Con Không Ngốc, Con Chỉ Thông Minh Theo Một Cách Khác
Nhìn thấy thiên tài trong chính mình
Lên đến năm thứ hai, vốn tưởng rằng đã có thể giũ bỏ được nỗi sợ hãi và gánh nặng mang tên tiếng Anh, chuẩn bị phấn đấu học những lĩnh vực chuyên ngành của mình trong tương lai, ai ngờ vừa khai giảng chưa được bao lâu, tôi lại gặp phải một sự việc ngoài ý muốn.
Vị giáo sư dạy môn Trắc nghiệm tâm lý là giáo sư Mã Truyền Trấn, chủ nhiệm khoa chuyên ngành của chúng tôi. Khi học bài đầu tiên, thầy đã nói với cả lớp, khóa này của chúng ta có một bạn cần phải học tăng cường môn tiếng Anh hơn nữa, mặc dù không chỉ ra tên, nhưng mọi ánh mắt của các bạn đều có ý nhìn về phía tôi. Người thầy giáo mà tôi ngưỡng mộ từ lâu này đã khiến tôi toát mồ hôi lạnh ngay tại trận. Tôi thầm quyết tâm, phải dùng sự nỗ lực của mình để chứng minh rằng trình độ tiếng Anh của tôi không phải kém, mà chỉ tiến bộ chậm một chút mà thôi.
Thói quen dạy học của giáo sư Mã là trước khi lên lớp sẽ liệt ra một danh sách gồm 1020 quyển sách tham khảo. Khi đó, tôi có lẽ là sinh viên duy nhất đọc hết từng quyển một trong danh sách thầy đưa ra. Do hơn một nửa trong số đó là sách gốc toàn chữ tiếng Anh, nên rõ ràng tôi không có khả năng đọc hiểu hết được! Sau này tôi cũng mới hiểu ra rằng kể cả là sách gốc, chỉ cần đọc kỹ một lượt tên sách và mục lục, thì lợi ích thu lại cũng không hề nhỏ. Không hiểu tường tận nội dung, nhưng đọc để hiểu sơ qua cương yếu của nó, khi gặp phải chủ đề tương tự có thể biết ngay được quyển sách nào, của tác giả nào có sự kiến giải tương đồng với nó. Trong bốn năm đại học, bất luận thầy giáo đưa ra danh mục sách như thế nào, có bao nhiêu quyển, tôi đều sẽ tìm ra hết trong thư viện, kể cả khi chưa kịp mở sách, chỉ cần sờ bìa ngoài, chạm được vào cuốn sách nào đó cũng đã cảm thấy vô cùng say mê!
Nhưng phương thức học của môn “Trắc nghiệm tâm lý” này lại không như tưởng tượng của tôi. Thầy giáo cứ dạy được một đoạn lại sẽ phát một loại trắc nghiệm, chỉ riêng trắc nghiệm IQ mà đã phải làm mười mấy loại, sau đó tự mình đánh giá. Trong ấn tượng của tôi, thầy không mấy quan tâm đến kết quả, chỉ đại khái hỏi những ai được 150 trở lên thì giơ tay, không có ai, 140 là cậu bạn tốt nghiệp đầu tiên trong lớp, mấy bạn được 130, 120, 110, 100, 90, dưới 70 thì chắc không có đâu nhỉ! Tôi giơ tay! Thầy giáo trợn mắt một cái, hình như muốn nói với tôi rằng: “Lư Tô Vỹ! Em phải chăm chỉ hơn đấy!” Tôi vẫn rất chăm chỉ, nhưng mấy bài bài trắc nghiệm IQ sau đó, hầu như đều chỉ đạt dưới 70 điểm. Thầy giáo bắt đầu chú ý đến vấn đề này, một lần tan học thầy hẹn gặp tôi nói chuyện và đánh giá từng bài trắc nghiệm IQ của tôi. Tôi sợ thầy hiểu lầm rằng tôi không chăm chỉ, đành kể lại chuyện học lại lớp giáo dục đặc biệt, rồi cả việc IQ chỉ được 70, chẳng ngờ thầy cười rồi bảo:
“Lần trắc nghiệm đó chắc chắn không làm theo trình tự trắc nghiệm rồi! Nếu IQ của em đúng chỉ có 70, thì chắc chắn chẳng thể thi được vào Học viện Sỹ quan Cảnh sát!”
Tôi lại kể cho thầy nghe việc chuẩn bị bảy năm, thi đại học năm lần, lần cuối cùng là do được ưu đãi cộng thêm điểm xuất ngũ nên mới đỗ được đại học. Thầy giáo kinh ngạc lặng nhìn tôi hồi lâu, vẻ mặt không thể tin nổi, gặng hỏi tôi mấy lần:
“Thật như vậy sao?”
“Em Lư! Những điều em nói đều là sự thật sao?”
Nước mắt tôi chảy ra, bởi tôi lo giáo sư không tin tôi, cho rằng tôi không chăm chỉ và không cho tôi qua, vậy thì tôi biết làm sao đây?
Giáo sư Mã là một người thầy tốt, nổi tiếng vì lòng thương yêu sinh viên, thầy thấy tôi nước mắt lưng tròng, bèn vội vàng an ủi: “Anh hùng không sợ xuất thân hèn kém, nhân tài đừng sợ IQ thấp! Nhưng thầy vẫn không tin rằng IQ của em thấp như vậy. Bởi vì năm thứ nhất thầy đã chú ý đến em, ngoài môn tiếng Anh ra, biểu hiện của những phương diện khác đều rất kiệt xuất cơ mà! Thầy sẽ xem cẩn thận lại kết quả trắc nghiệm của em!”
Cách một tuần sau giáo sư Mã lại lên lớp, sau buổi học thầy nói với tôi, thầy phát hiện ra tôi có một điểm kỳ lạ, đó chính là hạng mục năng lực nhận biết, liên tưởng, so sánh, ký ức và biểu đồ của tôi dường như đều thông qua cách đoán định. Bởi vì mấy loại trắc nghiệm có đúng có sai, đương nhiên phần lớn là sai, vậy nên thầy yêu cầu tôi lúc rảnh rỗi sau tiết học làm một bài trắc nghiệm test IQ nhân cách. Trong ấn tượng của tôi, bài test đó có mấy trăm đề, giáo sư mất hơn một tháng để phân tích từng mục một, cuối cùng thầy vui mừng nói với tôi rằng:
“Lư Tô Vỹ! Tôi đoán không sai, em không phải là kẻ ngốc! Mà là một thiên tài khác biệt, thiên tài trong em vẫn chưa được phát hiện ra!”
Giáo sư lấy ra bản phân tích được ghi chép bằng tay của mình.
Trong bao nhiêu mục như vậy, có đến bảy tám phần đánh giá năng lực học tập của tôi thấp kém, nhưng điểm số của những mục năng lực tổng hợp, phân tích và tổ chức lại khá cao, đặc biệt là biểu hiện của năng lực tư duy mang tính mở rộng và tư duy sáng tạo lại rất tốt. Điều này cũng có nghĩa là, nếu như tôi làm công việc sáng tác nghệ thuật thì có thể tiềm năng sẽ được thể hiện rất tốt.
Trong thể chế giáo dục hiện nay, những bài thi trắc nghiệm đều đã có đáp án cố định, nhưng trí nhớ, năng lực đối chiếu hình ảnh, con số và ký hiệu của tôi không tốt, nên nỗ lực của tôi là “làm gấp đôi, hưởng một nửa”, chỉ có thể lấy cần cù bù thông minh. Giáo sư động viên chặng đường đã qua của tôi: “Đúng là vất vả rồi!” Thầy còn đưa ra kết luận: “Hãy biết cách sử dụng ưu thế năng lực của em, không cần phải dùng phương pháp của người khác để học tập, hãy dùng phương pháp của chính em!”
Những câu nói này tựa như đã mở ra một cánh cửa trong đầu tôi. Tôi rời khỏi phòng làm việc của thầy, trở về ký úc xá, không kìm được những giọt nước mắt nóng ấm. Từ thời tiểu học học hành không nổi, đọc sách chẳng xong, viết chữ cũng chẳng được, thì ra không phải do tôi không đủ chăm chỉ, mà là do trí lực của tôi bị hạn chế. Cũng may là tôi đã đi đến được ngày này, có cơ hội được biết rằng phải “sử dụng ưu thế của mình để học tập”, “sử dụng đến phần thiên tài trong bản thân!” Tôi ngước đầu nhìn trời xanh, những áng mây đen đan xen, ánh mặt trời chiếu rọi từ kẽ mây sáng chói một vùng, trong lòng tôi như muốn thét gào: “Tôi phải giành lại những điểm số đã mất! Tôi có thể làm được!” Tôi bắt đầu điều chỉnh kế hoạch và phương pháp học tập của mình, khi đọc sách tôi sẽ đọc trước mục lục cương yếu, xây dựng bảng hệ thống, sau đó điền những từ khóa vào hệ thống đó. Khi thầy giáo lên lớp, tôi liền tự hỏi: đến lúc thi thầy sẽ ra đề thế nào? Thầy muốn đáp án ra sao? Nhờ sự thay đổi này, đến học kỳ hai của năm thứ hai, thành tích của tôi đã lọt vào top ba của lớp. Nhưng khi cầm được bảng điểm, tôi lại không hề cảm thấy đặc biệt vui mừng, trong lòng thậm chí còn có chút phiền muộn – “Tại sao mình không biết sớm hơn một chút!” “Mình không ngu, mà chỉ thông minh theo cách khác so với mọi người!”
Thành tích trước đây của tôi không tốt chỉ vì một nguyên nhân, những đề thầy giáo ra tôi không học đến, đáp án thầy giáo cần tôi cũng không đưa ra được. Thành tích tốt chỉ có một nguyên nhân, đó là đọc những gì mà thầy muốn hỏi, và đưa ra đáp án mà thầy cần thấy, thầy sẽ cho tôi điểm số mà tôi muốn. Một tâm trạng hân hoan không ngừng trào lên trong tim tôi – “Tôi sẽ giành lại những điểm số mà ông trời nợ của mình!” Tôi vận dụng ưu thế của mình, như năng lực phân tích, chỉnh hợp, tổ hợp, biến những nguồn thông tin lộn xộn thành những kiến thức có hệ thống. Cùng với sự giúp sức của thầy hiệu trưởng đương nhiệm Chu Thế Bân và rất nhiều bạn học khác, vào dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Học viện Sỹ quan Cảnh sát, chúng tôi đã xuất bản mục lục phân loại văn hiến Cảnh chính học – một bộ sách vô cùng lớn! Đem tất cả những phân loại luận văn, sách chuyên ngành bị phân tán lưu lạc trên khắp các thư viện và những tạp chí ấn phẩm định kỳ trong suốt 40 năm qua, tập hợp vào trong một mục lục hệ thống rõ ràng. Công cụ mà chúng tôi sử dụng, đơn giản chỉ là dùng từng miếng giấy cắt thành hai miếng to bằng tấm danh thiếp, sao chép biên mục lên rồi tiến hành phân loại. Nếu dùng công nghệ máy tính phát triển như hiện nay để đối chiếu soi xét quyển mục lục này, có lẽ giá trị của nó sẽ có hạn, nhưng đối với thời bấy giờ, đó là cả một bước đi tiên phong trong lĩnh vực Cảnh chính học.
Bộ mục lục này đã tiêu tốn mất khoảng thời gian hơn hai năm, dưới sự chỉ dẫn của cô giáo Hạnh Pháp Xuân và Cố Lực Nhân, hai thầy coi sinh viên chúng tôi là tác giả chính, là chủ biên soạn ra tác phẩm này. Mặc dù trên tác phẩm chỉ được ghi danh hai lần và nhận được một huy chương, nhưng đối với hành trình cuộc đời tôi, việc này không chỉ đã dựng nên một tấm bia kỷ niệm trọng đại, mà quan trọng hơn, nó đã khiến cho tôi có được nhận biết rõ ràng đối với tri thức. Bất cứ một tri thức nào cũng buộc phải được hệ thống thì mới có giá trị, những tri thức không được hệ thống sàng lọc thì đơn thuần chỉ là thông tin mà thôi!
Những kỳ thi từ đó về sau đối với tôi đều trở nên dễ dàng như trở bàn tay – chỉ cần chuẩn bị chu đáo đáp án của thầy giáo, trình bày kín kẽ cẩn thận trên bài thi, rõ ràng mà chuyên sâu, rất ít khi không đạt được điểm cao. Tốt nghiệp với vị trí xếp thứ ba toàn hệ, tôi tham gia và thi đỗ thứ ba cuộc khảo thí cấp cao khoa Quan sát và Bảo hộ con người của ngành Tư pháp hành chính. Cứ mỗi khi gặp phải những sinh viên học hành vất vả mà vẫn năm lần bảy lượt phải nhận thất bại, trong lòng tôi lại dấy lên một nỗi thương hại – chăm chỉ học hành là đúng, nhưng nhất định phải sử dụng đúng phương pháp. Cần cù bù thông minh, nhưng nếu bị lệch phương hướng hoặc sai phương pháp, sự cần cù của chúng ta ngược lại sẽ trở thành một con đường không có điểm dừng, rất khó có thể nhìn thấy thành tựu mà chúng ta muốn! Nhìn thấy thiên tài của bản thân, chính là biết được những phần thiên phú mà ông trời đã ban tặng, để bản thân nỗ lực tận dụng tài năng thiên bẩm của chính mình, thành tựu mà bạn đạt được sẽ lớn hơn gấp bội. Mặc dù, tôi không cố gắng được bằng năng lực xuất sắc nhất của mình – sáng tạo nghệ thuật, nhưng tôi cũng đã dùng đến năng lực hệ thống hóa “biến phức tạp thành đơn giản” của bản thân. Tri thức phải trở thành sức mạnh, sáng tạo ra những điều mới mẻ mặc dù rất cần thiết, nhưng giá trị của năng lực tổng hợp hệ thống vẫn thường vượt qua giá trị của sự sáng tạo. Chỉ là rất nhiều người lại không biết đến sự tồn tại thế mạnh của bản thân. Cùng với sự biến đổi của giá trị xã hội, rất nhiều người đã hao phí cùng kiệt nguồn năng lượng sống, để rồi cuối cùng ngay đến sự tồn tại của một kho báu trong bản thân, họ cũng không chịu tin tưởng!
Nhìn thấy chính mình:
Biết bản thân có thể làm được gì, quan trọng hơn việc biết bản thân không thể làm được gì!
Trong hành trình của cuộc đời có rất nhiều người đem sự khai phá của tiềm năng đặt ở việc làm thế nào để có được thành tích tốt, công việc tốt hoặc chức vụ tốt, và làm thế nào để có được quyền thế, thanh danh, của cải. Nhưng mỗi người đều muốn những thứ khác nhau, “Đừng lấy những thứ mình không cần mà hao phí năng lượng cuộc sống, đừng làm những việc không thích hợp với mình mà đánh mất cơ hội của cuộc đời!” Năng lực ưu thế của tôi hẹp và không dễ dược phát hiện, nhưng sau khi hiểu được, tôi liền bắt tay vào học tập và thử đặt bản thân vào vị trí thích hợp. “Thiên tài” chưa chắc đã có thể đổi lại của cải, thành tựu, nhưng “thiên tài” có thể làm phong phú cuộc đời chúng ta, đi sâu vào cốt lõi của cuộc đời chúng ta.
Rất nhiều người sau khi biết được chặng đường trưởng thành của tôi đều hỏi có thể làm trắc nghiệm tâm lý ở đâu để hiểu được năng lực ưu thế của mình.
Đừng vội tìm kiếm những loại trắc nghiệm có thể đánh giá tố chất thiên tài của bản thân, bởi bất cứ loại trắc nghiệm nào cũng chỉ là công cụ, nó có những hạn chế riêng, không những vậy chúng ta chỉ có thể dựa vào cách thức tự đào sâu tìm hiểu để đánh giá một phương hướng. Trước hết, hãy nhìn lại những kinh nghiệm trong cuộc đời mình, tìm hiểu xem mục tiêu mà bản thân khát vọng thực hiện là gì? Nói một cách đơn giản, đó chính là: “Trong cuộc đời, điều mà bạn thực sự muốn là gì? Bạn khát khao muốn trở thành một người như thế nào? Làm những việc ra sao?”
Hãy đào sâu tự hỏi, liên tục thăm dò. Nếu như những gì chúng ta muốn quả thực không rõ ràng, nếu hy vọng rằng thông qua sự mô tả văn tự, trắc nghiệm lựa chọn để đánh giá chính mình, kết quả mà chúng ta đạt được có thể sẽ tồn tại một khoảng cách rất lớn so với thực tế. Đừng vội vàng xác định rõ điều gì, trong tim chúng ta vẫn đang chất chứa quá nhiều những kinh nghiệm lộn xộn, những thứ đó sẽ che mờ và gây nhầm lẫn, khiến chúng ta tưởng rằng “những kinh nghiệm thành công” đó chính là “năng lực ưu thế” của mình. Hãy biết được mục tiêu và phương hướng mà bản thân muốn hướng đến, sau đó hẵng đi tìm kiếm năng lực, tất cả rồi sẽ trở nên dễ dàng!
Hãy thử xem! Và hãy làm ngay từ bây giờ!
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.