Bí mật tư duy triệu phú

Quy Tắc Thịnh Vượng số 28:



Người giàu tin rằng: “Bạn có thể vừa có chiếc bánh ngọt, lại vừa được ăn chiếc bánh đó”.

 Người trung lưu nói: “Bánh ngọt quá đắt, nên tôi sẽ chỉ có một miếng nhỏ thôi”.

 Người nghèo không tin rằng họ xứng đáng có một chiếc bánh ngọt, nên họ gọi món bánh rán rỗng ruột rồi cứ nhìn vào lỗ thủng đó mà thắc mắc tại sao họ “không có gì”.

 Tôi hỏi bạn, bạn có “chiếc bánh” để làm gì nếu bạn không ăn được? Vậy bạn định làm gì với nó? Đặt lên bàn và ngồi ngắm suốt buổi tối chăng? Bánh ngọt là để ăn và thưởng thức cơ mà.

 Kiểu suy nghĩ quanh quẩn “chọn cái này hay cái kia” luôn tồn tại trong đầu óc những người tin rằng: “Nếu tôi có nhiều hơn, thì một người nào đó sẽ có ít đi”. Suy nghĩ này không là gì khác ngoài nỗi lo lắng và bản năng tự vệ hình thành trong tâm trí. Thật phi lý khi bạn cho rằng do người giàu trên thế giới tích cóp tất cả tiền bạc nên không còn gì để lại cho những người khác.

 Một chi tiết mà những người có niềm tin sai lệch này không nhận ra là đồng tiền có thể quay vòng để tạo ra giá trị cho tất cả mọi người. Tôi dẫn ra đây một ví dụ thường được sử dụng trong các buổi hội thảo của chúng tôi. Tôi yêu cầu năm người bước lên bục và cầm theo một vật g. đó. Tôi bảo họ đứng thành vòng tròn rồi tôi đưa cho người đầu tiên một tờ 5 đô-la và yêu cầu họ dùng số tiền đó để mua thứ mà người thứ hai mang theo. Giả sử đó là cây bút. Giờ người thứ hai đã có 5 đô-la và anh ta lại dùng 5 đô-la này để mua, một bản hồ sơ chẳng hạn, từ người thứ ba. Theo cách đó, đồng 5 đô-la cứ thế chuyền đi cho đến khi qua hết cả năm người. Tờ 5 đô-la được sử dụng để mang lại giá trị cho những người có nó, nghĩa là 5 đô-la khi qua tay năm người khác nhau sẽ tạo ra giá trị 5 đô-la cho mỗi người, hay tổng giá trị 25 đô-la cho cả nhóm. Đồng 5 đô-la đó không mất đi mà chỉ luân chuyển để tạo ra giá trị cho tất cả mọi người.

 Những bài học rút ra ở đây rất rõ ràng. Thứ nhất, tiền không bị mất đi; với cùng một số tiền, bạn có thể sử dụng nhiều lần từ năm này qua năm khác và tạo ra giá trị cho hàng nghìn người. Thứ hai, bạn càng có nhiều tiền thì bạn càng đưa nhiều tiền vào lưu thông, sau đó những người khác càng có nhiều tiền hơn để sử dụng số tiền đó trong việc mua bán và thu được giá trị lớn hơn.

 Điều đó hoàn toàn đối lập với suy nghĩ “chọn một trong hai”. Ngược lại, khi bạn có tiền và sử dụng đồng tiền đó, cả bạn và người mà bạn đưa tiền sẽ đều tạo ra giá trị. Nói cách khác, nếu bạn lo lắng về người khác và về phần giá trị mà họ sẽ được nhận (nếu có phần đó), hãy làm tất cả những gì cần thiết để trở nên giàu có. Khi đó, bạn có thể phát tán tiền ra khắp xung quanh.

 Tôi nhắc lại rằng bạn có thể vừa là một người tốt bụng, biết yêu thương, quan tâm đến mọi người, hào phóng, có tâm hồn trong sáng, vừa là một người giàu thật sự. Tôi thật lòng khuyên bạn hãy xua đi cái ý nghĩ hoang đường rằng dù dưới bất kỳ hình thức nào thì tiền bạc cũng là thứ tệ hại, hay bạn sẽ bớt “tốt bụng” hơn hay ít “trong sạch” hơn nếu bạn giàu có. Niềm tin này tuyệt đối như món xúc xích  (nếu bạn đã mệt mỏi với từ vớ vẩn), và nếu bạn cứ tiếp tục ăn thì bạn sẽ không chỉ béo phì, mà bạn sẽ vừa bị béo phì, vừa túng quẫn.

 Thưa các bạn, việc là người tốt bụng, hào phóng và biết yêu thương không có mối liên hệ nào với những thứ có hoặc không có trong ví bạn, mà lại có quan hệ mật thiết với những thứ nằm trong đầu bạn. Việc bạn là người trong sạch và có tâm hồn cũng không hề cân dự đến số dư trong tài khoản ngân hàng của bạn mà lại bắt nguồn từ những thứ chất chứa trong tâm hồn bạn. Cách nghĩ rằng tiền bạc biến đổi tính cách, khiến bạn trở thành người tốt hay xấu là cách nghĩ “một Trong hai”, là thứ “rác rưởi được lập trình” và không hề hỗ trợ cho hạnh phúc và thành công của bạn.

 Điều đó cũng không giúp ích gì cho những người xung quanh bạn, đặc biệt là đối với trẻ em. Nếu bạn vẫn bảo vệ quan điểm cứng rắn đó và chọn cách trở thành một người tốt, hãy “tốt vừa đủ” để khỏi đầu độc thế hệ sau bằng thứ niềm tin làm suy yếu bản thân, thứ niềm tin mà bạn có thể đã vô tình tiếp nhận từ cha mẹ mình.

 Nếu bạn thật sự không muốn tự nhốt mình trong một cuộc sống chỉ có các giới hạn, thì dù ở hoàn cảnh nào bạn cũng nên nhanh chóng thoát khỏi lối thỏa mãn của tư duy “chỉ một trong hai” và quyết tâm để có “cả hai”.

 TUYÊN BỐ: Bạn hãy đặt tay lên ngực và nói… “Tôi luôn suy nghĩ ‘‘cả hai’’!”  

 NHỮNG HÀNH ĐỘNG CỦA TƯ DUY TRIỆU PHÚ

 1. Hãy tập suy nghĩ và sáng tạo ra những phương cách để có “cả hai”. Bất cứ khi nào bạn phải lựa chọn giữa hai khả năng, hãy hỏi bản thân: “Làm thế nào để có cả hai?”.

 2. Hãy nhận thức rằng tiền bạc luân chuyển sẽ làm tăng giá trị cho cuộc sống của tất cả mọi người. Mỗi khi bạn tiêu tiền, hãy tự nói với mình: “Số tiền này sẽ qua tay hàng trăm người và tạo ra giá trị cho tất cả những người đó”.

 3. Hãy nghĩ về bản thân như một mẫu người tốt bụng, hào phóng, biết yêu thương mọi người, và giàu có!


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.