Con Không Ngốc, Con Chỉ Thông Minh Theo Một Cách Khác

Năm thứ nhất kinh dị



Theo học Học viện Sỹ quan Cảnh sát là con đường bất ngờ mà trước kia tôi chưa từng nghĩ tới. Còn nhớ khi làm thợ hồ, tôi đã làm việc ở ngay gần ngôi trường này. Khi đó, dù thế nào tôi cũng không nghĩ rằng có một ngày mình lại trở thành sinh viên của trường.

Trong lý tưởng của tôi, dù cho không thể làm một thầy giáo, trong tương lai tôi cũng hy vọng có thể được làm một công việc gì đó liên quan tới nghề giáo, chủ yếu là do bầu nhiệt huyết của tôi đối với triết học (tình yêu và trí tuệ) sẽ có cơ hội được hiện thực hóa trong công việc và cuộc sống. Nhưng vì tôi tương đối thích một cuộc sống tự do tự tại, làm những điều mình thích, còn Học viện Sỹ quan Cảnh sát lại áp dụng chế độ sinh hoạt và học tập nghiêm khắc, vì vậy bốn năm học đối với tôi khi đó thực sự là cả một chặng đường dài.

Do tôi đã từng đi nghĩa vụ, không bắt buộc phải tham gia chương trình giáo dục nhập ngũ như các bạn học khác, mà cùng các bạn nữ và những bạn học đã từng đi nghĩa vụ khác ở tại trường tiếp nhận chương trình giáo dục sinh hoạt, xạ kích và huấn luyện bơi lội. Do sĩ số ít, số sinh viên nam cùng với hai bạn sinh viên Thái Lan cộng lại cũng chỉ khoảng mười người. Ba tháng đầu cuộc sống trôi qua một cách căng thẳng, nhưng khi đó tôi rất mong ngày khai giảng sẽ nhanh đến, nhanh được học những kiến thức trong sách. Xét cho cùng tôi đã phấn đấu nhiều năm như vậy, hy vọng có thể nhờ quá trình giáo dục cao cấp mà nâng cao tầm hiểu biết, để có năng lực thực hiện ước mơ của mình. Ai ngờ sau ngày khai giảng mới là lúc tất cả những khó khăn bắt đầu! Năm thứ nhất tiếng Anh là môn học khiến tôi đau đầu nhất, sự khoan dung của giáo sư dạy môn tiếng Anh Trần Hổ Sinh, cả đời này tôi cảm kích không quên. Đối với những học sinh bình thường, việc dùng tiếng Anh để tự giới thiệu, đọc một đoạn văn hoặc dịch bài sang tiếng Anh là một việc đơn giản. Bởi những bạn có thể thi đỗ Học viện Sỹ quan Cảnh sát, hơn một nửa đều có thể thi vào những trường đại học hàng đầu, đại đa số đều đến từ những trường cấp ba hàng đầu của các khu vực khác nhau trên cả nước. Cũng vì vậy mà khi mới bắt đầu đi học, thần kinh tôi luôn căng thẳng, rất sợ thầy giáo gọi đến tên để đọc bài hoặc trả lời câu hỏi bằng tiếng Anh. Vì vậy, bất cứ lúc nào tôi cũng mang theo bên mình bản phôtô bài vở, gần như đều đã tra hết tất cả các từ, cứ năm giờ sáng tôi lại ra sân thể dục đọc to, những hôm mưa hoặc khi trời chưa sáng thì ngồi trong nhà tắm của trường để học thuộc. Lúc lên lớp, thầy giáo gọi tôi đọc bài, tôi mới đọc được một đoạn ngắn, thầy giáo đã đi xuống bên cạnh.

Cả người tôi run bắn, lưỡi cứng đơ lắp bắp, giáo sư Trần đùa nói:

“Em Lư, em đọc tiếng Anh sao nghe giống tiếng Đức thế, em đang đọc đến đoạn nào, sao tôi nghe không hiểu?”

Thầy bắt tôi đọc từng chữ, từng câu một, rồi hỏi rằng có phải tôi chưa học phát âm bao giờ không? Thầy cố gắng sửa sai và đọc cùng tôi, mỗi lần đọc lên, các bạn lại cười ầm ĩ. Thầy giáo thực sự không dạy được nữa liền bảo tôi dịch, tôi ấp a ấp úng, dịch chẳng ra ngô ra khoai. Thầy dứt khoát bảo tôi chỉ cần nói đơn giản ý chung của cả đoạn thôi cũng được. Tôi cúi đầu nhìn sách, mãi chẳng thể đọc trôi chảy. Ban đầu thầy tưởng tôi không học bài trước, bèn đi qua xem sách của tôi, chẳng ngờ gần như từ nào trong sách cũng đều phải tra từ điển, bên cạnh còn ghi ra cách nhấn âm, thậm chỉ còn dùng ba loại bút vẽ chằng chịt lên những chỗ trọng điểm. Thầy giáo vô cùng kinh ngạc, nói:

“Em Lư! Trình độ tiếng Anh của em sẽ lập kỷ lục mới của Học viện Sỹ quan Cảnh sát đấy!”

Cả lớp lại cười ầm ĩ!

Giáo sư Trần là một người thầy vừa nghiêm khắc vừa hết lòng thương yêu sinh viên. Thầy bắt tôi phải nắm vững cách ghép từ trước, rồi bảo tôi đi mua băng cátsét và sách dạy phát âm về học lại từ đầu. Tôi làm theo chỉ thị của thầy, mỗi ngày dậy sớm hơn một tiếng so với các bạn, nửa tiếng dùng nghe băng cátsét phát âm, sau đó đọc to theo. Tôi nghe các anh chị lớp trên nói, trước đây từng có một tiền bối thi lại hai lần không đỗ và bị đuổi học. Bởi vậy, từ đầu đến cuối tôi vẫn nhớ rõ lời dặn của các anh chị – tuyệt đối không được để môn nào không đạt yêu cầu.

Năm thứ nhất, tôi dường như chỉ học tiếng Anh, tôi vất vả như vậy mới có thể chen vào cánh cửa hẹp này, sao có thể chỉ vì môn tiếng Anh mà bị đuổi học chứ? Nếu một ngày chẳng may bị đuổi thật, giấc mơ và hy vọng của tôi chẳng phải đã bị dập tắt hoàn toàn rồi sao! Đợt thi giữa kỳ đầu tiên, thành tích môn tiếng Anh của tôi quả nhiên thấp nhất lớp. Câu hỏi trên bài thi, tôi hoàn toàn không hiểu, và đương nhiên cũng chẳng thể biết thầy giáo muốn có câu trả lời như thế nào. Thầy giáo còn đặc biệt cảnh cáo tôi, nếu cứ tiếp tục như vậy thì rất có khả năng phải chuẩn bị thi lại. Tôi sợ đến nỗi nước mắt chảy ròng ròng ngay trên lớp, khẩn cầu thầy giáo cho tôi thêm một cơ hội, thi cuối kỳ, nhất định tôi sẽ bù được điểm!

Phần lớn thời gian của học kỳ một tôi dùng để học tiếng Anh, thời gian dành cho những môn khác cũng ít, nên thành tích tất nhiên cũng không tốt, ngoại trừ môn Triết học đại cương và Logic học được điểm cao, còn lại điểm số đều vô cùng lẹt đẹt. Trong đó môn Logic học ngày trước tôi từng học qua, đề thi thầy đưa ra đều là một trăm câu hỏi lựa chọn đúng sai, mỗi câu một điểm. Hai lần thi Logic học tôi đều được 100 điểm, đây có lẽ là môn thi có điểm số khiến tôi đắc ý nhất từ trước tới nay. Cả lớp có một nửa sinh viên không đạt yêu cầu, muốn tôi dạy lại cho họ, nhưng tôi cũng không biết nên dạy thế nào. Tôi đều chỉ dùng trực giác để trả lời câu hỏi, còn tại sao đúng, tại sao sai, căn bản là tôi không biết. Còn môn Khái luận triết học của giáo sư Hạnh Ý Vân lại mang đến rất nhiều ý tưởng gợi mở trong tôi. Giấc mơ triết học, mặc dù chỉ có thể nếm thử một miếng rất nhỏ, nhưng tôi đã cảm thấy vô cùng thỏa mãn! Trước nay tôi luôn có một tâm nguyện ấp ủ, đó là đem trí tuệ và tình yêu triết học áp dụng vào công việc và cuộc sống, chứ không chỉ là tư tưởng trên sách vở. Sự chỉ dẫn của giáo sư Hạnh đã mang tới cho tôi một phương hướng tương đối rõ ràng trong cuộc sống.

Do cha tôi từng bị vào tù chịu hình nên việc theo học hệ phòng chống tội phạm, làm công tác cải tạo những phạm nhân mang lại cho tôi một cảm giác mãnh liệt về sứ mệnh của mình. Năm thứ nhất, tôi may mắn được lĩnh giáo môn Giám ngục học của chuyên gia chính trị trại ngục nổi tiếng – giáo sư Đinh Đạo Nguyên, thầy đã truyền dạy tôi rất nhiều bài học và quan điểm.

Giáo sư Đinh miệt mài nghiên cứu các tác phẩm nổi tiếng, viết bài cho các chuyên san lớn. Để có thể tìm hiểu một cách toàn diện luận văn của giáo sư Đinh, tôi đã sắp xếp tất cả những tác phẩm nổi tiếng của ông thành một mục lục, biên đặt các tiêu đề liên quan, sau đó thu thập từng bài viết để đọc và nghiên cứu các biện pháp cải tạo phạm nhân và chính sách hình sự. Trước khi kết thúc năm thứ nhất, tôi còn đem tất cả các bài viết, căn cứ theo phân mục mà tôi tự biên đặt để tổng hợp thành bảy cuốn sách khổng lồ bọc bìa cứng, đem tặng trong ngày sinh nhật của thầy, bày tỏ lòng tôn kính với vị “nhất đại tông sư” này! Giáo sư Đinh hoàn toàn không ngờ mình lại có nhiều tác phẩm đến vậy. Đương nhiên, thầy cũng không hay biết tác phẩm và công ơn dạy bảo của mình đã mang đến vô vàn chỉ dẫn và giúp đỡ cho cuộc sống của tôi trong tương lai.

Người thầy mang tới sự khai sáng cho tôi năm đầu tiên chính là cô giáo Hạnh Pháp Xuân, dạy môn Lịch sử Trung Quốc. Cô đã dạy chúng tôi cách làm thế nào để thu thập dữ liệu theo chủ đề, làm thế nào để xác định chủ đề nghiên cứu, làm thế nào để thiết kế đại cương và phương hướng nghiên cứu rồi làm thế nào để tiến hành nghiên cứu và viết luận văn. Sự chỉ bảo của cô đã đặt nền móng cho quá trình tiến hành nghiên cứu các chủ đề của tôi trong tương lai. Mặc dù không có cơ hội được học tập ở sở nghiên cứu (thi mấy lần đều vì điểm môn tiếng Anh quá thấp mà không đỗ), nhưng trong lĩnh vực công tác và chuyên ngành của mình, tôi có thể duy trì việc đi sâu nghiên cứu và xây dựng nên uy tín chuyên môn. Cô giáo Hạnh Pháp Xuân chính là vị ân sư lớn nhất của tôi bởi cô đã dạy cho tôi cách thức tư duy uyên thâm và tư tưởng nghiên cứu cẩn trọng. Cũng chính nhờ sự chỉ dẫn của cô Hạnh và giáo sư Cố Lực Nhân, chúng tôi đã hoàn thành và xuất bản mục lục phân loại văn hiến của bộ môn Cảnh chính từ năm 1949 đến 1987. Cuộc đời thật may mắn khi gặp được minh sư, tất cả những chỉ bảo tận tình của cô đã giúp cho tôi trong suốt cuộc đời! Năm đầu tiên, khi rất nhiều người vẫn đang mày mò tìm kiếm thì tôi dường như đã xác định được phương hướng tương lai của bản thân – Đó là tìm hiểu hành vi của nhân loại, mang đến sự giúp đỡ hữu ích nhất đối với những người phạm tội.

Chỉ một năm ngắn ngủi mà đã xảy ra biết bao nhiêu việc, có tốt có xấu, đó đều là một phần của ký ức. Đầu tiên là đạt được giải thưởng kỹ năng đẹp trong cuộc thi kỹ năng cơ thể, sau đó lại phạm phải một sai lầm nhỏ do một lần uống rượu, rồi tiếp tục bị phạt vì mấy lần không đặt dụng cụ đúng vị trí quy định. Có một lần tôi phải ôm dép lê đứng chịu phạt trước mặt cả lớp. Một lần khác thì đá chiếc chậu rửa mặt ra rất xa, khiến cho đồ giặt giũ văng tứ tung khắp nơi. Trong cuộc sống tập thể, để tạo được quy củ, cá tính và cảm nhận của mỗi cá nhân đều dần bị bỏ qua. Đến nay tôi vẫn cảm thấy cuộc sống tập thể không thích hợp với mình. Tôi thích được sống những ngày tháng đơn độc tự lập, đầy ắp những bất ngờ và sáng tạo.

Năm thứ nhất gian truân trôi qua trong cuộc chiến ác liệt với môn tiếng Anh. Học kỳ một được 60 điểm là do thầy giáo thương hại sự nỗ lực của tôi mà tặc lưỡi cho qua. Sang đến học kỳ hai, tôi dần quen với phương thức giảng dạy của thầy, có lẽ nên nói là thầy đã nhìn thấu được trình độ tiếng Anh dở tệ của tôi, và cũng không kỳ vọng tôi có thể cải thiện, đến cuối kỳ lại thi đỗ trong đường tơ kẽ tóc. Vốn tưởng rằng từ nay sẽ không phải học tiếng Anh nữa, ai ngờ những ngày tháng bị tiếng Anh giày vò vẫn còn nhiều vô kể!

Nhìn thấy chính mình:

Rất nhiều mục tiêu trong cuộc sống, dù cho chúng ta phải nếm trải biết bao cay đắng, nhưng một khi đạt được nó, có thể lại cảm thấy đôi chút lạc lõng. Tất cả kỳ vọng dường như đều đẹp đẽ hơn lúc chúng ta đã đạt được, và trí tưởng tượng lúc nào cũng mỹ lệ hơn thực tế! Cũng vì sự mỹ lệ của trí tưởng tượng, khiến cho chúng ta không ngừng rảo bước tiến về phía trước, cho đến khi chúng ta có thể thỏa mãn tất cả sự hiếu kỳ và trí tưởng tượng của bản thân!

Bất cứ môn học nào cũng có thể ảnh hưởng đến cả cuộc đời chúng ta! Lịch sử là một lĩnh vực không liên quan gì đến chuyên ngành trong tương lai, nhưng chính sự dụng tâm của thầy giáo đã đặt nền tảng cho quá trình nghiên cứu và tự học hỏi của tôi. Giám ngục học rất quan trọng đối với công việc của tôi trong tương lai, dù nó chưa liên quan đến công việc hiện tại, nhưng nhờ vào nỗ lực của mình, tôi đã có cơ hội nhìn nhận một cách tổng thể bức tranh hoàn chỉnh về học vấn, tìm hiểu tâm thức của những bậc học giả uy tín nhất, điều đó đã mang tới cho tôi nguồn cảm hứng vô cùng lớn lao về phương hướng của cuộc đời mình! Trân trọng từng môn học, kể cả đó chỉ như sự tương ngộ qua đường giữa người với người, cũng hãy trân trọng sự “hiếm có” của lần gặp gỡ ấy. Ký ức và vẻ đẹp trong cuộc sống, khi nó xảy ra chúng ta hoàn toàn không hay biết. Kể cả sự hổ thẹn hay uất ức cũng không bắt buộc phải quá để tâm! Hành trình của cuộc đời đều sẽ mang tới một sự đánh giá công bằng đối với những sự kiện này. Thất bại, trở ngại, oan ức, ô nhục, phỉ báng… Rồi một ngày nào đó chúng ta sẽ hiểu, đó chỉ là những bất ngờ nho nhỏ trong cuộc đời mà thôi. Chỉ là chúng ta tuyệt đối không nên lơ là khiến cho chỉ vì một sự cố nhỏ ngoài ý muốn mà lỡ mất cả một hành trình vĩ đại!


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.