Bí mật tư duy triệu phú

Quy Tắc Thịnh Vượng số 4:



Suy nghĩ sinh ra Cảm xúc, Cảm xúc đưa đến Hành động, Hành động tạo ra Kết quả.

 Kế hoạch tài chính trong tâm thức bạn là sự kết hợp giữa suy nghĩ, cảm xúc và hành động của bạn trong lĩnh vực tiền bạc.

 Vậy Kế hoạch tài chính trong tâm thức bạn hình thành như thế nào? Câu trả lời rất đơn giản. Kế hoạch tài chính trong tâm thức của bạn bao gồm chủ yếu là những thông tin và lập trình bạn nhận được trong quá khứ, đặc biệt là ở thời thơ ấu.

 Những ai là nguồn gốc đưa đến sự lập trình này? Đối với hầu hết chúng ta, danh sách đó bao gồm cha mẹ, anh chị em, bạn bè, thầy cô giáo, những nhân vật có quyền lực trong xã hội, các lãnh đạo tôn giáo, những phương tiện thông tin đại chúng, và cả nền văn hoá của bạn nữa. Đó chỉ là một vài tên trong danh sách.

 Hãy bàn một chút về khía cạnh văn hoá. Mỗi nền văn hoá có một cách suy nghĩ và tiếp cận khác nhau về vấn đề tiền bạc. Bạn có nghĩ một đứa trẻ vừa sinh ra đã có sẵn thái độ và cảm nhận về tiền? Hay đứa trẻ đó được dạy cách xử lý tiền bạc trong quá trình trưởng thành? Chắc chắn là mọi đứa trẻ đều được dạy cách tư duy và hành động liên quan đến tiền bạc.

 Điều ấy là có thật với bạn, với tôi, với tất cả mọi người. Ngày từ khi còn nhỏ, chúng ta đã được dạy cách suy nghĩ và hành động đối với những vấn đề liên quan đến tiền. Những lời chỉ dạy đó dần trở thành phản xạ vô điều kiện và điều khiển bạn suốt cả cuộc đời. Tất nhiên, trừ khi bạn chủ động can thiệp và điều chỉnh các “hồ sơ tài chính” trong trí óc mình. Đây chính là những gì mà chúng ta sẽ thực hiện trong cuốn sách này, việc chúng tôi làm với hàng nghìn người mỗi năm, với cấp độ sâu hơn và mức độ bền vững hơn tại các khoá học Tư Duy Triệu Phú.

 Như đã đề cập ở trên rằng suy nghĩ quyết định cảm xúc, cảm xúc đưa đến hành động và hành động tạo ra kết quả. Thế nên ở đây nảy ra một câu hỏi khá thú vị: Suy nghĩ của bạn xuất phát từ đâu? Tại sao bạn lại suy nghĩ khác người ngồi ngày bên cạnh bạn?

 Suy nghĩ của bạn bắt nguồn từ “hồ sơ thông tin” bạn có trong những ngăn lưu trữ của trí não bạn. Vậy những thông tin này đến từ đâu? Thông tin này xuất phát từ những lập trình của bạn đã được định hình trong quá khứ. Đúng thế, những khuôn mẫu quá khứ quyết định từng suy nghĩ lóe lên trong trí óc bạn. Do đó, nó thường được nhắc đến như là những suy nghĩ có điều kiện.

 Để thể hiện điều này, chúng ta có thể bổ sung “Quá trình Hiển hiện” trên như sau:

 P —> T —> F —> A —> R

 Thế giới quan Trong quá khứ —> Suy nghĩ —> Cảm xúc —> Hành động —> Kết quả

 (Programming —> Thoughts —> Feelings —> Actions —> Results)

 Thế giới quan trong quá khứ của bạn sẽ dẫn đến suy nghĩ, suy nghĩ dẫn dến cảm xúc, cảm xúc dẫn đến hành động, và hành động dẫn đến kết quả.

 Vì vậy, giống như bạn có thể làm với máy tính cá nhân: nếu bạn thay đổi nội dung chương trình đã lập sẵn thì bạn đã tạo một bước tiến quan trọng để thay đổi kết quả của mình.

 Thế giới quan của chúng ta được tạo ra như thế nào? Cách thức tư duy của chúng ta về mọi lĩnh vực trong cuộc sống, kể cả về tiền bạc, được định hình một cách áp đặt trong quá khứ theo ba cách chính sau đây:

 Thông qua lời nói: Bạn đã nghe được những gì khi còn nhỏ?

 Làm theo khuôn mẫu: Bạn đã nhìn thấy những gì khi còn nhỏ?

 Sự kiện cá nhân cụ thể: Bạn đã trải nghiệm những gì khi còn nhỏ?

 Hiểu rõ ba yếu tố khuôn mẫu định hình cách tư duy trên là điều vô cùng quan trọng, vì thế bạn hãy dành thời gian để suy nghĩ và nghiên cứu chúng thật tỉ mỉ, chi tiết. Trong Phần I của cuốn sách này, bạn sẽ tìm hiểu các yếu tố định hình cách tư duy của mình để vươn đến sự giàu có và thành công.

 Yếu tố định hình suy nghĩ thứ nhất: Lời nói

 Trước tiên, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về quá trình định hình cách suy nghĩ thông qua những điều ta đã nghe thấy. Từ nhỏ đến khi trưởng thành, bạn đã nghe thấy những gì về tiền bạc, sự sung túc và những người giàu có?

 Có phải bạn đã từng nghe những câu như:

 • Tiền bạc là nguồn gốc của mọi tội lỗi;

 • Hãy dành dụm phòng khi túng thiếu;

 • Người giàu rất tham lam;

 • Người giàu hay phạm pháp;

 • Giàu là tội lỗi;

 • Phải làm việc cực nhọc mới có tiền;

 • Tiền không phải từ trên trời rơi xuống;

 • Bạn không thể vừa giàu vừa có lý tưởng;

 • Tiền không thể mua được hạnh phúc;

 • Người có tiền nói gì cũng được;

 • Tiền của không bao giờ là đủ;

 • Người giàu sẽ càng giàu và người nghèo ngày càng nghèo;

 • Điều đó không dành cho chúng ta;

 • Không phải ai cũng giàu được;

 • Không bao giờ đủ;

 • Và câu đáng ghét nhất là: Chúng ta không có đủ tiền mua nó!

 Trong gia đình tôi ngày trước, mỗi khi tôi hỏi xin tiền cha tôi, ông đều hét toáng lên: “Thân tao làm bằng tiền chắc?”. Tôi đùa lại: “Con ước là như vậy. Còn sẽ lấy một cánh tay, một bàn tay thôi, thậm chí là một ngón tay thôi”. Những lúc như vậy, ông không bao giờ cười lấy một lần. Khúc mắc chính là ở chỗ này. Tất cả những câu nói liên quan đến tiền bạc mà bạn nghe từ khi còn nhỏ vẫn đọng lại trong tiềm thức của bạn, là một phần của kế hoạch tài chính trong tâm thức và chính là cái đang điều khiển cuộc sống tài chính của bạn.

 Những khuôn mẫu định hình cách suy nghĩ qua lời nói có sức mạnh cực kỳ lớn. Ví dụ, khi con trai tôi – Jesse – lên ba, nó chạy đến gặp tôi và hồ hởi nói: “Ba ơi, chúng ta đi xem phim Ninza Rùa đi. Ở ngay gần nhà ta này”. Lúc đó tôi không thể lý giải vì sao một đứa trẻ mới lẫm chẫm tập đi lại có thể hiểu về địa lý đến mức biết rằng bộ phim kia đang được chiếu gần nhà. Một vài giờ sau, tôi bắt gặp câu trả lời trong một mẩu quảng cáo về bộ phim ấy trên tivi:

 “Này bộ phim đã được chiếu ở một rạp gần nhà bạn”. Một ví dụ khác về sức mạnh của việc định hình suy nghĩ thông qua lời nói là vấn đề chi tiêu của Stephen, một Trong những người tham dự khoá học của tôi. Stephen không có khó khăn trong việc kiếm tiền, nhưng luôn khó khăn trong việc giữ tiền.

 Vào thời điểm tham dự khoá học, mỗi năm Stephen kiếm được hơn 800.000 đô-la và đã có thu nhập như thế chín năm liền. Thế nhưng anh cứ phung phí, cho mượn hoặc mất, hoặc đầu tư sai lầm hết. Cho dù vì lý do nào thì kết quả cũng là tài sản của anh ta có được rất ít, chính xác là zero!

 Stephen nhớ lại lúc anh còn nhỏ, lúc nào mẹ anh cũng bảo: “Những người giàu rất tham lam. Người giàu luôn kiếm tiền trên mồ hôi nước mắt của người nghèo. Con chỉ nên kiếm đủ tiền thôi, chứ nếu nhiều tiền hơn thì còn cũng sẽ trở thành đồ lợn như họ thôi”.

 Không cần phải là nhà thông thái để nhận ra chuyện g. đã xảy ra trong tiềm thức của Stephen. Không ngạc nhiên rằng anh luôn là người rỗng túi. Anh đã được định hình suy nghĩ thông qua niềm tin của bà mẹ rằng người giàu rất tham lam. Vì thế, trí óc Stephen đã kết nối người giàu với sự tham lam, tức là với cái xấu. Vì không muốn là người xấu, tiềm thức của anh đã không muốn mình là người giàu.

 Stephen rất yêu mẹ và không muốn làm bà thất vọng. Thông thường, dựa trên những niềm tin của bà, nếu anh trở nên giàu có, bà sẽ không tán thành. Vì vậy, việc duy nhất anh có thể làm là tống khứ đi thật nhanh bất kỳ khoản tiền nào vượt mức “vừa đủ xài” để khỏi trở thành “đồ lợn” tham lam!

 Đến đây, có thể bạn nghĩ rằng nếu phải chọn giữa sự giàu có và được mẹ (hay bất kỳ người nào khác) tán thành thì đã số mọi người sẽ chọn sự giàu có. Nhưng thực tế khó có thể xảy ra chuyện đó! Trí óc còn người không hoạt động theo cách ấy. Chắc chắn giàu có sẽ là một sự lựa chọn hợp lý. Nhưng khi tiềm thức phải lựa chọn giữa một bên là những cảm xúc đã bám rễ sâu xa và một bên là tính hợp lý thì hầu như cảm xúc bao giờ cũng chiến thắng.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.