Con Không Ngốc, Con Chỉ Thông Minh Theo Một Cách Khác

Cảm ơn cha mẹ



Vì đã thi đỗ cuộc khảo thí cao cấp vào khoa Quan sát và Bảo vệ Con người, nên tôi có cơ hội phục vụ công tác cải huấn thanh thiếu niên một cách chuyên tâm và lâu dài. Với những thanh thiếu niên từng vướng vào vòng pháp luật, rất nhiều người giữ ánh nhìn “trẻ hư hỏng”, “thanh thiếu niên ngỗ nghịch” đối với chúng. Trên thực tế, những đứa trẻ này không chỉ không hư hỏng, mà cũng chưa chắc đã ngỗ nghịch, chỉ là quá trình trưởng thành của chúng có nhiều trải nghiệm không tốt hơn những đứa trẻ khác một chút mà thôi. Chúng không khác gì so với những đứa trẻ chưa từng phạm tội, luôn trông đợi sự thấu hiểu và yêu thương của cha mẹ. Nếu phải phân tích nguyên nhân phạm pháp của chúng, tôi muốn nói một cách đơn giản nhất – đó chỉ là do thiếu hụt cảm giác được yêu thương mà thôi.

Qua quá trình quan sát lâu dài những đứa trẻ này và tự mình đánh giá, tôi phát hiện ra một điều, những bậc cha mẹ thời xưa dù không làm được nhiều điều như các bậc cha mẹ thời hiện đại, nhưng tình yêu thương mà con cái họ có thể cảm nhận được lại nhiều hơn con cái của các bậc cha mẹ hiện đại. Những đứa trẻ phải tiếp nhận cải tạo tâm lý, chưa chắc đều đến từ những gia đình không hoàn chỉnh. Cũng có những gia đình đầy đủ toàn vẹn, cha mẹ đều quan tâm săn sóc, nhưng con cái lại ngỗ ngược và không hiểu chuyện một cách dị thường, nguyên nhân nằm ở đâu? Trong quá trình trưởng thành cùng con cái, cha mẹ đã cung cấp được những kinh nghiệm gì cho chúng? Là “yêu”, hay là sự “tổn thương”? Là “thất bại”, hay là “thành công”? Cha mẹ làm nhiều chưa chắc đã làm tốt, tổ chức gia đình không hoàn thiện, con cái chưa chắc đã thiếu hụt tình yêu và kinh nghiệm để thành công. Tôi có thể thoát ra khỏi những hạn chế của sinh mệnh, điều đó đến từ việc cha mẹ tôi có thể kịp thời nói đúng những lời cần nói, làm đúng những việc cần làm với tôi trong những thời khắc then chốt nhất.

Còn nhớ học kỳ hai năm lớp ba khai giảng chưa được bao lâu, trên đường tan học trở về nhà, tôi cùng lũ bạn luồn qua hàng rào trong rừng trúc, chui vào một vườn quýt. Quýt trong vườn đã bị thu hoạch hết, chỉ còn sót lại vài quả trên cây. Cậu bạn nói với cả bọn rằng, đây là vườn quả của họ hàng cậu ấy, quýt trên cây không cần nữa, mọi người có thể hái thoải mái. Ở miền quê thường như vậy, vì thế mọi người đều hí hửng tự chọn lấy cây quýt mà mình cho rằng ngon nhất, rồi hò hét ầm ĩ trèo lên thi nhau hái. Hái được chừng mười mấy phút, cặp sách đứa nào cũng đầy ắp quýt, quần áo cũng lột hết ra để làm bị, mỗi đứa đều được một bọc to. Thế nhưng đúng lúc cả lũ chuẩn bị rời đi, bỗng bị mấy người lớn từ dưới núi lao lên chặn ngang lối ra, không cho đi, sau đó tịch thu hết quýt mà chúng tôi hái được đổ vào sọt, lớn tiếng quát mắng chúng tôi là ăn trộm. Chúng tôi giải thích là bạn học bảo đây là những cây quýt mà họ hàng cậu ấy không cần nữa, mãi một lúc lâu sau mới biết rằng cậu bạn nói khoác, vườn cây của họ hàng cậu ấy cách đây một đoạn đường rất xa. Chúng tôi bị túm lấy cổ áo, lôi đi tìm bố mẹ của từng đứa một.

Cha mẹ dưới quê, sợ nhất là bị người khác mắng vốn, đặc biệt là khi con cái trộm cắp. Thông thường cách làm phổ biến nhất đó là trước mặt mọi người, cầm gậy tre đánh con một trận thật đau cho người khác nhìn. Nhưng cách xử lý của mẹ tôi lại hoàn toàn khác, mẹ tuyệt đối không bao giờ đánh tôi trước mặt mọi người, mà sẽ xin tạ lỗi với họ, sau đó chủ động bày tỏ thiện ý bồi thường, đợi đến chủ vườn đi rồi, mới gọi tôi đến hỏi cho kỹ càng. Lần thứ nhất, lần thứ hai mẹ đều tha thứ cho tôi, nhưng đến lần thứ ba nếu vẫn xảy ra tình trạng tương tự, mẹ sẽ hỏi tôi rằng, rốt cuộc là muốn làm thế nào mới có thể tránh phạm phải những chuyện như vậy nữa? Không những thế, mẹ sẽ hỏi tôi cho đến khi nào có được đáp án vừa lòng mới dừng lại.

Mặc dù chuyện đã xảy ra hơn 30 năm, nhưng trong ký ức, phương thức giáo dục đó vẫn ảnh hưởng đến tôi, thậm chí còn trực tiếp thay đổi phương thức cải huấn của tôi – “Vĩnh viễn phải nhìn về phía trước!

Làm thế nào để khiến bọn trẻ thu nhận được lợi ích từ những sự việc sai lầm, làm thế nào để những sự việc này có thể giúp ích cho chúng suốt đời!” Dù cho bọn trẻ đã làm những việc động trời đến mấy thì việc đó cũng khó có thể thay đổi được nữa, tại sao vẫn muốn để bản thân và lũ trẻ chịu tổn thương nhiều hơn nữa? Làm thế nào để qua những sự việc này, lũ trẻ có thể thu được lợi ích gấp đôi từ những gì đã mất đi? Làm thế nào để bọn trẻ vì sự việc đã xảy ra như vậy mà nhận được sự giáo huấn cả đời của mình, biết được trong tương lai nên làm thế nào mới là đúng? Cách mẹ xử lý mỗi khi tôi phạm phải lỗi chẳng những không để lại cho tôi những trải nghiệm không vui, mà còn mang đến cho tôi cơ hội học tập tốt nhất. Khi trở thành người làm cha, tôi thường nhắc nhở chính mình: con cái phạm phải lỗi gì không quan trọng, quan trọng là mình phải xử lý làm sao để cho con những kinh nghiệm có thể dùng được cả đời; con cái có thể sẽ phạm lỗi, không những vậy có thể phạm lỗi nhiều lần, mỗi lần phạm lỗi, đều nên lấy đó là một cơ hội để học tập.

Nhưng chúng ta cũng đừng mong đợi cảm xúc của cha mẹ lúc nào cũng ổn định, thái độ lúc nào cũng nhất trí, suy nghĩ không bao giờ thay đổi. Trong quá trình trưởng thành của tôi, cha mẹ cũng đã phạm phải vô số những sai sót. Ví dụ như về phương diện tương tác với người khác, cha mẹ tôi thiếu thói quen chủ động tìm hiểu suy nghĩ và cảm nhận của người khác, dẫn đến trong chặng đường trưởng thành của tôi, khó tránh khỏi nhiều phen hiểu lầm, trách sai hay oan ức.

Cha mẹ mang theo sự chủ quan và thiên vị (những kinh nghiệm quá khứ) khi đối diện với những đứa trẻ khác nhau. Ông trời đã cho tôi sinh ra trong một gia đình trọng nam khinh nữ, lúc ra đời thì điều kiện không đủ, ngày sau thì sinh bệnh cần được chăm sóc, cha mẹ đã cho tôi sự khoan dung tối đa và chờ đợi tôi trưởng thành, và tôi cũng thường được âm thầm hưởng thụ những món quà bất ngờ mà các anh chị em của tôi không có được. Thi thoảng tôi cũng hay đặt mình vào suy nghĩ của anh chị, tôi là một đứa bé luôn được nuông chiều coi trọng, còn trong quá trình trưởng thành của các anh chị, chắc chắn đôi lúc sẽ có cảm giác thiếu hụt. Nhưng tố chất đặc biệt của một người được dần dần tích lũy và hình thành trong khi cha mẹ không hề hay biết. Nếu chúng ta có thể đi sâu tìm hiểu những ảnh hưởng của cha mẹ đối với mình trong cuộc đời, hiểu được rằng rất nhiều những điều ta có và nhận được chưa chắc đã là xứng đáng, và từ đó thầm thấy biết ơn, vậy thì rất nhiều những cảm giác tiếc nuối hay không trọn vẹn cũng chưa chắc đã là mất mát.

Trong hành trình cuộc sống tôi luôn cảm thấy mình thật “may mắn”, cha mẹ, anh chị em cho tôi tất cả những sự quan tâm chăm sóc vô bờ của họ. Nếu như khi tốt nghiệp tiểu học, tôi liền đi làm thợ học việc; nếu như tuổi trung học tôi thiếu mất quãng thời gian giày vò và lạc lối; nếu như khi học hướng nghiệp tôi không có cơ hội để thành công; nếu như lần thứ năm thi đại học tôi lại thất bại; nếu như khoảng thời gian đại học tôi không có duyên gặp được nhiều vị ân sư đến vậy, thì giờ đây tôi đang ở đâu? Cuộc đời là một chuỗi may mắn tựa như những mắt xích nối tiếp nhau, với thân phận là một công chức như hiện tại, tôi thật may mắn biết nhường nào! Công việc cũng là học tập, quãng thời gian rảnh rỗi ngoài công việc có cơ hội để xuất bản sách, diễn giảng, chủ trì khóa học, thậm chí được mời đi diễn giảng ở nước ngoài, tất thảy những điều đó làm phong phú thêm cuộc sống của tôi, và cũng mở rộng tầm mắt của tôi.

Kỳ thực tôi thường nghĩ, trong cuộc đời dù cho lựa chọn của chúng ta là gì, đó đều là sự may mắn. Kể cả nếu tôi chỉ có bằng tiểu học, tôi cũng sẽ tự mở ra con đường trong công việc và cuộc sống của riêng mình.

Nhưng do có thể tự cảm thấy may mắn và trân trọng tất cả, luôn cảm ơn và biết đủ, bất kỳ nhân duyên nào trong cuộc sống tôi đều cảm thấy vậy là đã đủ, những gì còn lại đều là lãi thêm, và càng cần phải cảm ơn hơn nữa vì tất cả! Suy nghĩ này của tôi vốn được thừa hưởng từ cha, cũng là tài sản hữu dụng nhất mà cả cuộc đời gian truân của mình, cha đã trao lại cho tôi! Trước đây, cha tôi sớm đắc chí, sau thất bại bị ép phải ly hương, tâm nguyện lớn nhất cả cuộc đời ông là được vinh quy bái tổ, đường đường chính chính trở về với tư cách của một người thành đạt. Từ thợ mỏ, tổ trưởng, phấn đấu lên làm kỹ sư trưởng, từ một cán bộ cơ sở nỗ lực trở thành tổng giám đốc một công ty, nuôi nấng dưỡng dục sáu người con trưởng thành, ai cũng có gia đình mỹ mãn của riêng mình, vậy có thể nói rằng cha đã thực sự thành công! Nhưng cho tới tận trước lúc nhắm mắt, trong lòng cha vẫn ôm một nỗi niềm chưa được hoàn thành. Cha chưa bao giờ cảm thấy mình từng trải qua thành công, vì vậy, mấy lần trở về cố hương Bình Khê tảo mộ, cha đều có ý tránh gặp mặt những người quen cũ. Sinh thời cha từng hướng tới vinh quang đến vậy, nỗ lực cả đời để mong chờ một ngày nào đó, khi bằng hữu cũ hoặc người thân gặp và nhìn thấy thành tựu của mình, họ sẽ lộ ra vẻ mặt kinh ngạc xen lẫn ngưỡng mộ nhưng dường như cha vẫn cảm thấy chưa được thỏa nguyện, cùng lắm cũng chỉ nhận được một lời đánh giá “cũng tốt đấy” mà thôi. Chặng đường trưởng thành có cha dìu bước, nhìn thấy nỗi cô đơn, lạc lõng, u sầu không thoát ra được trong tim ông, vẻ ngoài đạo mạo khôn ngoan, biết nhìn xa trông rộng, nhưng lại ôm một nỗi tiếc nuối vì tráng chí bất thành, tâm nguyện bất đạt. Tôi từng chịu ảnh hưởng sâu sắc từ cha, và cũng từng nỗ lực để thực hiện nguyện vọng vì cha, trở thành một người được xã hội công nhận, được mọi người cho rằng đã thành công, hy vọng cha có thể cảm thấy thỏa nguyện một chút khi nhìn thấy thành tựu của con cái mình.

Cho tới sau khi cha lìa xa cõi đời, tôi mới tỉnh ngộ ra rằng, rốt cuộc mình đang nỗ lực vì điều gì? Và những gì mình muốn đạt được thông qua sự nỗ lực đó, chẳng qua chỉ là muốn báo đáp cho cha, trở thành một đứa trẻ thành công trong mắt cha mà thôi! Đây là điều không cần thiết, cũng giống như việc cha chẳng cần phải nỗ lực công thành danh toại chỉ để vinh quy bái tổ. Ai thực sự để tâm đến việc cha làm như vậy? Tôi vứt bỏ những mục tiêu trước đây của mình, xác định rõ sự mong đợi của bản thân là “Cố gắng tận hưởng tất cả những gì thuộc về hiện tại!” Tôi biết ơn những nhân duyên và may mắn của chính mình, tôi cảm ơn từng điều đã gặp phải trong cuộc sống!

Nhìn thấy chính mình:

Cha mẹ của mỗi người đều không phải thập toàn thập mỹ. Khi trở thành một bậc phụ huynh, chúng ta mới có thể hiểu một cách sâu sắc rằng, làm cha mẹ là cả một quá trình học tập, và đặt xuống tất cả những mong đợi quá cao đối với cha mẹ trong quá khứ. Mỗi bậc cha mẹ đều nguyện nỗ lực để làm một người biết cho đi tình yêu thương của mình, nhưng dường như phần lớn các bậc làm cha làm mẹ lại đều làm quá nhiều những việc tương tự như “tình yêu thương”. Vậy mà con cái lại không thấu hiểu được dụng tâm và sự nỗ lực của cha mẹ, nên chúng không nhận được món quà mang tên “tình yêu thương” này! Khi chúng ta có thể hiểu được rằng “yêu” và “được yêu” không phải là một chuyện dễ dàng, không mong chờ quá nhiều thứ đối với người thân hoặc một nửa của mình, tình yêu thương sẽ âm thầm bước đến một cách thần kỳ.

Nếu đánh giá những việc làm của con cái chúng ta trong một ngày, phân biệt ra những việc làm nào là “mang” tình yêu thương, những việc nào là “không mang” tình yêu thương, chúng ta sẽ phát hiện ra, tình yêu thương thường xuyên không xuất hiện. Tôi không hiểu, cũng không biết làm thế nào để yêu thương cha, mẹ, vợ, con của mình, tôi luôn tập luyện để trở thành. một người biết yêu thương. Biết rằng bản thân là một người không biết “yêu thương”, chúng ta sẽ có những phát hiện kỳ lạ, chúng ta sẽ thấy rằng những nhân duyên và gặp gỡ trong cuộc đời đều không phải là điều hiển nhiên phải nhận được. Sự khiêm nhường, mỉm cười của người qua đường, sự chào đón của người phục vụ cửa hàng, những cuộc gặp gỡ tưởng như rất đỗi bình thường, đều có thể sưởi ấm trái tim ta. Sự quan tâm và những nỗ lực mà cha mẹ từng làm sẽ khiến chúng ta cảm động sâu sắc, mỗi người đều có được vô vàn “tình yêu thương”, chỉ là chúng ta chưa có một trái tim để cảm nhận tình yêu thương mà thôi.

Cảm ơn tất cả! Cảm ơn cha mẹ! Người có trái tim yêu thương, sẽ có được hơi ấm của toàn thế giới!

Người có trái tim yêu thương, mỗi thời khắc đều sẽ là lời chúc, niềm vui và cảm ơn!

Người có trái tim yêu thương, những sự theo đuổi, cướp đoạt trong cuộc đời sẽ ngừng lại để bắt đầu hưởng thụ tất cả!

Người có trái tim yêu thương, sinh mệnh cũng chính là lời chúc!


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.