ở trạng thái tốt nhất. Tôi tham gia kỳ thi đại học lần thứ tư, liên đoàn trưởng và các anh em trong sở quân y đều dốc sức phối hợp và ủng hộ để cho tôi có hai ngày nghỉ phép chuẩn bị trước khi thi. Chị cả thấy tôi vô cùng tự tin, lại càng vui vẻ và mong đợi, cứ như vậy, tôi tham gia kỳ thi trong sự kỳ vọng của mọi người.
Bước vào kỳ thi, cảm thấy mọi thứ đều rất thuận lợi, trong lòng cũng tự tin rằng lần này sẽ thi đỗ. Đến khi thi xong về doanh trại đối chiếu đáp án, tôi mừng như mở cờ trong bụng, nếu như điểm số không có gì quá biến động, lần này chắc chắn sẽ đỗ, thậm chí còn có cơ hội để chọn vào khoa Triết học của Đại học Văn hóa! Khoảng thời gian chờ đợi đến ngày công bố kết quả, trong lòng tôi ngập tràn niềm vui, những người bạn trong đơn vị cũng rục rịch bắt khao nếu thi đỗ. Hôm công bố kết quả, tôi nhiều lần nóng ruột gọi điện thoại về nhà để hỏi kết quả, mãi đến buổi chiều mới nhận được bảng điểm, em gái ngập ngừng bảo tôi đừng buồn, chỉ thiếu đúng 2 điểm, phúc khảo có lẽ sẽ có cơ hội.
“Thiếu 2 điểm?”
Tại sao có thể như vậy? Tôi đã cộng thử điểm, môn văn tính nhiều thêm 5 điểm, chính trị tính cao hơn 5 điểm, Toán và tiếng Anh đều nhiều hơn vài điểm, kể cả có như vậy, khoa triết học văn hóa cũng phải đỗ rồi chứ! Tay tôi nắm chặt cứng điện thoại không thốt nổi nên lời. Do chuyện tình cảm bị tổn thương, tôi luôn mong đợi kỳ thi lần này có thể bù đắp cho cảm giác thất bại trong lòng, không ngờ chỉ đổ thêm dầu vào lửa!
Buổi tối hôm đó, để an ủi tôi, mấy người bạn thi nhau vỗ về, mời tôi đi ăn cơm uống rượu giải sầu. Có lẽ do tâm trạng không vui, uống quá nhiều rượu nên say túy lúy, sáng hôm sau khi điểm danh tôi cũng không dậy nổi. Liên đoàn trưởng đến thăm, nghĩ rằng tôi bị bệnh, còn nhờ người mang đồ ăn sáng đến cho tôi. Ông bước vào, thấy tôi như một chú gà chọi thua kèo, bèn ngồi bên giường trò chuyện với tôi.
Ông nói rằng, trước đây ông cũng là một kẻ thất bại trong kỳ thi đại học, ông nội ông khi đó là tướng quân đã bắt phải học lớp chuyên tu của Học viện Quân đội, khi tốt nghiệp còn chưa kịp làm bộ đội thì lại bị ông nội lôi đi thi vào trường Sỹ quan Lục quân. Cả đời này điều ông tiếc nhất đó là đã không thi đại học cho tốt. Ông nửa đùa nửa thật, hỏi tôi có thể thi thay cho ông một năm được không, hay là muốn bị tống vào nhà giam vì tội say xỉn?
“Em sẽ thi tiếp!”
Ông nói với tôi, nếu thi lại thì chắc chắn sẽ đỗ. Căn cứ theo thành tích của năm nay, cộng thêm quy định quân nhân xuất ngũ được cộng thêm 10% số điểm, vậy là có cơ hội thi vào Đại học Đài Bắc rồi còn gì!
Có sự động viên của những người bạn tốt này, tôi hạ quyết tâm, thi đại học lần thứ năm. Vẫn còn chưa xuất ngũ, tôi đã đến báo danh trước vào lớp ôn tập mùa thu. Sau hôm xuất ngũ thì làm xong mọi thủ tục cần thiết, tôi trực tiếp đến điểm danh ở lớp ôn tập. Muốn thi đỗ Đại học Đài Bắc thì phải tiếp cận và làm quen trước với ngôi trường này, tôi chọn lớp ôn tập nằm ngay cạnh trường. Chị cả đã chuyển nhà từ đường Hạnh Hạch đến đường Đại học Sư phạm, trải qua ba năm rèn luyện trong quân đội, nên trong lớp ôn tập tôi trở thành một nhân vật “cấp đại ca”, cùng chăm chỉ học hành với những cô bé cậu bé nhỏ hơn mình bốn đến năm tuổi! Nhờ có kinh nghiệm thi cử nhiều lần, hiểu rằng chỉ nỗ lực chăm chỉ thôi không đủ, mà còn cần một thể trạng khỏe mạnh, vì vậy mỗi ngày tôi đều luyện tập ở phòng thể hình ít nhất một tiếng đồng hồ. Để bản thân duy trì ý chí, tôi vẫn kiên trì tắm nước lạnh mỗi ngày. Thời tiết giá rét đến mấy tôi cũng rất ít khi mặc quần áo quá ấm áp, trạng thái sức khỏe đạt đến mức tốt nhất. Trong khoảng thời gian này, suy nghĩ của tôi bắt đầu có một chút thay đổi.
Tôi trăn trở về bước đường tương lai của mình, triết học là thứ tôi yêu thích nhất, nhưng triết học chỉ là tư tưởng, thứ có thể giúp ích được cho xã hội, đất nước và cả thế giới vẫn là giáo dục. Vì vậy tôi đã thay đổi chí hướng của mình, đặt mục tiêu thi đỗ Đại học Sư phạm. Tôi cũng nhiều lần đứng trên cầu Kinh Lộ ngắm nhìn dòng xe qua lại, ngước lên khoảng không hẹp giữa những tòa nhà cao tầng, cầu xin ông trời:
“Nếu ông trời có thể cho con cơ hội thi đỗ vào Đại học Sư phạm, con nguyện cả đời này sẽ đến những ngôi trường vùng sâu vùng xa, cống hiến tất cả tâm sức của mình để báo đáp cha mẹ, thầy cô và những người đã từng giúp con!”
Năm 1984 tôi tham gia thi đại học lần thứ năm, do có kinh nghiệm trải qua nhiều lần thi cử, cộng thêm quá trình chuẩn bị trong bảy năm, tôi chờ đợi kỳ thi đến gần trong tâm trạng hưng phấn và mong đợi. Tôi biết, và cũng có niềm tin rằng lần này bất luận thế nào cũng sẽ thi đỗ, chỉ là có đỗ vào trường Đại học Sư phạm như ý nguyện hay không mà thôi. Thi xong, ra kiểm tra đối chiếu đề, tôi biết rằng mình đã đỗ rồi! Còn có đỗ vào Đại học Sư phạm hay không, quyết định ở bài tập làm văn tùy chọn, đề luận thuật và bài tập làm văn tiếng Anh. Hôm công bố kết quả, chị cả còn căng thẳng hơn cả tôi, bỏ mặc mọi việc đang làm để ngồi nhà chờ bảng điểm cùng tôi.
Cuối cùng cũng nhận được bảng điểm, tôi thi đỗ rồi! Nhưng tổng số điểm trong đề tùy chọn gần 100 điểm, tôi lại chỉ đạt 20 điểm nên có chút thất vọng! Tôi cầm bảng điểm đưa cho chị cả xem, chị nhìn thấy bảng điểm biết rằng tôi thực sự đã trúng tuyển, đôi tay đột nhiên run rẩy rồi bật khóc:
“Vỹ thi đỗ rồi! Vỹ đỗ thật rồi!”
Tôi hơi ngạc nhiên khi thấy chị cả kích động như vậy, bèn vừa cười vừa kéo kéo tay áo chị:
“Chị già! Em thi đỗ mà chị còn khóc là sao!”
Không ngờ chị cả nghe xong lại khóc òa lên như mưa tuôn! Tôi cũng bị bầu không khí này làm cảm động, đôi mắt đỏ hoe. Chị cả nhìn tôi âu yếm, xoa xoa đầu tôi, giọng nói nghẹn ngào:
“Vỹ! Vậy là từ nay chị không còn phải khóc vì thành tích của em nữa rồi!”
Từ năm 10 tuổi đến khi thi đỗ đại học, tôi lúc ấy đã 24 tuổi – mười mấy năm ròng rã, gánh nặng phải dạy dỗ tôi của chị cả, rốt cuộc cũng được đặt xuống vào thời khắc đó! Câu nói của chị cả khiến tôi hồi tưởng lại những gian truân, trắc trở cả chặng đường đã qua, rồi nghĩ đến những nỗi uất nghẹn mà bản thân phải chịu đựng trong tám năm ròng rã để thi đỗ đại học, nước mắt cứ thế trào ra, trong lòng ngàn vạn cảm xúc giao thoa:
“Mình đỗ rồi! Cuối cùng mình cũng đỗ đại học rồi!”
Một việc có thể dễ dàng đối với rất nhiều người, nhưng tôi phải nỗ lực gần mười năm trời mới hoàn thành.
Khi cầm bút điền nguyện vọng, tôi điền từ hệ đầu tiên đến hệ cuối cùng của Đại học Sư phạm. Khi công bố kết quả, tôi còn thiếu 15 điểm để vào hệ huấn luyện công cộng Đại học Sư phạm! Thi đỗ vào hệ công tác xã hội của Đại học Phụ Nhân, nhưng tôi không có duyên trở thành thầy giáo. Bởi tôi cũng thi đỗ vào hệ Phòng chống tội phạm của Học viện Sỹ quan Cảnh sát, trong lúc đắn đo giữa hai sự lựa chọn, cha đưa ra ý kiến của mình: hệ phòng chống tội phạm thì sau khi tốt nghiệp có thể công tác trong lĩnh vực hướng dẫn thanh thiếu niên hoặc cải huấn những người đang chịu hình phạt, đó cũng là một dạng giáo viên. Cha động viên tôi lấy đó làm sự nghiệp cả đời. Dù vậy cha vẫn tôn trọng lựa chọn của tôi. Cuối cùng, tôi quyết định theo học hệ Phòng chống tội phạm của Học viện Sỹ quan Cảnh sát Trung ương, chính thức kết thúc quá trình chiến đấu cho giấc mơ trường kỳ thi vào đại học!
Nhớ lại những cố gắng và cả cảm giác bất an trên chặng đường đã qua, dù có trải qua bao nhiêu năm, tôi vẫn thường mơ thấy mình chưa hề thi đỗ đại học, điều đó vẫn mãi chỉ là một giấc mộng ngây ngô. Tôi còn hay giật mình tỉnh giấc – tự hỏi rằng rốt cuộc đâu mới là sự thực? Con đường đến lớp ôn tập phải xuyên qua một ngõ hẹp tối tăm, còn trong giấc mơ, đó lại là một con đường đi mãi không hết. Đại học đúng là một cánh cửa hẹp. Sau này có lần được mời tham dự chương trình Hoa Thị Điểm Đăng, được phỏng vấn về hành trình trưởng thành tâm lý của bản thân, người dẫn chương trình Cân Tú Lệ đã hỏi mẹ tôi: “Bác Lư! Làm sao bác biết Tô Vỹ mất bảy năm, trải qua năm lần thi đại học rồi cuối cùng cũng sẽ thi đỗ?”
Mẹ tôi trả lời không chút do dự:
“Làm sao bác biết được nó sẽ thi đỗ. Nó muốn thi thì bác sẽ dốc cái thân già này, dốc hẳn hai mươi năm để nó đi thi. Ai biết được đến lần thứ năm, nó đã thi đỗ rồi!”
Cả chặng đường cùng tôi trưởng thành, gia đình chưa từng mong đợi điều gì ở tôi, chỉ âm thầm ủng hộ sau lưng, đáp ứng tâm nguyện của tôi mà thôi!
Nhìn thấy chính mình:
Tôi thật may mắn! Nhờ có nỗ lực mà cuối cùng đã thực hiện được tất cả những gì mình muốn!
Tôi thật may mắn! Khi đã không từ bỏ giữa chừng!
Tôi thật may mắn…
Trong cuộc đời này, tôi đã gặp quá nhiều may mắn! Từ tận đáy lòng mình, tôi cảm ơn và trân trọng những gì mình đã có, và cả sự hậu đãi mà ông trời ban cho! Ông ấy đã ban cho tôi cha mẹ, thầy cô, những người bạn tốt nhất và một con đường tốt nhất. Nếu cuộc đời có thể quay lại từ đầu, tôi vẫn không hối tiếc vì tất cả những lựa chọn này.
Bạn có may mắn không?
Tôi từng thấy rất nhiều người may mắn hơn mình. Ban đầu tôi cảm thấy đố kỵ, ngưỡng mộ họ, sau đó tôi mới biết rằng, vận may sẽ đến từ sự nỗ lực và kiên trì không ngừng!
Thi đỗ đại học với nhiều người mà nói thực sự không có gì khó khăn. Đó là do họ may mắn? Hay do họ nỗ lực nhiều hơn so với người khác? Đến nay tôi vẫn kiên định tin tưởng vào câu nói “Cần cù bù thông minh”, “May mắn đến từ nỗ lực! Sự tiếp diễn của vận may đến từ sự nỗ lực không ngừng!”
Cho đến nay, tôi vẫn đang nỗ lực một cách tích cực, để tạo ra vận may của đời mình!
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.