Con Không Ngốc, Con Chỉ Thông Minh Theo Một Cách Khác

Học lại lớp giáo dục đặc biệt



Năm lớp sáu sắp sửa trôi qua, khả năng đọc hiểu và nhận biết chữ, khả năng viết văn và biểu đạt của tôi cũng đã có chút tiến bộ, nhưng thành tích và học lực của các môn học khác vẫn chẳng mấy cải thiện. Cả năm trời cố gắng, chị cả dù cũng biết những khó khăn cố hữu mà tôi đang gặp phải, nhưng với học lực lúc đó, muốn tôi dần theo kịp bài vở là rất khó khăn. Chị bèn đưa tôi về Đại Khê bàn bạc cùng cha mẹ xem nên làm gì tiếp theo mới có thể hữu ích hơn với tôi.

Chị cả biết tin Phòng Giáo dục của tỉnh đang triển khai các lớp giáo dục đặc biệt dành cho học sinh trung học, ở huyện Đài Bắc vừa may có lớp khai giảng ở trường trung học Bản Kiều trên núi Hải Sơn. Cách nghĩ của chị cả là các năng lực cơ bản của tôi đều không hoàn thiện, sau khi lên lớp bảy sẽ còn gặp phải nhiều khó khăn hơn nữa, nếu như để tôi theo học lớp giáo dục đặc biệt thì có thể sẽ bù đắp được những kỹ năng cơ bản còn thiếu. Chị cả nói ra suy nghĩ của mình, cha cũng tán thành nên làm như vậy.

Mẹ thì lo rằng để tôi ở cùng một đám trẻ bị thiểu năng trí tuệ như vậy, liệu có càng học càng ngốc không? Về điều này, vì đã từng học môn giáo dục đặc thù trên trường đại học nên chị cả rất chắc chắn, chị nói rằng thông thường các lớp giáo dục đặc biệt có số lượng học sinh khá ít, ngoài ra khi lên lớp thường sẽ có hai giáo viên chuyên trách, họ sẽ căn cứ theo mức độ cá biệt của học sinh để dạy học, như vậy sẽ giúp ích được cho tôi. Nhưng bắt buộc phải học lại lớp sáu. Ngoài ra còn buộc phải vượt qua bài kiểm tra trắc nghiệm trí tuệ thì mới được nhận vào!

Dưới sự giải thích của chị cả, cha mẹ đồng ý cho tôi học lại lớp sáu. Mặc dù tôi chẳng có chút khái niệm nào về lớp giáo dục đặc biệt, nhưng nếu có thể cho mình thêm một chút thời gian để chuẩn bị cũng tốt.

Sau khi quyết định, chị cả lập tức làm thủ tục nhập học cho tôi.

Vì những bạn khác đều đã học qua lớp bồi dưỡng học sinh mới trong dịp nghỉ hè, còn tôi thì mãi đến gần ngày khai giảng mới đăng ký, vậy nên lúc đó chỉ mình tôi đơn độc ngồi làm bài trắc nghiệm trong phòng giáo vụ. Mấy ngày sau, chị cả nhận được thông báo nhập học của tôi, vậy là tôi chính thức được nhận vào lớp giáo dục đặc biệt.

Bởi vì đi học sớm, vừa may tôi được học cùng trường với người anh họ lớn hơn tôi vài ngày tuổi, anh ấy theo hệ mười tám lớp, còn tôi theo hệ một năm một lớp. Để tiện cho việc đi học, tôi tạm trú ở nhà chú dì. Theo học lớp đặc thù như thế này, do không có biển lớp hay được ngăn cách đặc biệt và lớp học cũng chẳng có gì khác so với lớp học bình thường nên cảm xúc cũng không có gì đặc biệt. Chỉ là mọi người có chút hiếu kỳ, sĩ số của lớp chúng tôi chỉ bằng một nửa so với lớp khác, đã vậy chúng tôi còn có hai giáo viên kèm cặp. Khi đó tất cả giáo trình giảng dạy cũng giống với lớp bình thường, tiến độ cũng giống nhau, chỉ là cảm thấy thầy cô giáo khá nhẫn nại và không yêu cầu thành tích ở chúng tôi. Học kỳ một dường như trải qua một cách rất vui vẻ, môn tiếng Anh chí ít tôi cũng đã nhớ được 26 chữ cái, rất nhiều bạn trong lớp vẫn còn chưa biết đọc bài văn, còn tôi thì đã biết rồi. Có một số bạn thậm chí còn không biết thầy giáo đã dạy đến đâu, so với những bạn này, tôi cảm thấy mình khá là xuất sắc! Thành tích thi cử dù có tiến bộ, nhưng nếu so sánh với ông anh họ đang học trong lớp trọng điểm, thì khoảng cách vẫn xa tít tắp.

Ở trong lớp học này, tôi càng trở nên cô đơn hơn, không dễ trò chuyện cùng các bạn, đã vậy còn rất dễ gây gổ đánh nhau. Có một lần hai bạn trong lớp thậm chí còn vác ghế đánh nhau, làm một đứa vỡ đầu máu chảy lênh láng trên sàn lớp học. Sau sự kiện lần đó, tổ trưởng quản lý gần như mỗi khi hết tiết đều đi tuần một lượt, những bạn nào phạm quy đều sẽ xử lý thật nghiêm khắc, thông thường sẽ dùng thước gỗ quật vào tay hoặc mông. Mỗi lần nghe thấy tiếng kêu và bộ dạng đau đớn của các bạn bị xử phạt, tôi đều cảm thấy vô cùng sợ hãi.

Giám thị trong trường khi đó dường như đều dùng phương thức “giết gà dọa khỉ” để xử lý lũ học sinh vi phạm kỷ luật, nhưng tôi thường nghĩ chỉ lỡ khạc một cái, vứt giấy lung tung, đi tất không giống màu nhau, liệu có cần nghiêm trọng đến vậy, liệu có nhất thiết phải trách phạt nặng nề như thế không? Thậm chí có một anh lớp trên mặc quần ống loe trong giờ chào cờ đã bị gọi lên cắt tan cái quần, lại còn bị quật mấy roi vào mông rất nặng. Đây là điều hiển nhiên khi đó, một việc đã trở nên quá quen thuộc. Sự quản giáo hung bạo như vậy so với các trường tiểu học vùng thôn quê còn cao hơn một trời một vực. Mỗi lần đi học tâm trạng đều nơm nớp lo sợ rằng mình sẽ trở thành vật hiến tế tiếp theo!

Trải qua một học kỳ trong lớp học đặc biệt này, ấn tượng của tôi về nó là: trật tự các lớp rất hỗn loạn, khi lên lớp, học sinh thường chạy nhảy lung tung. Các học sinh cũng rất hiếu chiến, ngang ngạnh không biết điều. Mỗi lần chị cả hỏi han tình hình học hành, tôi lại nói với chị rằng trên lớp thầy cô yêu cầu không cao, áp lực cũng ít, các giáo viên cũng khá chú trọng đến năng lực nhận biết chữ và đọc hiểu, nếu chữ nào không biết thầy cô cũng sẽ giải thích lại một cách kiên nhẫn, thực sự giúp ích không ít cho tôi về kỹ năng đọc hiểu. Còn các môn khác do ít được dạy, nên chắc sẽ tồn tại một khoảng cách lớn so với các lớp khác. Tôi bày tỏ cảm nghĩ của mình với chị cả rằng hình như tôi không nên học cùng lớp với những người này! Chị cả xem thành tích của tôi, mặc dù vẫn có một nửa số môn không đạt yêu cầu, nhưng đã có những tiến bộ rõ rệt, những môn không đạt yêu cầu cũng được khoảng 3040 điểm. Để nắm rõ tình hình của tôi hơn, chị cả còn chủ động đến thăm hai giáo viên chủ nhiệm lớp tôi, lắng nghe ý kiến và góp ý của họ. Mặc dù bài trắc nghiệm trí tuệ của tôi chỉ được 70 điểm (điều này tôi phát hiện ra trong hồ sơ học bạ sau khi chuyển trường), nhưng năng lực học tập tốt hơn các bạn khác, nếu như lưu lại lớp giáo dục đặc biệt, tiến độ chậm, phạm vi nhỏ, có lẽ sẽ bất lợi cho việc học tập. Chị cả cũng cảm thấy có lý nên trong lần phân lớp giữa giai đoạn học kỳ một và học kỳ hai, tôi được chuyển lên hệ lớp sáu thông thường. Không ngờ rằng với quyết định này, việc lên lớp lại tiếp tục trở thành nỗi giày vò đau khổ của tôi!

Khi đó trường căn cứ theo học lực để xếp lớp. Trường trung học Hải Sơn là ngôi trường có tỉ lệ lên lớp cực kỳ cao lúc bấy giờ. Trong hệ lớp sáu thông thường, điều khó thích nghi nhất chính là thi cử. Không đi thi sẽ không bị phạt nhưng sẽ bị ăn đòn, mà một ngày thông thường phải thi hai ba lượt, có khi tiết nào cũng phải làm bài thi. Tiếng Anh, Toán tôi bỏ mặc không học, ngoại trừ những môn Ngữ văn, Mỹ thuật, Thủ công, Thể dục là khiến tôi mong đợi, tất cả các môn khác đều có nghe nhưng không hiểu. Nhưng điểm tiến bộ là tôi đã có thể tự mình đọc được bảy mươi đến tám mươi phần trăm nội dung. Có điều đọc qua rồi lại quên sạch, mỗi lần thi cử nhìn thấy đề bài, tôi có cảm giác như mình chưa từng học qua bao giờ. Do ở nhà chú dì và thành tích học tập của anh họ rất tốt nên khi về nhà tôi chỉ sợ mọi người hỏi han tình hình học hành thế nào. Mấy lần thi tháng, cần phụ huynh học sinh ký tên đóng dấu, tôi thực sự không dám lấy bảng điểm của mình ra để chú dì xem. Điều khiến tôi cảm thấy bất an nhất, chính là thi cử! Thi cử!

Cũng may có một thời gian, tôi gặp được quý nhân trong cuộc đời mình – cô giáo Lâm Lê Trân. Cô dạy tôi môn Ngữ văn, môn học mà tôi thích nhất. Dưới sự chỉ bảo nhiệt tình của chị cả, tôi đã có thể miễn cưỡng viết được một bài văn. Có lẽ do có lần chị cả tặng tôi một tập thơ Vạn gia, cứ rảnh rỗi là tôi ngồi đọc, cho nên những bài văn của tôi khi đó đều từa tựa như viết thơ, đều là một câu bảy chữ hoặc năm chữ. Bây giờ khi đọc lại những bài văn này, chính bản thân tôi cũng chẳng hiểu ý mình muốn viết là gì! Có lẽ cô Lâm xuất phát từ lòng thương hại mà đặc biệt yêu thương và kiên nhẫn với tôi, sau này tôi mới biết con trai của cô cũng từng bị viêm não. Mỗi bài văn cô đều đưa ra lời phê rất cẩn thận, bình thường tôi viết một trang, cô sẽ viết tận hai ba trang lời phê, mà mỗi lần chấm cô đều cho tôi trên dưới 80 điểm. Điểm 80 đối với tôi thật hiếm có, thế nên văn tôi càng viết càng say mê. Cô thường đợi sau khi hết tiết học, bảo tôi cầm vở tập làm văn đi theo, trên đường trở về phòng làm việc, cô sẽ nói cho tôi biết cô nhìn thấy những ưu điểm và sở trường gì của tôi từ các góc độ khác nhau. Ngoại trừ chị cả, cô Lâm là người duy nhất thừa nhận và khích lệ tôi.

Trong sách văn khi đó có một bài văn của tác giả Châu Tự Thanh mang tên Vội vã, những đoạn văn trong đó đã làm tôi rung động sâu sắc: “Con người trần trụi mà đến, rồi cũng trần trụi mà đi, chúng ta không mang đến điều gì, thì cũng không mang được đi điều gì!” Khi đó tôi đang đối diện với nỗi thống khổ của những bài thi hàng ngày, nếu như lịch trình của cuộc sống là như vậy, chết sớm hay chết muộn có khác gì nhau cơ chứ? Tôi đem vấn đề này hỏi cô Lâm, cô nói rằng cuộc đời là một hành trình, cuộc đời mà Châu Tự Thanh miêu tả là cuộc đời hữu hình, trong những cuộc đời vô hình, bản thân hành trình của cuộc đời chính là quá trình học tập và trưởng thành. Khi đó, tôi không thể lý giải được những điều này, tôi chỉ cảm nhận thấy áp lực và nỗi đau, chỉ một mực muốn được giải thoát. Kỳ thực, nội tâm tôi không dám dũng cảm thừa nhận và đối diện, tôi muốn lùi bước và tháo chạy. Tôi không thể hiểu rằng dù hành trình cuộc đời có gặp phải những chuyện thế nào đi chăng nữa, nó đều mang những ý nghĩa và giá trị riêng.

Tiết Mỹ thuật của học kỳ hai năm lớp sáu là một niềm khích lệ khác đối với tôi. Thầy giáo là một giáo viên trẻ vừa tốt nghiệp Đại học Sư phạm, thầy không bao giờ dạy chúng tôi những gì có trong giáo trình mà muốn chúng tôi có thể phát huy hết trí tưởng tượng và sức sáng tạo của bản thân. Khi phải làm bài tập điêu khắc trên bánh xà phòng, tôi thực sự say mê, làm ra rất nhiều bức tượng điêu khắc khác nhau. Thầy đem tác phẩm của tôi bày trên bục giảng, khen ngợi năng khiếu nghệ thuật của tôi. Khi vẽ tranh, tôi thường thích vẽ tranh trừu tượng, mỗi lần vẽ tượng thạch cao đều không giống, thầy chẳng những không chỉ trích, mà còn tán dương bức tranh của tôi có nét hoang dã. Khi đó tôi rất yêu tiết Mỹ thuật, tiếc là mỗi tuần chỉ có một tiết. Trong cuộc đời của mình, tôi thường tự hỏi, nếu kiếp này có thể được làm những việc mà bản thân cảm thấy đam mê, tôi sẽ chọn điêu khắc và hội họa. Sự khích lệ của người thầy giáo này thực sự đã mang đến ảnh hưởng rất lớn đối với cuộc đời tôi!

Nhưng dù có thế nào, học kỳ hai năm lớp sáu so với học kỳ một vẫn là một khoảng thời gian dài đằng đẵng và đầy đau khổ. Do chịu sự ảnh hưởng của cô Lâm, tôi tìm đọc một số sách về đề tài Phật giáo. Tôi luôn có một câu hỏi rất lớn chất chứa trong lòng đối với hướng đi và mục đích trong cuộc đời: Tại sao cứ phải lãng phí cuộc đời để thi cử, học hành? Nếu như hiểu được rằng sinh mệnh quan trọng như vậy, tại sao không dùng toàn bộ sinh mệnh để nỗ lực cố gắng? Tôi bắt đầu có suy nghĩ xuất gia làm hòa thượng, một mình cặm cụi đạp xe từ Bản Kiều đến Thổ Thành, leo lên đỉnh núi Trường Thọ, ngọn núi tiếp giáp với Tam Hiệp. Khi ấy trời đổ mưa to, tôi một mình trú chân trong điếm nghỉ dưới màn mưa sấm chớp đì đùng, quan sát màn đối thoại của một vị sư phụ già và đồ đệ, trong lòng vẫn chẳng đủ dũng cảm để đi đến mở lời với vị sư phụ đó. Cứ như vậy đến khi mưa tạnh hẳn, người đồ đệ nọ đã đi mất, sư phụ cũng quay vào trong phòng nghỉ ngơi, tôi mới ôm theo câu hỏi của mình, xuống núi về nhà.

Bầu trời tuy đã hửng nắng và trong xanh tinh khôi, nhưng cả chặng đường đạp xe về nhà, màn sương mù trong lòng tôi lại càng dày đặc – Tôi thực sự không tìm ra lý do để chịu đựng nỗi đau khổ của việc thi cử và học hành!

Tôi vẫn phải tiếp tục hay sao?

Nhìn thấy chính mình:

Nhìn nhận lại một lần nữa khoảng thời gian này của cuộc đời, có một số nỗi đau cho đến nay vẫn âm ỉ trong tim, như bắt buộc phải thuộc trong khi bản thân chẳng tài nào thuộc được, không học được vẫn phải nỗ lực để học. Sự cố gắng trước nay chưa từng được lý giải, những gì người khác nhìn thấy chỉ là những điểm số lưu lại trên bài thi. Nhưng bây giờ nếu không thi cử nữa, thì cũng chẳng ai biết được tôi không biết thứ gì!

Giống như lời cô giáo Lâm Lê Trân từng nói: “Cuộc đời là một cuộc trải nghiệm, dù có gặp phải điều gì đi chăng nữa thì điều đó cũng đều có ý nghĩa và giá trị riêng!” Khi đó tôi rất cực đoan tẩy chay việc thi cử học hành, lựa chọn chạy trốn, không dám đối mặt với hiện thực nhưng lại không biết rằng bất cứ sự lựa chọn nào, hay những con đường phải đi nào cũng đều có một khoảng cách rất xa với những gì bản thân hằng mong đợi. Cuộc đời là một cuộc trải nghiệm, trước khi có một lựa chọn thích hợp hơn, tôi sẽ đặt nỗi giằng xé xuống, trân trọng hơn những trải nghiệm của quãng thời gian này, thưởng thức hương vị của nó.

Khi còn trẻ, tôi thường phản kháng, trốn tránh tất thảy những gì bản thân không thích. Đến khi không còn trẻ nữa, tôi mới chợt bừng tỉnh rằng, đằng sau những gì mình phản kháng và trốn tránh kia đang ẩn giấu những món quà mà tôi mong đợi!


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.