Bí mật tư duy triệu phú
TƯ DUY TRIỆU PHÚ SỐ 7
Người giàu kết giao với những người thành công và tích cực.
Người nghèo giao du với những người thất bại và tiêu cực.
Những người thành công coi những người thành công khác là động lực khích lệ để vươn lên. Họ xem những người thành đạt khác là tấm gương để học hỏi. Họ tự nhủ: “Nếu họ có thể làm được điều đó, hẳn tôi cũng có thể làm được”. Như tôi đã nói đến ở phần trên, bắt chước là một trong những cách học hỏi chủ yếu của còn người. Người giàu biết ơn những người đã thành công trước họ để giờ đây họ có được khuôn mẫu để bắt chước làm theo, giúp họ gặt hái thành công một cách dễ dàng hơn. Tại sao phải phát minh lại cái bánh xe chứ, một khi đã có sẵn những phương pháp thành công được kiểm chứng và đem lại hiệu quả tích cực với tất cả những người áp dụng? Như vậy, con đường ngắn và dễ đi nhất để tạo ra sự thịnh vượng là học hỏi cách người giàu – những bậc thầy trong việc điều khiển đồng tiền – chơi “cuộc chơi tiền bạc”. Mục tiêu là đơn giản làm theo các chiến lược bên trong và bên ngoài của họ. Điều đó sẽ chỉ có hiệu quả nếu bạn làm theo đúng các hành động và bắt chước thật chính xác cách suy nghĩ của họ. Khi đó, khả năng bạn nhận được các kết quả y như họ là rất cao. Đó là những gì tôi đã làm và cũng là những điều cuốn sách này đề cập đến.
Trái ngược với người giàu, khi nghe câu chuyện thành công của người khác, người nghèo thường phán xét, phê bình, chỉ trích, nhạo báng họ, và nói chung là tìm mọi cớ để kéo họ xuống ngãng mức với mình. Bao nhiêu người trong các bạn biết những người như thế? Bao nhiêu người trong các bạn biết những thành viên gia đình giống như thế? Câu hỏi đặt ra ở đây là làm sao bạn có thể học hỏi, hay được khích lệ từ những người mà bạn đánh giá thấp? Mỗi lần được giới thiệu với một người giàu có, tôi luôn cố gắng tạo ra cơ hội để ở gần họ. Tôi muốn trò chuyện với họ, tìm hiểu cách suy nghĩ của họ, trao đổi các mối quan hệ, và nếu cả hai có chung quan điểm về những điều gì khác nữa thì chúng tôi có thể trở thành bạn của nhau. Nếu bạn nghĩ tôi đã sai lầm khi thích kết thân với những người giàu hơn mình, vậy chẳng lẽ bạn muốn tôi chỉ làm bạn với những người túng quẫn thôi sao? Tôi không nghĩ thế! Như tôi đã nhắc ở trên, năng lượng có thể lan truyền từ người này sang người khác, và tôi không có ý định để bản thân mình bị cuốn vào vùng ảnh hưởng của “năng lượng túng quẫn”!
Gần đây, trong một buổi trả lời phỏng vấn trên đài của tôi, một phụ nữ đã gọi điện đến và đưa ra câu hỏi rất hay: “Tôi sẽ làm gì nếu tôi là người lạc quan và muốn vươn lên, nhưng chồng tôi lại là người an phận. Tôi có nên ly dị anh ấy không? Hay tôi nên thử làm anh ấy thay đổi? Mà cụ thể là sẽ phải thay đổi điều gì?”. Tôi từng nghe câu hỏi này cả trăm lần mỗi tuần khi tôi hướng dẫn các khoá học. Hầu như tất cả mọi người đều băn khoăn với cùng một câu hỏi: “Nếu những người thân của tôi không muốn vươn lên và thậm chí còn chế nhạo tôi về mong muốn thành công và giàu có của tôi thì tôi sẽ phải làm thế nào?”.
Và đây là câu trả lời của tôi dành cho người phụ nữ đã gọi điện, cho các học viên và cả cho bạn nữa.
Trước hết, đừng thử cố gắng thay đổi những người có thái độ tiêu cực hay bảo họ đến dự các lớp học. Đấy không phải là việc của bạn. Việc của bạn là sử dụng những gì học được để làm cho bản thân và cuộc sống của bạn trở nên tốt hơn. Hãy là người gương mẫu, hãy thành đạt, hãy hạnh phúc, và khi đó thì có thể, tôi nhấn mạnh từ có thể, họ sẽ nhìn thấy ánh sáng tỏa ra từ con người bạn và muốn có một chút ánh sáng ấy. Hãy nhớ rằng năng lượng vốn có khả năng làn truyền. Bóng tối sẽ bị ánh sáng xua tan. Việc của bạn đơn giản là hãy làm hết sức mình. Nếu họ hỏi bạn bí quyết, hãy nói cho họ nghe.
Thứ hai, bạn hãy ghi nhớ một quy tắc nữa mà chúng tôi dạy trong khoá Wizard Training về cách bày tỏ những điều bạn muốn, trong khi vẫn giữ được thái độ điềm tĩnh, tập trung và thành thản. Quy tắc đó là: “Mọi sự việc xảy ra đều có nguyên do của nó và nguyên do ấy hiện hữu là để hỗ trợ tôi”. Tất nhiên bạn sẽ rất khó khăn khi phải giữ vững tinh thần lạc quan tích cực và đầu óc tỉnh táo để đối phó với con người và hoàn cảnh tiêu cực xung quanh, nhưng đó là thử thách mà bạn phải vượt qua! Như thép được trui rèn trong lửa đỏ, nếu bạn có thể hành động đúng với giá trị còn người mình, trong khi những người khác nghi ngờ, thậm chí còn chỉ trích bạn, bạn sẽ càng trưởng thành cứng cáp và mạnh mẽ hơn.
Bạn hãy nhớ rằng: “Không điều gì có nghĩa, ngoại trừ cái ý nghĩa mà bạn đã gắn cho nó”. Trong Phần I cuốn sách, chúng ta cũng đã thảo luận việc chúng ta thường trở thành “bản sao” của cha mẹ mình, hay ngược lại – trở thành “tấm phim âm bản” của họ, tùy theo cách chúng ta nhìn nhận cách xử sự của họ trong cuộc sống. Từ bây giờ, tôi muốn bạn đánh giá lại những tính cách tiêu cực của người khác và xem đó như một lời cảnh báo, nhắc nhở bạn không nên như thế.
Họ càng tiêu cực thì bạn lại càng có nhiều lời nhắc nhở về kết quả tệ hại của lối sống tiêu cực. Tôi không khuyên bạn nói với họ điều đó. Bạn hãy cứ thực hiện chiến lược của mình và đừng chỉ trích còn người họ. Chỉ cần bạn lên tiếng phán xét, phê phán và hạ thấp họ vì tính cách hay việc làm của họ, thì rõ ràng bạn cũng không tốt đẹp gì hơn họ. Sự việc vốn đã tồi tệ sẽ càng nghiêm trọng nếu bạn không thể tiếp tục đối phó với thứ năng lượng tiêu cực của họ, khi năng lượng đó níu bạn xuống đến điểm mà bạn không thể vươn lên được. Lúc đó, bạn có thể sẽ phải đưa ra một số quyết định dũng cảm về việc bạn là ai và bạn muốn tương lai mình sẽ thế nào. Tôi không khuyên bạn có những hành động hấp tấp, nhưng tôi sẽ không chấp nhận sống cạnh một người tiêu cực luôn bác bỏ ước muốn học hỏi và vươn lên của tôi, dù là về mặt cá nhân, tinh thần hay tài chính. Tôi không chấp nhận điều đó bởi vì tôi quý trọng bản thân mình, cuộc đời mình, và tôi xứng đáng được hưởng hạnh phúc và thành đạt trong mức độ có thể. Tôi nhìn vấn đề thế này: Có hơn 6,3 tỷ người trên trái đất và tại sao tôi lại cứ phải cột mình vào một người tiêu cực? Hoặc họ “ngoi lên”, hoặc tôi đi tới!
Năng lượng là thứ có tính lây lan: hoặc bạn tác động đến người khác, hoặc bạn bị tiêm nhiễm từ họ. Nguyên tắc này vẫn đúng nếu bạn đảo ngược lại, nghĩa là những người khác sẽ tác động đến bạn hoặc tiêm nhiễm cho bạn. Cách suy nghĩ tiêu cực giống căn bệnh sởi trong tâm trí. Thay vì được ủng hộ, bạn lại bị chê bai; thay vì được thỏa mãn, bạn lại bị đánh đập; thay vì được khích lệ, bạn lại bị thất vọng ê chề. Vậy bạn có muốn ở gần những người như thế không?
Tôi chắc là bạn đã nghe câu “Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”. Bạn có biết là phần lớn mọi người có thu nhập kém hơn khoảng 20% so với mức trung bình của những người bạn thân nhất? Đó là lý do bạn nên nhìn kỹ xem mình đang kết giao với ai, từ đó lựa chọn cẩn thận người mà bạn sẽ dành phần lớn thời gian quý báu của mình để được ở bên cạnh.
Từ kinh nghiệm của tôi, người giàu không gia nhập các câu lạc bộ sang trọng, danh giá chỉ để chơi golf thôi đâu. Họ đến là để giao du với những người giàu có và thành đạt khác. Có câu nói rằng: “Vấn đề không phải là bạn hiểu biết những gì, mà là bạn quen biết những ai”. Theo tôi, bạn nên ghi nhớ kỹ điều đó. Tóm lại, “Nếu bạn muốn cất cánh bay cùng đại bàng, thì đừng bơi với lũ vịt!”. Tôi muốn nhấn mạnh rằng bạn chỉ nên kết giao với những người lạc quan, thành đạt, và điều quan trọng không kém nữa là hãy nhanh chóng tách mình ra khỏi những người có tư tưởng và hành vi tiêu cực.
Tôi cũng lưu ý rằng bạn phải tránh xa các tình huống có thể đầu độc bạn. Tôi thấy không có lý do gì để bản thân bị lây nhiễm năng lượng độc hại đó, chẳng hạn như cãi cọ, buôn chuyện, nói xấu sau lưng. Tôi cũng tính luôn việc xem ti-vi một cách thụ động, trừ khi bạn có thể biến hành động này thành một phần của kế hoạch thư giãn, thay vì chỉ coi đó là hình thức giải trí thông thường. Khi bật ti-vì, tôi thường xem các chương trình thể thao. Trước hết vì tôi thích xem những chuyên gia thành thạo, tinh thông trong một lĩnh vực nào đó, mà trong trường hợp này là chơi bóng, kế đến vì tôi thích theo dõi các cuộc phỏng vấn sau khi trận đấu kết thúc. Tôi muốn nghe cách suy nghĩ của các nhà vô địch, mà với tôi, bất kỳ ai làm nên kỳ tích trong các giải đấu lớn, dù ở bất kỳ môn thể thao nào, đều là một nhà vô địch. Những vận động viên đẳng cấp ấy đều đã đánh bại hàng nghìn người chơi khác mới đạt được kết quả như vậy. Điều đó khiến tôi thán phục. Tôi rất khoái thái độ của họ khi thắng cuộc: “Đây là một nỗ lực lớn của toàn đội. Chúng tôi đã thì đấu tốt, nhưng vẫn phải tiếp tục cố gắng. Chúng tôi muốn các bạn thấy rằng việc luyện tập chăm chỉ sẽ được đền đáp xứng đáng”. Tôi cũng rất ưng ý trước thái độ của họ mỗi khi thua cuộc: “Đây chỉ là một trận đấu. Chúng tôi sẽ trở lại. Chúng tôi sẽ quên trận đấu này và tập trung cho trận tiếp theo. Chúng tôi sẽ trở lại để nói với các bạn về những gì chúng tôi có thể làm tốt hơn, và sau đó sẽ làm tất cả để giành chiến thắng”.
Trong Thế vận hội Olympic 2004, Perdita Felicien – đương kim vô địch thế giới người Canada trong cự ly 100 mét vượt rào – có nhiều ưu thế để đoạt huy chương vàng. Trong vòng chung kết, cô bất chợt vấp phải tấm rào chắn đầu tiên và bị nga đau. Cô không thể hoàn tất cuộc đua. Những giọt nước mắt lăn dài trên má và cô cứ nằm đó khóc trong sự ngỡ ngàng, nuối tiếc. Cô đã chuẩn bị cho thời khắc này suốt 4 năm với mỗi tuần 7 ngày tập trong vòng 6 giờ liền không nghỉ. Sáng hôm sau, tôi bật ti-vi xem buổi họp báo của cô. Tiếc là tôi đã không thu băng lại chương trình đó. Tôi kinh ngạc khi nghe quan điểm của cô gái này. Cô nói: “Tôi không hiểu sao việc ấy lại xảy ra, nhưng thật sự nó đã xảy ra, và tôi sẽ tận dụng nó. Tôi sẽ chuyên tâm hơn nữa, luyện tập tích cực hơn nữa trong 4 năm tới. Ai biết được con đường phía trước của tôi sẽ ra sao nếu tôi giành chiến thắng ngày hôm qua? Có lẽ điều đó sẽ khiến ước muốn của tôi chùng xuống chăng? Tôi cũng không biết. Nhưng giờ đây tôi biết chắc rằng mình đang khao khát chiến thắng hơn bao giờ hết. Tôi sẽ trở lại đường chạy với một phong thái mạnh mẽ hơn nữa”. Khi nghe cô phát biểu, tôi chỉ có thể thốt lên một câu: “Tuyệt vời!”. Cũng như tôi, bạn có thể học hỏi được rất nhiều từ việc lắng nghe các nhà vô địch.
Người giàu làm bạn với những người chiến thắng. Người nghèo giao du với những kẻ thất bại. Tại sao? Vấn đề nằm ở cảm giác thoải mái. Người giàu thấy thoải mái khi ở cạnh những người thành công khác. Họ thấy hoàn toàn xứng đáng được như thế. Người nghèo thấy không thoải mái với những người “thành công quá đáng”.
Thường là họ sợ bị tẩy chay hoặc họ cảm thấy có vẻ như họ không thuộc về nhóm người đó. Để tự vệ, cái tôi của họ lại tìm đến sự phán xét và phê bình.
Nếu muốn trở nên giàu có, bạn phải thay đổi cách nghĩ từ bên trong để hoàn toàn tin rằng bạn cũng tốt đẹp và tài giỏi như những nhà triệu phú hay tỷ phú kia. Trong các buổi hội thảo, nhiều người đã khiến tôi giật cả mình khi hỏi liệu họ có thể sờ vào người tôi được không. Họ nói: “Tôi chưa bao giờ được chạm tay vào một triệu phú”. Tôi thường tỏ ra lịch sự và cười, nhưng tôi luôn nhủ thầm: “Tôi không tốt hơn và cũng không có gì khác bạn. Chỉ cần bạn bắt đầu hiểu ra điều đó, bạn sẽ không bao giờ túng quẫn nữa!”. Thưa các bạn, đây không phải chuyện “sờ vào” triệu phú, mà là chuyện quyết định rằng bạn là người tốt, có giá trị như họ, rồi hãy có hành động như thế. Lời khuyên tốt nhất của tôi là: nếu quả thật bạn muốn sờ vào một triệu phú, hãy trở thành một triệu phú!
Tôi hy vọng bạn nhận ra vấn đề. Thay vì chế nhạo người giàu, hãy bắt chước họ. Thay vì ngượng ngùng né tránh người giàu, hãy tìm hiểu họ. Thay vì nói: “Ôi, họ là những người đặc biệt”, hãy nói: “Nếu họ có thể làm được điều đó, hẳn tôi cũng có thể làm được”. Cuối cùng, nếu bạn muốn chạm tay vào một triệu phú, bạn có thể sờ chính mình!
TUYÊN BỐ: Bạn hãy đặt tay lên ngực và nói…
“Tôi học theo người giàu có và thành công!”
“Tôi kết giao với người giàu có và thành công!”
“Nếu họ có thể làm được điều đó, hẳn tôi cũng có thể làm được!”
Rồi bạn hãy đặt tay lên trán và nói…
NHỮNG HÀNH ĐỘNG CỦA TƯ DUY TRIỆU PHÚ
1. Hãy đến thư viện, hiệu sách, hay vào Internet và tìm đọc tiểu sử của một người giàu có và thành công nào đó. Andrew Carnegie, John D. Rockefeller, Mary Kay, Donald Trump, Warren Buffett, Jack Welch, Bill Gates, Ted Turner… là những tấm gương xuất sắc. Hãy dùng những câu chuyện ấy làm nguồn khích lệ, qua đó học hỏi các chiến lược thành công, và quan trọng nhất là để bắt chước cách suy nghĩ của họ.
2. Hãy tham gia một câu lạc bộ sang trọng nào đó, như tennis, golf, rèn luyện sức khỏe hay kinh doanh. Hãy hòa mình vào những người giàu trong môi trường giàu có. Hoặc nếu không có cách nào để tham gia một câu lạc bộ cao cấp, hãy đến uống trà hay cà phê ở khách sạn hạng nhất trong thành phố của bạn. Hãy cảm thấy thoải mái trong môi trường đó và quan sát những người xung quanh để thấy rằng họ không khác gì bạn cả.
3. Hãy xác định hoàn cảnh hay một cá nhân tiêu cực trong cuộc sống của bạn để tách mình ra khỏi hoàn cảnh hay cá nhân đó. Nếu đó là gia đình hay một thành viên trong gia đình bạn, hãy chọn cách ở bên họ ít hơn.
4. Hãy ngừng xem các chương trình ti-vi vô bổ và tránh xa các tin tức xấu.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.