Con Không Ngốc, Con Chỉ Thông Minh Theo Một Cách Khác

Con lợn bị chấn thương sọ não



Sau khi gia nhập băng “Hắc cẩu”, mỗi ngày tôi đều mong ngóng tiếng chuông tan học. Ngoài cơ sở bí mật ra, băng “Hắc cẩu” còn có một cơ sở khác đó là một góc của sân thể dục. Ở đó chất hàng đống nguyên vật liệu của các ngôi nhà cũ, trước đây tôi đã phát hiện ra mỗi lần tan học đều có một đám bạn ra đó tụ tập, chui lên chui xuống trong đống gỗ tạp, nhưng chẳng có cơ hội tìm hiểu xem rốt cục ở đó đang ẩn chứa bí mật gì. Thế nhưng giờ tôi đã là thành viên của băng “Hắc cẩu”, đương nhiên có thể thám hiểm “cơ sở bí mật” này. Mang theo tâm trạng sùng kính, tôi mò mẫm trèo lên đống vật liệu ngổn ngang, ở dưới là đống xà cột to, phía trên tràn ngập những tấm gỗ, miếng ván sắt lẫn giẻ rách. Sau khi trèo lên tôi mới phát hiện ra vì có một đống xà cột to gác chồng lên nhau, nên phía dưới lộ ra một khoảng trống đủ cho ba đến bốn người chui vào. Từ phía trong, chúng tôi có thể nhìn thấy bên ngoài qua những kẽ hở nhỏ xíu của những tấm ván, còn người ở ngoài thì không dễ phát hiện ra phía bên trong có người. Sau khi trốn vào, chỉ cần che phía trên bằng mấy miếng ván sắt và đống giẻ vụn, cả bọn có thể tự do tưởng tượng mình đang ở trong chiến hạm, xe tăng… rồi tự tạo ra những âm thanh khác nhau, thêm vào đó việc có thể lôi qua lôi lại những thanh xà càng mang lại nhiều liên tưởng.

Có một lần ra chơi, đám bạn không đến cơ sở bí mật, tôi một mình chui vào rồi thử ngồi lên đài chỉ huy mà bình thường chỉ có “Hắc cẩu” mới được ngồi, tự mình giả vờ hò hét, hết bắn pháo rồi bắn súng máy. Cứ một mình say sưa trong đó, tôi không hề phát hiện ra tại sao chẳng có đứa nào trong hội tìm đến chơi? Mãi đến khi chuông vào học vang lên, tôi mới một mình băng qua sân trường để trở về lớp. Thế nhưng vừa vào đến cửa, tôi phát hiện lớp học hoàn toàn trống vắng, cô giáo và các bạn đã biến đâu mất! Tôi hoang mang đi khắp các lớp, cũng chẳng còn bóng dáng ai, xung quanh chìm vào bầu không khí tĩnh lặng đến không ngờ. Tôi bắt đầu cảm thấy sợ hãi, mọi người biến đâu cả rồi? Liệu có phải bị quái thú hay người ngoài hành tinh bắt cóc không?

Đúng lúc tôi sắp sửa bật khóc, thầy giáo lớp bên cạnh bỗng nhìn thấy, hắng giọng gọi qua, trách tôi sao tôi không tham gia hoạt động của trường. Tôi thật sự không hiểu thầy đang nói gì, chỉ biết giương đôi mắt vô tội nhìn thầy, nhưng thầy vẫn nghiêm giọng thúc: “Mau đi đi!”, “Em còn đợi gì nữa!” Tôi vẫn chẳng biết phải đi đâu, đành đứng im tại trận nhìn thầy. Đâu ngờ thầy bắt đầu nổi quạu, quát lớn:

“Lư Tô Vỹ, em là lợn à! Không hiểu tiếng người à?”

Vừa nghe đến lợn, không hiểu sao trong đầu lại hiện ra hình ảnh tôi chơi đùa rồi cưỡi lên lưng lợn, tôi buột miệng đáp:

“Lợn rất hay mà thầy!”

Thầy giáo nghe thế càng tức tối, gầm lên chửi tôi:

“Hay cái đầu em ấy! Cô giáo lớp em bảo em ngu ban đầu tôi cũng chẳng tin, em đúng là còn ngu hơn lợn, một con lợn bị chấn thương sọ não!”

Tôi bị thầy làm cho sợ chết khiếp, đứng im không nhúc nhích, cũng chẳng dám hé răng thêm lời nào, trong lòng vừa tủi vừa sợ, đến nỗi tè cả ra quần, bật khóc tu tu, vừa khóc vừa nấc nghẹn: “Em biết con lợn, nhưng ý thầy nói là lợn đen, hay lợn trắng cơ ạ?!”

Chẳng ngờ thầy bỗng nhoẻn miệng cười, cũng không nổi cáu nữa, ngược lại còn cầm tay dắt tôi đi thay quần. Thay quần xong, thầy lại đứa tôi ra sườn núi bên ngoài trường xem đoàn nữ binh biểu diễn, đây cũng chính là nguyên nhân khiến thầy cô và các bạn biến mất. Thế nhưng, sau đó xảy ra chuyện gì tôi không nhớ rõ, chỉ nhớ là tôi nơm nớp sợ mất cái quần vừa thay ra, về nhà lại không biết giải thích thế nào với mẹ.

Bữa trưa, mỗi đứa chúng tôi được phát một cái bánh màn thầu kẹp trứng và một bát canh giá đỗ do các chú bộ đội nấu, rất tươi và ngon. Buổi chiều tham quan triển lãm ảnh, rồi lại được xem phim, cuối cùng còn được tham gia thi trả lời có thưởng. Tôi thấy mọi người giơ tay nên cũng giơ tay theo, cô bộ đội trẻ mặc quân phục gọi tôi, tôi cũng chẳng biết cô ấy đang hỏi điều gì, chỉ nhớ rằng cô cứ mớm lời cho tôi trả lời: chủ nghĩa “mấy” dân, cô còn giơ giơ ba ngón tay lên, các bạn đều đồng thanh nói “chủ nghĩa tam dân”, thế nhưng tôi vẫn chẳng biết trả lời thế nào!

Có tiếng ai đó giải thích với cô: “Cậu ấy ngu lắm!”

Còn có bạn bổ sung: “Cậu ấy là Lư Tô Vỹ! Do bị bệnh nên mới thành ngốc vậy đó cô!”

Tiếng mọi người tranh nhau nói ầm ĩ làm tôi hơi khó chịu, tôi thực sự chẳng để ý “ngốc” hay không “ngốc”, chỉ nhìn chăm chăm vào cái hộp bọc giấy đỏ trên tay cô giáo, tại sao không đưa cho tôi, mà lại đưa cho người khác!

Sau khi hoạt động kết thúc, chúng tôi lục tục trở về trường. Có bạn chạy đến bảo rằng chị hai đang đi tìm tôi. Chị hai đang đi học, sao lại đến tìm tôi được nhỉ? Tôi thấy mắt chị đỏ hoe, giọng nói cũng nghèn nghẹn, nhưng chẳng biết đã xảy ra chuyện gì. Sau này tôi mới biết hôm đó là buổi kiểm tra tháng, chị chỉ phải học nửa ngày nên nhân tiện qua đợi để đón tôi cùng về, vào trường thì gặp thầy giáo trước đây từng dạy chị, thầy kể chuyện ban sáng tôi tè ướt quần, nghe thầy kể, nước mắt chị hai cứ tự lăn dài trên má.

Từ sau khi chị hai bắt đầu học trung học, đã rất lâu tôi không được cùng chị cuốc bộ về nhà. Chị hai mỗi lần về đến nhà đều là lúc trời đã chuyển tối, mãi hôm nay tôi mới có cơ hội đi về cùng chị, lúc đầu còn tưởng sẽ rất thú vị. Nhưng dọc đường về, chị hai chẳng nói chẳng rằng, tôi cũng không biết trong đầu chị đang nghĩ gì, chỉ thấy chị vừa đi vừa nước mắt lưng tròng. Tôi hỏi dò thế nào chị cũng không chịu nói.

Về đến cửa nhà gặp cha, chị bèn kể tuốt những chuyện thầy giáo nói ở trường hồi chiều. Không ngờ cha chẳng hề tỏ ra tức giận, còn an ủi và bảo chị đừng buồn:

“Nếu em của con là lợn, nó cũng sẽ là con lợn thông minh nhất!”

Chị hai lại kể tiếp việc thầy giáo mắng tôi là con lợn bị chấn thương sọ não, chẳng ngờ cha vẫn cười ha hả, vỗ vỗ đầu chị hai nói: “Đừng lo lắng quá! Người khác bị chấn thương sọ não thì ngày càng ngốc, em con thì càng chấn thương, nó lại càng thông minh!” Nhờ tiếng cười sảng khoái của cha, chị hai cũng trút bỏ được sự lo lắng và xót thương trong lòng, từ từ nở một nụ cười nhẹ nhõm. Tôi đứng một bên, kỳ thực không hiểu hai người đang nói những gì, nhưng vẫn nhớ rõ từng lời cha nói:

“Vỹ rất thông minh, đã thế còn ngày càng thông minh đấy!” Trên con đường trưởng thành, mỗi lần vấp phải khó khăn trong học tập, lời nói đó của cha lại vang lên bên tai tôi. Khi tôi gần 40 tuổi, cha đột ngột qua đời vì một cơn đau tim. Trong đêm mưa mùa đông rét mướt, tôi lặng lẽ ngồi bên linh cữu, dường như vẫn nghe tiếng cười sảng khoái của cha vang vọng bên tai.

Từ trước đến nay tôi vẫn chưa hiểu được một chuyện, đó là phải chăng cha có một trí tuệ hơn người, có thể phát hiện ra những tiềm năng mà chẳng ai hay biết trong tôi? Hay chính lời tiên đoán của cha đã từng bước từng bước dẫn dắt tôi từ thiểu năng đi đến đại lộ của trí thông minh? Không cần biết thành tích của tôi yếu kém ra sao, người khác coi thường tôi như thế nào, qua biết bao tháng năm tôi vẫn không mảy may nghi ngờ lời khẳng định của cha:

“Vỹ rất thông minh, đã thế còn ngày càng thông minh đấy!”

Nhìn thấy chính mình:

Năm 35 tuổi tôi từng đọc tác phẩm Chìa khóa thành công của Napoleon Hill, trong đó có một đoạn nói rằng: “Chỉ cần bạn tin tưởng, bạn chắc chắn sẽ làm được!”, một đứa trẻ thiểu năng nhờ tin tưởng vào sự thông minh của mình mà trở nên ngày càng thông minh, đây là chuyện mà ít người có thể tin được, thế nhưng đến nay tôi vẫn hoàn toàn kiên định với niềm tin này!

“Bạn tin rằng mình như thế nào, bạn sẽ chính là như thế!”

Tôi luôn tin rằng mình là một người thông minh, có trí tuệ, vậy còn bạn? Tại sao lại không dám hay không chịu tin tưởng vào tài năng và trí tuệ của mình? Kể cả ngoài kia có vô số những kỹ năng và kiến thức mà tôi không học được và không hiểu được, nhưng điều đó chẳng thể làm lung lay niềm tin của tôi, hơn thế, quá trình trưởng thành của tôi cũng đã chứng minh:

“Bởi vì tôi tin tưởng nên tôi có thể làm được!”

Cho đến tận bây giờ, tôi không có điều gì phải hối tiếc. Hãy tin tưởng chính mình! Sự tin tưởng của bạn sẽ chính là ngọn đèn chiếu sáng cuộc đời, vĩnh viễn soi rọi con đường của bạn!

Luôn luôn tích cực, tin tưởng bản thân một cách kiên định!


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.